Tìm hiểu đôi nét về văn học chữ Hán Hàn Quốc

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    TÌM HIỂU ĐÔI NÉT VỀ VĂN HỌC CHỮ HÁN HÀN QUỐC

    Lý Xuân Chung
    Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

    Chữ Hán du nhập vào bán đảo Triều Tiên thời điểm cụ thể từ bao giờ thì vẫn chưa xác định được rõ. Nhưng, theo các sách sử Hàn Quốc cho biết, từ năm 108 TCN, nhà Hán đem quân xâm lược bán đảo Triều Tiên, cai trị bán đảo khoảng 100 năm và truyền bá chữ Hán, ra lệnh dùng chữ Hán trong công văn giấy tờ của cơ quan hành chính do nhà Hán lập ra và bắt quan lại nhân viên người bản địa phải học chữ Hán. Từ đó, chữ Hán dần dần được mở rộng, phát triển ra ngoài xã hội và chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa Hàn Quốc nói chung, văn học Hàn Quốc nói riêng.

    Đến thời Ba vương quốc, chữ Hán đã được sử dụng phổ biến và văn học chữ Hán được bắt đầu từ đây.

    Koguryo có vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc nên sự tiếp nhận văn hóa Hán thuận lợi hơn và sớm hơn so với hai vương quốc kia. Theo Tam quốc sử ký, vào đầu thời Koguryo, chữ Hán được sử dụng khá phổ biến và đến năm 372, nhà Thái học được xây dựng để dạy chữ Hán cho học trò. Cùng năm, tượng Phật và kinh Phật bằng chữ Hán cũng được đưa từ Trung Quốc sang. Tấm bia đá cao 6,39m gồm 1800 chữ Hán được dựng vào năm thứ hai đời vua Chang - Su (414) chủ yếu ghi lại thành tựu của Quảng Khai Thổ Đại vương, vua đời thứ 19 triều đại Koguryo với văn chương ngắn gọn, súc tích, chữ đẹp còn lưu giữ được đã cho thấy trình độ chữ Hán và văn học chữ Hán của Koguryo đã đạt tới một trình độ nhất định.

    Thơ và văn xuôi của Koguryo được lưu lại đến ngày nay không nhiều. Về văn xuôi, tiêu biểu nhất là bài văn bia 1800 chữ Hán nêu trên. Về thơ, bài Gửi tướng Tùy Vu Trọng Văn 與隋將于仲文(Dữ Tùy tướng Vu Trọng Văn) của Tướng quân Ất Chi Văn Đức 乙支文德sáng tác vào năm 612 được coi là bài thơ chữ Hán cổ nhất.
    [​IMG]
    Câu thứ nhất và câu thứ hai đối nhau rất chỉnh như “thiên văn”đối với “địa lý”, đặc biệt ở câu thứ tư "Biết đủ dừng lại đi!" là dẫn theo chương 44 sách Đạo đức kinh: "Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu". Qua bài thơ ngũ ngôn này, các nhà nghiên cứu văn học cổ Hàn Quốc nhất trí đánh giá trình độ thơ ca của Koguryo thời kỳ này không thể nói là kém và suy đoán có thể đã xuất hiện nhiều tác phẩm khác nữa.

    PecChê nằm ở phía Tây Nam bán đảo, có nền văn hoá rực rỡ. Nhiều di vật cổ thuộc văn hóa Phật giáo đều được khai quật ở đây. Tuy nhiên, các tư liệu văn học để lại rất ít, tư liệu chỉ cho biết việc giảng dạy Thiên tự văn Luận ngữ đã có từ trước năm 285, tức năm thứ 52 đời vua Gô-Y, bởi vào năm 285, Wang-In (Vương Nhân) là người Pec Chê được cử sang Nhật Bản giảng dạy Thiên tự vănLuận ngữ. Vào năm 375, tức năm thứ 30 đời vua Gưn-Chô-Gô, Tiến sĩ Gô-Hưng (Cao Hưng) lần đầu tiên đã ghi chép lịch sử PecChê, viết thành cuốn sử Thư ký 書記. Về văn vần, chỉ còn lại bài minh (銘文minh văn) trên chiếc gương đồng khai quật được ở lăng vua Vũ Ninh. Còn về văn xuôi, có bài Biểu dâng Ngụy Hiếu Văn Đế xin chinh phạt Koguryo上魏孝文帝請伐高句麗表(Thượng Nguỵ Hiếu Văn Đế thỉnh phạt Cao Cú Lệ biểu) và bức thư của trung thần Sơng Trung từ trong ngục dâng vua Ưi - Cha; Bài văn bia trên tấm bia đá Ghi công tích lấy cát làm nhà 沙宅誌蹟碑(Sa trạch chí tích bi) được viết theo lối biền ngẫu rất tinh tế...

    Shilla ở phía cực Nam bán đảo Triều Tiên nên việc phổ cập chữ Hán muộn nhất trong ba nước. Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đánh giá trình độ văn học chữ Hán Shilla chưa thoát ra khỏi giai đoạn du nhập và tiếp nhận. Những bài văn khắc trên bia đá như Nam San tân thành bi 南山新城碑(Bia thành mới Nam San), Nhâm Thân thệ ký thạch 壬申誓記石(Đá ghi lời thề năm Nhâm Thân), trình độ văn chương còn kém. Dù được viết bằng chữ Hán nhưng thứ tự trong câu lại theo tiếng nước mình. Qua đó đủ thấy, người Shilla dùng chữ Hán để biểu đạt suy nghĩ của họ còn gặp rất nhiều khó khăn. Do những khó khăn đó, người Shilla trên cơ sở chữ Hán đã sáng tạo ra chữ Hương trát (tức chữ I-du) để ghi âm của mình. Chữ này đã có tác dụng hữu hiệu trong việc ghi chép các bài Hương ca 鄉歌 (bài ca dân gian) vốn khá phát triển ở Shilla đương thời.

    Tuy nhiên, những thành tựu về chữ Hán và văn chương chữ Hán của Shilla không phải không có. Năm 545, năm thứ sáu đời vua Chin - Hưng (Chân Hưng), bộ Quốc sử 國史đã được biên soạn. Sau đó, bốn tấm bia tuần thú được dựng ở biên giới có tên Tuần thú bi 巡狩碑cho thấy trình độ chữ Hán và văn chương trong đó khá tốt.

    Về thơ, vào năm thứ tư đời vua Chin-Tơc-Yo-Wang (Chân Đức Nữ vương) (650), Shilla đánh thắng PecChê và để lập mối quan hệ tốt hơn với nhà Đường, Shilla đã dâng cho Hoàng đế nhà Đường bài Chí Đường thái bình tụng 至唐太平頌viết trên vải lụa. Bài thơ đó được gửi sang Trung Quốc, được Trung Quốc đánh giá rất cao.

    Về văn xuôi, cuốn Sách dâng Trấn Bình Vương 上鎮平王書 (Thượng Trấn Bình Vương thư) của Kim-Hu-jik (Kim Hậu Tắc) và Bài Tựa Niết bàn kinh tông yếu 涅槃經宗要序(Niết bàn kinh tông yếu tự) của nhà sư Uôn-Hyô 元曉 (Nguyên Hiểu) cũng được đánh giá cao. Vào thời kỳ này, Phật giáo Shilla phát triển và văn học Phật giáo cũng nổi lên.

    Sau khi Shilla thống nhất bán đảo Triều Tiên năm 676 thì Phật giáo Shilla càng phát triển thịnh vượng. Hai nhà sư Uôn - Chưc 袁測 (Viên Trắc: 613-696) và Uôn-Hyo (Nguyên Hiểu: 617-686) cùng một số vị cao tăng đã giải nghĩa kinh Phật, diễn ra văn vần để các đệ tử dễ học dễ nhớ. Tác phẩm của Uôn - Chưc được ghi chép tổng cộng 108 quyển nhưng hiện còn chỉ có 17 quyển. Tuy là tác phẩm giải nghĩa kinh Phật nhưng cũng được đánh giá cao, có giá trị về mặt văn học chữ Hán. Đặc biệt, nhà sư Uôn-Hyo đã để lại tác phẩm Kim Cương tam muội kinh luận 金剛三昧經論.Thể thơ bốn câu, dễ hiểu và được đánh giá rất cao trong việc hình tượng hoá triết lý sâu xa của Phật giáo bằng ngôn ngữ văn học. Một vị sư nổi tiếng nữa là Hyê-Chô 慧超 (Tuệ Siêu: 704-787) đã từ Trung Quốc tây du sang Ấn Độ và để lại tác phẩm Vãng ngũ Thiên Trúc quốc truyện 往五天竺國傳. Tác phẩm có 5 bài thơ kỷ hành và phần truyện miêu tả một cách sinh động những điều tai nghe mắt thấy trên đường tây du.

    Đó là những nhà sư tiêu biểu tinh thông Hán học. Còn các nhà Nho thực thụ thì Chuê-Chi-Uôn 崔致遠(Thôi Chí Viễn) được đánh giá cao nhất, được coi là ông tổ của văn học chữ Hán Hàn Quốc. Ông sinh năm 857, không rõ năm mất. Năm 12 tuổi, sang nhà Đường du học, lớn lên thi đỗ đại khoa và làm quan nhà Đường. Khi Hoàng Sào nổi dậy, ông thay thượng quan thảo bài Hịch thảo phạt Hoàng Sào 討黃巢檄. Bài Hịch nổi tiếng này của ông được ghi trong sử sách Trung Quốc.

    Chuyển sang thời kỳ Koryo (918 - 1392), việc thực hiện chế độ khoa cử và phát triển trường tư đã mang lại sự phát triển sáng tác văn học có tính đột phá, mở ra thời kỳ mới sôi động và đa dạng trong phát triển văn học chữ Hán. Số nho sĩ thi đỗ qua các kỳ thi ngày một đông và chiếm các chức vị chủ yếu trong chính quyền trung ương đến địa phương. Trên cơ sở ổn định về danh phận, lại được hưởng cuộc sống sung sướng nên họ đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học, trong đó, tác phẩm mang tính giải trí hưởng lạc cũng xuất hiện nhiều.

    Hai đại quan đồng thời là tác gia nổi tiếng giai đoạn này là Kim Bu Sik (Kim Phú Thức 金富軾(1)) và Chơng Chi Sang (Trịnh Tri Thường 鄭知常(2)). Kim Phú Thức là tác giả của bộ Tam quốc sử ký 三國史記. Bộ sách gồm các phần: Bản kỷ 28 quyển, Niên biểu 3 quyển, chí 9 quyển, Liệt truyện 10 quyển. Trong đó, phần Liệt truyện mang tính văn học cao, có giá trị, cách hành văn sinh động và phong phú, đa dạng.

    Một bộ sử nữa mang đậm tính văn học là Tam quốc di sự 三國遺事. Bộ sử này do nhà sư Nhất Nhiên一然biên soạn năm 1281. Tam quốc sử ký là bộ chính sử, còn Tam quốc di sự là bộ dã sử. Tam quốc sử ký mang tư tưởng Nho giáo, còn Tam quốc di sự mang tư tưởng Phật giáo. Đặc điểm nổi bật của Tam quốc di sự là có nhiều truyện kỳ quái và sự tích chùa chiền. Giá trị văn học của nó cũng được đánh giá cao không kém Tam quốc sử ký.

    Xã hội Koryo bước sang thế kỷ XII với những mâu thuẫn gay gắt trong giai cấp thống trị, dẫn đến loạn Yi Cha Kiêm 李資謙(Lý Tư Khiêm) và Myô Chơng 妙清 (Diệu Thanh). Sau loạn lạc, quyền lực của triều đình Koryo lại rơi vào đám võ quan. Dòng họ Chuê nắm quyền và tai họa đổ xuống đầu đám quan văn cùng nho sỹ. Các văn nhân không thể chống lại đám võ quan nên tìm con đường ở ẩn, lánh nạn và sáng tác thơ văn.

    Trúc Lâm cao hội 竹林高會(3) ra đời trong hoàn cảnh đó. Đây là Hội của các văn nhân vốn là hậu duệ dòng dõi quý tộc đã suy tàn, chấp nhận cuộc sống với thiên nhiên núi rừng và sáng tác thơ văn bày tỏ nỗi niềm ưu thời mẫn thế, than phiền thời thế không giúp cho họ, tài năng của mình không được phát huy. Hội trưởng là Yi In Nô 李仁老(Lý Nhân Lão). Ông là nhà phê bình văn học đầu tiên, là tác giả Phá nhàn tập, một tác phẩm được đánh giá rất cao, được coi như chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển phê bình văn học của Koryo.

    Những tác phẩm thơ văn, đặc biệt là truyện ngụ ngôn của Trúc Lâm cao hội 竹林高會 được coi là đã lấp khoảng trống trong sáng tác văn học của đám võ quan cầm quyền và giới quý tộc suy tàn để lại, đồng thời, cũng đã có vai trò gây dựng nền tảng cho tầng lớp nho sĩ mới vào thời kỳ sau.

    Một nhân vật rất nổi tiếng trong giai đoạn này là Yi Kuê Bô 李奎報(Lý Khuê Báo(4)). So với Trúc Lâm cao hội thì ông chỉ là hậu bối, nhưng ông lại gần gũi với họ. Ông từ chối lời chào mời tham gia Hội này và sau loạn võ quan, trở thành nhân vật hàng đầu trong đám nho sĩ mới. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông là Đông quốc Lý tướng quốc tập 東國李相國集, số lượng tới 2500 bài đều đạt tới trình độ rất cao và Đông Minh Vương thiên 東明王, tác phẩm thơ chữ Hán trường thiên viết về Chu Mông 朱蒙, thủy tổ dựng nước Koguryo. Đây là tác phẩm viết về lịch sử được thể hiện bằng thơ dài 1390 chữ được người đời sau đánh giá rất cao, nhất là về tinh thần tự tôn dân tộc.

    Ngoài Đông Minh Vương thiên của Lý Khuê Báo ra, còn có tác phẩm thơ chữ Hán trường thiên nữa làĐế vương vận ký 帝王韻記của Lý Thừa Hưu 李承休viết vào năm 1287. Sách được chia làm hai quyển, quyển thượng thuật lại lịch sử Trung Quốc, quyển hạ viết về lịch sử Hàn Quốc. Ông viết tác phẩm này khi Koryo bước vào thời kỳ bị nhà Nguyên xâm chiếm. Ông phê phán thế lực thân Nguyên và những sai lầm của vua Koryo, đề cao tinh thần tự tôn dân tộc.

    Tác phẩm phê bình văn học viết bằng chữ Hán bắt đầu xuất hiện ở Koryo và đã khiến cho các hoạt động văn học cuối thời Koryo sôi nổi và phát triển. Tiêu biểu trong số đó là:
    1. Phá nhàn tập 破閑集của Lý Nhân Lão 李仁老.
    2. Bạch vân tiểu thuyết 白雲小說của Lý Khuê Báo 李奎報.
    3. Bổ nhàn tập 補閑集của Thôi Tư 崔滋.
    4. Lịch ông bái thuyết 櫟翁稗說của Lý Tế Hiền 李濟賢.

    Chuyển sang thời kỳ Choson (1392-1910), chính sách, chế độ học tập và khoa cử cộng với chính sách tôn Nho hạ Phật của chính quyền Choson đã đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn. Xã hội Choson ổn định lâu dài, kinh tế văn hoá phát triển và từ đó văn học Nho giáo có đất sinh sôi. Năm 1478, vua Sơngjong (Thành Tông) ra lệnh cho ban văn trong triều biên soạn một bộ sách mang tính chất nhà nước, tập hợp thơ văn hay, xếp niên đại song song với Trung Quốc. Việc biên soạn bộ sách này mất 7 năm, có tới 23 học giả nổi tiếng đương thời tham gia, đứng đầu là Từ Cư Chính 徐居正.

    Bộ sách lấy tên Đông văn tuyển 東文選,đề cập tới hơn 500 nhân vật, bắt đầu từ Ất Chi Văn Đức của Koguryo đến Tiết Thông, Thôi Chí Viễn của Shilla, Kim Phú Thức, Lý Nhân Lão, Lý Khuê Báo... của Koryo gồm 4302 thiên. Thơ văn trong các thiên được phân chia thành 55 loại văn thể, bố cục sắp xếp rất chặt chẽ. Lối văn chương được chọn là văn biền ngẫu hoa mỹ. Nội dung phong phú, đa dạng. Tư tưởng chính thống là Nho giáo.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Đây là một bộ tập đại thành văn học chữ Hán Hàn Quốc từ thời Ba vương quốc đến đầu thời Cho Son. Có bộ sách này, người Hàn Quốc tự hào rằng Trung Quốc có Văn tuyển 文選 thì Hàn Quốc có Đông văn tuyển, khẳng định tính độc lập của một quốc gia văn hiến, ngang hàng với Trung Quốc.

    Ở thời kỳ này, ba dòng văn học chữ Hán chủ đạo đã xuất hiện, đó là:
    1. Văn học Quán các 館閤文學(5)
    2. Văn học Sĩ lâm 士林文學(6)
    3. Văn học Phương ngoại nhân 方外人文學(7).

    Về thơ chữ Hán và phong cách thơ chữ Hán ChoSon:

    Thời kỳ đầu ChoSon, thơ chữ Hán lưu hành rộng rãi thể thơ Tống. Nho sĩ đương thời thường học tập theo phong cách Tô Đông Pha. Tuy nhiên, phong cách thơ Tống chỉ kéo dài không quá 30 năm rồi mất đi và các nhà thơ lại chỉ nói tới phong cách thơ Đường.

    Từ thời trung kỳ trở đi, phong trào học văn Tần Hán, thơ thịnh Đường phát triển mạnh. Phong cách thơ Đường của các thi nhân ChoSon được đông đảo độc giả hưởng ứng. Về mặt tác gia và chất lượng tác phẩm, đây là thời kỳ đỉnh cao của phong cách thơ Đường ở ChoSon. Ba tác gia tiêu biểu là Thôi Khánh Xương 崔慶昌, Bạch Quang Huân 白光勛và Lý Đạt 李達. Họ được mệnh danh là Tam Đường thi nhân 三唐詩人.

    Nối tiếp ba nhà thơ hàng đầu này, các tác gia khác đua nhau xuất hiện và sáng tạo thêm, mở rộng thêm phạm vi thể hiện trong phong cách thơ Đường bằng cách sáng tác thơ chữ Hán hùng tráng và hào phóng. Theo đó, thơ về tình yêu nam nữ đã rất thịnh hành và phong cách thơ chữ Hán ChoSon dần dần hình thành.

    Đến cuối thế kỷ XVII, thơ tả thực được xướng lên và nhanh chóng trở thành phong trào. Thơ tả thực thể hiện nguyên bản tự nhiên của ChoSon, để rồi bước sang thế kỷ XVIII, các thi nhân Cho Son đã nêu đượcTuyên ngôn phong cách ChoSon. Phong cách thơ ChoSon là thơ chữ Hán mang tính chất ChoSon khác biệt với Trung Quốc. Người nêu ra điều đó đầu tiên là Park Chi Uôn 朴趾源(Phác Chỉ Nguyên). Theo ông, sông núi ông sống khác với Trung Quốc, ngôn ngữ và lời ca không giống Trung Hoa. Nếu cứ mô phỏng bắt chước Trung Quốc thì càng bắt chước, trình độ văn học càng thấp đi và nội dung chỉ toàn những điều giả dối. Thơ có phong cách ChoSon là thơ miêu tả một cách chân thật đời sống và tình cảm của người ChoSon.

    Đánh giá về thơ chữ Hán phong cách ChoSon, các ý kiến nhất trí rằng, thành quả giá trị nhất của nó là phản ánh chân thực đời sống của nhân dân đương thời.

    Về tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc, có thể nói rằng, trước thế kỷ XVI, các văn nhân Hàn Quốc đều coi trọng thơ phú, xem nhẹ tiểu thuyết nên tiểu thuyết xuất hiện hơi muộn. Khoảng từ cuối thời Shilla, đầu thời Koryo, một số tác phẩm mang tính chất truyền kỳ như Thôi Chí Viễn truyện 崔致遠傳đã xuất hiện. Tiếp theo, những tiểu truyện tự sự gần như tiểu thuyết xuất hiện trong Tam quốc sử kýTam quốc di sự. Nhưng, các nhà nghiên cứu tiểu thuyết Hàn Quốc đều cho rằng, đó chưa thể gọi là tiểu thuyết. Tiểu thuyết chữ Hán đầu tiên của Hàn Quốc là Kim Ngao tân thoại 金鰲新話của Kim Xi Xưp 金時習(Kim Thời Tập: 1435 - 1493) ra đời vào cuối thế kỷ XV và có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển tiểu thuyết Hàn Quốc giai đoạn sau.

    Kim Ngao tân thoại là tiểu thuyết truyền kỳ, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu (1347 - 1433) người đời Minh Trung Quốc. Hiện Kim Ngao tân thoại chỉ còn 5 truyện: Vạn Phúc tự hu bồ ký, Lý sinh khuy tường truyện, Túy du Phù Bích đình ký, Nam Viêm Phù châu chí, Long cung phó yến lục.

    Thể loại tự sự của tiểu thuyết truyền kỳ mà Kim Thời Tập thể hiện trong Kim Ngao tân thoại đã mở ra một thời kỳ mới cho tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc. Những tác phẩm sau đó và trong suốt thế kỷ XVI không ít thì nhiều đều mang dấu ấn của tiểu thuyết truyền kỳ. Tiêu biểu nhất là Xí Trai ký dị gồm các truyện An Bằng mộng du lục, Thư trai dạ hội lục, Thôi sinh ngộ chân ký, Hà sinh kỳ ngộ lục, có nhiều tình tiết mô phỏng theo Kim Ngao tân thoại. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu tiểu thuyết Hàn Quốc còn nhận xét rằng Kim Ngao tân thoại đã đóng vai trò làm cầu nối cho tiểu thuyết truyền kỳ ái tình của thế kỷ XVII và tiểu thuyết mộng du thế kỷ XVIII.

    Tiểu thuyết truyền kỳ ở thế kỷ XVII đã tăng cả về tác phẩm và dung lượng, được chú ý hơn, không bị xem nhẹ, bị coi là tác phẩm của những kẻ ngoại đạo. Tăng thêm dung lượng, tiểu thuyết truyền kỳ thời kỳ này đã mở rộng câu chuyện, kết cấu phức hợp có lớp lang, tình tiết éo le, miêu tả tỉ mỉ. Ngoài truyền kỳ ra, các loại hình khác cũng xuất hiện và phát triển. Đại thể có tiểu thuyết ngụ ngôn, tiểu thuyết mộng du, tiểu thuyết thể truyện, tiểu thuyết dã đàm, tiểu thuyết ái tình - thế thái, trường thiên tiểu thuyết.

    Ở Hội nghị quốc tế tại Hà Nội về tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc - Việt Nam mùa xuân 2006, Giáo sư Yi Sang Chu đã trình bày khá rõ về đặc điểm loại hình và những tác phẩm chủ yếu về tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc thế kỷ XVII - XIX. Trong đó, tiểu thuyết mộng du khá phát triển ở Hàn Quốc. Theo ông, tiểu thuyết mộng du về cơ bản có kết cấu mộng du (hiện thực - giấc mơ - hiện thực) với hình thức tự sự. Từ thế kỷ XV, mộng du lục đã xuất hiện trong khuôn khổ của truyền kỳ và ngụ ngôn, nhưng phải đến thế kỷ XVII, tác phẩm loại này mới xuất hiện nhiều. Ví dụ như Đạt xuyên mộng du lục 達川夢遊錄 của Doãn Kê Thiện, Mộng Kim tướng quân ký 夢金將軍記 của Trương Kinh Thế, Long môn mộng du lục 龍門夢遊錄của Thận Ngôn Trác, Cửu vân mộng九雲夢của Kim Vạn Trọng...

    Theo Giáo sư Yi, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, tiểu thuyết chữ Hán cùng với tiểu thuyết chữ Hàn rất phát triển ở Hàn Quốc và có thể gọi là thời đại tiểu thuyết. Hai loại tiểu thuyết này vừa có ảnh hưởng tương hỗ vừa có sự chuyển biến mới. Trong đó, tiểu thuyết truyền kỳ và mộng du cùng với ngụ ngôn đều phát triển theo hướng chữ Hán. Nó đã chuyển tải được ý thức tư tưởng của con người đương thời và có được giá trị mới. Hơn nữa, tính đa dạng về nghệ thuật và thẩm mỹ đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

    Như vậy, qua đôi nét về văn học chữ Hán, ta có thể có những nhận xét sơ bộ sau:

    1. Ngay từ trước thế kỷ X, văn học chữ Hán đã phát triển ở bán đảo Triều Tiên. Số lượng nho sinh sang nhà Đường du học khá đông và nhiều người thành danh ở Trung Quốc, làm quan nhà Đường, tiêu biểu nhất là Thôi Chí Viễn. Hơn nữa, văn sĩ Hàn đã truyền bá văn chương chữ Hán và văn minh Trung Hoa sang Nhật Bản.
    2. Thơ chữ Hán được người Hàn sử dụng thành thạo, chủ yếu là thơ Đường và Tống, thể thơ Đường luật được coi trọng hơn thơ Tống và chiếm vai trò chủ đạo trên thi đàn suốt chiều dài lịch sử văn học Hàn Quốc.
    3. Cuối thời ChoSon, phong cách thơ chữ Hán ChoSon đã được nêu lên, được đông đảo nho sĩ ChoSon hưởng ứng. Tuy về hình thức, niêm luật vẫn theo thơ Đường nhưng nội dung viết về thiên nhiên và cuộc sống ở ChoSon, hơn nữa, tình yêu nam nữ cũng được thể hiện nhiều trong thơ.
    4. Tiểu thuyết Hàn Quốc được bắt đầu từ truyền kỳ và phát triển mạnh vào thời ChoSon. Cùng với tiểu thuyết chữ Hàn, tiểu thuyết chữ Hán đã có những đóng góp tích cực cho sự hình thành một thời đại tiểu thuyết vào cuối thời ChoSon. Tiểu thuyết chữ Hán vẫn được đánh giá cao hơn chữ Hàn, được coi là tiểu thuyết của tầng lớp trên và chính thống. Tiểu thuyết chữ Hàn chủ yếu phục vụ cho phụ nữ và tầng lớp dưới.

    So sánh với văn học chữ Hán Việt Nam, ta thấy:

    1. Văn học chữ Hán Hàn Quốc phát triển sớm hơn văn học chữ Hán Việt Nam. Điều này hoàn toàn có thể căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử để lý giải. Bởi, thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc ở nước ta kéo dài tới 1000 năm. Khi bán đảo Triều Tiên hình thành ba vương quốc rồi thống nhất thì nước ta vẫn ở trong thời kỳ lệ thuộc. Hơn nữa, sau khi Shilla thống nhất đất nước, Shilla đã lập được mối quan hệ hữu hảo với nhà Đường và cử nho sinh sang học. Sự truyền bá văn học của nhà Đường sang Shilla sớm hơn nhiều so với nước ta.
    2. Từ thời trung đại trở đi, có thể nói, sự tương đồng về văn học giữa hai nước nổi bật nhất là văn học chữ Hán. Từ thơ Đường luật đến tiểu thuyết chữ Hán, do ảnh hưởng của văn học, văn hóa Trung Hoa nên từ thể loại, loại hình, đến điển tích điển cố văn học… đều có nhiều nét tương đồng.
    3. Tuy chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn học Trung Quốc nhưng các tác gia của hai nước đều để cao tinh thần tự tôn dân tộc. Điều đó thể hiện trong từng chữ từng câu ở các bài văn chính luận. Hơn nữa, tác giả hai nước còn muốn nêu cao phong cách văn học của dân tộc mình, cả về mặt sáng tạo ra một thứ chữ mới để sáng tác văn học, cũng như thể loại mới.


    Chú thích:
    ([1]) Kim Phú Thức (1075 - 1151): xuất thân trong gia đình quý tộc ở Ke - Sơng, từ nhỏ đã nổi tiếng văn hay thơ giỏi, thi đỗ lúc còn trẻ, cha con anh em đều nổi tiếng. Ông viết cuốn Tam quốc sử ký, một bộ chính sử ghi chép về thời Ba vương quốc.
    (2) Trịnh Tri Thường (? - 1135): sinh ra ở Tây đô (Bình Nhưỡng), thi đỗ từ lúc còn trẻ, làm quan tới chức Hàn lâm học sĩ tri chế cáo, nhà thơ nổi bật nhất trong số các nhà thơ nổi tiếng đương thời.
    (3) Trúc lâm cao hội còn có tên là Trúc Lâm thất hiền, Hải tả thất hiền gồm 7 người: Lý Nhân Lão, Lâm Xuân, Ngô Thế Tài, Hoàng Phủ Kháng, Hàm Thuần, Lý Kham Chi, Triệu Thông.
    (4) Lý Khuê Báo (1169 - 1241), từ nhỏ nổi tiếng thần đồng, 22 tuổi đỗ đầu đại khoa, làm quan Bộ Lễ đến năm 24 tuổi, nhân chuyện cha mất, ông lui về ở ẩn viết sách.
    (5) Văn học Quán các:
    Quán các là tên gọi chung của địa điểm quán sảnh quản lý sách vở thư tịch như Hoằng Văn quán, Nghệ Văn quán, Khuê Chương các... Đây là nơi đảm nhiệm công việc của nhà vua, soạn thảo văn thư ngoại giao với Trung Quốc, nghiên cứu kế sách và học thuật...
    Văn học quán các về đại thể có nội dung chủ yếu ủng hộ và ca tụng triều đình, sắp đặt điển lệ, chỉ đạo phương hướng văn học của thời đại ChoSon, nhấn mạnh giá trị độc quyền của văn học chữ Hán. Thiên hướng của văn học quán các chủ yếu là ca tụng, ủng hộ, chú trọng hình thức, kỹ xảo văn chương nên đã sinh ra cái gọi là văn học phái từ chương.
    (6) Văn học Sĩ lâm:
    Sĩ lâm là tên gọi chung các Nho sĩ vùng Yong - Nam đã thi đỗ và làm quan trong triều.
    Văn học Sĩ Lâm chủ trương văn học phải chứa đựng tinh hoa của văn học và đạo đức, phản đối văn học từ chương. Nhìn chung, phái này có quan điểm hết sức thực dụng, nhấn mạnh đến nội dung hơn là hình thức, cho rằng văn học chỉ khi nào cống hiến cho xã hội, phản ánh thực tế thì mới có thể phát huy được giá trị của nó.
    (7) Văn học Phương ngoại nhân:
    Phương ngoại có nghĩa là không gian thoát ra khỏi trung tâm quyền lực. Phương ngoại nhân là chỉ những văn nhân chống lại thể chế, sống tự do tự tại và tự do sáng tác. Tác phẩm văn học của họ không theo hình thức mang tính quan liêu và cũng không theo chủ nghĩa đạo đức, thực dụng của phái Sĩ Lâm. Họ viết về chủ đề mà hai phái kia không đề cập tới, thông qua tác phẩm để giải tỏa nỗi buồn không thực hiện được hoài bão của mình ở thế giới hiện thực.



    Tài liệu tham khảo
    1. Kim Đông Uk: Quốc văn học sử, Nxb. Il Sil, Seoul, Hàn Quốc, 1997.
    2. Vi Húc Thăng: Triều Tiên văn học sử, Nxb. Đại học Bắc Kinh, 1985.
    3. Tư liệu của Hội nghị quốc tế tại Hà Nội về tiểu thuyết chữ Hán Hàn Quốc và Việt Nam (mùa Xuân 2006).
    4. Hàn Quốc, lịch sử và văn hóa, Nxb. Chính trị quốc gia. 1995
    5. Hàn Quốc, lịch sử và văn hóa, Nxb. Văn hóa, H. 1996.
    6. Komisook - Jung Min - Jung Byung Sul: Văn học sử Hàn Quốc, Lý Xuân Chung và Jeon Hye Kyung dịch Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.
    7. Hàn Quốc trên đường phát triển, Ngô Xuân Bình - Phạm Quý Long (đồng chủ biên), Nxb. Thống kê Hà Nội, 2000./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (85) 2007; Tr.13-21)
     

Share This Page