1 năm gia nhập WTO nhìn từ thực hiện cam kết trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Hôm 11.1.2008, tại hội nghị 1 năm gia nhập WTO, ngay sau khi vị đại diện của Bộ KH&CN lên phát biểu những kiến nghị đối với việc triển khai thực hiện cam kết gia nhập WTO, một chuyên gia về SHTT quay sang tôi- một phóng viên chuyên về lĩnh vực SHTT- hỏi rằng ấn tượng của tôi về 1 năm thực thi quyền SHTT như thế nào. Câu hỏi hơi bất ngờ vì lẽ ra người hỏi phải là tôi, thế nhưng không hẹn mà gặp cả hai chúng tôi ( và có lẽ nhiều người khác nữa) đều nhất trí rằng : đó chính là hình ảnh nhà nước “bắt tay” ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Microsoft trong đó có cam kết sử dụng phần mềm hợp pháp. Sau nhà nước các đơn vị như ngân hàng, tài chính cũng đã ký cam kết sử dụng phần mềm hợp pháp của Microsoft. Chúng ta còn là một nước nghèo, thế nhưng với quyết tâm của chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nhân và người dân chúng ta đã thực hiện rất tốt những cam kết về SHTT để chứng tỏ bản lĩnh hội nhập : không đi ăn cắp chất xám....!

    Thoát khỏi “mặc cảm” số 1 về “ăn cắp chất xám”

    Xây dựng và vận hành một hệ thống bảo hộ quyền SHTT quốc gia theo chuẩn mực của Hiệp định TRIPS là một trong những yêu cầu tiên quyết để được kết nạp vào WTO. Theo yêu cầu của Hiệp định TRIPS mỗi quốc gia thành viên hoặc xin gia nhập WTO phải dành sự bảo hộ quyền SHTT một cách đầy đủ và hữu hiệu cho công dân của các thành viên WTO theo nguyên tắc đối xử quốc gia và tối huệ quốc. Cụ thể là các thành viên phải có hệ thống pháp luật và bộ máy để bảo hộ quyền SHTT (bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng) đáp ứng chuẩn mực tối thiểu của Hiệp định TRIPS về nội dung, phạm vi, thời hạn quyền và bảo đảm thực thi (chống xâm phạm) quyền. Có thể thấy những yêu cầu của TRIPS là rất cao đối với điều kiện thực tế ở Việt Nam và đã có nhiều lo ngại rằng khi vào WTO các DN (và cả người dân quen “xài” hàng hoá, sản phẩm “nhái”, băng đĩa lậu....) sẽ bị kiện bởi vi phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, theo nhận định của T.S Trần Việt Hùng- Cục trưởng Cục SHTT thì lo ngại đó đã không xảy ra, trái lại, chúng ta đã thực thi nghiêm túc các cam kết của mình mà không gây ảnh hưởng hay xáo trộn tới nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp và đời sống xã hội.

    Theo T.S Trần Việt Hùng thì sở dĩ chúng ta không bị “sốc” khi thực thi các cam kết về SHTT là bởi chúng ta đã phấn đấu từ 11 năm về trước trong quá trình đàm phàn gia nhập WTO. Chúng ta đã xây dựng và thực hiện một Chương trình hành động về SHTT để gia nhập WTO. Trong khuôn khổ chương trình hành động này hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và sửa đổi, nhờ đó các đối tượng SHTT lần lượt được đưa vào bảo hộ, chế độ bảo hộ từng bước được hoàn thiện theo chuẩn mực của Hiệp định TRIPS. Luật SHTT 2005 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã được xây dựng và ban hành trên cơ sở tổng hợp tất cả các quy phạm pháp luật được các thành viên WTO rà soát, góp ý sát sao. Theo Bộ KH&CN trong suốt một năm qua kể từ thời điểm kết thúc đàm phán, chúng ta vẫn không ngừng nỗ lực để đưa hệ thống SHTT của Việt Nam đến chỗ hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực quốc tế, cụ thể ở các hoạt động hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật. Với những nỗ lực này, Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Hùng cho biết Việt Nam không còn bị coi là nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới nữa.

    Có cần một Ban chỉ đạo quốc gia về sở hữu trí tuệ?

    Mừng vì chúng ta đã không bị “sốc” khi thực thi các cam kết về SHTT trong WTO nhưng cũng phải lo bởi thực tế hoạt động thực thi quyền vẫn chưa đạt hiệu quả như yêu cầu của các đối tác quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ. Ban chỉ đạo 127 T.Ư vừa tổ chức tổng kết hoạt động năm 2007 và triển khai công tác năm 2008. Một trong những vấn đề được đặt ra tại hội nghị là vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến nóng bỏng và phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín nước ta khi đã là thành viên của WTO. Nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT gia tăng theo nhận định của chính “những người trong cuộc” trước hết là do quy định pháp lý về thực thi quyền SHTT vẫn chưa thực sự đầy đủ. Nhất là về cơ sở pháp lý xác định hành vi và quy trình thủ tục pháp lý trong kiểm tra , xử lý đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường. Tại Luật SHTT chủ yếu quy định xử lý hành vi buôn bán vận chuyển hàng nhập lậu, hành vi kinh doanh trái pháp luật mà khó có thể áp dụng để xử lý hành vi vi phạm SHTT (nên trong thực tế các lực lượng chức năng khi xử lý các vụ việc tương tự cũng bỏ qua hành vi vi phạm quyền SHTT mà thường chỉ xử lý là hàng giả hoặc hàng kinh doanh trái pháp luật). Cục QLTT tại hội nghị cũng thừa nhận rằng đúng là có thực tế khi kiểm tra phát hiện hàng nhập lậu thường chỉ xử lý về hàng lậu, khi kiểm tra băng đĩa hình chỉ xử lý có nhãn hay không có nhãn, băng đĩa ngoài luồng hay không, mà không xử lý về vi phạm bản quyền tác giả. Bộ KH&CN trong một báo cáo mới đây nhất cũng thừa nhận rằng vướng mắc chủ yếu trong hoạt động thực thu quyền SHTT là thẩm quyền thực thi hành chính ( ngoại trừ thẩm quyền thực thi tại biên giới của hải quan) thuộc về hàng loạt các cơ quan khác nhau, chưa có sự phân định thẩm quyền, chưa có cơ quan điều phối và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này khiến cho hoạt động thực thi thiếu tính thống nhất, đồng bộ.Theo Cục QLTT thì cần có những điều chỉnh phù hợp tránh tình trạng kiểm tra, xử lý tràn lan, tuỳ tiện , gây tác động xấu đến thị trường hoặc kiểm tra, xử lý không nghiêm minh, không triệt để, manh mún, thậm chí là tình trạng “gặp đâu làm đấy”.... Để thiết lập một tổ chức và cơ chế điều phối hoạt động thực thi hành chính, nhiều ý kiến đã đề xuất chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về SHTT. Tuy nhiên, Bộ KH&CN cho rằng xuất phát từ thực tế hoạt động kém hiệu quả cần nghiên cứu để thiết lập một cơ chế điều phối hoạt động liên ngành thích hợp hơn.

    Chủ sở hữu quyền cũng cần nỗ lực và “vào cuộc”

    Kinh nghiệm từ các nước thực thi tốt quyền SHTT trên thế giới cho thấy vai trò tham gia của các DN - chủ sở hữu quyền SHTT-trong hoạt động thực thi quyền là rất quan trọng. Luật SHTT của Việt Nam cũng đã quy định đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của các DN. Tuy nhiên hiện tại chưa có nhiều DN quan tâm và chủ động để bảo vệ, khẳng định quyền lợi, sản phảm của mình trên thị trường, do đó công tác phối hợp và hợp tác giữa DN và các cơ quan thực thi pháp luật còn rất hạn chế. Hơn nữa, ở nước ta sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả chưa có nhiều.Bản thân nhiều DN còn buông lỏng hoặc không có khả năng trong việc quản lý, giám sát phân phối tiêu thụ hàng hoá của mình, họ coi việc chống hàng giả là của các cơ quan thực thi pháp luật. Điều này dẫn tới tình trạng nhìn trên thị trường thấy rất nhiều loại hàng hoá bị làm giả, làm nhái nhưng các cơ quan thực thi thường không chủ động kiểm tra,xử lý, chủ động thông báo với chủ sở hữu có hàng bị lamg nhái, làm giả.

    Hiện cũng vẫn chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể về vấn đề này như quy định : trong trường hợp nào thì cơ quan thực thi có quyền chủ động kiểm tra, xử lý và trong trường hợp nào thì các cơ quan thực thi có trách nhiệm thông báo yêu cầu đối với DN có hàng bị làm giả. Theo bà Nguyễn Ngân Quyên- Tổng thư ký Hiệp hội chống hàng giả và xâm phạm quyền SHTT của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết để “trợ giúp” đắc lực hơn nữa cho cơ quan thực thi, Hiệp hội này đang tạo lập một cơ sở dữ liệu để giúp cho hỗ trợ các cơ quan hải quan, công an sử dụng cơ sở dữ liệu đó trong việc theo dõi và phòng chống hàng giả. “Chúng tôi sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền có hành lang pháp lý cho việc sử dụng cơ sở dữ liệu đó để làm chứng cứ khi xử lý hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT nghiên cứu để có thể đưa vào hoạt động một hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam để các cơ quan có thể tra cứu và có thể coi đó là một có sở để quyết định các mức xử phạt khi xảy ra các vi phạm liên quan đến quyền SHTT”, bà Nguyễn Ngân Quyên nói. Hệ thống này còn cho phép tra cứu để tìm ra “lý lịch” vi phạm của một trường hợp cụ thể ví dụ như một công ty bị xử phạt về hành vi nhái nhãn hiệu ở T.P Hồ Chí Minh, khi bị phát hiện hành vi tương tự tại Hà Nội, cơ quan chức năng có thể tra cứu và khi có đầy đủ bằng chứng về việc công ty đó đã từng bị xử phạt hành vi tương tự thì vi phạm có thể được xem là “tái phạm”.

    Thanh Lương
    Tạp chí TCĐLCL - Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page