2007- Năm thắng lớn của Dệt may Việt Nam

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, năm 2007 ngành dệt may sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu, với kim ngạch đạt khoảng 7,8 tỉ USD, vượt 450 triệu USD so với kế hoạch và tăng 32% so với năm 2006, có thể vượt qua cả dầu thô.

    Những lô hàng được xuất đi vào những ngày cuối tháng 12 đang được công nhân tại các đơn vị khẩn trương kiểm tra lại lần cuối cùng để đóng gói xuất đi các nước. Năm 2007, các sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí chủ đạo, đạt khoảng 4,5 tỉ USD, thị trường EU khoảng 1,5 tỉ USD, Nhật Bản 700 triệu USD...

    Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dệt may Việt Nam từ chỗ bị khống chế theo hạn ngạch vào thị trường Mỹ thì nay đã được phép xuất theo năng lực và nhu cầu thị trường. Với quy chế của một thành viên WTO, các doanh nghiệp (DN) được hưởng điều kiện kinh doanh bình đẳng. Thuế nhập khẩu dệt may Việt Nam vào một số thị trường sẽ giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam thâm nhập các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài vào dệt may Việt Nam sẽ tăng đáng kể, nhất là đầu tư vào hạ tầng của ngành dệt may sẽ tạo điều kiện cho DN sản xuất chủ động, hạ giá thành... đẩy mạnh xuất khẩu.

    Tuy nhiên ngay đầu năm, khi nhận định về tình hình xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2007, ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - đã đưa ra hàng loạt thách thức khắc nghiệt mà DN phải đối mặt. Trong đó khó khăn nhất là chương trình giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam do Chính phủ Mỹ thực hiện. áp lực càng gia tăng nặng nề khi hầu hết chi phí đầu vào sản xuất đều tăng hơn 40% so với năm ngoái.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Cảnh báo này đã thành sự thật khi nhiều đơn hàng của quí 1-2007 giảm mạnh khi cơ chế giám sát đặc biệt của Mỹ chính thức áp lên năm nhóm hàng dệt may gồm quần, áo sơmi, đồ lót, đồ bơi và áo len. Dù chỉ mới dừng ở việc giám sát số liệu, nhưng chương trình này đã gây một số bất lợi lẫn thiệt hại rất lớn đối với ngành khi hàng loạt nhà nhập khẩu lớn tạm ngừng, thậm chí rút đơn đặt hàng ở Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro - ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch Vitas, cho biết thêm.

    Nhưng chính các DN chứ không ai khác đã chủ động thoát khỏi các tình huống khó khăn. Những khuyến cáo liên tục của Vitas và Bộ Công thương yêu cầu các DN phải kiên quyết nói "không" với việc chuyển tải bất hợp pháp để tránh gia tăng mức độ nguy hiểm có khả năng dẫn đến điều tra chống bán phá giá đã được các DN thực hiện nghiêm túc. Toàn bộ hệ thống sổ sách liên quan đến lý lịch và chi phí đầu vào của lô hàng xuất khẩu để phục vụ công tác kiểm tra (nếu có từ phía Mỹ) đều được các DN chuẩn bị chu đáo. Chính sự chủ động thực hiện một cách đồng bộ này đã mang lại kết quả rất khả quan cho thị trường Mỹ khi tốc độ gia tăng kim ngạch xuất khẩu cứ ngày một tăng dần. Sau quí 1 tương đối "u ám", ngành dệt may đã tăng tốc xuất khẩu từ tháng tư trở đi, liên tiếp đạt mức xuất khẩu trung bình trên 500 triệu USD/tháng, thậm chí có các tháng liên tiếp đạt mức kỷ lục trên 700 triệu USD/tháng vào quí 3-2007.

    Theo ông Lê Quốc Ân, Chính tác động của WTO đã giúp chúng ta có được thành quả đó. Năm 2007, hầu hết các đơn vị trong ngành dệt may đã đẩy mạnh công tác sản xuất, quản lý chất lượng, tập trung làm các mặt hàng có giá trị kinh tế cao nên vẫn được Hoa Kỳ nhận xét xuất khẩu tốt và không có dấu hiệu bán phá giá. Nhiều đơn vị đã đạt tỷ suất lợi nhuận rất cao, điển hình là: Tổng Công ty Phong Phú, Việt Tiến, Nhà Bè tăng 30%, đặc biệt công ty Thái Tuấn tăng tỷ suất lợi nhuận tới 90%.

    Ông Phạm Xuân Trình, Phó TGĐ Tổng Công ty dệt Phong Phú cho biết: " Chúng tôi đã có những biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, tăng thiết kế, đáp ứng yêu cầu, tạo ra sự khác biệt và xây dựng quảng bá thương hiệu. Phong Phú đã có chính sách về chất lượng sản xuất đảm bảo tới tay người tiêu dùng, chứ không phải chỉ đảm bảo trong hệ thống kiểm soát nội bộ".

    Mục tiêu năm 2008, ngành dệt may Việt Nam sẽ xuất khẩu 9,5 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2007. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 55% tổng kim ngạch. Chính vì vậy, năm tới sẽ là một năm căng thẳng đối với ngành bởi những rào cản đến từ thị trường chủ lực. Trước thực trạng này, Hiệp hội Dệt may đã có những chỉ đạo và các giải pháp cụ thể. "Chúng tôi đã chỉ đạo trong ngành phải tăng tốc, khôi phục lại ngành bông, vải, tăng 1 tỷ mét vải trong vòng 5 năm, ổn định lao động bằng cách di dời các doanh nghiệp về địa phương, giải quyết giảm tối đa tranh chấp lao động", ông Lê Quốc Ân cho biết.

    Theo quyết định mới, năm 2008, Mỹ sẽ tiến hành 2 lần đánh giá số liệu hàng xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường này vào tháng 3 và tháng 8. Đây là tình thế có thể dẫn đến những rủi ro cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Trong hoàn cảnh này, Bộ Công thương đã cảnh báo: Cách duy nhất có thể chủ động đối phó là, doanh nghiệp và các cơ quan của Chính phủ phải hợp tác trong một cơ chế tự điều tiết xuất khẩu, duy trì một mức giá cao, tránh những đơn hàng giá thấp để Mỹ có thể lấy cớ khởi kiện bán phá giá đối với các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Với thị trường EU, nếu các doanh nghiệp tiếp tục khai thác tốt thì có thể "sống tốt" khi nhu cầu hàng dệt may của EU rất đa dạng. Cũng có trở ngại là vào năm tới EU sẽ bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc, đẩy sức cạnh tranh của các DN trong nước so với DN Trung Quốc ngày càng khốc liệt hơn về giá và khả năng cung ứng đơn hàng lớn.

    Riêng thị trường Nhật, dù chiếm tỉ trọng khiêm tốn nhưng đây vẫn là thị trường "ăn chắc mặc bền" đối với các DN đã xây dựng được niềm tin với khách hàng Nhật. Cơ hội sẽ mở rộng cửa hơn cho tất cả DN nếu trong năm sau Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện VN - Nhật (VJEPA) được đẩy mạnh đàm phán. "Bộ Công thương phải nỗ lực hết sức để có được kết quả đàm phán tốt nhất, sao cho thuế của VN vào thị trường Nhật từ 10% xuống còn 0%, trong đó có hàng dệt may" - ông Khu nhấn mạnh.

    Quang Tuấn
    Tạp chí TCĐLCL - Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008
     

Share This Page