Ẩn hoạ từ phẩm mầu công nghiệp

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 17, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Nhiều loại phẩm màu công nghiệp và chất bảo quản thực phẩm từ lâu đã bị cảnh báo là gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người nếu sử dụng không đúng. Tuy nhiên, hiện nay nó vẫn đang bị lạm dụng trong chế biến, bảo quản một số loại thực phẩm, ẩn họa từ những chất độc hại này dường như vẫn chưa đánh thức được sự quan tâm của người tiêu dùng.

    Hiện nay hầu như ở tiệc cưới hay quán bar, cà phê nào cũng có món hạt dưa đỏ rang chín để các vị khách nhấm nháp. Món nhấm nháp này đã quen thuộc từ rất lâu nên dường như không mấy ai bận tâm đến việc nó được nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp, thứ phẩm màu mà người ta vẫn dùng để nhuộm chân hương, vàng mã. Hạt dưa đỏ rang chín bán ở hầu khắp cửa hàng, đại lý bánh kẹo, các siêu thị, trung tâm thương mại. Chính vì sức tiêu thụ mạnh ở bất cứ thời điểm nào trong năm, nên những tuyên bố tịch thu, tiêu hủy của thanh tra Sở Y tế Hà Nội sau nhiều lần phát hiện hạt dưa đỏ bán ở phố Hàng Buồm, Hàng Đường nhuộm phẩm màu công nghiệp mỗi dịp giáp Tết gần như vô tác dụng. Khi đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rút quân, tại nơi vừa kiểm tra hạt dưa lại được bày bán túi lớn túi nhỏ, giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Chẳng biết hàng được sản xuất từ đâu vì hàng không hề có xuất xứ, nhãn mác. Trên địa bàn Hà Nội hiện chưa phát hiện cơ sở nào nhuộm màu hạt dưa. Phần lớn hạt dưa đỏ bán trên thị trường hiện nay theo một số chủ hàng là nhập từ Trung Quốc.

    Hạt dưa đã vậy, lạp xường bán tại cửa hàng khô ở các chợ Mơ, Châu Long... còn đáng nói hơn. Những túi lạp xường bám đầy bụi vì treo lâu ngày trên giá chỉ có túi nilon trắng trơn không thấy đề nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Phía trong túi nilon khi mở ra màu từ những chiếc lạp xường phai ra đỏ hoe, nhưng người bán vẫn một mực phân bua lạp xường chỉ bị hấp hơi còn chất lượng không vấn đề gì. Theo một cán bộ quản lý thị trường Hà Nội, còn có tình trạng một số cửa hàng chế biến thực phẩm pha chất nhũ vàng (một loại hóa chất dùng để in giấy tiền vàng mã) rồi tẩm vào thịt quay. Hay việc sử dụng phoócmon trong bánh phở được đoàn thanh tra liên ngành thành phố phát hiện mới đây tại mấy cửa hàng trên phố Trần Quý Cáp cho thấy, tình trạng coi thường sức khỏe người dân vì lợi nhuận của những người sản xuất vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

    Theo ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Tết là cơ hội để thực phẩm kém chất lượng được tung ra do lượng người mua rất lớn. Đáng lo ngại là hầu hết thực phẩm không nguồn gốc đều sử dụng phụ gia, đặc biệt là phẩm màu độc hại, quá liều lượng cho phép. Phẩm màu được sử dụng nhiều nhất trong những hộp mứt, bánh kẹo gia công. Hóa chất độc hại trong phẩm màu có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới ung thư. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, vào các ngày lễ, Tết, số người nhập viện vì ngộ độc thường cao nhất trong năm. Thống kê có đến 40% ca ngộ độc vào điều trị tại Trung tâm là do thực phẩm, thậm chí có năm tăng gấp ba, bốn lần so với ngày thường.

    Do độc tính và tác hại của nhiều loại hóa chất như hàn the, phoócmon, đạm urê, phẩm màu công nghiệp... từ năm 1925 hầu hết các nước trên thế giới đã cấm không cho sử dụng các hóa chất này trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Còn tại nước ta, trong quyết định của Bộ Y tế ban hành danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng lại không quy định các chất phụ gia cấm sử dụng. Đây chính là một điều bất cập và là kẽ hở cho các nhà sản xuất lợi dụng. Trong 5 năm qua, mặc dù hệ thống kiểm nghiệm ATTP nước ta đã được đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Tổng số 64 trung tâm Y tế dự phòng có 64 labô xét nghiệm phục vụ cho công tác ATTP nhưng chỉ có 16 labô có máy ký sắc lỏng nên năng lực xét nghiệm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh, hocmon, độc tố còn hạn chế.

    Một khía cạnh khác, theo Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh, cái khó trong vấn đề bảo đảm ATVSTP là ngành này thì cấm sử dụng loại hóa chất này hay kháng sinh kia trong khi ngành khác lại vẫn được sử dụng. Sự không thống nhất đó làm cho công tác quản lý VSATTP vốn đã rất phức tạp lại càng phức tạp, khó khăn thêm. Về phía ý kiến của các ngành công an, tòa án, với những trường hợp sử dụng hóa chất độc hại phải xử lý thật nghiêm, thậm chí phải khởi tố. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự quy định về tội vi phạm VSATTP, hậu quả xảy ra gây thiệt hại đến tính mạng hay thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng nếu áp dụng vào thực tế từng vụ việc thì lại chưa xử lý hình sự được, vì hậu quả nghiêm trọng không xảy ra ngay trước mắt. Nhưng hậu quả của những việc làm vi phạm đó là hậu quả lâu dài, là tác nhân gây nên các bệnh nan y và ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở vài người mà liên quan trực tiếp đến sức khỏe của cả một cộng đồng nhiều thế hệ, tất cả những bất cập này đã đến lúc cần bổ sung, sửa đổi.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Huyền Vi
    Số 1 Tháng 1 Năm 2008
     

Share This Page