Ẩn sĩ thi nhân Chu Doãn Trí

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 5, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    LẠI VĂN HÙNG
    PGS.TS. Viện Văn học

    A - VÀI NÉT VỀ CUỘC ĐỜI:

    Chu Doãn Trí sinh năm Kỷ Hợi (1779) triều Lê Cảnh Hưng, mất năm Canh Tuất (1850) triều Nguyễn Tự Đức. Ông quê ở xã Dục Tú, huyện Đông Ngàn xứ Kinh Bắc (nay là thôn Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội). Thân phụ ông là Chu Doãn Mại(1), hiệu Hy Thích, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1778) năm Cảnh Hưng thứ 39, làm quan trải các chức Hàn lâm viện Đãi chế, Đông các Hiệu thư, Quốc tử giám Tùy giảng và Tham chính Hải Dương, là bạn thân của Lập Trai Phạm Quý Thích. Có lẽ từ mối quan hệ đó mà sau này Chu Doãn Trí trở thành học trò của tiên sinh Lập Trai, rất gắn bó với thầy học, theo hầu và chăm sóc thầy hết lòng. Bạn đồng học của Chu Doãn Trí gồm hầu hết nhóm “Văn nhân Hà Thành” hồi đó, như là: Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, Ngô Thế Vinh…, có điều là hầu như mọi người đều đỗ Tiến sĩ và tham gia quan trường, còn riêng Chu Doãn Trí thì không. Ngay từ khá sớm, ông Trí đã có ý không mặn mà lắm với khoa cử và tự tìm đường đi riêng: học chữ nhưng dứt khoát theo nghề y. Ông từng khẳng định: “Phàm nên được việc thường phải dựa vào thời, còn nếu như không thể gặp thời, thì cứ theo cái chí của mình”(2). Tuy thế, ông cũng không phản đối chuyện thi cử, thậm chí rất vui mừng khi có bạn bè, người thân, đồng hương đồng quận đỗ đạt. Tự tay ông còn viết trướng mừng, như các bức trướng mừng Phan Đình Dương (1805 - 1865) người Trang Liệt (Đông Ngàn) đỗ Tiến sĩ năm 1842, mừng Trịnh Xuân Thưởng (1816-1871) người Danh Lâm (cũng thuộc Đông Ngàn) đỗ Tiến sĩ năm 1847(3) …

    Song song với nghề y, Chu Doãn Trí cßn tham gia công việc dạy học. Ông trở thành một nhân vật rất có uy tín và đức độ trong khu vực, đến mức từ các đường quan cho đến bọn phỉ tặc đều vị nể. Bản Bắc Ninh Chu xử sĩ hành trạng(4) (Hành trạng ẩn sĩ họ Chu người Bắc Ninh) chép rằng: Quan Phủ hiến Bắc Ninh muốn đặt trướng mời Chu Doãn Trí đến dạy dỗ cho con em mình. Chu Doãn Trí nói: “Ở sảnh đã có Học quan, thầy giáo tư lại ngồi ám bên cạnh, sợ không tiện”. Quan cố ép. Doãn Trí nghiêm mặt nói: “Lễ là nói đến học, chứ chưa nghe nói là lai vãng đến dạy”. Quan bèn thôi.

    Cũng bản sách trên lại chép: hồi Bắc Ninh mới chia tỉnh, phỉ cướp hoành hành, bắt người giữa ban ngày và bắt nạp tiền chuộc, vùng Đông Ngàn tệ ấy càng dữ. Người đi qua đó đều phải nói dối là qua nhà Tiên sinh ở Dục Tú xin thuốc, bọn phỉ mới thả cho đi. Quan Bố chánh rất lạ bèn hỏi Doãn Trí có thuật gì mà khiến bọn đạo tặc cảm phục thế. Ông điềm nhiên trả lời rằng: Kẻ thôn phu ở nhà, suốt ngày chỉ biết dạy trẻ, trị bệnh, ngoài ra không dám biết gì hơn.

    Có thể do danh tiếng ông như thế, nên một số thân bằng và quan chức đã có ý tiến cử ông lên triều đình. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), nhà vua đã có lệnh vời, nhưng ông vin cớ già yếu, xin không đi. Chu Doãn Trí được chuẩn y và ban thưởng. Ông làm bài thơ Khâm mông thiên ân gia tưởng cung kỷ sự (Kính cẩn ghi lại việc được ơn trời khen ngợi) như có ý bái tạ:

    “Thiệu Trị nguyên niên thu cửu nguyệt,

    Cửu thiên vũ lộ sái hàm cai.

    Hoa hồng dương tửu kinh sao xuất,

    Dư cái loan đề tỉnh phái lai.

    Thụ tứ tự tri thành khoáng đặc,

    Phủ cung tư cảm thiệp suy đồi.

    Trường tư báo hiệu tri hà địa,

    Đãn đắc lê canh toại tố hoài.”

    (Tháng chín, mùa thu, năm Thiệu Trị thứ nhất,

    Chín tầng trời mưa móc vẩy đến tận gốc cây lạnh.

    Rượu “Hoa hồng dương” ban cho, từ Kinh đô sao lục rõ ra,

    Xe lọng chuông rung do quan tỉnh phái đến.

    Nhận thưởng, tự biết là đặc ân lớn lao,

    Cúi xét mình, riêng cảm thấy là đã suy yếu rồi.

    Nghĩ mãi về sự báo đáp lại, nhưng biết làm sao?

    Chỉ bát canh rau lê thôi, đã thỏa nguyện xưa).

    Vì lúc đó, Chu Doãn Trí đã 62 tuổi, có lẽ ông cũng cảm thấy rằng dẫu được dïng thì cũng chẳng còn cống hiến được là bao. Cũng khoảng thời gian này, Chu Doãn Trí có cuộc gặp lại Phương Đình Nguyễn Văn Siêu - người bạn đồng môn cũ. Đến năm 1850 - niên hiệu Tự Đức thứ 3, Chu Doãn Trí mất. Sau này, Nguyễn Văn Siêu đã rất nhớ cuộc gặp 10 năm trước đó, và đến 1858 tự tay “thần Siêu” đã biên soạn hành trạng người bạn của mình, lại tự tay điểm duyệt toàn bộ thơ văn Chu Doãn Trí.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    B - SỰ NGHIỆP THƠ VĂN
    I - Tác phẩm:

    Thơ văn Chu Doãn Trí do người con trai là Hoằng Phu vựng tập, môn nhân là Tri phủ Trùng Khánh Đào Xuân Quế hiệu biên. Sau hai người đó, Nguyễn Văn Siêu khi sắp xếp lại toàn bộ thơ văn Chu Doãn Trí đã viết: “Tôi đã xem, chia thơ làm 2 tập; cả cổ cận thể khoảng 1000 bài; văn làm 1 tập, cả tản và ngẫu thể khoảng nghìn thiên.” Qua đó, đủ biết Chu Doãn Trí đã trứ tác rất nhiều. Tiếc là số lượng ấy không còn đầy đủ. Thơ văn Chu Doãn Trí hiện chỉ còn khoảng ngót 300 đề bài, được chép chủ yếu qua hai tập:

    1. Tạ Hiên tiên sinh nguyên tập, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2432, gồm 137 tờ, chia làm:

    - Quyển 1: Chu Tạ Hiên thi tiền tập, từ tờ 8a đến tờ 57b,

    - Quyển 2: Chu Tạ Hiên thi hậu tập, từ tờ 58a đến tờ 101b; và quyển Tạ Hiên tiên sinh nguyên tập di văn, từ tờ 102a cho đến hết.

    2. Bắc Ninh Chu xử sĩ hành trạng, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.1298. Đây là tập sách chép hành trạng và một số thơ của Chu Doãn Trí, nhưng có nhiều bài trùng với tập trên. Ngoài ra, ông còn tham gia soạn bản hành trạng Phạm Quý Thích (Phạm Lập Trai tiên sinh hành trạng).

    Thơ văn Chu Doãn Trí đa phần bằng chữ Hán. Chỉ có một tác phẩm Nôm là Chu Tử gia huấn diễn âm, do chính ông viết lời bạt.

    Xem một lượt, thấy tác giả cũng trứ tác ở hầu khắp các thể loại văn học cổ trung đại, như là: thơ, từ, hành, ký, cổ phong trường thiên, phú, truyện, hành trạng, tựa, bạt, dẫn, tán, văn tế…; trong đó phần sáng tác thi ca đóng vai trò chính yếu. Nhiều bài thơ của Chu Doãn Trí trở lại thể 4 chữ như là các bài Đề trắc hải (Đề thơ bên bể c¹n) và bài Đáp Yên Thái huynh Chuyết Phủ (Đáp lại huynh Chuyết Phủ ở Yên Thái)…; đặc biệt có một số bài chỉ có 6 câu, như là bài Thụy Hương tân cảm hứng (Cảm hứng qua bến Thôy Hương) và bài Giai Bái Dương Ngô Dương Đình túc Nhận Hạng dạ chước (Đêm uống rượu cùng Bái Dương Ngô Dương Đình ở nhà Nhận Hạng)(5)... Cả mấy bài đều là thơ ngũ ngôn, 6 câu, nên chăng có thể coi đây là những cách tân về mặt thể tài của thể ngũ ngôn ?

    Thơ Chu Doãn Trí nhìn chung chân phác, dễ hiểu, ít dùng điển cố. Đó cũng là một nét đặc sắc khá riêng.

    II - Giá trị về nội dung và nghệ thuật

    1. Cả cuộc đời Chu Doãn Trí gắn bó với chốn thôn dã, núi non, sông nước, nên đề tài nổi bật hơn cả trong thơ ông là đề tài về thiên nhiên, cảnh vật. Cảnh trong thơ ông thường đẹp. Có khi đẹp một cách bình dị, như Yên Phong dã quán ngẫu hứng (Ngôi dã quán ở Yên Phong):

    “Cổ mộc âm trung cổ đạo bàng,

    Sổ chuyên dã túc quải ngâm nang.

    Thôn liên vãn thị yên thường hợp,

    Dã tiếp dao sơn sắc chuyển trường.

    Trú vĩnh thiền cầm y đoản trúc,

    Phong cao mạch lãng tẩu hàm đường.

    Tam niên cửu quán tòng du địa,

    Thử cảnh khan lai tự vị thường.”

    (Dưới bóng cổ thụ, bên con đường xưa,

    Mấy cái đòn tay trong quán đủ để treo túi thơ.

    Thôn xóm liền với chợ chiều hòa trong làn khói,

    Cánh đồng nối tận dãy núi xa, màu sắc trải dài.

    Buổi sớm nghe tiếng đàn cầm của ve sầu rỉ rả mãi trong khóm trúc ngắn,

    Gió trên cao thổi sóng lúa mạch chạy rạp theo bờ đập lạnh.

    Đất mới đến, ba năm ở đã thành quen,

    Nhưng cảnh này xem ra tựa như chưa từng gặp).

    Có khi đẹp một cách trong sáng, như ánh trăng và mảnh ao đêm thu (Thu dạ):

    “Du dương trúc ảnh nguyệt tiêm trần,

    Liễm liễm trì quang nhất phiến ngân.

    Phong nguyệt thiên thu hoàn thử dạ,

    Khâm hoài sái lạc thị hà nhân.”

    (Phất phơ bóng trúc không vướng mảy bụi trần,

    Mặt ao sáng lóng lánh như một mảnh bạc.

    Trăng gió tự nghìn thu cũng như dồn cả về đêm nay,

    Ai người được thảnh thơi, tiêu sái?).

    Thiên nhiên như làm thức dậy trong con người ý niệm về không gian và thời gian mình đang sống. Dường như cái đẹp là vĩnh hằng, dẫu người gặp cảnh chỉ là hy hữu:

    “Hồ cảnh thiên niên tại,

    Thiền đường tịch chiếu lâm.

    Ngư chu ba cộng xuất,

    Phượng chủy thảo do thâm.

    Ái kết liên thôn thụ,

    Phong phiên hạ chử cầm.

    Kỷ hồi minh nguyệt dạ,

    Tái tửu khả trùng tầm.”

    (Đăng Trấn Quốc tự vọng Tây Hồ)

    (Phong cảnh Hồ Tây ngàn năm còn đó,

    Nơi cửa thiền (Trấn Quốc) bóng chiều buông.

    Làng chài dập dềnh làn sóng dậy,

    Bãi Mỏ Phượng um tùm cỏ mọc dày.

    Ráng mù giăng phủ khắp cây cối trong thôn,

    Gió lùa xuống đàn chim trên cồn.

    Độ nào nữa gặp được đêm trăng sáng thế này,

    Lại mang rượu tìm đến nơi đây).

    (Lên chùa Trấn Quốc trông ra Tây Hồ)

    Đây nữa, cảnh còn đẹp một cách hoành tráng, hùng vĩ như khi nhà thơ Vọng Mai Sao sơn bộc bố (Ngắm thác trên núi Mai Sao):

    “Vạn mộc chi đầu phiến thạch thượng,

    Ba đào nhất phái hưởng quần phong.

    Hành quá trùng loan hồi thủ vọng,

    Uyển nhiên bạch đạo dữ thiên thông.”

    (Trên đầu cành muôn ngọn cây, trên cả những phiến đá,

    Một dòng sóng cuộn âm vang vọng giữa các ngọn núi.

    Trèo qua các vách hang điệp trùng ngoảnh nhìn lại,

    Bỗng thấy dòng thác như con đường trắng xóa uốn thông lên trời).

    Không phải vô cớ mà khi bình điểm bài thơ này, Nguyễn Văn Siêu đã phê là: “Thanh lưu chỉ thượng” (Âm thanh như đang chảy trên mặt giấy).

    Cảnh trong thơ Chu Doãn Trí không chỉ đẹp, mà đó còn là những cảnh lạ. Đò qua sông là để chở khách, nhưng Úc Chi độ (Bến đò Úc Chi) thì không như thế:

    “Thiển thủy cực vi thúy,

    Giang tâm thạch tạc tạc.

    Cô chu bất độ nhân,

    Phiếm hướng lô hoa bạc.”

    (Nước cạn trong vắt đến đáy,

    Lòng sông đá phơi lồ lộ.

    Con đò lẻ loi chẳng đưa được khách,

    Bồng bềnh đến buộc cạnh đám hoa lau).

    Hóa ra, đây là một bến đò mùa cạn. Cũng thế, khi Sơn hành khẩu chiếm (Đi trên núi xuất khẩu thành thơ) thì đối tượng được miêu tả lại là lớp lớp những con suối, tưởng như suối kia cứ quấn níu chân người:

    “Nhất tuyền thanh tiệm viễn,

    Phục thính nhất tuyền minh.

    Sơn hành nhất bán nhật,

    Tam thập nhất tuyền thanh.”

    (Tiếng một dòng suối vừa xa,

    Lại nghe tiếng một dòng suối nữa.

    Đường núi mới chỉ nửa ngày đi,

    Có đến ba mươi mốt tiếng suối reo).

    Rõ ràng là một khung cảnh lâm tuyền rất đỗi khác thường. Tác giả nói là “khẩu chiếm” (xuất khẩu thành thơ), nhưng nhà phê bình Nguyễn Văn Siêu thì nhận xét là: “Thi như thử phỉ dị” (Thơ làm đến thế chẳng dễ chút nào).

    Thiên nhiên được tái hiện trong cảnh thế không giống cái bình thường. Bên cạnh cảnh lạ, thơ thiên nhiên Chu Doãn Trí còn có những tứ lạ. Đấy là cái cách nhà thơ nhìn cây và suối ở Hiển Thụy am (Am Hiển Thụy):

    “Nham đầu thụ lão hoa thùy hạm,

    Thạch bích tuyền sinh chước nhập bôi.”

    (Cổ thụ già đầu núi rủ hoa xuống mé hiên,

    Dòng suối vọt ra trên vách đá như rót rượu vào trong chén).

    Còn đây là cách miêu tả nhà sư và những khách du ở Vệ Linh sơn Lan Tương tự (Chùa Lan Tương núi Vệ Linh):

    “Tăng tòng bạch vân xuất,

    Khách vọng thanh tùng lai.”

    (Nhà sư như đi ra từ mây trắng,

    Khách du trông theo bóng tùng xanh mà đến).

    Những tứ thơ hay thường là kết quả từ sự quan sát tinh tế và một tâm hồn nhạy bén của chủ thể sáng tạo. Quả là Chu Doãn Trí đã có được ưu thế đó. Hãy xem ông cảm hứng mùa thu (Thu hứng):

    “Chiếu nhãn bất tri sơn chuyển sấu,

    Sung trường dã hỷ thái sơ phì.”

    (Phóng tầm mắt mà chẳng hay dáng núi hao gầy,

    Khoảnh đất được đầy thêm lại vui rau vừa mập nõn).

    Thơ thiên nhiên của Chu Doãn Trí còn một điểm đáng lưu ý nữa là cảm hứng về chốn Thiền môn. Ông đi đến nhiều và sáng tác nhiều về cảnh sắc nơi cửa Phật. Dường như vị xử sĩ Tạ Hiên còn muốn lánh xa tục lụy hơn nữa bằng cách phóng thả tâm hồn mình vào tận cùng cõi tĩnh lặng.

    Bên Long Động tự (Chùa Long Động), tác giả viết:

    “Long Động khai giai thú,

    Hoa hiên khách thủy lai.

    Sơn khê khai thế giới,

    Hoa thảo cách trần ai.

    Phi huề vân liên hải,

    Trì kinh thạch khởi đài.

    Nhật tà khan bất yếm,

    Tá túc đáo tăng trai.”

    (Long Động mở ra cảnh nhã thú đẹp,

    Đỉnh núi đầy hoa, khách vừa tới.

    C¶nh nói, suèi nh më mét thÕ giíi kh¸c,

    Hoa, cỏ cách hẳn cõi trần bụi bặm.

    Khí mù bốc lên, mây liền mặt biển,

    Tụng trì kinh sách, đá dựng lâu đài.

    Lúc chiều buông ngắm mãi không chán,

    Tá túc thì đến trai phòng của sư).

    Còn Yên Tử sơn đạo trung (Trên đường núi Yên Tử), tác giả viết:

    “Yên la nhất kính giáp nguy bình,

    Kỷ khúc u tuyền đái vãn tình.

    Tự cách trùng loan chung khánh đoạn,

    Quần viên vị báo bán thiên thanh.”

    (Một con đường cây khói mờ, núi dựng bình phong cao vút áp hai bên,

    Mấy khúc suối thâm u lượn dưới ánh chiều trong vắt.

    Chùa cách núi cao trùng điệp khiến tiếng chuông tiếng khánh đứt quãng,

    Đàn vượn vì ta mà báo rằng đang ở giữa lưng trời).

    Có điều Chu Doãn Trí ít khi nói giáo lý Phật, mà ông thiên về nói những xúc cảm do cõi Phật đem lại cho con người. Bước vào cõi Phật, tiếp nhận cảnh vật chốn Thiền lâm, con người ta như được tự gột rửa, thậm chí là như được giác ngộ và siêu thoát. Đấy là điều tác giả cảm nhận khi lên tới Hoa Yên tự (Chùa Hoa Yên):

    “Cao phong do vị bán,

    Phạn vũ dĩ nan phan.

    Vân trướng khuynh Đông hải,

    Vân đê trực Bắc san.

    Trúc lâm di kệ một,

    Dược táo mộ yên nhàn.

    Thâm giác sơ vong quyện,

    Du nhiên dục vũ hàn.”

    (Đỉnh núi cao trèo lên chưa đến nửa chừng,

    Chùa Phật thật khó mà vịn leo tới.

    Mây đùn nghiêng cả biển Đông,

    Mây rủ dựng thẳng ngọn núi Bắc.

    Lời kệ để lại của thiền phái Trúc lâm đã mất,

    Mây nhàn bay trên bếp nấu thuốc lúc chiều tà.

    Giác ngộ sâu xa, bỗng quên hết cả mỏi mệt,

    Lâng lâng như muốn vỗ cánh bay).

    Nhìn chung, thơ thiên nhiên Chu Doãn Trí khá đa dạng. Bên cạnh những đề tài quen thuộc, gần gũi thường thấy như tùng, cúc, trúc, mai, phong, hoa, thủy, nguyệt… trong cổ thi, người ta nhận ra Chu Doãn Trí có xu hướng nghiêng về miêu tả cảnh vật thiên nhiên ở những không gian rộng thoáng hơn. Thơ ông cũng họa phác được những bức tranh phong cảnh vừa đẹp vừa kỳ, trong đó ẩn hiện không ít những núi non, rừng suối, những mặt nước long lanh ánh trăng, những hoa cỏ, mây khói, và những cổ tự u huyền thoát tục…

    2. Tiếp theo đề tài thiên nhiên, điểm thứ hai cần chú ý là đề tài về lịch sử. Nằm trong khuôn thức chung của các tác gia cổ - trung đại, thơ Chu Doãn Trí cũng có nhiều bài vịnh sử, cụ thể là đề vịnh các nhân vật lịch sử và các di tích lịch sử.

    Xem quốc sử, Chu Doãn Trí viết chùm bài Độc quốc sử tạp vịnh vịnh đề mấy nhân vật như An Dương Vương, Triệu Vũ Đế và Nhị Trưng (tức Hai Bà Trưng). Tác giả ngợi ca, tiếc nuối sự nghiệp của Hai Bà; có ý phê phán việc dùng hôn nhân vào việc chính trị của Triệu Vũ Đế. Riêng với An Dương Vương, tác giả bày tỏ sự ta thán và có phần xót thương - không phải chỉ vì ngôi vị một ông vua, mà vì vận mệnh của cả một dân tộc, cương vực của cả một quốc gia. Điều này còn được thấy lại một lần nữa khi tác giả đến thăm vùng cố đô và viết Loa thành hoài cổ:

    “Cổ thụ âm sâm dã kính thiên,

    Nhân gia thác lạc xuất hòa thiên.

    Trùng thành do túc xưng thiên hiểm,

    Di sử đồ văn ký nhất truyền.

    Tỉnh phế tẩy châu nhân hấp thủy,

    Đài không thí tiễn thảo hàm yên.

    Sổ bôi dã thị kham bằng điếu,

    Già mạc chi đầu khiếu đỗ quyên.”

    (Cổ thụ um tùm, con đường ngoài đồng chạy xiên,

    Nhà cửa chen nhau mọc lên bên ruộng lúa.

    Tòa thành mấy vòng vẫn đủ coi là hào trời hiểm trở,

    Sử sách để lại, thấy ghi một truyền thuyết.

    Giếng rửa ngọc châu đã hoang phế, người ta múc lấy nước dùng,

    Tòa đài để thử sức tên bắn đã bỏ không, cây cỏ ngậm khói.

    Nhắp mấy chén rượu chợ quê ngỏ niềm hoài niệm,

    Cớ sao tiếng đỗ quyên vẫn kêu hoài trong lùm cây).

    Tác giả có lẽ đã góp phần dự báo về những thói tệ của một “xã hội tiểu nông”; với tầm nhìn hạn hẹp, người ta làm nhà lên di tích, trồng cấy lên di tích, sử dụng di tích một cách quá ư thực dụng. Tác giả cũng bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước thực tế là con người đã không biết trân trọng giữ gìn quá khứ và di sản của chính cha ông mình, trong khi - dẫu chỉ là một loài vật - tiếng đỗ quyên như vẫn khắc khoải nhớ về nước cũ.

    Qua vùng đất quê hương nhà Lý trước những Cổ Pháp lăng (Lăng mộ ở Cổ Pháp), thấy tình trạng có khá hơn:

    “Bát vị truyền di sử,

    Thiên niên hữu thử lăng.

    Liên hoa dư lạc biện,

    Sơn dược kỷ thương đằng.

    Vãng sự lưu Thiên Đức,

    Lai phong tiếp Nguyệt Hằng.

    Cận gia tiều thái cấm,

    Vạn thụ lộ hoa ngưng.”

    (Tám vị đế được truyền lại trong sử sách,

    Ngàn năm còn có khu lăng mộ này.

    Đóa sen còn sót cánh rơi,

    Núi thuốc mấy dây leo xanh.

    Chuyện xưa cứ chảy xuôi theo dòng Thiên Đức,

    Gió đến cứ thổi mãi về phía núi Nguyệt Hằng.

    Gần đây đã thêm lệnh cấm người hái củi,

    Trên muôn cành cây sương móc đọng đầy hoa).

    Song sự hồi cố về một thời vẻ vang sửa dựng cơ đồ vẫn là cảm xúc chủ đạo. Cũng thế, khi đến vùng núi Đông Triều đề thơ chùa Quỳnh Lâm (Đề Quỳnh Lâm tự), tác giả viết:

    “Bán bích cao đài dư cổ thế,

    Hà niên đại tượng thất chân kim.

    Đông A tích tự phù vân cải,

    Soái phủ đê tồn bích thảo thâm…”

    (Nửa vách đài cao, còn trơ lại thềm xưa,

    Pho tượng lớn năm nào, đã phai hết lớp mạ vàng.

    Dấu tích thời Đông A biến đổi tựa như mây nổi,

    Tấm đá đen ở Soái phủ hãy còn nhưng cỏ đã phủ biếc).

    Đến đây thì những vần thơ hiện thựcấy đã ẩn chứa một tiếng thở dài buồn bã. Còn đâu một thời Phật giáo thịnh vượng - cái nhân tố cần thiết để cố kết nhân tâm, hòa đồng thể chế; còn đâu hào khí một thuở đánh đuổi ngoại xâm, giữ vững chủ quyền và quốc thổ. Chu Doãn Trí hoài cổ và ông như có ý gửi gắm, nhắn nhủ điều gì với đương thời chăng?

    3. Nội dung nữa là thơ văn Chu Doãn Trí thể hiện được rất rõ cuộc sống và tâm trạng của chính bản thân tác giả qua những mối quan hệ, gắn bó của chủ thể trữ tình với môi trường, hoàn cảnh xã hội nông thôn lúc bấy giờ.

    Chu Doãn Trí là người lập chí ẩn nhàn, không thi cử, không làm quan. Tư tưởng này được chính hành trạng ông nói rõ, và nó cũng được biểu lộ qua khá nhiều sáng tác.

    Ông làm bài tả cảnh Trì thượng tiểu hiên (Hiên nhỏ trên mặt ao) mà đến tài thơ Phương Đình cũng phải thốt lên: “U cảnh dật tình, dư do khả tưởng” (Tình cảnh thật nhàn dật, ta như còn có thể mường tượng ra trước mắt):

    “Tiểu hiên kết tựu cổ giang can,

    Thủy tức đình giai trúc tức lan.

    Trần tĩnh phong thường đương tọa khởi,

    Ba trừng nguyệt cố vị thu hàn.

    Ý tùy tiểu đĩnh ngư can phóng,

    Mộng hướng tà dương điểu ngữ lan.

    Già mạc thời tương suy mấn chiếu,

    Tự cam lão lại bất trường than.”

    (Mái hiên nhỏ dựng buộc trên bến sông xưa,

    Nước chính là bậc thềm, bờ trúc làm lan can.

    Bụi lắng, gió hẩy lên từ chỗ ngồi,

    Sóng lặng, trăng vì thế chưa vào thu lạnh.

    Mặc ý mà buông cần theo chiếc thuyền câu nhỏ,

    Giấc mộng thả theo tiếng chim hót tận lúc chiều tà.

    Bất luận rằng lúc đó có soi thấy tóc mai thưa thớt,

    Tự cam lòng làm ông già lười, chứ không than thở).

    Đúng là một cuộc đời thật sự nhàn dật. Không thấy có dáng vẻ buông câu chờ thời như Khương Tử Nha Lã Vọng, cũng không giống chút nào với cảnh Thu điếu (Câu cá mùa thu) của một người đã từ bỏ quan trường lui ẩn như Nguyễn Khuyến sau này. Tác giả tự ý thức và chấp nhận cảnh nhàn, xa lánh hẳn cõi thế thị phi trần tục. Ý này đã thấy ở phần thơ thiên nhiên trên kia và còn thấy lại nữa khi nhà thơ ngầm ví mình với Phong lan (Hoa phong lan):

    “Diệp kính túc đương phong,

    Hoa thùy nhược kham bội.

    Tuy cư lâm phố gian,

    Trần thổ an năng mỗi.”

    (Lá cứng đủ để chống với gió,

    Hoa rủ như đeo ngọc bội.

    Tuy nhiên, đã ở sâu nơi vườn rừng,

    Bụi bặm nào có thể vướng bẩn).

    Như thế, nhàn dật là tự nguyện, là để thỏa chí, là để thuận theo tính tình của mỗi người. Anh có quyền làm thế này, tôi có quyền làm thế khác, miễn là thỏa nguyện, miễn là hợp lẽ. Cho nên, đã nhàn dật, thơ Chu Doãn Trí còn biểu hiện sự phóng thả của tính cách cá nhân:

    “Cố nhân ẩm dược, ngã ẩm tửu,

    Đối tháp thùy tri tự thành ngẫu.

    Sâm quế ư quân đương tác xan,

    Nhi ngô nhật nhật bôi tại thủ.

    Túng nhiên lưỡng dịch kỳ bất năng,

    Lục nghị đan sa bất nhược phủ.

    Hà như thuận toại kỳ tính tình,

    Bệnh khởi túy đảo các vô cữu.”

    (Đối Lê Nhận Hạng ẩm tửu)

    (Cố nhân uống thuốc, còn tôi uống rượu,

    Đối diện bên giường ai hay thành một đôi.

    Sâm quế với bạn chính là món ăn bổ,

    Còn tôi ngày ngày, chén cầm trên tay.

    Đương nhiên là hai chuyện ấy có thể chuyển đổi mà chẳng thể,

    Tăm rượu, chu sa không giống nhau.

    Sao bằng cứ thuận theo tính tình của mỗi người,

    Kẻ ốm dậy, hay kẻ say lăn kềnh đều chẳng lỗi lầm gì).

    (Uống rượu với Lê Nhận Hạng).

    Lẽ dĩ nhiên, đã chấp nhận cuộc sống nhàn ẩn, đã tự mình sống với cái bản ngã của mình thì cũng phải đối diện với một phương diện khác của thực tại thường nhật: đó là sự cô đơn, quạnh vắng. Rất nhiều khi tác giả rơi vào trạng thái cô độc:

    “Phần hương độc tọa,

    Chử mính độc thường.”

    (Đáp Yên Thái huynh Chuyết Phủ)

    (Đốt lò hương ngồi một mình,

    Đun chè một mình nhắp).

    Kèm theo đó bao giờ cũng là một tâm trạng buồn bã. Nhất là khi gặp những đêm trăng sáng, trời chuyển vào thu, dế kêu, lá rụng, cảnh vật như càng làm tăng nỗi lẻ loi phiền muộn:

    “Nguyệt như sương dạ tĩnh vô trần,

    Song ngoại sơ văn lạc diệp tần.

    Hà xứ cung thanh đàn độc thiết,

    Bán tùy phong khứ, bán sầu nhân.”

    (Văn cung)

    (Trăng sáng nhòa làn sương đêm tĩnh lặng không gợn chút bụi trần,

    Chợt nghe ngoài song lá rụng nhiều.

    Tiếng dế nơi đâu như tiếng đàn đơn độc ngân lên da diết,

    Nửa theo gió bay, nửa khiến lòng người sầu muộn)

    (Nghe tiếng dế)

    Rồi sầu muộn đến mức không ngủ được (Bất mị cảm hoài):

    “Thiên cổ đa tình nhất phiến thu,

    Bằng thùy thử dạ cộng du du.

    Đương môn tiêm nguyệt qua trì diện,

    Đáo chẩm phong thanh khởi thụ đầu.”

    (Từ thiên cổ người ta ngụ tình nhiều vào một vẻ trời thu,

    Đêm nay chia sẻ cùng ai nỗi lòng dằng dặc buồn.

    Ánh trăng, qua mặt ao hắt xiên vào cửa,

    Tiếng gió từ ngọn cây lùa đến bên gối).

    Thật quả là nỗi lòng của kẻ “đa ưu”. Dường như chỉ cần một cơn cớ nhỏ là tâm hồn nhạy cảm đã rung lên. Nhưng nỗi sầu của nhà thơ ở đây có khi chẳng phải nỗi sầu nhân thế mà nó mang sắc thái khác. Không thấy có vấn đề xã hội với chiến tranh, loạn lạc, chém giết, thù hận, đau khổ…, chỉ thấy có thiên nhiên với trăng sáng, sương đêm, dế kêu, lá rụng, gió lùa… Thế nên, cái buồn của thi nhân là cái buồn của một tâm trạng ở vào những khung cảnh, những thời điểm không thể không buồn. Và thi sĩ đã chọn cái không gian đó, thời gian đó để thể hiện hiện hữu tâm hồn mình. Cũng lại phải hiểu thêm rằng thơ xưa không chỉ có ngôn chí mà còn có cả ngôn tình nữa.

    Mà tình thì bao giờ cũng phức tạp, đa vẻ. Những tưởng Chu Doãn Trí ở ẩn, lánh đời chỉ có những cô đơn, sầu muộn. Thực ra không phải hoàn toàn thế. Thơ ông cũng có nhiều bài nói đến niềm vui. Tác giả nhìnvườn nhỏ có hoa cúc các màu trắng, tím, vàng nhạt, phớt hồng nhất thời nở rộ, vui sướng bèn làm thơ (Tiểu phố hữu cúc bạch, tử, sương, hoàng, thiển hồng các sắc nhất thời thịnh khai hỷ phú):

    “Ngũ thái thiên vân điểm xuyết thành,

    Đông ly tiểu tiểu bách hoa thành.

    Dĩ giao túc sái hoàn xuân sắc,

    Bất bả trinh phương viễn tục tình.”

    (Nhờ có mây trời ngũ sắc điểm xuyết mà thành,

    Giậu phía Đông nho nhỏ đua dậy trăm hoa.

    Đã khiến cho sự tiêu điều trở lại vẻ xuân tươi,

    Chẳng giữ hương thơm tinh khiết mà cách xa tình thế tục).

    Đến khi vào Tiết trùng dương, vẫn có cái nao lòng khi trời bắt đầu se sắt, vẫn có cái cảm thức về thời gian đang trôi mất dần, nhưng nhà thơ đã mở lòng hòa đón niềm vui của bách tính gặp phong niên:

    “Xâm thần mộc mạch đái thương thanh,

    Tống đắc trùng dương khứ kỷ trình.

    Điền xá cạnh đàm đa mạch triệu,

    Hô quần xa tửu giải đương phanh.”

    (Tảng sáng mưa phùn lất phất bay hòa trong tiếng thu,

    Đã mấy độ đưa tiễn tiết trùng dương qua đi?

    Người làm ruộng đua nhau bàn tán về điềm được mùa,

    Vào bếp nướng cua, rồi gọi nhau mua chịu rượu).

    4. Thơ Chu Doãn Trí thể hiện những trạng thái cảm xúc khá phong phú: có lúc muốn thả lòng siêu thoát cùng thiên nhiên, cùng cõi Phật; có lúc buồn bã hoài cảm, đơn độc; có lúc lại vui vẻ tươi tắn hòa đồng với cảnh, với người. Chính trạng thái cảm xúc đó đã khiến tấm lòng nhà thơ - tuy là một xử sĩ - mà vẫn gần cận dân tình, thông cảm sẻ chia với người dân phải chịu đựng thường niên những thiên tai, hạn hán, đói rét…

    Tác giả làm đến mấy bài thơ nói về cảnh Khổ hàn (Khổ vì trời rét), lại cực tả cảnh đó:

    “Phí thang hốt như băng,

    Tệ sàng nghi nãi thạch.”

    (Canh vừa nóng mà chợt lạnh như băng,

    Giường rách nát ngờ là phiến đá).

    Lại cũng là những câu thơ tả cảnh lạnh giá ít thấy. Trong cảnh đó áo mặc không có: “Vô do tư hàn y” (Lấy gì để cấp cho áo rét), cái ăn cũng không có: “Tân cốc vị tựu hoạch” (Lúa mới chưa đến vụ gặt) thì rõ là đã rét lại thêm đói nữa. Cảnh giáp hạt, đói rét thấu xương như hiện rõ. Quả chẳng phải vô lý mà dân gian truyền nhau một câu cửa miệng mà càng ngẫm càng thấy xót: “No ba ngày tết, ấm ba tháng hè”.

    Hóa nên nhà thơ rất vui khi thấy các sắc hoa cúc nở “khiến cho sự tiêu đầu trở lại vẻ xuân tươi”, hay là khi thấy “Người làm ruộng đua nhau bàn tán về điềm được mùa”, như đã nói trên.

    Đã Khổ hàn, dân chúng còn chịu cảnh Khổ hạn (Khổ vì hạn hán):

    “Nhuận tuế phương ngũ nguyệt,

    Dĩ quá lục nguyệt tiết.

    Nhất tảo(6) kỷ đa thời,

    Thu điền canh bán xuyết.

    Ân lôi thính chung dạ,

    Bất kiến chiêm đầu hạ.

    Hắc vân lai vị thâm,

    Trường hồng hốt dĩ giá.

    Kim triêu tuy mộc mạch,

    Minh triêu hoàn thước thạch.

    Tây phong bất sĩ kỳ,

    Đông hải nan vi kích.

    Nông phu tụ tương ngữ,

    Khởi cảm hoặc hoàng xứ.

    Hồ vi vãng vu điền,

    Trung tâm nhiệt ư thử.”

    (Năm nhuận đương tháng Năm,

    Tức là đã qua tiết tháng Sáu.

    Hạn hán đã bao lâu,

    Ruộng vụ chiêm mới cày được một nửa.

    Suốt đêm nghe tiếng sấm rền,

    Mà chẳng thấy mưa xuống đầu hiên.

    Mây đen kéo đến chưa dày,

    Cầu vồng thoắt đã bắc ngang.

    Sáng nay tuy có mưa vài hạt,

    Sáng mai lại nắng nóng chảy đá.

    Gió Tây cứ táp chẳng hạn kỳ,

    Nước từ biển Đông khó bề vọt lên được.

    Nông phu đành tụ tập chuyện vãn với nhau,

    Đâu phải là dám ngồi nhàn.

    Cớ sao mỗi lần ra ngoài ruộng,

    Mà trong lòng còn nóng hơn nắng cháy?).

    Đây cũng là những vần thơ tả cảnh hạn hán tiêu biểu. Cho nên, cổ thi vùng văn minh lúa nước có nói đến tứ khoái, tứ hỷ (bốn cái sướng nhất, bốn điều vui nhất trong đời người ta) thì một trong số đó là: “Cửu hạn phùng cam lộ” (Hạn lâu gặp mưa ngọt). Lại cũng là ngạn ngữ dân gian khi nói sự mong mỏi được thỏa mãn nhất thì ví với: “Ruộng hạn gặp mưa”. Mấy câu cuối của bài thơ nói sự lo lắng, mong ngóng của người dân, cố nhiên, đấy cũng chính là sự lo lắng đến cháy lòng của tác giả trước những tai ương, kiếp nạn mà người dân gặp phải. Nhà thơ đã biểu đạt điều đó bằng cách khách thể hóa tâm trạng của mình.

    Khi việc đồng áng, cày cấy đã xong, xử sĩ họ Chu rất hoan hỷ tham gia hội lễ với dân làng. Ông viết bài Thôn hữu thượng điền chi hội, điền sự tất, cáo thổ thần dã; thời thất tịch dữ thôn nhân hội ẩm, hỷ phú (Trong thôn có hội thượng điền, việc ruộng đồng xong thì cáo tế thổ thần; vào thất tịch cùng mọi người trong thôn gặp nhau uống rượu, vui nên làm thơ):

    “Chúng ưu phất cộng lao,

    Diệc đương tri hữu hỷ.

    Thôn cư phủ tư thời,

    Thất tịch phong vũ tế.

    Thôn đình bái thổ thần,

    Hoan nhiên hội lão trĩ.

    Vấn tấn dữ đàm hài,

    Lao khổ phục tương ủy.

    Nhất hạn kinh tam tuần,

    Tây trù cận hoang uế.

    Hốt cơ quán khô ương,

    Đàm kiệt điền vị nghệ.

    Trường hạ dĩ tương tồ,

    Viêm kháng chuyển nhất khí.

    Sùng triêu hốt khuynh bồn,

    Tín túc do vị chỉ.

    Thời vãn tu thừa canh,

    Lưu lạo phục ưu thủy.

    Nguyên thấp hạnh ký đồng,

    Miêu diệc bột nhiên khỉ (khởi).

    Nông dân lương khổ tai,

    Do vọng hữu lạc tuế.

    Phạn thô dị vi bão,

    Tửu ngang bất chí túy.

    Đối khan hoa tiệm hy,

    Phân khiết lang chính thúy.

    Sách trượng cáo quy lai,

    Trung thu ưng phục nhĩ.”

    (Lo cái lo chung với dân chúng tuy chẳng cùng họ vất vả,

    Cũng cần biết là có lúc họ có chuyện vui.

    Ở trong thôn vào dịp này,

    Tiết thất tịch gió mưa nhè nhẹ.

    Nơi đình làng bái yết thổ thần,

    Trẻ, già vui vẻ tụ tập nhau.

    Hỏi han, cùng trò chuyện vui vầy,

    Lại cùng an ủi nhau về những sự khó nhọc:

    Một đợt hạn kéo dài suốt tháng,

    Ruộng bờ phía Tây chút nữa bỏ hoang.

    Quên cả đói để tát chuyên nước vào ruộng mạ khô,

    Đầm cạn nước mà ruộng vẫn chưa cấy.

    Rồi những ngày nắng mãi cũng phải qua đi,

    Khí nóng oi sẽ chuyển khác.

    Trọn một buổi sáng mưa như trút,

    Liền hai đêm vẫn chưa dứt.

    Thời vụ đã muộn cần thừa dịp làm gấp,

    Nước chảy đi lại lo thiếu nước.

    Chỉ được đám ruộng trũng may còn khá,

    Cây mạ cũng bỗng nhiên vụt dậy.

    Nông dân lam lũ thay,

    Còn trông mong năm được mùa.

    Cơm gạo thô dễ no bụng,

    Rượu đắt chẳng uống được đến say.

    Cùng nhìn ánh sáng đang dần tắt,

    Chia nhau ăn miếng cau giòn.

    Chống gậy cáo từ ra về,

    Hẹn tiết trung thu rồi sẽ trở lại).

    Đời sống của một người có chút chữ nghĩa giữa nông thôn, nông dân không phải bao giờ cũng dễ hòa hợp. Là một nhà nho, Chu Doãn Trí từng có lúc cô đơn với thế giới tinh thần của mình, nhưng là một thầy thuốc vì dân, là một thi nhân mẫn cảm thì ông lại nói được tiếng nói của họ. Tác giả quan sát những nỗi cực nhọc, những niềm vui của đám đông dân chúng và chủ động hòa đồng, san sẻ. Thực tế thôn dã đã ùa vào thơ ông một cách trong trẻo, sáng sủa:

    “Thiên hòa đàm hướng tễ,

    Nhật vĩnh mạch đương thu.

    Bích lãng phong sơ khởi,

    Hoàng vân thủy ngoại phù.

    Đôi châu ninh sách bạng,

    Bố cốc hỷ lai cưu.

    Thoại cập tang ma phủ ?

    Ca thanh biến lũng đầu.”

    (Trời tạnh trong in sắc đầm nước sáng,

    Nắng đượm đồng lúa đương thu.

    Sóng lúa biếc gió vừa gợn,

    Mây vàng bồng bềnh bên nước.

    Ngọc châu tích chứa hãy tìm ở bụng trai,

    Lúa nhiều vui nghe tu hú bay lại.

    Có bàn đến việc dâu gai chăng?

    Nghe tiếng hát ca vang khắp đầu lũng).

    Cảnh một cánh đồng lúa bên một đầm nước sáng có gió gợn, mây vàng, tiếng chim gù, tiếng người hát… cũng vẫn là cảnh tượng báo điềm được mùa. Tác giả đã nói được cái mơ ước ngàn đời của người trồng cấy. Đấy cũng là cảnh tượng, là mơ ước về một đời sống thái bình, dân no, vật thịnh. Mở rộng tầm quan sát ra khỏi vùng thôn quê, nhà nho Chu Doãn Trí còn nói đến một cảnh tượng thanh bình chung. Trong chuyến du thăm Lạng Sơn, ông viết Thành ngoại tạp vịnh (Hứng vịnh ngoài thành):

    “Đoàn Thành thu sắc khoản ngâm ông,

    Giai lệ tương yêu tứ hạt cùng.

    An Bác viễn sơn liên mộ ái,

    Long Châu thệ thủy nghịch Tây phong.

    Phố cư bách hóa Tuần ty tráng,

    Vân bạng song đài dịch lộ thông.

    Một hiểm hà nhân đàm vãng sự,

    Phong yên kim dĩ tĩnh vân trung.”

    (Sắc thu Đoàn Thành như khoản đãi thi ông,

    Muôn cảnh đẹp đón mời, thi tứ vô cùng.

    An Bác núi xa liền với mây mù chiều tối,

    Long Châu nước chảy ngược làn gió Tây.

    Phố xá bày đủ trăm thứ hàng hóa, Tuần ty mạnh,

    Mây phủ bên hai đài, đường trạm dịch thông suốt.

    Giấu đi vẻ hiểm trở, ai người bàn chuyện đã qua,

    Lửa khói trên đỉnh núi nay đã tĩnh lặng trong mây).

    Mà thực chất lại là vấn đề thông thương buôn bán. Đến đây dường như còn ẩn chứa một ước mộng lớn lao hơn: ước mơ một đất nước mở cửa, vững mạnh, trong tư thế hòa nghị với láng giềng, chấm dứt chuyện binh đao, khói lửa. Như vậy, từ những vấn đề của nông thôn, nông dân, nhà thơ đã đề cập đến cả những vấn đề chung của đời sống xã hội lúc đó.

    5. Điểm cuối cùng cần nói đến là thơ Chu Doãn Trí còn có nội dung mang tính triết lý nhân sinh. Là một nhà nho theo lý tưởng “an bần lạc đạo”, Chu Doãn Trí nói nhiều đến y nghệ - cái đạo mà ông thực hành để giúp đời. Hành trạng ông đã cho thấy ông nổi danh về nghề này, được dân chúng và cả đạo tặc vì nể. Ông có dáng dấp của một Hải Thượng Lãn Ông xứ Bắc, tuy không để lại được tác phẩm nào đồ sộ như Y tông tâm lĩnh, nhưng lại có tác phẩm viết về y nghệ rất độc đáo; như Dược đao minh (Bài minh về con dao thái thuốc):

    “Hữu mỹ thốn thiết,

    Lợi dụng dược đao.

    Lâm cơ tư quyết,

    Liễm nhận phỉ thao.

    Dĩ hoạt nhân tắc khiểm nhiên hồ đại bào,

    Dĩ sát nhân tắc khoái tai nhược xuy mao.

    Duy trí giả năng bất nhất thường thí,

    Duy nhân giả năng thận kỳ sở thao.”

    (Có tấc sắt đẹp,

    Tiện dùng làm con dao thái thuốc.

    Khi cần thì bỏ ra dùng,

    Khi thu lưỡi nhọn lại không cần vỏ bọc.

    Dùng nuôi sống con người thì khi đói có thể thay người làm bếp,

    Dùng để giết người thì nhanh tựa thổi sợi lông.

    Duy bậc trí giả thì không nhất thiết phải thi thố,

    Duy bậc nhân giả mới có thể thận trọng với cái mình nắm giữ).

    Thế là tác giả nói câu chuyện Y đạo. Cùng một khí cụ, có thể làm sống người, cũng có thể giết người. Vậy nên y đạo phải có cả trínhân. Từ hình tượng về một con dao thái thuốc bình thường, Chu Doãn Trí khái quát được thành vấn đề hết sức có ý nghĩa, mang tính triết lý và tính tư tưởng cao. Y đạo thực chất cũng là nhân đạo, là chuyện đời, là chuyện người.

    Ở một tác phẩm khác: Cẩu nhũ miêu (Chó nuôi mèo), dường như tác giả cũng nói về lẽ nhân sinh:

    “Gia nhi súc nhất khôi sắc cẩu,

    Đoản uế, trường cảnh điểm thả nhũ.

    Lân nhân nhập lai cảm không quyền,

    Bác phệ kê đồn liệt như hổ.

    Hà xứ tống lai tiểu hắc miêu,

    Trú dạ đề hào khổ tư mẫu.

    Cẩu cận thị chi nhược hữu tình,

    Thiệt thỉ, thanh nhu như ẩu hú.

    Miêu đắc sở dưỡng bất tiếp tuần,

    Thể phì mao diệc trạch nhi tú.

    Thừa khoái hữu thời khiêu thượng lương,

    Cẩu tức trịch trục dao tương cố.

    Hoặc nhân kiến thử dĩ vi dị,

    Triếp vấn ư dư thị hà cố?

    Dư bất năng biện, hữu hoặc yên,

    Nhân tức sở kiến thư sổ cú.”

    (Bọn trẻ trong nhà nuôi một con chó màu tro,

    Mõm ngắn, cổ dài, bụng điểm mấy núm vú.

    Hàng xóm sang nhà chẳng dám đi tay không,

    Hay đuổi cắn gà, lợn; dữ dằn như hổ.

    Đâu đấy lạc đến một chú mèo con màu đen,

    Từ sáng đến đêm cứ kêu gào mãi vì nhớ mẹ.

    Chó đến gần nhìn nó như có tình cảm,

    Lưỡi liếm láp, khịt khịt ngửi ngửi như mớm mồi.

    Mèo con được chó chăm chút chưa đầy tuần,

    Thân mình béo tốt, lông cũng trơn mượt rất đẹp.

    Có lúc khoái chí leo tót lên rường nhà,

    Chó cứ luẩn quẩn đứng trông lên.

    Có người thấy vậy lấy làm lạ,

    Bèn hỏi tôi rằng, thế nghĩa là sao?

    Tôi cũng không thể giải thích, còn nghi hoặc,

    Nhân những điều đã thấy viết thành mấy câu thơ).

    Bài thơ như một hoạt cảnh mà vai chính chỉ có hai con vật. Tác giả chỉ thuật lại những “sở kiến”, tức là viết lại sự thực câu chuyện xảy ra. Bản thân tác giả cũng thấy còn chỗ nghi hoặc “bất năng biện”, có người cũng coi câu chuyện là sự lạ, nhưng tự thân hành động của các con vật đã nói lên tất cả. Đó là cái tình cảm, cái thiên tính trời phú cho chúng. Xưa nay, đã từng có nhiều câu chuyện về việc “mẹ gà nuôi con vịt”, chuyện cá heo cứu người, chuyện khỉ độc nuôi trẻ lạc… Điều thú vị là cũng giống như gà mẹ sau khi ấp trứng, thấy đàn con vịt nhảy xuống ao bơi, dường như rất lo lắng cứ đi quanh bờ trông chừng sợ con bị ướt chìm; thì chú chó sau khi chăm bẵm mèo, thấy mèo nhảy lên xà nhà thì cũng đứng dưới nghển cổ trông chừng… như sợ mèo ngã. Do thế, chuyện tình thương giữa các loài vật là không mới, thậm chí tình thương khác loài cũng là không mới. Cái mới ở đây là tình thương giữa những loài tưởng như không bao giờ thương được nhau; như dân gian từng nói: “Ghét nhau như chó với mèo”. Ấy thế mà cái sự không tưởng đã xảy ra. Cái tính vật tự nhiên đó mang tính nhân tính, lại như một lời tỉnh thức nhân tính. Trước cảnh tượng các con vật tự bản nguyên đã ghét nhau mà còn đối xử tốt với nhau như vậy, con người nghĩ gì? Con người có thể cứ cắn xé, đè nén, tệ bạc, thâm hiểm miệng lưỡi với nhau được chăng? Cho nên, đây là bài thơ vừa có tư tưởng nhân đạo, vừa như một bài học sâu sắc về giáo dục đạo đức, giáo dục nhân tính. Nên đưa tác phẩm này vào chương trình dạy trong nhà trường.

    Trên đây là mấy điểm khái lược về cuộc đời và nghiệp thơ Chu Doãn Trí. Thơ ông có xu hướng thiên về những đề tài bình thường, dung dị, gần gũi với cuộc sống của một kẻ sĩ nhàn ẩn. Tuy vậy, những đề tài ấy đều được tác giả khai thác ở các khía cạnh nên thơ, khác lạ của chúng và đều có sự gửi gắm tâm sự, ngụ ý sâu xa. Thơ ca là trữ tình, điều ấy hẳn nhiên. Nhưng cạnh đó, ngôn ngữ thơ Chu Doãn Trí rất nhiều khi tuôn chảy, hồn hậu như những lời kể. Cấu tứ nhiều bài thơ cũng giống như một thiên tự sự, kỷ sự, mà mấy bài thơ dài vừa dẫn trích là thuộc loại này. Tác giả như giấu đi bàn tay nghệ thuật đằng sau những câu chữ, cứ để cho câu chữ tự nhiên hiển hiện, mà thực ra đấy lại chính là công phu nghệ thuật. Về nội dung, thơ Chu Doãn Trí chuyển tải khá nhiều cảm hứng khác nhau. Như là cảm hứng về thiên nhiên cảnh vật, cảm hứng về lịch sử, về tâm trạng cá nhân tác giả, về một số vấn đề thiết yếu của hiện thực đương thời; cảm hứng nhân văn, tư tưởng nhân đạo cũng thấy khá rõ.

    Chu Doãn Trí là người của đất Kinh Bắc xưa, sau đất ấy thuộc Hà Nội; trong nhóm sĩ phu Hà thành quãng nửa đầu thế kỷ XIX ông là một nhân vật có lẽ sống, tư chất khác lạ. Thuộc số những nhân vật lặng lẽ “làm nền”, ông không được nổi tiếng như các bạn hữu “thần Siêu, thánh Quát”, nhưng cũng chính Nguyễn Văn Siêu khi phê bình văn thơ Chu Doãn Trí đã từng nhận xét: “Văn thơ ông không nệ tầm cú, không cần khổ công khắc họa mà tiêu sái tràn đầy, tư thái phong lưu. Chất mà tốt dày, phác mà hương vị, ngẫm ra thật hơn người.” Nhận xét đó thật tinh tường, chính xác, giúp ta mạnh dạn kết luận rằng: Chu Doãn Trí là một tác gia có vị trí rõ ràng, có đóng góp đáng kể cho văn học sử giai đoạn đó.

    Chú thích:

    1. Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học, H. 1993, tr.744 ghi ông tên là Chu Nguyên Mại, sinh năm 1740, chưa rõ năm mất. Xét bản hành trạng của Chu Doãn Trí (Bắc Ninh Chu xử sĩ hành trạng, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu VHv.1298), tờ 1b ghi ông Trí mồ côi năm 16 tuổi, mà ông Trí sinh năm Kỷ Hợi (1779), vậy có thể suy ra là ông Mại mất năm Giáp Dần (1794). Lại tiếp đến tờ 10b phần Gia nghiêm hành trạng (Hành trạng của cha) thì quả là thấy chép: “Giáp Dần ngũ nguyệt sơ nhị nhất tốt, niên ngũ thập ngũ” (Mất ngày 2 tháng Năm, năm Giáp Dần, năm 55 tuổi).


    2. Tạ Hiên tiên sinh nguyên tập, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2432, tờ 110a. Thơ văn Chu Doãn Trí trích dẫn trong bài đều lấy từ sách này. Ở một vài bài có tham khảo bản dịch mộc của Phạm Văn Ánh.

    3. Sđd; tờ 125a - 126b và 127b - 129a.

    4. Bắc Ninh Chu xử sĩ hành trạng, Sđd.

    5. Trong thơ, Chu Doãn Trí có nhắc đến một người bạn là Lê Nhận Hạng. Nhưng có chỗ lại chép là Nhận Am (mục lục tên bài ở đầu tập Tạ Hiên tiên sinh nguyên tập, Sđd.). Tên bài thơ này cũng chép chữ Hạng thành chữ Am. Chưa rõ tên đúng là thế nào? Lại thấy trong Phương Đình văn loại (Trần Lê Sáng dịch, Nxb. Văn học, H. 2001), Nguyễn Văn Siêu có chép Hành trạng tiên sinh Lê Nhận Trai ở Nhân Mục, trong đó cũng nói đến việc Lê Nhận Trai có bạn cũ là Chu Tạ Hiên. Vậy nhiều khả năng Nhận Trai cũng là Nhận Am, Nhận Hạng. Nếu đúng thế thì ông tên thật là Lê Hoàng Viêm (1792 - 1845), đỗ Cử nhân, người Nhân Mục, Thanh Trì, nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội.

    6. Nguyên bản viết tảo ( 早), ngờ là chữ hạn ( 旱 )./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006; Tr. 41-56)
     

Share This Page