Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng là giúp cho sự phát triển bền vững

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, ông Tạ Quang Ngọc: Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng là giúp cho sự phát triển bền vững


    Ông là một người tâm huyết với việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng vào các sản phẩm nông - thuỷ - hải sản. Tâm huyết đó luôn song hành cùng với những năm tháng ông gắn bó với ngành Thuỷ sản. Gác lại việc chính trường, ông trở về một cuộc sống đời thường nhưng vẫn còn đâu đó những trăn trở. Tạp chí TCĐLCL xin giới thiệu cuộc trao đổi với ông nhân dịp năm mới.

    ĐỜI THƯỜNG...

    Nghe nói ông có một thời gian tự học và đã gặt hái được nhiều thành công. Nếu chia sẻ với lớp trẻ, ông sẽ nói gì?

    Nói chung cuộc đời phải có sự trải nghiệm, học mà không trải nghiệm thì vô nghĩa lắm. Có người học mười biết một, có những người học đến đâu biết đến đó. Quan trọng nữa là có những người biết đến đâu thực hành đến đó, đó là những người học rất cao. Tôi rất chuộng những người học ít biết nhiều và ứng dụng thành công các kiến thức đã học để làm việc. Khi tôi học ngoại ngữ hoặc bất cứ cái gì tôi cần để làm việc gì thì tôi học cái liên quan đến nó. Hay ngày xưa đi dạy học cũng vậy thôi, cần đọc sách bằng tiếng nào thì phải học ngoài ngữ đấy ạ để hiểu được cuốn sách mình muốn đọc. Kể cả lúc làm Bộ trưởng cũng vậy, tự học là một việc không ngừng.

    Ông bận rộn như thế thì học vào thời gian nào?

    24 tiếng là khung thời gian của một ngày, nhưng sắp xếp thời gian lại phụ thuộc vào mình, và mình có thể làm hai ba công việc cùng một lúc. Người ta mất nhiều thời gian để tập thể dục, còn tôi tôi thường kết hợp thể dục và suy ngẫm bằng cách lên xuống cầu thang; đến trao đổi với anh em để biết thông tin. Tôi ví dụ: Người ta tập thể dục rất nhiều, phải mất thời gian, nhưng tôi thấy không nhất thiết phải mất quá nhiều thời gian đến thế, mình có sức thì đi bộ lên cầu thang, vừa suy ngẫm vừa kết hợp tập thể dục. Lúc đó mình có thể đến trao đổi với anh em để biết thông tin. Trong việc học, nhiều lúc phải nhớ bằng những sự va chạm, không có va chạm sẽ không nhớ được, đặc biệt là ngoại ngữ.

    Như thế thì chắc hẳn ông là người khó tính lắm khi tuyển mộ người tài, đặc biệt là người trẻ tuổi?

    Nói chung công tác cán bộ là có quy trình thủ tục cả, nhưng cũng cần phải có nhiều đổi mới hơn nữa. Đã vào làm việc là phải có bản lĩnh, có trí tuệ, có phẩm chất... thì dù trẻ ít hay nhiều tuổi cũng phải bảo đảm những tiêu chuẩn đó. Tất nhiên là tuổi trẻ phải được ưu tiên rất nhiều.

    Ông đã có cống hiến gì cho việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm từ nông-thuỷ-hải sản?

    Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta vừa ra khỏi thế cấm vận, tham gia vào chính trường quốc tế trong bối cảnh rất hạn chế. Đúng lúc đó chúng ta tiếp cận với tiêu chuẩn Hap-xát (một tiếp cận mới về mặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm). Chính lúc đó tôi đi học tiêu chuẩn này, sau đó về triển khai ngay và chính cái đó đã tạo ra một hệ thống quản lý về chất lượng lúc bấy giờ. Đó là một tiêu chuẩn rất quan trọng. Bây giờ, việc sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp thì vấn đề an toàn vệ sinh và vấn đề môi trường gắn bó rất chặt chẽ. Điều này tạo đà cho sự phát triển bền vững. Bây giờ chúng ta vẫn đang tiếp tục làm những công việc này.

    Đến bây giờ ông còn thấy tiếc nuối việc gì chưa làm được cho ngành thuỷ sản (có thể là vì chưa đủ thời gian để làm)?

    Tôi nghĩ có những việc chưa làm được trên những việc đã làm được, nhưng cũng có những điều mình muốn làm mà chưa được. Tôi hy vọng những người kế tục mình sẽ làm được những việc đó.

    Khi nghỉ hưu người ta thường lựa chọn hai việc: Một là làm thơ, hai là làm kinh tế. Sự lựa chọn nào là phù hợp nhất với ông?

    Tôi sẽ đi dạy học. Mình sẽ làm công việc truyền tải tri thức, chắc công việc này sẽ có ích và phù hợp với tôi hơn. Đã là con người bao giờ cũng phải nghĩ mình phải làm gì để có ích cho xã hội. Phải liên tục đào tạo lại mình về những gì chưa có, và phải sử dụng những gì đã có. Phải hướng mình vào làm những công việc đó, một phần là cho xã hội, một phần cho bản thân.

    Sinh ra trong một gia đình có nhiều người nổi tiếng: Thân phụ ông là nhà báo Quang Đạm; bác ruột của ông là GS Tạ Quang Bửu. Chắc ông phải chịu nhiều áp lực lắm?
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Tôi nghĩ rằng, con người tôi chịu áp lực với những khát khao, hoài bão của chính mình, trăn trở với những điều mà mình chưa làm được với xã hội. Còn gia phong nhà mình tạo cho tôi một nền để phấn đấu, chứ áp lực thì chắc là không có. Khi nào mình cảm thấy khao khát không còn là áp lực nữa thì hãy nghĩ lại chính mình. Ngày xưa ông Bửu viết mấy chữ để lại cho con cái sau này là “Phụ giáo tử đăng khoa” (bố dạy con để thành đạt). Tôi nghĩ ngày xưa khó như vậy mà các cụ còn làm được, còn mình bây giờ được đi học ở trong nước, rồi nước ngoài... Vậy thì tại sao mình không thể nối tiếp được?. Tôi chỉ nghĩ như vậy thôi!

    VÀ PHÚT SUY NGHĨ VỀ MÌNH....

    Ông nghĩ sao khi có người nói ông là người không quyết đoán?

    Có một số công việc tôi không quyết đoán, nhưng khi đã đi vào việc cốt tử thì phải quyết để làm cho kỳ được. Quan trọng là đừng có nhầm lẫn giữa việc cốt tử và việc không cốt tử. Cái đó không phải là để ngụy biện hay thanh minh điều gì đâu. Nói thật, con người của tôi là luôn luôn mềm mỏng và tôi tự hào về điều đó. Chính vì vậy mà tôi thấy cái gì biết nhịn, cái gì biết nhường. Trong công việc, việc ở cấp nào thì để cấp đó quyết và chịu trách nhiệm, không nhất thiết là mình việc gì cũng quyết, cũng ôm đồm.

    Ông đã bao giờ bị người khác hiểu lầm chưa?

    Trong công việc cũng như trong đời thường, tôi thường bị hiểu nhầm. Tất nhiên cũng có người nghĩ rằng "không có lửa thì làm sao có khói", nhưng cũng có cái người ta hiểu nhầm là hoàn toàn không có lửa mà... lại có khói.. Người ta hay nói tôi là con người cả nghĩ, vì vậy tôi rất khổ tâm khi người khác hiểu nhầm.

    Ông có hay bị khổ tâm như thế không?

    Khổ tâm triền miên. Nhất là không làm được tròn trịa những việc mà mình muốn (theo cách hay nhất). Nó day dứt lắm, kéo dài lắm. Tất nhiên nếu cộng lại mọi thứ thì có bảng thành tích cũng khá. Còn trên mặt phẳng thành tích đó vẫn còn có không ít điểm lỗ chỗ. Vẫn có những lỗ hổng, những lỗ hổng đó cần phải có sự điều chỉnh.

    Phải thế mà trong công việc ông thường dễ bị hiểu nhầm?

    Ở vị trí của tôi thường bị hiểu nhầm trong công việc lẫn các quan hệ. Nhiều người nghĩ rằng tôi có ưu ái với người này, người kia... thì ngay lập tức tôi phải nhìn lại mình, nhất là ở vị trí của một người cầm cân nảy mực, phải huy động trí tuệ của mọi người. Tôi rất ghét những việc quanh co, mập mờ.

    Khi một ai đó không hiểu ông, ông thường làm gì?

    Thực ra, thanh minh là hạ sách. Nhưng tôi vẫn cố gắng làm cho người ta hiểu mình, cố gắng bằng hành động của mình làm cho người ta hiểu. Việc đầu tiên là việc quyết liệt với chính mình. Không quyết liệt với mình thì chẳng quyết liệt được với ai cả. Khổ tâm nhất là những lúc mình không làm được việc dù bất cứ lý do gì, việc không xong là buồn lắm.

    Lần đầu tiên ông nghe thông tin lên giữ chức Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, cảm giác của ông thế nào?

    Tôi trưởng thành từ một anh cán bộ bình thường, lên trưởng phòng, rồi vụ phó, quyền vụ trưởng, vụ trưởng, thứ trưởng rồi lên bộ trưởng. Đại hội VIII (cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1996), tôi được bầu vào Ban chấp hành Trung ương thì cũng có nghĩa là tôi sẽ được giao để đảm trách công việc của Bộ Thuỷ sản. Cho nên, với tôi thông tin làm bộ trưởng không bất ngờ lắm.

    Và tâm trạng của ông thế nào khi nghe tin Bộ Thuỷ sản sẽ sáp nhập?

    Tôi nghĩ tôi chỉ chia tay với tư cách là Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản thôi, và những việc gì mình làm được trong khi mình có quyền lực, đóng góp của mình cho ngành thuỷ sản thì coi như kết thúc rồi. Hàng ngày không gặp anh em nhiều nữa. Nhưng tôi nghĩ tôi vẫn có thể đóng góp được cho ngành thuỷ sản bằng những cái khác. Tôi nói với anh em là chia tay là có tính quy ước thôi nhưng tình cảm của tôi với ngành, với anh em là không thể chia tay được. Nói gì thì nói nhưng vẫn có sựbùi ngùi.

    Xin cảm ơn ông!

    Hà Thuỷ ( thực hiện)
    Tạp chí TCĐLCL - Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008
     

Share This Page