Bảy Đạo Sắc Phong Thái Úy Lý Thường Kiệt Ở Đền Bắc Thượng Phố Hàng Bông Hà Nội

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 2, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    VỀ CÁC ĐẠO SẮC PHONG THỜ THÁI ÚY LÝ THƯỜNG KIỆT Ở HAI THÔN BẮC THƯỢNG, BẮC HẠ HUYỆN THỌ XƯƠNG

    NGUYỄN TÁ NHÍ

    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Vừa qua gia chủ ở số nhà 120 phố Hàng Bông quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội đến nhờ chúng tôi phiên dịch giúp 12 đạo sắc phong thời Nguyễn. Chủ nhà cho biết thời xưa ở thôn Bắc Thượng, Bắc Hạ này thờ Lý Thường Kiệt làm Thành hoàng làng. Xem kỹ các đạo sắc phong thờ thấy có bảy đạo triều đình phong cho Thái úy Lý Thường Kiệt.

    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 6 (1853)
    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 11 (1858)
    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 33 (1880)
    Một đạo phong năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)
    Một đạo phong năm Thành Thái thứ 2 (1890)
    Một đạo phong năm Duy Tân thứ 3 (1909)
    Một đạo phong năm Khải Định thứ 9 (1924)

    Còn đối với Liễu Hạnh công chúa thờ ở gia chủ số nhà 120 phố Hàng Bông này chỉ còn giữ được năm đạo sắc phong gồm:

    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 6 (1853)
    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 33 (1880)
    Một đạo phong năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)
    Một đạo phong năm Thành Thái thứ 2 (1890)
    Một đạo phong năm Duy Tân thứ 3 (1909)
    Một đạo phong năm Khải Định thứ 9 (1924)

    Tìm hiểu trong kho thần tích ở Thư viện Viện Thông tin khoa học xã hội, chúng tôi thấy trong tờ khai năm 1938 do Chủ tịch hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tiệp ký tên cho biết:

    Đền thờ ở số nhà 120 phố Hàng Bông này có tên chữ là đền Bắc Thượng Hạ, còn tên Nôm là đền Cây Đa Cửa Đình, thờ một vị nhân thần là Thái úy Lý Thường Kiệt ở triều Lý. Trong đền giữ được 7 đạo sắc phong.

    Ở phố Hàng Bông này còn đền thờ công chúa Liễu Hạnh, tên Nôm là đền Sở. Hiện trong đền còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong.

    Tiếp tục theo hướng nghiên cứu tìm hiểu tư liệu cổ, chúng tôi tra cứu trong sách Hoài Đức phủ thần sắc thần hiệu ký hiệu A.840 ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tìm thấy lời khai của dân địa phương do Phố trưởng Nguyễn Văn Khánh ký tên năm Duy Tân thứ 3 (1909) cho biết:

    Miếu thờ ở phố Hàng Bông này trước đây thuộc địa phận hai thôn Bắc Thượng, Bắc Hạ phường Cổ Vũ tổng Vĩnh Xương huyện Thọ Xương thành phố Hà Nội.

    Các vị Phố trưởng kỳ mục địa phương cung kính làm tờ khai dâng lên nói rằng: Dân phố trước đây có hai ngôi đình thờ thần, một ngôi đình thờ Bản Cảnh thành hoàng là Thái úy Lý Quốc công danh thần triều Lý. Trong đình giữ được 5 đạo sắc phong vào các năm:

    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 6 (1853)
    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 11 (1858)
    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 33 (1880)
    Một đạo phong năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)
    Một đạo phong năm Thành Thái thứ 2 (1890)

    Ngôi đình thứ hai thờ Đế Thích tiên đình Liễu Hạnh công chúa. Trong đình còn giữ được 3 đạo sắc phong vào các năm:

    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 6 (1853)
    Một đạo phong năm Tự Đức thứ 33 (1880)
    Một đạo phong năm Đồng Khánh thứ 2 (1887)

    Sau khi tìm hiểu nghiên cứu toàn bộ các tư liệu có liên quan đến đình Bắc Thượng Bắc Hạ và chuyển dịch toàn bộ các đạo sắc phong đó từ tiếng Hán sang tiếng Việt, chúng tôi xin có một số nhận xét như sau:

    1. Đình thờ thần ở phường Cổ Vũ chung cho cả hai thôn Bắc Thượng Bắc Hạ, còn có tên Nôm là đền Cây Đa Cửa Đình. Điều đó cho thấy địa điểm đền này chính là cửa của ngôi đình thờ thần của phường Cổ Vũ. Đình thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, các đạo sắc phong có từ năm Tự Đức thứ 6 (1853) về sau gồm 7 đạo, nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn.

    Bốn đạo sắc phong các năm 1853, 1858, 1880 và 1887 thì Bản cảnh Thành hoàng Thái úy Lý Thường Kiệt chỉ được liệt hạng Trung đẳng thần. Cụ thể như sau:

    Đạo thứ 1

    Dịch nghĩa:

    Sắc ban cho vị Bản cảnh Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Bảo an Chính trực Hựu thiện chi thần, phù giúp đất nước, che chở muôn dân, tỏ rõ linh ứng. Nay Trẫm vâng nối mệnh lớn, nhớ đến công lao của thần nên gia tặng Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần. Lại cho phép thôn Bắc Thượng Hạ huyện Thọ Xương được thờ phụng như cũ. Thần hãy phù trì giúp rập cho dân ta.

    Kính thay!
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Ngày 14 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 6 (1853).

    Đạo thứ 2

    Dịch nghĩa:

    Sắc ban cho Thái úy Việt Quốc công Tôn thần, nguyên tặng Hùng tài Vĩ lược Hiệp linh Đồng đức Trung đẳng thần, phù giúp đất nước, che chở muôn dân, tỏ rõ linh ứng. Nay Trẫm vâng nối mệnh lớn, nhớ đến công lao của Thần nên gia tặng Hùng tài Vĩ lược Hiệp linh Đồng đức Quang ý Trung đẳng thần. Lại cho phép hai thôn Bắc Thượng Bắc Hạ huyện Thọ Xương được thờ phụng như cũ.

    Thần hãy phù trì giúp rập cho dân ta.

    Kính thay!

    Ngày mồng 6 tháng 4 năm Tự Đức thứ 11 (1858)

    Đạo thứ 3

    Dịch nghĩa:

    Sắc ban cho thôn Bắc Thượng Bắc Hạ huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội vẫn thờ phụng Hùng tài Vĩ lược Hiệp linh Đồng đức Quang ý Thái úy Việt Quốc công Trung đẳng thần, Bảo an chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Bản cảnh Thành hoàng chi thần. Trải nhiều đời vua được ban cấp sắc phong cho phép thờ phụng. Năm Tự Đức thứ 31 (1878) đúng dịp lễ mừng thọ Trẫm hưởng thọ ngũ tuần nên ban cho bảo chiếu đàm ân, lễ có tăng thêm phẩm trật. Lại cho phép được thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh và làm rõ phép thờ phụng.

    Kính thay!

    Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880)

    Đạo thứ 4

    Dịch nghĩa:

    Sắc ban cho vị Hùng tài Vĩ lược thiệp linh Đồng đức Quang ý Thái úy Việt Quốc công Trung đẳng thần, Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Bản cảnh Thành hoàng chi thần, phù giúp đất nước, che chở muôn dân, tỏ rõ linh ứng. Trải nhiều đời vua đều được ban cấp sắc phong cho phép thờ tự. Nay Trẫm vâng nối mệnh lớn, nhớ đến công lao của Thần nên gia tặng Dực bảo Trung hưng cho các thần. Lại cho phép thôn Bắc Thượng Bắc Hạ huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội được thờ phụng như cũ.

    Thần hãy phù trì giúp rập cho dân ta.

    Kính thay!

    Ngày mồng 1 tháng 7 Đồng Khánh thứ 2 (1887)

    Phải đến năm Thành Thái thứ 2 (1890) triều đình nhà Nguyễn mới nâng cấp cho Thái úy Lý Thường Kiệt từ hạng Trung đẳng thần lên hạng Thượng đẳng thần.

    Đạo thứ 5

    Dịch nghĩa:

    Sắc ban cho Lý Thái úy Việt Quốc công Lý Tôn thần, nguyên được phong Hùng tài Vĩ lược Hiệp linh Đồng đức Quang ý Dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần, phù giúp đất nước, che chở muôn dân, tỏ rõ linh ứng. Trải những năm đời vua Tự Đức, lễ thần bàn nghị tâu lên.

    Nay Trẫm vâng nối mệnh lớn, nhớ đến công lao của Thần nên gia phong Trác vĩ Thượng đẳng thần. Cho phép hai thôn Bắc Thượng, Bắc Hạ huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội được thờ phụng như cũ.

    Thần hãy phù trì giúp rập cho dân ta.

    Kính thay!

    Ngày 20 tháng 2 năm Thành Thái thứ 2 (1890)

    2. Đền thờ Liễu Hạnh công chúa cũng do dân hai thôn Bắc Thượng và Bắc Hạ trông coi thờ phụng. Đền có tên Nôm là Đền Sở. Trong đền chỉ giữ được 5 đạo sắc phong như liệt kê ở trên. Đạo sắc phong sớm nhất cũng là vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) và đạo sắc phong cuối cùng vào năm Khải Định thứ 9 (1924).

    So với Lý Thường Kiệt thì Liễu Hạnh công chúa thiếu hai đạo vào các năm Tự Đức thứ 11 (1858) và Thành Thái thứ 2 (1890). Cả hai lần khai của dân phố Hàng Bông vào các năm 1909 và 1938 đều không nhắc đến. Như vậy có khả năng hai đạo sắc phong cho công chúa Liễu Hạnh đã bị thất lạc từ trước năm 1909.

    Một điều đáng lưu ý là cả 5 đạo sắc phong cho Liễu Hạnh công chúa đều thấy ghi thứ hạng của Thần là Thượng đẳng. Nghĩa là chỉ xét riêng trong các đạo sắc phong ở khu vực này thôi chúng ta có thể thấy Liễu Hạnh công chúa đã được phong Thần hạng Thượng đẳng trước Thái úy Lý Thường Kiệt chừng 40 năm rồi. Ngày từ năm 1851, Liễu Hạnh công chúa đã được các triều thần thời Tự Đức liệt hạng Thượng đẳng.

    Đạo thứ 1

    Dịch nghĩa

    Sắc ban cho vị Đế Thích tiên đình Liễu Hạnh công chúa Tôn thần, nguyên tặng Hoằng thí Phổ độ Anh linh Tĩnh chính Diệu hóa Thượng đẳng thần, phù giúp đất nước, che chở muôn dân, tỏ rõ linh ứng. Nay Trẫm vâng nối mệnh lớn, nhớ đến công lao của thần nên gia tặng Hoằng thí Phổ độ Anh linh Tĩnh chính Diệu hóa Trang huy Thượng đẳng thần. Lại cho phép hai thôn Bắc Thượng, Bắc Hạ huyện Thọ Xương được thờ phụng như cũ.

    Thần hãy phù trì giúp rập cho dân ta.

    Kính thay!

    Ngày 14 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 6 (1853)

    Lý Thường Kiệt là danh thần nổi tiếng thời Lý, tại khu vực thành Thăng Long còn có hàng chục ngôi đền thờ ông, hàng chục làng cổ thờ ông làm Thành hoàng làng. Song do đất Hà Thành biến động thay đổi quá nhiều, nên các ngôi đền thờ đó đã bị phá hủy hầu hết. Ngay như ngôi đền Cây Đa Cửa Đình này cũng không còn dấu vết gì, chỉ còn lại 7 đạo sắc phong ghi nhận phường Cổ Vũ huyện Thọ Xương thờ ông làm Thành hoàng làng. Đây có thể xem là tư liệu quý để chúng ta tìm hiểu thêm về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

    (Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.740-746)
     

Share This Page