Bùi Thúc Trinh và những tác phẩm y học

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    BÙI THÚC TRINH VÀ NHỮNG TÁC PHẨM Y HỌC
    ThS. NGUYỄN THỊ DƯƠNG
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm
    Trong bài Bàn thêm đôi điều về tác giả Hán Nôm Nguyễn Địch(1) chúng tôi đã có dịp nhắc tới mảng đề tài về các nhà Nho-Y Việt Nam. Đây là một đề tài khá lý thú song chưa được tìm hiểu nhiều. Thậm chí có tác gia còn chưa từng được giới thiệu, trong khi tác phẩm của họ hiện vẫn được lưu giữ, chẳng hạn như trường hợp của Bùi Thúc Trinh.
    Bài viết này nhằm giới thiệu về tác gia Bùi Thúc Trinh cùng những tác phẩm y học của ông.
    I. Về thân thế hành trạng Bùi Thúc Trinh
    Để tìm hiểu về Bùi Thúc Trinh, chúng tôi đã tìm đọc Lược truyện tác gia Hán Nôm, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm song đều không thấy nói về tác gia này. Nhưng trong cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, có chép vài dòng về ông như sau:
    “Danh sĩ, không rõ năm sinh, năm mất, hiệu Anh Xuyên, cũng có hiệu khác là Nhất Trung, quê làng Quần Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định. Ông là người tinh thông Nho Y. Ông có đi thi mấy lần nhưng không đạt, chỉ đỗ nhất trường. Sau trở về quê quán chuyên nghiên cứu y học, mở trường dạy nghề thuốc, khoảng cuối đời Duy Tân. Học trò đông, nổi tiếng bậc y sư lỗi lạc”(2).
    Còn trong Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam thì viết: “Anh Xuyên, tên tự của Bùi Thúc Trinh (1810-1890), ông còn có tên Bùi Trung và tự là Nhất Trung, người xã Hải Thượng, huyện Hải Hậu, Nam Định.
    Về thân thế sự nghiệp của Bùi Thúc Trinh hiện chưa rõ, được biết ông là học trò của Ngô Thế Vinh”(3).
    Qua tìm hiểu các tác phẩm hiện còn của ông, chúng ta có thể biết thêm đôi điều về thân thế hành trạng tác gia này.
    Về năm sinh của Bùi Thúc Trinh: cuối bài tựa sách Vệ sinh yếu chỉ của chính tác giả có viết “Thành Thái Canh Dần mạnh hạ trung hoán (cán) Anh Xuyên bát thập lão nhân Bùi Thúc Trinh chí”. Năm Thành Thái Canh Dần tức năm 1890, khi ấy Bùi Thúc Trinh xưng mình tám mươi tuổi (bát thập lão nhân), vậy có nghĩa năm sinh của ông là vào 1810, giống như sách Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam đã ghi.
    Về thân thế Bùi Thúc Trinh: bài tiểu dẫn sách Vệ sinh yếu chỉ cho biết ông húy là Trung (Duy Trung), hiệu Anh Xuyên cư sĩ, từ nhỏ theo học Nho. Ông ngoại (họ Nguyễn) theo nghề y, người anh ruột của Bùi Thúc Trinh cũng theo nghiệp y tổ truyền. Khi trưởng thành, Bùi Thúc Trinh chỉ chuyên tâm vào chuyện cử nghiệp, từng đi thi nhiều lần nhưng không đỗ nên tâm tư cũng có những day dứt bởi chí nguyện không thành. Năm Canh Tuất (1850) ông lại đi thi tiếp (do khoa thi Kỷ Dậu 1849 bị hoãn lại vì có dịch bệnh) song vận may không mỉm cười với ông: bệnh cũ tái phát nên ông đành bỏ lỡ cơ hội thi thố tài năng cùng các sĩ tử.
    Bản thân vốn nhiều bệnh, Bùi Thúc Trinh thường tự chữa trị cho chính mình nhờ vào di thư của ông ngoại cộng thêm những sở kiến cá nhân. Lại thêm chuyện người thân, láng giềng thường đến xin đơn thuốc, ông dần trở thành một thày thuốc tự lúc nào (“tiệm cư nhiên nhất y giả dã”). Song chỉ sau khi lỡ kỳ thi năm Canh Tuất do bệnh tật tái phát, ông mới thực sự trở về lấy y làm nghiệp chính. “Bất vi lương tướng tắc vi lương y”, trường hợp Bùi Thúc Trinh cũng giống nhiều Nho sĩ Việt Nam khác như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Nguyễn Gia Phan... Đường thanh vân đành gác, song việc kê đơn bốc thuốc, tế thế cứu nhân âu vẫn là việc hữu ích cho đời. Ông mở trường dạy học (Huấn Mông đường), rồi biên soạn sách để truyền dạy học trò “... toại ư huấn mông chi hạ thằng miễn tương dĩ cựu văn, thiết vi vấn đáp dĩ thích kỳ nghĩa, nhất dĩ tiện tự kỷ ký ức, nhất dĩ lệnh môn đồ dị ư quan nhận...” (...những lúc rảnh rang việc dạy học, cố gắng đem những điều nghe biết cũ, đặt dưới dạng vấn đáp rồi giải nghĩa, một mặt là để bản thân dễ nhớ, mặt khác là để học trò dễ nhận biết... Y học thuyết nghi, bài Tiểu dẫn)
    Như vậy có thể thấy, Bùi Thúc Trinh theo học Nho từ sớm và chỉ muốn chuyên chú vào nghiệp Nho mà thôi. Song ông là người kém may mắn trên đường hoạn lộ và chính sự kém may mắn này đã trở thành một nhân tố quan trọng khiến ông đi sâu vào nghiệp Y.
    II. Những tác phẩm y học của Bùi Thúc Trinh
    Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Bùi Thúc Trinh có các tác phẩm: Sơ thí (2 quyển), Vệ sinh yếu chỉ (8 quyển), Hội anh. Còn theo Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, tác phẩm của Bùi Thúc Trinh gồm Vệ sinh mạch quyết và Vệ sinh yếu chỉ.
    Rất may trong bài tự đề tựa sách Vệ sinh yếu chỉ có nói rõ quá trình trước tác sách y học của ông: “Tiền giả thụ đồ tằng trước Y học thuyết nghi nhất quyển, kế tập Hội anh y môn nhị thập bát quyển, Sơ thí tiện dụng tam quyển. Kim hựu dục phiền giản đắc trung, tiện ư huề đái, ước lược biên thành Vệ sinh yếu chỉ bát quyển...” (Trước đây, để dạy học trò, từng làm ra Y học thuyết nghi (một quyển), kế đó biên tập Hội anh y môn (28 quyển), Sơ thí tiện dụng 3 quyển. Nay lại muốn giản tiện hơn và dễ bề mang theo mình bèn ước lược biên soạn ra Vệ sinh yếu chỉ gồm 8 quyển...)
    Trong Di sản Hán Nôm Việt Nam -Thư mục đề yếu còn thấy một cuốn sách nhan đề Vệ sinh mạch quyết(4) ghi là của Bùi Thúc Trinh. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là chữ viết ở trang đầu tiên (ghi tên sách và dòng chữ “Bùi Thúc Trinh toản”) hoàn toàn khác với chữ trong chính văn. Bài tiểu dẫn của sách (Hồng Cẩm cư sĩ mạch quyết tiểu dẫn) cho biết tên sách là Mạch quyết tập yếu và ngay nhan đề bài tiểu dẫn cũng cho thấy tác phẩm này không phải của Bùi Thúc Trinh.
    Như vậy, trước tác của Bùi Thúc Trinh gồm: Y học thuyết nghi (1 quyển) Hội anh y môn (28 quyển), Sơ thí tiện dụng (3 quyển), Vệ sinh yếu chỉ (8 quyển) song Hội anh y môn, Sơ thí tiện dụng hiện đã thất lạc. Tuy nhiên, theo như lời Bùi Thúc Trinh nói trong bài tựa thì Vệ sinh yếu chỉ chính là sự tóm lược các trước tác trước đó của ông, cho nên ta có thể tìm hiểu hai bộ sách hiện còn. Sau đây xin được giới thiệu về hai bộ sách của Bùi Thúc Trinh.
    1. Y học thuyết nghi 醫學說疑 (Bàn về những điều còn nghi ngờ trong y học): hiện có một bản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu R.1963, sách chép tay, khổ 15,5x26cm, gồm 270 trang, có bài tựa và bài tiểu dẫn. Tờ đầu sách cho biết sách được khởi biên vào tháng bảy năm Đồng Khánh nguyên niên (1885) tại Dưỡng Mông đường (nơi Bùi Thúc Trinh dạy học). Còn bài tựa của tác giả thì viết vào mùa xuân năm Tự Đức Giáp Dần (tức là năm 1854), cũng tại Dưỡng Mông đường.
    Nội dung sách bàn về lý luận cơ bản của y học dưới dạng vấn đáp, bằng cách nêu ra những vấn đề còn thắc mắc để bàn bạc trả lời. Sách chia thành 7 quyển (nhưng lại không thấy quyển 6). Quyển 1 nói về các vấn đề tiên thiên, hậu thiên, về vấn đề học Y dịch rồi mới học Y, về lục khí (phong, hàn, thử, táo, thấp, hỏa), 12 kinh lạc, địa chi phân dã, về học thuyết của các nhà như âm dương biểu lý của Trương Trọng Cảnh, về cách “Thổ trung hữu hãn, tả trung hữu bổ” của Trương Tử Hòa, về vận khí, về lục phủ ngũ tạng, mệnh môn, về mạch pháp. Quyển 2: chỉ gồm 1 trang bàn về nguồn gốc sinh ra của con người. Quyển 3 đề cập tới các vấn đề liên quan tới nội dung sách Thương hàn, mạch, chính khí, hỏi về cách dụng dược, về tỳ vị...Quyển 4 đi vào các chứng bệnh cụ thể như trúng thử, huyết, hư chứng, nhãn khoa, thống phong, hoàng đản, tiêu khát, tiện huyết, hen suyễn, điên cuồng...Quyển 5 nói về phụ khoa và nhi khoa như các vấn đề kinh nguyệt phụ nữ, thai sản, tiểu nhi kinh súc (co giật), mạch ở tiểu nhi, tiểu nhi biến chưng.Quyển 7 nói về nguyên tắc trị bệnh như tiêu bản phân trị (phân biệt triệu chứng bệnh (tiêu) và nguyên nhân gây bệnh (bản)), tà khí hại nhân, quan niệm về hàn nhiệt, cách trị bệnh (tân bệnh đa hàn, cửu bệnh đa nhiệt...)
    2. Vệ sinh yếu chỉ 衛生要旨: hiện còn hai bản đều là bản chép tay, một bản được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (TVHN), và một bản tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG).
    Tại TVHN, gồm các ký hiệu sau: VHv.2571 (quyển 1, 157 tr., khổ 20x14cm), VHb.242 (quyển 2, 100 tr., khổ 20x13,5cm) VHb.243 (quyển 3, 132 tr., khổ 20x14cm), VHb.244 (quyển 4, 186 tr., khổ 20x14cm), VHb.245 (quyển 5+6, 172 tr., khổ 20x14cm), VHb. 246 (quyển 7, 114 tr., khổ 20x14cm) VHb. 247 (quyển 8, 192 tr., khổ 29x14cm). Tuy có đủ bộ song quyển 1 lại không có bài tựa như bản ở TVQG.
    Bản tại TVQG không đủ bộ (thiếu quyển 5,6), nhưng quyển 1 lại còn nguyên vẹn bài tựa và tiểu dẫn: R.1965 (khổ 15,5x27,5cm, gồm 2 quyển: quyển 1 (120 trang) + quyển 2 (130 tr.), R.1967 (quyển 3, 142 tr., khổ 15,5x27cm), R.1203 (quyển 3, 134 tr., khổ 15,5x26,5cm), R.1968 (quyển 4, 188 tr., khổ 15,5x27cm), R.1204 (quyển 7, 99 tr., khổ 14x18cm). Ngoài ra quyển 2 còn có thêm hai ký hiệu nữa là R.1965 và R.1966.
    Về nội dung, nói chung hai bản giống nhau, song bản TVQG có phần chép tỷ mỷ hơn (chẳng hạn ở một số mục ở quyển 1 của bản TVQG như Biện chứng huyền thuyên đều chép thêm phụ án, kể lại tỷ mỉ những trường hợp điều trị cụ thể...). Cả hai bản đều không thấy ghi mục lục nhưng tại Thư viện Quốc gia còn có một cuốn sách mang ký hiệu R.673 (Mạch quyết tập yếu 脈訣輯要), 55 tờ sau, trong trang mở đầu thấy ghi: “Vệ sinh yếu chỉ quyển nhất, Anh Xuyên Bùi Thúc Trinh toản”. Đáng chú ý là ở đây có chép đầy đủ mục lục của cả 8 quyển Vệ sinh yếu chỉ. Đối chiếu cả hai bản TVQG và bản TVHN thì thấy các mục đều phù hợp với mục lục ở sách này.
    Quyển 1: bàn về những kiến thức cơ bản về y lý với các mục như Biện chứng huyền thuyên, Trị pháp đại cương, Mạch, bài Nhân thân phú.
    Quyển 2: (Tạp chứng) đề cập các chứng bệnh phong hàn, khách cảm, ôn dịch, thự, thấp, hoàng đản, tiêu khát, táo kết, ho, suyễn, hen, di tinh, đái buốt, xích bạch trọc, bí đái, tiểu tiện bất cấm, sán khí.
    Quyển 3: (Tạp chứng) bàn tới các bệnh đau đầu, váng đầu, bệnh về mặt, mắt, tai, mũi, môi, miệng lưỡi, răng; các bệnh về lưng, cổ vai, xương sống, tay, cước khí phụ các chứng bệnh sưng khớp gối (hạc tất), thống phong, tê phong, đạm uất, chứng hồi hộp, tim đập nhanh và loạn nhịp, hay quên, mất ngủ, điên cuồng, giản chứng, thương thực, chứng đầy, bôn đồn (một loại bệnh tích ở tạng thận).
    Quyển 4: (Tạp chứng) nói về các chứng bĩ tắc trướng đầy (bĩ mãn), đau sườn, tâm vị phúc thống, hoắc loạn, đi ngoài, lỵ, ngược, thũng trướng, khí trệ, nôn ra máu (ẩu huyết), thổ huyết, ho ra máu (khái huyết), chảy máu cam (nục huyết), đi ngoài ra máu (tiện huyết), bệnh về hầu họng, ợ hơi (ái khí), buồn nôn, tào tạp (xao xuyến, nôn nao...), chứng nuốt nước chua (thốn toan), nôn ra nước chua (thổ toan), nôn mửa, ế cách (cảm giác bị vướng khi nuốt, hung cách bị nghẽn gây tiếng nấc, ăn uống không trôi), phản vị (ăn gì nôn nấy), ách nghịch (nấc liên tục), quan cách (chứng ăn uống không vào, đại tiểu tiện không thông), hàn nhiệt, đổ mồ hôi, nuy (chứng chân tay mềm nhũn, vô lực), quyết (hôn mê choáng váng đột ngột, bất tỉnh nhân sự), các chứng hư.
    Quyển 5: nói về phụ khoa gồm phần tổng luận và các chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ như thủy thũng, chứng kinh sớm, chứng kinh muộn, đau bụng khi hành kinh, khí hư, trưng hà (trong bụng tích hòn tích cục không tán tụ được), mộng giao, mai hạch khí (chứng bệnh như có hạt mai ở cổ, khạc không ra, nuốt chẳng vào), các chứng bệnh liên quan tới vú, âm thoát (sa tử cung), âm thũng (sưng âm hộ), âm sang âm dưỡng (mụn ngứa nơi âm hộ), âm lãnh (lạnh cổ tử cung), âm xuy (hiện tượng bài khí ở âm đạo), giao hợp xuất huyết, thai tiền, lâm sản, sản hậu.
    Quyển 6: nói về nhi khoa với chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ như không bú, khách ngỗ (trẻ bị hoảng sợ do kích thích đột ngột từ bên ngoài), khóc đêm, cấp kinh, mạn kinh, mạn tỳ, động kinh, phong chúm miệng (toát khẩu), nga khẩu sang (quanh miệng mọc những nốt mụn trắng giống như miệng ngỗng), trùng thiệt (tĩnh mạch dưới lưỡi có uất huyết gây thũng trướng trông giống như mọc thêm một lưỡi khác), mộc thiệt (chứng lưỡi sưng đầy miệng, cứng rắn không đưa đẩy được), bàn tràng kinh (trẻ đau bụng do ăn đồ sống, lạnh...), thiên điếu (một thứ bệnh kinh phong ở trẻ với triệu chứng miệng chảy nước dãi, co giật, gáy cứng, mắt trợn ngược...), tề phong (uốn ván rốn), thủy thũng, bụng trướng đầy, tiểu tiện không thông, tiểu tiện bất cấm, táo bón, đan độc (chứng bệnh bì phu nổi từng mảng lớn sắc đỏ hơi sưng), thóp không đóng kín, chứng gù ở trẻ (quy bối), năm chứng mềm năm chứng cứng (ngũ nhuyễn ngũ ngạnh), chứng chảy nước dãi (trệ di), nôn mửa, đi ngoài, lỵ, sốt, ho, hen suyễn, cam bệnh, thai sang.
    Quyển 7: (Đậu khoa) nói về bệnh đậu, quá trình phát bệnh và cách chủng đậu.
    Quyển 8: (Ngoại khoa) gồm phần tổng luận và các chứng bệnh cụ thể về đầu mặt, cổ vai, tay, lưng, hông, bụng nách, đầu gối, chân, nội ung, chứng ban ngứa.
    Như vậy có thể thấy nội dung sách của Bùi Thúc Trinh khá rộng, không chỉ trình bày về y lý cơ bản mà còn đi vào các chuyên khoa với các chứng bệnh cụ thể. Nếu so với các tác phẩm y học ra đời ở thời Nguyễn như Vân Khê y thư yếu lục (Nguyễn Địch), Phạm Đãi Dụng gia truyền phương dược, Nam dược tập nghiệm quốc âm (Nguyễn Quang Lượng)..., rõ ràng bộ sách của Bùi Thúc Trinh có quy mô đồ sộ hơn nhiều. Rất có thể để dứt khỏi nỗi buồn về chuyện cử nghiệp không thành, ông đã dồn hết thời gian và tâm lực của mình vào nghề y, nhưng có một điều rất dễ nhận ra là Bùi Thúc Trinh soạn sách với nội dung kiến thức khá đầy đủ và bao quát như vậy, chính là để truyền dạy cho học trò. Cho nên, tìm hiểu về những bộ sách của Bùi Thúc Trinh sẽ giúp ta nhận thức được những kiến thức cơ bản về y học mà người theo học y cần nắm vững. Chúng tôi hy vọng khi có điều kiện sẽ đi sâu vào đề tài này.
    Cuối cùng, để hiểu thêm đôi điều về Bùi Thúc Trinh và những tác phẩm y học của ông, chúng tôi xin dịch toàn văn bài tựa sách Y học thuyết nghi và bài tựa sách Vệ sinh yếu chỉ.
    Bài Tựa sách Y học thuyết nghi:
    Việc trong thiên hạ có điều tin được ắt phải có điều đáng nghi ngờ. Đối với sự việc thì như vậy, còn với chuyện đọc sách lại càng đúng nữa. Có lẽ [do] câu từ tinh tế, hàm nghĩa sâu sa nên đa phần chưa dễ hiểu được rõ ràng, phàm còn chưa lĩnh hội được cái thần và chưa thông trong lòng thì đều nghi ngờ. Việc nghi ngờ không thể không có, mà biết nghi ngờ cũng là công của người đọc sách. Hứa Bình Trọng nói, trong sách không có điều nghi ngờ mà nhìn ra được điều đáng nghi ngờ, có điều nghi ngờ mà nhìn ra điều không đáng nghi ngờ, đó chính là nói về điều này vậy. Thế nhưng sự nghi ngờ lẽ nào ở sách vở chăng ? Kiến văn còn ít ỏi mà lại muốn ở ngàn năm sau giảng giải về ngàn năm trước thì đó chính là duyên do sinh nghi ngờ vậy. Ôi nghi ngờ thì bên Nho bên Y đều có. Nhưng bên Nho thì đã có các bậc tiền hiền huấn hỗ giải thích, các lớp sư hữu tích tụ gợi mở, như tiếng chuông đã vang xa từ lâu rồi. Còn bên Y lẽ nào cũng như vậy chăng ? Ở đây càng thấy mờ mịt và càng có nhiều điều đáng nghi ngờ. Muốn làm sáng tỏ điều hoài nghi, có lẽ cần phải giảng thuyết thì sau đó được sáng rõ. Hay xem lời nói của Khổng Phu Tử “đa văn khuyết nghi” (nghe nhiều và để khuyết những điều còn nghi ngờ). Phàm nghi ngờ mà để khuyết thì làm sao có thể minh thuyết được ? Huống hồ có điều ta nghi ngờ nhưng người khác lại không nghi ngờ, có điều người khác nghi ngờ mà ta lại không nghi ngờ, thì làm sao có thể nói hết. Nếu nghi ngờ mà không diễn giải thì kết cục sự mờ mịt sẽ chất chồng, thì làm sao có thể tin thực được? Nhưng diễn giải thì có trường hợp không thể diễn giải hết, có trường hợp không thể diễn giải, đành phải dùng câu “biết thì nói là biết, không biết nói là không biết” cũng là không tự làm hại đến điều hiểu biết vậy. Vì thế đặt tên sách là Thuyết nghi.
    Thượng tuần tháng giêng năm Tự Đức Giáp Dần (1854) Anh Xuyên Bùi Thúc Trinh Điềm Trai tự đề ở nơi ở Dưỡng Mông đường.
    Bài tựa Vệ sinh yếu chỉ:
    Đạo của Y thuật là mở mang Lý, sự của Y thuật là ở chỗ thực dụng. Bởi lẽ cái Dụng bắt nguồn từ Lý thì Dụng sẽ không phiền rối; Lý mà được thực thi trong Dụng thì Lý có chứng cứ rõ ràng. Truy tìm từ Hiên Viên, Kỳ Bá(5) trở về sau, danh y đời nào cũng có, biện luận rộng để làm tỏ Y lý, phương pháp nhiều nhằm giúp ích cho đời. Cứ thế các nhà để lại tiếng nói (học thuyết) truyền đời. Nhưng về học thuyết thì mỗi nhà mỗi khác, khó mà lĩnh hội hết; về phương pháp thì vô cùng đa dạng, chẳng dễ cùng thực thi. Còn về nguyên nhân gây bệnh thì trong-ngoài, hư-thực vốn khác nhau xa; về cách trị bệnh thì chính-tòng, thường-biến không hề đồng nhất. Nếu mong cầu điều hiểm hóc và điều dễ dàng cùng được làm sáng tỏ, điều còn giấu kín và điều đã hiển hiện cùng được phơi bày thì chắc hẳn không phải chỉ qua một khe nhỏ mà có thể nhìn thấu đáo được. Vả lại nghề y là nghề mà làm thì rất dễ song để biết (hiểu biết nó) thì vô cùng khó. Ngay cả người xưa đặt ra khuôn mẫu thì cũng là những thứ không tinh túy (chỉ là cặn bã dư thừa), càng tìm lại càng xa lắc, càng kiếm lại càng sâu thẳm. Huống hồ diệu chỉ tinh vi, có điều không thể truyền nói hết được. Nếu không có lòng thành mong cầu, tìm tòi khám phá điều uẩn áo, phân tích tách bạch điều tinh vi để hiểu được cái tầng ngoài của ngôn từ thì chưa thể vượt qua hàng rào của nó được. Ta theo nghiệp y đã được 40 năm, đối với những lời nói tốt đẹp của tiên triết luôn âm thầm lao tâm khổ tứ nghiền ngẫm để có thể làm sáng tỏ trong y lý, may mắn có chỗ dùng được thì giữ lấy. Hễ thu được điều gì đều muốn nêu lên làm gương cho muôn đời. Thế nhưng sư môn các phái lại khó quy về một mối. [Cho nên] lạm cắt bỏ rườm rà, lượm lặt điều tốt đẹp biên tập thành sách. Trước đây, để dạy học trò, ta từng đã viết Y học thuyết nghi gồm 1 quyển, tiếp đó biên tập Hội anh y môn gồm 28 quyển, Sơ thí tiện dụng gồm 3 quyển. Nay lại muốn giản tiện, vừa phải dễ mang theo mình, bèn ước lược biên soạn ra Vệ sinh yếu chỉ gồm 8 quyển. Chăm chỉ toản thuật, chẳng ngại thiển lậu, lại chẳng hổ thẹn là tự dụng tự chuyên, bởi lẽ là để tiện dụng cho bản thân mà cũng là giúp cho gia môn công cụ giữ gìn sức khỏe và cứu người, chứ đâu dám mong coi là trước thuật biên soạn được.
    Trung tuần tháng tư năm Thành Thái Canh Dần (1890) lão nhân tuổi 80 là Anh Xuyên Bùi Thúc Trinh chí.

    Chú thích:
    (1) Bài công bố trong Hội nghị Thông báo Hán Nôm học 2006.
    (2) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.61.
    (3) Trịnh Khắc Mạnh: Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2002, tr.22.
    (4) Ký hiệu VHv.2570, số thứ tự 4258.
    (5) Hiên Viên, Kỳ Bá tương truyền là những bậc tổ sư của y học Trung Quốc. Kỳ Bá là bầy tôi của Hiên Viên (Hoàng Đế) từng cùng Hiên Viên bàn luận về y học mà làm ra sách Nội kinh.
    Tài liệu tham khảo:
    - Mạch quyết tập yếu 脈訣輯要, R.673 (TVQG).
    - Y học thuyết nghi 醫學說疑, R.1963 (TVQG).
    - Vệ sinh mạch quyết 衛生脈訣, VHv.2570 (TVHN).
    - Vệ sinh yếu chỉ 衛生要旨(TVHN): VHv.2571, VHb.242, VHb.243, VHb.244, VHb.245, VHb.246, VHb.247.
    - Vệ sinh yếu chỉ 衛生要旨(TVQG): R.1965, R.1965, R.1966, R.1967, R.1203, R.1968, R.1204.
    - Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu PGS. Trần Nghĩa & GS. François đồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993.
    - Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Trịnh Khắc Mạnh, Nxb. KHXH, H. 2002.
    - Từ điển Đông y học cổ truyền, Nguyễn Thiên Quyến, Nguyễn Mộng Hưng, Nxb. KH&KT, 1990.
    - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Nxb. KHXH, H. 1991./.
    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (83) 2007; Tr.42 - 48)

    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     
    Last edited by a moderator: Jun 19, 2015

Share This Page