Bước đầu tìm hiểu tâm trạng Trần Nguyên Đán trước thời cuộc khủng hoảng suy tàn

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 8, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    NGUYỄN HOÀNG THÂN
    Khoa Ngữ văn - ĐHSP Đà Nẵng

    Nhìn chung từ xưa đến nay, người ta nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam hay nghiên cứu về văn học Lí - Trần hoặc văn học thời Trần thường chủ yếu nghiên cứu về những tác phẩm phản ánh thời đại hoàng kim, phản ánh xã hội tốt đẹp, phản ánh khí thế chống giặc giữ nước hào hùng; trái lại, những tác phẩm phản ánh về thời cuộc khủng hoảng suy tàn thường ít được chú ý khai thác, tìm hiểu, nghiên cứu. Tác phẩm của Trần Nguyên Đán cũng thuộc trong số tác phẩm ít được quan tâm nghiên cứu.

    Đọc tác phẩm của Trần Nguyên Đán, chúng ta thấy thơ văn ông chất chứa nhiều tâm trạng trước thời cuộc khủng hoảng suy tàn. Trần Nguyên Đán là một người thuộc dòng dõi quí tộc, đồng thời cũng là người từng giữ những chức vụ quan trọng trong xã hội nhà Trần, vì vậy ông luôn luôn quan tâm đến sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của dòng tộc. Mặt khác, Trần Nguyên Đán cũng có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách, tư tưởng của Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi, đặc biệt là Nguyễn Trãi - một vĩ nhân của dân tộc. Thế nhưng có rất ít tài liệu hoặc công trình chuyên khảo nghiên cứu về tâm trạng ưu thời mẫn thế của ông. Chính vì vậy chúng tôi chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu của mình.

    Hiện nay, chúng ta rất khó xác định một cách chính xác tài liệu nào viết về Trần Nguyên Đán (cuộc đời và thơ văn) đầu tiên, bởi vì có một số tài liệu viết về Trần Nguyên Đán mà hiện nay chúng ta có trong tay vẫn chưa biết được thời gian cụ thể. Ngoài những tài liệu chưa có niên đại xác định ra, trong số các tài liệu biết thời gian cụ thể viết về Trần Nguyên Đán đầu tiên có lẽ là 清池光烈朱氏遺書 Thanh Trì Quang Liệt Chu thị di thư do Chu Văn An soạn năm Khai Hựu 12 (1340), 清虛洞記 Thanh Hư động kí (1384) của Nguyễn Phi Khanh, 崑山清虛洞碑銘 Côn Sơn Thanh Hư động bi minh, 題司徒陳元旦祠堂Đề Tư đồ Trần Nguyên Đán từ đường của Trần Nghệ Tông, 冰壺遺事錄 Băng Hồ di sự lục (1428) của Nguyễn Trãi, 越音詩集Việt âm thi tập (1433) do Phan Phu Tiên biên tập, Lí Tử Tấn phê điểm, 南翁夢錄 Nam Ông mộng lục (Lê Trừng viết bài Tựa đề năm 1438),大越史記全書 Đại Việt sử kí toàn thư (1697), 公余捷記 Công dư tiệp kí (1755) của Vũ Phương Đề, 全越詩錄 Toàn Việt thi lục (1768) của Lê Quí Đôn, 御制越史總詠Ngự chế Việt sử tổng vịnh (1874) của Tự Đức. Và có lẽ tài liệu chữ Hán sau cùng có nhắc về Trần Nguyên Đán là tác phẩm 越南國史考 Việt Nam quốc sử khảo (1908) của Phan Bội Châu.

    Các tài liệu viết về Trần Nguyên Đán bằng chữ Quốc ngữ có Việt Nam sử lược (1920) của Trần Trọng Kim, Nguyễn Trãi (1941) của Ngô Văn Triện, Lược truyện các tác gia Việt Nam (1971) của Trần Văn Giáp, Thơ văn Lí - Trần (1978) của Viện Văn học...

    Nhìn chung, các tài liệu trên chủ yếu viết về cuộc đời và thơ văn của Trần Nguyên Đán, chưa có một công trình nào chuyên khảo về tâm trạng của ông trước thời cuộc bấy giờ.

    1. Sơ lược hoàn cảnh lịch sử thời Trần Nguyên Đán

    Tìm lại trong sử sách, chúng ta có thể nói ngay rằng thời kì lịch sử mà Trần Nguyên Đán từ lúc sinh ra cho đến lúc qua đời là thời kì nhà Trần đang rơi vào tình trạng khủng hoảng suy tàn. Nạn mất mùa, đói kém xảy ra liên tiếp do bão to, lụt lớn, vỡ đê, hạn hán(2) bởi chính quyền nhà Trần không còn chăm lo đến thuỷ lợi, đê điều và các chính sách khuyến nông tích cực khác; quan trọng hơn là do giai cấp thống trị tăng cường vơ vét tiền của, thóc gạo của nhân dân. Trong một số bài thơ gửi tặng nhạc phụ, Nguyễn Phi Khanh đã nói lên nỗi khổ của nhân dân trong cảnh đói kém, mất mùa lại còn bị tham quan ô lại vơ vét:

    “Đạo huề thiên lí xích như thiêu,

    Điền dã hưu ta ý bất liêu !...

    ...Lại tư võng cổ hồn đa kiệt,

    Dân mệnh cao chi bán dĩ tiêu”

    (Thôn cư cảm sự kí trình Băng Hồ tướng công)

    Mênh mông đồng lúa đỏ như thiêu,

    Ngoài nội kêu than xiết nỗi sầu...

    ... Lưới tham quan lại vơ hầu kiệt,

    Mạch sống dân gian cạn mỡ dầu

    (Đào Phương Bình dịch(3)

    Do cuộc sống đói kém, mất mùa thường xuyên như vậy nên đã dẫn đến các cuộc khởi nghĩa diễn ra liên tục vào các năm 1343, 1351, 1378, 1383, 1389...

    Trong nội bộ giai cấp quí tộc, xu thế phân tán đang phát triển và lan rộng, đã diễn ra hàng loạt cuộc chém giết, tranh cướp lẫn nhau và không biết bao cảnh chơi bời dâm dật của bọn vua chúa vương hầu. Sách Thiên Nam ngữ lục(4) có đoạn:

    “Hán Siêu, Trung Ngạn lo phiền,

    Cớ sao cưu điểu được lên thước sào.

    Bèn cùng Trần, Đỗ dương giao,

    Giận thay Lữ hậu được sao chuyên quyền.

    Cứ trong gia pháp còn truyền,

    Sự chi Nhật Lễ được quyền kỉ cương”.

    Hoặc:

    “Dụ Tông việc chính để khuya,

    Chưng dương những mới nên mê tính tình.

    Trường chơi ca kĩ sung doanh,

    Chính mặc triều đình, mình mặc du hoang”.

    Quan hệ luân thường của thế tộc nhà Trần hết sức đồi bại, trái với đạo lí như Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam sử lược: “luân thường trong nhà thì bậy: cô cháu, anh em, trong họ cứ lấy nhau, thật là trái với thế tục”(5). Hay như sách Thiên Nam ngữ lục cũng có đoạn chép:

    “Từ ấy Công chúa Thiên Ninh,

    Cùng vua ăn ở như hình phu thê.

    Cùng nhau chăn gối sớm khuya,

    Nguồn đào nước lũ, vân nghê bấy dường”.

    Lúc bấy giờ Hồ Quí Li có mưu đồ chính trị, lại được vua Trần Nghệ Tông tin dùng, giao giữ những chức vụ quan trọng. Từ đó, Hồ Quí Li trở nên lộng quyền, mưu hại rất nhiều trọng thần và tôn thất, chuẩn bị tiếm ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ.

    Trước tình hình như vậy, ngay cả một người bình thường cũng phải xao tâm huống gì là Trần Nguyên Đán - Tể tướng đương triều. Đối với ông, trước mắt toàn là những việc phải quan tâm, Bùi Văn Nguyên đã viết: “Trần Nguyên Đán vốn tính tình thâm trầm và có lòng ưu ái. Tuy ở ngôi Tể tướng, sống trong dinh thự nguy nga, nhưng ông vẫn nghĩ đến đời sống lầm than của dân đen, con đỏ” (6). Không chỉ có vậy, Trần Nguyên Đán còn nghĩ đến đất nước, lo cho nguy cơ dòng tộc và tâm sự về cuộc đời riêng tư của mình.

    2. Tâm trạng Trần Nguyên Đán trước thời cuộc khủng hoảng suy tàn

    2.1. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nguyên Đán

    Đã có nhiều tài liệu viết về Nguyễn Trãi, một số ít tài liệu viết về Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh hoặc viết về cục diện xã hội thời Trần - Hồ, do vậy ít nhiều cũng đã nhắc đến tên của Trần Nguyên Đán. Ngoài ra, có một số ít tài liệu viết riêng một cách sơ lược về tiểu sử của Trần Nguyên Đán - đó là các loại từ điển. Song, Băng Hồ di sự lục(7) là tài liệu viết về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nguyên Đán tương đối sớm nhất và súc tích nhất. Do vậy, chúng tôi trích lại tài liệu này để trình bày về cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nguyên Đán như sau: “Băng Hồ tướng công là thân tộc nhà Trần. Cha là Nhập nội Thái bảo, Uy Túc công, húy là Văn Bích, giúp triều Minh Tông thành nghiệp thái bình. Tổ là Văn Túc vương, húy là Đạo Tái, mười bốn tuổi thi đậu Bảng nhãn, triều Thánh Tông đặc ân ban cho văn phục để tỏ ý yêu quí đặc biệt, khen là có tài Quản, Cát, có ý muốn dùng vào việc lớn; chưa kịp lên làm tướng, vương đã mất sớm. Tằng tổ là Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh đại vương, húy là Quang Khải, con thứ của Thái Tông, đời Trung Hưng công to bậc nhất. Từng xuất chinh, Thánh Tông tặng hai cái cờ, bút ngự đề rằng:

    “Nhất đại công danh thiên hạ hữu,

    Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô.”

    (Một thời công danh, thiên hạ có,

    Hai triều trung hiếu, thế gian không).

    Công húy là Nguyên Đán, nếp nhà thi lễ, nòi giống thần minh, trăng trong gió mát, có nhã thú xa lánh cõi trần; ngày trắng tuổi xanh, có hoài bão một lòng vì nước. Xưa trong buổi hôn đức bội loạn, đi theo hai vua Nghệ Tông và Duệ Tông chạy ra ngoài, đến khi dẹp yên được lập làm tướng. Giữ vững cơn lay động, gỡ mối sầu buổi rối ren, trong khoảng mấy năm, trong nước yên lặng, người ta khen là hiền tướng. Dù là trẻ con, lính tráng, chẳng ai là không biết tiếng.

    Từ khi họ Hồ được tiến dụng, giá ngầm bắt đầu đông. Công nói: ‘Người quân tử thấy cơ thì làm, không chờ đến cuối ngày’. Bấy giờ bèn dựng động Thanh Hư ở núi Côn Sơn, huyện Phượng Sơn để làm chỗ lui nghỉ. Động làm xong, Duệ Tông tặng ba chữ ngự bút lớn ‘Thanh Hư động’, nêu ở mặt bia. Nghệ Tông tự chế bài minh bia khắc vào lưng bia.

    Công tuy thân gửi suối rừng, mà chí thì ở tông xã, tấm lòng ưu ái chưa từng một ngày quên. Hoặc đi hoặc ở, khi động khi tĩnh, đều là có ý can gián. Rút cục Nghệ Tông đều không xét đến. Do đó, họ Hồ uy thế càng thịnh, kẻ xu phụ ngày càng nhiều, thế nước ngày càng suy, không làm sao được nữa, cái chí lui về hưu của công mới quyết.

    Đến cuối cùng, ốm mà không uống thuốc, con cháu có người khuyên thì Công nói: ‘Thời sự như thế, ta được chết là may rồi, sao còn cầu sống để thấy họa loạn ? Công mất chưa được bao lâu, thì họ Hồ quả cướp nước, giết hại con cháu họ Trần không sót. Cái trí sáng suốt thấy trước của Công như thế đó. Thọ sáu mươi lăm tuổi, năm Canh Ngọ tháng 11 ngày 14 mất ở nhà, táng ở núi Tam Giáp huyện Phượng Sơn, phủ Lạng Châu. Làm quan đến chức Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ Bình chương sự quốc Thượng hầu, thụy là Chương Túc. Có Băng Hồ ngọc hác tập truyền đời. Con trai con gái có mười một người, sau cuộc binh đao ít người còn sống...” (Văn Tân dịch)(8).

    2.2. Tâm trạng Trần Nguyên Đán trước thời cuộc

    Trong số 51 bài thơ được in trong cuốn Thơ văn Lí - Trần (tập 3), ngoài một số bài thù tạc, ca ngợi như: 奉賡聖制“觀德殿賜進士及第宴”詩韻 Phụng canh thánh chế “Quan Đức điện tứ tiến sĩ cập đệ yến” thi vận (Họa vần bài thơ “Ban yến cho những người đỗ tiến sĩ ở điện Quan Đức” của nhà vua), 奉賡御制“秋懷”詩韻 Phụng canh ngự chế “Thu hoài” thi vận (Họa vận bài thơ “Thu hoài” của nhà vua), 賡試局諸生唱酬佳韻 Canh thí cục chư sinh xướng thù giai vận (Họa vần bài thơ xướng họa của các thí sinh ở trường thi), 奉賡太上皇御制題天長府重光宮 Phụng canh Thái thượng hoàng ngự chế đề Thiên Trường phủ Trùng Quang cung (Họa bài thơ của Thái thượng hoàng đề ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường) ra, đa phần còn lại chủ yếu là giãi bày tâm sự, diễn tả tâm trạng.

    2.2.1. Tâm trạng về đất nước và nhân dân

    Có lẽ chúng ta dễ nhìn thấy ở Trần Nguyên Đán là tâm trạng về dân về nước. Rất nhiều bài thơ đã diễn tả tâm trạng này.

    2.2.1.1. Đời sống của nhân dân thời kì này cực kì khốn khó, đói kém, mất mùa liên tục xảy ra. Quan Tư đồ đau xót kể lại rằng:

    “Niên lai hạ hạn hựu thu lâm

    Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm”

    (Nhâm Dần lục nguyệt tác).

    (Năm nay mùa hè bị hạn, mùa thu lại bị lụt,

    Lúa khômạ thối, tai hại càng nhiều.”

    Hoặc:

    “Vạn quốc dân sinh phí đỉnh ngư,

    Sóc Yên đông Biện dĩ khâu khư.”

    (Dạ qui chu trung tác).

    (Người dân muôn nước như cá trong vạc nước sôi.

    Đất Yên phương bắc, đất Biện phương đông đã thành gò đống).

    Thêm vào đó, tình trạng mua quan bán tước ở thời Băng Hồ vẫn đang tồn tại, mặc dù tệ nạn này bị các nhà làm sử phê phán từ lâu. Ông ngậm ngùi than rằng:

    “Đồng xú kim do hãn sử bình”.

    (Cửu nguyệt đối cúc canh ngự chế thi vận).

    (Hơi đồng hôi tanh sử xanh đã bình nay vẫn còn).

    Trong thời kì này, giai cấp thống trị đua nhau đem đất ruộng và nô tì cúng dường cho nhà chùa. Điều đó làm cho đất sản xuất ngày càng thu hẹp, lực lượng sản xuất cũng bị giảm đi. Không những thế, việc xây dựng chùa chiền, Phật tháp đã làm nhọc sức dân, tốn nhiều tiền của. Trong bài Bảo Nghiêm tháp, Trần Nguyên Đán đã mỉa mai và bày tỏ sự đồng cảm với nỗi vất vả của người dân:

    “Nhất tiếu vô ưu trang thất bảo,

    Long xà đôi trúc dịch dân lao.”

    (Cười cho sự vô lo, đem thất bảo điểm tô lên tháp,

    Chạm trổ rồng rắn làm dân phải mệt nhọc).

    2.2.1.2. Trước một tình trạng dân đói, nước loạn, xã hội khủng hoảng, suy vi khi ấy, Trần Nguyên Đán ước mơ xã hội có những người tài năng, có đạo đức để gánh vác sơn hà. Ông đã diễn tả tâm trạng này qua những câu thơ sau:

    “Ngọc thạch tối nghi khu biện biệt,

    Loan kê nhẫn sử tịnh phi tường.

    Đắc hiền Đổng Tử hưng Viêm Hán,

    Truất trực Lưu Phần nhược vãn Đường.

    Thiên chúa đinh ninh dung bác thủ,

    Yếu tiên trung đảng hậu từ chương.”

    (Dụng Hồng Châu Đồng úy Phạm công vận phụng trình khảo thí chư công)

    (Ngọc đá phải phân biệt cho rõ.

    Đừng để phượng với gà bay chung với nhau,
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Được người hiền như Đổng Tử làm hưng thịnh nhà Hán.

    Truất người trung trực như Lưu Phần làm cho suy yếu nhà Đường,

    Chiếu vua cặn kẽ cho phép lấy rộng.

    Trước phải xem phần trung chính, sau hãy xét văn chương).

    Hoặc:

    “Nhất chú ngự hương thông đế khuyết,

    Nguyện văn trung hiếu Trạng nguyên danh.”

    (Canh thí cục chư sinh xướng thù giai vận).

    (Đốt nén hương vua thấu đến cửa thượng đế,

    Mong được nghe tên vị Trạng nguyên trung, hiếu).

    Hoặc:

    “Thừa hỉ anh tài qui tảo giám,

    Hành khan hoàng bảng xuất triều đình.”

    (Dụng Đỗ Tồn Trai vận trình thí viện chư công).

    (Sĩ giỏi, gương văn còn xuất hiện,

    Bảng vàng sân chúa hãy quan chiêm).

    (Đào Phương Bình dịch).

    Hoặc:

    “Đấu tướng tòng thần giai thức tự,

    Lại viên tượng thị diệc năng thi.”

    (Đề Quan Lỗ bạ thi tập hậu)

    (Tướng võ, quan hầu đều biết chữ,

    Thư lại, thợ thuyền cũng làm thơ).

    Hoặc:

    “Thánh chủ cầu hiền tịch lễ vi,

    Hân chiêm quần phượng cửu tiêu phi.

    Thương sinh chỉ nhật đương tô tức,

    Biên tái vô trần ngục tụng hi.”

    (Tứ Tiến sĩ)

    (Vua thánh cầu người hiền nên mở khoa thi,

    Mừng được xem bầy chim phượng bay lên chín tầng mây.

    Chẳng bao lâu nữa, dân được nghỉ ngơi,

    Nơi biên thùy hết giặc, việc kiện tụng cũng ít đi).

    Trần Nguyên Đán tin tưởng vào tài năng của những người sau như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Hán Anh. Ông luôn gửi gắm, ủy thác trách nhiệm cứu nước giúp dân đối với họ. Quan Tư đồ viết:

    “Thiên chung vạn vũ Tử vi lang”.

    (Kí tặng Nhị Khê Kiểm chính viện Ứng Long)

    (Nghìn hộc lúa, muôn ngôi nhà là của Tử vi lang).

    “An dân tế vật chư công sự”.

    (Họa Hồng châu Kiểm chính vận)

    (Yên dân, giúp đời, sự nghiệp của các người).

    Chu Văn An là vị đại quan thanh liêm, cương nghị, cũng đã phải thể hiện niềm cảm khái trước tình trạng suy vi của triều đại nhà Trần hồi cuối thế kỉ XIV. Tiều Ẩn muốn lánh đời thoát tục, làm cho Băng Hồ tiếc nuối, ngâm câu thơ mời gọi, níu kéo Văn Trinh trở lại:

    “Huệ trướng vật kinh cô hạc oán,

    Bồ luân hảo vị hạ dân hồi.”

    (Tặng Chu Tiều Ẩn)

    (Trong trướng huệ chớ sợ chim hạc cô đơn oán giận,

    Bánh xe cỏ bồ hãy vì dân mà quay trở lại).

    Ngược lại với thực trạng trên, Trần Nguyên Đán hết sức vui mừng khi nghe tin Chu Văn An được bổ chức Tư nghiệp ở Quốc tử giám, Tư đồ đã làm thơ chúc mừng và ca tụng:

    “Học hải hồi lan tục tái thuần,

    Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân.

    Cùng kinh bác sử công phu đại,

    Kính Lão sùng Nho chính hóa tân.

    Bố miệt mang hài qui vĩnh nhật,

    Thanh đầu bạch phát dục Nghi xuân.

    Huân Hoa chỉ thị thùy thường trị,

    Tranh đắc Sào, Do tác nội thần !”

    (Hạ Tiều Ẩn Chu tiên sinh bái Quốc tử giám Tư nghiệp)

    (Thói thuần biển học, sóng tài xoay,

    Sơn, Đẩu trường cao được đón thầy.

    Rộng sử, thông kinh, công dụng lớn,

    Sùng Nho, kính Lão, kỉ cương hay.

    Ngày về núi cũ hài rơm bước,

    Xuân tắm dòng Nghi tóc trắng bay.

    Nghiêu, Thuấn rủ xiêm thành thịnh trị,

    Sào, Do đâu có chịu ra tay).

    (Đào Phương Bình dịch).

    Băng Hồ tướng công luôn luôn ước mơ một xã hội có nhiều người tài được trọng dụng, hiền sĩ được gánh vác trách nhiệm. Thế nhưng giai cấp thống trị lại bảo thủ, cố chấp, không biết sử dụng hiền tài. Điều đó làm cho Trần Nguyên Đán thất vọng, ngậm ngùi, chỉ biết gửi tâm trạng mình vào câu thơ:

    “Nhất bôi cưỡng túy thù giai tiết,

    Bất quản liêm hà bạch lộ linh.”

    (Cửu nguyệt hữu nhân lai phỏng đồng tác)

    (Một chén gượng say để đáp lại tiết vui,

    Chẳng ngại gì lau sậy có móc trắng rơi).

    2.2.2. Trần Hiến Tông không có con, Minh Tông thượng hoàng lập người em tên là Hạo làm vua, tức là Trần Dụ Tông. Trần Dụ Tông ăn chơi sa đọa, không có con trai nối nghiệp. Triều đình định lập Cung Định vương là anh Dụ Tông lên làm vua, nhưng bà Hoàng thái hậu nhất định lập người con nuôi của Cung Túc vương là Dương Nhật Lễ. Trần Nghệ Tông thì nhu nhược, tin dùng Hồ Quí Li. Đứng trước một loạt chính biến to lớn như vậy, Trần Nguyên Đán là tôn thất nhà Trần thì không thể không suy nghĩ về nguy cơ dòng tộc của mình. Sách Thiên Nam ngữ lục cũng miêu tả tâm trạng này của Tư đồ:

    Trong cô ngoài cháu đắc thì,

    Tư đồ Nguyên Đán sớm khuya lo phiền.

    Quí Li nó đã lộng quyền,

    Ta hơi tông thất sau nên hiềm ngờ.

    Chính vì vậy Trần Nguyên Đán đã làm bài thơ Thập cầm có câu:

    “Nhân ngôn kí tử dữ lão nha,

    Bất thức lão nha liên ái phủ.”

    (Đem con mà gửi cho loài quạ,

    Chẳng biết quạ già có xót thương?)(9)

    2.2.3. Theo như Ngô Sĩ Liên đã viết trong Đại Việt sử kí toàn thư, Trần Nguyên Đán là người biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp nhà Trần sắp hết. Là một đại thần, là một tông thất, thế nhưng Băng Hồ tướng công cũng không thể xoay sở, đành phải nhắm mắt buông xuôi mà buột những lời than thở:

    “Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,

    Bạch đầu không phụ ái dân tâm.”

    (Nhâm Dần niên lục nguyệt tác)

    (Đọc ba vạn cuốn sách mà thành vô dụng,

    Bạc đầu luống phụ lòng thương dân).

    Hoặc:

    “Tam phần đầu bạch thốn tâm đan,

    Thế thượng phần phần vạn sự nan.”

    (Mậu Thân chính nguyệt tác)
    (Ba phần tóc trên đầu đã bạc, vẫn tấc lòng son,

    Sự đời bối rối, muôn việc khó khăn).

    Hoặc:

    "Qui chu vị ổn giang hồ mộng,

    Phân thủ ngư đăng chiếu cổ thư."

    (Dạ qui chu trung tác)
    (Thuyền về trằn trọc khôn yên giấc,

    Mượn ánh đèn chài dở sách coi).

    Thời cuộc khủng hoảng suy tàn như vậy, bản thân thì không có biện pháp gì khả dĩ, bởi vì Băng Hồ là bậc tông thần nhưng không còn được dự mưu nữa, chỉ biết dựa theo đời qua chuyện mà thôi (依阿涉世徒為耳,白首宗臣不與謀-答梁江納言病中- Y a thiệp thế đồ vi nhĩ, bạch thủ tông thần bất dữ mưu - Đáp Lương Giang nạp ngôn bệnh trung). Ông cho rằng việc ban ngày bay lên trời còn dễ, chứ việc giúp vua để vua được như Nghiêu, Thuấn mới khó (白日升天易,致君堯舜難 Bạch nhật thăng thiên dị, Trí quân Nghiêu Thuấn nan - Đề Huyền Thiên quán). Cho nên Trần Nguyên Đán chỉ muốn rút lui khỏi chốn quan trường, trở về ở ẩn, sống cuộc đời hành tàng ngắn ngủi còn lại. Ông diễn tả tâm trạng của mình qua những vần thơ:

    "Lãm kính tự tàm duy nhất sự,

    Lực phù suy bệnh tác Tam công."

    (Ngẫu đề)
    (Trông gương chỉ thẹn có một việc,

    Đó là cố chống đỡ với già bệnh để giữ chức Tam công).

    Hoặc:

    "Khê biên tiều tuỵ nại khinh tuyết,

    Trúc ngoại ưu du đãi chúng phương."

    (Gia đệ kiến Tiêu đô đốc thị tảo mai thi nhân canh kì vận dĩ tặng)
    (Phờ phạc bên bờ khe quen với tuyết nhẹ,

    Thảnh thơi ngoài khóm trúc, chờ các loài hoa).

    Hoặc:

    "Thập niên chính tỉnh phụ thu đăng,

    Tùng hạ hành ngâm ỷ sấu đằng.

    Tuỳ mã vọng trần vô tục khách,

    Khấu môn vấn tự hữu thi tăng."

    (Sơn trung khiển hứng)
    (Mười năm chính tỉnh phụ đèn xưa,

    Chống gậy bên thông đặng đọc thơ.

    Theo ngựa trông vời không khách tục,

    Hỏi thơ gõ cửa có nhà sư).

    (Nguyễn Đức Vân dịch).

    Hoặc:

    "Tảo khước khâm hoài trần vạn hộc,

    Niên lai thiết thạch tác tâm trường."

    (Chính Túc vương gia yến tịch thượng phú mai thi thứ Giới Hiên Bộc xạ vận)
    (Quét sạch muôn bụi hộc trong lòng,

    Gần đây lòng dạ đã thành sắt đá).

    Rời bỏ triều đình, trở về ẩn dật, thế nhưng Trần Nguyên Đán lúc nào cũng quan tâm đến việc đời vận nước. Do vậy ông chỉ biết mong rằng bệnh của mình không khỏi, hoặc là ngâm nga, hoặc là cố chìm vào giấc ngủ để quên đi tất cả mọi sự trên đời. Tư đồ đã viết:

    "Bệnh dũ bất như do bệnh thời."

    (Bất mị)
    (Thà bệnh còn hơn lúc bệnh lành).

    "Tâm tự hảo tùy ngâm lí tĩnh,

    Trần duyên tu hướng thụy trung hưu."

    (Dạ thâm ngẫu tác).
    (Lòng cũng nguôi nguôi trong lúc ngâm nga,

    Duyên nợ cuộc đời, ngủ đi là xong hết).

    Cuối cùng, Băng Hồ cũng đã đi vào giấc ngủ ngàn thu trước khi nhìn thấy cơ đồ nhà Trần rơi vào tay Hồ Quí Li, giang sơn Đại Việt bị giày xéo bởi quân Minh xâm lược. Tâm trạng của Tư đồ đã trở thành dĩ vãng, chúng ta ngày nay cần nghiên cứu để thấu hiểu một con người như ông.

    Chú thích:
    (1) Bài viết này được hoàn thành với sự giúp đỡ của Quĩ Hán Nôm - Harvard-Yenching và cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nhân đây tác giả bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc.
    (2) Lụt lớn, vỡ đê trong các năm: 1336, 1338, 1348, 1351, 1352, 1355, 1359, 1360, 1378; hạn hán trong các năm: 1343, 1345, 1348, 1355, 1358, 1374, 1378.
    (3) Phần thơ trích dẫn trong bài chúng tôi lấy từ Thơ văn Lí - Trần, tập 3 do Viện Văn học biên soạn, Nxb. KHXH, H. 1978. Ngoài ra, những trích dẫn từ tài liệu khác, chúng tôi đã có chú thích riêng.
    (4) Nguyễn Thị Lâm khảo cứu, sưu tầm, biên soạn, Thiên Nam ngữ lục, Nxb. Văn học & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2001.
    (5) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb. Đà Nẵng, 2003.
    (6) Bùi Văn Nguyên: Văn chương Nguyễn Trãi, Nxb. ĐH&THCN, H. 1984.
    (7) Nguyễn Trãi toàn tập tân biên. (Mai Quốc Liên chủ biên), Nxb. Văn học & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2001.
    (8) Hiện nay có rất nhiều tài liệu chưa thống nhất về năm sinh của Trần Nguyên Đán. Về cơ bản chia làm hai loại ý kiến: 1/ Cho rằng Trần Nguyên Đán sinh vào năm Canh Thân 1320; 2/ Cho rằng Trần Nguyên Đán sinh vào năm Ất Sửu 1325. Theo ý kiến thứ nhất bao gồm những tài liệu sau: 1/ Lược truyện tác gia Việt Nam, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1974; Những gương mặt trí thức, tập 2, Nxb. VH-TT, H. 1998. Theo ý kiến thứ hai bao gồm những tài liệu sau: Từ điển văn hóa Việt Nam, Nxb. VH-TT, H. 1993; Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỉ XIX, Nxb. ĐHQGHN, H. 2005; Từ điển văn học, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1984; Thơ văn Lí - Trần, tập 3; Tổng tập văn học Việt Nam, tập 3, Nxb. KHXH, H. 2000; Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. VH-TT, H. 1999; Giáo trình Hán văn Lí - Trần, Nxb. ĐHQGHN, H. 2001; Nam Ông mộng lục, Nxb. Văn học, H. 1999; Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2002.
    (9) Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1993./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80) 2007; Tr. 27-31)
     

Share This Page