Bút tích của Tiến sĩ Ngô Phúc Lâm (1722-1784) ở danh thắng Dục Thúy sơn (Ninh Bình)

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    BÚT TÍCH CỦA TIẾN SĨ NGÔ PHÚC LÂM (1722-1784) Ở DANH THẮNG DỤC THÚY SƠN (NINH BÌNH)
    Hồng Phi – Hương Nao
    Thanh Hóa

    Ngô Phúc Lâm người xã Trảo Nha, huyện Thạch Hà, nay thuộc thị trấn Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766). Ông là bậc đại khoa có tài năng, nên được triều đình đương thời tín nhiệm giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như Giám sát Ngự sử đạo biên giới phía Bắc nước ta là Lạng Sơn (1766), rồi làm Đốc thị Quân doanh vùng Thuận Hóa (1783), làm Trưởng sứ bộ giao thiệp với nhà Thanh Trung Quốc về vấn đề biên giới, Giám thí các khoa thi Hội năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) và năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778), được cử đi Thanh Hóa xem xét đất đặt mộ cho chúa Trịnh Sâm (1782)… Ông là người giỏi văn chương, nhưng các trước tác bị mất hết. Vì thế một số sách viết về tác gia, nhân vật lịch sử Việt Nam đều không thấy ghi tên ông(1).

    Nhân chuyến điền dã, khảo sát bút tích Hán Nôm đề ở di tích, danh lam hiện còn, chúng tôi đến Dục Thúy (nay thuộc thị xã Ninh Bình). Đây là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Ninh Bình và của cả nước. Từ xưa đã có một số vua, chúa, danh nho Việt Nam đến đây vãn cảnh và để lại bút tích Hán Nôm trên vách núi từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX, như chỉ dụ của vua Trần Minh Tông, thơ của danh nho Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh thế kỷ XIV, vua Lê Thánh Tông thế kỷ XV, Lê Hiến Tông, Lê Tương Dực thế kỷ XVI, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm thế kỷ XVIII… Trong số đó có bài thơ chữ Hán của Tiến sĩ Ngô Phúc Lâm, nhan đề: Sơn du ngẫu đề(2). Xin giới thiệu ở đây bài thơ này:

    Nguyên văn:

    山 游 偶 題

    滄州何處是蓬瀛

    南路奇觀 此最名

    萬古江山雙塔在

    壹天圖畫数 舟橫

    登臨客似雲來去

    歸住僧惟石 送迎

    升甫舊遊 時欲訪

    叢林岩畔忽啼鳴

    黎景興萬萬年之二十九五月上幹賜丙戌科進士奉差山西處督同諒山道監察御史石河瓜牙吳福臨洪錫甫題.

    Phiên âm:

    Sơn du ngẫu đề

    Thương Châu hà xứ thị Bồng Doanh

    Nam lộ kỳ quan thử tối danh

    Vạn cổ giang sơn song tháp tại

    Nhất thiên đồ họa sổ chu hoành

    Đăng lâm khách tự vân lai khứ

    Qui trú tăng duy thạch tống nghinh

    Thăng Phủ cựu du thời dục phỏng

    Tùng lâm thạch bạn hốt đề minh.

    Lê Cảnh Hưng vạn vạn niên chi nhị thập cửu ngũ nguyệt thượng cán. Tứ Bính Tuất khoa Tiến sĩ phụng sai Sơn Tây xứ, Đốc đồng Lạng Sơn đạo Giám sát Ngự sử, Thạch Hà Qua Nha Ngô Phúc Lâm Hồng Tứ phủ đề.

    Dịch nghĩa:

    Lên núi chơi ngẫu đề

    Thương Châu nơi đâu là chốn Bồng Doanh(3)

    Kỳ quan trên con đường vào Nam, đây là nơi rất nổi tiếng.

    Hai ngọn tháp còn đó như dấu vết của con sông muôn thuở,

    Mấy con thuyền quay ngang như một bức họa đồ.

    Du khách núi non này như bóng mây qua lại,

    Sư về hay ở chỉ có núi đá đón đưa.

    Khi xưa Thăng Phủ(4) đến đây dường như cũng muốn hỏi,

    Giữa rừng rậm, sườn non bỗng có tiếng chim kêu.”

    Tháng 5 năm Lê Cảnh Hưng thứ 29 (1768), đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất, phụng sai chức Đốc đồng xứ Sơn Tây, Giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn là Ngô Phúc Lâm, người xã Qua Nha huyện Thạch Hà đề.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Dịch thơ:

    Lên núi (Dục Thúy) chơi ngẫu đề

    Thương Châu đâu chốn tựa Bồng Doanh

    Đường chính vào Nam cảnh nổi danh

    Muôn thuở non sông đôi tháp hiện

    Một tranh đồ họa mấy thuyền quanh

    Lên chơi khách giống mây qua lại

    Về ở Tăng riêng núi tiễn nghênh

    Thăng Phủ lên chơi xưa muốn hỏi

    Rừng non đáp vọng tiếng chim oanh.

    H.P-H.N

    Chú thích:
    (1). Trần Văn Giáp, Nguyễn Tường Phượng, Tạ Phong Châu: Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập I, II, Nxb. KHXH, H. 1972. Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam,Nxb. Văn hóa, 1999.
    (2). Bài thơ đã được in rập, thác bản N02810, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
    (3). Thương Châu có nhiều nghĩa: bãi sông, nơi ẩn dật… chúng tôi để nguyên chữ Hán để độc giả hiểu theo nghĩa. “Bồng Doanh” là nơi Tiên ở, cõi tiên.
    (4). Thăng Phủ là tên tự của Trương Hán Siêu (?-1354), một danh nhân lịch sử nước ta dưới thời nhà Trần, quê ở Gia Khánh nay thuộc thị xã Ninh Bình. Ông cũng có bút tích đề núi Dục Thúy./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (83) 2007; Tr.69 -70)
     

Share This Page