Các hình thức chữa bệnh và vai trò của y học cổ truyền trong đời sống các dân tộc ở tỉnh Sóc Trăng

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    CÁC HÌNH THỨC CHỮA BỆNH VÀ VAI TRÒ CỦA Y HỌC CỔ TRUYỀN TRONG ĐỜI SỐNG CÁC DÂN TỘC Ở TỈNH SÓC TRĂNG TRƯỚC NĂM 1945
    Trần Phước Thuận
    Thị xã Bạc Liêu
    Sóc Trăng - một vùng đất rất đặc biệt, vừa giáp biển vừa giáp rừng; có đất sâu làm ruộng, đất giồng làm rẫy; còn có nhiều cù lao, bãi bồi trên các sông lớn đất đai màu mỡ. Vì vậy nguồn dược liệu thiên nhiên ở đây vô cùng phong phú, có đủ các cây con làm thuốc, từ các loại thông thường đến các loại quí hiếm đều có khắp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Có thể nói Sóc Trăng là cái vựa thuốc của miền Tây Nam bộ. Trước năm 1945, thuốc Tây chưa được thông dụng, khi trái gió trở trời người dân ở đây chỉ trông cậy vào cây thuốc ở địa phương. Sóc Trăng là nơi cư trú của ba tộc người Kinh, Hoa và Khmer, họ sống rất hòa hiếu từ lâu đời, hơn 200 năm nay họ đã thắt chặt tình đoàn kết để cùng nhau khai mở đất hoang, thành lập thôn làng chợ búa, cùng phát triển công thương ngư nghiệp, các lĩnh vực văn hóa xã hội cũng song song phát triển nhất là việc phòng bệnh chữa bệnh càng được chú ý hơn. Nhưng vì trình độ dân trí và phong tục tập quán của mỗi dân tộc mỗi khác nên các cách chữa bệnh cũng khác nhau.

    Người Khmer vốn là dân tộc chất phác, sự hiểu biết về y học rất đơn giản. Đối với các bệnh chứng, họ không cần phải lý luận dông dài, mà chủ yếu giải quyết bằng những bài thuốc kinh nghiệm. Những bài thuốc này rất ít vị, đôi khi chỉ có mỗi một vị nhưng hiệu quả lại rất khả quan. Từ nhiều thế kỷ trước người Khmer đã biết dùng Ngải xanh, Ngải vàng để đắp bó những chỗ sưng bầm do bị đánh, té; uống Ngải đen để trị đau bụng, tiêu chảy hoặc ăn uống không tiêu; họ còn dùng cây lá Ngải mọi để ngâm rượu uống hàng ngày và trị tê thấp, nhức mỏi. Khi bị thương tổn ức huyết thì chỉ một con Cua đồng giã nhỏ hòa rượu lược bỏ xác cho uống là kiến hiệu ngay. Trong những năm đó bệnh sốt rét thường xảy ra nhưng họ cũng đã sớm biết dùng cây Chó đẻ hoặc dây Thần thông để điều trị. Nhiều thầy thuốc người Khmer còn thông thạo về cách trị rắn cắn, họ thường dùng Ngải trứng, Ngải năm ông... cho các trường hợp này. Khi bị ung nhọt họ thường dùng đọt Chùm gọng và đọt Mây dóc để đắp bó rất kiến hiệu; khi tâm thần không yên, mất ngủ họ cũng biết dùng Ngải tượng để an thần... Kinh nghiệm dân gian của người Khmer thật phong phú đã đáp ứng được một phần lớn nhu cầu chữa bệnh cho người dân ở đây.

    Người Kinh và người Hoa có trình độ văn hóa khá cao, dĩ nhiên các phương pháp phòng trị bệnh cũng có nhiều điểm đặc biệt. Những người Hoa đầu tiên đến Sóc Trăng vào khoảng 1757(1) đa số là người Triều Châu từ Hà Tiên di cư đến, sau đó có người Quảng ở Mỹ Tho cũng đến để sinh cơ lập nghiệp. Đối với những con người hàng ngày phải tìm cái sống trên hòn tên mũi đạn dĩ nhiên đều có một kiến thức y học nhất định để phòng thân và thường có các thầy thuốc chuyên nghiệp, vì vậy họ chỉ ở đây ít lâu là có hàng loạt các tiệm thuốc Bắc mọc lên. Nghề thuốc Bắc ở Sóc Trăng phát triển rất nhanh, trước nhất là do nhu cầu cấp thiết của nó nên mới được mọi người ủng hộ cùng một số yếu tố khách quan khác, như việc phát triển về số lượng chợ búa ở Sóc Trăng tăng nhanh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của các tiệm thuốc Bắc. Theo tài liệu của Vương Hồng Sến thì từ năm 1897 toàn tỉnh Sóc Trăng có 9 tổng nhưng chỉ có 4 chợ là: Sóc Trăng, Bãi Xào, Đại Nghĩa và Phú Lộc; đến năm 1939 Sóc Trăng có 13 tổng nhưng số chợ lại tăng lên 21, còn chưa kể đến các chợ làng(2), chính điều này đã góp phần làm gia tăng số lượng tiệm thuốc Bắc ở Sóc Trăng.

    Các thầy thuốc người Hoa và người Kinh đa số đều có trình độ y học cơ bản vững chắc, một số người còn rất uyên bác cả hai phương diện Nho - Y. Dựa vào thực tế hành nghề của họ có thể chia làm hai loại, một loại đa khoa và một loại chuyên khoa. Riêng loại đa khoa về chủ trương cũng không thống nhất, một số người theo lý luận kinh điển Nội - Nạn - Thương - Kim(3) đều chủ trương dùng kinh phương(4) để điều trị bệnh; nhưng có người lại căn cứ vào sự biến hóa thực tế của bệnh chứng nên chủ trương dùng thời phương(5); cũng có một số người chủ trương trị bệnh nên áp dụng những gì thực dụng, những người này đa số đều học từ các sách: Y học Nhập môn, Y học Tam tự kinh, Vạn bệnh hồi xuân, Thang đầu ca quát, Y phương ca quát... Thầy thuốc chuyên khoa thì rất đa dạng, gồm có phụ khoa, nhi khoa, trật đã cốt khoa... cả các khoa ngoại như: Ung mụn, sang lỡ, rắn cắn, chó cắn đều có đủ. Nhưng các thầy thuốc này dù thuộc loại nào hoặc có chủ trương như thế nào, thì đều có một chỗ giống nhau là tận tụy với nghề nghiệp, luôn quan tâm tới bệnh nhân, vì vậy người thầy thuốc lúc bấy giờ thường được mọi người hâm mộ và kính trọng.

    Về phương pháp xem mạch trị bệnh thì đa số thầy thuốc người Hoa người Kinh đều theo phương pháp xưa trong Mạch kinh của Vương Thúc Hòa(6). Duy có dòng họ Trần ở Phú Lộc (tổng Thạnh An) lại ra công tuyên truyền và phổ biến Lư San mạch phú(7) một sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam. Từ đó việc xem mạch bốc thuốc lan rộng, không riêng gì ở Sóc Trăng mà ở cả Nam Bộ. Chính điều này đã được cụ Nguyễn Đình Chiểu ghi lại bằng hai câu thơ trong tác phẩm Lục Vân Tiên: “Mạch thời đọc phú Lư San, đặt tay vào mạch biết đàng tử sanh”(9). Thế mới thấy mạch Lư San - một phát minh y học của người nước ta quan trọng như thế nào.

    Từ thế kỷ XVIII đến XIX, môn châm cứu vẫn chưa được phổ biến ở Sóc Trăng; chỉ có các hình thức trà vỗ, cạo, gõ, chích, lể thì rất thịnh hành. Các hình thức này là tiền thân của Án ma pháp (Massathérapie) do Lục Ngạo Sơn (đời Thanh) phát minh(9), đầu tiên ông dùng để trị bệnh sa khí, một loại cảm nặng với các hình chứng: Phát sốt, ớn lạnh, đầu nhức như bổ, bụng trướng đau như cắt hoặc thổ tả hoặc lưng đau thốn, móng tay móng chân xanh xám, tay chân tê dại(10). Theo Lục Ngạo Sơn muốn điều trị bệnh này thì bên trong nên dùng thuốc thông vị khí, bên ngoài phải dùng ba ngón tay vỗ mạnh lên bắp tay và bắp chân cho đến khi mỗi một dề gân tím, thì mới dùng kim chích lể nặn máu để tiết chất độc ra ngoài. Cái đó gọi là Phóng pháp, nhưng ở dưới chân có nhiều chỗ cấm kỵ không thể chích, nên sau khi lể phải dùng đồng xu cạo mạnh ở vùng đó thật lâu gọi là Quát pháp.

    Người Kinh ở Nam Bộ nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng rất tâm đắc phương pháp chữa bệnh của Lục Ngạo Sơn, nên đã phát triển thành một hệ thống chữa bệnh đông đảo, Phóng pháp đã trở thành một hệ thống chữa bệnh rất hoàn hảo. Phóng pháp trở thành một môn chích lễ (còn gọi cắt lể) để chữa nhiều bệnh chứng và Quát Pháp không chỉ dừng lại ở cạo bắp tay, bắp chân mà còn được áp dụng để cạo lưng, cạo ngực, cạo bụng, cạo gáy... trong rất nhiều trường hợp, thường được gọi nôm na là cạo gió. Cả hai hình thức chích lễ và cạo gió vừa ít tốn kém lại vừa có hiệu quả cao nên chẳng bao lâu đã phổ biến khắp nơi; cả người Kinh, người Hoa, người Khmer, người giàu kẻ nghèo đều sử dụng. Riêng về hình thức cạo gió thì không riêng gì các thầy thuốc mà đa số mọi người đều biết sử dụng. Các bệnh chứng cảm mạo, sốt rét tiêu chảy, đau bụng, ói mửa, nhức đầu, chóng mặt đau nhức cơ thể... đều được cạo gió hay chích lể trước khi dùng thuốc. Hai hình thức này thực sự giữ một vai trò rất trọng yếu trong việc chữa bệnh cho mọi người, nhất là những người nghèo trong các thôn ấp xa xôi.

    Năm 1936, cụ Đặng Thúc Liêng cùng một số thầy thuốc đồng nghiệp đã vận động được nhà cầm quyền Pháp cho phép thành lập Hội Y dược Việt Nam(11) tập họp các thầy thuốc thành một lực lượng lớn để phát huy chức năng và vai trò của Đông y học ở nước ta; tiếp theo có một số tỉnh thành cũng thành lập Ban Quản trị tỉnh hội để điều hành các hoạt động đông y dược trong tỉnh. Riêng ở Sóc Trăng mãi đến năm 1945 vẫn chưa thành lập được tỉnh hội và cũng không có đại diện chính thức của Hội Trung ương ở đây. Nhưng trong toàn tỉnh Sóc Trăng trong những năm 40 đã có nhiều tiệm thuộc Bắc và nhiều tổ chức thuốc Nam từ thiện, tuy mục đích khác nhau nhưng họ đều phục vụ sức khỏe cho người dân rất tích cực.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Đồng bào Khmer khi hữu sự, đa số đều trông cậy vào cây cỏ ở quê nhà. Người Hoa thì nghiêng hẳn về thuốc Bắc, nhưng nhờ khả năng tiếp thị, nên số lượng đông dược tiêu thụ rất mạnh ở thị trường. Người Kinh vừa thừa kế y lý, y luận của người Hoa và kinh nghiệm chữa bệnh dân gian của người Khmer cộng thêm những phát kiến mới về y học của mình để sau đó phổ biến cho mọi người cùng biết. Vì vậy sự lan tỏa của y học cổ truyền ở tỉnh Sóc Trăng càng ngày càng rộng, hiệu quả của nó càng lúc càng cao, Trước năm 1945, nơi đây đã có một lực lượng thầy thuốc khá lớn trong địa bàn tỉnh. Với khá nhiều lương y rất nổi tiếng như: Trần Tia, Trần Phước Vận, Hồ Tấn Phát, Dương Đức Chiêu, Nguyễn Văn Chính, Cao Văn An, Trương Văn Đê, Lê Văn Tệt, Trần Văn Tuội, Nguyễn Ngọc Ánh, Văn Đắc Phương, Văn Minh Châu, Đỗ Văn Nhu, Liên Kim, Lê Văn Tiết... Những người này đã tùy theo hoàn cảnh và sở trường của mình mà đóng góp công sức trong việc phòng và chữa bệnh cho nhân dân tỉnh Sóc Trăng, đồng thời cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc truyền bá và phổ biến kiến thức y học cổ truyền cho các dân tộc.

    Tóm lại, y học cổ truyền đã giữ một vai trò rất trọng yếu trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân ở tỉnh Sóc Trăng qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhất là những thời kỳ trước năm 1945, hiện nay nó càng không thể thiếu trong cuộc sống của người dân ở đây./.

    Chú thích:
    (1) Trần Phước Thuận: Nguồn gốc người Triều Châu ở Bạc Liêu. Tạp chí Xưa & Nay số 64-1999.
    (2) Vương Hồng Sến: Tự vị Tiếng Việt miền Nam. Nxb. Văn hóa, 1993, tr.227-228.
    (3) Nội kinh, Nạn Kinh, Thương hàn luậnKim quỹ yếu lược là bốn tác phẩm kinh điển của Đông y.
    (4) Các phương thuốc xưa từ Thương hàn luận, Kim quỹ yếu lược.
    (5) Các phương thuốc do danh y các đời sau sáng lập.
    (6) Vương Thúc Hòa, một danh y thời Ngụy - Tấn, người đầu tiên hệ thống hóa phương pháp xem mạch để viết thành sách, sách này được người đời sau gọi là Mạch kinh.
    (7) Lư San mạch chỉ sử dụng tám bộ: Phù, Trầm, Trì, Sác, Hoạt, Sáp, Hoãn, Đại để làm cơ sở luận trị bệnh.
    (8) Câu 679 và 680 trong tác phẩm Lục Vân Tiên.
    (9) Phạm Văn Đều: Án ma trị liệu. Tạp chí Đông y, số 10-1952.
    (10) Nguyễn Thiện Quyến - Nguyễn Mộng Hưng: Từ điển Đông y học cổ truyền. Nxb. KH-KT, 1990, tr.289.
    (11) Hội Y dược học Việt Nam: Sinh hoạt của Hội Y dược học Việt Nam, 1957, tr.5./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (83) 2007; Tr.38 - 41)
     
    Last edited by a moderator: Jun 19, 2015

Share This Page