Chữa bệnh tiểu đường trong sách Y học nhập môn

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    CHỮA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG TRONG SÁCH Y HỌC NHẬP MÔN
    Đặng Văn Lộc
    Sở VH-TT tỉnh Hải Dương
    Đặt vấn đề

    Giáo trình dạy sinh viên y khoa trình độ đại học và trên đại học phần Y học cổ truyền dân tộc ghi bệnh danh chứng tiểu đường thuộc “Tiêu khát bệnh”. Nội dung của giáo trình đề cập đến 3 phần: triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa. Phần triệu chứng có 3 đặc điểm: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu tiện nhiều. Phần nguyên nhân đề cập đến phần âm của tâm, thận, vị bị hao tổn, phép chữa là dưỡng âm thanh nhiệt, sinh tân dịch.

    1. Chứng tiêu khát trong tài liệu thư tịch Hán Nôm

    Kinh nghiệm khám, điều trị tiểu đường - tiêu khát có trong các sách Nội kinh (內經), Ngoại đài bí yếu (外臺秘要) và nhiều quyển sách thuốc khác. Nhiều cuốn đã được biên dịch ra tiếng Việt hiện đại nên không chỉ thày thuốc đông y mà đông đảo nhân dân biết được bệnh chứng tiểu đường loài người mắc cách ngày nay hơn 2000 năm. Quan trọng hơn là những tác giả có trình độ thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, qua thực tiễn lâm sàng đã ghi lại kinh nghiệm của mình gửi cho hậu thế. Tác dụng của những tài liệu này hiện vẫn được nhiều người quan tâm, nâng niu, coi đó là bảo bối, sổ tay lâm sàng, vì giá trị áp dụng “lời của người xưa” trong việc khám và điều trị bệnh chứng tiểu đường hiệu quả mà dược liệu lại có ở quanh nhà. Tuy vậy để hiểu được cần có vốn Hán Nôm ở mức thuộc mặt chữ (đọc thông, viết thạo) hiểu nghĩa của chữ trong sự xếp đặt chữ (ngữ pháp) hiện nay là rất ít, kể cả thày thuốc đông y có học vị bác sĩ chuyên khoa, tiến sĩ, giáo sư về y học cổ truyền.

    Như phần trên đã đề cập, nhiều sách thuốc đông y viết chữ Hán, chữ Nôm đã được biên dịch nhưng nhiều cuốn vẫn thuộc loại “sách thuốc bí hiểm” vì trình độ Hán Nôm của thày thuốc đương đại. Trong số “sách thuốc bí hiểm” ấy có cuốn Y học nhập môn - 8 tập do Lý Diêm soạn thế kỷ thứ 15 (cách đây 6 thế kỷ). Đây là sách “vỡ lòng” của người học thuốc, làm thuốc viết theo thể thơ, phú cổ. Trình bày đan xen chữ khổ to (ý chính) và chữ khổ nhỏ (giải thích ý chính). Nhiều lương y thời “quá nho sang y” (học đến trình độ thông thạo Hán Nôm, có chí thành “nguyên khí của quốc gia”) coi Y học nhập môn là sách “gối đầu giường” là người bạn tri âm, đã ứng dụng tri thức Y học nhập môn chữa được nhiều chứng bệnh.Chứng bệnh “tiểu đường” ở sách này thuộc phần tạp bệnh, táo loại, ghi chép ở mục ngoại cảm lục khí: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa và ở cả mục nội thương (tổn hại bên trong cơ thể do tác động của lục khí). Chứng bệnh “tiểu đường” được định danh là: Tiêu khát (Y học nhập môn, quyển 5 tờ 26b). Không kể đề mục, phần nội dung gồm 6 câu với tổng số 42 chữ và phần giải thích của 42 chữ khoảng gần 900 chữ. Số lượng chữ để chuyển tải thông tin không nhiều nhưng tri thức và giá trị ứng dụng thì không phải ít.

    2. Chữa tiểu đường theo phương pháp của danh y Lý Diên

    Định nghĩa về chứng bệnh tiêu khát tác giả mượn lời trong sách Nội kinh: “Nhị dương kết, vị chi tiêu khát二陽結謂之消渴” (Hai kinh dương kết là tiêu khát).Hai kinh dương là Dương minh đại tràng chủ về tân dịch, Dương minh vị chủ về huyết tân. Chữ kết (bên trái bộ mịch bên phải chữ cát) mang nghĩa ngưng kết. Tác giả còn nêu quan hệ giữa kết vào táo (khô, ráo), do quan hệ biểu lý: đại tràng và phế. Việc chia chứng bệnh “tiêu khát” ra khí phận và huyết phận của Y học nhập môn (nêu nguyên nhân, đặc điểm, triệu chứng và phép chữa)với chẩn đoán phân biệt: khát thích uống nước lạnh thuộc khí phận, khát thích uống nước ấm nóng thuộc huyết phận đến nay vẫn là tri thức, kinh nghiệm quý. Thuộc khí phận dùng thuốc có tính hàn lượng, thấm lợi để thanh nhiệt. Thuộc huyết phận dùng thuốc có tính ngọt ấm, vị chua để tư bỏ thêm phần âm.

    Về nguyên nhân của chứng bệnh tiêu khát, tác giả Lý Diên khẳng định hoàn toàn, do lửa đốt (hỏa viêm). Chữ tiêu (chấm thủy bên chữ tiếu còn đọc là tiêu) vốn mang nghĩa tiêu đi, mất đi ở trong sách tự điển. Lý Diên cung cấp một nghĩa khác: Tiêu là thiêu đốt, như lửa thiêu nướng vật từ bên trong (tiêu giả, thiêu dã như hỏa thiêu phanh vật lý giả dã 消者燒也如火燒烹物理者也). Sự thiêu nướng này là hỏa tà thiêu nướng phế lâu ngày gây khí huyết ngưng trệ.

    Vị trí bị bệnh chứng tiêu khát được phân theo tam tiêu: thượng, trung, hạ như các sách y học, nhưng y học nhập môn chỉ nêu tạng phủ, bị ảnh hưởng, nêu triệu chứng, không ghi (mô tả) đặc điểm của lưỡi, tình trạng mạch (đập) và luôn khẳng định nhiệt (hỏa nhiệt) làm cho tạng phủ bị ảnh hưởng. Như ở thượng tiêu là tâm phế, ở trung tiêu là tỳ vị, ở hạ tiêu là thận. Như vậy chỉ có 5 tạng phủ (tâm, phế, tỳ, vị, thận) bị nhiệt thiêu nướng từ bên trong. Triệu chứng của tiêu khát ở thượng tiêu là, phiền táo, lưỡi đỏ, môi hồng, ăn ít, uống nhiều, tiểu tiện nhiều. Ăn ít, được chia ra ăn được và không ăn được, chứng cách mãn (vùng cách mạc đầy trướng) chứng tửu khách cũng được coi là dấu hiệu lâm sàng của tiêu khát thuộc về thượng tiêu. Chữa tiêu khát ở thượng tiêu có bài thuốc chủ đạo là Tứ vật hợp sinh mạch tán gia Thiên hoa phấn, Địa hoàng chấp, Ngẫu chấp, Nhũ chấp và các bài thuốc chữa biến chứng với tổng số 8 bài thuốc.

    Bệnh ở trung tiêu có triệu chứng mau đói, không quá khát, đi tiểu luôn, màu nước tiểu đỏ, đại tiện phân rắn (4 biểu hiện). Các biểu hiện khác như: Nhiệt quá quắt (nhiệt của chứng Điều vị thừa khí thang), chứng nóng trong do âm thịnh dương uất (nhiệt của chứng Thăng ma cát căn thăng) và chứng thấp tích thành độc (gây ung nhọt), chứng tâm hỏa thừa tỳ, chứng can xâm hại (tỳ) khí, chứng ký sinh trùng gây hao tân dịch, chứng cả thượng tiêu và trung tiêu bị nhiệt thiêu nướng cũng đều có bài thuốc hỗ trợ. Bài thuốc cơ bản chữa chứng tiêu khát thuộctrung tiêu là bài Tứ vật gia Tri mẫu, Hoàng bá, Thạch cao, Hoàng cầm, Hoạt thạch. Cùng với các bài thuốc chữa biến chứng, phần trung tiêu có tổng số 15 bài thuốc.

    Hạ tiêu thuộc can thận nhưng chỉ có tạng thận bị thiêu nướng. Triệu chứng điển hình là khát, uống nước lại đi tiểu ngay, màu nước tiểu đục, sánh như cao. Bắp chân vế đùi teo nhỏ, trơ xương đầu gối. Mặt sắc đen, tai đen úa, người gầy. Bài thuốc chính để chữa là bài Tứ vật thang gia Tri mẫu, Hoàng bá, Ngũ vị tử, Huyền sâm, Nhân nhũ chấp. Các thang thuốc thay thế gồm Bổ âm hoàn, Thận khí hoàn, Tiên khảm ly hoàn, Bát vị hoàn khứ phụ tử gia Ngũ vị tử, Huyền thố đơn, Lộc thố đơn. Tác giả lưu ý “Cái hay của phép dùng thuốc là điều chỉnh giáng hỏa”. Các chứng ngủ mơ, trên nóng dưới lạnh đều có phương thích ứng, tổng số 13 bài. Người dùng thuốc Ngũ thạch quá, gây dương vật cương cứng, tự xuất tinh, nước tiểu như mở, cao, khát đi lỏng hoặc không đi lỏng, hoặc không khát nhưng đi lỏng. Ăn uống bồi bổ lại ra theo đường tiểu tiện như váng mỡ, người gầy mòn là hết thuốc chữa.

    Chữa bệnh chứng tiêu khát, cần quan tâm tư dưỡng các tạng phế, thận tỳ, ông Lý Diên khẳng định phương pháp chữa như vậy. Mới bị tiêu khát nên bổ phế giáng tâm hỏa. Bị đã lâu thì tư bổ thận, dưỡng tỳ. Phương thuốc cho phép chữa này là; Phương thuốc tốt (lương phương) bài Thận khí hoàn (腎氣丸) thần dược là bài Đơn qua lâu căn hoàn (單瓜蔞根丸). Bổ dưỡng tỳ dùng Sâm linh bạch truật tán. Chữa tiêu khát cho cả thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu dùng vị Văn cáp (文蛤) tán nhỏ hòa nước uống.

    Chữa tiêu khát cần chú ý hai điểm: Kỵ dùng vị Bán hạ và thuốc gây khô táo. Kỵ châm cứu vì châm cứu người bị tiêu khát biến chứng phát ung nhọt, vì châm cứu còn xuất hiện chứng rò, thoát gây nguy hiểm tính mạng.

    Với Y học nhập môn, Lý Diên đã cung cấp cho ta những kinh nghiệm quý để nhận biết triệu chứng, nguyên nhân, phương thuốc, những kiêng kỵ và nêu cả trường hợp không chữa được khi chữa tiêu khát - đái đường. Bỏ qua dấu hiệu “bệnh lý” lưỡi, không đề cập đến bắt mạch và cách phân loại rành mạch triệu chứng và các biến chứng. Nêu phép chữa và bài thuốc cơ bản, các bài thuốc chữa biến chứng với 39 bài thuốc, với đặc trưng rất Lý Diên. Nhiều lương y dùng sách này để học và áp dụng chữa bệnh. Các bài thuốc đều sẵn có ở Việt Nam.

    Bệnh tiểu đường - tiêu khát vốn là bệnh nan trị, kinh nghiệm của Lý Diên trong Y học nhập môn rất cần cho thày thuốc tham khảo. Vì vậy Hội đông y các cấp và đặc biệt là ngành y tế cần chỉ đạo thừa kế Y học nhập môn nói chung và chữa bệnh tiêu khát - tiểu đường nói riêng được áp dụng điều trị cho người bệnh trong bệnh viện và các phòng chẩn trị Y học cổ truyền./.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (83) 2007; Tr.35 - 37)
     

Share This Page