Đặc điểm ngữ nghĩa của từ chữ Hán gốc Nhật

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 5, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    CHU NGỌC CÔN - KHÚC QUYÊN
    Trung Quốc

    Trong số những từ tiếng Hán ngoại lai có một số được mượn từ tiếng Nhật. Xét theo góc độ mượn hình, những từ này được viết bằng chữ Hán, cho nên thông thường chỉ cần căn cứ vào mặt chữ (từ tố tiếng Hán) là có thể đoán được nghĩa của chúng. Chu Tổ Mô cho rằng: “Mặc dù âm đọc của chữ Hán này trong tiếng Nhật khác với âm đọc của chúng trong tiếng Hán, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến nghĩa mà nó biểu đạt”(1). Trương Chí Công cũng có nhận định tương tự: “(Trong số những từ ngữ du nhập từ tiếng Nhật) còn có một số từ dịch của tiếng Nhật, được cấu tạo bởi chữ Hán; một số ít từ vốn có của tiếng Nhật cũng được viết bằng chữ Hán, thường thì những từ như thế đều có thể dựa vào mặt chữ để đoán nghĩa của từ”(2). Thế nhưng, nghĩa của những từ đó trong tiếng Nhật và trong tiếng Hán không hoàn toàn như nhau. Điều đó có nghĩa là chúng đã trải qua một quá trình Hán hóa. “Nghĩa của từ ngoại lai và nghĩa của từ nguyên ngữ không hoàn toàn trùng khớp”(3). “Nghĩa của từ ngoại lai cũng chịu sự ràng buộc của nghĩa từ tiếng Hán và thường xuyên có sự biến đổi”(4). “Quá trình vay mượn (của từ ngoại lai mượn từ tiếng Nhật) đa phần là quá trình tu sức thêm cho ngữ nghĩa”(5). Qua đây có thể nhận thấy, quá trình Hán hóa ngữ nghĩa của những từ chữ Hán gốc Nhật hoàn toàn không đơn giản như chúng ta nghĩ. Nhiều khi “tuy cùng là một chữ Hán giống nhau song cách hiểu giữa Nhật Bản và Trung Quốc lại có sự khác biệt rất lớn”(6). Chính vì vậy, việc làm rõ vấn đề này sẽ mang lại giá trị nhất định góp phần vào việc nghiên cứu mối giao lưu ngôn ngữ Hán - Nhật cũng như việc khảo cứu từ ngoại lai tiếng Hán.

    I. Phân tích nghĩa từ tố của từ chữ Hán gốc Nhật

    Việc phân tích nghĩa của từ ở đây chủ yếu là tiến hành phân tích nghĩa lý tính của từ, khi cần có thể thuyết minh thêm về nghĩa ngữ pháp và nghĩa sắc thái của từ. “Giữa nghĩa từ và ngữ tố cấu thành từ có một mối liên hệ nhất định, do đó việc phân tích nghĩa của ngữ tố cũng có vai trò nhất định đối với việc xác định nghĩa của từ”(7). Trong khi đó, “hình thức cơ sở”(8) của từ chữ Hán gốc Nhật đều là từ tiếng Nhật, thế nên việc nghiên cứu so sánh nghĩa từ tố Nhật - Hán là một việc làm có ý nghĩa tích cực. Chúng tôi cho rằng nghĩa từ tố của từ chữ Hán gốc Nhật có thể hiểu theo nghĩa tiếng Hán, đó là biểu hiện rõ nét của quá trình Hán hóa. Tuy nhiên, khi mới du nhập, có thể nghĩa của một số chữ (từ tố) chưa được xem xét một cách thận trọng, đối với một số ít từ không thể hiểu theo tiếng Hán này, chúng tôi đành phải coi như là những trường hợp ngoại lệ. Vì thế ý kiến của một số học giả cho rằng: "nghĩa của các từ như: thủ tục手 续, thủ đoạn 手 段, tọa đàm 座 谈, đàmphán 谈 判, trọng tài 仲 裁, giải quyết 解 决, tích cực 积 极, tiêu cực 消 极, phạm vi 笵 围, trường hợp 場 合, mục đích 目 的, tông chỉ 宗 旨 không thể giải thích theo nguyên nghĩa chữ Hán"(9) là có phần khiên cưỡng.

    1. Loại từ chữ Hán gốc Nhật có nguồn gốc từ những từ vốn có của tiếng Nhật. Ở tiếng Nhật, loại từ này thường được đọc theo Kun; phần lớn đều do Nhật Bản tự sáng tạo, cũng có một số ít được dịch từ ngôn ngữ phương Tây. Chẳng hạn từ xuất khẩu 出 口, tiếng Nhật là deguchi, Nhật ngữ từ điển(10) giải thích là "nơi để đi từ trong ra ngoài", xuất có nghĩa là "đi ra", còn khẩu là "cửa". Nghĩa từ tố của tiếng Nhật và tiếng Hán là như nhau, tiếng Hán mượn từ này để diễn đạt nghĩa "cửa hoặc cổng để đi từ trong một công trình kiến trúc hoặc địa điểm nào đó ra ngoài". Thế nhưng xuất khẩu trong tiếng Nhật còn biểu thị ý nghĩa là "chỗ rò khí, rỉ nước trên đường ống nước, ống hơi đốt", tiếng Hán không thu nhận ý nghĩa này. Tương tự như thế còn có những từ như: quảng trường广 场 (quảng nghĩa là "rộng lớn, rộng rãi"; trường nghĩa là "nơi, chỗ, sân bãi"), tiểu hình小 型 (trong tiếng Nhật 型 còn thông với 形, chỉ "hình dáng, quy mô"), kiến tập见 习 (kiến nghĩa là "nhìn, xem", nghĩa mở rộng là "xem và học tập tại hiện trường"; tập nghĩa là "thực tập"), hòa phục和 服 (hòa nghĩa là "Nhật Bản", phục nghĩa là "trang phục")...

    Nghĩa từ tố của từ thủ tiêu取 消 trong tiếng Nhật không hoàn toàn giống như trong tiếng Hán. Trong tiếng Nhật, hai từ torukesu được danh từ hóa thành torukeshi. Toru có nghĩa là "cầm, lấy"; nhưng từ thủ trong tiếng Hán có thể giải thích là "lấy, lựa chọn"; tiêu là "loại trừ, biến mất", tiếng Nhật và tiếng Hán đều có cách hiểu như nhau. Tiếng Hán mượn từ thủ tiêu để diễn đạt nghĩa "khiến cho sự vật vốn có mất đi hiệu lực" chứ không lấy nghĩa nguyên văn tiếng Nhật là "loại bỏ, thu hồi". Tương tự như thế có từ: thủ đế 取 缔 (từ thủ trong tiếng Hán có nghĩa là "thủ tiêu", tiếng Nhật là "tiến hành, xử lý"; từ đế trong tiếng Hán là "ký kết", tiếng Nhật là "quản lý, giám sát"); thủ tục 取 续 (thủ tiếng Hán nghĩa là "tự tay làm", tiếng Nhật nghĩa là "phương pháp, biện pháp"; tục tiếng Nhật và tiếng Hán đều có nghĩa là "liên tục, tiếp nối"); trường hợp 場 合 (trường tiếng Hán nghĩa là "nơi chốn", tiếng Nhật nghĩa là "địa điểm, tình hình"; hợp tiếng Hán là "kết hợp lại với nhau", tiếng Nhật là "thích hợp, thống nhất"); vật ngữ 物 语 (vật cả tiếng Hán lẫn tiếng Nhật đều có nghĩa là "đồ vật, vật phẩm"; ngữ tiếng Hán nghĩa là "lời, lời nói", tiếng Nhật nghĩa là "nói, giảng", vật ngữ trong tiếng Hán nghĩa là "đồng thoại, câu chuyện", tiếng Nhật nghĩa là "lời nói, truyền kỳ")...

    Từ dẫn độ引 度 trong tiếng Nhật vốn được dịch ý từ extradite tiếng Anh, nghĩa tiếng Nhật là "lôi kéo, giao nộp, dẫn độ". Từ này gồm có hiku nghĩa là "lôi kéo" và watasu nghĩa là "giao nộp", chúng được danh từ hóa thành hikiwatashi. Tiếng Hán vay mượn từ này để diễn tả nghĩa "thể theo yêu cầu của nước B, nước A truy bắt tên tội phạm của nước B trốn sang nước A và giao nộp cho nước A". Dẫn nghĩa là "rời khỏi", độ có nghĩa là "qua sông, giao”. Từ kanbu 干 部tiếng Nhật được dịch ý từ cadre tiếng Pháp, có nghĩa là "lãnh đạo của một đoàn thể, công ty", chữ này dùng để đọc âm. Về cơ bản, nghĩa từng chữ đều giống nghĩa tiếng Hán, tiếng Hán mượn để diễn tả nghĩa "nhân viên công chức hoặc lãnh đạo", trong đó cán nghĩa là "cốt cán", bộ nghĩa là "bộ phận".

    2. Loại từ chữ Hán gốc Nhật có nguồn gốc từ các từ dịch âm từ ngữ phương Tây. Trong tiếng Nhật, những từ này cũng đã từng được viết bằng chữ Hán, nhưng hiện nay nói chung đều được chuyển thành chữ Katakana. Do đó, chữ Hán trong từ dịch âm chỉ đóng vai trò như một phù hiệu để viết chữ, nó không thể giải thích nghĩa của chữ (từ tố) đó. Chính vì trong tiếng Nhật có hình thức ghi âm khá thuận tiện như thế, cho nên chữ Hán trong từ dịch âm đã bị đào thải. Ví dụ: từ ngõa tư 瓦 斯 dùng để dịch âm từ gas trong tiếng Anh, tiếng Nhật viết thành gasu, có nghĩa là "thể khí, hơi đốt, sương mù,..." Chúng ta mượn hình thức chữ Hán này để biểu đạt ý nghĩa "thể khí, đặc chỉ các loại khí đốt". Những từ tương tự như thế còn có: tào đạt 曹 达 (soda), lâm ba淋 巴 (lympn), trất phù tư窒 扶 斯 (typhus, tiếng Hà Lan có nghĩa là thương hàn), cơ đốc 基 督 (christo, tiếng Bồ)...

    Trong số những từ dịch âm cũng có từ dùng chữ Hán đóng hai vai trò cả ghi âm lẫn biểu ý. Ví dụ: câu lạc bộ 俱 乐 部 là từ dịch âm của từ club trong tiếng Anh, tiếng Nhật viết là kurabu, với nghĩa "câu lạc bộ, dạ hội, sinh hoạt nhóm trong trường học", tiếng Hán mượn để biểu đạt nghĩa "đoàn thể và nơi sinh hoạt". Câu có nghĩa là "đều, toàn thể, cùng nhau", lạc có nghĩa là "vui vẻ", bộ nghĩa là "đơn vị, bộ phận". Hay như hỗn ngưng thổ (concrete, nghĩa tiếng Nhật là "bê tông, cụ thể"; nghĩa tiếng Hán là "một loại vật liệu xây dựng"), lãng mạn 浪 漫 (romantic, tiếng Nhật nghĩa là "lãng mạn", tiếng Hán có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là rất giàu ý thơ, đầy ảo tưởng", nghĩa thứ hai là "phóng đãng, hào phóng")...

    3. Loại từ chữ Hán gốc Nhật có nguồn gốc từ các từ tiếng Nhật dịch ý từ ngữ phương Tây. Trong tiếng Nhật, những từ đó đều chỉ được đọc theo âm, thậm chí có nhiều chữ (từ tố) không có dạng đọc theo Kun. Do đó, trong tiếng Hán chúng vẫn có thể hiểu theo nghĩa tiếng Hán. Những từ dịch ý kiểu này được chia làm 2 loại:

    Loại thứ nhất là những từ do tiếng Nhật mang lại nghĩa mới cho từ ngữ Hán cổ, nhiều học giả gọi chúng là từ hồi quy. Loại từ này sẽ được nói rõ ở phần sau.

    Loại thứ hai là từ dịch ý do người Nhật mượn chữ Hán để tạo ra từ mới. Ở đây lại có hai dạng, thứ nhất là có thể diễn giải theo nghĩa tiếng Hán, ví dụ: lịch sử 历 史 dịch ý từ history trong tiếng Anh, tiếng Nhật là rekishi, tương đồng với nghĩa tiếng Hán, đều biểu đạt ý nghĩa “quá trình phát triển của giới tự nhiên và xã hội loài người”; lịchnghĩa là “trải qua”, sử nghĩa là “ghi việc, sự thực”. Tương tự như thế có các từ: chính sách 政 策 (policy, seisaku, chính nghĩa là “chính trị", sách nghĩa là “kế sách, sách lược”), triết học 哲 学 (philosophy, tetsugaku, triết nghĩa là “có trí tuệ”, học nghĩa là “học vấn, môn học”), chínhđảng (political party, seitou, tiếng Nhật phỏng dịch là ‘đảng phái chính trị”), bối cảnh 背 景 (back ground, haikei, tiếng Nhật phỏng dịch là “nơi chốn phía sau”, bối là “mặt trái, phía sau”; cảnh là “tình hình”)... Thứ hai là những từ mà nghĩa của nó có khoảng cách so với nghĩa chữ Hán(11), như: tiền đề 前 提 dịch ý từ premise tiếng Anh, trong đó pre tiếng Nhật dịch là tiềnmissas trong tiếng Latinh nghĩa là “cử đi”, tiếng Nhật dịch là đề; nghĩa tiếng Nhật của từ này là “tạo điều kiện cơ sở trước mắt để tạo thành một sự vật nào đó”. Trong tiếng Hán, tiền có nghĩa là “trước mặt”, giống với nghĩa tiếng Anh và tiếng Nhật;đề thì khó lý giải hơn, trong tiếng Hán và tiếng Nhật thì chữ đề chỉ có nghĩa chỉ “một động tác”, có lẽ nên lý giải là “đề xuất” thì thích hợp hơn. Tương tự có: xí nghiệp 企 业 (enterprise, kygyou, nghĩa là “mong mỏi”, nghiệp nghĩa là “nghề nghiệp”); tuyệt đối 絕 对 (absolute, zetsutai, tuyệt nghĩa là “đoạn tuyệt, không còn”, đối nghĩa là “tương đối, đối lập”); trừu tượng 抽 象 (abstract, chuushou, trừu nghĩa là “rút ra”, tượng nghĩa là “hình dạng, hình tượng”)... Cách hiểu các từ xí, tuyệt, trừu, tượng như trên có thể hơi khiên cưỡng, bởi vì nếu xét theo ý nghĩa từ tố thì nó không hỗ trợ nhiều cho việc lý giải nghĩa của từ.

    II. Quan hệ cấu thành nghĩa từ tố của từ chữ Hán gốc Nhật
    Muốn bàn về mối quan hệ ngữ nghĩa của từ chữ Hán gốc Nhật, hay còn gọi là tổ hợp nghĩa của các thành phần nội tại, phải dựa trên cơ sở các thành phần nội tại đó có thể phân chia thành các từ tố. Như vậy, chúng ta đã rút ra được một kết luận là: Từ ngoại lai tiếng Hán, đặc biệt là từ chữ Hán gốc Nhật không phải tất cả đều là từ đơn thuần, mà nhiều từ trong đó là những từ hợp thành. Từ chữ Hán gốc Nhật đa phần là từ gồm hai chữ, do vậy những từ đưa ra ở đây chủ yếu là từ gồm hai chữ, những từ từ ba chữ trở lên thì cách phân tích cũng tương tự như thế.

    1. Quan hệ đồng nghĩa: tổ chức组 织, phép tắc 法 则, giải phẫu 解 剖, giai cấp 阶 级, đấu tranh 斗争, phái khiển 派 遣, phương pháp方 法, sinh sản 生 产, khu trục (hạm)驱 逐 (舰), thặng dư (giá trị)剩 余 (价 值).

    2. Quan hệ cùng loại: cải biên改 编, giảng diễn 讲 演, giảng hóa 讲 化, xâm lược 侵 略, hóa trang (phẩm) 化 妆 (品), khán hộ (phụ)看 护 (妇), câu lưu 拘 留, giải phóng 解 放, phán quyết 判 决, cảnh sát 警 察.

    3. Quan hệ hạn chế tu sức: lập trường立 场, bản họa 版 画, bác sỹ 博 士, thừa khách乘 客, can tuyến 干 线, bồi thẩm 陪 审, lãnh tàng 冷 藏, mĩ cảm 美 感, tọa đàm 座 谈, mao tế (quản)毛 细 (管).

    4. Quan hệ bổ sung: khắc phục克 服, thâu xuất 输 出, thâu nhập 输 入, chứng minh 证明, phát minh 发 明.

    5. Quan hệ chi phối: thất luyến失 恋, động viên 动 员, cán sự 干 事, lâm sàng 临 床, thái quang 采光, tiếp vẫn 接 吻, tựu nhậm 就 任, biến áp (khí) 变 压 (器), nhập trường (khoán)入 场 (券 ).

    6. Quan hệ thuyết minh: quốc lập国 立, tư lập 私 立, nội tại 内 在, nội phân tiết内分泌, vị hội dương 胃 溃 疡, quân nhu (phẩm) 军 需 (品).
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    7. Quan hệ loại hóa: tịnh hóa 净 化, mỹ hóa 美 化, lý tính 理 性, ngộ tính 悟 性, ngẫu nhiên 偶 然, kỳ thủ 旗 手, hung viêm 胸 炎, ngạnh hóa 硬 化.

    8. Quan hệ chỉ ra sự khác biệt: hải bạt 海 拔, nhân tuyển 人 选, huyết hấp(trùng)血 吸(虫), nhằm để chi phối, bổ sung.

    III. So sánh nghĩa từ của từ chữ Hán gốc Nhật
    Trong số những từ chữ Hán gốc Nhật có một loại là từ do người Nhật mượn từ hoặc từ tổ của Hán ngữ cổ đại để dịch ý từ ngữ phương Tây. Những nghĩa từ này có trường hợp là tương đồng, có trường hợp là gần giống và có khi lại chênh lệch khá lớn, hoặc hoàn toàn khác so với nghĩa vốn có trong tiếng Hán cổ đại. Bài viết này dựa trên sự so sánh ngữ nghĩa của một số từ trong tiếng Hán hiện đại với nghĩa tiếng Nhật và nghĩa của tiếng Hán cổ, tùy theo mức độ gần hay xa về mặt ngữ nghĩa mà chia thành 3 loại:

    1. Nghĩa từ tiếng Hán hiện đại và nghĩa từ tiếng Nhật tương đồng hoặc gần giống so với nghĩa từ tiếng Hán cổ, ví dụ: từ phúng thích 讽 刺 tiếng Nhật được dịch từ satirize (hoặc sarcasm) tiếng Anh. Trong câu "Thi nhân phúng thích" (Văn tâm điêu long) nghĩa là “châm biếm bằng lời nói bóng gió”, nghĩa này so với nghĩa tiếng Nhật và tiếng Hán hiện đại về cơ bản là tương đương nhau. Phúng: “chỉ trích hoặc khuyên răn đầy hàm súc”, thích: “đâm chọc, kích thích”. Hay như từvăn pháp文 法, tiếng Nhật dịch từ gramar. “Vũ văn pháp” trong (Sử ký) chỉ “pháp lệnh văn thư”. Từ văn pháp 文 法 trong câu "Chế ngôn ngữ giả nhị: nhất luận ngữ ngôn, nhất luận văn pháp" (Danh lý thám - 1726) đồng nghĩa với từ ngữ pháp ngày nay. Các từ tương tự như thế còn có: quyền lợi 权 利, bạt hà 拔 河,địa phương 地 方, nông dân 农 民...

    2. Nghĩa từ tiếng Hán hiện đại và nghĩa từ tiếng Nhật có sự khác biệt nhất định so với nghĩa từ tiếng Hán cổ. Ví dụ: từ giáo dục 教 育 (education), giáo trong câu "đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi" (Mạnh Tử - Tận tâm) có nghĩa là “trên làm, dưới bắt chước”, dục có nghĩa là “nuôi con cái để chúng trở nên tốt đẹp”; thế nhưng trong tiếng Hán hiện đại, giáo nghĩa là “dạy bảo”, dục nghĩa là “dưỡng dục”, giáo dục là “một quá trình bồi dưỡng đối tượng”. Có thể nói rằng giữa nghĩa tiếng Hán cổ đại và nghĩa tiếng Hán hiện đại của từng chữ trong những từ như thế đều có một mối liên hệ nhất định, tuy nhiên khoảng cách cũng khá là rõ rệt, nói một cách khác, nghĩa hiện đại rộng hơn, sâu hơn so với nghĩa cổ đại. Thử lấy một ví dụ khác: từ phong kiến 封 建 (feudal) trong câu "Tích Chu Công điếu nhị thúc chi bất hàm, cố phong kiến thân thích, dĩ phiên bình Chu" (Tả truyện. Hi Công nhị thập tứ niên) có nghĩa là “vua cắt đất phong cho các chư hầu để họ lập nước”; nghĩa hiện đại là: “vua chúa các nước châu Âu thời trung cổ phân chia đất cho những người thân tín”. Phongnghĩa là “cắt khoanh”, kiến nghĩa là “kiến lập”. Những từ như thế còn có: phá sản破 产,bác sỹ博 士...

    3. Nghĩa từ tiếng Hán hiện đại và nghĩa từ tiếng Nhật hoàn toàn khác so với nghĩa từ tiếng Hán cổ đại. Ví dụ: từ cách mệnh 革 命 (revolution) trong "Thang Vũ cách mệnh, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân" (Kinh Dịch - Cách quái) có nghĩa là “biến đổi mệnh trời”. Trong khi đó nghĩa hiện đại là “cuộc thay đổi lớn lao do con người tiến hành nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội”. Cách tức là “cải cách, biến đổi”; mệnhtức là “thuộc tự nhiên và xã hội”. Còn như từ kinh tế 经 济 (economics) trong "giai hữu kinh tế chi đạo" (Văn Trung Tử) nghĩa là “Chấn chỉnh cuộc đời, cứu giúp dân chúng”, nhưng nghĩa hiện nay là “sự tổng hòa của các mối quan hệ sản xuất xã hội trong một thời kỳ lịch sử nhất định”. Kinh nghĩa là “kinh doanh”; tế nghĩa là “tiếp tế”. Các từ tương tự như: xã hội社 会, cộng hòa共 和, sách dẫn 索 引, vận động运 动, thể dục 体 育...

    IV. Sự hấp thụ Hán hóa nghĩa từ của từ chữ Hán gốc Nhật
    Sự Hán hóa ý nghĩa của từ chữ Hán gốc Nhật là điều rất rõ ràng. Nếu xét theo phạm vi nghĩa của từ khi mới hấp thu cũng như quá trình phát triển của từ sau khi du nhập vào tiếng Hán, chúng ta không khó để nhận ra rằng so với những từ ngoại lai khác, mức độ Hán hóa của chúng là cao nhất, đồng thời khả năng trở thành từ cơ bản cũng tương đối cao.

    Xét theo phạm vi ý nghĩa, có từ được mở rộng ý nghĩa như từ lao độnggiả 劳 动 者nghĩa gốc tiếng Nhật là “công nhân trong doanh nghiệp”, nay tiếng Hán mượn để diễn đạt nghĩa “nhân dân lao động”, nghĩa từ được mở rộng hơn. Từ cảnh khí 景 气 nguyên nghĩa là “tình hình thị trường”, nay chỉ “sự phồn vinh thịnh vượng của nền kinh tế”, nghĩa vốn là “thị trường” được mở rộng ra thành “toàn bộ nền kinh tế”. Song cũng có từ thu hẹp nghĩa lại, như từ kinh tế经 济, tiếng Nhật có 3 nghĩa: 1. “kinh tế”, 2. “xử lý tiền tệ”, 3. “tiết kiệm”; nhưng tiếng Hán không hấp thụ nghĩa thứ 2. Sinh sản 生 产 nghĩa tiếng Nhật là:1. “sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh sống của con người”, 2. “chỉ hoạt động sáng tác (tác phẩm văn học...), sáng tạo”; thế nhưng tiếng Hán chỉ hấp thụ nghĩa thứ nhất. Lại có từ thay đổi về mặt ý nghĩa như: thủ đế取 缔, nghĩa tiếng Nhật là “quản lý, giám sát”, tiếng Hán vay mượn để biểu đạt nghĩa “ra lệnh hủy bỏ hoặc ngăn cấm”. Từ vật ngữ 物 语 nguyên nghĩa tiếng Nhật là “tiểu thuyết diễn dịch”, nghĩa tiếng Hán hiện nay lại chỉ việc “Truyện thiếu nhi kể về các loài vật”. Phiên hiệu 番 号 nghĩa là “số hiệu”, tiếng Nhật phần lớn dùng trong dãy số như số nhà, số đường, số sách báo...; trong khi đó tiếng Hán thường dùng trong số hiệu của quân đội.

    Xét theo góc độ khả năng cấu tạo từ, sau khi được dùng trong tiếng Hán, dường như từ chữ Hán gốc Nhật không có gì khác biệt so với từ vốn có trong tiếng Hán, hơn nữa khả năng cấu thành từ của nó là tương đối lớn. Ví dụ: từxã hội社 会 tạo thành xã hội học 社 会 学, xã hội chủ nghĩa 社 会 主 义...; lao động劳 动 thành lao động pháp 劳 动法, lao động tiết 劳 动 节, lao động lực 劳 动 力, lao động nhật 劳 动 日...; kinh tế經 济 tạo thành kinh tế học 經 济 学, kinh tế lâm 經 济 林, kinh tế nguy cơ 經 济 危 机...; nham 癌 thành can nham 肝 癌, phế nham 肺 癌, vị nham 胃 癌, thực đạo nham 食 道 癌, nham chứng 癌 症...; tuyến腺 thành di tuyến 胰 腺, giáp trạng tuyến 甲 状 腺, tiền liệt tuyến 前 列 腺 ...

    Bên cạnh đó những từ như:điện thoại电 话, điện xa 电 车, đơn vị 单 位, cán bộ 干 部, quảng cáo 广 告, hội kê 会计, tư tưởng 思 想, vận động运 动, tự do 自 由, chất lượng 质 量... tuy khả năng cấu tạo từ không mạnh lắm, song chúng vẫn thường xuyên được sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và cả trong cuộc sống đời thường, điều đó chứng tỏ chúng đã có đủ tư cách là những từ cơ bản.

    V. Sự phát triển nghĩa từ của từ chữ Hán gốc Nhật
    Sau khi du nhập và tiếng Hán, những từ ngữ bắt nguồn từ tiếng Nhật không ngừng phát triển về mặt ngữ nghĩa thông qua con đường ví von so sánh, mở rộng nghĩa. Ví dụ: từ kinh tế 经 济 khi mới hấp thu có hai nghĩa mở rộng là: 1. “Sự tổng hòa các mối quan hệ sản xuất xã hội trong một thời kỳ lịch sử nhất định”; 2. “Gọi chung nền kinh tế quốc dân”. Hiện nay nó còn có các nghĩa khác, như: 3. “Có hại hoặc có lợi cho nền kinh tế quốc dân”; 4. “Mức chi tiêu sinh hoạt cá nhân”; 5. “Dùng ít nhân lực, vật lực và thời gian mà thu lại nhiều thành quả”... Từ nghĩa này biến đổi theo mở rộng nghĩa từ. Từ bi kịch 悲 剧 nghĩa ban đầu là một trong những loại hình chính của hí kịch, về sau dùng để tỉ dụ gặp phải cảnh ngộ bất hạnh, từ này phát triển nghĩa từ qua cách ví von so sánh. Từ cụ thể 具 体 nghĩa là“chi tiết rõ ràng, không trừu tượng, không chung chung”; về sau mở rộng nghĩa thành “được chỉ định riêng, kết hợp các lý luận hoặc nguyên tắc vào một người hoặc một sự vật được chỉ định riêng”. Đại biểu代 表 nghĩa là “thay mặt một tập thể hoặc cá nhân để xử lý công việc hoặc phát biểu ý kiến”, ngoài ra nó còn có nghĩa là: 1.“Người do một khu vực hành chính hoặc một cơ quan nào đó bầu ra để xử lý công việc hoặc phát biểu ý kiến thay mặt người bầu cử”; 2. “Người được ủy thác hoặc được cử ra thay mặt một cá nhân, tập thể hoặc chính quyền xử lý công việc hoặc phát biểu ý kiến”; 3. “Người hoặc sự vật mang đặc trưng cộng đồng”; 4. “Người hoặc sự vật biểu đạt một ý nghĩa nào đó hoặc tượng trưng cho một khái niệm nào đó”. Tử giác 死 角 nghĩa là: 1. “Chỉ một nơi nằm trong tầm bắn mà đạn không bắn tới được trong lĩnh vực quân sự, còn dùng để chỉ nơi thuộc trong phạm vi quan sát mà không nhìn thấy được”; 2. Ẩn dụ chỉ “nơi không bị ảnh hưởng bởi các phong trào, trào lưu, phong tục...”. Lộ tuyến 路 线 chỉ “tuyến giáp ranh giữa hai bên quân đội đối địch đang tác chiến”, hiện nay thường dùng để chỉ “lĩnh vực phi quân sự”. Bất cảnh khí 不 景 气 chỉ “nền kinh tế không phồn vinh”, về sau mở rộng ra để chỉ “sự không thịnh vượng”.

    Nói tóm lại khi nghiên cứu về các từ ngoại lai, chúng ta phải quan tâm hơn đến việc tìm hiểu nguồn gốc của chúng. Từ ngoại lai có ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành và phát triển của hệ thống từ vựng tiếng Hán là một vấn đề còn ít người đề cập. Trong bài viết ngắn gọn này chúng tôi chỉ xin nêu lên một vài suy nghĩ về vấn đề ngữ nghĩa của từ ngoại lai gốc Nhật.

    Hoàng Phương Mai(dịch) Lã Minh Hằng (hiệu đính)

    (Theo Nhật nguyên Hán tự từ đích ngữ nghĩa đặc điểm, Tạp chí Hán tự văn hóa, số 3 năm 2004).

    Chú thích:

    (1) Chu Tổ Mô: Hán ngữ từ vựng giảng thoại, tr.65.

    (2) Hiện đại Hán ngữ, Quyển thượng (bản thử nghiệm), Trương Chí Công chủ biên, tr.238.

    (3) Trương Vĩnh Ngôn: Từ vựng học giản luận, tr.95.

    (4) Hiện đại Hán ngữ, Quyển thượng, Hoàng Bá Vinh, Liêu Tự Đông chủ biên, tr.313.

    (5) Chu Hiểu Khang, Dương Văn Hải: Hán ngữ ngoại lai từ đích ngôn ngữ, văn hóa ý nghĩa thám vi, Hà Bắc sư viện học báo, số 1 năm 1990.

    (6) Thẩm Quốc Uy: Hiện đại Hán ngữ trung đích Nhật ngữ tá từ chi nghiên cứu - Tự thuyết, Nhật ngữ học tập dữ nghiên cứu, số 5 năm 1988.

    (7) Phù Hoài Thanh: Hiện đại Hán ngữ từ vựng, tr.218.

    (8) Hán ngữ từ vựng luận, Cát Bản Nghi chủ biên, tr.3-10.

    (9) Chu Tinh: Hán ngữ từ vựng giản tích, tr.58.

    (10) Phần giải thích tiếng Nhật trong bài viết này tham khảo từ Tân minh giải quốc ngữ từ điển, in lần thứ 3.

    (11) Vương Lực: Hán ngữ sử cảo, Quyển hạ, tr.533. Tuy rằng đối với những từ này, nghĩa vốn có của chữ Hán “khác biệt khá xa” so với nguyên nghĩa của chữ đối ứng trong tiếng Anh, song đó chỉ là kết luận mà Vương Lực đúc rút qua quá trình tìm đến nghĩa gốc của từ trong tiếng Anh. Trong khi đó chúng tôi chỉ có thể so sánh khoảng cách nghĩa chữ Hán trong tiếng Hán và tiếng Nhật. Mặc dù thế, chữ Hán hoàn toàn được hiểu theo nghĩa tiếng Hán, đôi khi không tránh khỏi khiên cưỡng, vì thế chúng tôi nói là “có khoảng cách”./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006; Tr33-40)
     

Share This Page