Đạo ý - Một bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 4, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    DƯƠNG VĂN KHOA
    Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội

    道意
    明月照 古井
    井水無 波濤
    不被人 牽扯
    此心終 不搖
    縱被人 牽扯
    一搖還 復止
    湛湛一 片心
    明月古 井水

    Đạo ý
    Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh,
    Tỉnh thủy vô ba đào.
    Bất bị nhân khiên chỉ,
    Thử tâm chung bất dao.
    Túng bị nhân khiên chỉ,
    Nhất dao hoàn phục chỉ.
    Trạm trạm nhất phiến tâm,
    Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.

    (Trăng sáng chiếu giếng xưa,
    Nước giếng không gợn sóng.
    Không bị người lôi kéo,
    Lòng giếng vẫn lặng yên.
    Túng sử người lôi kéo,
    Động rồi lại lặng yên.
    Lòng ta trong vằng vặc,
    Như trăng chiếu nước giếng xưa.
    (Đào Duy Anh dịch)(1)

    Đề mục bài thơ rất sâu rộng, nhiều ý tứ, do đó người dịch - cụ Đào Duy Anh, đã tế nhị để nguyên phiên âm, dành phần dịch nghĩa hai chữ "đạo ý" cho người đọc tự ngẫm, hiểu. Làm như thế phù hợp cho nhiều đối tượng tri thức, nhiều lứa tuổi khác nhau.

    Bài thơ được kiến trúc theo lối thơ ngũ ngôn, bát cú cổ phong thể trắc. Nói rõ hơn, đây là một bài thơ có vần nhưng không phải đối, không phải niêm. Thi phẩm chúng ta đang quan tâm, tác giả dùng lối hoán vận nghĩa là cứ hết một điệu lại chuyển sang vần khác, cụ thể nhà thơ dùng hai vần: "đào"; "dao"; "chỉ"; "thủy". Ưu thế của lối thơ này: người viết không bị bó buộc bởi thanh luật.

    Khởi thủ, thi sĩ viết: "Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh", câu thơ đã buông ra mà các thanh âm còn luấn quấn, không vang xa. Tìm hiểu kĩ hơn hóa ra nhà thơ dùng hai tiếng "cổ tỉnh" mang thanh trắc, cao có âm hưởng ngắn mà nhẹ để khép lại dòng thơ vì thế câu thơ vừa phát ra liền bị thu lại, ẩn chìm vào thinh không. Cụ Đào Duy Anh dịch: "Trăng sáng chiếu giếng xưa", lời thơ tuy đã được nới nhưng vẫn trầm ngắn. Điều này cho thấy người dịch đã cố gắng theo sát nguyên tác về cả ý tứ lẫn âm hưởng dòng thơ của thi hào Nguyễn Du. Đi tiếp vào câu lĩnh đề, Tố Như tiên sinh viết: "Tỉnh thủy vô ba đào", vẫn là một câu tả thực lòng giếng không đổi thay, tức là không nổi sóng. Điều này không phản ánh đúng hiện trạng, mặt nước giếng khi không bị thế giới ngoại cảnh tác động: "Nước giếng không gợn sóng". Đây chính là tâm sự của thi nhân - lòng trong sạch không xao động, tư tưởng này cũng đã thấy trong một số bài thơ khác của Tố Như.

    Hai câu thực tiếp theo không chỉ bám đề mà còn có nhiệm vụ khai triển đề, nói sâu hơn về hai tiếng Đạo ý. Thi hào Nguyễn Du viết:

    “Bất bị nhân khiên chỉ

    Thử tâm chung bất dao”

    (Không bị người lôi kéo/Lòng giếng vẫn lặng yên) - không chịu theo tay người kéo, tức là không bị động, không a du, a tòng trọn thế lòng giếng chẳng động lay ấy là đạo ý, là mối đầu bản nguyên và cũng là căn nguyên để giải quyết mọi việc. Hai câu thơ trên cùng dồn nén ý tứ để rồi lần lượt cất lên tiếng nói hào sảng, chủ động-vui. Sự này có được là nhờ tác giả dùng thực tự ở tiếng thứ ba- con mắt của câu thơ năm chữ, cùng với nó còn có sự kết hợp với các thanh có âm hưởng vang động. Nói cụ thể hơn, thơ của người xưa thường gửi ý tình trong các hướng tự (chữ có tiếng dội, có âm vang). Đọc hai câu thơ trên cho phép ta hiểu được phần nào tâm sự của một thi hào giàu nhân cách Nguyễn Du.

    Hai câu chuyển - hai câu mở rộng, bàn sâu vào đề. Tố Như viết:

    “Túng bị nhân khiên chỉ

    Nhất dao hoàn phục chỉ”

    (Túng sử người lôi kéo

    Động rồi lại yên lặng).

    Như chúng ta đều biết, thơ cổ phong không bắt buộc các câu 3, 4, 5, 6 phải đối, nhưng có đối càng làm tăng nhịp điệu của câu thơ, càng làm cho ý thơ nổi rõ hơn, tư tưởng của nhà thơ được lan truyền sâu hơn. Cặp dẫn luận trên đây cũng như cặp câu trước nó có hiện tượng đối thanh, cụ thể "bị" đối với "dao", "khiên" đối với "phục", đối ý ngay chỉnh, nhịp nhàng. Ngoài mặt chịu (bị) kéo tay / lay động một lần lại trở về chỗ cũ. Xét về nhạc thơ câu năm, các thanh âm cất lên êm dịu, hài hòa, trong khi đó, câu sáu lời thơ lại chênh vênh, chơi vơi. Điều này cho thấy tác giả có bị tác động, nhưng nhờ đạo ý đã rõ ràng, không thể làm khác được bởi thi nhân ý thức việc đó trái với bản tâm, trái với lẽ thường.

    Hai câu kết - hai câu thắt, buộc trọn vẹn các ý tứ đã triển nở:

    “Trạm trạm nhất phiến tâm

    Minh nguyệt cổ tỉnh thủy.”

    Bắt đầu là cặp hạ thanh nặng nề "trạm trạm", đi tiếp ta gặp những tiếng có âm hưởng "ngắn", gấp và như thu lại kín đáo, vui với cảnh thanh trong, sáng suốt từ cõi lòng. Sau đó là những con chữ có âm sắc nổi lên, lan sâu vào không gian, gợi cảm, vui vui, như có ý nói đã giữ trọn được “đạo ý”, tức là giữ được phẩm hạnh của đấng tao nhân. Trăng sáng chiếu nước giếng xưa (cũ).

    Câu cuối bài thơ gọi là hoàn kết -tóm, buộc đầy đủ mọi ý tình được thể hiện một cách tinh tế nhất trong thi phẩm của (chủ thể) - nhà thơ "Minh nguyệt cổ tỉnh thủy" (trăng sáng chiếu nước giếng cổ). Cụ Đào Duy Anh dịch: "Như trăng chiếu nước giếng xưa", mặc dù đã theo sát nguyên tác về ý, nhưng còn (thanh), chữ "xưa" ở cuối câu thơ dịch là thanh bằng, đọc lên nghe không vang, không mạnh bằng tiếng mang thanh trắc trong nguyên tác. Theo dõi mạch phát triển của bài thơ và đặc biệt là sự kết tụ ở câu cuối - ba thanh trắc (ba trầm thượng thanh), liên tiếp đi bên nhau như cùng xác nhận (cụm từ): "cổ tỉnh thủy" - nước giếng cổ rành mạch, không xu phụ, luôn riêng biệt như sao Thủy lánh ở cuối trời.

    Chúng ta đều biết các Nho gia xưa thường lấy văn, thơ để bộc lộ chí hướng, tư tưởng. Qua bài thơ Đạo ý, Tố Như muốn nêu lên ý chí (tư tưởng) là người chỉ đường cho mọi hành vi của mỗi con người đi tới tận cùng của cuộc đời. Như vậy, ý chí quyết định hành vi đã được Nguyễn Du chính thức đặt ra cách đây ít nhất là 200 năm.

    Nếu như ở Truyện Kiều, Nguyễn Du đề cao chữ “Hiếu” trong đạo Nho, thì ở đây bài Đạo ý này thi hào lại khuyến khích, ca ngợi Đạo ý, ca ngợi ý chí vượt qua các tác động về tinh thần từ ngoài đời dội vào con người. Nhà thơ gợi ý cho ta tu thân để giải thoát mọi cám dỗ tầm thường: "Mịch mịch trần ai mãn thái không", chữ của Nguyễn Du - bụi bặm trần ai tràn thái không, đầy ắp, vũ trụ, dư thừa khắp nơi, ồ ạt, xâm lấn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Tính nhân văn của bài thơ chính là chỗ này.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Chú thích:
    (1) Dẫn theo Doãn Quốc Sĩ – Việt Tử: Khảo luận về Đoạn trường tân thanh, Nxb. Nam Sơn, in lần thứ hai, 1960./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Ssố 3 (76) 2006; Tr.80-82)
     

Share This Page