Di sản văn hóa Hán Nôm mới phát hiện ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 8, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
    Sở Văn hóa - Thông tin Thái Nguyên

    Trong thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát, điều tra, sưu tầm tư liệu Hán Nôm ở các di tích lịch sử văn hóa thuộc huyện Phú Bình. Kết quả của các đợt khảo sát thật đáng mừng: in dập được 60 thác bản văn bia của 21 tấm bia đá cổ, 2 chuông, 4 cây hương, 5 cột đá, chép được 53 câu đối, 22 hoành phi.

    Bài viết này là một số nhận xét bước đầu của chúng tôi về tư liệu trên.

    1. Về bia đá: Các bia đá mới phát hiện trong đợt điều tra này chủ yếu nằm ở các di tích đình, chùa, nhà thờ họ… Bia đá gồm nhiều loại, kích cỡ đa dạng có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Nội dung của các văn bia chủ yếu phản ánh về phong tục, tập quán như việc ghi công đức, tu bổ các di tích, bầu Hậu thần, Hậu phật, gửi giỗ…

    Các tấm bia phản ánh phong tục ghi công đức tiêu biểu như: bia chùa Hà Châu (1672) xã Hà Châu, cây hương đá chùa Xuân La (1712) xã Xuân Phương, cây hương đá chùa Phú Mỹ (1735) xã Lương Phú, bia đình Kha Sơn thượng (1763) xã Sơn Kha, bia đình Thượng Đình (1812) xã Thượng Đình… Các tấm bia ghi công đức này đều có văn phong hàm xúc, ca ngợi cảnh đẹp của di tích cùng các sự kiện lịch sử và kê tên người làm công đức. Họ là những người đã từng tham gia công việc xã hội, có điều kiện kinh tế đã công đức tu bổ di tích được thờ làm Hậu thần, Hậu phật ở các đình và chùa làng.

    Các tấm bia phản ánh về phong tục bầu Hậu thần, Hậu phật như: bia chùa Lũ Yên (1711); bia đình Lũ Yên (1833), xã Đào Xá; bia đình Hòa Bình (1766), xã Hương Sơn; bia chùa Quan Tràng (1816), xã Thượng Đình… Các tấm bia này phản ánh về phong tục bầu Hậu thần, bầu Hậu phật, của một thời kì đất nước chấn hưng văn hóa Phật giáo, văn hóa dân gian phát triển ở giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỷ XIX. Sự khôi phục các di tích là đình, chùa đến mức phổ biến ở các làng xã nước ta. Ngoài văn bia phản ánh về nội dung bầu Hậu, một số khác còn ghi chép việc gửi giỗ, một trong những phong tục, tập quán có từ lâu đời của làng xã Việt Nam thời phong kiến.

    Các tấm bia ở các nhà thờ họ vẫn được các gia tộc bảo tồn. Ví dụ như: bia
    Dương gia bi kí (1825) tại nhà thờ Dương Hữu, xóm Đoàn Kết, thôn Phương Độ, xã Xuân Phương. Tấm bia này có giá trị tiêu biểu cả về mặt lịch sử và nghệ thuật. Văn bia ghi việc làm công đức của dòng họ để xây nhà từ đường. Ngoài ra còn thông tin quan trọng về dòng họ này, hai vị là: Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Đô chỉ huy sứ, tước Phương Nham hầu, thụy hiệu là Hùng Lương tướng quân và Vũ Ngạch tướng quân. Chi tiết nữa trong văn bia cho biết dòng họ Dương ở làng Phương Độ (Phú Bình) có nguồn gốc từ Thanh Hóa, cũng được phản ánh qua câu đối:

    “Thanh Hóa khởi tràng sinh tả mục hữu chiếu gia thế phả
    Thái Nguyên di vũ nội tham ngoại tán quốc danh thần”.

    (Đất Thanh Hóa là nơi khởi thủy tổ tiên ta có gia phả để lại
    Thái Nguyên là nơi di chuyển làm chức nội tham ngoại tán danh thần có tiếng.)

    Kết thúc bài văn bia, ngoài việc ghi nhớ về ngày giỗ tổ, tác giả còn ghi một bài minh ca ngợi mảnh đất địa linh, nhân kiệt.

    Tư liệu bia đá không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về mặt nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật được thể hiện trên những đường nét khắc hoa văn một cách tinh vi. Đề tài thể hiện trên các bia chủ yếu là đề tài: lưỡng long chầu nguyệt (đôi rồng chầu mặt nguyệt), khi thì được thể hiện một cách rõ ràng, khi thì được thể hiện ở dạng cách điệu, mang yếu tố tượng trưng, đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng); tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai)… các đề tài con giống như: sóc, chim, nai... cũng được sử dụng khá nhiều; ví dụ như trên các bia đình La Sơn (xã Hương Sơn); bia chùa Hà Châu, bia chùa làng Nguyễn, bia đình Thượng Đình... là những tấm bia thể hiện rõ những đề tài chạm khắc trên, mang phong cách của nền nghệ thuật cuối Lê đầu Nguyễn.

    2. Chuông đồng: chuông đồng có ở hầu hết các chùa, nhưng trải qua thời gian và chiến tranh, chùa hỏng, chuông chùa cũng bị mất. Tuy nhiên, một số chùa vẫn còn lưu giữ được những quả chuông quý như: chuông chùa An Châu (chùa Lảo). xã Nga My, trên chuông khắc kín bài ký, là quả chuông cổ nhất còn lại của tỉnh Thái Nguyên. Niên đại chuông là năm Đức Nguyên nguyên niên (1674); chuông chùa Thượng Đình, chùa Quan Tràng (xã Thượng Đình) đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) dưới triều Tây Sơn; chuông chùa Úc Kỳ (xã Úc Kỳ) đúc năm Minh Mệnh thứ 7 (1826); chuông chùa Túc Duyên (xã Úc Kỳ) đúc năm Tự Đức thứ 2 (1850), chuông chùa Hộ Lệnh (xã Điềm Thụy) đúc năm Tự Đức thứ 14 (1862);… Những quả chuông này được đúc bằng đồng, miệng loe, quai chuông là đôi rồng đấu lưng vào nhau. Trên chuông khắc bài kí ngắn hay dài tùy nơi, ghi lịch sử ngôi chùa, tên địa danh và tên người công đức. Một bài kí trên chuông là một tác phẩm văn học, thường nêu lí do đúc chuông, tên người công đức, ca ngợi giáo lí nhà Phật. Cuối bài kí thường có bài minh bằng thơ, thường là thể thơ 5 chữ, có giá trị về mặt nghệ thuật, tìm hiểu phong tục của địa phương. Cá biệt có chuông đúc bằng gang như chuông chùa Xuân La (xã Xuân Phương) đúc năm Thành Thái nguyên niên (1898) trên chuông chữ được đúc nổi; chuông chùa Đại Lễ (xã Bảo Lý) đúc năm Thiệu Trị thứ 5 (1845). Cụ thể như ở chuông chùa Quan Tràng (xã Thượng Đình) bài minh ghi tên người công đức, trong đó có một số quan chức địa phương mà tiêu biểu là ông Dương Đình Vận (Án Oai) từng làm chức Khâm sai xứ Thái Nguyên đầu thế kỉ XIX. Ông là người địa phương, đã công đức đúc một quả chuông cho chùa làng Thượng Đình (quê cha); và đúc một quả chuông cho chùa làng Quan Tràng (quê mẹ) đều thuộc tổng Thượng Đình, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Cha mẹ ông được bầu làm Hậu thần thờ ở đình làng. Cuối bài văn minh chuông cũng có một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp quê hương, lòng tự hào dân tộc của một thời kì đất nước thanh bình.

    3. Câu đối, hoành phi, sắc phong, thần phả. Trong khi các tư liệu bia đá không thấy nhắc đến công đức của nhân vật lịch sử Dương Tự Minh thì tư liệu sắc phong và thần phả cho biết ông là người có công lớn bảo vệ một vùng biên cương phía bắc Đại Việt vào thế kỉ XII. Các tư liệu này có giá trị ghi nhận về một nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Về sắc phong cho Dương Tự Minh ở các đình làng qua nghiên cứu cho thấy lời văn chủ yếu là lời tán dương công đức của ông.

    Cuốn thần phả đình làng Xuân La (xã Xuân Phương) do Suất đội Dương Như Đôn sao lại năm 1883. Đây là bản thần phả còn sót lại duy nhất ghi chép về Dương Tự Minh. Cuốn thần phả này có nhiều giá trị về mặt lịch sử. Người chép thần phả dựa vào sách Đại Việt sử ký toàn thư, song đã huyền thoại hóa công đức của Dương Tự Minh nhằm ca ngợi, tôn vinh ông. Văn phong trong thần phả lời văn giản dị theo lối kể chuyện dân gian. Xen vào sự tích trong thần phả, tác giả có chép một số bài thơ, câu đối của người xưa viết về ông. Qua điều tra nghiên cứu tư liệu Hán Nôm ở Phú Bình, chúng tôi thấy đây là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, nhân dân có một đời sống kinh tế - xã hội phong phú. Các loại hình tư liệu Hán Nôm này rất đa dạng, ngoài loại hình bia đá, các loại như hoành phi, câu đối, sắc phong, thần phả tuy số lượng có ít hơn nhưng vẫn có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Các tư liệu Hán Nôm này cần được bảo tồn, phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống và nghiên cứu khoa học. Trước đây, số di sản này chưa được quan tâm, sưu tầm. Ngày nay, các tư liệu Hán Nôm là di sản văn hóa thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị giúp cho chúng ta tìm hiểu về phong tục xã hội, tập quán tốt đẹp của người xưa, phục vụ cho công tác nghiên cứu đặc biệt là nghiên cứu về địa danh học và công tác viết địa chí của tỉnh Thái Nguyên./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80) 2007; Tr. 40-42)
     

Share This Page