Đôi Nét Về Di Sản Sắc Phong Tỉnh Bắc Giang

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 2, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    ĐÔI NÉT VỀ DI SẢN SẮC PHONG TỈNH BẮC GIANG

    NGUYỄN VĂN PHONG

    Sở Văn hóaTT-DL tỉnh Bắc Giang

    1- Trong các di tích lịch sử văn hóa, một số dòng họ ở tỉnh Bắc Giang hiện còn lưu giữ hàng nghìn đạo Sắc do các triều vua trong lịch sử tặng cho bề tôi có công với nước hay các vị thần “Nẫm trứ linh ứng” mà được các địa phương tôn thờ ở các đình, đền, miếu, phủ. Ngoài ra, trong dân gian còn tồn tại, lưu hành một số loại văn bản khác cũng gọi là Sắc phong như: sắc phong của thầy đồng - thầy cúng nâng bậc (còn gọi là lên đèn) cho đệ tử tòng nghiệp, sắc phong nhà Phật trong nhà chùa có ảnh hưởng Tam giáo đồng nguyên, và chúng tôi không những chỉ bắt gặp những tờ sắc in trên giấy bản, giấy hồng điều mà còn gặp cả bản khắc in cổ tại một số ngôi chùa cổ trên đất Bắc Giang. Tất cả đều được người đời gọi là sắc phong. Tuy nhiên, các loại sắc ấy đều rất khác nhau cả về hình thức, nội dung cũng như đối tượng “ban hành” mục đích “ban hành”... Và tất nhiên, không phải loại Sắc nào cũng quý, cũng được liệt danh, tôn vinh là di sản văn hóa dân tộc. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới loại Sắc phong thần và Sắc phong cho bề tôi có công với nước do các triều vua phong kiến Việt Nam ban hành.

    Sắc phong thần (đa số phong cho thờ Thành hoàng làng, số ít phong cho các vị thần ở miếu, phủ...) là loại sắc còn gặp nhiều nhất và đều được viết bằng chữ Hán cổ. Loại Sắc này thường tồn tại cùng với một loại văn bản khác nữa đó là Thần tích (còn gọi là Sự tích thần, Thần phả, Ngọc phả...), và một bản văn tế, văn cúng... Vì một công trình tín ngưỡng nào được xem như được công nhận chính thức thì đối tượng thờ cúng phải có lai lịch rõ ràng, phải linh thiêng, phải âm phù hiển ứng và quý nhất phải được triều đình phong kiến ban phong Sắc để thờ và lai lịch thần phải được văn bản hóa thành Thần tích.

    Vấn đề ban Sắc phong thần cũng có quy trình khá thống nhất. Các làng xã khi muốn xin triều đình phong Sắc cho tôn thờ vị thần ấy thì phải có Thần tích gửi cho Bộ Lễ. Nếu chưa có Thần tích thì phải kể lể đầu đuôi câu chuyện về vị thần, các địa danh quanh vùng, trong làng mình, các ngày sự lệ gắn với việc thờ thần để quan Bộ Lễ (thường là quan Quản giám bách thần) chấp bút, sáng tác cho một bản Thần tích đem về thờ và khi đó mới xin ban cấp Sắc phong. Ấy là những làng xã không có người hay chữ, còn những làng xã có người văn hay chữ tốt thì tự văn bản hóa theo khuôn mẫu truyền thống hay các địa phương lân cận rồi tự “đài” lên bằng cách mạo danh do Nguyễn Bính hay Lê Tung, Nguyễn Hiền (dười triều Lê) soạn để nâng cao tính thiêng cho thần làng mình. Còn với những làng xã đã được phong Sắc thì thần phong sau triều đình sẽ căn cứ theo danh sách mà phong/ban cho “tòng tiền phụng sự” vào các dịp “đại khánh tiết” của Quốc gia, cho nên có nhiều di tích trong một năm được triều đình hai, ba lần phong Sắc. Khi đã có Thần tích Sắc phong thì vị thần của làng xã, di tích ấy được coi như được triều đình công nhận... và việc thờ cúng, tế lễ phải có bài bản “tiền hậu như nhất” cho nên sinh ra Văn cúng, Văn tế... truyền từ đời này sang đời khác theo đó mà tuân hành phụng sự.

    Còn sắc phong cho các bề tôi có công trạng được triều đình ban thưởng chức, tước, phẩm hàm, quan lộc (kim - ngân, điền - trì, cân - mão, diêm - mễ, tạo lệ...) thì còn lại đến ngày nay số lượng không nhiều. Với loại Sắc này việc lại có quy định chặt chẽ ở ngôn từ: Nếu bề tôi được thưởng khi còn đang làm quan tại chức thì gọi là phong, nếu đã trí sĩ thì gọi là ban, nếu người đó đã mất mà được truy phong tì gọi là tặng. Gia tộc họ Nguyễn Thế làng Hược Lâm (thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa) còn lưu 4 đạo vua Cảnh Hưng phong chức tước cho Quận công Nguyễn Thế Lai; gia tộc họ Ngô phường Mỹ Độ lưu giữ một số đạo sắc các thời vua Lê Trung hưng phong chức, tước cho các vị công, hầu là tổ tiên dòng họ; Đình làng Nguyễn (Nguyễn Xá, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa) từng lưu 13 đạo Sắc ban cho xã Nguyễn Xá thờ phụng Dật Quận công Nguyễn Đình Chính của các triều vua Lê Trung hưng nửa sau thế kỷ 18 và thời Nguyễn, nhưng rất tiếc đến năm 1996 thì bị kẻ gian trôm mất nay vẫn chưa tìm lại được. Trong nội tự các di tích tín ngưỡng dân gian thì Sắc phong thần được xem như “linh văn” tối thượng, và bao giờ cũng được đặt ở nơi trang trọng, linh thiêng nhất ngay dưới bài vị thần. Bởi Sắc phong là một văn bản đặc biệt do vua ban hành tới làng xã, chủ di tích có địa chỉ cụ thể. Nội dung sắc phong hàm chứa tên tuổi và công lao cùng mỹ tự, phẩm cấp của các vị thần được các triều vua phong/ban/tặng (nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng tôn thần đại vương). Qua các đạo Sắc phong thần của các triều đại phong kiến cho thấy sự quan tâm, quản lý chặt chẽ của Nhà nước đến vấn đề tín ngưỡng dân gian, đồng thời biểu thị sự tôn vinh của vương triều với lê dân trăm họ. Nhiều đạo Sắc phong thần chứa đựng một số thông tin bổ sung, góp phần lý giải một số tồn nghi trong lịch sử.

    Nhân vật được tôn thần trên quê hương Bắc Giang qua Sắc phong ghi lại khi là Nhân thần, khi Thiên thần, Mộc thần... (theo cách phân loại khác còn gọi là Phúc thần và Thiên thần và Tà thần). Các Nhân thần là những người thật, lúc sống có công với nước, với dân được tôn thờ như thần, thậm chí cả khi có vị khi chết mới âm phù hiển ứng phù hộ cho người sống trong giấc mơ cũng được tôn thờ.

    Nhân thần bao gồm nhiều tầng lớp người trong xã hội: Có khi là bậc vua chúa (Hai Bà Trưng, Bố Cái đại vương, Hưng Đạo đại vương...), có khi là bậc công khanh, dòng dõi vua chúa (Các công chúa nhà Lý, Triều Dương công chúa Lê Thị Ngọc Khanh, Tri biên đầu Thượng tướng quân Vũ Thành, Khang Quốc công Phạm Đình Liêu, Dật Quận công Nguyễn Đình Chính, Hiển Quận Công Dương Quốc Cơ v.v...) và không ít là những người dân bình thường có công khai hoang lập làng, truyền dạy nghề thủ công, có công đức với cộng đồng gắn liền với lịch sử làng xã cổ truyền. Tiêu biểu ở đền Trinh Nữ, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang thờ người thiếu nữ tên là Hà Thị Bên, do bị tên cường đạo làm nhục, quyết giữ trọn trinh tiết mà tự vẫn, sau âm phù cho dân làng mà được tôn thờ và được vua Minh Mệnh tặng Sắc và tặng khen 4 chữ “Hà Thị trinh tiết”.

    Các Thiên thần bao gồm: Thần núi, thần sông, thần đá, thần cây... được nhân cách hóa thành người, có lai lịch rõ ràng đầy đủ như người thật. Ở Bắc Giang vài trăm di tích thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh trên mọi niền xuôi ngược. Đây là hiện tượng thờ thần núi tiêu biểu nhất và để lại nhiều sắc phong nhất; Nhiều nơi thờ thánh Tam Giang, Ngọ Tiên Nương, Hà Bá đại vương, Thần độc cước là các vị thần sông nước... Rồi có nơi thờ Thần đá như hiện tượng thờ Thạch Linh thần tướng ở vùng Tiên Lát - Việt Yên); Thần cây như: thần Dung thụ đại vương ở Tiên Nhiêu - Lục Nam; Và rất nhiều di tích thờ chúa Liễu Hạnh cũng lưu lại Sắc phong.

    Là loại văn bản đặc biệt nên Sắc phong được viết trên nền một loại giấy rất tốt, đó là giấy Xuyến chỉ, còn gọi là giấy Sắc. Ở nước ta xưa và nay chỉ có duy nhất làng Trung Nha, xã Nghĩa Đô (Hà Nội) biết làm ra loại giấy quý này. Mà nghe đâu như làng ấy cũng chỉ có các nghệ nhân họ Lại mới làm được, nhưng nay đã bị mai một chẳng còn ai giữ được nghề... Giấy dày mà mềm như lụa, rất dai, thấm mực thấm màu rất sâu nên không bị phai cho dù trải hàng dăm sáu trăm năm tồn tại; Đặc biệt, giấy Sắc rất ít khi bị mối mọt hay tự hủy hoại, bởi người xưa làm giấy thuần túy sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên. Bột giấy nguyên liệu chính được làm từ vỏ cây dó đồng, có nhiều ở gò bãi ven sông, hay các triền núi savan ở các tỉnh miền Bắc và Đông bắc Bắc Bộ.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Xưa người dân làng giấy Trung Nha phải dùng thuyền ngược sông đến Phố Ôn mua nguyên liệu (Phố Ôn là nơi chuyên thu gom vỏ dó đồng khô từ các vùng đất hai bên bờ sông Thao, từ vùng Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đến vùng Cổ Phúc, tỉnh Yên Bái...). Vỏ dó mang về đem ngâm vào nước lã, nước vôi loãng cho mềm, cho trắng... rồi cạo kỹ hết lớp áp đen bên ngoài chỉ để lại phần sợi dó trắng ngà. Sợi dó đồng là nguyên liệu tốt nhất để sản xuất ra giấy dó tốt. Ngày xưa, người ta giã sợi dó bằng cối giã đạp chân hay chày tay đến khi nào sợi dó biến thành bột nhuyễn thì nhào trộn với keo loãng rồi đem seo, cán, láng thành tờ giấy dó trắng mịn mượt. Vài chục năm trở lại đây, người thợ làng giấy có khi dùng máy xay thay cho công đoạn giã làm cho sợi dó bị đứt vụn độ liên kết kém cho nên không có độ dai bền như xưa. Đó là cách làm tờ giấy lệnh hội, giấy bản... thông thường, còn tờ giấy Sắc lại có thêm những quy trình bí quyết riêng như: Bôi keo cho giấy thêm độ dài bền và chống ẩm, mối mọt; nhuộm giấy bằng bột hoa hòe giã nhỏ để lấy màu vàng biểu hiện của vương quyền; nghì giấy cho mỏng, dai thêm, bóng nhẵn hơn; dùng màu, nhũ vàng - bạc vẽ hoa văn trang trí phôi sắc.

    Tùy từng thời kỳ, từng triều triều đại mà yêu cầu về độ dày, mỏng, dài rộng của phôi Sắc khác nhau. Hình thức trình bày, họa tiết trang trí, kiểu chữ viết trên nền sắc cũng thay đổi theo từng triều đại. Mỗi một đơn vị sắc phong người ta gọi là một đạo sắc, kích thước của tờ giấy sắc có độ dài, rộng trung bình trong khoảng 110 cm x 45 cm (sắc thời Lê), có khi 115 cm x 50 cm (thời Nguyễn). Ở tỉnh Bắc Giang, đạo Sắc cơ niên đại sớm nhất mà chúng tôi được biết là đạo Sắc ban tặng cho Khang Quốc công Phạm Đình Liêu của vua Lê Thần Tông ban năm Dương Hòa thứ 5 (1639) được hậu duệ họ Phạm ở Thôn Chùa, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang lưu giữ cùng nhiều đạo Sắc khác. Những đạo Sắc được vua Khải Định thứ 9 - 1924 còn nhiều nhất ở các làng xã và đây cũng là lần ban Sắc cuối cùng của vua Khải Định cũng là sự cáo chung của các triều đại phong kiến Việt Nam về việc ban tặng Sắc cho các vị thần thờ phụng ở các địa phương trong cả nước.

    Vấn đề ban tặng Sắc phong thần của các triều vua phong kiến được quy định chặt chẽ, từ khâu trang trí, số lượng phôi Sắc, chữ viết, ban hành... Triều đình quy định, trước mỗi dịp đại khánh tiết, để chuẩn bị ban tặng sắc phong cho các đại phương, bộ Lễ phải rà soát danh sách cũ và danh sách địa phương bổ sung mới rồi đặt làm phôi, chọn người ở Thư toán hoa văn viết chữ rồi áp triện hoàng thượng. Khi ban hành, Sắc được chuyển theo đường công văn tới các phủ, huyện. Mỗi Sắc được viết trên hai bàn gửi cùng nhau: Bản chính là đạo Sắc viết trên nền giấy Xuyến chỉ được đặt trên ống quyển, không được tự mở ra đọc; Bản phụ cũng có dấu vua và nội dung tương tự bản chính nhưng viết trên giấy Lệnh hội nhuộm màu vàng hoa hòe hoặc màu tía nhạt, bản này dùng để quan phủ huyện đọc khi ban Sắc cho địa phương. Với các làng xã, khi đọc ban sắc thì chuẩn bị người, kiệu, võng, lọng... long trọng lên phủ/huyện đón Sắc. Sắc rước về đọc cho dân biết nhưng khi đọc đến húy danh thần phải đọc thầm và đánh trống lấp để tránh phạm húy rồi đem cất giữ kín vào hòm Sắc đặt ở phía dưới bài vị ở trong cung cấm. Hàng năm, Cai đám và chư vị chức sắc địa phương chọn ngày tốt, nắng ráo dịp tiết Thanh Minh sắm sửa chiếu mới, lễ vật, để hong Sắc.

    Đã hơn hai mươi năm đất nước thực hiện đường lối đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện nâng cao nên có điều kiện để quan tâm đến việc tu bổ, tôn tạo nơi thờ tự tín ngưỡng của quê hương. Cùng với việc tu bổ, tôn tạo các công trình kiến trúc thì người dân cũng quan tâm tới việc sưu tầm, bảo quản các di vật trong di tích nhất là các văn bản Hán Nôm liên quan tới làng xã, tới di tích như: Thần tích, Sắc phong, Đinh bạ, Điền bạ, Văn cúng, Văn tế... Có những làng xã sau khi tôn tạo đình, chùa làng đã sưu tầm lại được hàng chục đạo Sắc, như: Làng Phấn Sơn (huyện Yên Dũng), làng Gốm (xã Thái Đào, huyện Lạng Giang), làng Chể (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn), làng Hà Nội (xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa)... Còn nhớ, năm 1996, chúng tôi đi kiểm kê di tích ở huyện Lạng Giang, đến đình làng Gốm, xã Thái Đào trời đã nhá nhem tối. Tìm đến người quản lý thôn thì được một ông chỉ ra ngôi đình làng núp dưới tán rừng bạch đàn chỉ còn phần hậu cung. Chúng tôi mò mẫm ra khảo sát thì thấy một hòm Sắc phong để ngay trước ban thờ mà không hề có khóa hay bất kỳ biện pháp gì để bảo quản. Mở hòm thì thấy có tới 28 đạo Sắc được các triều vua nhà Nguyễn ban cho địa phương thờ thần Hà Bá đại vương. Trở lại, chúng tôi nhắc nhở, thuyết trình, tư vấn... về giá trị của di tích, nguy cơ bị đánh cắp cổ vật trên các di tích lịch sử, văn hóa. Rất may, chỉ sau đó một thời gian ngắn dân làng đã tôn tạo ngôi đình khang trang tố hảo và bảo quản nguyên vẹn các cổ vật trong di tích trong đó còn nguyên những đạo Sắc phong./.

    (Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.782-788)
     

Share This Page