DVD eBook Tuần Báo Thanh Nghị Từ 1941-1945 [Trọn Bộ 120 Số]

Discussion in 'DVD eBook Tạp Chí' started by admin, Apr 5, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    [​IMG]
    DVD eBook Tuần Báo Thanh Nghị
    Nghị Luận, Văn Chương, Khảo Cứu - 1941 Đến 1945
    120 Quyển | 1,5 GB
    --------------
    Link Google Drive
    Báo Thanh Nghị thoạt tiên là một nguyệt san, số đầu tiên ra mắt vào tháng 5, 1941, số sau cùng vào tháng Tám, 1945. Đúng một năm sau số ra mắt, bắt đầu từ ngày 1 tháng 5, 1942, báo ra mỗi tháng hai kỳ, vào ngày 1 và 16. Và đến đầu năm 1944 thì Thanh Nghị bắt đầu ra hàng tuần, có nhà in riêng. Nhóm chủ trương của báo Thanh Nghị là những người bạn thân của nhau, không thuộc một tổ chức chính trị hay văn hóa nào. Thoạt tiên, đó là ba người bạn cùng học luật trong thập niên 1930 là Vũ Đình Hòe, Phan Anh và Vũ Văn Hiền thường trao đổi với nhau những thao thức về tình hình đất nước. Đến khi chiến tranh thế giới lần thứ hai chớm bùng nổ thì nhóm này thêm hai người nữa, là Hoàng Thúc Tấn và Lê Huy Văn. Đây là năm người chủ trương của báo Thanh Nghị.

    Trường hợp ra đời của báo Thanh Nghị rất giống báo Phong Hóa chín năm trước, đó là, nhóm thực hiện mua lại giấy phép làm báo của một người khác, với một cái tên có sẵn chứ không do những người chủ trương đặt ra. Năm 1932, ông Nguyễn Tường Tam mua lại tờ Phong Hóa của ông Phạm Hữu Ninh đã ra được 13 số; nhóm của Nguyễn Tường Tam chỉ bắt đầu với số 14 vào ngày 22 tháng 9 năm 1932, cũng tên là Phong Hóa. Nhóm Thanh Nghị thì bắt đầu khó khăn hơn, vì thời gian 1941 nhà cầm quyền thực dân Pháp tỏ ra rất khắt khe với báo chí, kiểm duyệt chặt chẽ hoặc đóng cửa những tờ báo mà họ cho là "vi phạm" luật hiện hành. Việc cấp giấy phép ra báo càng khó khăn hơn: đơn xin ra báo phải qua rất nhiều cửa về hành chánh cũng như về an ninh, rồi mới đến Phòng Báo chí Phủ Toàn Quyền, để cuối cùng, khoảng một năm sau khi nộp đơn mới biết được là được phép hay không được phép. Cả nhóm đang ở trong cơn bế tắc thì bỗng có lối thoát: một thân hữu, ông Hoàng Thúc Trâm bỗng nhớ ra một người đã có giấy phép ra báo mà không ra được, vì thiếu tiền. Thế là cả nhóm đã điều đình thành công để mua lại giấy phép ấy từ cụ Doãn Kế Thiện, một nhà nho, với cái tên báo đã xin sẵn là Thanh Nghị. Ông Vũ Đình Hòe được cả nhóm đề cử làm Chủ nhiệm kiêm quản lý, và ông Hoàng Thúc Tấn làm Thủ quỹ. Tên của cụ Doãn Kế Thiện cũng được đưa lên báo với tư cách là người sáng lập. Ngoài nhóm chủ trương, Thanh Nghị có ngay các cây bút cộng tác như Đinh Gia Trinh, Nguyễn Trọng Phấn, Phạm Lợi, Ngụy Như Kon Tum, Tô Ngọc Vân. Càng về sau người cộng tác càng nhiều hơn, như: Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Nguyễn Thiệu Lâu, Tạ Như Khuê, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Lân, Đào Đăng Vỹ v.v...

    Tờ Thanh Nghị ngay khi khởi đầu, đã "qua mặt" nhà cầm quyền bằng cách xuất bản hai tờ báo thay vì một như giấy tờ cho phép: một tờ là THANH NGHỊ Trẻ Em, ra mỗi tháng ba kỳ; một tờ là THANH NGHỊ - Nghị Luận - Văn Chương - Khảo Cứu, dành cho người lớn, mỗi tháng ra một lần. Có cái lạ là nhà cầm quyền làm lơ, không hạch sách gì, có thể họ coi tờ Thanh Nghị Trẻ Em chỉ là loại phụ trương giáo dục cho tờ chính. Quả vậy, tờ Thanh Nghị Trẻ Em chuyên về giáo dục nhi đồng là một tờ báo có hình thức đẹp, in nhiều màu, bài vở vui nhộn, bổ ích cho các em, coi như là phần thực hành cái lý thuyết cải cách giáo dục của nhóm chủ trương.

    Báo Thanh Nghị (người lớn) "là một phương tiện thực hiện phương thức hoạt động của một số trí thức yêu nước phần nhiều còn ở tuổi thanh niên, mới qua quãng đời sinh viên, và bước vào cửa của cuộc sống xã hội, trong những năm Đại chiến thế giới II. Họ muốn làm một việc có ích để phụng sự Tổ quốc trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng nhưng lại là cơ hội ngàn năm có một. Trong khi còn bỡ ngỡ, mà tâm trạng thì rối bời, họ cảm thấy chưa có điều kiện khách quan cần và đủ để lao ngay vào hành động trực tiếp chiến đấu với kẻ thù dân tộc. Cho nên họ rủ nhau, trước còn ít người, rồi dần dần nhiều lên, làm báo, tạm thời hãy làm báo để rèn chí luyện gan, tích lũy liến thức vào cuộc đấu tranh dân tộc, tự trang bị thế và lực chuẩn bị bước vào hành động trực tiếp, đồng thời nghiên cứu một số vấn đề có quan hệ đến tương lai đất nước." (Vũ Đình Hòe - Hồi ký Thanh Nghị).
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Đọc đoạn văn trên đây ta thấy vai trò báo chí đối với giới trí thức tân học trong thời Pháp thuộc. Thế hệ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh (thập niên 1910, 20), đến thế hệ Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí... (1930), rồi đến Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Vũ Đình Hòe... (1940) đều thấy báo chí là phương tiện để giải quyết các điểm yếu đuối và nhu cầu của dân tộc, đất nước tùy theo từng thời kỳ, và càng về sau thì càng coi báo chí là cái lò luyện để chuẩn bị lao vào hành động nhằm thanh toán cái ách thực dân đang đè trên đầu dân tộc. Sau chín năm trong lò luyện Phong Hóa Ngày Nay, nhóm chủ trương đã buông báo chí để đi làm cách mạng. Và với Thanh Nghị, cái công thức ấy lại đang được lặp lại: các trí thức trẻ dùng tờ báo để giải quyết các vấn nạn của đất nước trong tình hình mới trong khi chờ đợi "có điều kiện khách quan cần và đủ để lao ngay vào hành động trực tiếp chiến đấu" giống như lớp người trước đã làm.

    Phải coi Thanh Nghị là một tờ báo thành công. Với đời sống chỉ có bốn năm (1941-1945) Thanh Nghị đã từ một tờ báo mỗi tháng ra một số, tiến lên hai số, rồi thành tuần báo, có nhà in riêng. Dĩ nhiên độc giả tăng đều trong khắp nước, và giới trí thức tham gia viết bài cho báo cũng ngày một nhiều. Báo Thanh Nghị đã làm một việc mà có lẽ trong lịch sử báo chí thế giới chưa ai làm, đó là vào cuối năm 1942, đã IN LẠI 15 số đầu, theo lời yêu cầu của rất đông độc giả vì không biết để mua Thanh Nghị ngay từ số đầu, bây giờ thiết tha muốn có đầy đủ bộ. Ngày nay những bài "nghị luận, văn chương, khảo cứu" của nó vẫn mang lại nhiều ích lợi cho người đọc, nhất là để hiểu được cái bối cảnh trí thức của thời ấy trước các biến chuyển lớn lao của thế giới sắp tác động vào các cuộc vận động độc lập của nước ta.
    Phạm Phú Minh
     
    Last edited: Oct 28, 2024

Share This Page