Năm 2007 được đánh giá là một năm mà nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia và thực tế chỉ ra rằng: tăng trưởng cao nhưng đời sống của người dân lại đang đi xuống. Kinh tế tăng trưởng toàn diện Kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, thể hiện trên những con số được xem là khá ấn tượng. Đặc biệt trong năm 2007, theo Tổng cục Thống kê ngày 31-12, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2007 ước tính tăng 8,48% so với năm 2006, đạt kế hoạch đề ra (8,2-8,5%). Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đánh giá, tăng trưởng kinh tế năm 2007 của nước ta đứng vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam năm 2007 có sự tăng trưởng toàn diện trong hầu hết các lĩnh vực. Khối lượng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2007 theo giá thực tế ước đạt 461,9 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% GDP (đạt kế hoạch đề ra 40% GDP) và tăng 15,8% so với năm 2006. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng khá, ước tính năm 2007 đạt 20,3 tỷ USD, tăng 69,3% so với năm 2006 và vượt 56,3% kế hoạch cả năm, trong đó vốn cấp phép mới là 17,86 tỷ USD… Nhưng theo Ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright: “Giữa tăng trưởng và lạm phát luôn có sự đánh đổi”. Và có lẽ nhìn vào thực tế đời sống của người dân Việt Nam, để có được nền kinh tế tăng trưởng cao đến vậy, chúng ta phải đánh đổi nhiều hơn thế. Chất lượng cuộc sống giảm?https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq Cũng theo ông Tự Anh: “Nền kinh tế đang tăng trưởng tương đối cao nhưng cuộc sống của nhiều người dân lại trở nên vất vả hơn. Điều ấy có nghĩa là trái ngọt và cả quả đắng do tăng trưởng cao đem lại đang được chia không đều cho các nhóm người khác nhau trong xã hội. Khi lạm phát cao thì những người hưởng lương cố định, công chức, công nhân, nông dân, người về hưu... chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tình trạng này càng nghiêm trọng ở những vùng chịu nhiều thiên tai.” Không chỉ riêng tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua mà chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng ở mức chưa từng có. Chỉ tính riêng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12.2007 đã vượt xa dự báo với mức tăng lên tới 2,91% so với tháng 11. Nguồn hàng trên thị trường dồi dào, đặc biệt là nguồn thực phẩm đã ổn định dần, giá nhiều mặt hàng (nhất là thực phẩm) đã bắt đầu chững lại và giảm vào những ngày cuối tháng... vậy mà CPI của tháng 12 lại vẫn tăng cao kỷ lục (?), trong đó nhóm thực phẩm vẫn chiếm vị trí tăng giá cao nhất với mức tăng 4,69%; nhóm phương tiện đi lại tăng 4,38%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,28%; nhóm lương thực tăng 2,29%... Điều này đã làm cho CPI cả năm 2007 tăng cao kỷ lục với mức tăng 12,63% so với thời điểm cuối năm 2006. 8,48% (chỉ số tăng trưởng kinh tế) so với 12,63% (chỉ số CPI) quả là có sự khập khiễng quá lớn. Điều đó cũng lý giải vì sao, mặc dù chính phủ đã không ngừng tăng lương trong thời gian trở lại đây, nhưng người dân vẫn không những cảm thấy chất lượng đời sống của mình ngày càng giảm sút ngay trong việc chi tiêu và sinh hoạt hàng ngày. Ngoài chỉ số giá tiêu dùng không ngừng tăng cao, thì năm 2007 quả là một năm đầy lo toan cho người dân sống tại thành phố lớn mà điển hình là TP HCM và Hà Nội: Kẹt xe, ùn tắc giao thông bùng phát chưa có bài toán triệt tiêu hiệu quả. Và nếu như người dân các tỉnh phía bắc (đặc biệt là Hà Nội) phải đối mặt với dịch tiêu chảy cấp bùng phát thì người dân TP HCM luôn sẵn sàng sống cùng triều cường cao đến mức nhấn chìm nhiều khu vực kể cả trung tâm thành phố. Ở nhà thì lo chuyện giá cả, ra đường thì kẹt xe, khói bụi kinh khủng, mưa xuống là ngập, rồi nước thải bệnh viện, công nghiệp ô nhiễm môi trường ngày càng tăng… Tất cả những yếu tố này cộng lại chứng tỏ chất lượng cuộc sống người dân đang có chiều hướng đi xuống mặc dù thu nhập tăng. Số 1 Tháng 1 Năm 2008 Phạm Hạnh