Ánh PhươngVừa qua, Quản lý thị trường ( QLTT) TP. HCM đã phát hiện tại kho hàng trên đường Nguyễn Văn Luông bên trong có chứa đến 20 kho hàng nhỏ đựng hóa chất dùng trong thực phẩm, sữa bột, cacao… Phần lớn các lô hàng này đều có dấu hiệu vi phạm như không ghi nhãn hàng hóa, hoặc có ghi thì cũng không đầy đủ chi tiết. Và chỉ riêng trong một kho nhỏ chứa sữa bột, cacao thì lực lượng QLTT đã phát hiện hơn 50 tấn hàng vi phạm nhãn mác. Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế), đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội ra quân kiểm tra thực phẩm Tết trên địa bàn thành phố. Khi kiểm tra đột xuất Công ty sản xuất và thương mại Ngọc Long (số 204, ngõ 192 Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai), đoàn kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm đóng gói như: sốt cà chua, tương ớt, mắm tôm sản xuất tại Hà Nam, hoặc sản xuất tại các địa phương khác, nhưng trên nhãn mác lại ghi nơi sản xuất là Hà Nội. Người tiêu dùng Việt Nam đi đâu cũng có thể bắt gặp cảnh vi phạm quy chế ghi nhãn, từ thịt gà có cúm gia cầm, thịt lợn có thuốc tăng trọng, các loại rau sạch không đảm bảo chất lượng cho đến hàng ăn không đảm bảo vệ sinh nhưng người tiêu dùng đều không được cung cấp thông tin hoặc không biết đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ mình lựa chọn. Năm 2007, có trên 240 lô hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) từ chối vì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và ghi nhãn sản phẩm bị buộc trả về. Nhiều nhất trong hàng trăm lô hàng này là các loại thuỷ sản đông lạnh, sơ chế hoặc đã chế biến, sau đó là các mặt hàng khác như chả giò, rau củ chế biến, ngay cả hạt tiêu và cà phê Trung Nguyên cũng vướng tiêu chuẩn của Mỹ. Chúng ta thường thấy trong danh sách hàng bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ tại website FDA có những trường hợp là do ghi nhãn không đúng. Một ví dụ như sau về lý do hàng bị từ chối được lấy từ danh sách tháng 8/2007: TRANSFAT NUTRIT LBL. Transfat là từ chữ Trans fat, tứclà chất béo chuyển vị đã được buộc phải ghi vào nhãn giá trị dinh dưỡng áp dụng từ tháng 1/2006, và nutrit lbl là viết tắt của nutrition label từ bảng giá trị dinh dưỡng trên nhãn đều là những thành phần bắt buộc trong ghi nhãn thực phẩm của Mỹ. Vậy thực phẩm này đã bị sai sót ở hai khâu ghi nhãn này. Mỗi nước đều có luật lệ về ghi nhãn thực phẩm riêng. Nếu một sản phẩm được định hướng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, thì nhãn phải được thiết kế cẩn thận để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về ghi nhãn thực phẩm. FDA có nhiều hướng dẫn để chúng ta có thể tra cứu và tuân thủ đúng các yêu cầu cho sản phẩm.Chúng ta phải đưa đầy đủ thông tin bắt buộc vào vùng ghi nhãn chính viết tắt là PDP. PDP là phần nhãn trên bao bì mà khách hàng trông thấy dễ dàng khi mua hàng. Nhiều loại bao bì có các bề mặt khác nhau thích hợp để được xem là vùng ghi nhãn chính. Các vùng này gọi là vùng ghi nhãn chính thay thế nhau. Chúng ta phải ghi các thông tin bắt buộc vào vùng ghi nhãn chính (hoặc toàn bộ các thông tin bắt buộc, hoặc một số quan trọng nhất, phần còn lại đưa vào vùng ghi thông tin). Các nội dung quan trọng này gồm tên gọi của thực phẩm, trọng lượng tịnh của hộp thực phẩm đó. Vì vậy, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đã chọn chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2007 là Ghi nhãn thực phẩm đóng gói sẵn. Điều này càng có ý nghĩa khi Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế ghi nhãn hàng hóa có hiệu lực, thay thế Quyết định 178/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP, nhãn thực phẩm phải ghi đầy đủ, chính xác, rõ ràng, trung thực về thành phần thực phẩm và các nội dung khác theo quy định. Đặc biệt, Nghị định cũng nghiêm cấm các hình thức ghi trên nhãn về thực phẩm có công hiệu thay thế thuốc chữa bệnh. Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (WTO/TBT) đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật bao gồm các yêu cầu ghi nhãn, bao gói không tạo ra trở ngại không cần thiết đối với thương mại. Bên cạnh đó, ghi nhãn thực phẩm là một trong các đối tượng thuộc chương trình hài hòa tiêu chuẩn của APEC. Việc hài hòa rộng rãi các tiêu chuẩn của các nền kinh tế thành viên APEC với tiêu chuẩn quốc tế là yêu cầu quan trọng thúc đẩy thương mại khu vực Châu á - Thái Bình Dương. Thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ về ghi nhãn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết tiến triển thực hiện các cam kết cụ thể của Việt Nam như sau: “ Việt Nam đang trong quá trình triển khai các quy định kỹ thuật về thời hạn sử dụng đối với thực phẩm thô và phụ gia thực phẩm. Việc thực thi quy định đối với các sản phẩm này được triển khai vào thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Đối với các tất cả thực phẩm khác, Việt Nam sẽ chấp nhận thời hạn sử dụng tốt nhất do nhà sản xuất tự xác định. Trong đó “Hạn sử dụng tốt nhất” là thời điểm mà trước thời hạn đó, thực phẩm được bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản đã được công bố và trong suốt thời gian trước đó được tiêu thụ với đầy đủ các đặc tính chất lượng vốn có hay công bố ban đầu. Tuy nhiên sau thời hạn đó, thực phẩm phải hoàn toàn đạt yêu cầu sử dụng. Như vậy, nếu ghi “ Hạn sử dụng tốt nhất” mà chưa quá thời điểm đó phát hiện sản phẩm có những suy giảm về đặc tính chất lượng (ví dụ: mùi vị, màu sắc, trạng thái ... kém hơn ban đầu) là vi phạm quy định, doanh nghiệp,người kinh doanh những sản phẩm trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Để thực hiện cam kết của Việt Nam nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ về việc “ban hành Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN hướng dẫn mở rộng khái niệm “hạn sử dụng” trong đó bao gồm cả nội dung cam kết WTO” để tạo thuận lợi khi xuất khẩu hàng hoá, thực phẩm của Việt Nam. Thông tư quy định rõ Việt Nam cho phép ghi rõ thời hạn sử dụng là “ hạn sử dụng” hoặc “hạn sử dụng tốt nhất” trên nhãn thực phẩm.Việc ghi “hạn sử dụng” hay “ hạn sử dụng tốt nhất” trên nhãn thực phẩm sẽ do nhà sản xuất tự xác định nếu không có quy định khác cho sản phẩm cụ thể. Quy định này phù hợp với khoản 4.7.1 CODEX STAN 1-1985(2005)-Tiêu chuẩn chung về ghi nhãn thực phẩm đóng gói. Ánh Phương Tạp chí TCĐLCL - Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq