Giáo sư Đặng Hùng Võ: Biết tránh mọi cám dỗ là điều rất khó!

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Là người áp dụng công nghệ định vị toàn cầu vào việc đo đạc đất đai, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã đóng góp rất lớn vào việc quản lý tài nguyên của Việt Nam. Thẳng thắn và cởi mở, GS đã dành cho Tạp chí TCĐLCL cuộc phỏng vấn đầu năm.

    PV: Về hưu rồi mà xem ra ông vẫn còn bận quá. Người ta quan tâm đến việc Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đang làm gì sau khi về hưu?

    GS Đặng Hùng Võ: Bây giờ, sau khi về hưu, tôi vẫn làm cho Bộ, vì lãnh đạo Bộ muốn giữ tôi lại với cương vị là chuyên gia cao cấp, cố vấn cho Bộ, làm những việc mà Bộ đề nghị, những việc mà mình tâm huyết và muốn đóng góp. Thêm nữa, tôi vẫn đi dạy vì đang làm Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính của trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Khi về hưu tôi có thời gian hơn để làm những việc mà trước đây do bận bịu với việc công vụ mà chưa làm, được như viết sách chẳng hạn...
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    PV: Một GS Võ thời còn làm quan chức khác với GS Võ lúc về hưu như thế nào?

    GS Đặng Hùng Võ: Khi làm Thứ trưởng, phải đảm bảo làm tốt những gì mình được giao. Bởi vì ở vị trí quản lý là cương vị mà một hành vi của mình sẽ tác động đến rất nhiều người khác. Có thể một chữ ký của mình thì một người nào đó có thể đòi được đất nhưng cũng có thể vì một chữ ký mà khiến cho một ông lãnh đạo cấp huyện, cấp xã nào đó bị kỷ luật. Tức là bất kỳ hành vi nào của người quản lý thì phải ý thức được là nó tác động đến người khác rất nhiều. Nếu một công trình mang lại cơm áo cho nhiều người thì chắc chắn nhiều người sẽ tìm đến mình, sẽ hỏi, sẽ đề nghị cái này cái kia... Vai trò quản lý là có sự giao tiếp với mọi người, nhưng buộc người khác phải đến với mình (bởi đến ông khác là không xong). Còn khi nghỉ chức Thứ trưởng, với tư cách một nhà giáo, một nhà khoa học, hay thì người ta đến, dở thì người ta đi.

    PV: Xin lỗi GS, ý tôi còn hỏi ở khía cạnh... bổng lộc?

    GS Đặng Hùng Võ: Tôi không màng đến. Đó là tôi nói thật chứ không khách sáo giả vờ đâu. Quan điểm của tôi đồng tiền là cần thiết, nhưng ta đừng phụ thuộc vào nó mà khổ. Gọi là đủ ăn, đủ tiêu, ở mức độ bình thường, thế là được. Có như vậy thì mới có sức sáng tạo, chứ nếu ngồi trên một đống tiền thì chắc chắn chẳng muồn làm gì nữa. Vì ý thức như thế, nên ngay khi làm quản lý, tôi không phải đau đầu về chuyện: việc này nó có biếu hay không biếu, việc này có nghĩ đến mình hay không nghĩ đến mình... Tôi luôn cân nhắc là mình ký chữ ký này làm sao cho hợp lý, không sai, sao cho hiệu quả và kịp thời cho mọi người. Thế thôi! Chứ không bao giờ nghĩ rằng mình cần kiếm chác gì ở đây, bởi vì mình cũng đã có dự trữ cho mình, mình có thể tự chủ hoàn toàn mà không bị phụ thuộc vào cái gì cả. Có thể nói, tôi không thiếu tiền nên chẳng màng lợi lộc

    PV: Nghe ra có vẻ chưa thuyết phục lắm, thưa GS?

    GS Đặng Hùng Võ: (Cười). Nói thật tôi đã từng có thời điểm có cả triệu USD trong tay (khi còn ở Ba Lan), và bây giờ có lẽ cũng đang có "của ăn của để". Nói thực, thời gian ở Ba Lan, có vay của người khác 50USD, sau đó lơ đễnh thế nào mà... quên mất. Thế là bị người ta sỉ vả. Lúc đó, tôi mới ý thức được rằng không có tiền thì rất nhục, nên quyết tâm đi làm kinh tế. Hồi đó, những du học sinh của Việt Nam tại các nước Đông Âu đều tính chuyện đưa dây mây so, bàn là, tủ lạnh... về Việt Nam bán kiếm lời. Còn tôi nghĩ cách phải buôn bán "dài hơi" và ít rủi ro hơn (vì từ Ba Lan đưa hàng về Việt nam là quá xa về mặt địa lý, nên khó có thể kiểm soát được hàng hoá). Và thế là tôi đã nảy ra ý định: kinh doanh các mặt hàng giữa các nước Đông Âu với nhau, vì ngay ở Đông Âu, mặt hàng này là thế mạnh của nước này nhưng lại là nhu cầu lớn của nước kia?. Một đội kinh doanh được tôi thành lập. Việc buôn bán này cũng tạo ra một hướng làm ăn mới cho người Việt tại Ba Lan. Cho đến khi về nước, nói thực là nhu cầu để phải kiếm thêm là không có.

    PV: Nghe nói ông đã áp dụng những công nghệ tiên tiến vào việc đo đạc đất đai, đáp ứng những tiêu chuẩn tiên tiến nhất hiện nay của thế giới?

    GS Đặng Hùng Võ: Một trong những công việc mà tôi từng làm là công nghệ định vị toàn cầu trong việc đo đạc đất đai và quản lý tài nguyên. Công nghệ này thay thế một phần rất lớn công việc đo đạc mà trước đây vẫn phải lội bộ, vẫn phải ngắm bằng máy, vẫn phải làm những động tác rất thủ công, phải dựng những cột tiêu rất cao. Đầu tiên anh em phản đối, “ông làm thế này thì chúng tôi mất nghiệp à?”. Nhưng bây giờ với cột tiêu khoảng 10 triệu, khi áp dụng thì mới thấy lợi từ cái đấy còn nhiều hơn, vì nhà nước không phải mất 10 triệu, trong khi đó ta có thể tăng năng suất lao động lên rất cao. Trước đây mỗi tháng có thể chỉ đo được hai điểm, bây giờ mỗi tháng có thể đo được tới 30 điểm (chẳng hạn).

    PV: Lúc còn là Thứ trưởng ông đã bao giờ phải dằn vặt, day dứt với chính mình về một món lợi nào đấy không?

    GS Đặng Hùng Võ: Tôi đã thoát khỏi những cái gì mà người đời hay bị dằn vặt về quyền lợi. Tôi khẳng định là không bao giờ có một vương vấn gì về điều đó. Vì thứ nhất, mình là người cũng đủ ăn, không sợ đói, nghĩa là không phải làm bậy. Thứ hai, tâm điểm của tôi là muốn để lại cái gì đó cho đời, cho nên nếu vướng vào thì chẳng có gì là hay ho cả. Cứ cho là 10 trường hợp thì thoát, nhưng "dính" 1 trường hợp thì sẽ bị ô danh. Mình là GS, nếu dính vào thì khi để lại sách vở cho đời sau, người ta bảo: ông này ngày xưa nhận hối lộ, như thế thì nhục lắm! Mình ý thức được rằng tiền rất quan trọng, không có nó thì mình đói, mình khổ, mình rét, mình sẽ trở thành hèn... Nhưng mà có nhiều quá cũng không nên. Mọi sự phụ thuộc đều làm cho con người nó hèn đi, thành ra tôi luôn cố gắng hết mình để không bị phụ thuộc vào đồng tiền

    PV: Về hưu rồi liệu ông có ý định sẽ kiếm tiền không?

    GS Đặng Hùng Võ: Tại sao lại không? Bây giờ, khi về hưu, với tôi kiếm tiền cũng không khó, chẳng hạn như hiện nay, riêng các báo đặt bài trung bình thường trả cho tôi một triệu một bài. Mỗi bài tôi viết trong vòng một đêm, một tháng tôi viết chắc cũng độ 20 bài (mà 20 bài đấy là chưa đáp ứng được tất cả các nhu cầu của các báo). Thế thì kiếm tiền bằng viết báo cũng xông xênh rồi! (Cười) Còn viết sách, cơ chế bây giờ sách hay thì bán được nhiều, tiền thu được từ phát hành cũng chiếm cỡ 30%. Chắc chắn đấy cũng là nguồn thu khá... bộn. Tôi nghĩ, hoạt động trí tuệ khiến mình vui, thích thú, mà lại vừa được tiền nữa thì chẳng có gì phải lo cả. Bây giờ tôi cho rằng thu nhập còn có thể cao hơn cả lúc còn làm Thứ trưởng.

    PV: Nghe nói là GS từng đi dạy thêm và được đưa vào danh sách những thầy có thu nhập từ dạy thêm thuộc "top 60 triệu đồng" (ở thời điểm đó)?

    GS Đặng Hùng Võ: Có chứ, thậm chí là nhiều. Vào những năm 1976-1980, những ai ôn thi đều biết đến lò luyện thi ở Bách Khoa mà có tôi tham gia. Hồi đó, tôi cũng dạy vào loại có tiếng, nhiều học sinh quý mến đến học. Thực ra tôi cũng không nghĩ, nhưng có lẽ tôi là một trong những người dạy thêm có thu nhập cao. Tôi dạy cả thứ bảy, chủ nhật, ngày thường thì buổi tối một mình dạy toán cho mười mấy lớp. Một lớp, một tuần thường là 3 buổi, có khi 1 buổi tối dạy 2 kíp, đến gần 11h mới về nhà. Đấy cũng là giai đoạn rất thú vị và có những kỷ niệm đẹp.

    PV: Có thật ông không sợ "vạ miệng" khi nói thật, nói thẳng... ?

    GS Đặng Hùng Võ: Tôi nói rất ngẫu hứng, thế nên anh em báo chí rất thích. Nhưng mỗi câu từ đều được tính toán rất kỹ, còn cũng không phải nói lăng mạ ai cả. Tức là khi nói có tính toán và lựa chọn ngôn từ rất cẩn thận... theo kiểu ngẫu hứng. Thế nên tôi thường bị trục trặc do người trên ghét, kể cả khi đi học lẫn khi đi làm. May thay, những năm tháng làm việc cuối cùng ở Bộ này thì lại được Bộ trưởng yêu (lúc đó là ông Mai Ái Trực - PV). Cũng lạ! (Cười)

    PV: Việc mà ông cho là thành công nhất khi làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường là gì?

    GS Đặng Hùng Võ: Có lẽ đó là tư duy về những giải pháp đổi mới trong việc quản lý đất đai (trong tình trạng đất đai thuộc sở hữu toàn dân), nhưng không làm cản trở quá trình phát triển kinh tế. Bởi vì sở hữu toàn dân thì có những ưu điểm, nhưng cũng có những nhược điểm. Một nhược điểm là nếu chỉ căn cứ vào khái niệm thì người ta sẽ nghĩ rằng đó là bao cấp, điều đó có nghĩa là sẽ không phát triển được thị trường. Nhưng phải làm thế nào vẫn phát triển được những điểm mạnh, toàn bộ những điểm mạnh của sở hữu toàn dân, tạo ra được những cái phù hợp hơn với cơ chế thị trường mà vẫn đảm bảo được hiệu quả cao nhất.

    PV: Làm quan chức chắc hẳn không thể tránh khỏi cám dỗ tình - tiền…Xin hỏi thật, có bao giờ ông đối diện với tình không?

    GS Đặng Hùng Võ: Đối diện với tình thì có chứ tại sao không. Vấn đề là mình cư xử thế nào để người ta hiểu là không nên có gì. Cũng đừng để người ta cảm thấy mình là người thô lỗ. Tất cả những cái đấy cũng thể hiện một văn hoá ứng xử nhất định. Đấy hãy chỉ là những kỷ niệm...

    PV: Và có bao giờ ông có cảm giác như mình bị sắp đặt "cạm bẫy tình"?

    GS Đặng Hùng Võ: Cạm bẫy thì chắc là không có đâu, chỉ là nhiều người yêu mến thôi, chứ ai đó đặt ra mỹ nhân kế thì không có! Mình chưa "oách" đến mức người ta phải dùng đến mỹ nhân kế. (Cười).

    PV: Ông có nghĩ rằng mình là mẫu người được các cô gái thích không?

    GS Đặng Hùng Võ: Không, tôi nghĩ rằng các cô gái hầu hết thích người đẹp trai, cao to, dáng thể thao. Còn tôi là người dị tướng, có thể có những người mến nhưng là thiểu số.

    PV: Lúc đó GS ứng xử thế nào?

    GS Đặng Hùng Võ: Nếu trong khung cảnh lạc quan yêu đời thì dùng một câu chuyện cười để lảng tránh. Bất đắc dĩ lắm thì phải nói thẳng ra là mình đã có gia đình. Có một câu chuyện thế này, ngày xưa, tôi biết có một em sinh viên rất quý tôi. Ngày tôi chuẩn bị đi học và nghiên cứu ở Ba Lan thì em đó nói rõ tình cảm và muốn được tiễn tôi ra phi trường. Nhưng rồi tôi cảm ơn và đã nói rõ cho em biết ngay. Tôi không để mọi chuyện quá đà. Ở đời cần biết tránh mọi cám dỗ với chính mình.

    PV: Nghe bảo là ông đã từng có quyết định về đất đai làm cho ngay cả bà xã cũng bị lỗ?

    GS Đặng Hùng Võ: Chuyện là thế này, bà xã có một mnh đất đang định bán, đúng lúc bán thì thị trường đóng băng (2004-2005). Bán mãi chả ai mua, bà xã bảo: Tại ông làm cho nó đóng băng nên tôi chả bán được cho ai cả. (Cười)

    PV: Liệu ông có cảm giác bị hẫng không khi về hưu?

    GS Đặng Hùng Võ: Cũng chẳng có gì để hẫng cả. Làm lãnh đạo mãi cũng không nên!

    Xin cảm ơn ông!

    Huyền Vi (Thực hiện)
    Tạp chí TCĐLCL - Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008
     

Share This Page