Giới Thiệu Di Sản Hán Nôm Thư Gia Vạn Ninh Đường

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jun 12, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    LÊ VĂN CƯỜNG
    Hội bảo tồn Di sản chữ Nôm Việt Nam
    Huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vùng đất có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, đặc biệt là truyền thống về khoa cử. Người Hoằng Hóa nổi tiếng hiếu học, nơi đây đã sinh ra nhiều nhà khoa bảng làm rạng danh cho non sông đất nước như: Lưu Đình Chất, Bùi Khắc Nhất, Lương Đắc Bằng, Phùng Khắc Khoan, Lê Như Bật, Nhữ Bá Sĩ... Trải dài trong tiến trình lịch sử, vùng đất này vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa vật thể quý, trong đó có mảng thư tịch Hán Nôm.
    Thư gia Vạn Ninh đường 萬寧堂ở thôn Đồng Lạc, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thuộc một trong số ít địa chỉ còn lại trên địa bàn huyện đang lưu giữ bộ sưu tập di sản thư tịch Hán Nôm quý hiếm. Thời gian gần đây, một số kênh thông tin đại chúng đã giới thiệu với bạn đọc, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những bản tin trên báo chí. Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, tủ sách hiện hữu hơn 500 thư tịch, với nội dung rất phong phú và đa dạng, phản ánh sâu sắc nhiều khía cạnh như: lịch sử, triết học, nho học, văn học, y dược học, địa chí, địa lí phong thủy v.v... Để có được cái nhìn tổng quan, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về thực trạng, đặc điểm cũng như giá trị nội dung của tủ sách này.
    1. Thực trạng và đặc điểm nguồn thư tịch Hán Nôm thư gia Vạn Ninh đường
    Thực tế cho thấy nguồn thư tịch Hán Nôm ở đây được bảo quản theo phương pháp thủ công, sách được gói trong giấy báo, buộc dây và xếp trong tủ gỗ gồm nhiều ngăn, quanh năm đóng cửa. Mỗi khi thời tiết nắng ráo lại mang ra phơi để tránh ẩm mốc và loại bỏ mối mọt. Mặc dù vậy, số lượng sách bị mủn mọt khá nhiều, có những cuốn sách chỉ còn là những đống giấy vụn, nhưng với tinh thần hiếu học luôn trân trọng những di sản của ông cha để lại nên gia đình vẫn bọc gói cẩn thận và xếp riêng ở một ngăn khác.
    Nguồn thư tịch Hán Nôm tại đây có thể tạm chia làm hai loại chính: một là loại văn bản được in từ các bản in khắc gỗtrên giấy dó với văn tự chủ yếu là thể chữ chân. Phần lớn những bộ (quyển) được ghi cụ thể nhan đề sách, tác giả, niên đại, nơi xuất bản, nhà tàng bản, trong đó bao gồm cả những bộ sách khắc in các nhà in Trung Quốc và Việt Nam. Hai là loại văn bản chép tay chủ yếu là sách Việt Nam, được biên chép bằng nhiều loại thể chữ khác nhau như: chữ chân, chữ hành và chữ thảo. Văn tự được sử dụng chủ yếu là chữ Hán, số ít là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.
    Theo thống kê sơ bộ cho thấy những văn bản viết bằng chữ Nôm chiếm số lượng rất ít so với loại văn bản viết bằng chữ Hán. Ngoài một số văn bản bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm thì thư gia Vạn Ninh đường 萬寧堂 có 6 văn bản được viết bằng chữ Nôm, đáng kể là cuốn Kim Vân Kiều quảng tập truyện 金雲翹廣集傳 được khắc in năm Nhâm Thìn đời Thành Thái thứ 4 (1904). Đây là một trong những cuốn sách rất có giá trị, giúp ích cho các nhà nghiên cứu tham khảo, với hi vọng phục dựng lại nguyên tác Truyện Kiều.
    2. Điểm qua về nội dung nguồn thư tịch Hán Nôm tại thư gia Vạn Ninh đường
    Với truyền thống là một gia đình theo nghiệp khoa cử, nên những sách thuộc hệ thống kinh điển nho gia, thơ phú chiếm số lượng lớn vì đó là những tài liệu chuẩn mực dành cho những môn sinh của nho học, có thể tạm chia một số chủ để chính sau:
    Sách kinh điển Nho gia: là loại sách có nội dung về nho học, được sử dụng trong khoa cử, phản ánh khá đậm nét về mọi mặt trong đời sống xã hội. Loại sách này cũng được chia làm hai loại chính là sách kinh điển thuần túy của Trung Quốc như bộ: Dịch kinh đại toàn 易經大全, Luận ngữ đại toàn 論語大全, Lễ kí đại toàn 禮記大全 v.v...; hai là loại sách kinh điển nhưng được các tác giả đời sau là người Trung Quốc và Việt Nam sử dụng lối tập chú, thể chú, diễn nghĩa, tiết yếu, toát yếu để làm sáng tỏ nghĩa lí trong từng tác phẩm: Mạnh Tử tập chú 孟子集主, Tăng đính Thi kinh thể chú diễn nghĩa 增訂詩經體註衍義, Dịch kinh đại toàn tiết yếu diễn nghĩa 易經大全節要演義v.v...
    Sách lịch sử: chủ yếu là hai loại lịch sử Trung Quốc và lịch sử Việt Nam. Lịch sử Trung Quốc bao gồm các bộ: Xuân thu thể chú đại toàn 春秋體註大全, Thiếu vi tiết yếu 少微節要 v.v...; Sách lịch sử Việt Nam như: Trung học Việt sử toát yếu 中學越史撮要, Việt sử toát yếu lược sao 越史撮要略抄 v.v...
    Sách văn học: sách văn học bao gồm các tuyển tập từng thể loại : tuyển tập thi văn, tuyển tập phú, văn tế v.v...: Vịnh vật thi tuyển chú thích 咏物詩選註釋, Liên Khê di tập 蓮溪遺集, Thảo Đường nguyên tập 草堂原集, Trúc Đường phú tuyển 竹堂賦選, Kim Vân Kiều quảng tập truyện 金雲翹廣集傳 v.v…
    Sách Y dược học: bao gồm các bộ sách chuyên về đông y, chữa trị bách bệnh, từ việc xem mạch, châm cứu, khám, các phương pháp chữa trị cho đến các bài thuốc gia truyền v.v... được truyền tải trên cả thể loại văn vần hoặc thơ. Đặc biệt có những bộ sách rất có giá trị về mặt y học như bộ: Y Hải đại thành 醫海大成 do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác soạn, Nam dược thần hiệu 南藥神校, Ngoại khoa chính tông đại thành 外科正宗大成, Bảo xích bách hiệu toàn thư 保赤百效全書 v.v...
    Sách địa chí, địa lí: Thanh Hóa địa hình đẳng xứ 清化地形等處, Lôi Dương huyện địa lí 雷陽縣地理, Địa lí gia truyền bí ngữ đại toàn 地理家傳祕語大全 v.v...
    Đặc biệt là tủ sách vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn bộ tự điển cổ rất nổi tiếng Trung Quốc đó là Khang Hi tự điển 康熙字典; ngoài ra còn có một cuốn tự điển chữ Nôm chép tay với nhan đề Tự điển Nôm tự biên 字典喃字編.
    Như trên đã đề cập, di sản Hán Nôm Thư gia Vạn Ninh đường 萬寧堂 rất phong phú và đa dạng, đây là bộ sưu tập gồm kinh điển nho gia, lịch sử, văn học, địa lí, địa chí, y dược, y học, giáo khoa, phật học v.v... có ý nghĩa rất đặc biệt với giá trị truyền thống hàng nghìn năm văn hiến của dân tộc. Do vậy, rất cần sự quan tâm và đánh giá của cơ quan hữu quan cũng như các nhà nghiên cứu một cách tích cực, đưa ra những phương hướng bảo tồn tối ưu, nhằm giữ lại nguyên trạng những di văn của cha ông cho thế hệ mai sau./.
    (Thông báo Hán Nôm học 2009; tr.228 -231)

    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     
  2. deche2212

    deche2212 Guest

    Cám ơn bác chủ topic nhé ! đúng thứ mình đang cầnnnnn
     

Share This Page