Giới thiệu thêm một số sách Hán Nôm Việt Nam đang tàng trữ tại Tokyo

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    GIỚI THIỆU THÊM MỘT SỐ SÁCH HÁN NÔM VIỆT NAM ĐANG TÀNG TRỮ TẠI TOKYO

    PGS. Trần Nghĩa
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm
    Trên Tạp chí Hán Nôm số 1-1999, chúng tôi đã giới thiệu sách Hán Nôm Việt Nam tại 4 tàng thư lớn của Nhật Bản, gồm Đông Dương văn khố, Quốc lập Quốc hội đồ Thư quán, Thư viện Đại học Khánh Ứng, và Thư viện Nghiên cứu văn hóa Đông Dương thuộc Đại học Tokyo. Ở cuối bài viết lần đó, chúng tôi có chú thích: “Riêng thư viện Đại học Khánh Ứng hãy còn một số sách do E. Gaspardone hiến tặng, đang chờ kiểm kê, chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu và giới thiệu với bạn đọc trong dịp này”(1).

    Nói “chưa có điều kiện tìm hiểu” là với hàm ý “chưa có thì giờ đọc kỹ”, chứ thực ra hồi ấy, chúng tôi cũng đã dành ra hai ngày, tất nhiên là quá ít, để tiếp cận với mảng sách do Gaspardone hiến tặng cho Thư viện trường Đại học Khánh Ứng.

    Trong khi chờ đợi một cơ may khác khả dĩ tiếp tục công việc còn lưu, tôi muốn đem những gì mà bản thân ghi chép được, dù chưa nhiều, về tủ sách Hán Nôm Việt Nam của Gaspardone tại Tokyo chia sẻ cùng bạn đọc, trong tinh thần “biết đến đâu tâu đến đấy”.

    Nhưng trước hết, hãy nói một chút về Gaspardone, chủ nhân của tủ sách, cùng nguyên nhân vì sao mảng thư tịch Hán Nôm Việt Nam này lại có mặt tại Tokyo.

    Emile Gaspardone, theo như cuốn Ai là ai ở Pháp (Who’s Who in France, 1956) cho biết, “sinh ngày 20-6-1895 tại quận Bouche du Rhône, thị trấn Peypin nằm giữa vùng Aix-en-Provence và thành phố Marseille ở ven bờ Địa Trung Hải. Ông là con của Engine Gaspardone và một phụ nữ Pháp (xuất thân từ gia đình Bonne). Ông kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản tên là Muramatsu Kazu. Năm 1926, ông là cộng tác viên của Học viện Viễn đông Pháp tại Hà Nội. Năm 1928, là nghiên cứu viên thường trú. Năm 1946, là Giáo sư thỉnh giảng Trường Collègue de France. Ông có nhiều bài viết liên quan đến các vấn đề như lịch sử, văn bản, biên soạn, thư tịch chí, ngôn ngữ học... được công bố trên Kỷ yếu Học viện Viễn đông Pháp (BEFEO) xuất bản ở Hà Nội, hay trên Kỷ yếu Hội Nhật - Pháp ở Tokyo, hoặc in trong cuốn Hành trình về châu Á ở Paris...”(2). Bà Muramatsu Kazu, vợ ông, cho biết thêm về phần đời còn lại của ông kể từ sau năm 1956 trở đi như sau: “Emile Gaspardone - TN) giảng dạy cho Trường Collègue de France trong 18 năm. Năm 1965 Emile nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu với tư cách là Giáo sư danh dự của trường, và cư trú phần đời còn lại trên đất Nhật. Năm 1967, Emile Gaspardone tự mình vận chuyển trên 10 tấn sách lên tàu Le Tunggus của Na Uy đi từ Marseille tới Kobe trong 2 tháng (tới Nhật ngày 18 tháng 10)”(3). Bà Kazu viết tiếp: “Cuối năm Chiêu Hòa thứ 55 (1980), sau khi mua hàng ở một cửa hàng trong thành phố Tokyo, Emile bị ngã giữa thang máy...”(4). Từ đó, sức khỏe ông mỗi lúc một kém dần. Ngày 19-2-1982, ông qua đời tại thành phố Zama tỉnh Kanagawa nơi ông sống, thọ 87 tuổi.

    Trong bài viết của mình, Kazu còn nhắc tới những kỷ niệm khó quên của bà và Gaspardone đối với Việt Nam, Hà Nội: “Kết thúc thời gian khảo sát ở Nhật Bản và Trung Quốc (vào khoảng năm 1933-TN), Emile quay trở về Học viện Viễn đông Pháp tại Hà Nội. Học viện là nơi rất đẹp, có nhiều cây cổ thụ, hoa trồng xung quanh. Có một thư viện rộng lớn trưng bày nhiều cuốn sách liên quan đến Viễn đông. Tôi và Emile sống trong ngôi nhà tập thể của Học viện. Thời gian này, tôi biết thêm được nhiều điều, nhờ những chuyến đi công tác của Emile trên bán đảo Đông Dương suốt từ phía Bắc đến phía Nam, chẳng hạn như: Huế, Thanh Hóa, Nam Định, Cao Bằng... các vùng bờ biển Việt Nam, Sum Reap ở Campuchia. Nhờ có Học viện này, Emile đạt nhiều thành tích trong công việc”.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Kazu, vẫn trong bài viết trên, còn cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về nguồn gốc của tủ sách Hán Nôm Việt Nam trong bộ sưu tập của chồng bà: “Trong kho sưu tập của Emile, quý hiếm nhất là thư tịch Việt Nam. Tôi nghĩ lúc đó Emile đã mua nhiều sách sẵn có ở nước này. Trường hợp không mua được, Emile nhờ người khác sao chép lại. Trước thế chiến thứ II, ở Việt Nam có nhiều người giỏi chữ Hán, Emile có thuê một thanh niên giỏi chữ Hán sao chép lại những sách ông không có. Sách sao chép được mấy chục cuốn và hầu như không có trường hợp nào chữ viết bị nhầm lẫn (...). Giấy của Việt Nam được làm từ vỏ cây dó. So với giấy Nhật Bản, nó mỏng hơn, màu vàng. Nhìn bề ngoài chất lượng không cao, nhưng đã hơn 50 năm trôi qua, những cuốn này của chồng tôi vẫn còn đó, thật ngoài tưởng tượng của tôi”(5). Và bà chân tình mời giới chuyên môn tới nghiên cứu. “Hiện nay, những tài liệu cổ Emile thu thập được trong thời gian sống và làm việc vẫn được cất giữ cẩn thận, chờ người nghiên cứu”(6).

    Thật vậy, bộ sưu tập tài liệu cổ vô cùng quý giá này sau khi hiến tặng cho Đại học Khánh Ứng, đã được nhà trường đem gửi vào Công ty Kho chứa Tự điển tại Tokyo để bảo quản cho đến tận ngày nay, chưa lên ký hiệu sách và do đó, cũng chưa đưa ra phục vụ bạn đọc rộng rãi.

    Trong lần tới Kho chứa Tự điển để khảo sát vào năm 1998, chúng tôi thấy sách Hán Nôm Việt Nam được đựng trong 24 chiếc hòm lớn, từ hòm số 5 đến hòm số 28. Trong các hòm sách còn để lộn xộn, chưa theo một nguyên tắc sắp xếp nào. Giữa hòm này và hòm khác, tài liệu hầu như vẫn chưa qua phân loại, nghĩa là chúng được dồn vào hòm một cách ngẫu nhiên...

    Kết quả khảo sát cho thấy trong 24 hòm sách nói trên, có khoảng 136 cuốn rất đáng chú ý.

    Trước hết là những thư tịch, tài liệu mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện NCHN) hiện nay chưa có, nhưBắc hành tạp vịnh, Đại Nam tổng hội đồ lục, Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ, Nam Giao việt Thường dã sử lục, Trịnh Thị kim giám thực lục v.v., cả thảy 35 tác phẩm.

    Tiếp đến là những thư tịch, tài liệu tuy Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng có, nhưng chất lượng văn bản không tốt bằng, như Đăng long biểu quyết (bản in, trong khi Viện NCHN chỉ có bản viết tay), Kiến văn tiểu lục(Viện NCHN cũng có, nhưng không đầy đủ bằng), Lịch triều hiến chương loại chí (Viện NCHN cũng có, nhưng chép không đẹp bằng) v.v, cả thảy chừng 16 tác phẩm.

    Thứ ba là những thư tịch, tài liệu được chân tả, dễ đọc hơn nhiều so với bản gốc hiện có tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, như Lê triều dã sử (chân tả từ bản gốc A.17), Lê kỷ tục biên dã sử (chân tả từ bản gốc A.1235), Lịch triều tạp kỷ (chân tả từ bản gốc A.15) v.v.

    Thứ tư là những thư tịch, tài liệu mang ký hiệu sách của Học viện Viễn đông Bác cổ, nhưng ở Viện NCHN hiện nay đang thiếu vắng, như Bách ty thứ vụ A.828, Đại Nam tổng hội đồ lục A.73, Đăng khoa bị khảoA.485, Tùng Hiên tập A.1502.

    Và cuối cùng là số thư tịch, tài liệu còn lại, chúng đều là những dị bản đáng tham khảo khi nghiên cứu những tác phẩm cùng tên hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

    Tình hình cụ thể, xin xem bảng Danh mục bên dưới.

    Hy vọng một ngày nào Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ có những bản chụp số thư tịch, tài liệu Hán Nôm quý giá đó để phục vụ bạn đọc trong nước.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    * - Tên sách in bằng chữ thường: chỉ loại sách ở Viện NCHN có.

    - Tên sách in bằng chữ nghiêng: chỉ loại sách tuy ở Viện NCHN có, nhưng bản của Gaspardone có nhiều chỗ ưu trội hơn, hoặc có điểm khác biệt.

    - Tên sách in bằng chữ hoa: chỉ loại sách Viện NCHN không có./.


    Chú thích:
    (1) Xem Trần Nghĩa - Nguyễn Thị Oanh: Thư mục tổng hợp sách Hán Nôm Việt Nam tại bốn tàng thư lớn của Nhật Bản. - Tạp chí Hán Nôm, số 1 (38)-1999, tr.70-99.
    (2), (3), (4) Xem Muramatsu Kazu: Hình bóng của Emile Gaspardone, Tạp chí Hán Nôm số 2 (47)-2001, tr.90-99.
    (5), (6) Xem bài viết đã dẫn.
    (7) TS. Nguyễn Thị Oanh đã giúp đỡ tôi không ít trong việc tiếp cận với tủ sách Hán Nôm Gaspardone. Nhân đây xin có lời cảm ơn - TN./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (85) 2007; Tr.28-36)
     

Share This Page