Góp thêm cách hiểu một số từ trong chuyện Ỷ Lan

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 1, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Chuyện Ỷ Lan là công trình của cố học giả Hoàng Xuân Hãn khảo cứu phiên âm bản diễn ca thần tích Nguyên phi Ỷ Lan bằng chữ Nôm, tương truyền do Thị nội cung tần Trương Thị Ngọc Trong sáng tác. Bản diễn ca này được chép trong cuốn Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả có tên là: Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn (Văn diễn ca bằng quốc ngữ thần tích sao chép từ bản cổ về Hoàng Thái hậu thứ ba triều Lý). Ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một bản ký hiệu A.959. Chuyện Ỷ Lan được hoàn thành từ năm 1949, đăng trong Tập san Khoa học Xã hội Paris số tháng 12 năm 1986, hiện được in lại trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 3 phần III Văn học, Nxb. Giáo dục - 1998 (từ tr.971 đến tr.1054) do Hữu Ngọc, Nguyễn Đức Hiền sưu tập biên soạn. Chuyện Ỷ Lan được chia làm ba phần chính, sau bài tựa là các mục: 1/ Gốc chuyện; 2/ Tác giả chuyện Nôm; 3/ Văn bản và cuối cùng là bảng kê các từ hay nghĩa cổ.

    Về văn bản gốc ở đầu mục 3, cố học giả Hoàng Xuân Hãn cho biết: "Văn bản tôi đã dùng là bản sao giữ ở Viện Viễn đông Bác cổ cũ, với số mục A.959 và đề mục: Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả".

    Đây chính là văn bản hiện nay lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cũng xuất phát từ văn bản này chúng tôi muốn góp thêm một cách hiểu về tác giả và cách hiểu một số từ trong Chuyện Ỷ Lan của cố học giả Hoàng Xuân Hãn in lại trong công trình La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn.

    A. Về tác giả của bản diễn ca

    Mặc dù tên tác giả đã được ghi rõ ở phần đầu cũng như phần cuối bản diễn ca là Thị nội cung tần Trương Thị Ngọc Trong. Nhưng ở mục 2 tác giả chuyện Nôm cố học giả Hoàng Xuân Hãn đã tìm tòi xem Ngọc Trong là ai trong số các người con gái họ Trương làm Thị nội cung tần. Cụ đã nghiên cứu cuốn thế phả này của họ Trương, lập bảng liệt kê thứ tự các đời và thấy rằng có 5 người con gái họ Trương ở các đời làm Thị nội cung tần. Sau khi đối chiếu phân tích cụ nêu lên:"Nhưng bảng trên còn có một Thị nội cung tần nữa, là Trương Thị Viên con gái Trương Nhiêu Phấn quận công là em trai Ngọc Chữ... đây là người con gái thứ năm có chức Thị nội cung tần. Trong các người ấy, Trương Thị (Ngọc) Viên này có họ gần với Thái Thái phi là Ngọc Chữ hơn hết. Tuy gia phả không cho biết năm sinh, nhưng xét qua thứ tự các thế hệ họ Trương và họ Trịnh thì ta có thể đoán rằng Ngọc Viên được cô mình là Ngọc Chữ đưa vào chính cung chúa Trịnh Cương, có lẽ hầu Thái tôn Thái phi, mà cũng có thể hầu chúa tuy rằng hai bên là cùng thế hệ rất gần con cô con cậu. Trong văn bản Chuyện Ỷ Lan như ta thấy có đề lạc khoản rằng:

    "Chánh phủ Thị nội cung tần Thượng hòa Trương Thị Ngọc Trong soạn tả"

    Sự ấy khiến tôi nghĩ rằng đó là Trương Thị Ngọc Viên. Nên xét lại gia phổ họ Trương một cách kỹ hơn, may có thể nhận hay bác ý ấy".

    Như vậy theo nhận định trên thì có thể suy luận ý của cố học giả Hoàng Xuân Hãn muốn nêu Ngọc Trong là tên Nôm và còn có tên Ngọc Viên nữa là tên bằng chữ Hán. Nhưng chính ở câu cuối trong mục này cụ lại nêu: "Nên xét lại gia phổ họ Trương một cách kỹ hơn, may có thể nhận hay bác ý ấy". Theo tinh thầnmà Cụ gợi ý, chúng tôi đã đọc khá kỹ cuốn gia phả họ Trương này và thấy rằng ở mục: "Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả lược biên" chép thế thứ 13 đời và một số chi biệt phả. Thế phả cho biết tổ đời thứ hai họ Trương là Trương Lôi từng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có nhiều công lao được Lê Lợi ban cho quốc tính mang họ Lê, được dự vào hàng Khai quốc công thần. Đời sau lại có Trương Thị Ngọc Chử lấy Trịnh Bính sinh Trịnh Cương. Khi Trịnh Cương lên ngôi chúa phong mẹ Ngọc Chử là Thái Thái phi. Họ Trương trở thành họ ngoại của nhà Chúa danh giá và đầy thế lực hồi ấy. Đọc kỹ phần chép trong cuốn thế phả này có thể xác định về Trương Thị Trong từ đời thứ 6,7, và 8.Chi tiết như sau:
    Tổ đời thứ 6: chức Đô đốc đồng tri phủ Đô đốc, tặng phong Thái phó, Quản quận công tên húy là Lục; cụ bà họ Nguyễn hiệu Đoan Dung. Ông bà sinh được 6 người con trai.Con cả Trương Nghiệm,con thứ hai Trương Lục,con thứ ba Trương Dự, con thứ tư Trương Thúc, con thứ năm Trương Tùng, con thứ sáu Trương Báng.Như vậy các con của Trương Lục thuộc thế hệ đời thứ 7.Trương Nghiệm chỉ có hai người con gái.Em Trương Nghiệm là Trương Lục có ba người con trai.Con cả tự Phúc Quảng, con thứ hai tự Đôn Hậu, con thứ ba tự Phúc Hòa.
    Trương Đôn Hậu làm đến chức Chánh Võ Úy, vợ họ Nguyễn hiệu Thục Tiết.Ông bà sinh được 2 con trai và 4 con gái.

    + Con trai cả là Trương Ích sinh một con gái là Thị Đỗ.
    + Con trai thứ hai là Trương Chấn
    + Con gái thứ nhất là Thị Mưa gả cho Công Thần hầu.
    + Con gái thứ hai là Thị Dầm gả chồng người Văn Điển, Thanh Trì.
    + Con gái thứ ba là Trương Thị Trong, Thị nội cung tần.
    + Con gái thứ tư là Thị Triều gả cho Phụ Đạo, sinh một trai một gái.

    Như vậy chính trong thế phả của họ Trương đã chép Trương Thị (Ngọc) Trong là con gái của Trương Đôn Hậu đời thứ 8 . Do đó Trương Thị Ngọc Trong không phải là Trương Thị Viên con của Trương Nhiêu như cố học giả Hoàng Xuân Hãn đã nêu. Gia phả không chép năm sinh nên chúng ta không biết được chính xác Trương Thị Ngọc Trong sinh (và mất) năm nào.

    B. Về cách hiểu một số từ

    Mặc dù bản phiên âm và giải nghĩa Chuyện Ỷ Lan của cố học giả Hoàng Xuân Hãn rất công phu tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu và đọc văn bản Nôm này chúng tôi muốn góp thêm cách hiểu một số trường hợp như sau.

    1. “Trị đời” hay “việc trời” ?

    Trong câu đầu:

    Trời Nam gặp vận rồng bay

    Đĩnh sinh vua hiếu ra thay ~ ~

    Nguyên bản chữ Hán Nôm chép 役 “việc trời”; cố học giả Hoàng Xuân Hãn lại phiên “trị trời”, do đó mới cho rằng “trị trời” là không hợp nghĩa nên sửa là “trị đời”. Theo chúng tôi để “việc trời” là hoàn toàn hợp nghĩa. Vì thời ấy theo quan niệm của Nho giáo Vua là "Thiên tử" (con trời) và “Thế thiên hành đạo” (thay trời hành đạo).

    2. “Trên ngai” hay “trên ngôi” ?

    Trong hai câu tiếp theo:

    Chắp tay rủ áo ~ ~

    Con thần cháu thánh đã “vời” thứ ba

    Nguyên bản chữ Nôm chép rõ ràng 凱“trên ngai”. Chữ “ngai”: Bộ phận biểu âm 豈 vốn là một nửa của chữ 獃 (ngai), và bộ phận biểu nghĩa là chữ kỷ 几nghĩa là ghế dựa (chữ “ngai” Nôm này ngẫu nhiên trùng hình với chữ “khải” Hán). cụ Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng nguyên bản chữ Nôm chép “lên ngôi” cho nên cụ mới hiệu đính lại là “trên ngôi”.Theo chúng tôi câu thơ đầu vẫn nên giữ nguyên là “trên ngai”.

    3. “Nga lành” hay “tên lành”

    Trong câu 21, 22:

    Sạch trong như nước như gương,

    Song thân mới đặt Khiết Nương ~ lành

    Nguyên bản chữ Nôm chép 娥 (nga) cụ Hoàng Xuân Hãn đổi là: “tên”. Cụ giải thích: "Nga nghĩa là cô nàng, không thông, tôi theo ý mà chữa hoặc giả đó vốn là chữ Tính".

    Tra lại nghĩa của “nga” ngoài nghĩa là: cô nàng, cô con gái còn một nghĩa nữa là đẹp tốt, chúng tôi nghĩ nên giữ nguyên là “nga lành”, hiểu “nga” với nghĩa: đẹp tốt. Câu thơ này có thể hiểu là: Mẹ cha mới đặt tên là Khiết Nương vừa đẹp vừa lành.

    4. “Máy trời” hay “ý trời” ?

    Trong câu 91:

    Dễ ai tỏ được ~ trời,

    Lê ông phút chốc say chơi suối vàng.

    Nguyên bản chữ Nôm chép 買 cụ Hoàng Xuân Hãn đổi là “Ý” vì cho rằng mã trên: "đọc là “với” không thông; theo ý quen mà đoán".

    Chúng tôi phiên mã này là: “máy”. “Máy trời”: sự vận hành của trời đất như cỗ máy, Hán ngữ có từ: “cơ tạo hóa” cùng với nghĩa như vậy.

    5. “Xin” hay “ngõ” ?

    Trong câu 100.

    Đêm ngày chau chuốt ~ bằng người ta.

    Nguyên bản chữ Nôm chép cụ Hoàng Xuân Hãn đổi là “ngõ”và giải thích: "nguyên văn đọc: xin”. Theo chúng tôi từ này vẫn nên giữ nguyên theo mã chữ đọc là “xin”, câu thơ vẫn có nghĩa.

    6. “Chớ lâu” hay “chẳng sai” ?

    Trong câu 134:

    Nguyện xin báo ứng nhãn tiền ~ ~

    Nguyên bản chữ Nôm chép 渚 cụ Hoàng Xuân Hãn cho rằng: “Chớ lâu” vừa sai vần vừa sai ý, bởi chữ “chớ”, nên đổi là: “chẳng sai”.

    Chúng tôi cho rằng: “chớ lâu” có thể lạc vần nhưng không sai ý". Câu thơ trên nằm trong đoạn thơ đang kể chuyện Khiết Nương tới cầu Phật ở chùa Đại Lam, nêu rõ ý là xin sớm báo ứng. Do đó nên giữ đúng theo nguyên bản là “chớ lâu”. Đoạn thơ sau đó cho thấy lòng kính tin của Khiết Nương đã được báo ứng:

    Kíp chầy đã được ba niên,

    Thiện tin cảm đến Hoàng thiên tỏ tường,

    Sổ biên cho nàng Khiết Nương.

    Nhân duyên được với đế vương sánh cùng.

    7. “Việc nhà điền viên” hay “một nhà đoàn viên” ?

    Trong câu: 218:

    Khó khăn áy náy ~ ~ ~ ~

    Nguyên bản chữ Nôm chép 役 茄 田 園 cụ Hoàng Xuân Hãn đổi sửa là: “một nhà đoàn viên”, và giải thích rằng" nguyên văn điền viên: ruộng vườn; tuy ý cũng hợp nhưng từ không thông với một nhà ở trên".

    Trong câu thơ trên có lẽ cụ Hoàng Xuân Hãn đã nhầm một chút ở chữ “việc” thành “một” nên mới sửa đổi như vậy. Theo chúng tôi “việc nhà điền viên”, trong câu thơ trên hoàn toàn xác nghĩa không cần sửa đổi. Bởi lẽ nếu đổi như cụ Hoàng Xuân Hãn câu thơ sẽ lạc nghĩa. Vì câu thơ này nằm trong đoạn thơ kể chuyện Khiết Nương nhà nghèo lại bận việc vườn ruộng nên không đi dự hội được.

    8. “Nao ý” hay “nẻo ý” ?

    Trong câu 250:

    Thể âu ~ ý, nhường người dám toan.

    Nguyên bản chữ Nôm chép cụ Hoàng Xuân Hãn đổi là: “nẻo” chú rằng: nguyên văn “nao” thì sai ý".

    Chúng tôi cho rằng giữ đúng như bản chép là “nao ý” vẫn có nghĩa. “Nao” ở đây là biến âm của “nào” để hiệp vần thường thấy vận dụng trong thơ ca xưa. Ví dụ: (ca dao)

    Con cò mà đi ăn đêm,

    Đậu phải cành mềm, lăn cổ xuống ao.

    Ông ơi ông vớt tôi nao,

    Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng...

    “Nao ý” trong câu thơ này hàm nét nghĩa: không có ý gì, cả câu có thể diễn giải: {tôi} thật là không có ý gì, nên nhường cho người nào dám làm (toan tính).

    9. “Thiên nhãn” hay “long nhãn” ?

    Trong câu 266:

    Tinh phi ~ ~ nhãn soi xa khắp trời

    Nguyên bản chữ Nôm chép 天 眼 (Thiên nhãn). Có lẽ cụ Hoàng Xuân Hãn cho rằng đã là “Thiên nhãn” sao lại nói: “soi xa khắp trời”. (Bản in của Chuyện Ỷ Lan: “soi ra khắp trời”) cho nên mới sửa lại là 龍 眼“long nhãn” và cụ giải thích: "Tinh phi long nhãn: mắt rồng liếc sáng như sao bay/ trỏ mắt vua".

    Chúng tôi cho rằng vẫn nên giữ đúng như bản chép là “thiên nhãn”, bởi lẽ xét về mặt hình chữ rất khó chép lầm chữ 龍 (long) thành chữ 天 (thiên). Câu thơ này đang ví von con mắt tinh tường của Lý Thánh Tông phát hiện thấy cô gái đang nhặt cỏ ở nương dâu như là “thiên nhãn”, (mắt trời) do đó nên giữ nguyên là “thiên nhãn” vẫn hợp nghĩa.

    10. “Thì lòng” hay “gìn lòng” ?

    Trong câu 360:

    ~ lòng chẳng lộ sự ra bề ngoài.

    Nguyên bản chữ Nôm chép 時 cụ Hoàng Xuân Hãn đổi sửa là: gìn, giải thích: “Tôi chắc là do chữ 辰 đọc Thìn, một từ cổ, nghĩa là gìn giữ. Hai chữ “Thì” và “Thìn” thường thông dụng”.

    Quan điểm của chúng tôi là nên giữ nguyên như bản Nôm đã chép, phiên âm là “thì” hay “thời” vẫn có nghĩa, không cần đổi sửa.

    11. “Thời” hay “được”?

    Trong câu 240/41:

    Đêm ấy Ỷ Lan gia sinh,

    ~ Hoàng thái tử tốt lành bằng tiên

    Nguyên bản chữ Nôm chép 時 cụ Hoàng Xuân Hãn đổi là “được”, chúng tôi nghĩ trong câu thơ sau giữ nguyên như bản chữ Nôm đã chép phiên là “thời” vẫn hợp nghĩa vì nó mang chức năng như là một từ đệm trong ngôn ngữ thơ ca.

    12. “Tái phong” hay “sắc phong” ?

    Trong các câu 415/16:
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    ~ phong Ỷ Lan phu nhân

    Lên ngôi Hoàng hậu phi thần là tên.

    Nguyên bản chữ Nôm chép 再 (từ gốc Hán âm tái) cụ Hoàng Xuân Hãn đổi là 敕“sắc” và chú thích: nguyên văn đọc tái là “lại”

    Chúng tôi cho rằng trong câu này giữ nguyên là: “tái” mới đúng. Bởi lẽ đây là lần được phong thứ hai của Ỷ Lan. Lần mới vào cung chỉ được phong là Phu nhân. Lần này sau khi sinh Hoàng tử lại được phong tiếp là Nguyên phi nhưng quyền lực ngang hàng với ngôi Hoàng hậu.

    13. “Xá ra” hay “sắc ra” ?

    Trong câu 469:

    ~ ra thiên hạ cộng tri,

    Vua lên bảy tuổi hiệu thì Nhân Tông.

    Nguyên bản chữ Nôm chép 赦 (từ gốc Hán âm xá) cụ Hoàng Xuân Hãn đổi sửa là 敕“sắc” cho rằng chép “xá” là lầm vì tự dạng. Cụ giải thích: “sắc”: truyền lệnh vua định đoạt một sự gì.

    Theo chúng tôi nên giữ nguyên là “xá” hiểu với nghĩa: đại xá. Bởi vì xưa các bậc vua chúa mới lên ngôi thường ban lệnh: đại xá, miễn giảm án phạt cho các phạm nhân trong toàn quốc. Đoạn thơ này nói về việc Càn Đức tức Lý Nhân Tông, lên ngôi vua, ban lệnh đại xá là hợp lý. Do đó câu thơ trên có thể hiểu là: “Ban lệnh đại xá ra cho toàn thiên hạ cùng biết”.

    14. “Bức nóc” hay “bậc dốc”; “Thước cao” hay “tấc cao” ?

    Trong câu 490:

    Dư trăm ~ ~ ba ngàn ~ cao.

    Nguyên bản chữ Nôm chép: 堛 (bức nóc); và 高 (thước cao). Câu thơ này nằm trong đoạn thơ mô tả đài Kính Thiên do Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng, cụ Hoàng Xuân Hãn đổi là: “tấc” và giải thích: "nguyên văn là “thước”, nhưng nói như vậy thì không những ngoa mà vô lý vì mỗi bậc cao quá".

    Giữ là “thước” như nguyên bản chữ Nôm chép hay đổi là “tấc” phải xem xét trường hợp từ trước đó là “bức nóc” hay “bậc dốc”. Hai chữ này cụ Hoàng Xuân Hãn phiên là “bậc dốc” và giải thích: "âm dựa vào chữ Nhục tuy có thể đọc Nóc (nóc nhà), nhưng tôi nghĩ rằng đọc “dốc” (NH và DZ biến âm nhau) mới hợp ý và tiểu đối cân với “cao” ở cuối vế / Âm Dốc thường viết với chữ Đốc".

    Chúng tôi phiên hai chữ này là “bức nóc”. Ở chữ “nóc” chúng tôi hiểu bộ phận biểu âm 辱 là một nửa của chữ 耨 ? (nậu), chứ không phải là “Nhục” như Cụ nghĩ. Do đó hai chữ trước đã phiên là “bức nóc” thì hai chữ sau nên giữ nguyên là “thước cao”. Quả thật đúng như Cụ nghi ngờ không có bậc nào cao tới ba ngàn thước nên mới đổi ra là “tấc”. Nhưng chúng tôi cố gắng phiên theo đúng mà chữ đã chép:

    Dư trăm bức nóc, ba ngàn thước cao

    Có lẽ đây cũng chỉ là cách nói ngoa dụ trong văn thơ mà thôi.

    15. “Lộng” hay “rộng” ?

    Trong câu 491:

    Ngăn nghìn cửa ~ bao cầu

    Nguyên bản chữ Nôm chép: cụ Hoàng Xuân Hãn đổi là 弄 “lộng” giải thích rằng: đọc “rộng” thì không hợp ý phải đọc “lộng”, nghĩa là thông suốt. Theo chúng tôi trước hết mã chữ đã chép phải phiên âm là: “rộng”. Vì bộ phận biểu âm là chữ “lộng”, bộ phận biểu nghĩa là chữ “quảng” - rộng rãi). Nếu để “rộng” câu thơ vẫn có nghĩa, có thể có hai cách ngắt ý.

    a. Ngăn nghìn cửa, rộng bao cầu.

    b. Ngăn nghìn cửa rộng, bao cầu.

    Theo chúng tôi về cú pháp đều đạt nghĩa “bao cầu” có thể hiểu là bao lơn chạy vòng quanh). Cách a có thể hiểu: ngăn ra hàng nghìn cửa, có bao lơn vòng quanh rộng rãi. Cách b ngăn ra hàng nghìn cửa rộng, có bao lơn vòng quanh. (“nghìn cửa” ở đây cũng chỉ là cách nói ngoa dụ).

    16. “Lệ” - nên vận dụng nghĩa nào ?
    Trong câu: 515/16:
    Bốn tuần tuổi đã lẻ tư,
    Chút hiềm chưa có Hoàng trừ ~ thay.

    Nguyên bản chữ Nôm chép 戾 (từ gốc Hán âm “lệ”) cụ Hoàng Xuân Hãn giải thích: "lệ = sợ, lo. Vận dụng nghĩa này trong câu thơ trên cũng hợp".

    Nhưng khi tra lại từ điển ví dụ: Thiều Chửu, Hán Việt từ điển, Nxb. Văn hóa - Thông tin 1999 (tr.200) nêu lên 7 nét nghĩa, không có nghĩa nào là: sợ, lo; trong đó nét nghĩa thứ tư của từ này được nêu là: ngang trái. (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh cũng vậy). Vậy trường hợp này dùng nguyên từ gốc Hán với nét nghĩa là “ngang trái”.

    17. “Tịnh hiên” hay “Tĩnh hiên” ?

    Trong dòng lạc khoản đầu liên sau khi kết thúc bản diễn ca có ghi: "Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập niên, trọng thu cát nhật, Bắc châu Thuận lộ ~ hiên chuyết thành".

    Nguyên phần dịch nghĩa câu này của cụ Hoàng Xuân Hãn như sau:

    “Triều ngày nay, năm Cảnh Hưng thứ 20, giữa thu, ngày lành Châu (Kinh -) Bắc, lộ Thuận (- Thành) nhà Tĩnh Hiên vụng về Thành”. Dưới câu dịch có in kèm chữ Hán trong đó từ “Tĩnh Hiên” in là: 靜 軒

    - 靜 có thể đọc âm Hán Việt: Tịnh, Tĩnh với nghĩa chính: yên lặng, yên ổn.

    Đối chiếu với bản chép gốc chúng tôi thấy từ này được chép là: 靚 âm Tịnh; nghĩa: son phấn, trang sức (Thiều Chửu tr.674).

    Vậy “Tịnh hiên” có thể hiểu: hiên trang điểm, suy rộng ra là phòng ở của phụ nữ.

    Sự lầm lẫn trên có thể là do lỗi đánh máy, nhưng cũng cần đính chính như vậy cho đúng với nguyên bản đã chép. Câu này có thể diễn dịch lại như sau:

    "Bản thảo được hoàn thành một cách vụng về tại phòng nữ thuộc lộ Thuận Thành, châu Kinh Bắc vào ngày tốt tháng 8 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 20 (1759) Hoàng triều".

    Trên đây là một số trường hợp chúng tôi muốn góp thêm một cách hiểu khác với cách hiểu của cố học giả Hoàng Xuân Hãn trong công trình Chuyện Ỷ Lan, để bạn đọc cùng tham khảo.

    TRƯƠNG ĐỨC QUẢ
    TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm
    (Tạp chí Hán Nôm, Số 1(74) 2006; Tr.63-68)
     

Share This Page