Góp vào việc phiên âm một số chữ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 4, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    PHẠM THỊ PHƯƠNG THÁI
    ThS. Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên

    Từ khi tìm lại được bản Nôm in năm 1868, thì tác phẩm Quốc âm thi tập (QÂTT) của Nguyễn Trãi đã được nhiều bản phiên âm ra chữ quốc ngữ. Dõi theo các công trình phiên âm trong nửa thế kỉ qua, ta thấy có rất nhiều trường hợp các bản phiên âm không thống nhất, chẳng hạn: bản phiên do Paul Schneider chủ trì năm 1987 (theo Giáo sư người Pháp Pierre Richard - Féray trong lời Tựa cuốn Nguyễn TrãiTập thơ quốc âm của ông) có 200 chỗ “phiên mới” (transcriptions nouvelles) so với bản phiên của học giả Đào Duy Anh. Chỉ xem một nửa số bài trong QÂTT, từ bài 1 đến bài 127 trong hai bản gần đây, bản Vũ Văn Kính, năm 1995 và bản phiên của nhóm các nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch, Vương Lộc, Nguyễn Khuê, năm 2000 - 2001 cũng thấy có khoảng 180 chỗ phiên khác nhau.

    Tìm hiểu kỹ các trường hợp chưa thống nhất trong việc phiên âm và chú giải này, có thể khái quát thành mấy nguyên nhân sau:

    1. Tập thơ Quốc âm có nhiều từ cổ nay ít nghe thấy, ví dụ:

    - BÀ NGỰA - BẦY NGỰA:

    Bài 1: BÀ NGỰA gầy thiếu kẻ chăn

    BẦY NGỰA

    - DUỒNG - DANG

    Bài 147: Lành người đến dữ ngườiDUỒNG

    DANG

    - ĐỤT LẨN ĐỤT LẶN, LỌT LẨN, LỌT LẪN:

    Bài 6:

    Hiểm hóc cửa quyền chăngĐỤT LẨN

    ĐỤT LẶN

    LỌT LẨN

    LỌT LẪN

    2. Bản Nôm có nhiều chữ viết theo dạng cổ:

    THẾ - THAY, câu 3 bài 44:

    Co que THAY bấy ruột ốc

    Co que THẾ bấy ruột ốc

    TRỜI - LỀ, câu 1bài 96:

    LỀ phú tính uốn nên hình

    TRỜI ─

    3. Một chữ có thể có 2, 3 khả năng xác định âm đọc:

    - Chữ thứ nhất câu 1 bài 19:

    Thương Lang mấy KHẢM (âm Hán Việt: chỗ trũng) một thuyền câu

    Thương Lang mấy KHẲM (= vừa) một thuyền câu

    Thương Lang mấy KHÓM (= đám) một thuyền câu

    - Chữ thứ 5 câu 4 bài 170:

    Hồng liên trì đã TIỄN (= đưa) mùi hương

    ─ TỊN (= hết) ─

    Hồng liên đìa đã TẠN (= tỏa) ─

    Hồng liên trì đã TIỂN (= thừa) ─

    Phần trên là điểm qua một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng các bản phiên âm giới thiệu phiên âm khác nhau. Dưới đây chúng tôi xin mạnh dạn góp bàn thêm một số trường hợp cụ thể.

    1/ Chữ 酉 ở câu 6 bài 182.

    Các bản phiên khác nhau(1).

    - DẦU ai qua vợ con (Bản Trần Văn Giáp, viết tắt TVG)

    - DẪU ai qua vợ con(Bản Bùi Văn Nguyên, viết tắt BVN, Vũ Văn Kính, viết tắt VVK)

    - GIÀU ai qua vợ con(Bản Đào Duy Anh, viết tắt ĐDA)

    Ai lại giàu một mình mà vợ con không được hưởng

    - DẬU ai qua vợ con(Bản Paul Schneider, viết tắt P.S). Dịch ra tiếng Pháp: DẬU là no đủ (rassasié), đầy đủ (suffisant)

    - DẤU ai qua vợ con(Bản Mai Quốc Liên, viết tắt MQL), chú giải: DẤU: từ cổ của yêu, yêu mến. Câu 6 ý nói: thương yêu không ai hơn vợ con mình. Tục ngữ có câu: “Con vua vua dấu, con chúa chúa yêu”.

    Chúng tôi nghĩ, phiên DẤU với nghĩa “yêu quí” có khả năng đúng hơn. Vì, ngoài cứ liệu Bản MQL đã dẫn, còn thấy chữ 酉 ở vế 14 Hội I Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông cũng được học giả Hoàng Xuân Hãn phiên là DẤU: Kinh Nhàn đọc DẤU, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim. Trong Bảng từ cổ của sách Thiền tông bản hạnh, chữ DẤU được giải nghĩa là yêu. Hồng Đức Quốc âm thi tập: Sinh con đường xá DẤU chưng con(2).

    2/ Chữ 世 ở câu 2 bài 38

    Lánh ĐỜI cơm hẩm được no ăn (Bản TVG). Chú thích:

    LÁNH ĐỜI: Tiếng chữ Hán “tị thế” “hiền giả tị thế” (người hiền lánh đời) tức là đi ở ẩn (Luận ngữ).

    Lánh THẾ cơm cám được no ăn (Bản VVK)

    Lánh ĐỜI cơm cám được no ăn (Bản MQL)

    Lánh THAY cơm cám được no ăn (Bản ĐDA). Chú thích: Lành THAY: Chữ Nôm 冷 世(lãnh thế), Bản B chép là lành 台 (thay). Nên phiên 世 làm THAY. Xem câu 2 bài 30. Ý nói cơm cám lành làm sao !

    Chữ 冷 (âm Hán Việt: lãnh) còn thấy được dùng ở 16 bài khác và đều được phiên là LÀNH. Chữ LÁNH xuất hiện ở 8 bài trong Tập (Bài 2, 17, 29, 70, 91, 159, 166) và đều được ghi bằng chữ 另 (âm Hán Việt: Lánh). Vậy, chữ 冷 nên phiên là LÀNH, như học giả Đào Duy Anh nói.

    Chữ 世 không thể phiên là ĐỜI vì trong Tập, ĐỜI đều được viết là hoặc 代.

    Bản ĐDA phiên 世 với nghĩa của từ cảm thán THAY.

    Đối chiếu với các bài phú Nôm đời Trần, chữ 世 dùng với nghĩa của từ cảm thán cũng đều được phiên là THAY. Chẳng hạn, chữ 世 ở Hội VII trong Cư trần lạc đạo. Hội này gieo vần “ay” và mở đầu bằng mấy câu:

    Vậy mới hay:

    Phép bụt trọng thay (世)

    Rèn cốc mới hay.

    Chữ 世 phiên là THAY cũng thấy ở vế 39-40 trong Vịnh Hoa Yên tự phú của Thiền sư Huyền Quang:

    Vui THAY 世 cảnh, khác cảnh hoàng kim;

    Trọng THAY 世 đường, hơn đường cẩm tú.

    3/ Chữ [​IMG] ở câu 1 bài 96

    - Bản TVG, ĐDA, VVK đều phiên LỀ:

    LỀ phú tính uốn nên hình

    Bản ĐDA chú thích: LỀ là lề thói, thói quen. Thói quen có thể làm nên tính tình người ta chứ không phải là trời phú từ khi mới sinh. Cách hiểu này từ xưa không phải không có người cho là hợp lý, nhưng chữ LỀ xuất hiện 6 lần trong Tập (ở các bài 18, 48, 139, 141, 144) đều được ghi bằng 例 (âm Hán Việt: Lệ). Còn chữ [​IMG] là một chữ Nôm tự tạo, khác chữ 例 LỀ.

    - Bản P.S, BVN, MQL đều phiên TRỜI:

    TRỜIphú tính uốn nên hình

    Bản MQL phiên là TRỜI vì: “1. Về chữ, chữ [​IMG] gồm 2 thành tố đều biểu âm: là 广 do chữ 麻 ma viết tắt và 例 lệ, đọc là mlời > lời (lời nói); ở đây mượn để ghi âm trời mà âm cổ là blời; Trường hợp này gọi là chữ giả tá Nôm. 2. Về nghĩa, “phú tính” là phú bẩm cái tính cho con người. Theo quan niệm xưa, chỉ có trời mới phú tính. Trung dung: “Thiên mệnh chi vị tính” (Trời phú cho gọi là tính). Tính nói ở đây là tính thiện. Lề thói chỉ có thể tác động, ảnh hưởng, làm thay đổi tính của người ta, chứ không thể “phú tính” được”(4). Tuy nhiên, không hiểu vì sao, trong văn bản thơ đã chép là [​IMG], nhưng khi chú thích thì lại ghi [​IMG] thành chữ [​IMG]. Trong bài viết “Khảo cứu Bản dịch Nôm Truyền kì mạn lục” đăng trên Tạp chí Hán Nôm, năm 1995, học giả Paul Schneider cho rằng: “Chữ trời… đã sử dụng ở thế kỉ XV. Nó còn giữ cách viết cổ nhất của từ blời trong QÂTT, bài 96 viết [​IMG], có đầy đủ hai yếu tố ngữ âm và ngữ nghĩa: yếu tố nghĩa 亠 ở trên, và yếu tố âm 例 liài ở dưới”(5).

    Như vậy, chữ [​IMG] trong câu 1 bài 96 dùng để ghi TRỜI. Đây là một chữ Nôm dạng cổ.

    4/ Chữ 閑 ở câu 3 bài 161

    Các bản phiên:

    - Trọng thì ngỏ, NHÀN (?) thì dậy (Bản TVG)

    - Trọng thì nên ngộ, NHÀN thì dại (Bản ĐDA). Chú thích: Khi được trọng dụng thì người ta cho mình là ngộ, tức là giỏi. Thôi về ở ẩn thì người ta cho là dại.

    - Trọng thì nên ngõ, NHỜN thì dại (Bản MQL). Chú thích:

    Bản BVN phiên nhờn, chúng tôi cũng phiên “nhờn” là “khinh nhờn”, “coi thường”. Câu này ý nói “Khi trọng thì cho là khôn, giỏi (ngõ), khi khinh (nhờn) thì cho là dại, ngu”. So với câu “Khen thì nên ngõ, chê nên dại” trong Bạch Vân quốc ngữ thi.

    - Trọng thì nên ngõ, HÈN thì dại (Bản P.S). HÈN, theo Paul Schneider có nhiều nghĩa như: Kẻ vô tích sự (Qui ne produit rien), ít được quí trọng (Peu consdéré), ít có giá trị (Vil), kém cỏi, bất tài (Incapable)…(6).

    Trong bản MQL, chữ 閑 ở câu 1 bài 124 được phiên là HÈN với nghĩa: “hèn hạ”, “hèn mọn”: Lấy biêu phú quí đổi biêu hèn vì thấy bản dịch Nôm Truyền kì mạn lục (Thế kỉ XVI) đã giải âm câu chữ Hán 惟 餘 賤 質 Duy dư tiện chất là 盃 承 質 閑 Bui thừa chất hèn…

    Trong Bạch Vân thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm chữ 閑 hoặc 閒 ở các câu chép dưới đây đều được sách Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nxb. Văn học, H, 1983) phiên là HÈN:

    - Mấy dạ yêu vì kẻ lỡ HÈN (Bài 5)

    - Tuổi đã già thì mọi sự HÈN (Bài 36)

    - Tạp nhạp tài HÈN cây núc nác (Bài 105)

    Như vậy, ở thế kỉ XVI, HÈN được ghi bằng 閑. Đáng chú ý hơn, ngay đầu thế kỉ XIV, trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của vua Trần Nhân Tông và Vịnh Hoa Yên tự phú của Thiền sư Huyền Quang đã thấy chữ 閑 dùng để ghi HÈN:

    - Công danh chẳng chuộng, phú quí chẳng màng,

    Tần Hán xưa kia xem đà HÈN HẠ.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)

    - Cảnh tốt hòa lành, đồ tựa vẽ tranh,

    Chỉn ấy trời thiêng khéo, HÈN chi vua Bụt tu hành

    (Vịnh Hoa Yên tự phú)

    Từ điển Việt - Latinh của Pigneau de Béhaine (1773), hèn hạ được giải nghĩa là ít có giá trị, hèn chithảo nào.

    Tóm lại, chữ 閑 ở câu 3 bài 161 có lẽ nên phiên là HÈN. Đó là một chữ Nôm cổ(7). Và nghĩa của câu trên có thể hiểu là: Khi được trọng dụng thì người ta coi là tài giỏi, khi đã vô tích sự thì bị xem là ngu đần.

    Trong QÂTT một số chữ có lẽ chỉ có một cách phiên như:

    - Chữ MẶC 默 ở câu 8 bài 34: Lại tu thân khác MẶC thi thư

    - Chữ ĐỨNG 頂 ở câu 4 bài 89: Mình làm thi tướng ĐỨNG đàn tao

    - Chữ CỬA MỘT DƯỜNG [​IMG] 蔑 羕 ở câu 6 bài 124: CỬA MỘT DƯỜNG cài lướt then. Nhưng trên thực tế cũng có một số trường hợp một chữ có 2 cách phiên khác nhau và đều được coi là hợp lý như chữ 閑 ở câu 1 bài 124 thì có thể phiên là HÈN, cũng có thể phiên là NHÀN:

    Lấy biêu phú quí đổi biêu NHÀN
    Lấy biêu phú quí đổi biêu HÈN

    Nếu phiên theo cách thứ nhất thì câu đó có nghĩa: Ta đổi tiêu chí được giàu sang lấy tiêu chí được sống nhàn. Tương tự như thế có những chữ:

    - CHI TUỔI - CHI TUẾ, bài 38:

    CHI TUỔI chăng hiềm kẻ khó khăn

    CHI TUẾ chăng hiềm kẻ khó khăn

    - ĐẦY TỚ - ĐỆ TỬ , bài 56

    ĐẦY TỚ cười cày kẻo mượn mòng

    ĐỆ TỬ cười cày kẻo mượn mòng

    - THƯ THẤT - THƯA THỚT, bài 79

    Cây im THƯ THẤT sáng bằng the

    Cây im THƯA THỚT sáng bằng the

    - ĐỨA THƠ - ĐÁNH THƠ, bài 90

    Thế những cười rằng ta ĐỨA THƠ

    Thế những cười rằng ta ĐÁNH THƠ

    - CÁI QUẤY - GỬI TÍNH , bài 95

    CÃI QUẪY ngư tiều hai đứa lẩn

    GỬI TÍNH ngư tiều hai đứa lẩn

    - CỦA CẢI - CỦI GỬI , bài 145

    Yêu trọng người dưng là CỦA CẢI

    Yêu trọng người dưng là CỦA GỬI

    Xác định chữ Nôm cổ, các nhà nghiên cứu thường căn cứ vào mối quan hệ tương thông giữa các mặt hình - âm - nghĩa. Với căn cứ đó, chúng tôi thấy phiên chữ 酉 ở câu 6 bài 182 là DẤU thì thỏa đáng hơn. Vì phiên là DẤU, DẪU hoặc DẬU thì có thể hợp hình, hợp âm, nhưng không hợp nghĩa. Phiên là GIÀU thì hợp nghĩa, nhưng không hợp hình, hợp âm, vì GIÀU trong QÂTT thường viết [​IMG] đọc K - chàu. Chữ DẤU ở câu Chúa dấu vua yêu một cái này (thơ Hồ Xuân Hương) trong Quốc văn tùng ký của Hải Châu Tử ghi bằng chữ 酉 có thêm bộ khẩu 唒 .

    Chữ 世 nếu dùng với nghĩa một danh từ thì phiên là THẾ (âm xưa có thể là Théi), như Ngoài thế (Bài 11), Lòng thế (Bài 23) hoặc Ở thế những hiềm qua mỗ thế (Bài 33). Nhưng 世dùng với nghĩa của từ cảm thán phiên là THAY thì mới hợp hình - âm - nghĩa. Hiện tượng đó ta thấy ở các câu:

    Câu 2 bài 30: Ấy tuổi nào THAY đã bạc đầu.

    Câu 2 bài 38: Lành THAY cơm cám, được no ăn
    Câu 3 bài 44: Co que THAY bấy ruột ốc.
    Câu 8 bài 124: Ghê THAY biến bạc làm đen.

    Từ TRỜI theo Từ điển Việt - La tinh của Pigneau de Béhaine có 2 cách viết: viết theo dạng cổ:[​IMG], [​IMG], và viết theo dạng mới [​IMG]. Như trên đã trình bày, trong Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú (Thế kỷ XVI), từ TRỜI cũng được ghi bằng chữ 囻 và theo học giả Paul Schneider, đó là cách viết cổ nhất của từ này.

    Tiếng HÈN trong Từ điển Việt - La tinh của Pigneau de Béhaine (1773) còn viết bằng chữ 閑, nhưng sau tiếng đó biến âm nên người ta dùng chữ 賢 (âm HV: Hiền) để ghi. Chữ 閑 đọc là HÈN có thể thấy ở các câu sau:

    Câu 2 bài 45: Người sinh ở thế mỗ HÈN thay.

    Câu 6 bài 72: Há kể thân HÈN tiếc tuổi tàn.

    Câu 4 bài 94: Thân HÈN lục cục mỗ già.

    Câu 3 bài 161: Trọng thì nên ngõ HÈN thì dại.

    Câu 5 bài 186: Gia tài ấy xem HÈN HẠ.

    Trên đây là những suy nghĩ chủ quan của chúng tôi, có thể có những sai lẫn. Rất mong được chỉ giáo.

    Chú thích:
    (1) - Bản phiên Trần Văn Giáp - Phạm Trọng Điềm, Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập, Nxb. Văn Sử Địa, H. 1956.
    - Bản phiên Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. KHXH, H. 1976.
    - Bản phiên Paul Schneider: Nguyễn Trãi và tập thơ quốc âm của ông ( Nguyen Trai et son recueil de poèmes en langue nationale), Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Paris, 1987.
    - Bản phiên Bùi Văn Nguyên, Thơ Quốc âm Nguyễn Trãi, Nxb. Giáo dục, H. 1994.
    - Bản phiên Vũ Văn Kính, Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập, Nxb. Trẻ, 1995.
    - Bản phiên của nhóm các nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên, Kiều Thu Hoạch, Vương Lộc, Nguyễn Khuê, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên III, Nxb. Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2000 - 2001.

    (2) Xin xem Văn Nôm và chữ Nôm thời Trần Lê trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập III, Nxb. Giáo dục, H. 1998, tr.1111 và 1104.
    (3) Theo học giả La Thường Bồi (Trung Quốc) trong Hán ngữ âm vận học đạo luận, Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh, 1962, trang 128, chữ 世 thời Đường đọc là ςici âm khứ. Cách đọc này rất gần với THAY tiếng Việt.
    (4) Xin xem Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Sđd, tr.857.
    (5) Dẫn theo Tạp chí Hán Nôm, 100 bài tuyển chọn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, H. 2000, tr.405.
    (6) Bảng từ cổ trong Nguyễn Trãi và tập thơ quốc âm của ông, Paul Schneider, Sđd, tr.428.
    (7)Theo La Thường Bồi, Sđd, trang 124, chữ 閑 âm thời Đường đọc là γạn, rất gần với “hèn” tiếng Việt./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76)- 2006; Tr.39-43)
     

Share This Page