Góp ý kiến bàn về Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 3, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    LƯU NGỌC QUÂN
    TS. Đại học Dương Châu (Trung Quốc)

    Theo đà nghiên cứu học thuật chuyên sâu và giao lưu quốc tế ngày càng nhộn nhịp, trên thế giới ngày càng có nhiều học giả quan tâm theo dõi nghiên cứu văn hiến Hán Nôm Việt Nam. Dẫu bởi một số nguyên nhân đặc thù, việc nghiên cứu điển tịch Hán Nôm Việt Nam còn yếu, nhưng một số nghiên cứu chỉnh lý cơ bản nhất đã bắt đầu triển khai. Trong đó thành quả quan trọng nhất là những chỉnh lý có liên quan đến sử tịch và tiểu thuyết chữ Hán. Chẳng hạn, Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san do các GS. Trần Khánh Hạo, Vương Tam Khánh, Trịnh A Tài chủ biên, Đài Loan Học sinh thư cục in và phát hành, với thể thức chỉnh lý tỉ mỉ và giá trị sử liệu phong phú trong nội dung, bộ sách tiêu biểu cho công việc nghiên cứu chỉnh lý văn hiến ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tương ứng với việc này, trong nghiên cứu Việt Nam, ở mặt sử học và tiểu thuyết. Do đó cho thấy, triển khai toàn diện công tác chỉnh lý cổ tịch Việt Nam là tiền đề của nghiên cứu văn hóa chữ Hán Việt Nam, văn học Hán Nôm.

    Chính là xuất phát từ suy nghĩ như vậy, GS. Vương Tiểu Thuẫn đã nhiều lần đến Việt Nam, khảo sát nhiều ngày nguồn tư liệu văn hiến Hán Nôm Việt Nam hiện còn. Từ năm 1998 đến nay, GS. Vương đã bắt tay thực thi một kế hoạch biên soạn bộ Thư mục đề yếu theo phương pháp truyền thống thư mục học cổ điển, nhằm phản ánh toàn diện tình hình nguồn tư liệu văn hiến Hán Nôm Việt Nam. Suy nghĩ đó đã được thực hiện với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam. Năm 2000, trên cơ sở Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu được biên sắp lại, đã hợp tác với các học giả của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, cải biên bản chữ Việt Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu thành bản chữ Hán. Tháng 9 năm sau, GS. Vương lại dẫn đầu tốp nghiên cứu sinh cùng sang Việt Nam, đối chiếu bổ sung toàn diện hơn 3.000 tên sách cổ tịch Việt Nam. Qua ba năm miệt mài, bộ thư mục Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu được biên soạn thành công bằng phương pháp văn hiến học cổ điển, bao gồm tứ bộ: Kinh, Sử, Tử, Tập, 50 loại, 60 mục, giới thiệu thuyết minh các yếu tố: tên sách, tác giả, người biên tập in ấn, năm soạn, năm biên tập in ấn, văn bản, tựa bạt, tóm tắt nội dung, phương thức sao chép hoặc in ấn. Sau đó, bộ thư mục này do Sở Nghiên cứu Văn triết Viện Nghiên cứu trung ương Đài Loan xử lý văn tự, biên tập, đóng bìa bổ sung ký hiệu thư viện, xuất bản tháng 12 năm 2002. Có thể nói, bộ sách thư mục này là bộ tập đại thành của giới học thuật về văn hiến Hán Nôm với phương pháp biên soạn toàn diện nhất, thể lệ đầy đủ nhất.

    Mặc dù như vậy, trong quá trình biên soạn, do hạn chế về thời gian và kinh phí cũng như quan niệm học thuật còn vênh nhau giữa các phía đối tác, nên bộ sách cũng còn chỗ chưa hoàn thiện. Xuất phát từ yêu cầu nghiêm túc của thành quả này và cũng là tinh thần trách nhiệm đối với học thuật, từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2003, GS. Vương Côn Ngô [Vương Tiểu Thuẫn] lại dẫn 3 nghiên cứu sinh sang Việt Nam, đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội, tiến hành sửa chữa, đối chiếu, bổ sung Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu. Lần ấy, người viết bài này cũng tham gia công việc sửa chữa, đối chiếu, bổ sung. Trong quá trình đối chiếu với sách thực, đã phát hiện trong số sách đó không những còn thiếu sót về câu chữ mà còn một số sai lầm có tính chất phổ biến. Để đẩy mạnh công tác chỉnh lý văn hiến Hán Nôm Việt Nam, nay theo ý của GS. Vương, tôi viết bài báo nhỏ này, mong sẽ được học giả, chuyên gia hai nước Trung - Việt chỉ giáo.

    *

    Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu (sau đây gọi tắt là Đề yếu) được biên soạn trên cơ sở bộ thư mục bằng tiếng Việt Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, bởi vậy, Đề yếu thuyết minh văn bản, xác định đơn nguyên thư tịch..., đều lặp lại những sai lầm của nguyên tác. Ngoài ra, do hiệu đính chưa toàn diện, không tìm hiểu về tri thức bối cảnh, nên cũng đã tạo ra một số thiếu sót. Thiếu sót chủ yếu thể hiện ở 10 mặt sau đây:

    1. Giám định văn bản quá sơ sài

    Bản in Việt Nam hiện còn, ở trang có tên sách thường có mấy chữ “... tàng bản”. Đề yếu tưởng rằng nơi tàng bản là nơi khắc in, không phân biệt một cách rạch ròi, cứ ghi chung chung là người khắc và người in lại. Nói chung, nơi tàng bản và nơi khắc ván sách liên quan với nhau. Bởi vậy thông thường có thể dựa vào nơi tàng bản để giám định văn bản, nhưng không thể đánh đồng hai cái đó. Bởi vì, ván sách một khi được lưu truyền thì có chuyện đổi chủ, nơi tàng bản cũng thay đổi theo. Ví dụ, Trung Quốc đời Thanh, Ông Đồng Hoa từng khắc in Kê Thụy lâu văn chương của Trần Quỹ Chi người đời Thanh, sau đó ván sách của sách này do cháu của Trần Quỹ Chi là Trần Quế Vinh cất giữ, điều này tạo nên sự khác nhau giữa người khắc ván sách và người cất giữ ván sách(1), tình trạng phức tạp này ở Việt Nam cũng khá nhiều. Chẳng hạn, Đề yếu trang 367, mục 1872, sách Chấp trung uẩn nghĩa do đền Ngọc Sơn Hà Nội tàng bản, nhưng bản in hiện còn lại do Thái Sinh đường in lại năm Đinh Mão (1867), còn người khắc thì chưa biết là ai. Điều này nói lên rằng, phàm những người có cất giữ một bộ ván sách nào đó, khi cho in lại đều tùy ý thích ghi thêm vài dòng hoặc gắn thêm một cái mác “ai đó, nơi nào đó tàng bản”. Do vậy, trong tình hình người khắc ván chưa được khảo chứng xác định, thì nên bảo lưu thông tin vốn có của trang sách có ghi tên sách.

    2. Giám định thời gian in và thời gian sao chép quá sơ sài

    Trong những cổ tịch Việt Nam mà chúng tôi được tận mắt xem qua, phần nhiều trong đó không cho chúng ta biết rõ thông tin về khắc in và sao chép, nhưng Đề yếu lại tùy tiện xác định ra thời gian cụ thể khắc in và sao chép một cách tùy tiện. Có thể chia sai sót này thành hai loại. Một là, đơn giản coi thời gian viết tựa là thời gian khắc in và sao chép. Chẳng hạn, ở Đề yếu, trang 1, mục 0005, sách Dịch nghĩa tồn nghi được xác định thời gian sao chép là năm thứ 4 niên hiệu Gia Long (1805), nhưng thực tế năm thứ 4 niên hiệu Gia Long chỉ là thời gian viết tựa Dịch nghĩa tồn nghi tự. Hai là, lấy thời gian hoàn thành quyển sách làm thời gian khắc in và sao chép sách đó. Chẳng hạn, Đề yếu, trang 829, mục 4485, về Hội thí văn tuyển, Đề yếu nói rằng: “Nay còn một bản in, Gia Liễu đường Hải Dương in năm thứ 13 niên hiệu Thành Thái (1901)... văn tuyển thi hội khoa Tân Sửu”. Xét thấy, sách này sao chép đề thi và những bài làm văn khoa thi Hội năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái (1901), tuy những loại văn tập phục vụ cho cử nghiệp như thế này cũng mang tính giá trị thời gian nhất định, thời gian in khắc và thời gian thành sách cách xa nhau không bao lâu, nhưng trong bối cảnh không có những thông tin liên quan nào hơn để giúp cho việc chứng minh, thì chỉ có thể coi thời gian năm thứ 13 niên hiệu Thành Thái là hạn sớm nhất khắc in sách này, chứ không thể coi thời gian hoàn thành sách là thời gian khắc in sách. Kỳ thực, việc khắc gộp các văn tập cử nghiệp lại với nhau cũng khá phổ biến. Chẳng hạn, sách Hương thí văn tuyển, ký hiệu R.500 ở Thư viện Quốc gia Việt Nam, chính là sách in gộp các bài văn thi Hương khoa Giáp Thân năm đầu niên hiệu Kiến Phúc (1883) với khoa thi Hội và thi Đình năm Kỷ Sửu năm đầu niên hiệu Thành Thái (1889). Ngoài ra, trong quá trình lưu truyền, thư tịch cũng bị mất một số tựa bạt, thời gian viết tựa bạt không hẳn giống nhau. Vì thế, chỉ bằng vào thời gian viết tựa bạt của cá biệt tác phẩm có tựa bạt để đoán định thời gian khắc in sách, rất có thể tạo nên sai sót lớn.

    3. Lầm lẫn về tên sách

    Bao gồm 2 loại lầm lẫn như sau:

    Thứ nhất, lấy tiêu đề nhỏ làm tên sách. Bị ảnh hưởng lầm lẫn của bộ thư mục tiếng Việt, Đề yếu đã lấy tên bài (thiên) đầu tiên của một số sách làm tên sách của sách đó, dẫn đến sai lầm là một quyển sách bị coi là nhiều quyển sách rồi lập ra những thư mục riêng biệt. Chẳng hạn ở trang 5, mục 0024:

    Hà lạc đồ thuyết lược vấn, còn có tên Dịch kinh đồ thuyết lược vấn, nay còn 2 bản sao. Một bản sao cao 22cm rộng 14cm; một bản sao cao 26cm, rộng 15cm. Bàn về Hà đồ lạc thư theo thể vấn đáp, chưa biết tác giả là ai. Nội dung nói về Hà đồ, Lạc thư, Âm dương, Bát quái... Còn có 1 bản sao phụ chép Tạp lục bị khảo. Nguyên mục ở thư mục tiếng Việt là số 1266.

    Sách chữ Nôm, ký hiệu AB.634; AB. 476. Trong chưa đầy hai dòng, Đề yếu nói rằng sách này có 2 bản sao. Chúng tôi tra tìm bản sao ký hiệu AB 634, thấy tờ bìa đề Bình Giang Phạm thị gia thục Hy kinh lãi trắc hạ, có nghĩa là Hy kinh lãi trắc là tên sách của sách này; còn Hà lạc đồ thuyết lược vấn là tiêu đề của một phần nhỏ đầu tiên của sách này mà thôi. Vì vậy, sách này phải đưa về mục Hy kinh lãi trắc, tức là cần phải xếp nó vào mục 0026 Hy Kinh lãi trắc Tập 2.

    Thứ hai, khi biên soạn thư mục không cẩn thận, dẫn đến tên sách có hiện tượng sót chữ, sai chữ. Chẳng hạn, trang 731 mục 3821, sách Tuần Cai biệt thự thi hợp tập, tóm tắt nội dung nói rằng: “Tập thơ văn... Sách này biên chép 770 bài thơ thể cổ kim, ngoài ra còn chép khoảng 15 bài gồm các thể thư, biểu, bạt, phú, luận, tụng, từ, minh”. Tên sách đã ghi là “thi hợp tập”, vả lại sách này hiện còn có bản in thể lệ rất đầy đủ, thế thì sao lại còn biên chép những 15 bài tản văn vào làm gì. Qua kiểm tra lại bản in A.2985, thấy trang bìa của sách này thực đề tên sách là Tuần Cai biệt thự hợp tập, còn tên sách là Tuần Cai biệt thự thi hợp tập là lầm.

    Ở trang 318, mục 1616, Đề yếu nói rằng: Hương Tích động ký, còn có tên Hương Tích động ký tịnh tạp văn sao tập và còn có tên Hương Tích động thi ký phụ tạp ký. Qua kiểm tra đối chiếu với sách thực thì thấy, hai bản sao đầu, tên sách hoàn toàn chính xác, còn bản sao thứ 3 thì tên sách không phải như vậy, mà là Hương Sơn thi ký tập hậu phụ tạp thi (A. 2175)

    4. Xếp nhầm các sách khác nhau vào cùng một sách.

    Chẳng hạn, mục 4475, trang 828:

    Tân san Hương Hội văn tuyển, nay còn 1 bản in, Liễu Văn đường in năm thứ 16 niên hiệu Minh Mệnh (1835), 2 quyển, 104 trang, cao 27cm rộng 16cm. Nội dung gồm các bài văn thi Hương, thi Hội chọn ở các khoa thi Giáp Tuất (1834), Tân Sửu (1814) của 3 tỉnh Hà Nội, Nam Định, Nghệ An và thi Hội khoa Ất Mùi (1835), Giáp Thìn (1844). Nguyên mục số 3191.

    Chỉ riêng cách hành văn, và sự miêu tả trên đây cũng đã có chỗ phải bàn. Sách thu chép các bài văn thi Hương khoa Tân Sửu (1841) và thi Hội khoa Giáp Thìn (1844) thì làm sao sách này lại có thể khắc in được vào năm thứ 16 niên hiệu Minh Mệnh (1835). Qua kiểm tra, đối chiếu với sách thực, phát hiện được mục này nói đến 2 sách. Một sách có tên là Tân san Hương Hội văn tuyển, thu chép các bài văn sách khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1834) và khoa thi Hội năm Ất Mùi (1835); một sách khác đã mất tờ bìa đề tên sách, nội dung là văn tuyển khoa thi Hội Tân Sửu (1841) và khoa Giáp Thìn (1844). Thời gian khắc in và tên sách của sách thứ 2 đã không có cách nào để kê khảo được, cũng không có một thông tin nào chứng tỏ hai sách này là hai quyển của một bộ sách. Thế thì, chúng ta không thể cho rằng sách thứ nhất và sách thứ hai cùng được khắc vào năm 1935. Hơn nữa, quyển thứ nhất (VHc.470/1), chỉ cung cấp thông tin về văn bản là Liễu Trai đường tàng bản, do đó, dù chỉ đối với tập 1 của bộ sách cũng không thể lấy đó để đoán định sách do Liễu Văn đường ấn hành.

    5. Xếp nhầm một sách thành hai sách

    Chẳng hạn mục 0004 và 0005 trang 1:

    Chu Dịch vấn giải toát yếu Phạm Quý Thích soạn. Nay còn 1 bản sao, 184 trang, cao 29cm, rộng 17cm. Trước tác về Kinh Dịch. Nội các học sĩ Phạm Quý Thích (hiệu Hoa Đường) soạn và viết tựa năm thứ 4 niên hiệu Gia Long (1805). Sách này dùng phương thức chú giải và vấn đáp, đặt ra 157 câu hỏi để thuyết giải quái từ của Dịch Kinh, có hình vẽ...

    Dịch nghĩa tồn nghi, nay còn 1 bản sao có tựa đề năm thứ 4 niên hiệu Gia Long (1805), 214 trang, cao 31cm, rộng 22cm, trước tác về Dịch học, không rõ người soạn, chữ Hán có xen Nôm. Nội dung sách này gồm 3 phần: thứ nhất, chú thích nghĩa lý Dịch Kinh bằng hình thức vấn đáp; thứ nhì, giải thuyết về Hà đồ, Lạc thư, Bát quái của Chu Hy và các tiên Nho, thứ ba, tri thức cơ bản về Dịch Kinh.

    Dù ở góc độ tác giả hay nội dung, phân tích hai đoạn miêu tả về sách trên đây, độc giả đều sẽ nhầm, cho rằng đây là hai loại sách khác nhau. Song, khi chúng tôi đối chiếu từng bài thì thấy nội dung hai sách này giống nhau. Bài tựa Chu Dịch vấn giải toát yếu thực ra là Dịch nghĩa tồn nghi tự, mà Dịch nghĩa tồn nghi tự thực tế là tên sách được đặt ra do căn cứ vào bài tựa. Cho nên, đề yếu của sách này nên gộp lại thành một mục.

    6. Diễn đạt chữ nghĩa trước sau mâu thuẫn, ngữ nghĩa không rõ ràng

    Ví dụ, sách Thư kinh tiết yếu ở mục 0033 trang 6, trước thì nói “Nay còn một bản sao”, sau đó lại nói “Đa Văn đường Hà Nội in năm thứ 6 niên hiệu Thiệu Trị (1846)”. Đọc đến mục này, người ta cứ mơ hồ không biết sách hiện lưu giữ là bản in hay bản sao, hay là bản sao được sao từ bản in. Lại như, mục 4775, 4776 và 4778, trang 882, chính văn của Đề yếu chua là “Bản in sao lại của Trung Quốc” nhưng trong Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu thu lục tư liệu thống kê biểu của Đề yếu lại quy loại sách Hán văn, khiến người ta không biết thế nào mà lần.

    7. Do phía xuất bản sửa chữa tạo nên lầm lẫn

    Giáo sư Vương Tiểu Thuẫn khi bắt tay vào việc biên soạn sách này, có suy tính đến truyền thống học thuật của hai nước Trung - Việt và những yêu cầu của học thuật, đã dựa vào phương pháp phân loại cổ điển để phân ra tứ bộ. Trong các loại mục, lại phân các sách ra thành ba bộ phận: một là, sách in sao lại của Trung Quốc; hai là, sách người Việt Nam viết bằng chữ Hán; ba là, sách người Việt Nam viết bằng chữ Nôm. Mục đích của việc làm này là để “biện minh học thuật, khảo rõ nguồn gốc”. Nhưng, khi xuất bản, lối phân loại này lại bị thay đổi. Lời tựa đầu tiên của sách có nói đến việc sửa chữa đó như sau: “Ngoài ra, tham khảo, cân nhắc ý kiến đề nghị của các chuyên gia học giả, đầu năm nay Sở chúng tôi quyết định chọn thể lệ mục lục học hiện đại và mục lục cổ tịch, quy hoạch lại thể lệ biên tập mục lục dạng văn bản sách văn hiến cổ tịch Hán Nôm”. Đứng về góc độ hợp tác mà nói, những thay đổi như vậy là không tránh khỏi, nhưng ở đây lại tạo nên những lầm lẫn lớn. Chẳng hạn, nhất loạt chữa “bản sách Trung Quốc sao lại khắc lại” thành ra “bản Trung Quốc sao lại in lại”. Chỉ cần có chút hiểu biết, mọi người đều có thể lý giải, trong ngữ cảnh biên soạn của Đề yếu, cụm từ “Trung Quốc thư trùng sao trùng ấn bản” chỉ thư tịch Trung Quốc do nhân sĩ trí thức Việt Nam sao lại và khắc lại, còn cụm từ “Trung Quốc trùng sao trùng ấn bản” lại chỉ thư tịch Việt Nam do nhân sĩ trí thức Trung Quốc sao lại và khắc lại. Tuy chỉ có lầm lẫn một chữ mà hoàn toàn đảo ngược trắng đen. Sau khi sửa chữa, sách này làm tăng thêm số hiệu quản lý văn hiến Hán Nôm Việt Nam, như vậy có thể tiện cho độc giả tra tìm khi đọc sách ở Việt Nam, ở Pháp, nhưng lại gây nên một sai sót khác. Ví dụ, mục 0046, trang 9, viết về tình hình quản lý sách Thi kinh diễn nghĩa, như sau:

    AB.168/1-2: bản in Đa Văn đường năm Minh Mệnh thứ 18 (1836)

    VNv.107: bản in Đa Văn đường năm Minh Mệnh thứ 17 (1837)

    VNv.161: bản in Đa Văn đường năm Minh Mệnh thứ 17 (1837)

    VNv.162: bản in Đa Văn đường năm Minh Mệnh thứ 17 (1837)

    VNv.163: bản in Đa Văn đường năm Minh Mệnh thứ 17 (1837)

    Cách ghi niên đại của Việt Nam cũng giống như Trung Quốc, một là ghi niên hiệu đương triều, hai là ghi năm can chi. Bởi vậy, không cần phải tra nguyên thư cũng có thể xác định được việc qui đổi năm thứ 18 niên hiệu Minh Mệnh là năm “1836”, mà năm thứ 17 lại là năm “1837” là cái sai lớn không đáng có.

    8. Việc xử lý phiên bản photocopy không phù hợp với tập quán thông lệ học thuật quốc tế

    Theo phàm lệ Đề yếu nói, sách này trước lục văn hiến cổ tịch Việt Nam được bảo quản ở hai nơi là Việt Nam và Pháp. Theo tập quán thông lệ học thuật quốc tế, dù biên soạn theo tiêu chuẩn mục lục học hiện đại hay theo thể lệ văn hiến học cổ điển, đều cần phải phân biệt sự khác nhau giữa bản photocopy với nguyên bản cổ tịch. Bộ Đề yếu này lại xếp một vài bản photocopy ngang cùng với nguyên bản mà không hề thuyết minh. Ví dụ, mục 4328, trang 801: “Nay còn hai bản in,... và còn một bản sao...”. Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi đã đối chiếu sách thực 3 bản mà Đề yếu miêu tả, là A.496, A.1304, A.2792, phát hiện A.496 thực ra là bản photocopy của bản khắc năm Thanh Traithứ 4 niên hiệu Tự Đức (1851). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, khái niệm cổ tịch chưa rành mạch. Khi chúng tôi đọc sách ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội, được biết ở đây lưu giữ hai loại bản photocopy. Một là, Viện Nghiên cứu Hán Nôm photocopy một số cổ tịch quan trọng, bình thường chỉ cho mượn đọc những bản photocopy. Những bản photocopy loại này Đề yếu đều chưa nói đến. Hai là Viện Nghiên cứu Hán Nôm không có bản gốc, mà photocopy từ nơi khác đem về, bản photocopy loại này được coi như nguyên bản để bảo tồn và lên ký hiệu, cùng được đưa vào Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Hai loại thư tịch này cần phải phân biệt kỹ càng.

    9. Tiêu chuẩn phán định đơn nguyên không thống nhất

    Về vấn đề này, phàm lệ của Đề yếu có thuyết minh như sau:

    Bộ Đề yếu này trước tiên dựa vào Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu để xác định đơn nguyên thư tịch, coi những sách có nội dung độc lập, từng được lưu hành là một đơn nguyên thư tịch. Phàm những sách nội dung đại thể giống nhau, có cùng một nguồn gốc nhưng hình thức sao chép in ấn khác nhau thì coi là những văn bản khác nhau của cùng một đơn nguyên thư tịch. Phàm những sách sao gộp mấy loại nội dung, có mấy tên sách độc lập, nếu giữa chúng có quan hệ chủ thứ, thì coi là một đơn nguyên thư tịch, đưa nội dung thứ yếu vào phần phụ chép; nếu quan hệ giữa chúng là quan hệ ngang hàng, thì sách nào có nội dung liên hệ mật thiết là sách sao gộp của mấy loại thư tịch, còn sách nào những nội dung bên trong có quan hệ rời rạc là sách đóng gộp của mấy loại thư tịch. Phàm những sách đóng gộp thì mỗi loại nội dung là một đơn nguyên”.

    Mặc dầu “Phàm lệ” định ra tiêu chuẩn khá rõ ràng, nhưng trong xử lý thực tế lại xuất hiện nhiều chỗ đáng bàn. Nay xin trao đổi về việc phân loại như sau:

    (1) Lấy độ dài ngắn của nội dung để phân định chủ thứ.

    Theo phàm lệ, “phụ chép” là một loại bổ sung của bộ phận chủ thể thư tịch, phân biệt rất rõ với bộ phận chủ thể, không có tính độc lập; sao gộp thì mấy tác phẩm trong đó ngang hàng, mỗi tác phẩm về mặt dung lượng trong toàn bộ sách không có sự phân biệt chủ thứ. Nhưng trong thực tế biên soạn, Đề yếu lại thường lấy tác phẩm có độ dài ngắn hơn làm phụ chép của tác phẩm có độ dài dài hơn. Ví dụ, mục 4595, trang 850:

    Bắc sử phú, nay còn 1 bản sao, 64 trang, cao 33cm, rộng 23cm. Những bài phú vịnh lịch sử Trung Quốc. Chính văn kể về lịch sử Trung Quốc từ thời Bàn Cổ đến khoảng niên hiệu Đồng Trị triều Thanh. Phụ chép những bài phú liên quan đến lịch sử Việt Nam giai đoạn từ họ Hồng Bàng đến Hùng Vương thứ 6, có nội dung Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử.

    Sách này thực ra không có tên sách, nội dung bao gồm “Bắc sử phú” và “Nam sử phú”, nhưng dù có xét về mặt trình bày hình thức của người sao chép (bên trong ruột sách, tác giả có tách biệt và đề các chữ “Bắc sử phú” và “Nam sử phú”) hay là xét về mối liên quan của nội dung, thì “Nam sử phú” và “Bắc sử phú” cũng đều là quan hệ ngang hàng. Do đó, đưa “Nam sử phú” xuống làm phụ chép của “Bắc sử phú” là không phù hợp với mối quan hệ khách quan của tác phẩm.

    (2) Dựa vào thứ tự sao chép để giới định mối quan hệ chủ thứ của nội dung.

    Trong Đề yếu không ít điều mục thư tịch lấy bài đầu tiên làm chủ thể của sách đó, đưa những nội dung còn lại làm phụ chép. Những trường hợp khả nghi loại này xuất hiện trong Đề yếu khá nhiều. Chẳng hạn, mục 1004, trang 194:

    Ngọc bảo cổ truyện, nay còn 1 bản sao, 54 trang, cao 28cm, rộng 15cm. Sự tích Lý Thiên Bảo Vương phu nhân họ Lê, không rõ người biên soạn.

    Trong đó chính văn 8 trang, năm thứ 5 niên hiệu Duy Tân (1911) sao lại theo bản của bộ Lễ triều Lê, lược kể chuyện Lý Thiên Bảo Vương phu nhân họ Lê sinh được 3 người con trai, tài kiêm văn võ, đều bị chết vì giúp Thiên Bảo Vương và Lý Phật Tử đánh Triệu Việt Vương; Lê thị được phong là Thiên Đạo Đại Vương, đều được xã Bình Quân, tổng Bình Quân, huyện Lương Tài, phủ Thượng Hồng lập đền thờ v.v...

    Xét: sách này còn có 3 phụ chép. Một là Hô Liên xã Đại Vương tôn thần sự tích, 18 trang, sao lục dựa theo Tự điển của Nguyễn Bính. Sách này lược kể rằng vị thần được thờ ở xã Hô Liên là con trai của Phạm Hoàng ở trang Yến Vĩ động Hương Tích huyện Hoài An phủ Ứng Thiên đạo Sơn Nam, vì giặc cướp quấy rối, ông di cư đến xã Hô Liên huyện Đường An, có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn mười hai sứ quân... Hai là, Hùng triều tam vị thủy thần xuất thế sự tích, 18 trang, sao lại bản sao nămthứ 2 niên hiệu Vĩnh Hựu (1736) của Nguyễn Hiền, lược kể sự tích 3 người Thanh công, Hồ công, Tân công đều phụ tá Hùng Vương dẹp giặc lập công, được phong là Đại Vương, đều do quê ngoại là xã Đỗ Xá, Hồng Châu, Hải Dương lập đền thờ..., và đều có phụ chép câu đối, văn tế, thơ và nghi thức tế lễ ngày tuần tiết. Thứ ba là, Trưng Nữ Vương triều âm phù nhất vị đại vương phả cổ lục sao lục theo Tự điển do Nguyễn Bính soạn năm đầu niên hiệu Hồng Phúc (1572), kể duyên do việc thờ vị thần này: Một hôm, có một khúc gỗ đề 4 chữ “Trấn quốc uy linh” theo sông Nhị Hà trôi dạt về xã Vĩnh Lại, người xã này cho là Thần linh, bèn lập miếu thờ cúng. Khi Trưng Nữ Vương đánh quân giặc Đông Hán, từng đi qua xã Vĩnh Lại, vào miếu hành lễ. Về sau Trưng Nữ Vương thắng lợi trở về, lên ngôi, phong cho thần là “Nhất vị đại vương”...

    Kỳ thực, bản sách này thu chép 4 tác phẩm. Bốn tác phẩm này là các bản thần tích mà tính chất của chúng hoàn toàn giống nhau, về khuôn khổ dài ngắn của từng tác phẩm cũng không có gì khác biệt lắm. Theo phàm lệ, đây là bản sách sao gộp điển hình của những tác phẩm cùng loại. Coi quan hệ giữa chúng là chính văn và phụ chép, rõ ràng là không thỏa đáng.

    (3) Xử lý quan hệ thư tịch không chặt chẽ. Phàm lệ nói rằng: “Phàm những sách có nội dung về đại thể giống nhau, cùng có chung nguồn gốc nhưng hình thức sao in khác nhau thì coi là những dị bản của cùng một đơn nguyên thư tịch”. Trong Đề yếu, tình hình đó được xử lý theo phương thức cùng một sách mà khác tên, tức là hình thức trình bày: “sách..., còn có tên...”. Song, trên thực tế, một vài trường hợp như vậy bị Đề yếu coi là những sách cùng một đơn nguyên thư tịch, nội dung của chúng lại chưa chắc đã giống nhau, cũng không có nguồn gốc chung. Chẳng hạn, mục 1616, trang 318:

    Hương Tích động ký, còn có tên Hương Tích động ký tịnh tạp văn sao tập, lại có tên Hương Tích động thi ký phụ tạp ký. Nay còn 3 bản sao, 158 trang, 50 trang, 98 trang. Đều cao 31cm, rộng 21cm. Ngoài ra, sách này còn có tên Hương Tích động ký tịnh tạp văn sao tậpHương Tích động thi ký phụ tạp ký, tạp sao thơ văn, có chữ Nôm. Bản sao 158 trang và 50 trang đều có “Hương Tích động ký”, “Trung thu tự”, “Xuân đình đàm thoại” (nội dung ca tụng tài thơ của Hồ Xuân Hương), Bản quốc di thư ư Tây Dương (thư gửi nước Pháp khiển trách việc cha đạo lẻn vào Việt Nam truyền giáo). Chinh phụ ngâm (Thám hoa Nguyễn Khắc Cẩn soạn), Khu trùng văn (Hoàng giáp Đỗ tiên sinh soạn), Tuyết Sơn tự nhật trình diễn âm. Bản sao 158 trang và 98 trang đều có chép 23 bài thơ vịnh cảnh Bến Đục vùng động Hương Tích, và các bài “Canh hoạ thi” (thơ xướng họa vịnh phong cảnh chùa Hương) “Vịnh tam thập dạ nguyệt”, “Vịnh Tiêu Tương bát cảnh”. Cả 3 bản sao đều có “Tây du nhật trình”...

    Qua so sánh đối chiếu 3 bản sao có ở mục này, chúng tôi phát hiện thấy rằng, ngoài những lầm lẫn về tên sách như đoạn văn dẫn trên đây đề cập tới, Đề yếu còn tồn tại rất nhiều lỗi khác. Thứ nhất, ba tên sách gộp vào một mục là không phù hợp với tiêu chuẩn xác định đơn nguyên thư tịch mà phàm lệ đã nói. Chẳng hạn, toàn bộ bản sao 50 trang là tản văn, toàn bộ bản sao 98 trang là thơ ca. Hai bản này không thể nói nội dung của chúng đại thể giống nhau. Thứ hai, Hương Sơn thi ký tập hậu phụ tạp thi (tên sách vốn lầm lẫn. Xin xem đoạn đã nói trên đây) thật ra không chép Tây du nhật trình, bởi vậy, nói rằng “Ba bản đều có “Tây du nhật trình”... là không đúng sự thực. Thứ ba, qua đối chiếu từng bài, chúng tôi phát hiện bản 50 trang và bản 98 trang cùng do một người sao chép, nội dung của bản 50 trang giống hệt phần tản văn “Hương Tích động ký” ở bản 158 trang, còn nội dung của bản 98 trang giống hệt phần thơ ca của bản 158 trang. Nói cách khác, Hương Tích động ký tịnh tạp văn sao tậpHương Sơn thi ký tập hậu phụ tạp thi, nội dung hai bản này gộp lại mới bằng nội dung Hương Tích động ký. Cho nên, chí ít, Hương Tích động ký tịnh tạp văn sao tập với Hương Sơn thi ký tập hậu phụ tạp thi là hai thư tịch khác nhau, không phải thuộc một đơn nguyên thư tịch.

    Ngoài ra, ở điều mục này, về mặt miêu tả khuôn khổ sách cũng sai. Khuôn khổ của bản 158 trang và hai bản kia rõ ràng là khác nhau, thực tế cao 27cm, rộng 15,5cm, do đó nói là đều cao 31cm, rộng 21cm là sai.

    Lại như trang 691 đến 692, mục 3709 và 3710:

    Hương Trì học thảo văn sao, còn có tên Hương Trì văn tảo, Vương Duy Trinh soạn, nay còn 2 bản in. Bản 348 trang cao 28cm, rộng 16cm, bản 334 trang, cao 24cm, rộng 14cm. Sách còn có tên Hương Trì văn sao văn tập của Vương Duy Trinh, có tựa, bạt của Bùi Tạo, Phan Hữu Nguyên, Hoàng Mậu, Vương thị soạn năm thứ 13 (1901) và 17 (1905) niên hiệu Thành Thái. Nội dung gồm văn chúc mừng, văn tế, văn bia, biểu tạ ơn, phổ khuyến văn, thư từ...

    Hương Trì học thảo thi sao, Vương Duy Trinh soạn, nay còn một bản sao, hai quyển 238 trang, cao 29cm, rộng 16cm. Tập thơ, câu đối của Vương Duy Trinh, gồm 176 bài thơ, 300 đôi câu đối, ngoài ra một vài bài thơ, câu đối bằng chữ Nôm. Xem Hương Trì học thảo văn sao mục...

    Xét thấy, Hương Trì văn tảoHương Trì học thảo văn sao chỉ có một phần nhỏ nội dung giống nhau. Ngoài đó ra, cũng có một phần nhỏ thơ ca được sao chép trong các sách này giống với Hương Trì học thảo thi sao. Nếu theo tiêu chuẩn “nội dung đại thể giống nhau” nói ở phàm lệ, coi Hương Trì văn tảoHương Trì học thảo văn sao là một đơn nguyên thư tịch như nhau, thế thì cùng dựa vào tiêu chuẩn đó, cũng phải xếp Hương Trì văn tảoHương Trì học thảo văn sao vào một đơn nguyên thư tịch như nhau. Sự thực thì, Hương Trì văn tảo chỉ là bản sao một phần của hai sách gộp lại. Cho nên, phải xác định Hương Trì văn tảo là một đơn nguyên thư tịch độc lập. Có như vậy mới phù hợp với tình hình thực tế.

    10. Bỏ sót và ghi nhầm sách

    Sách bỏ sót nói ở đây không bao gồm những sách bổ sung thêm ở tập 4 Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Cho dù, những thư tịch đưa vào Đề yếu không phải là văn hiến Hán Nôm hoàn toàn Việt Nam, nhưng đối với những sách mà Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu bản thư mục tiếng Việt đã thu nạp, tức là đối với những sách mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã nhập kho quản lý thì không nên bỏ sót, ghi nhầm. Tình trạng bỏ sót, ghi nhầm không phải hiếm thấy. Chẳng hạn, trong Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu có hai sách đều tên là Dã sử, với hai mục sách riêng rẽ là 648 và 649, Đề yếu chỉ ghi có một sách, bỏ sót mất Dã sử ở mục 649. Lại nữa, khi chúng tôi kiểm tra Hy kinh sách lược ở mục 0020 trang 4 sách Đề yếu, phát hiện ở mục này, về mặt nội dung có chỗ sai. Xét thấy ký hiệu sách này A.423, gồm 2 quyển, quyển hai có tên là Chu Dịch lược văn, bản sao, chữ thảo, cao 28cm, rộng 19cm, 919 trang; 4 trang đầu là Dịch quái đối tự, 65 trang tiếp đó là Dịch tự sách lược, bao gồm Bát thuần càn và Bát thuần khôn, rồi đến Chu Dịch sách lược bàn về Dịch lý từng quẻ theo thứ tự: Thủy lôi độn, Sơn thuỷ mông, Thiên thủy nhu. Từ trang 515 là phần hạ kinh, có tiêu đề Chu Dịch hạ kinh lược văn, thứ đến liệt kê các thiên: Trạch sơn hàm, Lôi phong hằng, Thiên sơn độn. Đề yếu đưa vào Hy kinh sách lược và nói là sách có tất cả 924 trang. Như vậy là sai.

    Trên đây là 10 sai sót ở Đề yếu. Để khỏi rườm rà, ở đây chỉ chọn một vài thí dụ khá điển hình trong đó để phân loại, làm rõ. Kỳ thực, trong Đề yếu còn nhiều lỗi nhỏ, không thể trình bày hết được. Ví dụ, trang cuối in ảnh sách đã lẫn lộn thuyết minh ảnh sách Tân biên truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú mục lục với Ức Trai di tập; lại ví dụ, khi phiên dịch đã lẫn lộn “trung” (giữa) với “trung” (trung thành), “vị” (mùi vị) với “úy” (tốt tươi), “hoàng triều” nhầm là “vương triều”, “thư hiên” (thư: thư giãn) nhầm là “thư hiên” (thư: sách vở)... Những thí dụ đại loại như vậy rất nhiều, ở đây không thể nêu hết.

    *

    Nói tóm lại, trong Đề yếu, sai sót rất phổ biến, phản ánh một số vấn đề mang tính nguyên tắc. Qua đó, chúng ta cần phải đối chiếu kiểm tra và sửa chữa một cách toàn diện, tỉ mỉ những sai sót đó, để cung cấp cho giới học thuật một thành quả thư mục học chân thực, đáng tin cậy. Nguyên nhân gây nên những thiếu sót đó, ngoài hạn chế về thời gian và kinh phí cũng như chưa thực hiện việc đối chiếu kỹ, đọc kỹ văn hiến Hán Nôm ngay tại Việt Nam ra; thiếu sót về mặt học thuật chủ yếu bắt nguồn bởi lặp lại từ Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Muốn sửa chữa những thiếu sót trong Đề yếu một cách toàn diện, người viết bài này cho rằng, trước tiên phải thoát khỏi ảnh hưởng bởi mặt hạn chế của Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, lấy quy phạm học thuật thông dụng quốc tế làm tiêu chuẩn biên soạn và sửa sai. Có nghĩa là, biên soạn bộ Đề yếu này quyết không thể làm như điều từng được nhấn mạnh nhiều lần trong lời tựa và phàm lệ của sách này, là chỉ đơn giản "dịch ra Hán văn" bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu mà thôi. Dù rằng sự thực, Đề yếu từ khi mới được biên soạn - bắt đầu phân loại theo phương pháp tứ bộ - nó đã có những bước tiến hướng tới mục tiêu trở thành một trước tác học thuật chú trọng lề lối phân loại, hoặc về mặt xác định thể lệ biên soạn hay là biên soạn lại các mục đề yếu đối chiếu sách thực và thêm bớt, Đề yếu đều đã cố gắng nâng cấp và sửa chữa Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, làm cho nó trở thành một bộ thư mục mới mẻ, nhưng xét về diện mạo của nó sau khi xuất bản, nó chưa có mục đích rõ ràng là để “phục vụ nghiên cứu học thuật”. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng, cần phải nhắc lại truyền thống thư mục học cổ điển “Làm rõ học thuật, khảo rõ nguồn gốc”, trên cơ sở này mà suy nghĩ về vấn đề sửa chữa Đề yếu. Nay xin nêu mấy kiến nghị dưới đây.

    1) Ghi chép toàn diện thông tin văn bản.

    Cổ tịch Việt Nam được khắc in trong điều kiện ảnh hưởng kỹ thuật in ấn của Trung Quốc truyền sang. Giới nghiên cứu của Trung Quốc số đông chưa có dịp tận mắt nhìn thấy diện mạo chân thực của cổ tịch Việt Nam, cho nên hiểu biết về bản in khắc ở Việt Nam và những đặc điểm văn bản của nó vẫn là hiểu biết về một khoảng trống trong học thuật, chỉ có tiên sinh Trương Tú Dân có bàn đến ít nhiều trong công trình Trung Quốc ấn loát sử. Để làm phong phú thêm lý luận liên quan với văn bản học, thúc đẩy việc đi sâu nghiên cứu sự truyền bá kỹ thuật in ấn, chúng tôi cho rằng, khi biên soạn thư mục, cần phải ghi rõ thông tin về văn bản theo yêu cầu của văn bản học. Nói cụ thể là, trong Đề yếu cần phải bổ sung miêu tả dạng thức in ván của bản in cổ tịch Việt Nam, như: ván in, số dòng, số chữ, biên lề, phân cách, chất mực, chỗ gập đôi tờ in in hình vòi voi hay đuôi nheo, tờ nhan đề của sách, phụ ghi, tai sách, chấm câu, khuyên tròn, hình vẽ... Mặt khác, cố gắng phản ánh đúng những thông tin về khắc in chứa đựng trong thư tịch. Chẳng hạn, Đề yếu thu nạp khá nhiều thư tịch cử nghiệp, như Hương thí văn tuyển, Hội đình văn tuyển... Qua xem xét, thấy rằng trong nhiều quyển sách, tờ đề tên sách có ghi mấy chữ “Nhà... sao lại”. Mọi người đều biết những sách đó in ra nhằm đáp ứng nhu cầu thi cử, những bài văn được thu chép vào đây là những bài dự thi làm ngay tại trường thi của các thí sinh đã từng đỗ đạt ở các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình. Lúc khắc in những sách đó ắt phải được phép của cơ quan cấp có thẩm quyền cất giữ mới được sao lục nội dung tập bài thi. Nếu văn tuyển của cùng một khoa thi Hương hay thi Hội mà có nhiều bản in, ghi rõ văn bản do “Nhà... sao lại”, ắt là bản sớm nhất. Bởi vậy, đối với những dòng chữ có thể cung cấp những thông tin về việc khắc in, Đề yếu cần phải chú ý ghi rõ. Đối với các bản sao, cũng phải miêu tả rõ cách thức sao chép, có hay không có khung dòng v.v...

    2) Căn cứ vào tình hình thực tế, miêu tả tỉ mỉ tên sách và các tên khác nếu có

    Đối với trường hợp cùng sách nhưng khác tên, Đề yếu đã xử lý một cách giản đơn, tức là thống nhất cách thức “..., còn có tên là...”. Cách làm này phải chi tiết hơn, bởi vì thực ra nó bao gồm hai trường hợp: một là, cùng một sách nhưng có nhiều văn bản, văn bản khác nhau có tên sách không giống nhau; hai là, ngay trong một quyển sách nhưng ở phần nọ phần kia (như tựa bạt, dòng sách - chỗ gập đôi của trang in, lề sách) lại đề tên các tên sách khác nhau. Hai trường hợp này phản ánh hình thức lưu truyền khác nhau của sách, cần phải phân biệt rạch ròi, cho nên cần phải dựa vào thực tế văn bản, miêu tả kỹ tên sách và biệt danh của nó.

    Đối với những sách vốn không có tên sách, nếu cần đặt một tên sách thì phải chú thích rõ căn cứ nào để đặt tên đó để độc giả khỏi hiểu lầm quá trình hình thành quyển sách đó cũng như nội dung của nó. Chẳng hạn, như ở mục 2272 trang 439:

    Dược phẩm hàn tính phú
    Nay còn một bản sao 244 trang, cao 27cm, rộng 14cm. Trước tác dược vật học bằng thể văn phú, nội dung nói về tính chất, công dụng và phương pháp bào chế dược phẩm. Phụ chép các bài bàn về các chứng bệnh lục phủ ngũ tạng và cách chữa bệnh thương hàn...

    Xét thấy, sách này vốn không có tên. Nội dung ngoài “Dược phẩm hàn tính phú”, còn sao chép các tác phẩm tính chất tương tự như: “Dược phẩm ôn tính phú”, “Dược phẩm nhiệt tính phú”, “Dược phẩm bình tính phú” và lý luận, dược phẩm, phương thuốc khác liên quan đến Trung y. Trong trường hợp này, lấy “Dược phẩm hàn tính phú” làm tên sách, rõ ràng là thiên lệch, thiếu khái quát. Để bù đắp chỗ thiếu sót này, cần phải nói rõ những căn cứ liên quan đến việc đặt tên cho sách.

    3) Cần phải giải thích rõ những từ ngữ có thể hiểu lầm nghĩa:

    Trong thư tịch cổ của Trung Quốc cũng như của Việt Nam đều có tình trạng cùng một tên sách mà khác về nội dung. Để tránh hiểu lầm, trước tác thư mục học cần phải giải thích rõ những trường hợp này, đặc biệt thận trọng với những tên sách đã nhập tâm người đọc trong quá trình lưu truyền chúng. Chẳng hạn, ở Đề yếu mục 4328 trang 801, có ghi về Cổ kim luận thể bản in 138 trang, ở đây có vấn đề dẫn đến hiểu lầm. Theo lời tóm tắt ở mục này: “Sách gồm 16 bài luận triều Nguyễn và 5 bài luận về Văn tâm điêu long. Như mọi người đều biết, Văn tâm điêu long là tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc, do Lưu Hiệp người thời Nam Triều soạn. Còn 5 bài luận trong Cổ kim luận thể bản in 138 trang, kỳ thực không hề dính dáng gì đến Văn tâm điêu long, mà là 5 bài luận: Quân thần nhất thể luận, Thận hình luận, Học hiệu luận, Lễ nhạc luận, Nông tang luận, dùng làm bài mẫu về văn sách khoa cử. Trường hợp này, hiển nhiên phải thuyết minh rõ hơn.

    4) Chú ý trình bày nguồn gốc thư tịch

    Văn hiến cổ tịch Hán Nôm Việt Nam là sản phẩm văn hóa Hán truyền bá ở Việt Nam, có bề dày nguồn gốc Trung Quốc. Trình bày mối quan hệ nguồn gốc lịch sử của những thư tịch đó, chính là khâu quan trọng của “làm rõ nguồn gốc, phân biệt rõ học thuật”. Ở đây, lấy mục 4916 trang 915 làm thí dụ:
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Thượng Hữu lược ký Vũ Trừng phủ biên tập.

    Nay còn 1 bản sao, 66 trang, cao 25cm, rộng 12cm, 252 bài bút ký, chép từ các sách Trung Quốc thuộc bộ Tử, Sử, Tập. Vũ Trừng phủ biên tập.

    Trong đó gồm các truyện Ngô Đạo Tử nghĩ ra bản thảo bức họa, Từ Tá Khanh được chim nhạn tạ ơn, Tôn Quyền đi chơi gặp rắn hai đầu, bắt chôn... Cuối sách có mục lục...

    Về quan hệ gốc gác giữa sách này với thư tịch Trung Quốc, chỉ nói “chép từ các sách Trung Quốc thuộc bộ Tử, Sử, Tập thì dường như quá thô thiển và sơ sài. Qua đối chiếu, được biết, Thượng Hữu lược ký được trích từ sách đời Minh Thượng Hữu lục. Thiên truyện đầu tiên kể chuyện trời cho nhà Nho Ông Trọng trận mưa vàng, được sao từ quyển 1 Thượng Hữu lục; sau đó, các chuyện Khuông Hành khoét vách lấy ánh sáng để đọc sách, Thương Hiệt kết thừng tạo chữ, được sao từ quyển 21 Thượng Hữu lục. Xét thấy, Thượng Hữu lục do Liêu Dụng Hiền người đời Minh biên soạn, các sách Tứ khố toàn thư tổng mục quyển 138 Tử bộ Loại thư loại Tồn mục 2, Thiểm Tây thông chí quyển 75 Sử bộ kinh tịch 2 biên soạn niên hiệu Ung Chính đời Thanh, và Ngự định Bội Văn trai thư họa phổ Tử bộ Nghệ thuật loại toản tập thư tịch, đều có chép về sách này. Sách này được hoàn thành vào niên hiệu Thiên Khải cuối đời Minh, sưu tập sự thực của người xưa, chia cương theo vần, chia mục theo họ tên, thể lệ mô phỏng Vạn tính thống phả, dưới các vần phân chia trình bày các sự kiện có thật của lịch sử. Tứ khố toàn thư tổng mục (Bắc Kinh Trung Hoa thư cục xuất bản năm 1965, trang 1175) tóm tắt như sau: “Các chỗ ghi chép, chỗ thì kỹ càng, chỗ thì sơ sài, chẳng phải phép, không biết đằng nào mà khảo chứng, âu cũng vì thế tục mà soạn ra đấy thôi”. Thượng Hữu lược ký trích sao sách này, chỗ thì bỏ, chỗ chỉ chọn một trong nhiều việc mà nguyên thư có chép. Chẳng hạn, về Tào Thực chỉ chép việc em Tào Thực là Tào Xung khen voi, mà lược đi bài thơ Thất bộ thành thi của Tào Thực và lời Tạ Linh Vận khen Tào Thực. Khi sao chép vẫn sắp xếp theo thứ tự trước sau của lối hành văn ở nguyên thư, giữ được đặc điểm của nguyên thư là lấy họ tên làm cương mục.

    Do hạn chế về không gian địa lý, trong hoàn cảnh không có điều kiện để đối chiếu tỉ mỉ với sách Trung Quốc, rất khó có thể khảo sát làm rõ nguồn gốc của từng quyển sách. Nhưng khi chưa biết được gốc gác sự ra đời của sách thì cần phải giữ thái độ tồn nghi, không thể tuỳ tiện phán đoán. Ví như, ở mục 4915 trang 915:

    Thế thuyết tân ngữ bổ
    Hiện còn 1 bản sao, gồm 112 trang, cao 28cm, rộng 17cm. Bản sao Việt Nam Thế thuyết tân ngữ của Lưu Nghĩa Khánh. Trong sách từ trang 74 trở đi đóng gộp với Thương Sơn thi tập, nay tách riêng từng mục.

    Xét thấy, Tứ khố toàn thư Tử bộ, Tiểu thuyết gia tồn mục có chép Thế thuyết tân ngữ bổ 4 quyển, do người đời Minh ngụy tạo ra.

    Sau khi khảo sát so sánh kỹ, phát hiện trong sách này chép khá nhiều chuyện dã sử của người đời Tống (Triệu Tống). Hiển nhiên, sách này không thể chỉ là bản sao sách Thế thuyết tân ngữ của Lưu Nghĩa Khánh. Theo Tứ khố toàn thư tổng mục quyển 143, Tử bộ, Tiểu thuyết gia loại mục thứ nhất (Bắc Kinh Trung Hoa thư cục, bản in năm 1965, trang 1222) có nói đến sách Thế thuyết tân ngữ bổ. Đoạn Đề yếu nói như sau: “Bản cũ sách này đề là Hà Lương Tuấn người đời Minh soạn và bổ sung, Vương Thế Trinh san định... Ngữ lâm của Lương Tuấn gồm 30 quyển, những chuyện đời Hán, đời Tấn đều lấy từ Thế thuyết tân ngữ, còn nhặt ở các sách khác rồi chép phụ thêm vào. Văn bản vốn không bổ sung cho Thế thuyết tân ngữ và cũng không có tên đề Thế thuyết bổ gì cả. Lăng Mông lần đầu in sách của Lưu Nghĩa Khánh, mới lấy những chuyện chép trong Ngữ lâm, bỏ bớt những chuyện trùng với sách của Lưu Nghĩa Khánh, rồi đặt riêng một tên như vậy, đội cái tên ấy thôi”. Do vậy, bản sao Việt Nam Thế thuyết tân ngữ bổ phải là bản sao lại Thế thuyết tân ngữ bổ đời Minh. Dẫu rằng có một phần nội dung trong đó trùng lặp với Thế thuyết tân ngữ, nhưng khi nguồn gốc lai lịch của nó chưa được khảo chứng rõ ràng thì không thể đoán bừa là bản sao Việt Nam sách Thế thuyết tân ngữ của Lưu Nghĩa Khánh. Tóm lại, biết nhiều mới hết nghi, thận trọng khi hạ bút phán đoán, đó là tác phong mẫu mực cần có khi làm thư mục học.

    5) Làm phong phú tư liệu liên quan đến bối cảnh biên soạn và khắc in thư tịch

    Điển tịch chữ Hán và điển tịch chữ Nôm hình thành trong hệ thống chữ Hán mà Việt Nam còn bảo tồn được đều là nguồn học thuật quan trọng của nghiên cứu so sánh. Nếu được bổ sung bằng những thành quả nghiên cứu của giới học thuật Việt Nam về các mặt: năm sinh năm mất, tự hiệu, hành trạng cũng như trước tác còn mất... của tác gia thì Đề yếu sẽ có được danh tiếng như Tứ khố toàn thư tổng mục, xứng đáng trở thành người dẫn đường cho học thuật. Nhưng tình hình thực tế hiện nay là Đề yếu chưa làm được điều này. Trong Đề yếu có mục chỉ dựa vào tựa bạt rồi giới thiệu một cách sơ lược bối cảnh biên soạn và khắc in, có mục lại lược bỏ chẳng nói gì cả. Việc giới thiệu về tác gia nhiều khi mâu thuẫn nhau ngay trong phần trước phần sau của lời giới thiệu đó. Rõ ràng, đây là điều cần phải cải tiến. Biện pháp cải tiến là: thống nhất thể lệ, xác định rõ tiêu chuẩn tối thiểu về giới thiệu bối cảnh. Khi giới thiệu bối cảnh, cần phải sử dụng tổng hợp các loại tài liệu, dùng phương thức kết hợp giữa dẫn dụng trực tiếp với khảo sát gián tiếp. Ví dụ, năm Bính Tý niên hiệu Tự Đức (1876) Bùi Văn Dị, người triều Nguyễn đi sứ Trung Quốc, có soạn tập thơ văn đi sứ phương Bắc Vạn lý hành ngâm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn giữ được 4 bản in khác nhau, chưa thể biết rõ tình hình khắc in cụ thể. Nhưng trong một tập khác của Bùi Văn Dị là Tốn Am thi tập (ký hiệu A.196) có bài tựa “Tốn Am thi sao tự tự”, nói rằng: “Từ khi xảy ra sự kiện ở biên giới, không biết làm gì, rất buồn, bèn lấy Vạn lý hành ngâmDu Hiên tùng thảo ra sửa sang nhuận sắc, khắc ván in ra cất trong nhà, đem sách tặng một vài bạn cùng sở thích, để họ biết được chí của tôi gửi gắm trong đó”. Qua đây có thể thấy, sách Vạn lý hành ngâm có bản khắc riêng của gia đình mà tác giả đích thân tự sửa chữa, in ấn, phát hành. Ngoài ra, Đề yếu còn chép về hai tác phẩm Du Hiên tùng bútDu Hiên thi thảo của Bùi Văn Dị. Du Hiên tùng thảo mà “Tốn Am thi sao tự tự” nói tới đã cung cấp cho chúng ta manh mối để làm rõ quan hệ giữa hai tập tác phẩm nói ở trên và niên đại khắc in của chúng.

    6) Thể hiện một cách hoàn chỉnh hình thái chân thực của sách tạp sao

    Văn hiến Hán Nôm mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam còn lưu giữ được là từ nhiều nguồn, phức tạp. Trong đó, bộ phận chủ thể đến từ tàng thư quan phương triều Nguyễn và Thư viện Long Cương. Ngoài ra, phần lớn là thư tịch được sưu tập từ trong dân dã. Loại thứ hai này trước khi nhập vào thư viện, có thể nói, còn giữ được “hình thái tồn tại tự nhiên” của nó. Loại thư tịch tồn tại tự nhiên này thường mang đặc trưng hợp sao và tạp sao, phô bày hình thái chân thực của văn bản dân gian. Về ý nghĩa học thuật của các văn bản dân gian này, trong tạp chí Trung Quốc xã hội khoa học số 1 năm 2003, GS. Vương Côn Ngô đã viết bài “Từ văn hiến văn học dân gian Việt Nam, nhìn nhận viễn cảnh nghiên cứu văn học Đôn Hoàng và nghiên cứu văn thể”, trong đó chỉ rõ “Cổ tịch Việt Nam thường là sách tạp sao, về phương thức truyền bá thì giống với văn hiến Đôn Hoàng. Trong thư tịch cổ Việt Nam hàm chứa rất nhiều hồ sơ về kinh tế xã hội cùng rất nhiều chủng loại và tác phẩm đã từng bị thất lạc trong lịch sử văn học Trung Hoa, nên về mặt đặc điểm nội dung của nó cũng giống với văn hiến Đôn Hoàng. Tác giả của những tác phẩm này phần nhiều là những người thuộc tầng lớp văn hóa thấp, xa cách với các tác gia truyền thống cả về mặt tư tưởng và tu dưỡng. Tính cách văn hóa này cũng giống như văn hiến Đôn Hoàng. Ngoài ra, cổ tịch Việt Nam thể hiện một kết cấu tri thức chung của các giai tầng xã hội, thể hiện một loạt văn thể mà ranh giới giữa chúng khá là mờ nhạt, rất khác với sự rạch ròi giữa nhã và tục về văn thể trong cổ tịch Trung Quốc lưu truyền các đời. Về điểm này thì cũng giống với văn hiến Đôn Hoàng...”. Nhưng điều khiến người ta lấy làm tiếc, là Đề yếu vẫn lấy quan niệm thư tịch truyền thống để xử lý loại văn hiến này, mà chưa cố gắng thể hiện được phong cách, diện mạo lịch sử của văn hiến Hán Nôm Việt Nam. Điều đó rõ ràng làm giảm ý nghĩa học thuật của nó. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, có thể tham chiếu văn hiến Đôn Hoàng, lấy tác phẩm làm đơn nguyên (chứ không lấy thư tịch làm đơn nguyên) để ghi chép về văn hiến loại tạp sao này của Việt Nam. Có như vậy mới có thể thể hiện một cách hoàn chỉnh kết cấu tri thức đặc thù hàm chứa trong từng loại điển tịch.

    7) Phân tích kỹ càng hơn nữa các điều mục ghi sách cùng tên nhưng khác sách

    Trong cổ tịch Việt Nam, tình trạng cùng tên nhưng khác sách khá nhiều. Đối với những sách này, Đề yếu có chỗ đã áp dụng phương thức xử lý chia tách điều mục. Chẳng hạn, trong các sách hát ả đào, những tác phẩm Ca điệu lược ký, Ca trù các điệu, Ca trù mỗi sách có hai đơn vị sách khác nhau nhưng trùng tên hay Ca trù thể cách có những năm đơn vị sách. Đối với những trường hợp này, Đề yếu đều căn cứ vào nội dung để xác nhận đơn nguyên thư tịch, các đơn nguyên được tách ra từng điều mục một cách độc lập. Nhưng, tình trạng sách khác nhau nhưng cùng tên bị lẫn lộn vào một điều mục thì ở trong Đề yếu tồn tại quá nhiều. Chẳng hạn, mục 4490 trang 830:

    Hội đình văn tuyển
    Nay còn 54 bản in, in ở nhà in Liễu Chàng, Uất Văn đường, Đồng Văn đường phố Hàng Gai, Hà Nội..., trong đó, bản in Liễu Chàng do Án sát sứ Nguyễn Tiến Khanh giám sát việc in ấn vào năm Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh (1838).

    Quy cách các bản in không giống nhau, dày từ 14 trang đến 1480 trang, cao từ 22 đến 31cm, rộng từ 14 đến 18,5cm.

    Văn tuyển thi Đình và thi Hội, gồm 22 khoa, từ năm Ất Mão niên hiệu Minh Mệnh (1835) đến năm Quý Sửu niên hiệu Duy Tân (1913), đều lấy đề tài từ kinh tịch thuộc các bộ Kinh, Sử, Tử, Tập, đề cập đến các vấn đề đạo đức, chính trị, kinh tế, xã hội; trong sách phụ chép tên tuổi, quê quán, kết quả thi của các thí sinh và danh sách những người đỗ cùng khoa.

    Bản 1480 trang (4 tập) và bản 1014 (3 tập) đều chép các bài thi trúng cách khoa thi Hội năm Quý Sửu niên hiệu Duy Tân, trong đó có bài văn sách viết bằng văn tự Việt Nam...

    Năm mươi tư sách Hội thí văn tuyển đó, không chỉ khác nhau về nội dung, mà về thời gian hoàn thành sách, địa điểm khắc in, độ dày mỏng, kích cỡ to nhỏ cũng không giống nhau. Rõ ràng, cần phải tách ra thành từng điều mục riêng rẽ. Làm công việc này có nghĩa là phải suy ngẫm lại vấn đề thế nào là “thư tịch”, như thế có ý nghĩa về lý luận vô cùng lớn.

    *

    Việc đi sâu nghiên cứu chỉnh lý cổ tịch Việt Nam, nhìn từ góc độ học thuật, là sự nghiệp mới mẻ, đang ở giai đoạn bắt đầu. Những người nghiên cứu dẫn đầu đi vào lĩnh vực này hẳn phải chịu vất vả khai phá chông gai. Khi chúng tôi dựa vào khoản nhuận bút nhỏ nhoi, sống trên đất khách quê người với mức sống thấp nhất, phải vượt qua những khó khăn mà người bình thường khó tưởng tượng nổi để làm công việc này, chúng tôi biết rằng, là một học giả Trung Quốc biên soạn thư mục cổ tịch Hán Nôm Việt Nam, phải trả giá cho tuổi trẻ, sức khỏe và sự bình yên cuộc đời mình. Song, cái mà chúng tôi gặt hái được chỉ là một ước mong - ước mong lao động của mình cuối cùng sẽ thúc đẩy học thuật hai nước Trung - Việt tiến lên phía trước.

    Bởi vậy, tôi không dám tự giấu mình, mà bộc bạch với mọi người điều tâm đắc và kiến nghị về những việc đã nói trên đây. Cho dù những điều bàn bạc ở đây hầu như đều là chuyện vặt vãnh, nhưng tôi cho rằng, quy phạm cơ bản của ngành nghiên cứu Hán Nôm này sẽ được hoàn thiện từ những chuyện nhỏ ấy. Ngoài ra, mặc dù nội dung chủ yếu của bài viết này là phê bình những sai sót của Đề yếu, nhưng mục đích cuối cùng của bài viết không phải ở chỗ đi tìm người chịu trách nhiệm những thiếu sót đó, mà là muốn nhân đây nhắn nhủ giới học giả nhìn thẳng vào tồn tại thiếu sót, và thông qua mối giao lưu học thuật giữa hai nước để sửa chữa những thiếu sót đó. Sửa chữa Việt Nam Hán Nôm văn hiến mục lục đề yếu là cơ sở và tiền đề phát triển rộng rãi việc nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam, văn học chữ Hán ở nước ngoài và nghiên cứu so sánh điển tịch hai nước Trung - Việt. Trước sự nghiệp vẻ vang và nghiêm túc này, tôi nguyện làm viên gạch dẫn ngọc, làm viên đá lát đường, mong được học giả Việt Nam phê bình và tham dự.

    ĐINH VĂN MINH (dịch)

    Chú thích:
    (1) Lý Trí Trung 500 câu hỏi về trí thức văn bản học cổ tịch, Nxb. Thư viện Bắc Kinh, tháng 3/2001, tr.298./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (75) 2006; Tr.64-79)
     
    Last edited: Jan 3, 2015

Share This Page