Họ Phan và gia phả họ Phan ở Thạch Châu - Hà Tĩnh

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 6, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    TS. NGUYỄN NGỌC NHUẬN
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Trong số các dòng họ có ở nước ta thì họ Phan là một trong những dòng họ có từ lâu đời(1). Từ xa xưa cùng với trăm họ, họ Phan đã có những đóng góp tích cực trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cộng đồng người Việt Nam.

    Trên vùng đất cổ Hà Tĩnh(2), từ thời Lê sơ, như chúng ta được biết không chỉ có dòng họ Phan ở Song Lộc, Can Lộc với 3 chi(3) mà còn một dòng họ Phan gốc ở xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà gồm hai chi đại tôn và tiểu tôn. Đó là chưa kể đến dòng họ Phan với các chi hiện sinh sống rải rác trên khắp mọi miền tổ quốc.

    Trong phương ngôn Hà Tĩnh có câu: “Hà Tĩnh họ Phan, Nghệ An họ Hồ” câu này có thể hiểu rằng họ Phan và họ Hồ là hai dòng họ có nguồn gốc lâu đời trên vùng đất Nghệ - Tĩnh và cũng là hai dòng họ có nhiều người đỗ đạt, có nhiều đóng góp đối với xã hội trên các lĩnh vực như: văn hóa, giáo dục, ngoại giao...(4) Có thể kể từ khoa thi chọn nhân tài đầu tiên vào năm Ất Mão (1075) đời Lý Nhân Tông đến khoa thi kết thúc vào năm Kỷ Mùi (1919) đời nhà Nguyễn, trong tổng số 2898 vị đại khoa (từ học vị Phó bảng trở lên) mà nền giáo dục phong kiến đã tuyển chọn được qua 183 khoa thi Hội và tương đương, họ Phan đã có 64 vị đỗ Đại khoa. Nếu so sánh về số lượng trong 83 họ có người đỗ đạt, họ Phan được xếp thứ 9 trong các dòng họ có nhiều ông Nghè như họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần, họ Võ - Vũ, họ Đỗ, họ Ngô...(5)

    GIA PHẢ CỦA HỌ PHAN CÓ NGUỒN GỐC Ở THẠCH CHÂU - HÀ TĨNH

    Cuốn Phan gia công phả(6) còn ghi lại: “Nghe nói trước kia tiên tổ dòng họ ta nguyên quán ở xã Ngọc Điền, huyện Thạch Hà, thuộc Ty giáo phường, quen nghề làm ruộng và am tường âm nhạc. Đến niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức đời Lê Thánh Tông (1460-1497), phụng chỉ cho coi việc Giáo phường làm phân trưởng cửa đình ở huyện. Lúc đó mới nhập tịch vào phía Tây xứ Trằm Vịt, thôn Chi Bông (sau đổi là Hữu Phương) xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc. Cho nên người trong ấp thường gọi tiên tổ [họ ta] là Ông Trằm, Mụ Trằm...” (tờ 7a). Có thể nói Ông Trằm là ông tổ đầu tiên của họ
    Phan ở Thạch Châu, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Vào thời Lê sơ, tổ tiên dòng họ Phan vốn
    có nghề làm ruộng lại giỏi âm nhạc. Theo quy định của triều đình lúc đó những người làm nghề ca nhạc do Ty giáo phường quản lý và được phân về giữ cửa đình (đình môn) các xã trong huyện. Tổ tiên họ Phan vốn ở xã Ngọc Điền, huyện Thạch Hà, do quy định trên đã phụng chỉ chuyển về thôn Chi Bông, xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay thuộc xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)(7). Cho đến đời thứ 10, 11 trong dòng họ Phan còn có người là Trùm huyện, Quan viên tử, Quan viên tôn(8) là các chức sắc trong giáo phường, một tổ chức của hát ca trù thời phong kiến ở nước ta.

    Gia phả họ Phan nguồn gốc ở Thạch Châu hiện nay còn lại 4 văn bản, trong đó có 2 văn bản hiện được lưu giữ tại thôn Gia Thiện, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; 2 văn bản khác hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, do con cháu của dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn biên soạn.

    1. Văn bản thứ nhất:

    Phan gia công phả (PGCP) chúng tôi gọi văn bản này là Văn bản A bản gốc hiện được lưu giữ tại thôn Gia Thiện, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; gồm 172 trang, chép chữ Hán xen kẽ chữ Nôm, khổ 23x12cm.

    Sách gồm 3 phần:

    Phần thứ nhất, từ trang 3 đến trang 14 là sơ đồ dòng họ Phan từ đời thứ nhất Đôn Dụ công cho đến đời thứ 13 của chi đại tôn, đời thứ 12 của chi tiểu tôn. Trong đó, từ đời thứ 7 được chia thành hai nhánh, chi trưởng là Vũ Tường hầu Phan Văn Canh thuộc đại tôn nhập tịch vào thôn Gia Thiện; chi thứ là Tăng Quận công Phan Văn Tĩnh thuộc tiểu tôn, đời này vẫn ở thôn Hữu Phương. Đời thứ 8 có Huyện thừa huyện Nông Cống là Phan Huy Công con trưởng Quận công có con cháu một chi về Tả Thanh Oai, một chi về Mao Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương. Còn Khuê Phong hầu Phan Huy Cận là con thứ 6 của Tăng Quận công đến cuối đời cũng dời về nhập tịch tại Thụy Khuê, Sài Sơn (nay thuộc tỉnh Hà Tây) lập nên một dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn.

    Phần thứ 2,từ trang 15 đến trang 160, đây là nội dung chính của cuốn gia phả dòng họ Phan. Trước khi viết về đời thứ nhất, người chép gia phả đã nhắc tới vị Tổ đầu tiên (sơ tổ) là Ông Trằm, người ở thời Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1460 - 1497), sau đó mới giới thiệu về đời thứ nhất: Tiên tổ khảo, tên thụy là Đôn Dụ phủ quân, Tiên tổ tỷ bà chính thất, tên thụy là Từ Thiện nhụ nhân... Có lẽ do thời gian xa cách khá lâu nên đời thứ nhất, thứ hai, thứ ba, người chép gia phả đã không ghi được đầy đủ tên tuổi, hành trạng của các vị này. Nếu đem so sánh với Phan tộc công phả (PTCP) ký hiệu A.2963(9) thì phần này cũng có khác, bản PTCP coi Phan Văn Đài là đời thứ nhất, còn bản PGCP (Văn bản A) coi Đôn Dụ phủ quân mới là đời thứ nhất. Ở đời thứ 3 Văn bản A còn ghi thêm: “Kính xét, theo gia phả dòng họ ở Sơn Tây(10) ghi là đời trước húy Đài (Phan Văn), đời sau húy Lâu (Phan Văn), nhưng khi khảo 3 cuốn gia phả khác thì ghi đời trước húy Lâu (Phan Văn), đời sau húy Đài (Phan Văn), cho nên chép lại để khảo cứu”.

    Sau đời thứ 6, đời thứ 8 (tiểu tôn) gia phả còn phụ chép các bà có đức hạnh của dòng họ, trong đó có bà Phan Thị Nẫm và Phan Thị Lĩnh, là con của cụ Phan Văn Kính thuộc đời thứ 6 (ông nội của Phan Huy Cận). Hai bà là cung tần của các chúa Trịnh. Bà Nẫm từng xuất tiền ra sửa chữa chùa Hoa Phát ở xã Sài Khê (Sài Sơn), còn bà Lĩnh được Khang Vương (Trịnh Căn) rất sủng ái. “Vào khoảng niên hiệu Chính Hòa thời Lê (1680-1705), bà theo xe tháp tùng [Trịnh Căn] đi tuần du phía Tây, xem phong cảnh Sài Sơn, nhân đó quyên tiền làm chùa Long Đẩu, ủy cho chánh thần soạn bài văn bia. Sau khi Khang Vương mất, bà trở về gia quán quy định lễ hậu hai làng. Đến năm Vĩnh Thịnh (1705-1719) bà lại lên kinh đô, rồi về trú ở xã Thụy Khuê, mở mang doanh tạo ao vườn (ao đó sau lưu lại cho xã làm ao công, người trong xã thường gọi là Đức Bà Ngạch. Bà lại sửa hai tòa thượng điện chùa Bối Am, khu thờ một mái, một tòa tiền đường, đúc một quả chuông lớn...” (tr.28-29). Như vậy thì có lẽ những người đầu tiên thuộc dòng họ này đặt chân đến Thụy Khuê - Sài Sơn phải là hai người cô ruột của Phan Huy Cận... Có thể do mối quan hệ nói trên mà sau này Phan Huy Cận về nhập tịch Thụy Khê(11).

    Các đời tiếp theo đều được PGCP ghi chép đầy đủ chức tước, tên thụy, tên húy, tên tự, là con của vị nào cùng ngày tháng năm sinh, tuổi thọ, ngày tháng giỗ, nơi đặt phần mộ và tên tuổi các bà vợ, tên con trai con gái của chủ hộ... Nhiều nhân vật sinh thời có nhiều đóng góp với xã hội, dòng tộc đã được ghi chép khá tỉ mỉ như trường hợp của ông Phan Huy Cận (thuộc đời thứ 8 là thân phụ của Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn) đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), Đặc tiến Kim tử Vinh lộc thượng đại phu, Nhập thị Kinh diên Bình chương trọng sự, kiêm Nhập thị Tham tụng Quốc sử quán Tổng tài Khuê Phong hầu, gia phong Trác vĩ Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng tôn thần. Lúc nhỏ “ông tên húy là Cận sau vì kỵ húy với Đông cung nên đổi là Áng, con thứ 6 cụ Quận công và bà Tự phu nhân. Ông sinh giờ Thìn ngày mùng 2 tháng 7 năm Nhâm Dần, niên hiệu Bảo Thái triều Lê năm thứ 3 (1722)... Năm Giáp Tuất (1754) đi thi Hội trúng Hội nguyên, vào Điện thí ông được chấm đồng Tiến sĩ đệ tứ. Năm Ất Hợi (1755) đăng triều nhậm chức Binh khoa cấp sự... Năm Tân Tỵ 1761 triều Thanh sai sứ sang sách phong, ông được đặc mệnh thự Đốc đồng kiêm Thiêm sai tri phiên, ông được tùy nghi sai phái việc quan, công việc đều ổn thỏa. Năm Nhâm Ngọ (1762), ông được phái đi sứ sang Thanh tạ ân, khi về lại giữ nguyên chức Thiêm sai. Ông vốn tính cương trực nên bị quyền thần không ưa, thường hay bị dèm pha... Ông làm phụ chính đã nhiều năm, công việc đều hoàn tất. Đến năm Ất Tỵ ông xin thôi chức Bồi tụng nhưng không được trên chuẩn, được thăng chức Giảng quan Thự Công bộ.

    Đến năm Chiêu Thống thứ 2 (1788) ông được ấm phong Lễ bộ Thị lang. Giờ Tỵ ngày 12 tháng 4 năm Kỷ Dậu (1789) ông mất, thọ 68 tuổi, hiệu là Thận Trai, tên thụy là Văn Đạt, phần mộ đặt tại xứ Cây Bằng Thượng Cách, Nhâm sơn Bính hướng (theo hướng bắc nam) (trong nguyên văn tr.46-54).

    Sau đó người chép gia phả còn đưa ra lời nhận xét, đánh giá về Tiến sĩ Phan Huy Cận: “Ông là người phát khoa cho họ ta đầu tiên... Ông giỏi địa lý làm nhà thờ, làm hậu miếu cho hai thôn, bên tả thì đặt chợ Phủ, bên hữu thì đào giếng, lại chọn đất làm văn chỉ cho tổng, cho xã và thần từ cho thôn Hữu Phương và phần mộ cho các vị tiên nhân. Xem như vậy ông là người có huân nghiệp chốn triều đình, đức trạch ở họ hàng, khôi khoa hiển hoạn được ghi bia đá nước nhà, đến nay còn hiển hách rạng rỡ” (nguyên văn tr.54-55).

    Ở đây Tiến sĩ Phan Huy Cận được xem là người khai khoa, người đỗ Tiến sĩ đầu tiên của dòng họ, mở ra tiền lệ cho thế hệ những người kế tiếp như: Tiến sĩ Phan Huy Ích (đỗ năm 1775), Tiến sĩ Phan Huy Ôn (đỗ năm 1780), Tiến sĩ Mộng Đinh (con của Phồn Khê công Phan Huy Chỉ)...

    Đối với Phan Huy Thực là tác giả của tác phẩm Nôm nổi tiếng Tỳ bà diễn âm được PGCP ghi lại như sau: “... Ông tên húy là Thực, tên tự là Vỵ Chỉ, là con thứ hai cụ Dụ Am hầu, ông sinh giờ Tỵ ngày 5 tháng 10, năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (1778). Năm thứ 12 niên hiệu Gia Long (1813) ông được ứng triệu cử làm Phó sứ sang Thanh, năm Canh Thìn niên hiệu Minh Mạng thứ nhất (1820) ông làm Hiệp trấn tỉnh Lạng Sơn nửa kỳ, từ đó ba lần làm Thượng thư Bộ Lễ, năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1741) ông xin về nghỉ. Đến năm thứ 2, thánh giá bắc tuần, ông tới yết kiến ở hành điện, nhà vua ban cho một thỏi bạc và một bài thơ... Ông mất vào giờ Dần ngày 11 tháng 2 năm Giáp Thìn (1844), thọ 67 tuổi, phần mộ ở Đường Le, xã Thụy Khuê, đặt theo hướng bắc nam. Năm thứ 11 niên hiệu Tự Đức thời Nguyễn (1858) ông được dự vào đền thờ của các bày tôi hiền lương... Tác phẩm của ông có: Hoa Thiều tập, Tỳ bà diễn âm, Nhân ảnh vấn đáp từ”. (nguyên văn tr.76-77).

    Về Phan Huy Chú nhà văn, nhà bác học lỗi lạc, tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị được ghi lại trong PGCP như sau: “... Ông tên húy là Chú, tên chữ là Lâm Khanh, sinh năm Nhâm Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1782), con thứ ba cụ Dụ Am hầu, khoa Đinh Mão (1807), Kỷ Mão (1819) đời Gia Long đều đậu Tú tài(12), tháng giêng năm thứ 2 niên hiệu Minh Mạng (1821) ông được bổ thụ Hàn lâm viện Biên tu, rồi làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn tỉnh Quảng Nam, phụng mệnh hai lần đi sứ phương Bắc, sau đó bị khiển trách, đến năm thứ 15 được phục hồi làm Công bộ tư vụ, bị đau chân xin về nghỉ dạy học, sau thăng Thị giảng sung Sứ bộ. Tác phẩm của ông có: Bình Định quy trang, Hoa thiều ngâm lục, Hoa thiều tục ngâm, Dương trình ký kiến, Lịch triều hiến chương (4 quyển)(13). Ông mất năm Minh Mạng thứ 21 (1840), thọ 59 tuổi” (nguyên văn tr.78).

    Sau những trang ghi chép theo thế thứ các đời thì đến đoạn Bản tộc hợp tế từ vũ (nguyên văn trang 127- 129), phần 2 của văn bản PGCP đã cho biết việc xây dựng và trùng tu nhà thờ họ Phan ở xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ. Bắt đầu từ thời Cảnh Hưng (vào năm 1779) nhà thờ họ được Tiến sĩ Phan Huy Cận khởi công xây dựng, đến năm Bính Ngọ (1786) do binh hỏa nhà thờ bị cháy... Sau nhiều lần được trùng tu, cho đến năm Bảo Đại thứ 5 (1930) thời Nguyễn, nhà thờ họ được Tiến sĩ Mộng Đinh trùng tu lần cuối.

    Trong Bản tộc hợp tế từ tự điển (nguyên văn tr.130-139) của phần 2 người biên soạn gia phả đã ghi lại lệ định trong nội tộc liên quan tới điển lệ thờ cúng và những vị được đưa vào thờ ở gian chính: “... Nếu ai thi đỗ Tiến sĩ, quan văn từ Án sát, quan võ từ Lãnh binh trở lên mới được đưa vào thờ ở gian chính trung, án thứ 2 để biểu dương khuyến khích, cho đến các vị Thị nội cung tần đã đóng góp những điều tốt đẹp cho dòng họ và có công với bản tộc ta được nêu ở hàng trên. Còn như người nào được hiển quý, nhưng không có công đức thì không được liệt vào hàng đó”.

    Phần 2, người biên soạn còn chép thêm hai bài văn bia, một ở đền thờ họ tại thôn Gia Thiện với tiêu đề: Tôn Hậu thần lập thường bi ký (Bia ghi việc tôn hậu thần lập ra để thờ cúng lâu dài) do Tiến sĩ khoa Ất Sửu Nguyễn Đổng soạn năm Giáp Ngọ niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 thời Lê (1714). Tấm bia thứ 2 có tiêu đề: Đức Quang phủ, Thiên Lộc huyện, Canh Hoạch, Thu Hoạch đẳng xã, Hữu Phương, Gia Thiện đẳng thôn Hậu thần bi ký. (Bia ghi Hậu thần ở các thôn Hữu Phương, Gia Thiện, các xã Thu Hoạch, Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang) do Tiến sĩ khoa Tân Hợi là Đỗ Huy Kỳ soạn vào năm thứ 3 niên hiệu Long Đức (1734).

    Cuối Phần 2 còn phụ chép thêm 1 bài tựa do Phan Huy Dũng soạn vào hạ tuần tháng 8 năm Đinh Mùi, niên hiệu Duy Tân năm thứ nhất (1907). Bài tựa này được chép thêm về sau bằng kiểu chữ khác, bút loại khác so với những phần trên. Có thể bài tựa được người sau chép thêm vào từ một cuốn phả do Phan Huy Dũng biên soạn, tương tự như bản Phan tộc công phả mang ký hiệu A.2963 hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm(14).

    Phần thứ 3,trong nguyên văn từ trang 161 đến 171, gồm 10 tấm bản đồ vẽ địa thế các khu vực đặt phần mộ của các nhân vật chính trong dòng họ Phan. Như bản đồ ở trang 166 trong PGCP, vẽ hình con cá chép là nơi đặt phần mộ của Tham đốc thần vũ Tứ vệ quân Thiều Quang Quận công(15). Như bản đồ ở trang 167 trong PGCP, vẽ khu đất ở xứ Cồn Mỹ hình vị tiên, nơi đặt phần mộ của Tài Lương hầu Phan Văn Lan (đời thứ năm).

    * Về tác giả của văn bản PGCP: có lẽ văn bản PGCP được chép từ một cuốn PGCP trước đó, là gia phả được biên soạn cẩn thận, theo thể thức nhất định của cách viết gia phả. Như chúng ta biết, dòng họ Phan từng có nhiều người học hành, đỗ đạt nên việc viết gia phả để lại cho con cháu mai sau đã sớm được quan tâm, từ đời thứ 8 của dòng họ thời Tiến sĩ Phan Huy Cận (1722-1789) vào những năm cuối đời ông dâng biểu từ chức, “từ đó về sau ông về quê nhà nhàn dưỡng, dạy dỗ con trẻ và soạn gia phả được một quyển”. Bản PGCP có nguồn gốc từ thôn Gia Thiện, xã Thạch Châu, Hà Tĩnh, do không chép bài tựa, bài dẫn, không ghi người biên soạn gia phả nên việc tìm ai là tác giả của bản PGCP cần có thêm những dữ liệu cho việc xác định này.

    * Về niên đại của bản PGCP (Bản A): khi đi tìm những chữ viết kiêng húy trên văn bản, chúng tôi thấy ở dòng 3 trang 147, dòng 6 trang 151, chữ “Nhậm” ( 任) được viết kiêng húy là “Nhậm” ( ) đây là cách viết kiêng húy thời Tự Đức (1848-1883). Trong nguyên văn chúng tôi còn ghi lại được nhiều sự kiện, thời điểm mà căn cứ vào đó có thể xác định được niên đại sớm nhất của văn bản, như:

    - Phủ tá phủ Thái Bình là Phan Văn Sính (đời thứ 10) “Năm Kỷ Tỵ niên hiệu Bảo Đại thứ 4 (1929) cho người cháu ngoại là Hội viên Phạm Khuê gửi bạc về xây mộ ở thôn Vĩnh Lộc, năm đó cụ Mộng Đinh ở Thanh Hóa có khắc đá làm mộ chí đặt trước mộ” (nguyên văn tr.82).

    - Bà chính thất của Phồn Khê công Phan Huy Chỉ, là Lê Thị Hòe, năm bà 18 tuổi về làm dâu họ Phan, năm 19 tuổi chồng mất, bà ở vậy nuôi con học hành đỗ đạt. Đến tháng giêng năm Ất Tỵ (1905) phụng chuẩn khâm tứ ban cho tấm biển trên khắc: “Tiết hạnh khả phong”(16), được sơn son thiếp vàng, lại phong cho là: “Tòng tứ phẩm cung nhân”(17). Năm Canh Ngọ niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930) lại được chuẩn thưởng tấm kim bội hạng nhì (một bên khắc: “Quỳnh giao vĩnh hảo”(18), một bên khắc: “Bảo Đại niên tạo”(19)và cho treo bức thùy anh huyền bội, nội dung ghi: “Quả cư trợ tử hiền hạnh khả gia”(20) để khuyến khích đức hạnh tốt đẹp” (nguyên văn tr.101-102).

    - Năm Bảo Đại thứ 3 (1928), cụ Mộng Đinh làm Án sát Thanh Hóa, đã quyên tiền về tu bổ lợp ngói hạ đường, đến năm thứ 5 (1930) lại đem tiền về tu bổ thượng đường và hai bên chái nhà, cả hai lần tu bổ không dưới 400 đồng, gạch gỗ rất kiên cố, quy mô rất mới...” (nguyên văn tr.129).

    Với những sự kiện gắn với niên đại đã dẫn chứng ra ở phần trên, cho phép chúng ta xác định được niên đại của PGCP (Văn bản A): đó là một cuốn gia phả xuất hiện không sớm hơn nên hiệu Bảo Đại năm thứ 3 (1930) thời Nguyễn.

    2. Văn bản thứ 2:

    Phan gia công phả (PGCP) chúng tôi gọi văn bản này là Văn bản B, bản gốc hiện được lưu giữ tại thôn Gia Thiện, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sách gồm 142 trang, chép chữ Hán xen kẽ chữ Nôm, khổ sách 23x12cm.

    Khi đem so sánh đối chiếu giữa Văn bản AVăn bản B chúng tôi nhận thấy 2 văn bản có nhiều điểm giống nhau, tiêu đề sách đều được ghi là: Phan gia công phả, đối chiếu qua các đời hai văn bản được chép giống nhau, nếu có khác nhau chỉ là sự chênh giữa các trang của hai văn bản. Khi đối chiếu vào từng phần, chúng tôi nhận thấy Văn bản B còn lại những trang cuối của phần Phụ lục nữ hạnh (Phụ chép các bà có đức hạnh)(21) và bắt đầu từ đời thứ 7. Văn bản B mất những trang đầu chỉ còn lại phần thứ 2phần thứ 3. Văn bản B có thể bổ sung và đính chính một vài chi tiết sai ở Văn bản A khi tiến hành việc dịch nghĩa và chú thích cuốn PGCP. Như trường hợp do Văn bản A nguyên bản trang 70-71 chép thiếu 1 dòng: “Huyện thừa công húy Hằng, Trung úy hầu đệ tam tử kỵ nhật... Mộ tại Đồng Các xứ” (Huyện thừa công, tên húy là Hằng, là con thứ 3 cụ Trung úy hầu, ngày giỗ... Mộ tại xứ Đồng Các) nên dẫn đến sự nhầm lẫn của Văn bản A coi Huyện thừa Phan Văn Tế là thân phụ của Phan Văn Sính và Phan Văn Ngọc.

    Trên cơ sở đối chiếu so sánh từng phần giữa Văn bản AVăn bản B, chúng tôi đưa ra nhận xét bước đầu như sau: hai văn bản trên nội dung tương tự nên có thể được sao chép ra từ cùng một bản gốc có tên là Phan gia công phả được biên soạn trước đó.

    3. Văn bản thứ 3:

    Phan tộc công phả (PTCP), chúng tôi gọi văn bản này là Văn bản C, bản gốc hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (ký hiệu A.2963), sách viết tay chữ Hán, xen kẽ chữ Nôm, 156 trang khổ 30x21cm, có 1 nguyên dẫn, 1 tựa, 1 phàm lệ, có hình vẽ sơ đồ những khu mộ táng các vị trong dòng tộc (5 trang).

    Văn bản PTCP (tờ 4a) cho biết Ông Trằm là sơ tổ của dòng họ tên thuỵ là Đôn Dụ phủ quân “bản tộc nguyên quán ở thôn Chi Bông (Hữu Phương) xã Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh) đời đời làm nghề nông kiêm thanh nhạc, sau này dời sang thôn Gia Mỹ Đoài, xã Canh Hoạch”. Phả này chép từ sơ tổ đến đời thứ 14, bắt đầu từ tổ đời thứ nhất tên húy là Văn Đài, tên thụy là Trang Minh phủ quân(22). Ở từng đời đều ghi tên tuổi, năm sinh, năm mất, hành trạng, về vợ con của mỗi người .

    Phần cuối của PTCP còn chép thêm văn bia, văn tế, bài văn mừng thọ Phan Huy Ích 60 tuổi của Ngô Thì Hiệu và Ngô Thì Tính; bài phú Phan Thượng thư quy Sài nham của Cao Bá Quát(23); bài Tiến thư biểu của Phan Huy Chú(24).

    Bản PTCP do Phan Huy Dũng(25) biên soạn; ông đã viết bài dẫn và phàm lệ vào mùa xuân năm Canh Dần, niên hiệu Thành Thái (1890); viết bài tựa tân biên năm Duy Tân thứ nhất (1907). Trong bài tựa Phan Huy Dũng nói về quá trình viết cuốn PTCP: “Cuốn Bản tộc công phả do Dũng tôi biên soạn từ những năm trước, về thể tài phàm lệ lời dẫn đầy đủ. Sau đó (thì tôi đi làm việc) khắp vùng đất phía nam, trong suốt 15 năm trời, việc nhà có điều không lo tới được. Nay mới được trên cho về nghỉ hưu. Về quê xét lại trong dòng họ thì thấy tình hình hiện tại so với những điều đã biên soạn từ những năm trước có nhiều sai khác. Đầu tiên, hai đời Tiên công nay mới thêm Thần hiệu. Cha mẹ nhiều lần được vinh hiển ban tặng sắc phong. Tiếp đó có nhiều vị nối nhau mang lại tiếng thơm do thi đỗ trung khoa, tiểu khoa. Người giữ hàm tước trong các viện, người được phong chức tước quận công, người ra làm quan, người ra làm tướng, đó đều là những thay đổi cần được chép vào gia phả, mà phả soạn trước đều chưa có... Tôi bèn căn cứ vào thể lệ chép phả cũ, sửa lại thành một bản phả mới, sau phả chép thêm những người thuộc hàng đời thứ 12, bổ sung những sự việc trong 20 năm gần đây, đặt tên là Công phả tân biên...”

    Từ bản PTCP chúng tôi tìm thấy một vài chi tiết có thể bổ sung vào tiểu sử của nhân vật trong dòng họ Phan mà ở các cuốn phả khác còn khuyết. Như trường hợp đời thứ 8 có Phan Huy Ích(26) tên tự là Khiêm Thụ Phủ tên hiệu là Dụ Am là con trưởng của Tiến sĩ Phan Huy Cận, trong văn bản PTCP đã cho biết thêm về sáng tác của ông có: “các bộ sách về Ngâm lục, Văn tập(27) cùng Chinh phụ ngâm diễn âm khúc(28) (Sở soạn hữu Ngâm lục, Văn tập đẳng bộ cập Chinh phụ âm diễn âm khúc) tờ 10a.

    4. Văn bản thứ 4:

    Phan gia thế tự lục (PGTTL), chúng tôi gọi văn bản này là Văn bản D, bản gốc hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2691, sách viết tay, chữ Hán xen kẽ chữ Nôm, 146 trang, khổ 27x16cm. Sách do Phan Huy Quýnh biên soạn tại Sài Sơn năm Bính Tuất, Minh Mệnh thời Nguyễn (1826). Trong những trang đầu tiên người biên soạn viết: “Đời trước của dòng họ Phan là người thôn Chi Bông xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc theo nghiệp nông lấy âm nhạc làm nghề. Sau dời sang thôn Gia Mỹ Đoài xã Canh Hoạch và nhập tịch ở đó... Tiên tổ hiệu Ông Trằm, tỷ hiệu Mụ Trằm” (tờ 3a).

    Cuốn PGTTL tuy không được người biên soạn gọi là thế phả hoặc gia phả, nhưng như chúng ta được biết loại hình thư tịch này ở Trung Quốc ngoài cách gọi là phả còn có các cách gọi khác nhau như: lục, kí, chí, bạ, thặng, điệp, sử, hệ, tập, khảo, biên, truyện... kết hợp với các chữ chỉ dòng họ như: gia, tộc, tông, thế, thế hệ, thế gia, tính, chi, bản chi, thị tộc,thống tông, tông thế... tất cả trên 80 cách gọi khác nhau(29). Cho nên cuốn PGTTL có thể coi là một cuốn gia phả, là nguồn tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu tiểu sử nhân vật, nghiên cứu về dòng họ Phan ở Thạch Châu, Hà Tĩnh và chi họ Phan Huy ở Sài Sơn.

    Cuốn PGTTL đã nêu hệ thống các đời của dòng họ Phan, về hành trạng của những nhân vật hiển đạt trong dòng họ. Đặc biệt, cuốn gia phả ghi lại khá đầy đủ về hành trạng và những công tích đối với dòng tộc và đất nước của Tiến sĩ Phan Huy Cận và con trai của ông là Tiến sĩ Phan Huy Ích. Về Khuê Phong hầu Phan Huy Cận, là ông tổ khai khoa của dòng họ đã được PGTTL ghi lại tiểu sử, hành trạng của ông với 22 trang sách (từ tờ 12 đến tờ 22). Còn về Thụy Nham hầu Phan Huy Ích, là con trưởng của Phan Huy Cận, một danh thần đã đóng góp vào việc nội trị và ngoại giao thời Tây Sơn, ông được cuốn PGTTL ghi lại với 45 trang (từ tờ 25b đến tờ 48a). Qua đó người đọc biết được ông đỗ Tiến sĩ năm Ất Mùi (1775) thời Lê làm quan tới chức Hàn lâm thừa chỉ. Sau khi nhà Lê mất, ông được triều Tây Sơn mời ra giao cho trọng trách lo việc bang giao với nhà Thanh và các nước láng giềng. Năm Canh Tuất (1790) ông được sung vào đoàn sứ bộ “Giả vương” sang Thanh chúc thọ Hoàng đế Càn Long. Trở về ông được thăng chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Thụy Nham hầu. Khi nhà Tây Sơn mất ông về làng Thụy Khuê làm thơ, viết sách rồi qua đời ở đó, ông thọ 73 tuổi.

    Cuốn PGTTL còn cho người đọc biết thêm những chi tiết xung quanh mối quan hệ giữa Tiến sĩ Phan Huy Ích với mưu sĩ của Nguyễn Huệ: “Vào cuối thời Thịnh Vương Trịnh Sâm có người cống sĩ ở Thuận Hóa là Trần Văn Kỷ đến kinh dự kỳ thi Hội, từng gặp gỡ Phan Huy Ích và rất kính phục ông. Đến khi Trần Văn Kỷ làm quan cho Tây Sơn, đã khuyên vua Tây Sơn nên chiêu dụ ông” (tờ 33a)(30). Trong việc bang giao với nhà Thanh, cùng với Ngô Thì Nhậm(31), Phan Huy Ích đã được triều Tây Sơn trọng dụng, điều đó đã được ghi lại trong PGTTL như sau: “Vua Tây Sơn cho rằng bang giao là việc quan hệ rất lớn, đặc biệt uỷ nhiệm cho ông cùng với bá cữu(32) lo việc này” (tờ 34a)(33).

    Trên cơ sở đối chiếu, so sánh 4 văn bản: gồm 2 văn bản PGCP (Văn bản A Văn bản B), (PTCP: Văn bản C), (PGTTL: Văn bản D), chúng tôi chọn PGCP (Văn bản A) làm bản gốc và là bản đáng tin cậy để tiến hành dịch nghĩa, chú thích và công bố sau này.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    PGCP (Văn bản A) là một cuốn gia phả quý, được biên soạn theo một thể thức khá chuẩn mực. Cuốn sách được viết một cách có hệ thống từ đời thứ nhất đến đời thứ 13 của chi đại tôn, đời thứ 12 của chi tiểu tôn. PGCP lại có nguồn gốc từ thôn Gia Thiện, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

    DÒNG HỌ PHAN Ở THẠCH CHÂU VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP ĐỐI VỚI XÃ HỘI

    Gia phả như một tấm gương nhỏ phản chiếu về dòng họ trong dòng chảy lớn của lịch sử. “Tấm gương nhỏ” PGCP đã cung cấp cho người đọc những hiểu biết về đóng góp của dòng họ Phan có nguồn gốc từ Thạch Châu - Hà Tĩnh đối với xã hội ở các lĩnh vực như: văn hóa, giáo dục, chính trị, ngoại giao...

    PGCP cho chúng ta biết, vào thời kỳ đất nước xảy ra nhiều biến động lớn, những thế hệ đầu của dòng họ như ở đời thứ 4, thứ 5, thứ 6 và thứ 7 đã có các vị: Phan Văn Nguyên, Phan Văn Lan, Phan Văn Kính, Phan Văn Canh, Phan Văn Tĩnh... đã theo nghiệp binh và có nhiều công tích dẹp giặc, được triều đình phong tước hầu, tước bá, có vị còn được tấn phong Quận công và là bậc huân thần của đất nước.

    Đến đời thứ 8, Tiến sĩ Phan Huy Cận là người đỗ đại khoa đầu tiên, là người mở đầu dòng khoa bảng của họ Phan, sau đó là các thế hệ kế tiếp như: Tiến sĩ Phan Huy Ích, Tiến sĩ Phan Huy Ôn, Tiến sĩ Phan Huy Huệ... Và những vị như Phan Huy Sảng, Phan Huy Thự, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Đàm... cũng nối tiếp truyền thống khoa cử, lều chõng đi thi, dù không đỗ Tiến sĩ nhưng cũng đã đỗ vào hàng Cử nhân, Tú tài, góp phần làm rạng danh dòng họ. Trong số đó nhiều người ra làm quan, có người trở về quê hương dạy học và sáng tác văn học.

    Trong dòng họ Phan có một thế hệ hoạt động trên lĩnh vực bang giao, là sứ thần được cử đi sứ phương Bắc, cầm tiết ngọc mang sứ mệnh của nước nhà để đối đãi với nước láng giềng như người xưa đã từng có câu: “Không làm khanh tướng thì làm sứ giả”. Những vị đó không những đã làm rạng danh cho dòng họ mà còn góp phần đem lại vẻ vang cho đất nước như: Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú, Phan Huy Vịnh... Có những người sau chuyến hành trình trở về không những hoàn thành sứ mệnh được triều đình giao phó mà còn có những sáng tác văn thơ giá trị như các tập thơ: Tinh sà kỷ hành, Hoa thiều tạp vịnh, Hoa thiều ngâm lục, Hoa thiều tục ngâm, Dương trình ký kiến...

    Trên lĩnh vực bang giao giữa triều Tây Sơn và triều Thanh, Tiến sĩ Phan Huy Ích đã có nhiều đóng góp quan trọng. Ông còn là tác gia viết văn chính luận nổi tiếng thời Tây Sơn, trong suốt cuộc đời hoạt động ngoại giao Phan Huy Ích đã viết được 102 bài biểu và thư từ trao đổi với triều nhà Thanh. Những biểu chương, thư trát của ông mang nội dung hết sức phong phú không chỉ đề cao được tư tưởng chính nghĩa của triều Tây Sơn đối với triều Mãn Thanh mà còn mang tinh thần hòa hiếu trên cơ sở bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc.

    Trong lĩnh vực văn hóa, dòng họ Phan cũng đóng góp vào kho tàng thư tịch của dân tộc một khối lượng tác phẩm đáng kể, từ tác phẩm thơ ca cho đến những bộ sách khảo cứu có giá trị như một bách khoa toàn thư. Có thể kể ra như sau: Dụ Am văn tập, Dụ Am ngâm lục, Lịch triều điển cố, Khoa bảng tiêu kỳ, Liệt huyện đăng khoa khảo, Chỉ Am thi tập, Nghệ An tạp ký, Thần quật ký, Chỉ minh tập thành toán pháp, Tu bổ liệt huyện đăng khoa khảo, Lịch đại điển yếu, Kinh sử toát yếu, Phan gia thế tự lục, Khuê Nhạc thi văn tập, Nhân ảnh vấn đáp, Lịch triếu hiến chương loại chí, Hoàng Việt dư địa chí, Bình định Quy trang, Phan tộc công phả, Phan gia công phả...Chúng ta không thể không nhắc tới những tác phẩm Nôm nổi tiếng như: Chinh phụ ngâm diễn âm khúc của Phan Huy Ích, Tỳ Bà hành diễn âm khúc của Phan Huy Thực.

    Trên đây là một số vấn đề được chúng tôi đưa ra sau quá trình khảo cứu về dòng họ Phan tại Thạch Châu, Hà Tĩnh thông qua những cuốn gia phả. Chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu về dòng họ Phan cần được tiếp tục để làm sáng tỏ nhiều vấn đề hơn nữa nhằm góp phần vào việc nghiên cứu về gia phả cũng như về dòng họ.

    Chú thích:
    (1) Theo truyền thuyết từ thời các vua Hùng có ông Phan Tây Nhạc, quê gốc Hà Trung, Châu Ái (Thanh Hóa) là bộ tướng của Tản Viên Sơn Thánh, con rể của Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) có công đánh giặc giữ nước được tôn thần, hiện nay được thờ là thành hoàng tại đình làng Thị Cấm và Hòe Thị thuộc xã Xuân Phương huyện Từ Liêm, Hà Nội.
    (2) Vào thời Bắc thuộc vùng đất Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa thuộc quận Cửu Chân.
    (3) Trong gia phả họ Phan của Thám hoa Phan Kính (thế kỷ XVIII) ở Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, ở phần mở đầu có ghi rằng: “Con cháu ta là dòng dõi Thủ lĩnh Nghệ An trại chủ, quan Nội hầu thuộc triều Trần, tỉnh Nghệ An”. Cũng theo cuốn gia phả này thì “Họ Phan ở Hà Tĩnh có 3 chi: một là Đa Hoạch ở huyện Thiên Lộc, hai là Phan Xá ở huyện Nghi Xuân và ba là Yên Trung ở huyện La Sơn” (dẫn theo Phan Duy Kha: Về gia phả họ Phan của Hoàng giáp Phan Chính Nghị, trong Cội nguồn 6. Nxb. Văn hóa Thông tin, H. 2006).
    (4) Phan Duy Kha, Sđd.
    (5) Dẫn theo tài liệu của PGS. Phan Văn Các trong bài Truyền thống hiếu học của họ Phan.
    (6) Trong khi tiến hành việc nghiên cứu dịch thuật gia phả dòng họ Phan, chúng tôi đã được GS. Phan Huy Lê cung cấp bản chụp của 2 văn bản Phan gia công phả trong đó có 1 bản giữ được nguyên vẹn tất cả các trang, 1 bản bị mất một số trang đầu.
    (7) Xem thêm bài Về dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn của GS. Phan Huy Lê trong Phan Huy Chú và dòng và Phan Huy, Sở Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình, 1983.
    (8) Đời thứ 10: Quan viên tử kiêm Trùm huyện, tên húy là Bỉnh (Phan Văn Bỉnh), tên chữ là Chương, là con trưởng cụ Phan Văn Châu thuộc chi đại tôn. Đời thứ 11: Quan viên tôn kiêm Tướng sĩ lang Tri sự điện Thừa hoa tên húy là Văn Xán (Phan Văn Xán) là con trưởng cụ Trùm huyện. Trùm huyện là người đứng đầu trong Giáo phường.
    (9) Văn bản Phan tộc công phả ký hiệu A.2963 hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
    (10) Ở đây chỉ dòng họ Phan ở Sài Sơn (nay thuộc Hà Tây).
    (11) Theo ý kiến của ông Nguyễn Vinh Phúc trong Phan Huy Chú và dòng văn Phan Huy (phần phụ chú), Sđd, tr.178.
    (12) Ông đi thi hai lần chỉ đỗ Tú tài, nên mọi người thường gọi Phan Huy Chú là ông Kép Thày.
    (13) Để hoàn thành công trình bách khoa đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí (gồm 10 chí) ông phải “đóng cửa tạ khách” miệt mài trong suốt 10 năm trời khảo cứu, sưu tầm trên nhiều lĩnh vực.
    (14) Vì đây là bài tựa của Phan Huy Dũng được chép thêm về sau, nên chúng tôi đưa vào chú thích trong phần dịch văn bản PGCP (N.D).
    (15) Thiều Quang Quận công tên húy là Phan Văn Nguyên, đời thứ tư.
    (16) Tiết hạnh khả phong: nghĩa là giữ được tiết hạnh đáng làm gương mẫu.
    (17) Bậc ngang tứ phẩm.
    (18) Ngọc Quỳnh, Ngọc Giao mãi mãi tốt đẹp.
    (19) Được làm vào năm Bảo Đại.
    (20) Nghĩa là: ở vậy nuôi con, đức hạnh đáng được thưởng
    (21) Văn bản A ở trang 27, Văn bản B ở trang 2.
    (22) Trong PGCP (Văn bản A) chép đời thứ nhất là Đôn Dụ phủ quân, còn Phan Văn Đài thuộc đời thứ 3 tên thụy là Thuần Mục phủ quân .
    (23) Trong bài phú này Cao Bá Quát đã đánh giá cao nhân cách và sự nghiệp văn học của Phan Huy Thực (người con thứ 2 của Phan Huy Ích).
    (24) Bài Tiến thư biểu của Phan Huy Chú được viết khi ông dâng bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí cho vua Minh Mệnh, được nhà vua thưởng cho 30 lạng bạc, 1 áo sa, 30 bút lông, 30 thỏi mực.
    (25) Phan Huy Dũng tên hiệu là Uy Nhạc, tên thụy là Ôn Mục phủ quân, Ông là con thứ hai cụ Điềm Hiên Phan Huy Lãm, sinh năm 1842 mất năm 1912, thọ 71 tuổi. Ông từng đỗ Giải nguyên khoa Giáp Tuất (1874), làm quan đến chức Án sát tỉnh Quảng Nam, Bố chánh tỉnh Bình Định... thời Nguyễn.
    (26) Trong văn bản Phan gia công phả (Văn bản A, B) Phan Huy Ích được xếp vào đời thứ 9 .
    (27) Ngâm lụcDụ Am ngâm lục; Văn tậpDụ Am văn tập là hai bộ sách lớn của Phan Huy Ích.
    (28) Phan Huy Ích là một trong những dịch giả cuốn Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, trong Dụ Am ngâm lục còn lưu lại một bài thơ của Phan Huy Ích làm sau khi diễn âm xong khúc Chinh phụ ngâm. Đó là bài Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu thuật (thuật lại việc diễn xong khúc Chinh phụ ngâm).
    (29) Xem thêm bài Giá trị của gia phả của PGS. Phan Văn Các, đăng trong tạp chí Dân tộc và thời đại, số 65, tháng 4-2004.
    (30) Nguyên văn: “Sơ Thịnh Vương vãn niên, Thuận Hóa Cống sĩ Trần Văn Kỷ phó kinh Hội thí, thường sự đại nhân khoản tự thâm kiến kính phục, dự thi vi Tây Sơn chính thần, khuyến Tây Sơn vương nghi chiêu dụng”.
    (31) Ngô Thì Nhậm (1746-1803), tự là Hy Doãn, người Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) là con trai của Ngô Thì Sĩ, đậu Tiến sĩ thời Lê. Ông là người có tài, khi nhà Lê mất ông được triều Tây Sơn trọng dụng.
    (32) Bá cữu: chỉ Ngô Thì Nhậm, vì Phan Huy Ích lấy em gái của Ngô Thì Nhậm là bà Ngô Thị Thục.
    (33) Nguyên văn: “Tây quan dĩ bang giao vi đại quan hệ, đặc ủy đại nhân dữ bá cữu công, đồng lĩnh kỳ sự”./.


    Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (78) 2006; Tr.10-20
     

Share This Page