Khoa Cúng Đức Phật Bà Quán Âm

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 2, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    KHOA CÚNG ĐỨC PHẬT BÀ QUÁN ÂM

    Đại đức THÍCH THIỆN MINH

    Hình tượng đức phật Bà Quán Âm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Trải qua năm tháng lâu dài người ta sáng tác nhiều thể loại văn học để tán thán công đức của phật. Trong đó có nhiều bài khoa cúng, văn chầu, chẳng hạn như khoa cúng đức Phật bà Quán Âm được chép trong sách Cúng văn tạp lục lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.3066. Chưa rõ soạn giả là ai và được sao chép vào thời gian nào? Nguyên bản viết bằng chữ Nôm xen chữ Hán theo lối thơ lục bát và thơ năm chữ, gồm 4 trang. Mỗi trang có 6 dòng, mỗi dòng chia 2 hàng, tất cả gồm 40 câu.

    Sự tích Phật Bà Quan Âm tu hành đắc đạo ở chùa Hương Tích là một sự kiện hết sức nổi tiếng. Bà vốn là con gái thứ ba của Vua nước Hưng Lâm tên là Diệu Thiện. Công chúa Diệu Thiện nết na, xinh đẹp giàu lòng từ bi mộ đạo. Bà xin phép vua cha cho được xuất gia tu hành đèn hương thờì Phật. Buổi đầu vua Trang Vương của nước Hưng Lâm hết sức phản đối, tìm đủ mọi cách để ngăn. Diệu Thiện rất bền chí vững tâm. Vượt qua muôn vàn gian khó lặn lội và tu luyện ở chùa Hương Tích, cuối cùng cũng đắc đạo bước lên đài sen. Hơn thế nữa bà còn hóa phép thần thông chữa bệnh hiểm nghèo cho vua cha, và sau đó thực hiện sứ mệnh cứu nạn cứu khổ cho biết bao kiếp người trong cõi đời ô trọc. Hình tượng Phật Bà Quan Âm từ bi hiền hậu đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Do vậy đã xuất hiện lưu hành rất nhiều bản kinh truyện bằng chữ Hán kể về sự tích Phật Bà, như sách Cao Vương Quan Âm kinh, Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát chân kinh... Đồng thời người Việt Nam còn diễn Nôm tích truyện này ra truyện thơ lục bát để truyền bá rộng khắp. Hiện trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và của Thư viện Chùa Quán Sứ Hà Nội còn lưu giữ được ba bản Nôm.

    Bản thứ nhất có tên là Nam Hải Quan Âm sự tích ca. Do Hòa thượng Chân Nguyên diễn ca hồi đầu thế kỷ XVIII. Tất cả gồm 1440 câu lục bát, nhiều câu vần điện còn trúc trắc, không được thành thục, nặng về kể lể.

    Bản thứ hai Hương Sơn Quán Thế Âm chân kinh tân dịch do Phó bảng Kiều Oánh Mậu diễn dịch hồi cuối thế kỷ XIX, gồm 1402 câu lục bát. Lời văn đã chau chuốt mượt mà hơn.

    Bản thứ baHương Sơn Linh Cảm Quan Âm sự tích do Nguyễn Gia Chánh người xã Kim Lũ huyện Thanh Trì viết tựa. Bản này đã gộp lại còn 980 câu.

    Điểm qua vài nét về tình hình văn bản về sự tích đức Phật Bà Quán Âm để thấy được ý nghĩa quan trọng của sự tích này đối với con người và cũng cho thấy bài diễn ca này rất phổ biến. Thế nhưng loại văn chầu đức Phật bà Quán Âm thì dường như còn vắng bóng.

    Văn chầu là một thể văn rất phổ biến trong dân gian, dùng để bày tỏ tâm tình của dân đối với Phật, Thánh. Hiện trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ hàng chục bản văn chầu như: văn chầu Đức Thánh Tản Viên, văn chầu Đức Thánh Từ Đạo Hạnh, văn chầu Đức Thánh Trần, văn chầu Thiên Thành Thái trưởng công chúa... Riêng văn chầu Phật Bà Quán Âm thì quả là hiếm hoi, ít gặp. Bản khoa cúng Đức Phật Bà Quán Âm này cũng tóm tắt hành trạng của Phật Bà. Bài văn nói Đức Phật Bà vốn là con gái vua Trang Vương có nhan sắc xinh đẹp, thế nhưng bà đã từ bỏ vinh hoa phú quý đến chùa tu hành đắc đạo, có tên gọi là Quán Âm Bồ Tát lại có hiệu là Bạch Y Quán Âm. Nhịp điệu của bài văn cúng thật sự du dương, tiết tấu thật sự hài hòa lúc trầm lúc bổng da diết xoáy vào lòng người. Trong bài văn dùng nhiều tiếng Việt cổ, có thể cung cấp những tư liệu quý giá để nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử, tôn giáo. Do vậy chúng tôi xin phiên âm và giới thiệu toàn văn trong Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2009 này.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Toàn văn là:
    Sắc thỉnh:
    Kim liên tọa hạ
    Cực lạc chí tôn
    Đức bố càn khôn
    Công so nhật nguyệt
    Khâm duy thành thiết
    Hiệu viết Quán Âm
    Trực khai vô vi chi lộ
    Trên ngàn hoa đua nở đùn đùn,
    Dưới Bách bảo nghiêm trang vặc vặc
    Bồng đảo cảnh chằm chằm mặc mặc
    Chí nguyện đại từ, đại bi.
    Bổ Đà sơn xuất tướng uy nghi,
    Hiện hình Thiên Thủ Thiên Nhãn.
    Ân đức chiếu mặc mặc
    Chính pháp đại minh khai
    Chân tâm lân mẫn hữu tình,
    Xin tốc giáng lai lâm sở.
    Vậy đâu kể hết chân tình,
    Trình diễn có bốn câu thơ mừng:
    Phong dẫn hương yên chí Phật đình
    Tự nhiên cảm hứng dám trừng thanh.
    Từ bi bất sá thùy vô lượng,
    Bất sá từ bi tế chúng sinh
    Tế chúng sinh
    Này tế chúng sinh
    Thùy tình cảm ứng
    Lòng sớ cầu,
    Vọng bài tòng tâm
    Khấu đầu Quán Âm.
    Khấu đầu vọng bái Quán Âm.
    Bạch Y Đại Thành giáng lâm ngự đàn
    Cha xưa làm vua Trang Hoàng
    Hình dung nhan sắc Quảng Hàn khôn so
    Ngõ hay ấn quyết chúc phù
    Bởi trứng kiếp trước ngài tu đã thành
    Ngự tào ngọc bích xanh xanh,
    Tường Vân tử sắc nhiễu quan tầng tầng.
    Cứu đôi vòng siêu sinh Tịnh Độ,
    Lên trên tòa ngự Bổ Đà Sơn,
    Phép hay ngó phật ngó tiên,
    Biến nam, biến nữ đã nên dị hình.
    Tật tốc giáng lâm.

    Tuy là văn khấn Nôm song đây là lối thơ cổ dùng rất nhiều từ Hán Việt và từ Việt cổ, do vậy cần phải dịch ra tiếng Việt hiện đại mới có thể hiểu được.
    Xin được diễn dịch như sau:
    Cúi đầu kính thỉnh:
    Ở trên tòa sen,
    Đức Chí tôn cực lạc
    Đức truyền khắp càn khôn,
    Công tựu vòng nhật nguyệt.
    Kính nghĩ đức thành chiết
    Hiệu gọi là Quán Âm.
    Mở thẳng con đường vô vi.
    Trên núi hoa nở tươi rực rỡ,
    Dưới chùa Ngọc Báu sáng long lanh.
    Chốn Bồng Đảo chìm chìm im ắng,
    Nguyên mong đức đại từ đại bi.
    Núi Bổ Đà hiện tướng uy nghi,
    Hiện ra hình ngàn mắt ngàn tay.
    Âm đức soi vằng vặc,
    Chính pháp mở rõ ràng.
    Chân tâm thương xót hữu tình,
    Xin hãy giáng lâm đàn sở.
    Làm sao dãi hết chân tình,
    Xin dẫn ra bốn câu thơ:
    Gió đưa hương khói đến phật đình
    Tự nhiên cảm nhận được lòng thành
    Từ bi chẳng bỏ truyền vô lượng,
    Chẳng bỏ từ bi cứu chúng sinh.
    Cứu chúng sinh.
    Nào là cứu chúng sinh.
    Rủ tình thương xót đến.
    Sớ dâng cầu
    Bái lạy tự chân tâm,
    Khấu đầu bái Quán Âm,
    Khấu đầu lạy đức Quán Âm
    Cha ngài xưa là vua Trang Vương
    Ngài có nhan sắc mà chị Hằng ở cung Quảng Hàm cũng khó bề sánh kịp.
    Ngài biết làm bùa chú cầu phúc,
    Bởi vì kiếp trước ngài tu hành đạt được công quả.
    Ngài ngự trên tòa ngọc biếc xanh xanh,
    Mây lành màu tía hồng bao quanh chỗ ngồi.
    Ngài cứu vớt chúng sinh về cõi Tịnh Độ.
    Sau về ngự ở núi Bổ Đà.
    Ngài có nhiều pháp thuật lúc hóa thành Phật, lúc hóa thành tiên.
    Ngài có khi biến thành trai lại có khi biến thành gái,
    Thật nhiều hình thể.
    Xin ngài mau mau xuống giáng đàn.

    (Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.689-694)
     

Share This Page