Kinh Tế - Xã Hội Việt Nam Năm 2007: Rồng Tiếp Tục Bay Cao!

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Mặc dù gặp những tác động bất lợi của kinh tế thế giới và thiên tai, dịch bệnh ở trong nước, nhưng kinh tế- xã hội Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng khích lệ về tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút vốn đầu tư, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thị trường chứng khoán, vị thế quốc tế, giảm nghèo...

    GDP tăng 8,48%

    Nổi bật trong bảng số liệu thống kê là Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2007 tăng 8,48%. Với con số này, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận trong điều kiện hết sức khó khăn không lường trước được như bão lũ, dịch bệnh, đặc biệt là giá nguyên, vật liệu thế giới tăng cao. Tăng trưởng kinh tế cao đã góp phần làm cho quy mô kinh tế lớn lên. GDP tính theo giá thực tế đạt khoảng 1.143 nghìn tỉ đồng, bình quân đầu người đạt khoảng 13,42 triệu đồng, tương đương với 71,5 tỉ USD và 839 USD/người! Đây là tín hiệu khả quan để có thể sớm thực hiện được mục tiêu thoát khỏi nước nghèo và kém phát triển có thu nhập thấp vào ngay năm tới.

    Năm 2007 là năm đầu tiên Việt nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên có nhiều tác động tích cực và nhiều thách thức với thị trường trong nước. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lên 2 chữ số, CPI ở mức 12,61% so với tháng 12 năm 2006 (cao nhất trong vòng 12 năm qua) nhưng nhiều chỉ tiêu đặt ra đều đạt và vượt mức kế hoạch. Kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh, GDP đạt 8,5%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển, góp phần vào tăng trưởng chung. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 17,1%, cao hơn mức kế hoạch; các ngành dịch vụ phát triển khá, nhất là thương mại bán lẻ; hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông mở rộng hơn; xuất khẩu tăng trưởng cao, đạt hơn 48,3 tỉ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục (hơn 20 tỉ USD); thị trường chứng khoán phát triển mạnh, thu hút trên 5 tỉ USD, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn được tiến hành cổ phần hoá…

    Tăng trưởng kinh tế cao nên chỉ số phát triển con người (HDI) đạt được nhiều sự vượt trội. HDI tăng lên qua các năm (1985 mới đạt 0,590, năm 1990 đạt 0,620, năm 1995 đạt 0,672, năm 2000 đạt 0,711, năm 2005 đạt 0,733, khả năng năm 2007 đạt trên 0,75%). Thứ bậc về HDI tăng lên trong khu vực Đông Nam á, ở châu á và trên thế giới. Thứ bậc trên thế giới về HDI cao hơn thứ bậc về GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương (105 so với 123), cao hơn hàng chục nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Việt Nam, phù hợp với nền kinh tế thị trường mà nước ta lựa chọn là nền kinh tế thị trường theo định hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tỷ lệ nghèo đã giảm (từ 17,8% xuống còn 14,8%). Vị trí quốc tế của Việt Nam gia tăng với việc chính thức trở thành thành viên WTO, được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc...

    Một số vấn đề đáng quan tâm

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra một số hạn chế trong điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong năm 2007. Cụ thể, vốn đầu tư nước ngoài, trái phiếu Chính phủ thu hút khá lớn, nhưng chưa sử dụng được nhiều để phát triển cho nền kinh tế- xã hội. Sự điều hành trong một số lĩnh vực còn chậm và lúng túng, nhất là công tác dự báo về sự biến động của giá cả trên thế giới và trong nước còn yếu kém, công tác tư vấn, tham mưu về lĩnh vực này cũng chưa tốt. Chất lượng xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật (dự án luật, nghị định) chưa cao, không ít văn bản còn chồng chéo, bất cập; chất lượng xây dựng qui hoạch, kế hoạch chưa tương xứng với tầm vóc mới trong sự phát triển đất nước;

    Bên cạnh đó, việc xây dựng qui hoạch Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhất là qui hoạch giao thông đô thị còn nhiều lúng túng, hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử trong các cơ quan hành chính quá chậm, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành hiệu quả chưa cao.

    Chất lượng tăng trưởng và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn hạn chế, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp, trong khi phải mở cửa theo lộ trình đã cam kết làm cho cán cân thương mại mất cân đối lớn. Nhập siêu tăng vọt với mức 12,4 tỷ USD, nhập siêu năm 2007 gấp 2,5 lần mức nhập siêu của năm trước. Thiệt hại do thiên tai chiếm khoảng 1% GDP.

    Tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề bức xúc, bình quân mỗi ngày có 40 vụ, làm chết 36 người và làm bị thương 30 người. Tình hình nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục gia tăng. Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 138.700 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 16.000 người tử vong do AIDS.

    Điểm nhấn đáng chú ý từ kết quả Tổng điều tra cơ sở hành chính, sự nghiệp năm 2007, đó là sự gia tăng nhanh số lượng cơ sở và lao động trong các cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp (Cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp tăng 44%, lao động tăng 53,6%). Đây là kết quả tất yếu của chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển sản xuất của Nhà nước đối với mọi ngành, mọi thành phần kinh tế, đồng thời là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động.

    Báo cáo chính thức về kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản cho thấy, nông thôn Việt Nam thực sự có những đổi mới mang tính toàn diện. Đáng chú ý là, giá trị thu được trên 1ha đất trồng trọt là 26,4 triệu đồng, tăng 45,8% so với năm 2003. Giá trị thu được trên 1ha nuôi trồng thủy sản là 55,4 triệu đồng, tăng 70% so với năm 2003. Tuy nhiên, sản xuất nông lâm thủy sản đang tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn do sản xuất còn mang tính tự phát và việc mở rộng sản xuất chưa gắn triệt để với giải quyết ô nhiễm môi trường.

    Về kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình, các số liệu thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng khá (đạt 636.00 đồng/người/tháng), số hộ nghèo tiếp tục giảm xuống mức 15,49% (giảm gần 3% so với năm 2004). Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy, vẫn có sự cách biệt về mức sống giữa các vùng, miền, giữa các nhóm dân cư. Đặc biệt, Tây Bắc vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    2008 - Năm bứt phá

    Năm 2008 là năm cơ bản để hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2006- 2010. Vì vậy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Tập thể Chính phủ cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, nhất trí, quyết tâm, chủ động xử lý tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, khắc phục yếu kém, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội cao hơn năm 2007; phát triển nền kinh tế nhanh bền vững; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP đạt 9%; kiểm soát chỉ số tăng giá tiêu dùng thấp hơn mức tăng trưởng GDP; cải thiện tốt hơn nữa đời sống nhân dân; GDP bình quân theo đầu người tăng lên khoảng 960 USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 567,3 nghìn tỉ đồng bằng 42% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 58,6 tỉ USD, tăng 20 - 22% so với năm 2007; tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu lượt người lao động, trong đó xuất khẩu lao động 8,5 vạn người; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống 11- 12%.

    Để đạt các mục tiêu trên, tạo đà bứt phá cho kinh tế Việt Nam, trước mắt cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh bền vững của nền kinh tế theo hướng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường khoa học, công nghệ; thị trường lao động, bất động sản… Đẩy mạnh phát triển các ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng yêu cầu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của quí I/2008, triển khai ngay kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát giá cả tiêu dùng…

    Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Ưu tiên vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; tăng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, các vùng hạn hán, úng lụt kéo dài. Tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đúng tiến độ các dự án đầu tư quan trọng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; thực hiện kiên quyết các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại tố cáo; đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy hành chính Trung ương và địa phương theo hướng thống nhất, thông suốt, hiện đại.

    Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2008

    Kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,5 - 9%.
    - Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp 3,5 - 4%; ngành công nghiệp và xây dựng 10,6 - 11%, ngành dịch vụ 8,7 - 9,2%.
    - Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20 - 22%.
    - Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 42% tổng sản phẩm trong nước GDP.
    Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

    Xã hội: Tạo việc làm cho 1,7 triệu người lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 8,5 vạn người.
    - Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 11 - 12%.
    - Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 22%.
    - Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 25,7 giường.

    Đinh Tuấn (tổng hợp)
    Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008
     

Share This Page