Lễ Giỗ Của Tộc Họ Đặng Ở Huyện Bắc Bình, Tỉnh Bình Thuận

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 3, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    LỄ GIỖ CỦA TỘC HỌ ĐẶNG Ở HUYỆN BẮC BÌNH TỈNH BÌNH THUẬN

    VÕ THỊ TÂM

    Bảo tàng Bình Thuận

    Tỉnh Bình Thuận là địa phương có nhiều dân tộc như Kinh, Chăm, Hoa, K’Ho, Raglay, Churu… cùng chung sống. Trong đó, người Chăm là chiếm đa số chỉ sau người Kinh. Người Chăm ở Bình Thuận đã kế thừa văn hóa truyền thống đểlưu truyền và phát triển cho đến ngày hôm nay. Nhiều truyền thuyết về các vị vua có công dựng nước và giữ nước vẫn còn được người Chăm truyền tụng. Một trong những vị vua tài đức đó là Pô Nit.

    Theo truyền thuyết của dân tộc Chăm, Pô Nit xuất thân là một viên tướng giỏi có tài cầm quân đánh Nam dẹp Bắc. Với tài năng đó, Pô Nit được tôn làm vua và chính thức lên ngôi từ năm 1603-1613. Trong 10 năm trị vì đất nước, Pô Nit đã có những đóng góp đáng kể. Thời kỳ này đất nước thanh bình, nhân dân yên ổn làm ăn, biên cương tạm thời bình lặng. Pô Nit đã cho khôi phục và phát triển quân đội để phòng chống nạn xâm lăng luôn đe dọa biên cương. Trị vì 10 năm, Pô Nit nhường ngôi lại cho người em trai là Chài Pran.

    Trong lịch sử tồn tại và phát triển của vương quốc Chămpa có hàng chục đời vua đã được ghi nhận vào sử sách hoặc khắc ghi vào bi ký lưu truyền. Riêng 5 vị vua điều hành vương quốc vào những thế kỷ cuối cùng như Pô Klong Garai, Pô Rôme, Pô Nit, Pô Klong Mơhnai và Pô Klong Gahul (Pô Klong Khul) thì được tạc tượng. Trong số này Pô Nit là nhân vật lịch sử được ghi công rõ ràng nhất thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc tượng. Bức tượng của ông hiện được đặt trong đền thờ tại làng Thanh Hiếu, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

    Đền thờ vua Pô Nit được xây dựng trên một ngọn đồi cao bên hữu ngạn sông Phan Rí từ nửa cuối thế kỷ XVII (nay thuộc xã Phan Rí Thành). Năm 1973, chiến tranh ở khu vực này diễn ra ngày càng ác liệt khiến các sinh hoạt tôn giáo gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Vì thế nhân dân đã di dời ngôi đền về địa điểm gần làng Thanh Hiếu hiện nay. Đền thờ được xây dựng trên một gò đất, xung quanh là ruộng lúa có tên là “Khu đồng Vua”. Di tích phân bố trên hệ tọa độ UTM: X = 022 9798, Y = 124 0030và cao độ 13m so với mực nước biển trung bình.

    Ngôi đền vua Pô Nit có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về các lĩnh vực khác của xã hội ở thời kỳ cuối thế kỷ XVI và nửa đầu thế kỷ XVII. Đây vừa là nơi lưu niệm danh nhân vừa là nơi ghi dấu các sự kiện lịch sử quan trọng trong một giai đoạn nhất định. Giai đoạn mà người Chăm ghi lại lịch sử và sự kiện bằng một thứ ngôn ngữ khá đặc biệt: điêu khắc tượng và chạm khắc nghệ thuật. Nơi đây còn là một trong những nơi để người Chăm lưu giữ các nghi thức tôn giáo, lễ hội văn hóa dân gian, văn hóa vật thể và phi vật thể.

    Việc tồn tại đền thờ Pô Nit đồng nghĩa với sự bảo lưu văn hóa truyền thống vốn là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của người Chăm nói chung và ở huyện Bắc Bình nói riêng. Nơi đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt tôn giáo thiêng liêng của người Chăm theo đạo Bàlamôn trên toàn khu vực.

    Vua Pô Nit đã được triều Nguyễn từ đời Minh Mạng thứ 21 (1840) đến đời Thiệu Trị thứ 3 (1843), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924) ban tặng 8 sắc phong(*). Trong sắc phong, vua Pô Nit được gọi là Nặc Phiên Dương thần. Các sắc phong này đã bị rách ở hai đầu và nhòe một số chữ. Tuy vậy, người Chăm nói chung và hậu duệ của vua Pô Nit nói riêng vẫn coi đây là di sản thiêng liêng quý báu của mọi người và dòng tộc. Hàng năm, người Chăm thuộc hậu duệ của nhà vua cùng các dòng họ trong vùng đều tổ chức lễ hội và nghi lễ tôn giáo theo phong tục tập quán truyền thống như lễ hội Katê, lễ cầu đảo và một số lễ khác. Trong đó quan trọng nhất là lễ hội Katê mà người Chăm gọi là Băng Katê. Vào những dịp lễ hội lớn, sắc phong được rước từ nơi cất giữ ra đền thờ để thực hiện nghi lễ theo đúng phong tục của người Chăm.

    Chúa Nguyễn đã gả công chúa cho Pô Nit nhằm giữ thế hòa hoãn và tạo tiền đề cho mối bang giao giữa hai nước. Nhưng chưa rõ công chúa là con gái của vị chúa nào vì sử sách hầu như không thấy ghi lại. Sau này bà đã trở thành hoàng hậu của vua Pô Nit. Bà được triều đình Chăm quý mến coi như người thân thiết trong hoàng tộc và như Hoàng hậu người Chăm chính thống.

    Kể từ khi chính thức trở thành hoàng hậu trong vương triều Chăm, bà được vua Pô Nít yêu thương và vương triều trọng vọng, bởi uy tín và đóng góp của bà. Sau khi mất bà được khắc ghi công lao và tạc tượng bằng đá đặt bên cạnh vua trong đền thờ và được thờ phụng theo phong tục tập quán của người Chăm. Cuộc hôn nhân đó đã củng cố nền hòa hiếu giữa hai dân tộc Chăm - Việt trong một thời gian khá dài.

    Theo phong tục, khi người Chăm theo đạo Bàlamôn (Hindu giáo) chết thì phải được hỏa táng. Lúc đó các thủ tục lo cho đám tang vừa kéo dài, vừa tốn kém. Sau đám tang, con cháu người quá cố và có khi cả tộc họ phải giúp gia đình đó trả nợ. Có lẽ đã chứng kiến những cảnh tượng trong lễ hỏa táng nên bà đã xin vua Pô Nit cho mai táng bà theo phong tục của người Việt, kể cả con cháu và những người Việt theo bà về Chăm. Do quá yêu thương bà và một phần nể sợ uy lực của chúa Nguyễn lúc đó, vua Chăm Pô Nít đã phá lệ triều đình và thực hiện ước nguyện đó của bà. Nhà vua cùng triều đình đã thống nhất và lệnh cho dòng tộc thực hiện. Từ đó về sau, con cháu của bà và những người Chăm thân cận khi chết được mai táng chứ không hỏa táng. Về sau một bộ phận người Chăm, hậu duệ của vua Pô Nít cũng thực hiện theo lệnh của vua và triều đình.

    Ngày nay, trong tộc họ vua Pô Nít có hai dòng chính thống. Một dòng theo hoàng hậu người Chăm (bà Pô Mưk Chà) khi mất được hỏa táng còn dòng theo hoàng hậu người Việt thì khi mất được mai táng theo phong tục tập quán của người Việt.

    Từ thế kỷ XVII đến nay, những người thuộc họ Đặng và họ Nguyễn được gọi chung một tộc là tộc Đặng và Nguyễn. Những người này là người Chăm chính thống. Hằng ngày trong cách sinh hoạt thì theo phong tục tập quán của người Chăm. Tuy nhiên, có một số phong tục tập quán khác lại theo phong tục tập quán của người Việt. Trong đó, quan trọng nhất phải kể đến là phong tục chôn cất, mở cửa mả, lập bàn thờ, nhang đèn, văn tế trong cúng bái… Người Chăm trong tộc họ Đặng về phía bên nội (nữ) khi chết được mai táng chứ không hỏa táng như tập tục của người Chăm.

    Đây là một hệ quả tất yếu và sâu sắc nhất trong tiến trình giao lưu văn hóa giữa người Việt với người Chăm trong lịch sử hàng trăm năm qua. Và cũng chưa từng có một trường hợp nào trong lịch sử các dân tộc như trường hợp của người Chăm ở Phan Hiệp, Bắc Bình.

    Theo quy định chung, người Chăm theo dòng bà hoàng hậu người Việt, khi sống dù mang họ gì đi nữa nhưng khi chết đều được đổi thành họ Nguyễn, theo họ của bà hoàng hậu người Việt. Ví dụ như ông A khi sống là họ Đặng (Đặng Văn A hay Lâm Văn A) đến khi chết bắt buộc đổi thành họ Nguyễn (Nguyễn Văn A). Còn những người họ Nguyễn khi sống, khi chết vẫn là họ Nguyễn. Những người mang họ Trần, Lê, Lâm… khi chết vẫn đổi thành họ Nguyễn. Do đó người Chăm trong dòng tộc thường nói về họ là “sinh Đặng, tử Nguyễn”.

    Qua hơn 400 năm, phong tục tập quán này còn lưu giữ như một thứ tài sản tinh thần quý giá mà không ai có thể bỏ được. Tính đến nay, trong tộc họ Đặng và Nguyễn đã có 120 hộ với hơn 500 người, trong đó đa phần cư trú tại thôn Bình Hiếu và Bình Đức. Một số người khác lập gia đình ở Tuy Phong, Hàm Tân, Phan Rang, Hàm Thuận Bắc. Hàng năm, đến ngày giỗ tổ đều phải quay về cúng bái tổ tiên. Chứng kiến những lễ nghi tại tộc Đặng và Nguyễn, chúng tôi thấy có hàng trăm người dự lễ. Nhiều người đã khóc khi lịch sử hơn 400 năm qua được nhắc lại.

    Theo quy định từ lâu đời, cứ 7 năm tộc họ Đặng và Nguyễn phải tổ chức lễ hội một lần gọi là lễ tộc họ. Trong đó việc cúng tế theo phong tục Việt có từ năm 1609, tức là lúc bà hoàng hậu người Việt còn sống. “Lễ cúng tế lệ tộc họ Đặng - Nguyễn” kéo dài 2 ngày để tưởng nhớ công ơn của bà Hoàng hậu người Việt cũng như ông bà tổ tiên và những người đã khuất theo phong tục tập quán của người Việt. Những ngày lễ này được quy định tổ chức vào ngày rằm và ngày 16 tháng giêng của năm Tỵ và năm Hợi. Theo tộc trưởng Đặng Văn Lẽo đây là quy định có từ lâu đời theo lệnh của vua Pô Nít. Đặc biệt kể từ khi bà hoàng hậu người Việt mất thì việc này trở nên quan trọng hơn đối với những người trong dòng tộc.

    Cụ thể như năm Đinh Hợi (2007) lễ hội được tổ chức vào ngày rằm và 16 tháng Giêng, gồm có các lễ tục như sau: Lễ thứ nhất là lễ trình báo tại đền thờ Pô Nít nơi thờ tượng vua Chăm Pô Nít và tượng bà hoàng hậu người Việt, sau đó lễ cúng tổ chức tại nhà người con gái út của họ Đặng ở thôn Bình Hiếu do được hưởng phần ruộng hương hỏa trong tộc họ; lễ thứ hai là lễ tế heo sống và phải là heo trắng (phong tục của người Chăm không hề có nghi thức này); lễ thứ ba là lễ cúng các vị thần linh và những người đã khuất.

    Trong tất cả các nghi lễ này, mọi lễ vật, thức ăn, đồ uống, trang phục, cách vái lạy, nhang đèn, đặt bàn thờ trong nhà (trong lúc người Chăm không có bàn thờ) đều theo đúng quy định của phong tục tập quán người Việt.

    Lễ vật để tộc họ Đặng cúng tế gồm hoa quả, nhang đèn, 1 con heo trắng cùng bánh quy, bánh cúng, bánh ít và bánh tét. Vì lễ cúng nhằm ngày rằm (15) tháng Giêng nên việc sát sanh lùi vào lúc 0h ngày 16 âm lịch. Sau đó họ bắt đầu tiến hành lễ khấn vái ông bà. Ông tộc trưởng bắt đầu đọc quyển Phổ ý để mời gọi ông bà, thỉnh người mất trước, gọi người mất sau về dự lễ.

    Lần đầu tiên chúng tôi thấy một bộ phận người Chăm cúng tế tổ tiên giống như phong tục của người Việt. Ban tế lễ bắt buộc phải mặc áo dài khăn đóng (người dân địa phương gọi là áo rộng). Người xướng tế phải mặc áo màu vàng. Ban nhạc lễ cùng những nhạc cụ do người Việt đảm trách. Trong dịp lễ này, nghi thức cúng tế được thực hiện theo phong tục của người Việt. Đó là những nghi thức như phần hương, niệm hương, độc chúc, chước tửu, quán tẩy… mà ta thường thấy trong các dịp cúng xuân thu nhị kỳ tại các đình làng người Việt. Dù không thành thạo nghi thức cúng tế và không hiểu hết ý nghĩa của các nghi thức đó nhưng người Chăm vẫn thực hiện một cách kính cẩn và nghiêm trang. Có mục kích các hành động của họ trong nghi lễ dù vụng về, lóng ngóng mới cảm nhận được hết ý nghĩa của việc làm ấy. Một nghi lễ thể hiện mối giao lưu văn hóa trong cộng đồng người Chăm và người Việt tự bao đời. Đặc biệt nghi lễ này chỉ được thực hiện trong tộc họ Đặng ở xã Bình Hiếu, tỉnh Bình Thuận. Trong ngày cúng kỵ này, người Chăm trong tộc họ Đặng, phần lớn là giới nữ (bên nội) đều đến thắp hương vái lạy. Thái độ của họ rất thành kính, trang nghiêm.

    Các bàn thờ được sắp đặt với lư nhang để mọi người thắp nhang và cầu nguyện (khác với ngày thường phong tục của người Chăm không thắp nhang, không lập bàn thờ trong nhà). Ngoài việc bố trí một bàn thờ cho ông bà tổ tiên và bàn thờ cho hai bên nội, ngoại, người Chăm còn lập một bàn thờ riêng dành cho người có cái chết xấu (chết bất đắc kỳ tử) trong tộc họ Đặng.

    Trong tộc họ Đặng và Nguyễn của người Chăm có một quyển Phổ ý có giá trị như một cuốn Gia phả của dòng tộc. Quyển Phổ ý và một số giấy tờ quan trọng của tộc họ được cất giữ tại nhà một người phụ nữ có đạo đức và uy tín. Theo nghi thức, ông tộc trưởng khi muốn thỉnh hộp đựng gia phả phải mang lễ vật là trầu cau và hai quả trứng đến nhà người cất giữ làm lễ khấn vái rồi mới được mang hộp đến nơi tổ chức cúng tế. Quyển Phổ ý cùng các giấy tờ ghi chép nhiều vấn đề quan trọng về lễ nghi, phong tục tập quán của dòng tộc cất trong hộp gia phả chỉ được mở ra trong dịp lễ cúng này.

    Sau khi xong lễ cúng, tất cả sổ sách, giấy tờ phải đưa về trả lại chỗ cũ. Và đúng 7 năm sau người ta mới cho phép mở quyển Phổ ý để điền tên người mất của tộc họ trong vòng 7 năm qua. Quyển phổ ý ghi ngày mất của người trong tộc họ Đặng nhưng người Chăm coi như quyển gia phả của tộc họ. Đó là một tờ giấy hồng đơn được gấp lại nhiều đoạn làm thành một quyển sách nhỏ có kích thước 15 x 9cm. Bên ngoài là dòng chữ 目綠副意留族Mục lục phó ý lưu tộc (Bản mục lục phó ý lưu giữ trong tộc họ). Bên trong trang đầu tiên là dòng 大南國咸順府禾多縣遵教總清好社住宅居奉道保安天皇敕助今為信主陳劉郡阮同尊大小等列編目綠于後Đại Nam quốc, Hàm Thuận phủ, Hòa Đa huyện, Tuân Giáo tổng, Thanh Hiếu xã trụ trạch cư, phụng đạo bảo an thiên hoàng sắc trợ kim vi tín chủ Trần Lưu quận Nguyễn đồng tôn đại tiểu đẳng, liệt biên mục lục vu hậu ([Tộc họ Nguyễn] cư ngụ ở xã Thanh Hiếu, tổng Tuân Giáo, huyện Hòa Đa, phủ Hàm Thuận, nước Đại Nam, cung kính sắc phong thiên hoàng ban tặng truyền giúp đỡ, chở che yên ổn cho dân là tín chủ trong họ Nguyễn quận Trần Lưu gồm những người lớn nhỏ được liệt kê biên chép thành mục lục ở dưới đây). Tiếp theo sau là những dòng chữ ghi tên người mất. Dòng đầu tiên ghi tên 顯祖妣陳劉郡阮氏口寶正魂Hiển tổ tỉ Trần Lưu quận Nguyễn Thị Bẩu chánh hồn (Chánh hồn bà tổ Nguyễn Thị Bẩu quận Trần Lưu)

    Những dòng kế tiếp cũng là họ tên của ông bà trong dòng tộc:

    顯祖妣陳劉郡阮氏婁正魂

    顯祖妣陳劉郡阮氏湄正魂

    伏為亡顯祖妣陳劉郡阮氏子正魂

    Hiển tổ tỉ Trần Lưu quận Nguyễn Thị Lũ chánh hồn,

    Hiển tổ tỉ Trần Lưu quận Nguyễn Thị Mưa chánh hồn,

    Phục vị vong Hiển tổ tỉ Trần Lưu quận Nguyễn Thị Tý chánh hồn v.v

    (Chánh hồn bà tổ Nguyễn Thị Lũ quận Trần Lưu, Chánh hồn bà tổ Nguyễn Thị Mưa quận Trần Lưu, Cúi đầu tưởng niệm vong linh Chánh hồn bà tổ Nguyễn Thị Tý quận Trần Lưu…).

    Kế tiếp là những cái tên của nam giới trong tộc họ Đặng (khi chết họ không còn mang họ Đặng mà đổi hết sang họ Nguyễn).

    上念亡陳劉郡阮文化神魂

    上念亡陳留郡阮文奴神魂

    上念亡陳留郡阮文森神魂

    Thượng niệm vong Trần Lưu quận Nguyễn Văn Hóa thần hồn

    Thượng niệm vong Trần Lưu quận Nguyễn Văn Nộ thần hồn

    Thượng niệm vong Trần Lưu quận Nguyễn Văn Sam thần hồn v.v…

    (Tưởng niệm vong linh thần hồn Nguyễn Văn Hóa quận Trần Lưu, Tưởng niệm vong linh thần hồn Nguyễn Văn Nộ quận Trần Lưu, Tưởng niệm vong linh thần hồn Nguyễn Văn Sam quận Trần Lưu…)

    Trước đây, việc ghi chép tên người mất vào Phổ ý thường do một người biết chữ Hán thực hiện. Đến năm 1970 thì chấm dứt vì không còn ai biết chữ Hán. Từ đó, người Chăm trong tộc họ Đặng - Nguyễn phải ghi chép bằng chữ quốc ngữ.

    Thời gian đầu, việc cúng tế của tộc họ chưa đi vào quy củ do nhiều nguyên nhân khách quan. Lễ giỗ trong tộc họ cứ tuần tự diễn ra vào các năm Bính Tuất 1946, Canh Dần 1950, Đinh Dậu 1957, Canh Tuất 1970, Đinh Tỵ 1977, Quý Hợi 1983, Kỷ Tỵ 1989, Ất Hợi 1995, Tân Tỵ 2001 và Đinh Hợi 2007.

    Theo người Chăm, bà Hoàng hậu người Việt tên là Nguyễn Thị Thương nhưng cũng chưa rõ họ căn cứ từ đâu. Chỉ thấy trong quyển phổ ý chữ Hán tên người phụ nữ đầu tiên là Nguyễn Thị Bẩu 阮 氏寶còn trong quyển chữ quốc ngữ lại là Nguyễn Thị Thương 阮氏倉. Như vậy, Hoàng hậu người Việt tên thật là gì và bà là con của chúa Nguyễn nào? Việc xác định tên tuổi của Hoàng hậu người Việt vì vậy cần phải được tìm hiểu và nghiên cứu thêm để làm rõ danh tính của bà. Một Hoàng hậu có nhiều uy tín và tài đức đã khiến người Chăm cảm phục và có nhiều ảnh hưởng đối với cộng đồng người Chăm trước kia và hiện nay.

    Có thể nói, “Lễ giỗ trong tộc họ Đặng - Nguyễn” là một phong tục tập quán nói đến tình đoàn kết sâu sắc của hai dân tộc Chăm - Việt trong lịch sử. Biểu hiện này đến nay còn thấy trong văn hóa của dân tộc Chăm ở từng nơi, từng vùng và vẫn chứa đựng những giá trị chung của văn hóa Việt. Đó là một di sản quý báu của nhân dân địa phương cần được bảo lưu và gìn giữ. Từ đó, chúng ta cần phải tuyên truyền và phát huy để mọi người biết thêm giá trị của những phong tục tập quán và lễ nghi này.

    Chú thích:

    (*) Sắc ngày 6 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) phong cho Nặc Phiên Dương thần mỹ tự Thông hóa, cấp cho xã Thanh Hiếu, huyện Hòa Đa.

    Sắc ngày 13 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) phong cho Nặc Phiên Dương thần, mỹ tự Thông hóa Hàm chương, cấp cho xã Thanh Hiếu, huyện Hòa Đa. Không rõ vì sao, vua Pô Nit được cấp hai sắc giống nhau về mặt nội dung, hình thức và thời gian.

    Sắc ngày 21 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) phong cho Nặc Phiên Dương thần mỹ tự Thông hóa Hàm chương Đạt thuận, cấp cho xã Thanh Hiếu, huyện Hòa Đa.

    Sắc ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880) phong cho Nặc Phiên Dương thần mỹ tự Thông hóa Hàm chương Đạt thuận Đoan túc, cấp cho xã Thanh Hiếu, huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận.

    Sắc ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) phong cho Nặc Phiên Dương thần mỹ tự Thông hóa Hàm chương Đạt thuận Đoan túc Dực bảo Trung hưng, cấp cho xã Thanh Hiếu, huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Sắc ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) phong cho Nặc Phiên Dương thần mỹ tự Thông hóa Hàm chương Đạt thuận Đoan túc Dực bảo Trung hưng, cấp cho xã Thanh Hiếu, huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận.

    Sắc ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) phong cho Nặc Phiên Dương thần mỹ tự Thông hóa Hàm chương Đạt thuận Đoan túc Dực bảo Trung hưng Linh toại Trung đẳng thần, cấp cho xã Thanh Hiếu, huyện Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Bản mục lục phó ý lưu tộc目綠副意留族(Bản mục lục phó ý lưu giữ trong tộc họ), lưu giữ trong tộc họ Đặng ở thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

    2. Nguyễn Xuân Lý: Có một hoàng hậu Việt trong vương triều Chămpa,Tạp chíXưa & Nay, số 301+302 tháng 02/2008, tr.34-36.

    3. Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Sưu tầm, nghiên cứu các di tích Lịch sử - văn hóa Chăm phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch văn hóa tỉnh Bình Thuận”, Bảo tàng Bình Thuận, 2006./.

    Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.857-867
     

Share This Page