Lệ hương ẩm - Diễn biến lễ Hương ẩm tửu của Nho giáo ở Việt Nam

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 6, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    TRẦN THỊ KIM ANH
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Lệ Hương ẩm ở Việt Nam được bắt nguồn từ lễ Hương ẩm tửu của Trung Quốc. Lễ Hương ẩm tửu nguyên là lễ kính hiền tôn lão của Nho gia, thuộc về Gia lễ (嘉礼)(1). Lễ này xuất hiện từ khá sớm ở Trung Quốc, về sau, qua mỗi triều đại lại được gia giảm thêm bớt, trở thành một nội dung trọng yếu trong công tác quản lý hành chính cấp cơ sở.

    Nội dung của lễ Hương ẩm tửu chép trong Kinh Lễ có nhắc đến yếu tố “Quý tiện minh, long sái biện” (Sang hèn phân biệt, lớn bé rõ ràng). Yếu tố này về sau được các nhà cầm quyền ở một số nước chịu ảnh hưởng Nho giáo như Triều Tiên, Việt Nam triệt để vận dụng để áp chế cai trị nhân dân. Lệ Hương ẩm ở Việt Nam chính là lễ Hương ẩm tửu được các triều đại phong kiến Việt Nam vận dụng với tinh thần đó. Bài viết của chúng tôi nhằm chứng minh vấn đề này.

    1. Diễn biến của lễ Hương ẩm tửu ở Trung Quốc(2)

    Sách Chu lễ mục Hương đại phu nói: “Ba năm một lần đại tỷ, khảo đức hạnh đạo nghệ mà khích lệ người hiền, người có tài năng. Hương lão và hương đại phu cùng mọi người theo lễ tiếp đãi tân khách”.

    Trịnh Huyền(3) trong Nghi lễ chú sớ đã quy nạp ý nghĩa của lễ Hương ẩm tửu vào bốn mục sau: Một là chọn lựa đề bạt người hiền tài. Hai là kính lão, tôn trưởng. Ba là hương xạ, tức là châu trưởng tập bắn, uống rượu. Bốn là khanh đại phu khoản đãi hiền tài của quốc gia.

    Lễ Hương ẩm tửu ở đời Hán được làm đồng thời với lễ tế Tiên thánh Tiên sư của các học hiệu quận huyện. Niên hiệu Kiến Vũ thứ 5 (năm 29) đời Hán Quang đế, quan Đại tư đồ Phục Trạm dâng thư tâu xin làm lễ Hương ẩm tửu, về sau trải các đời đế vương đều lấy lễ Hương ẩm tửu làm công cụ thúc đẩy giáo hóa.

    Đời Tùy, nhà nước cử hành lễ Hương ẩm tửu ở Quốc Tử tự, quận huyện thì làm lễ ở các học hiệu địa phương, mỗi năm một lần.

    Niên hiệu Trinh Quán thứ 6 đời Đường (623), Thái Tông ban chiếu lệnh cho trưởng quan châu quận trong thiên hạ hàng năm đều phải cử hành lễ Hương ẩm tửu. Từ sau khi ban hành chế độ mở khoa thi lấy học trò, khảo sinh thi đỗ ở châu huyện thì trưởng lại phải lấy lễ Hương ẩm tửu để chiêu đãi: “Họp thuộc liêu, xếp chủ khách, bày trở đậu, giảng đàn sáo. Con sinh thì dùng bê, ca hát thì dùng thơ Lộc minh” (Tân Đường thư - Tuyển cử chí). Niên hiệu Tường An thứ 2 đời Võ Tắc Thiên (702) lại mở kỳ thi Võ cử, cũng lấy lễ Hương ẩm tửu để tiễn các khảo sinh Võ cử đến Bộ Binh.

    Lễ Hương ẩm tửu ở đời Tống được cử hành vào tháng Cống sĩ, trưởng quan hành chính quân sự địa phương là chủ nhân, tân khách là Thượng xá sinh thăng Nhập học hiệu của bản châu và các bô lão theo đúng nghi lễ cùng uống rượu. Khoảng niên hiệu Khánh Nguyên đời Tống Ninh Tông (1195 - 1201), Chu Hy căn cứ theo Nghi lễ mà sửa định lễ Hương ẩm tửu, một số học giả khuyến khích việc sùng lễ cổ đã làm theo. Nhưng nhìn chung cho đến thời kỳ này lễ Hương ẩm tửu về cơ bản vẫn mang nội dung kính hiền tôn lão.

    Vào đầu niên hiệu Hồng Vũ, nhà Minh quy định, hàng năm vào tháng giêng và tháng mười phải cử hành lễ Hương ẩm tửu. Hữu ty và học quan cùng các vị lão niên hàng sĩ đại phu làm lễ ở học hiệu, các phủ châu huyện sở thuộc cũng đều chiếu lệ cử hành. Trong dân gian thì theo lý xã, 100 xã làm một hội, do Hương trưởng hoặc Lý trưởng làm chủ tịch, cử hành vào lễ tế xã mùa xuân và mùa thu. Lễ Hương ẩm tửu quy định phải có nghi thức đọc luật lệnh là: Chấp sự bưng án trên có để luật lệnh vào để giữa nhà, người đọc luật lệnh đến phía Bắc trước án đứng đọc, mọi người trong tiệc đều đứng lên nghe (Minh sử - Lễ chí). Đọc luật lệnh xong lại tuyên đọc các văn thư hữu quan khác và các lời giáo huấn của Bộ Hình biên phát. Niên hiệu Hồng Vũ thứ 22 (1389) quy định lễ Hương ẩm tửu ở lý xã như sau: Thành viên của lý xã đến tiệc phải chia làm ba hạng. Phàm những người tuổi cao có đức không phạm lỗi công tư gì là bậc thượng. Những người mắc lỗi chậm trễ trong việc sưu sai thuế má hoặc phạm các tội roi trượng, từng bị gọi lên quan là một bậc. Những người từng phạm tội gian dâm trộm cắp, dối trá, lừa đảo, sâu dân mọt nước, bày kế hãm hại quan trưởng, từng có trọng tội bị phạt trượng đồ lưu, là một bậc. Con em của ba hạng đó cũng tự phân biệt thành ba bậc theo thứ tự mà ngồi, không được lẫn lộn, nếu không ngồi đúng thứ bậc sẽ xử tội Vi chế (Làm trái quy chế), có thể bị cáo quan đuổi đi. Như vậy có thể thấy lễ Hương ẩm tửu sang đến thời Minh đã được phát triển thành một hình thức lễ nghi trộn lẫn tông tộc tông pháp với cơ tầng kiến thiết chính quyền nhằm mục đích tăng cường sự khống chế và thống trị đối với nhân dân.

    Lễ Hương ẩm tửu của đời Thanh cũng dựa theo chế độ nhà Minh, được quy định tổ chức vào rằm tháng giêng và mồng 1 tháng mười, nhưng nghi thức đọc luật lệnh đã đổi thành đọc những lời giáo huấn như: “Đôn sùng lễ giáo / Cử hành hương ẩm / Phi vi ẩm thực / Phàm ngã trưởng ấu / Các tương khuyến miễn / Vi thần tận trung / Vi tử tận hiếu / Trưởng ấu hữu tự / Huynh hữu đệ cung / Nội mục tông tộc / Ngoại hòa hương đảng…” [Đề cao lễ giáo / Cử hành Hương ẩm / Chẳng vì ăn uống / Phàm là trưởng ấu / Phải răn bảo nhau / Làm tôi tận trung / Làm con tận hiếu / Lớn bé phân biệt / Em kính anh nhường / Tộc họ thuận hòa / Xóm làng vui vẻ]. Những lời lẽ đó đã cho biết rất rõ ràng mục đích của lễ Hương ẩm tửu ở thời kỳ này.

    Như vậy lễ Hương ẩm tửu cho đến thời Minh - Thanh đã mang các nội dung:

    - Kính hiền tôn lão

    - Quý tiện minh, long sái biện

    - Giáo huấn
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    2. Lệ Hương ẩm ở Việt Nam

    Ở Việt Nam chưa tìm được tài liệu nào nhắc đến việc nhà nước và phủ huyện xúc tiến cử hành lễ Hương ẩm tửu, song trên thực tế đã tồn tại một lệ Hương ẩm trong các làng xã, kéo dài qua nhiều thế kỷ. Trong các tư liệu có nhắc đến lệ Hương ẩm thì có thể nói các văn bản tục lệ hương ước là những văn bản cho biết về lệ này chi tiết hơn cả. Qua các hương ước có thể hiểu lệ Hương ẩm là tục lệ phân chia thứ bậc theo trật tự tôn ty trong làng, để mỗi khi làng có việc như tế lễ, quan dịch v.v… thì theo đó mà sắp xếp cỗ bàn, cắt bổ đóng góp, công dịch. Thường mỗi làng đều có một sổ Hương ẩm để ghi thứ tự ngôi vị cao thấp của các đinh nam trong làng sau khi họ đến tuổi thành đinh. Thứ tự này được sắp xếp theo “bàn” (mâm). Đây là những phân biệt rất chi tiết tùy theo từng làng, nhưng về đại thể thì thông thường thứ bậc cao nhất trong Hương ẩm gồm ba bàn trên, trong đó bàn nhất và bàn nhì là bàn của các vị lão niên hoặc có quan tước - thường làng nào trọng tước thì các bậc có quan tước thuộc bàn nhất, làng nào trọng xỉ thì các bậc lão niên thuộc bàn nhất(4) - bàn ba là bàn của các chức sắc hương mục, sau bàn này mới đến các bàn dưới gồm các hoàng đinh, bạch đinh, cũng được phân biệt theo thứ tự tuổi tác, theo chức tước vai vế của cha ông. Theo tục lệ xã Đông Ngạc (thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) thì ba bàn trên của xã này là quan viên, hương lão và hương mục, được gọi là “Ba hàng làng”. Còn bàn trên của thôn Bùi Tây, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại gồm 5 bàn là quan viên chức sắc, hương lão, hương trưởng, bàn á (các viên dưới hàng trưởng, chuyên sai cắt công dịch, chiếu bổ thuế má) và bàn 5 (những người được tha bỏ thuế khóa công dịch). Ba bàn hay năm bàn là tùy địa phương, nhưng nhìn chung đây là những bàn bao gồm các nhân vật có vai vế trong làng, sau đó mới là chỗ của dân đen. Điều 11 của hương ước thôn Bùi Tây cũng cho biết: “Đinh nam nhập sổ Hương ẩm là để ích quốc trợ dân, người nào đến 15 tuổi phải sắm một cơi trầu đệ đến nhà Đương cai và Hương trưởng để vào sổ, chiếu theo chỗ ngồi của cha người đó, nếu người cha ở trên thì người đó được ngồi trên, nếu người cha ngồi dưới, người đó phải ngồi dưới, để tránh sự tranh giành(5).

    Theo sự phân biệt này, trong các kỳ vào đám (nhập tịch), tế thần cầu phúc - thường là vào mùa xuân hoặc mùa thu - làng chiếu theo sổ Hương ẩm để làm cỗ, những người có tên trong Hương ẩm tập trung tại đình làng, sau khi tế thần xong, ngồi theo thứ bậc đã quy định để cùng hưởng thần huệ, ăn uống hát xướng vui vẻ. Thông thường trong các cuộc lễ này đều có đọc mục lục, gồm những lời giáo huấn và lệ làng - tương tự hình thức đọc luật lệnh và giáo huấn ở thời Minh - Thanh như đã dẫn ở trên. Tuy nhiên nội dung là tùy thuộc theo yêu cầu cụ thể của mỗi làng. Chẳng hạn lời giáo huấn ở xã Đằng Cao, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa như sau: “Phàm xỉ ư hương / Dữ ngã đồng ước: Thiếu nhi năng sự trưởng hồ / Tiện nhi năng sự quý hồ / Bất tiêu nhi năng sự hiền hồ / Nhất hữu bất năng / Vô nhập ngô đình / Kỳ dư giai nhập”. [Phàm những người đến tuổi trong làng, hãy cùng ta giao ước: kẻ bé phải biết kính trọng người lớn, kẻ hèn phải biết kính trọng người sang, kẻ kém cỏi phải biết kính trọng người hiền tài. Kẻ nào không làm được một trong những điều ấy, không được vào đình ta, còn lại đều được vào]. Qua đó có thể thấy lệ Hương ẩm của chúng ta rất gần với nội dung của lễ Hương ẩm tửu thời Minh - Thanh đã nói đến ở phần trên, với đầy đủ các nội dung: Kính hiền tôn lão, quý tiện minh long sái biện và giáo huấn.

    Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cũng có thoáng chút liên hệ lễ Hương ẩm tửu với lệ Hương ẩm ở nước ta và coi đây là một phong tục đẹp: “Đời cổ cấm quần tụ uống rượu, chỉ được uống rượu bốn lần vào dịp cử hành lễ Hương ẩm tửu: 1- ba năm một lần tiến cử người có tài năng lên triều đình; 2- Quan khanh đại phu thết đãi rượu những người hiền tài trong nước; 3 - Viên châu trưởng tập bắn cung tên; 4 - Ngày tế sạ trong hương đảng. Đời cổ nhân bốn dịp ấy mà lập ngôi tân chủ, đặt cơm rượu để chuyện trò vui vẻ, để dốc lòng kính nhường. Phong tục nước ta dùng ngày đầu xuân làm lễ kỳ phúc tế thần bản thổ hoặc vào mùa xuân mùa hạ hoặc vào mùa thu mùa đông. Lúc nghênh thần tống thần có đầy đủ âm nhạc, nhân dân đều nhân lễ ấy mà hội họp ăn uống. Theo thứ tự tuổi và tước, đủ cả lễ và tình, không gì là không phải rường mối lớn của đạo làm người vậy”(6).

    Như trên đã trình bày, lệ Hương ẩm của nước ta mang nội dung của lễ Hương ẩm tửu thời Minh - Thanh, do đó theo chúng tôi lễ này mới chỉ thực sự được du nhập vào nước ta từ thời thuộc Minh - Lê sơ chứ chưa thể có trước đó.

    Vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, sau khi chiếm được nước ta, nhà Minh lại nhập nước ta thành quận huyện - chịu sự quản lý hành chính của Trung triều. Đặc biệt dưới sự cai trị của Hoàng Phúc - một viên Thượng thư rất có năng lực, am tường Nho học - với mưu đồ thực hiện đồng hóa để cai trị lâu dài, ông này đã ráo riết đưa các tư tưởng Nho gia áp đặt vào Việt Nam, theo đó lễ Hương ẩm tửu với những quy định mới của nhà Minh đã được vận dụng. Sau khi giành lại độc lập, với chủ trương Nho giáo hóa xã hội của các vua đầu triều Lê, lễ này lại tiếp tục được sử dụng như một công cụ giáo hóa, dần dần ngấm sâu vào làng xã Việt Nam.

    Tuy nhiên qua một quá trình diễn biến lâu dài, lễ Hương ẩm tửu ở Việt Nam đã không còn rõ rệt tinh thần của một nghi lễ nữa mà được chuyển hóa thành một tục lệ bao trùm lên toàn bộ đời sống chính trị xã hội chốn hương thôn. Tuy vẫn mang đầy đủ các nội dung kể trên, nhưng nó đã được kết hợp chặt chẽ với luật bổ hạng của nhà nước(7) để tiện quản lý thuế khóa công dịch và đặc biệt nhấn mạnh tinh thần “quý tiện minh, long sái biện”, tức là nhấn mạnh sự sắp xếp thứ bậc tôn ty trong làng nhưng theo cách của người Việt. Càng về sau lệ Hương ẩm càng diễn biến mở rộng theo chiều hướng trở thành một lệ định chặt chẽ về ngôi thứ nơi đình trung, thậm chí được nhà nước đưa vào pháp lệnh. Niên hiệu Tự Đức 14 (1861), triều đình tiến hành nghị bàn điều lệ về thứ tự chỗ ngồi ở các xã thôn khi hội họp và ban sắc mệnh về việc quy định thứ tự chỗ ngồi như sau: “Quan văn từ thất phẩm trở lên và Ấm sinh, Giám sinh, Tú tài xuất thân hàm bát cửu phẩm; quan võ từ Suất đội trở lên; các Cử nhân văn, Cử nhân võ trở lên, đều chia tả hữu ngồi ở gian giữa đình. Người nào có việc công đi vắng, phải để trống chỗ đó. Tuổi từ 70 trở lên và quan võ chức Đội trưởng hàm thất phẩm, quan văn các chức tá tạp hàm bát cửu phẩm, các chức Thiên hộ, Bá hộ, Chánh tổng, Ấm sinh, Tú tài, Quan viên tử; các chức Thiên hộ, Bá hộ miễn sai dịch do nộp tiền mà có, ngồi gian bên tả. Hạng cùng hàng, chưa đến 70 trở xuống và Lý trưởng, xã dân đều ngồi ở gian bên hữu, phân biệt thứ tự theo tuổi tác. Đình nào chật hẹp, viên chức không ở tại quê, cho chức sắc trong làng chiếu theo thứ tự ngồi trên. Phàm cùng hàng thì bậc tôn trưởng ngồi hàng trên, hạng ty ấu ngồi hàng dưới, còn cỗ bàn rượu thịt nhất luật đều như nhau. Còn lại đều theo đúng tôn ty trưởng ấu mà kính biếu có chênh lệch. Nếu có kẻ phạm tội đồ trở lên, cho ngồi riêng ra một chiếu, kẻ nào làm trái, giải lên quan chiếu luật “Vi chế” trị tội”(8). Với sự tiếp sức của nhà nước, lệ Hương ẩm ngày càng phát triển thành một tục lệ nặng nề, một áp lực đè nén ràng buộc người nông dân, chi phối mạnh mẽ cuộc sống của họ. Tác giả Người nông dân châu thổ Bắc kỳ đã nhận xét rất chính xác về điều này: “Vấn đề cơ bản chi phối đời sống chính trị của làng và là mối quan tâm của mọi dân làng là sự sắp xếp ngôi thứ trong làng”(9). Chính vì vậy, trải nhiều thế kỷ, giai cấp thống trị nước ta - từ cấp làng xã đến quốc gia - đã triệt để sử dụng công cụ này để áp chế nhân dân.

    Trên thực tế, sự phân biệt sang hèn lớn bé được thể hiện qua chỗ ngồi trong Hương ẩm (Chiếu trên chiếu dưới, mâm trên mâm dưới) chính là là sự phân chia giai cấp ở làng xã. Khi đã được vào sổ Hương ẩm, người dân theo thứ bậc mà được hưởng quyền lợi trong làng cũng như phải tham gia gánh vác việc làng, như đóng góp tiền gạo cho các kỳ tế lễ, cắt bổ quan dịch, công dịch, thuế khóa v.v… Thường là theo tỷ lệ nghịch, thứ bậc cao thì quyền lợi nhiều gánh vác ít, thứ bậc thấp thì quyền lợi ít gánh vác nhiều. Tồn tại trong cộng đồng làng xã, nếu đứng ngoài Hương ẩm tức là tự loại bỏ ra khỏi cộng đồng, càng có thứ bậc cao trong hương ẩm càng được sự trọng vọng của dân làng, nếu là người ngụ cư phải qua nhiều khó khăn mới được gia nhập Hương ẩm. Chính vì vậy nhiều người phải bỏ tiền mua chỗ ngồi để được ăn trên ngồi trốc. Cũng hương ước thôn Bùi Tây cho biết “Người nào tình nguyện mua chỗ ngồi thì chiếu theo mỗi tuổi mỗi chỗ là một quan”. Những người phạm lỗi hoặc vì lý do nào đó bị đuổi xuống bàn dưới là một sự nhục nhã. Còn nếu bị truất bỏ tên trong sổ Hương ẩm thì sự nhục nhã khốn khổ có lẽ không kém luật rút phép thông công của Cơ đốc giáo. Người bị truất khỏi Hương ẩm cùng gia đình gần như bị hoàn toàn tách khỏi cái cộng đồng vốn có quan hệ rất chặt chẽ của làng, cưới hỏi không ai nhìn, tang ma không ai đến, không được tham gia hội hè ăn uống với làng và hưởng bất cứ quyền lợi gì trong làng… Trong xã hội kinh tế tiểu nông, sự gắn kết cộng đồng bao giờ cũng là một yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo sự tồn tại, vì vậy việc bị loại ra khỏi cộng đồng là một hình phạt không ai không sợ. Khoán ước lập vào năm Cảnh Trị 8 (1670) của xã Dương Liễu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai quy định “Người nào bỏ bễ quan dịch thì không kể tuổi tác thế nào, bắt ngồi xuống hàng kém 12 tuổi”(10) Hương ước thôn Bùi Tây cũng chép: “Người nào đã nhập sổ mà không kham nổi đóng góp, sau một hai năm muốn xin chuộc lại thì chiếu theo phế bỏ từ năm nào, truất mỗi năm hai chỗ, nếu muốn xin vẫn ở chỗ cũ, cho chuộc mỗi năm là một quan hai. Lại nếu đã có tên trong sổ mà bỏ ba kỳ liền không đóng góp sẽ bị tước tên khỏi sổ để giữ nghiêm tục làng”. Bởi vậy người dân thì không dám ra khỏi làng, rời bỏ Hương ẩm, lơ là thuế khóa công dịch, đóng góp việc làng; chức sắc trong làng thì luôn nắm chặt lệ Hương ẩm để quản lý nhân khẩu thuế khóa quan dịch và vơ vét của dân. Có thể thấy đối với nhà cầm quyền, đây thực sự là một biện pháp quản lý hành chính cấp cơ sở rất hữu hiệu. Chính vì vậy nhà nước phong kiến qua nhiều thế kỷ đã cho duy trì tục lệ này để thực hiện quản lý nhà nước cấp cơ sở và cũng dựa vào đó để dễ dàng tuyên truyền giáo hóa đạo đức Nho gia. Tuy nhiên, trước thực tế những tệ nạn nảy sinh từ tục lệ này ngày càng gây phiền phức đến đời sống người dân, như sự lợi dụng tục lệ để nhũng nhiễu dân của chức sắc trong làng và sự tranh chấp bán mua ngôi thứ làm ảnh hưởng không ít đến thuần phong mỹ tục, nên nhà nước không thể không can thiệp. Trong bộ Quốc triều hình luật toát yếu - một bộ luật được biên soạn và ấn hành vào niên hiệu Duy Tân 2 (1908) - tại chương Lễ luật mục Hương ẩm tửu, triều đình đã phải chính thức ban hành các điều luật quy định đối với tục lệ này cùng chế tài xử phạt đối với người vi phạm luật. Luật ghi như sau: “Phàm thứ tự tuổi tác nơi hương đảng (đối với thứ bậc chỗ ngồi thường ngày) và trong lễ Hương ẩm tửu (đối với nghi lễ khi hội họp ăn uống) đều đã có quy định cách thức (xem điều lệ ở dưới), kẻ nào làm trái phạt 50 roi.

    Điều lệ:

    1- Về thứ tự tuổi tác nơi hương đảng thì tất cả các hạng sĩ nông công thương, thường ngày gặp nhau hoặc lễ hội yến ẩm hàng năm đều phải theo lệ kẻ bé ngồi hàng dưới, người lớn ngồi hàng trên. Nếu đầy tớ gặp chủ thì bất luận thứ tự tuổi tác thế nào đều phải theo lễ kẻ bé thờ người lớn. Nếu là thân thuộc thì không phải câu nệ chủ tớ, chỉ theo lễ của thân thuộc.

    2. Xã dân nếu có việc công tư gì phải tụ họp, chỉ cho dùng trầu cau làm lễ, không được thác cớ việc làng, thu góp tiền của dân để quần tụ ăn uống. Nếu làm trái, phạt xã trưởng 50 roi.

    3. Xã dân người nào được ban sắc mệnh và khoa trường đỗ đạt, hoặc kẻ ở hàng dưới đến tuổi lên lão, thì đối với việc xỉ tước theo lệ phải ăn mừng, đối với việc chỗ ngồi theo lệ phải khao vọng, nhưng chỉ cho phép: Nếu làm lễ ăn mừng lớn, cho dùng lợn xôi trầu rượu thay bằng tiền là ba quan. Nếu chỉ khao vọng bình thường thì dùng gà xôi trầu rượu thay bằng tiền là một quan rưỡi. Nếu cứ bám lấy lệ làng mà sách nhiễu để làm trái luật, xử tội”(11).

    Tuy nhiên luật của nhà nước cũng khó mà thay đổi được gì nhiều đối với lệ làng. Nhìn chung lệ Hương ẩm vẫn luôn tác động hết sức nặng nề vào đời sống nhân dân. Chưa kể những phiền nhiễu khác, chỉ riêng với việc trước đây tại các thôn xã Việt Nam, tế lễ luôn là những sự kiện quan trọng diễn ra quanh năm thì những đóng góp cho các lễ lạt ở làng đối với dân đinh là hết sức lớn, hương ước thôn Bùi Tây cho biết, một năm thôn này có tới trên dưới 30 lễ tế, đều bổ theo Hương ẩm để đóng góp và cắt người phục dịch.

    Có thể nói những ràng buộc nặng nề của lệ Hương ẩm trong một quá trình lâu dài đã khiến làng xã Việt Nam dần trở thành một cộng đồng đóng chặt kém phát triển, người dân trong đó chỉ loanh quanh với những hủ tục, từ quanh năm lo tiền gạo đóng góp cỗ bàn, tranh giành mua bán chỗ ngồi chốn đình trung đến chia phần biếu miếng thịt tế, cái thủ lợn, chiếc đầu gà v.v…Họ không còn ngẩng được đầu lên để nghĩ đến điều gì khác. Đã có rất nhiều câu chuyện trong làng Nho ở Việt Nam nhắc đến những bi hài kịch về đề tài ngôi thứ này. Bi kịch Tiến sĩ Vũ Vinh Tiến (1620 - ?) người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương phải nhảy xuống sông tự vẫn được chép trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ(12) là một minh chứng sinh động về những tác động nặng nề của sự phân biệt ngôi thứ đối với người dân, không loại trừ ngay cả với hàng ngũ trí thức. Thời kỳ 1930 - 1945, thấm thía với những cay đắng của người nông dân, nhiều nhà văn hiện thực nổi tiếng như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố v.v… bằng những truyện ngắn cười ra nước mắt đã châm biếm chỉ trích gay gắt tục lệ này. Trần Huy Liệu trong Một bầu tâm sự in năm 1927 đã chỉ ra rất rõ những tệ hại của lệ Hương ẩm: “Tục nước mình thường hay thiên trọng ở chốn hương thôn, quanh năm suốt tháng lẩn quẩn ở trong làng, chiếm được một chỗ ngồi nơi hương đảng đã lấy làm vinh dự, tranh nhau làm ông phó, tranh nhau làm ông xã, tranh nhau ăn trên, tranh nhau ngồi cao, chửi mắng nhau, đánh đập nhau, kiện tụng nhau. Cái câu “Hương đảng tiểu triều đình” cùng “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp” luôn luôn ở cửa miệng. Có nhiều người hết cơ hết nghiệp vì một việc tức khí nơi hương thôn. Có nhiều người khánh kiệt gia tài vì một bữa Hương ẩm. Ngoài cái làng ra không còn biết nước nhà là gì, thế giới là gì. Vì vậy mà tư tưởng cục cằn, kiến văn chật hẹp. Mấy lũy tre nơi đầu làng đã là cái khám nhốt người ta rồi. Không những không có người nào ra ngoại quốc học tập làm ăn, mà ngay đến trong nước, mỗi tỉnh mỗi xứ cũng coi như một thế giới riêng”(13).

    Tuy vậy lệ Hương ẩm nơi các thôn làng Việt Nam trong một chừng mực nào đó cũng có những ưu điểm của nó như đem lại sự bình ổn, nền nếp trong quan hệ cộng đồng. Song, tuy tạo dựng được sự bình ổn, nhưng lại là sự bình ổn đến mức trì trệ, tuy hình thành được nề nếp trên kính dưới nhường, nhưng lại nuôi dưỡng tâm lý tự ty, thụ động. Cứ thế hết đời này sang đời khác, sống ở những ngôi làng vây bọc trong lũy tre xanh với sự ràng buộc của lệ Hương ẩm, người Việt đã luôn luôn hoặc khép mình giữ đúng phận vị, hoặc mưu mô xoay sở giành giật ngôi thứ để hòng có được chút quyền lợi nhỏ bé và sự hãnh diện với dân làng, chỉ suốt đời mơ ước được mở mày mở mặt với làng. Tâm lý này dần ăn sâu vào tiềm thức đến mức người Việt, kể cả cho đến thời đại ngày nay, dù làm gì ở đâu, thì việc chứng tỏ được danh giá đẳng cấp của mình trong làng đối với họ vẫn là một điều được quan tâm. Điều này đã dẫn đến sự trì trệ về nhiều mặt, người Việt trọng danh hơn trọng thực, thiếu sự năng động tự chủ và óc thực tiễn, tầm nhìn hạn chế, tư duy vụn vặt, chỉ đạt được đến tầm vóc làng xã.

    Cho đến sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, lệ Hương ẩm trong các làng xã mới bị phế bỏ. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó trong tiềm thức của người Việt vẫn còn dai dẳng, thực sự là những lực cản cho sự phát triển nhân cách cũng như năng lực nhận thức của mỗi cá nhân - điều quan trọng giúp cho sự phát triển của đất nước trong thời đại mới. Việc nghiên cứu tìm hiểu đầy đủ tục lệ này cùng những ảnh hưởng của nó thực sự là những giúp đỡ cần thiết cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nhằm nâng cao tố chất người Việt trong tương lai.

    Chú thích:
    (1) Gia lễ là những nghi lễ về quan hệ giao tế, mang tính chất giao lưu, hòa hợp tình cảm giữa mọi người. Theo Chu lễ, Gia lễ là để “Thân vạn dân”, nội dung của Gia lễ bao gồm các nghi lễ về yến ẩm, hôn quan, tân xạ, khánh hạ v.v…
    (2) Phần này chúng tôi tóm lược theo nghiên cứu của Hồ Bình Sinh: Trung Quốc cổ đại đích lễ nghi chế độ trong Trung Quốc cổ đại văn hóa sử, T.2 (Âm Pháp Lỗ Hứa Thụ An chủ biên), Bắc Kinh đại học xuất bản xã. 1996.
    (3) Trịnh Huyền: (127-200) - Nhà Kinh học lớn thời Đông Hán.
    (4) Những làng trọng tước thường là những làng có khoa mục.
    (5) Hương ước thôn Bùi Tây, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì do họ Bùi thôn Bùi Tây lưu giữ. Bản dịch của Trần Thị Kim Anh.
    (6) Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.65.
    (7) Luật bổ hạng: phân biệt dân đinh theo các hạng như quan viên, lão hạng, nhiêu, binh, hoàng đinh, bạch đinh để tiện quản lý thuế khóa và công dịch.
    (8) Quốc triều hình luật toát yếu, ký hiệu R.1547 Thư viện Quốc gia. Quyển trung, từ trang 59-60.
    (9) Pierre Gourou: Người nông dân châu thổ Bắc kỳ. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Nxb. Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh, 2003, tr.249.
    (10) Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam, Đinh Khắc Thuân (chủ biên), Nxb. KHXH, H. 2006, tr.149.
    (11) Quốc triều hình luật toát yếu. Sdd, trang 58-59.
    (12) Phạm Đình Hổ: Vũ trung tùy bút, Nxb. KHXH, H. 1998. tr.165.
    (13) Dẫn theo Vương Trí Nhàn: Thói hư tật xấu của người Việt. Báo Thể thao và Văn hóa, số ra ngày 15 tháng 7 năm 2006.

    Tài liệu tham khảo chính
    1. Hương ước làng xã Bắc bộ Việt Nam với luật làng Kan to Nhật Bản (Thế Kỷ XVII - XIX). Vũ Duy Mền (Chủ biên). Viện Sử học, H. 2001.
    2. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục. Nxb Khoa học Xã hội, H. 1977.
    3. Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ. Philippe Papin - Olivier Tessier (Chủ biên). Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia. H. 2002.
    4. Người nông dân châu thổ Bắc kỳ. Pierre Gourou. Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, Nxb. Trẻ. Tp. Hồ Chí Minh, 2003.
    5. Trung Quốc cổ đại văn hóa sử, T2.Âm Pháp Lỗ, Hứa Thụ An (Chủ biên), Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, 1996./.

    Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (78) 2006; Tr.32-39
     

Share This Page