Luận giải về nhan đề tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    LUẬN GIẢI NHAN ĐỀ TÁC PHẨM VĂN TÂM ĐIÊU LONG CỦA LƯU HIỆP

    Nguyễn Phúc Anh
    ĐH KHXH & NV- Hà Nội

    Luận giải nhan đề Văn tâm điêu long 文心雕龍 là khâu quan trọng trong nghiên cứu tác phẩm văn luận Văn tâm điêu long của các nhà Long học trong và ngoài nước. Cách hiểu bốn chữ này mang tính dẫn đạo nhà nghiên cứu đường hướng tiếp cận toàn bộ trứ tác của Lưu Hiệp. Vì vậy trong hơn 650 năm kể từ năm 1355, năm mà Tiền Duy Thiện, một học giả đời Nguyên, đưa ra những lí giải đầu tiên về tên gọi của Văn tâm điêu long(1), nhiều thế hệ học giả, đã đóng góp thêm những lí giải của mình: vào đời Minh đó là những kiến giải của Diệp Liên Phương 葉聯芳, Cố Khởi Nguyên 顧起元(2). Ở Trung Quốc thời hiện đại chúng tôi thống kê được các quan điểm của Chu Quảng Thành 朱广成(3), Vương Thiếu Lương 王少良(4), Chu Thiệu Hằng 周紹恆(5). Đặc biệt thông qua tổng thuật của Chu Quảng Thành chúng tôi được biết đến những quan điểm khác của Đằng Phúc Hải 滕福海, Lí Khánh Giáp 李庆甲 và của một nhà nghiên cứu người Nga có tên phiên âm là Khắc Lợi Phu Tá Phu 克利夫佐夫… Ở các nước khác, chúng tôi được biết đến quan điểm của Stephen Owe(6), Shih Vincent Y.C(7), I.X.Lixêvích(8). Ở Việt Nam, cũng có các ý kiến của một số nhà nghiên cứu như Phan Ngọc(9), Nguyễn Khắc Phi(10), Dương Ngọc Dũng(11) (tổng thuật), Phương Lựu(12). Trên cơ sở kế thừa và đính chính những quan điểm trên của các nhà nghiên cứu đi trước(13) chúng tôi nhận thấy: với những tác phẩm có hàm lượng lí thuyết cao, tên gọi của tác phẩm thông thường được tác giả tính toán rất kĩ khi đặt tên nhằm chuyển tải một cách cô đúc nhất những vấn đề cốt lõi của tác phẩm. Do tính chủ ý cao nên cách giải thích hợp lí nhất phải là cách giải thích tiệm cận được với quan điểm của bản thân tác giả. Với trường hợp của Văn tâm điêu long chúng tôi chủ trương sử dụng chính những thuyết minh của Lưu Hiệp trong thiên Tự chí序志, thiên thứ 50 của sáchVăn tâm điêu long, làm cơ sở cho những lập luận của chúng tôi.

    Lưu Hiệp trong thiên Tự chí đã giải thích Văn tâmĐiêu long như hai vế đối nhau. Vì vậy, giống như cách giải thích của đa số những nhà nghiên cứu, chúng tôi sẽ tiến hành giải thích tên gọi tác phẩm theo từng vế một. Chúng tôi còn tiến xa hơn một chút khi cố gắng thuyết minh tương tác giữa hai vế của tên sách. Trước tiên, chúng tôi xin chép những kiến giải của Lưu Hiệp trongthiên Tự chí của sách Văn tâm điêu longvì nhận thấy nó rất cần thiết cho những lập luận về sau này: “Văn tâm là nói đến chuyện “dụng tâm” khi làm văn. Xưa Quyên Tử có Cầm tâm, Vương Tôn có Xảo tâm. Người viết Cầm tâmXảo tâm mới thực là có tâm thay, văn chương của họ mới đẹp thay. Cho nên ở đây tôi dùng chữ ấy. Xưa nay văn chương phải lấy trau chuốt tạo thànhthể, lẽ nào [tôi] lại lấy hai chữ Điêu long mà người ta dùng để nói về bọn Trâu Thích hay sao?” [Nguyên văn: 夫文心者, 言為文之用心也。昔涓子琴心, 王孫巧心。心哉美矣, 故用之焉。古來文章以雕縟成體。豈取騶奭之群言雕龍也。]Người nào đã từng đọc qua bản dịch của Giáo sư Phan Ngọc hay bản dịch của ông Dương Ngọc Dũng hẳn sẽ ngạc nhiên khi đọc đoạn trích qua phần tự dịch trên của chúng tôi. Song chúng tôi cũng có lí lẽ của riêng mình.

    Đầu tiên là về hai chữ Văn tâm文心. Đoạn Lưu Hiệp luận về hai chữ Văn tâm như đã thấy rất ngắn gọn. Ông nói rằng Văn tâm là nói đến chuyện “dụng tâm khi làm văn (GS. Phan Ngọc dịch là “dụng tâm của văn” e rằng chưa được chuẩn). Ở đây có vấn đề liên quan đến chuyện chữ nghĩa.

    Xét câu văn đầu của đoạn trích trên kia “Phù văn tâm giả, ngôn vi văn chi dụng tâm dã”, ở đây “ngôn” là động từ, “dụng tâm”là trung tâm ngữ còn “vi văn”bổ sung ý nghĩa cho “dụng tâm”. Câu này như vậy phải dịch thành: “Văn tâm” - đây là nói đến chuyện dụng tâm khi làm văn vậy.

    Câu “Tâm tai mĩ hĩ”mới có nhiều chuyện để bàn. Câu này nếu tách rời ra khỏi văn cảnh, sẽ đặt ra hai khả thể diễn dịch: “cái tâm đấy là đẹp” hoặc là “tâm - cái chữ ấy thật đẹp”. Hai cách này đều coi chữ “hĩ” như một trợ từ biểu thị một sự dĩ nhiên hoặc một kết quả tất nhiên. Khả năng là hai cách diễn dịch trên không được chuẩn. Bởi lẽ nếu hiểu theo hai cách này thì câu văn trên “Văn tâm là nói chuyện dụng tâm khi làm văn” sẽ phải giải thích ra sao đây? Mọi chuyện dường như lâm vào bế tắc. Mạch văn dường như đứt gẫy.

    Chúng tôi đã tra các loại từ điển, như Từ Hải 辭海 (Trung Hoa thư cục 中華書局,1994, tr.2064) thì thấy, chữ “hĩ” (矣) còn biểu thị sự cảm thán, chẳng hạn sách Mạnh Tử (Lương Huệ Vương) có câu: “Đại tai ngôn hĩ”; hay như Hán - Việt tự điển của Thiều Chửu (Nxb. Thanh Niên, 2003, tr.524) cũng cho biết chữ “hĩ” nhiều khi còn dùng thông với chữ “tai” (哉) để biểu thị cảm thán, chẳng hạn sách Luận ngữ có câu: “Thậm hĩ! Ngô suy hĩ!”. Và để tránh khỏi bế tắc trong những cách diễn dịch kia, chúng tôi sẽ tư duy theo hướng “hĩ” là một cảm thán từ. Mặt khác, Chiêm Anh 詹鍈, trong Văn tâm điêu long nghĩa chứng 文心雕龍義證(14), khi làm công tác đối chiếu các bản Văn tâm điêu long lưu truyền từ trước cho đến nay đã cung cấp cho chúng tôi một thông tin thú vị. Ông đã nhận ra một điều: trong các bản Văn tâm điêu long đời nhà Nguyên niên hiệu Chí Chínhthứ 15 của Tiền Duy Thiện, Văn tâm điêu long của Dư Hối 余誨 nhà Minh, Văn tâm điêu long huấn cố 文心雕龍訓故 của Vương Duy Kiệm 王惟儉 khắc năm Vạn Lịch 萬歷 thứ 39, Văn tâm điêu long của Phùng Doãn Trung 馮允中khắc hoạt tự nhà Minh niên hiệu Hoằng Trị 弘治 thứ 17, Văn tâm điêu long của Uông Nhất Nguyên 汪一元, Văn tâm điêu long của Trương Chi Tượng 張之象 v.v… đều có chữ “phù” (夫) đứng sau câu “tâm tai mĩ hĩ” (心哉美矣). Chữ “phù” vốn tương đương với chữ “hồ” (乎), song trong văn cảnh này không thể mang nghĩa nghi vấn vì trước nó là “hĩ”. “Hĩ phù” ở đây là cảm thán từ. Điều đó đã khẳng định xu hướng tiếp cận của chúng tôi là đúng đắn. Sự xuất hiện nêu trên xảy ra ở nhiều bản khác nhau, trong đó có bản Văn tâm điêu long cổ nhất đã chứng minh tính chất cảm thán của câu “tâm tai mĩ hĩ (phù)”. Và khi ta thừa nhận “Tâm tai mĩ hĩ (phù)” là một câu cảm thán thì câu này phải dịch là: “[người viết Cầm tâmXảo tâm mới thực] có tâm thay! [Văn chương của họ mới thực] đẹp thay!”. Cách dịch này vừa cho ta hiểu được tại sao lại trích dẫn tên của Quyên Tử và Vương Tôn Tử cùng những tác phẩm của họ. Đồng thời cách dịch này còn ứng được với hai chữ “dụng tâm” trong câu: “ngôn vi văn chi dụng tâm”. Mạch văn của Lưu Hiệp vì vậy sẽ logic hơn, dễ hiểu hơn.

    Đã hiểu “Văn tâm là chỉ sự dụng tâm khi làm văn” thì muốn giải thích “Văn tâm”, điều quan trọng bậc nhất là hiểu hai chữ “dụng tâm” là thế nào? Với người đọc hiện đại ít người có thể tường giải hai chữ “dụng tâm” mà Lưu Hiệp đã sử dụng.Chữ “Tâm”心 như trong sách Thuyết văn giải tự 說文解字 của Hứa Thận 許慎 chỉ ra, đây là một chữ tượng hình cho một cơ quan nội tạng mà ngày nay chúng ta gọi là trái tim(15). Chữ “tâm” ở đây có ý nghĩa là một vật chất cụ thể. Các từ điển khác như từ điển Từ nguyên 辭源(16) cho biết “tâm” trong quan niệm của người Trung Hoa còn là một cơ quan làm chủ quá trình tư duy, ý thức và tinh thần nói chung của con người, nơi điều hòa mọi hoạt động sự tồn tại của cả thể xác và tâm linh con người. Các nhà triết học cổ đại Trung Hoa và dĩ nhiên cả Lưu Hiệp đều tin rằng: thông qua “tâm” thậm chí con người có thể đối thoại với thế giới của thần linh, có thể kết nối với đạo và tri nhận được đạo.

    Sự phức tạp trong cách giải thích chữ “tâm” dẫn đến sự đa nghĩa trong cách hiểu hai chữ “dụng tâm” (用心). Hai chữ này ẩn chứa trong nó: (1) Sự day dứt, sự khô kiệt về hình hài, thể xác của nhà văn khi làm văn. Thiên Thần tư 神思 sách Văn tâm điêu long đã ghi chép rất nhiều những câu chuyện văn nhân khổ lụy đến hình hài vì quá trình tác văn. Cách giải thích này ứng với cách giải thích chữ “tâm” như một ý nghĩa vật chất cụ thể, một bộ phận thuộc về thể xác con người. (2) Nếu hiểu chữ “tâm” như một phạm trù tinh thần của con người, thì hai chữ “dụng tâm” còn mang trong nó một nghĩa hàm ẩn thứ hai là những bức xúc, là trạng thái liên tục biến động của cảm xúc thậm chí nhiều khi giống như sự hành hạ về tinh thần của người nghệ sĩ khi sáng tạo văn học. (3) Còn với cách hiểu chữ “tâm” như một phạm trù tâm linh thì thậm chí “dụng tâm” còn có một ý nghĩa mang mầu sắc thần bí. Nó là một điều kiện cho sự kết nối giữa văn và đạo (nơi mà Lưu Hiệp coi là khởi nguồn của văn); giữa “tác văn” và “tri đạo” của văn nhân. Văn nhân bằng quá trình “dụng tâm” của mình đã quy hồi được với cái mà Lưu Hiệp gọi là “văn của đạo”(17).

    Bởi vậy, theo thiển ý của chúng tôi, hai chữ “dụng tâm” khó lòng phù hợp với hai chữ “nội dung” như một số nhà nghiên cứu đã giải thích. Nó thuộc về một phạm vi khác, nơi mọi cố gắng gò ép nó vào cũi lồng của thi học phương Tây đều trở thành nghịch dị(18).

    Còn về khái niệm “văn”. Khái niệm này được sử dụng trong tác phẩm Văn tâm điêu long vốn rất đa nghĩa. Đặt câu hỏi về nội hàm khái niệm “văn” của Lưu Hiệp là gì cũng giống như là đặt câu hỏi về toàn bộ tư tưởng văn học của Lưu Hiệp là gì. Vấn đề nêu trên yêu cầu những phân tích vượt quá khuôn khổ bài viết này. Trong những bài viết sau chúng tôi sẽ phân tích cụ thể về vấn đề này(19).

    Còn về hai chữ “điêu long” (雕龍), cũng là thiên Tự chí, ngay sau lời bàn thế nào là “văn tâm”, Lưu Hiệp đã nói những lí do ông chọn hai chữ “điêu long” để đặt nhan đề tác phẩm: “Xưa nay văn chương phải lấy chau chuốt tạo thành thể, lẽ nào [tôi] lại lấy hai chữ “điêu long” mà người ta nói về bọn Trâu Thích hay sao?”. Không thể hiểu hai chữ “điêu long” giống như việc gọt giũa cắt tỉa câu văn đơn thuần như chuyện “điêu trùng triện khắc”. Ở đây chúng tôi đi tìm bản nghĩa của hai chữ “điêu long”. Câu hỏi là: “Điêu long trong hệ thống khái niệm của Lưu Hiệp có những ý nghĩa gì?”. Trước tiên chúng tôi phải thuyết minh cơ chế lập luận của mình. Chúng tôi thiết nghĩ, hai chữ “điêu long” ở nhan đề không thể giải thích nếu không tiến hành thống kê và luận giải tất cả các trường hợp sử dụng hai chữ ấy trong toàn bộ tác phẩm. Câu hỏi được đặt ra: Lưu Hiệp đã dùng hai chữ “điêu long” như thế nào trong toàn bộ tác phẩm của mình? Câu hỏi đã dẫn chúng tôi đến việc thống kê số lần xuất hiện của hai chữ này. Kết quả là Lưu Hiệp trong toàn bộ tác phẩm của ông đã ba lần sử dụng hai chữ “điêu long”. Một lần như đã biết là ở nhan đề tác phẩm. Một lần ở thiên Thời tự時序 (thiên thứ 45), một lần ở thiên Tự chí (thiên 50). Đây là một tần số xuất hiện không lớn với các văn nhân bình thường song nó là một con số không nhỏ đối với Lưu Hiệp (do Lưu Hiệp có một chủ trương hành văn rất đặc biệt được ghi lại ở thiên Dung tài 鎔裁, thiên thứ 32 của Văn tâm điêu long: “một ý mà nhắc lại hai lần tức cũng giống như ngón tay, ngón chân thừa, cùng một từ mà nhắc lại ở hai câu, đấy là u bướu của văn vậy” [一意兩出, 文之駢枝也。同辭重句, 文之魷也]. Chắc hẳn hai chữ “điêu long” phải được Lưu Hiệp gửi gắm một “mã văn hóa” nào đó và nhận được sự quan tâm của ông.

    Chúng tôi xin được xét hai trường hợp sử dụng “điêu long” còn lại ngoài tên tác phẩm: Trước tiên là ở thiên Thời tự, chúng tôi xin trích một đoạn: “…chỉ có nước Tề nước Sở là hơi hơi có phong khí văn học. Nước Tề mở nhà Trang Cù, nước Sở mở cung Lan Đài. Mạnh Kha làm khách nước Tề, Tuân Khanh làm Huyện lệnh Lan Lăng. Cho nên mọi người thấm nhuần phong thái tốt đẹp. Trâu tử (Trâu Diễn) vì bàn luận về trời mà được ngợi khen, Trâu Thích lấy những ngôn từ như chạm rồng (điêu long) mà cầu được nổi tiếng”. Trong đoạn trích này, Lưu Hiệp có thiện cảm rõ rệt với những nhà văn Nho gia và có thái độ hơi mai mỉa với những Âm Dương gia như Trâu Diễn, Trâu Thích. Thứ nữa là lần sử dụng điêu long ở thiên Tự chí như độc giả đã biết ở trên, xin không nhắc lại.

    Có một điểm chung là cả hai cách dùng nêu trên đều gắn với một nhân vật, một Âm Dương gia là Trâu Thích. Tài liệu nói về ông này tương đối mơ hồ và ít ỏi. Những ghi chép được nhiều người biết đến là của Tư Mã Thiên trong Sử kí 史記 thiên Mạnh Tử Tuân Khanh truyện 孟子荀卿傳: “Trâu Thích là đệ tử của Trâu Diễn nước Tề, chọn nhiều điều trong số những học thuật của Diễn mà ghi chép thành văn” [騶奭者, 齊諸鄒子亦頗釆鄒衍之述紀文], “Học thuật của Trâu Diễn viển vông và biện luận rộng rãi, Trâu Thích thì văn đầy đủ nhưng khó thi hành cho nên người Tề mới gọi hai người ấy là đàm thiên Diễn, điêu long Thích” [鄒衍之述迂大而閎辨,奭也文具難施。故齊人頌曰談天衍雕龍奭]. Lưu Hướng 劉向trong sách Biệt lục 別錄 viết: “Trâu Thích sửa văn của Trâu Diễn, tu sức tỉ mẩn như chạm khắc vảy con rồng, cho nên gọi là điêu long” [騶奭修衍之文, 飾若雕鏤龍文, 故曰雕龍。].

    Những trích dẫn của chúng tôi trên đây nhằm chỉ ra, trong con mắt của những người mà Lưu Hiệp ít nhiều chịu ảnh hưởng, thì hai chữ “điêu long” khi gắn với Trâu Thích đều mang một hàm nghĩa tiêu cực. Điều đó thể hiện ở sự chê bai của Lưu Hướng, sự mỉa mai, đánh giá khắt khe của sử gia Tư Mã Thiên và của cả Ban Cố, tác giả Hán Thư 漢書 khi lấy một biệt hiệu mà người đương thời gọi tên Trâu Thích gắn với tên huý ra để chép vào sách (vậy nên “Điêu long Thích” không bao giờ có thể là do Trâu Thích tự đặt ra cho mình)… Tất cả đã cho thấy quan niệm của họ về văn chương và vấn đề điêu long của Trâu Thích.

    Lưu Hiệp cũng có một quan điểm chống lại lối văn chương của Trâu Thích. Hẳn Lưu Hiệp cùng các nhà Nho cho rằng Trâu Thích mượn những điều trong học thuật của Trâu Diễn đã không có sự phát triển gì hơn mà chỉ dùng văn chương trau chuốt tán tụng thêm. Đấy là thứ văn chương vô hồn không có được sự dụng tâm cần thiết mà chỉ chăm chút cho công việc tỉ mẩn của ngôn từ như chạm khắc vảy của con rồng. Mặt khác, hẳn Lưu Hiệp chẳng ưa gì những điều trong học thuật của Trâu Diễn, Trâu Thích. Trong thiên Khoa sức 夸飾 (thiên thứ 37), ta thấy Lưu Hiệp đả kích mạnh mẽ lối văn chương dối trá phù phiếm bàn luận những chuyện không đâu như chuyện con Phi Liêm, Tiêu Liên, con cá Tì Mục ở Đông Đô, thần biển Hải Nhược ở Đông Kinh… Học thuật của Trâu Diễn và Trâu Thích ngay đương thời đã bị chê là vu khoát vô dụng “đàm thiên Diễn, điêu long Thích”. Đến thời Hán lại bị Lưu Hướng, Tư Mã Thiên và Ban Cố…không tán thành. Lưu Hiệp cũng ít nhắc đến những học giả thuộc Âm Dương gia như Trâu Thích, Trâu Diễn. Thỉnh thoảng ông còn tỏ ra trào phúng châm biếm họ.

    Lưu Hiệp chống lại “điêu long” (chạm khắc vảy con rồng) theo tinh thần của Trâu Thích, điều này chúng tôi đã chứng minh ở trên. Song thực chất Lưu Hiệp lại hoàn toàn không phủ nhận việc chau chuốt văn chương cũng như thứ văn tỉ mẩn đẹp đẽ như khắc chạm. Ông khẳng định “Xưa nay văn chương phải lấy chau chuốt tạo thànhthể”. Tức là ông thấy cần phải có một thứ văn chương điêu long; song đấy không phải là thứ văn chương điêu long theo tinh thần Trâu Thích chỉ là sự gọt giũa suông những điều mòn chán. Lưu Hiệp kêu gọi đưa vào trong văn chương điêu long mớicủa mình một sự dụng tâm của nhà nghệ sĩ. Chúng tôi cho rằng học giả I.X.Lixêvích cũng nhận ra điều này. Ông viết: “…cũng như bất cứ sự vật nào khác, hoa văn như vậy có một trung tâm tổ chức, một điểm tập trung, một tâm điểm (văn tâm). Lời kêu gọi của Lưu Hiệp đưa vào trung tâm này hình tượng con rồng (khác với những con sâu thảm hại do những người say mê chau chuốt tạo ra) chính là lời kêu gọi sáng tạo những tác phẩm lớn có sức mạnh…”(20).

    Bởi vậy theo chúng tôi “điêu long” là một cách dùng “giả tá” của Lưu Hiệp. Ông đã mượn hai chữ “điêu long” mà người ta nói về Trâu Thích, đưa vào trong hai chữ ấy một nội dung hoàn toàn mới mẻ…Về thực chất hai chữ “điêu long” ở nhan đề tác phẩm với cách dùng ở hai thiên Thời tựTự chí chỉ còn có cái “vỏ” là giống nhau còn nội dung đã được Lưu Hiệp “đánh tráo” đi.

    Điểm khác nhau giữa hai quan điểm của Lưu Hiệp và Trâu Thích là ở chỗ: Trâu Thích chỉ nghĩ đến chuyện “điêu long” còn Lưu Hiệp thì biết đặt “điêu long” bên cạnh hai chữ “văn tâm”. Ông đã cho “điêu long”, ẩn dụ của công việc tạo thành thể của văn chương, cả sự dụng tâm của nhà nghệ sĩ. Tóm lại, ta phải diễn dịch ra sao đây về hình ảnh ẩn dụ này theo quan điểm của Lưu Hiệp. “Điêu long”là một ẩn dụ, hàm ý muốn nói về những kĩ xảo mà người nghệ sĩ đã sử dụng thông qua quá trình “dụng tâm” để tạo thành vẻ đẹp không phù phiếm của sự sắp xếp hợp lý chương và câu (chương cú), của sự đúc gọt (dung tài), của sự cân đối (lệ từ), của hài hòa thanh luật (thanh luật), của nghệ thuật tỉ hứng (tỉ hứng) và phóng đại tô vẽ (khoa sức), của sự đáng tin cậy của những nội dung được chứng minh bằng sách xưa (sự loại), của trình bày và chọn dùng các “chữ” (luyện tự), của sự kín đáo và nổi bật (ẩn tú)… trong văn chương. Hai chữ “điêu long” có một nội dung mà người viết tin rằng mình trình bày hãy còn nhiều thiếu sót. Việc tường giải hai chữ này bằng lối nghĩ Tây học hóa của người hiện đại sẽ gặp rất nhiều khó khăn và chỉ có giá trị tham khảo. Thực ra Lưu Hiệp không vất vả tường minh ý nghĩa hai chữ ấy. Bản thân ông đã dùng hai chữ “điêu nhục” 雕 縟 để giải thích hai chữ “điêu long”.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Cuối cùng, theo thiển nghĩ của chúng tôi, diễn dịch nhan đề tác phẩm Văn tâm điêu long bằng một hai dòng là điều bất khả, vì vậy khi dịch nhan đề tác phẩm này, chỉ nên phiên âm (ở ta là phiên âm Hán Việt) và tiến hành chú giải nội hàm ý nghĩa của nó một cách thấu đáo. Hy vọng rằng cách diễn dịch nhan đề tác phẩm này của chúng tôi góp phần vào việc tiếp cận và khám phá tác phẩm được coi là tập đại thành của văn luận cổ đại Trung Quốc.

    Chú thích:
    (1) Về quan điểm của Tiền Duy Thiện xin xem Chu Chấn Phủ 周振甫: Nguyên Chí Chính bản Văn tâm điêu long hối hiệu 元至正本文心雕龙汇校 in trong sách Văn tâm điêu long từ điển 文心雕龙辞典, Trung Hoa thư cục中华书局, năm 1996, từ tr.617 - 800.
    (2) Về quan điểm của hai người này xin xem Vương Lợi Khí王利器: Văn tâm điêu long hiệu chứng 文心雕龍校證, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã 上海古籍出版社, 1980, tr.321 và 328.
    (3) Chu Quảng Thành 朱广成: Biện luận và phân tích về tên sách Văn tâm điêu long 文心雕龙书名辨析, Hàng Châu Sư phạm Học viện học báo杭州师范学院学报, số 5 năm 1990 tr.61.
    (4) Vương Thiếu Lương 王少良: Những khảo sát mới về hàm nghĩa của tên sách Văn tâm điêu long 文心雕龙书名含义新探,Học thuật luận đàn 学术论坛, số 12 năm 2005, tr.162-166.
    (5) Chu Thiệu Hằng 周紹恆: Những khảo sát ban đầu về mối quan hệ giữa tên sách Văn tâm điêu long và cái then chốt của Văn 文心雕龙书名与文之枢纽的关系初探, Quý Châu văn sử tùng san 贵州文史丛刊, số 2 năm 2006, tr.38-41.
    (6) Stephen Owen (宇文所安), Vương Bách Hoa 王柏华 ĐàoKhánh Mai 陶庆梅 dịch, Văn luận Trung Quốc: dịch tiếng Anh và bình luận 中国文论英译与评论, Thượng Hải Xã hội khoa học viện xuất bản xã 上海社会科学院出版社, 2002, tr.188-189, bản song ngữ Trung - Anh.
    (7) Shih Vincent Y.C: The Literary Mind and the Carving of Dragons, New York: Columbia University Press 1959.
    (8) I.X.Lixêvích: Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, Trần Đình Sử dịch, Nxb.Giáo dục, 2000, tr.34.
    (9) Văn tâm điêu long, Phan Ngọc dịch Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3 năm 1996, tr.144.
    (10) Nguyễn Khắc Phi: Bàn thêm về lời giới thiệu và bản dịch Văn tâm điêu long, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 2 năm 1997, tr.151-155.
    (11) Dương Ngọc Dũng: Dẫn nhập tư tưởng văn học Trung Quốc, Nxb. Văn học, 1997, tr.58-59.
    (12) Phương Lựu: Phương Lựu tuyển tập phần Lí luận văn học cổ điển phương Đông,Nxb. Giáo dục, 2005, tr.51.
    (13) Những quan điểm của các nhà nghiên cứu tiền bối đã được chúng tôi tiến hành phân tích rất tỉ mỉ trong khoảng 11 trang A4 ở đây xin không nhắc lại. Xin xem Nguyễn Phúc Anh: Luận giải nhan đề tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, Công trình đoạt Giải Nhất nghiên cứu khoa học sinh viên của Bộ giáo dục và đào tạo năm 2006.
    (14) Chiêm Anh 詹鍈, Văn tâm điêu long nghĩa chứng 文心雕龍義證 quyển hạ, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã上海古籍出版社 1989, tr.1899-1900.
    (15) Hứa Thận 許慎, Thuyết văn giải tự 說文解字, Trung Hoa thư cục 中華書局 1998, tr.217 thượng.
    (16) Từ nguyên 辭源, Thương vụ ấn thư quán商務印書館, 1947, tr.565.
    (17) Gần đây chúng tôi có đọc được trong cuốn sách của Zong-qi Cai, Configurations of Comparative Poetics: Three Perspectives on Western and Chinese Literature Criticism, Honolulu: University of Hawai’i Press, 2002 những phân tích rất thú vị về quá trình của những thể nghiệm thần bí về đạo thông qua quá trình tác văn. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh thêm rằng quá trình đó được tiến hành qua trung gian là tâm của văn nhân.
    (18) Về vấn đề này xin xem thêm Zong-qi Cai, Configurations of Comparatives Poetics, Sđd, tr.4-5 và cuốn sách của Ming Dong Gu, Chinese Theories of Reading and Writing A Route to Hermeneutics and Open Poetics A Route to Hermeneutics and Open Poetics, State University of New York Press, Albany, 2005.
    (19) Có thể tham khảo bài viết của Zong-qi Cai, Wen and the Construction of a Critical System in Wenxin Diaolong in trongChinese Literature: Essays, Articles, Reviews 22 năm 2000, tr.1-29 để biết thêm về nội hàm khái niệm văn được Lưu Hiệp sử dụng trong Văn tâm điêu long và mối quan hệ của nó đến các khái niệm khác trong tác phẩm.
    (20) I.X.Lixêvích, Sđd, tr.73./.


    (Tạp chí Hán Nôm; Số 6 (85) 2007; Tr.65-71)
     

Share This Page