Miếu làng Quan tử (Vĩnh phúc) thờ thầy học Đỗ Khắc Chung

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    MIẾU LÀNG QUAN TỬ (VĨNH PHÚC) THỜ THẦY HỌC ĐỖ KHẮC CHUNG

    Lê Kim Thuyên
    Nhà nghiên cứu, Vĩnh Phúc

    Đỗ Khắc Chung là một trong những công thần của nhà Trần, nên được mang quốc tính, đổi là Trần Khắc Chung. Năm 1289 ông là một danh nho, có nhiều công lao trong kháng chiến chống ngoại xâm. Tuy là người thuộc đất Hải Dương, nhưng ông lại có nhiều dấu tích ở Vĩnh Phúc. Qua điều tra thực tế, chúng tôi bước đầu liệt kê được các địa phương ở Vĩnh Phúc thờ cúng ông như:

    + Di tích đình làng Liên Minh, thuộc thị trấn huyện lỵ huyện Tam Dương.
    + Di tích đình làng Bình Hòa, thuộc thị trấn huyện lỵ huyện Tam Dương.
    + Di tích miếu Khánh Thiên làng Đại Đề xã Triệu Đề huyện Lập Thạch.
    + Di tích đình làng Lung Đông, xã Đông Sơn huyện Lập Thạch.

    Cùng một số điểm khác nay không còn di tích, đều là các điện thờ cúng liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285 khi ông qua các nơi tổ chức lực lượng kháng chiến mà nhiều sử sách chưa ghi lại được.

    Đặc biệt là ở làng Quan Tử (Đông Sơn Ấp đời Trần, Sơn Đông xã đời Lê sơ - tục danh Kẻ Gốm) nay thuộc xã Sơn Đông có ngôi miếu thờ ông với ý nghĩa ông là người thầy dạy học.

    Bản khai “thần tích - thần sắc” làng Quan Tử, tổng Đông Mật, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên(1) đề ngày 02 avril 1938 có ghi: “Ông Đỗ Khắc Chung nguyên là người Giáp Sơn tỉnh Hải Dương, lúc ít tuổi có tài văn võ, học hành rất thông minh, lúc chưa hiển đạt, có đi chơi đến làng chúng tôi… thấy nhân dân phong tục thuần hậu mà ít học hành, Ngài mới lập trường dạy học, nhờ đó nhân dân học tập thông thái, thành ra một làng có ý nghĩa…”.

    Cũng nội dung bản khai này cho biết, khi hiển đạt dân làng đã lập miếu thờ (sinh từ). Sau khi mất, nhờ được linh ứng, nên càng được các triều ban sắc phong. Mỗi kì thi Hương, trước đây sĩ tử thường hay làm lễ “cầu khoa” ở ngôi miếu này.

    Có lẽ từ đấy, ngoài công lao triều chính, ông còn được người dân suy tôn, phụng thờ như một bậc Tiên sư phù giúp con em dân quê học hành. Vì thế nơi đây đã mở lớp “khai tâm” với một “hương sư” (thầy giáo làng) dân lập dân nuôi.

    Trải nhiều thế hệ đào luyện, cuối cùng cũng có người đỗ đại khoa, phát dẫn mạch nguồn sau hơn 100 năm. Tiên sư là người mở mối.

    Rồi với ý thức “trọng đạo”, “tôn sư”, ngôi miếu đến năm Cảnh Trị thứ 3 đời vua Lê Huyền Tông, tiếp tục được xây dựng to đẹp hơn (năm 1665) đó nguyên là nền trường học xưa, tọa lạc trong thế đất tựa như ở đầu ngọn bút mà 2 bên là hình “động bình”, “tây bảng”. Nơi đất ấy đã thành đạt tới 12 Tiến sĩ Nho học trong vòng 88 năm (từ 1843 đến 1541) của 2 triều Lê - Mạc đương là lúc khoa mục thịnh hành, Hương cống, Sinh đồ nhà nào cũng có, nên đặt lại tên là thôn Quan Tử (thay cho 2 chữ Sơn Đông) lấy nghĩa là “con cháu nhà quan”. Di tích được tu bổ lần cuối vào năm Kỷ Mão đời vua Bảo Đại (1939) có tổng thể như hồ sơ xếp hạng cấp quốc gia 1993 (QĐ số 937/QĐ.BT ngày 23 tháng 7).

    Những dấu tích của kiến trúc thế kỷ XVII là trong thượng cung còn có biển đề 4 chữ 景 治三年 (Cảnh Trị tam niên) dán ở sà bên phải. Cùng 3 bức chạm lộng hình “Tứ linh” (long, li, quy, phượng). Năm 1939, khi xây tòa “Tam quan nội”, bức chạm đặt vào giữa, có mô típ hình rồng ổ: rồng mẹ ấp rồng con, với ý tưởng đàn con trong lòng mẹ, toát lên một sự đầm ấm hạnh phúc. Cũng có biểu trưng là hình tượng “phụ long giáo tử” (cha rồng dạy con), như người thầy Đỗ Khắc Chung với lớp học trò.

    Trong thiết chế thờ tự, bài vị Đỗ Khắc Chung có mũ áo, đai, hia trên long ngài, đặt trong khám thờ: dưới chân long ngai, có 1 mộc bản viết 4 chữ 諱 壹 字 鍾(húy nhất tự Chung). Cũng bởi chữ Chung này mà làng có tục kiêng húy, các từ có âm “chung” hoặc “trung” đều phát âm chệch là “chong” hoặc trong” tỉ như:

    Chung nhau - chong nhau
    Chung chạ - chong chạ
    Trung thành - trong thành…

    Cũng trong tòa thượng cung, còn có 2 bệ thờ 2 ban tả hữu, với 2 pho tượng tròn là 2 vị quan văn mặc triều phục, áo cổ tròn, đầu đội mũ chữ “đinh” theo thiết chế kiểu nhà Minh năm Hoằng Trị Hiến Tông (1488-1506) phối thờ các “danh hoạn” là các vị quan có tiếng “liêm khiết đạo đức” hương hiền là người làng xã được nhân dân địa phương khen ngợi tài đức. Cũng ý nghĩa ấy, về sau lại dựng tấm bia 先 賢 烈 位 (Tiên hiền liệt vị) đề danh 12 vị Tiến sĩ Nho học của làng bên - hữu phối. Bia được lập tháng quý đông (tháng 12) năm Tự Đức Mậu Dần (1878). Bia 1 mặt khuôn khổ 40x70cm. Trán bia chạm rồng theo kiểu “lưỡng long triều nguyệt”. Toàn văn chữ Hán, khắc chân phương, gồm 12 dòng ghi rõ họ tên, chức tước của mỗi vị đỗ đạt. Hàng chân chua “lưỡng cước” ghi tên tự, khoa thi đỗ và danh hiệu học vị của từng người. Phần cuối mặt bia, để lại 2 hàng, ý chừng khích lệ cho đời sau.

    Danh sách ghi trên bia:
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    1.Nguyễn Tướng công: tên tự là Tử, thi đỗ khoa Quý Dậu, Đệ nhị giáp Tiến sĩ.
    2.Đô Ngự sử Lê Tướng công: tên chữ là Thúc Chân, thi đỗ khoa Bính Tuất,. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
    3.Hiến sát sứ Nguyễn Tướng công: tên chữ là Tộ, thi đỗ khoa Nhâm Thìn, Đệ nhị giáp Tiến sĩ.
    4.Lại bộ Thượng thư Nguyễn Tướng công, tên chữ là Phúc Trịnh, thi đỗ khoa Ất Mùi, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
    5.Tham chính Nguyễn Tướng công. Tên chữ là Phúc Tự, thi đỗ khoa Ất Mùi, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
    6.Thượng thư Trần Tướng công, tên chữ là Thập, thi đỗ khoa Giáp Thìn, Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ.
    7.Đô Ngự sử Lê Tướng công, tên chữ là Đức Toàn, thi đỗ khoa Giáp Thìn, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
    8.Đặng Tướng công, tên chữ là Thập, thi đỗ khoa Canh Tuất, Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ.
    9.Tri huyện, Lê Tướng công, tên chữ là Khiết, thi đỗ khoa Canh Tuất. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
    10.Hiến sát sứ Đặng Tướng công, tên chữ là Khiết, thi đỗ khoa Ất Sửu, Đệ nhị giáp đồng Tiến sĩ.
    11.Thượng thư Nguyễn Tướng công, tên chữ là Phu Hựu, thi đỗ khoa Tân Sửu, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
    12.Lại bộ Tả thị lang Vũ Tướng công, tên chữ là Doãn Tự, thi đỗ khoa Tân Sửu, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
    Trong 12 vị đỗ đạt khoa này có 4 vị đỗ Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) còn lại đều là Đệ tam (đồng Tiến sĩ).

    Tấm bia này nguyên xưa đặt ở Văn chỉ, là nơi hẻo lánh, về sau, khi tu sửa mới di về miếu để tiện cúng tế, cầu cúng. Trong miếu có ngai vị thờ thầy Nho học, ban thờ danh hoạn, hương hiền và bia Tiến sĩ. Ngoài có tam quan.

    Ngôi miếu này mang dáng vẻ phong vị như Văn miếu tử giám ở chốn làng quê.

    Đối chiếu tên người đỗ đạt ghi trên bia này với bia Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội, thấy có 4 vị Tiến sĩ ghi ở 3 bia. Đó là:

    1.Lê Thúc Chẩn, bia số 4, lập ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
    2.Nguyễn Trịnh, Nguyễn Tư Phúc. Bia số 5 lập ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
    3.Trần Doãn Hựu, bia số 6, lập ngày 15 tháng 8 năm Hồng Đức thứ 15 (1484).

    Còn lại thì đều thất lạc cả.

    Đối chiếu với các sách “Đăng khoa lục” triều Lê, như: Lịch đại đăng khoa lục của Vũ Duy Đoán (sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm - VHv.652). Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục, bản A.2040; Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, bản khắc in đời Cảnh Hưng (kí hiệu VHv.2140) thì làng này có 11 vị đỗ đạt ở triều Lê sơ, còn 1 vị thi đỗ ở triều Mạc. Đó là ông Vũ Doãn Tư.

    Lại tham khảo gia phả các họ trong làng, thấy có:

    1.Họ Lê có 3 người đỗ, là 3 chú cháu - “Thúc điệt đăng khoa”.
    2.Họ Nguyễn của Nguyễn Tộ là 3 anh em một nhà đều thi đỗ. (Nguyễn Tộ, Nguyễn Phúc Thịnh, Nguyễn Phúc Tư - “Huynh đệ đăng khoa”.

    Trong miếu Quan Tử còn giữ được 11 đạo sắc phong. Trong đó, sắc phong sớm nhất là vào năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) cho biết ông là Thượng đẳng thần của làng Quan Tử.

    Tóm lại, Trần Khắc Chung là bậc Nho học thời Trần có công lao to lớn trong việc khuyến học ở các địa phương góp phần tạo nên truyền thống hiếu học và khoa bảng của Vĩnh Phúc.

    Chú thích:
    (1)Tư liệu Viện Thông tin KHXH FQ.4o.18/13, tỉnh Vĩnh Yên, các trang 1194 đến 1207 - làng Quan Tử./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 39 - 42)
     

Share This Page