Một Bài Văn Tế Độc Đáo Của Làng Cao Lao Hạ

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 3, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    MỘT BÀI VĂN TẾ ĐỘC ĐÁO CỦA LÀNG CAO LAO HẠ
    TRƯƠNG QUANG PHÚC - LÊ DUY ĐỒNG​
    Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh Quảng Bình
    Quảng Bình là một vùng đất thuộc Bắc Trung bộ, là nơi giao thoa của các nền văn hóa như Đông Sơn và Óc Eo, Đại Việt và Chăm - pa, Đàng Trong và Đàng Ngoài, Trung Quốc và Ấn Độ v.v... đã để lại trên mảnh đất này những sản phẩm văn hóa cả về vật thể lẫn phi vật thể rất phong phú, đa dạng. Ngoài những di tích lịch sử còn sót lại, Quảng Bình hiện đang tồn tại kho tàng văn hóa dân gian khá phong phú như các lễ hội, những làn điệu dân ca, hò vè... được nhân dân sáng tạo và truyền giữ suốt quá trình khai phá thiên nhiên, mở làng lập ấp cũng như trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt, hiện nay ở Quảng Bình, những di sản văn hóa bằng thư tịch Hán Nôm tồn tại ở các làng, xã trong địa bàn toàn tỉnh là rất nhiều mà nếu khai thác được sẽ cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về đời sống văn hóa, xã hội của người dân ở đây qua các thời kỳ lịch sử. Với mong muốn sưu tầm và dịch giải các di sản đó, câu lạc bộ Hán Nôm Quảng Bình đã tiến hành nhiều đợt sưu tầm và dịch giải. Trong một chuyến đi sưu tầm, chúng tôi phát hiện ở Cao Lao Hạ một bài văn tế độc đáo xin giới thiệu đến quý vị để cùng tham khảo, nghiên cứu.
    Trước hết, xin giới thiệu sơ bộ về vị trí làng Cao Hạ cũng như những truyền thống lịch sử, văn hóa của làng.
    Cao Lao Hạ là tên cũ của vùng đất thuộc châu Bố Chánh xưa, ngày nay là xã Hạ Trạch - huyện Bố Trạch. Làng nằm sát bờ nam sông Gianh, cách thành phố Đồng Hới khoảng 40km về phía Bắc. Có lẽ những tinh hoa cổ xưa của một Cao Lao văn hiến trải qua bao biến thiên của lịch sử đã được bảo tồn nơi đây và đã được trao truyền một cách có hiệu quả từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trên mảnh đất này, thuở sơ khởi đã có người bản địa (man di) sinh sống nhưng còn thưa thớt, địa hình hoang vu hiểm trở, rừng rú, lau sậy bạt ngàn. Về sau, vào đời vua Lê Thánh Tông, trong khoảng thời gian từ năm 1470 đến năm 1504, các đại biểu đầu tiên của các dòng họ Lưu, Nguyễn, Lê... đã vào đây khai canh lập ấp. Sau một thời gian dài khai khẩn, làng Cao Lao Hạ được xây đắp, tô bồi ngày càng rộng lớn, làng xóm trù mật nhân dân đông vui làm ăn và xây dựng những công trình văn hóa phục vụ cho đời sống tình cảm, tâm linh. Ngoài đình làng là công trình to đẹp nhất, còn có một số công trình khác như: chùa chiền thờ phật, đền thờ thần, nền xã tắc cúng tế cầu mùa, miếu mạo tưởng nhớ tiên hiền, nhà hội văn để lễ bái và luận đàm phú thơ văn, nhà hội võ để nhóm họp những người theo binh bị... Những kiến trúc này hiện nay tuy không còn nữa nhưng có thể nói, với những dấu tích còn sót lại của chúng cả trong thực địa lẫn trong ký ức dân gian vẫn đủ để chứng minh cho sự thịnh vượng của làng trong lịch sử. Bên cạnh đó, Cao Lao Hạ còn được biết đến như một làng quê hiếu học, là mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt với những tên tuổi như: Hồ Tấn đỗ Nho sinh trúng thức năm Cảnh Lịch (1584), Đặng Văn Thái đỗ Phó bảng năm 1843, Lưu Văn Bình đỗ Phó bảng năm 1853, Cử nhân Lưu Đức Xưng là đồng tác giả Đại Nam nhất thống chí với Cao Xuân Dục và Trần Xán... và còn nhiều tấm gương khác nữa đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống lịch sử của làng.
    Và đến đây, chúng tôi xin giới thiệu một trong số những bài tế lễ ở đình làng mà qua đó có thể phác họa đôi nét về văn hóa của nhân dân địa phương trong hình thức cúng tế hàng năm. Trong nhiều bài văn tế từ đầu đến cuối năm gồm tế xuân thu nhị kỳ, tế sơn thần, thủy quan, kỳ yên cầu phúc, tống ôn... của tập bài tế lễ ở Cao Lao Hạ, bài tế Đình Trung đã toát lên phong cách riêng biệt của một bài văn tế ở một địa phương. Qua nội dung bài văn tế này, chúng tôi thấy nổi bật lên tình yêu quê hương tha thiết, tưởng nhớ cội nguồn, lòng chân thành biết ơn những người khai sáng ra mảnh đất trải qua các thời kỳ hình thành và phát triển thôn, xã của nhân dân sở tại.
    Căn cứ vào định chế của các triều đại phong kiến Việt Nam là quang, hôn, tang, tế bất tại cấm lệ tức là bốn việc như ăn mừng, cưới hỏi, tang ma, tế lễ đình đám đều không bị ràng buộc bởi các luật lệ cấm kị về nghi thức dành cho nhà vua. Chẳng hạn như không cấm mọi người dùng trang phục màu vàng trong các lễ hội, được che kiệu rước lễ bằng lọng, bằng tán màu vàng, được dùng cả xe tứ mã có bốn ngựa kéo... những từ như tấu, ngự... đều được dùng thoả mái nên văn phong của bài tế Đình Trung đã bao hàm tính tự do sảng khoái. Nó vừa mang tính bác học truyền thống của một bài văn tế lại mang đậm màu sắc dân dã, đã kính cẩn đối với các vị thần linh còn trân trọng cả với các bậc thánh hiền lẫn kẻ mục đồng xưa nay có công lao đáng kể, vừa cung quý đối với các vị thiên thần, vừa thần thánh hóa các ngài tiên tổ đứng đầu các dòng họ khai canh, khai khẩn cùng các vị kỳ lão chức sắc trong làng theo thứ tự thời gian lập nên công tích bồi đắp, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của quê hương thảy đều được vinh danh do dân làng suy tôn tước hiệu.
    Tuy nhiên, trong bài văn tế viết tay có nhiều tờ giấy dó bị rách nát, vài trang có chỗ viết lẫn lộn, dùng từ địa phương khó hiểu và cuối bài còn có những bùa chú viết bằng thể loại triện lệ hỗn hợp. Thế nhưng, điều này cũng nói lên được khía cạnh của tính chất đoàn kết đáng kể giữa các giáo phái ở nước ta từ xưa nay theo đuổi đạo lý tam giáo đồng tôn có nghĩa là cả ba giáo lý Phật, Lão, Nho đều được nhân dân cùng tôn kính, tín ngưỡng.
    Chúng tôi xin trích dịch nội dung phần đầu bài văn tế đã thể hiện tình cảm tâm linh của ngươì xưa(14), còn phần sau của bài văn tế nói về việc tống ôn của thầy pháp có những việc làm xoa mị như gieo quẻ xin keo, phát bùa chú trừ tà tống quái... khi nào cần thiết có dịp sẽ tiếp tục thực hiện cùng với các bài văn tế khác trong tập này.
    BÀI VĂN TẾ ĐÌNH CỦA THÔN CAO LAO HẠ
    (Xã Hạ Trạch - huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình)
    Tôi kính xin Tâu mời
    Đức đại kiền quốc gia Nam Hải hàm hoằng, quang đại, chí đức, phổ bác, hiển hóa, trang trưng, trì dực bảo trung hưng tứ vị Thượng đẳng thần.
    Kính mời cùng ngồi
    Đức vua triệu cơ thừa thống khâm minh, cung khác, cẩn nghĩa, long lí, hiển ứng, chiêu cổ, diệu linh, gia lộc, thiên chánh, hiển mô, quang liệt, ôn cung, minh duệ... Hiếu VănVương;
    Đức vua tuyên uy kiện vũ, anh minh, trang chánh, thánh đức, thần công Hiếu Triết Vương;
    Đức vua ngạn cơ toản thống, cương minh, hùng nghị, uy đoạn... Hiếu Chiêu Vương;
    Đức vua thiệu hưu, soán nghiệp, khoan hồng, bác hậu, ôn huệ, từ tường Hiếu Nghĩa Vương;
    Đức vua anh mô, hùng lược, thánh văn, tuyên đạt, khoan từ, nhân thứ, Hiếu Minh Vương;
    Đức vua tuyên quang, thiệu liệt, duệ triết, tĩnh uyên, kinh văn, vĩ vũ, Hiếu Ninh Vương;
    Đức vua kiền cương, uy đoạn, thần nghị, thánh du, nhân thứ, duệ trí, Hiếu Vũ Vương;
    Kính mời cùng đến ngồi đúng vị trí.
    Đức vua Thái tổ Tĩnh Vương - Đức vua Hiếu Tuyên Vương - Đức vua Hiếu Huệ Vương - Đức vua Hiếu Khang Vương - Đức vua Hiếu Định Vương;
    Đức vua... khuông quốc, huệ tuấn, hiệu trung, huệ... nghĩa, trang thành, tuy hưu, thanh... lược... viễn lãm linh cảm chương đức hiển công đại vương;
    - Đức vua Quốc phụ Thượng tể, hòa đức, phù vận, tĩnh bang, tế thế, anh triết, tuyên hòa, uy vọng, chương đức, ân hậu, linh bảo, hòa ứng, truyên triết, quang thông, từ tường Đại vương;
    - Đức hoằng mô, trọng lược, đôn hậu, phu diệu, dương trác vĩ, cao các, quảng độ, dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần;
    Đức cao các linh ứng tĩnh mục, hoành phước, tuy du, quảng hữu, minh lãng, linh diệu, dục anh, vĩ tích, vưu đức, chương thiện, tuấn đức, chiêu hữu, trinh ứng, hiển hữu, gia tặng Hồng mô vĩ lược, đôn hậu dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần;
    - Ngài Tiến sĩ khoa Kỉ Mùi đạt phong thái văn chương sáng lạn vẻ vang làm nức lòng nhà vua, giữ chức Thái Vận tướng quân, hiệu Tùng Giang văn trung, tước dực bảo Trung hưng Trung đẳng thần;
    - Ngài họ Phạm, được nhà vua phong tặng Thiên hạ Tả đô Nguyên soái tri phủ, với pháp hiệu nhà Phật là Ngũ Hồ Thượng, tước hiệu là Thanh trực phu hưu, hoành du, thanh tiết, quảng địch, vưu đức, minh thông, huệ đạt, chương thiện, mông du, hoành lược, quảng vận, điểm tán, tuyên huệ, hoằng nghị tôn thần.
    Đức thầy dẫn dắt đường lối của ba tôn giáo đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho;
    Đức thánh hiền của đạo Nho;
    - Ngài Mãnh Lang:
    Các ngài Hoàng Minh Tự - Tô Đại Liêu - Hồ Tế Hải là ba vị phúc thần ban phước lành cho nhân dân;
    ... Đức vua Thiệu Vũ Vương - Đức vua Hiếu Dong Vương;
    Ngài Thượng vệ y của bốn vệ thuộc Nha An Hoa chuyên việc cai quản, kiểm xét sự vật trong cung vua, tước Bình chương sự kiêm Trừ dực quân chi thần;
    Các ngài Viêm Quận công - Kế Quận công - Mỹ Quận công - Lan Quận công.
    Các vị khách mời theo nội dung của lễ kì cầu phúc cho ruộng đất các làng;
    - Ngài nguyên phó tướng quân doanh Hòa Nghĩa thuộc Bắc quân Đô đốc phủ, giữ chức Tả đô đốc thái bảo, được phong tặng chức Tư đồ, tước Hoa Quận công;
    - Ngài công thần có khí tiết oai hùng, thông thạo việc nước, hết lòng chăm lo bàn mưu tính kế giúp nhà vua chăm lo giữ nước yên dân, đặc biệt được phong hàm Phụ quốc thượng tướng quân, Đông quân Đô đốc phủ, giữ chức Tả Đô đốc thái bảo, tước Chấn Quận công;
    - Ngài nguyên Trấn thủ doanh phó tướng đặc biệt được phong hàm Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm Y vệ, Đô chỉ huy sứ, giữ chức Tư đô chỉ huy sứ Chưởng vệ sự, tước Phấn Quận công;
    - Ngài công thần giúp nhà vua luôn đổi mới chính sách cai trị để dân yên nước thịnh, đặc biệt được phong hàm Phụ quốc thượng tướng quân Cẩm y vệ, Đô tả quân Đô đốc phủ, giữ chức Tả Đô đốc Chưởng phủ sự, tước Trụ quốc thượng trật Chiêu Quận công;
    - Ngài nguyên Trấn thủ doanh phó tướng của quân phủ Ích Tiết, được phong tước Hùng Quận công;
    Ngài họ Trương, đặc biệt được phong hàm Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ, giữ chức Tư đô chỉ huy sứ, Trấn thủ doanh chỉ huy Chưởng vệ sự, lại được tặng chức Chưởng doanh, tước Hùng Đức Hầu, tên hèm (tên cúng cơm) là Mẫn Đạt phủ quân;
    - Ngài công thần phò vua giúp nước yên dân, đặc biệt phong hàm Phụ quốc Thượng tướng quân, giữ chức Đông quân Đô đốc thiêm sự, tước Trà Quận công;
    - Ngài nguyên Túc doanh trấn phủ chưởng doanh, được tặng danh hiệu Kiệt tiết tuyên lực công thần, giữ chức Tả quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Chưởng phủ sự phó tướng, tước Nghị Quận công;
    - Ngài Hiền Quận công, giữ chức Tả phủ Đô đốc của quân doanh Trung Thuận;
    - Ngài Nghĩa lược hầu, nguyên Trấn thủ doanh phó tướng;
    - Ngài họ Lê, vị công thần giữ chức Tá lý bộ Hình, đặc biệt được phong tặng hàm Kim tử vinh lộc đại phu, tước Uẩn Thiện hầu, có công sửa trị làng quê trở nên tốt đẹp hơn, được thăng chức Hữu tham hộ, tước Thanh Dương hầu, tên hèm là Thông Mẫn;
    Ngài Thành hoàng làng chuyên lo giữ vững trật tự, an toàn trong thôn xóm, chăm giúp đỡ người hiền làm việc thiện, đôn đốc kẻ chưa tốt rèn luyện ý chí, từ bỏ thói hư cần cù lao động để trở nên dân lành, được phong tước Dực bảo Trung hưng Thành hoàng chi thần;
    Nguyên khai canh, ngài Lưu Văn Tiên, hàm Đại tướng quân, được phong tước Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần (tương đương Thành hoàng làng - ND) Đại tướng quân ngài họ Lưu;
    Nguyên khai canh, ngài Đại tướng quân Nguyễn Văn Khai Đại tướng quân ngài họ Nguyễn.
    Nguyên khai canh, ngài Triệu phong Lê Quang Lữ Triệu phong ngài họ Lê;
    Ngài Lưu Văn Hành là vị khai khẩn của họ Lưu;
    Ngài Lê Văn Giám là vị hậu khai khẩn của họ Lê Văn;
    Ngài Lê Quang Diệu là vị hậu khai khẩn của họ Lê Quang;
    Ngài Lê Chiêu Phúc là vị hậu khai khẩn của họ Lê Chiêu;
    Ngài hiển linh Cửa Rồng chi thần;
    Các ngài Thổ công coi giữ đất cả 5 phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, và Trung ương;
    Các ngài Thần coi giữ sự sống ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc;
    Theo bản đồ của làng xóm, theo lễ đưa tặng về nội dung của lễ kỳ cầu phúc gồm đều
    Các ngài thần coi giữ dịch bệnh ở 5 phương hướng;
    Các ngài bộ hạ thuộc quyền sai phái của các vị thần coi giữ các chức việc trên 0 5 phương;
    Ngài Hà Bá, quan coi giữ sông nước;
    Theo lễ đưa tặng, ruộng của làng gồm đều thành khoảnh
    Các ngài nguyên là những bậc lão làng, bậc hiền tài, bậc cao quý, người độ lượng ở trong thôn ta:
    Kính mời cùng ngồi cho dân làng chúng tôi tâu bày và dâng lễ vật
    Nguyên Cai cơ: các ngài Quảng Vũ hầu; Trung Lương hầu;
    Nguyên Cai đội: các ngài Nhâm Tài hầu; Chẩn Tài hầu;
    Nguyên Giảng dụ quan: ngài họ Nguyễn;
    Nguyên Đội trưởng: các ngài Tài Phú hầu; Minh Nghĩa hầu; Vưu Lược hầu; Tuân Lễ hầu; Trượng Lễ hầu; Chất Thắng hầu; Tín Trung hầu;
    Nguyên Câu kê: ngài Nguyên Huân bá;
    Nguyên nhưng Cai tam: các ngài Duyên Lộc hầu; Quang Vũ hầu; Thông Đạt hầu; Duyệt Hòa hầu; Dao Quang hầu; Bính Vũ hầu; Bá Tài hầu; Lập Mai hầu;
    Nguyên Trung úy: các ngài Hoài Tài hầu; Đạc Tài hầu;
    Nguyên Nhưng Cài: ngài Thân Tài hầu;
    Nguyên thứ Đội trưởng: các ngài Do Xuyên Bá; Trường An bá; Cử Long bá; Thái Lộc bá; Hữu Tài bá; Ninh Vũ bá; Hưởng Lộc bá: Triệu Vũ bá; Xá Tài bá;
    Nguyên Cai hợp: các ngài Biền Tam nam; Đăng Khoa nam;
    Nguyên Thủ hợp: các ngài Thống Đức tử; Luận Giảng tử; Thúy Tài tử; Ao Tài nam;
    Nguyên Câu kê: các ngài Văn Bố tử; Văn Thư tử; Mẫn Chánh bá; Huấn Dụ nam; Mông Trung nam; Du Huy nam; Niên Tài nam;
    Nguyên Thủ hợp: các ngài Vưu Cung nam; Dung Thành nam; Thanh Vân nam; Uơng Kí nam; Khang Trực Nam; Dụ Trị nam; Tuyên Hòa nam; Lữ Tài nam; Thuyên Kí nam; Triển Tài nam; Trạc Tài nam; Tiệp Tài nam; Khuê Chương nam;
    Nguyên Xá sai tướng thần lại tư: các ngài Long Vân nam; Sam Chất nam; Thái Bá nam; Hải Yến nam; Điềm Tỉnh nam; Đằng Mông nam; Cẩm Văn nam; Thể Dụng nam; Mẫu Tài nam; Xiển Tài Nam; Quán Tài nam; Định Tài nam;
    Nguyên thứ Đội trưởng nhưng: các ngài Tri Lễ bá; Thăng Tài bá; Dụng Đức bá; Bính Lộc bá: Hoan Tài bá; Lực Tài bá; Sam Tài bá; Đột Tài bá;
    Nguyên Vệ úy: ngài Chấn Tài nam;
    Nguyên Văn Thức: các ngài Toản Tài nam; Thiện Chánh nam; Túy Đức nam; Đàm Trạch nam;
    Nguyên Cai hợp: ngài Kế Hàn nam;
    Nguyên Nho sinh: các ngài Kiểm Hiệu nam; Thưởng Tài nam; Thận Đức nam; Huyền Đức nam; Giáo Tài nam; Triệt Tài nam;
    Nguyên Thư ký: các ngài Toàn Dụng nam; Duyên Hài nam;
    Nguyên Cai tổng: các ngài Trạch Phú bá; Tân Lộc bá;
    Nguyên Cai xã: ngài Giá Tài bá;
    Nguyên thứ Đội trưởng: các ngài Lam Sơn bá; Mông Du bá; Khiêm Cung bá; Quế Lâm bá; Thiết Khoa bá; Dụ Trị bá; Cường Thắng bá; Hội Long bá; Tráng Lực bá; Nham Sơn bá; Thiết Trụ bá; Toản Đức bá; Duyệt Hòa nam; Nhạc Sơn bá; Tuy Lộc bá; Pháp Tài bá; Đài Thanh bá; Huyền Đức bá; Chẩn Tài bá; Di Tài bá; Trạch Tài Bá; Đoan Tài bá; Nhận Tài bá; Mai Tiên bá; Vệ Đô bá; Phái Long bá;
    Nguyên Tướng thần Xã trưởng: các ngài Nghĩa Lộc tử; Văn Cẩm tử; Lễ Văn tử; Tuyển Tài tử; Phú Nhuận tử; Trung Tín tử; Văn Giản tử; Văn Thạc tử; Văn Hiếu tử; Văn Thuyên tử; Văn Hoán nam; Duật Thành tử; Văn Hạnh nam; Hồng Đức nam; Chân Tài nam; Sùng Đức nam; Song Tài nam; Phong Tài nam; Kiện Tài nam;
    Nguyên thứ Đội trưởng: các ngài Diễn Tài bá; Phàn Tài bá; Xuân Tài bá; Vệ Tài bá; Thập Tài bá; Đãn Tài bá; Dụng Tài bá;
    Nguyên Đồng trưởng: các ngài Tài Dụng nam; Tuy Đức nam;
    Kính mời quý vị đại biểu, đại diện chính thức hoặc thay mặt trải qua các đời trên, trước sau đều cùng đến, xin mời cùng ngồi;
    Gồm đều
    Xin mời ngồi, vị đến trước mời ngồi trước, vị đến sau mời ngồi sau, theo thứ bậc, bậc trên mời ngồi trên, bậc trung, mời ngồi giữa, bậc thấp mời ngồi dưới. Quý ngài đã ai ngồi chỗ nấy, mở đầu, việc trước hết xin dâng hương;
    Gồm đều
    Hương khói xông lên vạn dặm, hương thơm thấu chín tầng trời. Đốt nén hương trầm trước điện, thánh thần cùng cảm ứng phù trì mà chứng nhận cho tấm lòng thành kính của dân làng.
    Kính mời hai hàng Bộ hạ, các cận vệ bên trái, bên phải, ở xa, ở gần, ông cầm búa sắt giữ gìn trật tự trong quân, các vị coi sóc đội ngũ ở các doanh trại: trại trước, trại sau, trại trong, trại ngoài, trại giữa, các vị dị hình ác tướng ở các đoàn trên, đoàn giữa, đoàn dưới; những kẻ đói rét ở đầu đường cuối lối, trên đường bộ, dưới đường sông, tướng và quân, ngàn ngàn lực sĩ, vạn vạn tinh binh, thảy mời đã khắp, thảy khắp đã ăn, mựa có loạn đàn tha thứ, hoặc đi hoặc đến, hai bên cùng ngồi, chén vàng mời chúc, hộp ngọc đã chờ, khắp hết bốn phương, hai bên tướng soái, thủy bộ cùng đi, chào sau chào trước, hầu nước hầu tăm, hầu khăn hầu bát, hầu chuối hầu dâu, hầu sau hầu trước, lưới trần đan kem bền chắc bốn bên, kính thờ thần, tư khắp mời hết, hàng đương hàng cậu (cựu), Nam tào Bắc đẩu, Thiên cẩu hành binh, chủ sinh chủ tử, chủ dữ chủ lành, quân tướng trong ngoài; hạn, cùm, chết non, già, trẻ, hiền tài, làm nên Tướng quốc; hoặc có kẻ đao binh chết trận, hoặc có kẻ chết mất thây, hoặc có kẻ sa tường sa giếng, hoặc có kẻ rắn cắn hùm ăn, hoặc có kẻ không người nối dõi, hoặc có kẻ trụy thai mất thây, làm nên Tướng quốc; hoặc có kẻ đói khát chết ở dọc đường, đầu làng cuối ngõ, hoặc có kẻ không con, không cháu, không dâu, không rể, không em, không anh, voi giày ngựa xéo, thảy mời chẳng thiếu một ai, lần lượt xin mời;
    Dâng hương rồi, kính dâng cau trầu;
    Trầu cau ấy là một nhà luận nghĩa, ba vật hóa nên, khao hạt châu thứ thứ lòng sam, thỏa mối chắp đêm đêm cánh phượng;
    Dâng cau trầu rồi, kính dâng trâu (bò);
    Trâu ấy là tiếng tăm lớn khỏe, kính làm cỗ to, dưới thềm khiêng lên, hằng tưởng nhớ công đức vua Tề. Trâu bò trong làng đều đặn gia tăng, ấy là tài của các con trẻ;
    Dâng trâu rồi, kính dâng lợn (heo);
    Lợn ấy là nuôi béo ở Liêu Đông (TQ), mở ra một điểm bụi đường, nước Nam dâng bò ăn ngon, dùng làm lễ tam sinh (bò, heo, dê) để cúng;
    Dâng lợn rồi, kính dâng gà;
    Gà ấy là mũ văn chỉnh chệ, nghiêm túc gáy vang, canh ba nửa đêm cứu Mạnh Thường Quân thoát nạn quân Tần;
    Dâng gà rồi, kính dâng cơm rau các món thức ăn đạm bạc;
    Thức ăn ấy là xuân cày, hạ gieo, thu gặt, đông dành, nhớ vua Thuấn cày bừa, chăm sóc, vốn Thần Nông gieo hạt giống trồng, cho nước nhà đặng giàu sang, để lễ lạc thêm tưng bừng;
    Dâng đồ ăn rồi, chủ tế toàn thôn cùng cúi đầu nghiêng mình kính dâng lên bốn lạy;
    Lễ sơ tuần, kính mời các ngài cầm chén rượu;
    Rượu ấy là đồ lễ phát tác, Lý Bạch hát say: trăng xuân cúc như hạ hoa đào, nho mùa thu như đông tùng bách, san hô phù phiếm, nỗi sầu muôn xa;
    Ăn mới qua sơ tuần, rượu cũng mới mời qua chủ tế toàn thôn nghiêng mình cùng kính lạy;
    Tuần đầu đã qua, đến tuần thứ hai lại kính mời Đại vương quý vị Linh thần, mọi vị Linh quan, bề trên khuyên kẻ dưới, bên trái khuyên bên phải, xin mời cùng cầm nếm chút thức ăn ngon;
    Đồ ăn ấy là Hiên Viên gieo giống, Đại Thuấn công cày, khuyên cấy hái để lợi hộ dân, vui chung hưởng dành cho tế lễ;
    Dâng cúng đồ ăn rồi, xin mời nâng chén dâng rượu;
    Rượu ấy là Loan Ba (xe vua nước Thục “Lưu Bị” thời Tam Quốc - ND) mới lắp đặt, năm ba cỗ nhận lễ ngàn năm, Đại Vũ (vua Thành Thang của nhà Hạ - ND) tế cơm mới, một hai tuần, dễ dám khuyên dường;
    Thức ăn đã hai lần mời, rượu cũng đã hai tuần dâng hiến, toàn thôn xin nghiêng mình kính lạy;
    Sơ tuần đã qua, tuần hai đã quá, đến tuần thứ ba lại kính mời Đại vương quý vị linh thần, mọi vị linh quan cùng thưởng thức các món thức ăn ngon vừa tiếp tục dâng lên;
    Đồ ăn ấy là gạo Tử Lộ xa đường khôn gánh, lối Tiêu Hà nẻo ấy khôn thông, giúp quốc gia dùng bình đặng sức, luận thêm lại nên công đệ nhất;
    Ăn đã xong, xin mời nâng chén rượu;
    Rượu ấy là mùi mẽ thánh hiền vui, lành, trong trắng, ung dung, chúc chén lưu ly hiểu hết, đầy màu hỗ phách, cạn ba tuần giải cơn khát ngàn năm, uống một chén tiêu sầu mọi mặt;
    Thức ăn đã dâng xong, rượu cũng đã ba tuần dâng đủ, chủ tế toàn thôn xin nghiêng mình cúi đầu kính chào lạy tạ...
    TRƯƠNG QUANG PHỨC dịch
    Chú thích:
    1. Căn cứ văn phong thể hiện ở bài tế Đình Trung, bài văn tế này có lẽ được viết vào thời Lê - Trịnh, có tục lệ chồng tiền để mua danh vị như Bá hộ, Thiên hộ... các chức danh “nhưng”./.
    Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.535-547)
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page