Một số cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc thời trung đại

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    MỘT SỐ CUỘC TIẾP XÚC GIỮA SỨ THẦN VIỆT NAM VÀ SỨ THẦN
    HÀN QUỐC THỜI TRUNG ĐẠI


    PGS.TS. Nguyễn Minh Tường
    Viện Sử học

    Sơn hà ưng hữu dị
    Hàn mặc tự tương đồng”.

    (Non sông [hai nước] tuy có khác nhau
    Nhưng văn chương, văn hóa từ xưa vốn tương đồng)
    Đó là hai câu thơ trong bài thơ của sứ thần Hàn Quốc Nam Đình Thuận họa lại thơ của sứ thần Việt Nam Nguyễn Tư Giản vào năm 1864 tại Bắc Kinh. Đúng là như vậy, trong các nước thuộc vùng Đông Bắc Á, Đông Á và Đông Nam Á, có ba nước là Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng sâu sắc nền văn hóa Trung Quốc, một trong số nền văn minh cổ đại nổi tiếng của nhân loại. Dưới thời cổ trung đại kéo dài hàng nghìn năm, bốn nước trên trở thành một vùng văn hóa lấy Nho giáo làm tư tưởng chính trị chủ đạo, mà người xưa thường gọi đó là các nước "đồng văn". Về mặt văn hóa, cả ba nước Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của Tam giáo: Nho - Phật - Đạo, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

    Do điều kiện địa lý, cũng như điều kiện lịch sử, ở ba nước Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản đã tiếp nhận và ứng xử với Nho - Phật - Đạo có sự khác nhau. Tuy nhiên, ở cả ba nước, Nho giáo đều giữ vị trí chi phối về chính trị, tổ chức bộ máy chính quyền, về xây dựng pháp luật, tổ chức xã hội, về phát triển học thuật và giáo dục, đào tạo nhân tài. Tính chất "đồng văn" trong lịch sử ấy, là cơ sở để cho nhân dân các nước Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc dễ gần nhau, dễ hiểu nhau.

    Trong thời kỳ trung đại, công việc ngoại giao của ba nước Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản chủ yếu là ngoại giao với Trung Quốc. Thời bấy giờ, mặc dù cả ba nước đều đã là các nước độc lập, có chủ quyền, quan hệ ngoại giao cấp quốc gia trực tiếp giữa nước này với nước kia, đã đặt ra, nhưng không diễn ra thường xuyên. Do vậy, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc thời kỳ này, nói chung là quan hệ gián tiếp, qua nước trung gian là Trung Quốc. Phần lớn các đoàn sứ thần Việt Nam, theo định kỳ tuế cống (thường là 3 năm một lần) sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay) và đã gặp đoàn sứ thần Hàn Quốc tại đây.

    Khoảng hơn 50 năm lại đây, mối giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung, các cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc nói riêng đã được một số nhà khoa học của cả hai nước quan tâm nghiên cứu. Có thể kể tới một số công trình tiêu biểu đưới dây:

    Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên(1), của học giả Trần Văn Giáp;Quan hệ Hàn - Việt, phác thảo lịch sử(2), của GS.TS. Đỗ Quang Hưng; Quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam quá khứ, hiện tại và tương lai(3), của GS.TS. Cho Jae Hyon; Hàn Quốc và Việt Nam - một vấn đề chung nhìn từ góc độ Nho giáo(4), của GS. Trần Đình Hượu; và Những cuộc tao ngộ sứ giả - nhà thơ Việt - Triều trên đất nước Trung Hoa thời cổ đại(5), của PGS. Bùi Duy Tân...

    Trong điều kiện tư liệu lịch sử hiện có, chúng tôi chỉ có thể liệt kê được 11 lần tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc thời trung đại trên đất Trung Quốc. Đó là các lần dưới đây:
    [​IMG]
    Trong 11 lần gặp gỡ giữa sứ thần 2 nước Việt Nam - Hàn Quốc vừa kể trên, theo chúng tôi, có 3 lần diễn ra trong điều kiện khá đặc biệt và để lại dấu ấn sâu đậm, đó là:

    1. Năm 1597, sứ thần Phùng Khắc Khoan gặp các sứ thần Lý Toái Quang, Kim Tiêu Dật Sĩ.
    2. Năm 1760, sứ thần Lê Quý Đôn gặp các sứ thần Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến, Lý Huy Trung.
    3. Năm 1790, sứ thần Phan Huy Ích gặp các sứ thần Hoàng Bỉnh Lễ, Từ Hạo Tu, Lý Bách Hanh.

    Trong bài viết này, chúng tôi xin ghi lại tóm tắt 3 lần gặp gỡ ấy.

    1. Phùng Khắc Khoan và Lý Toái Quang, Kim Tiêu Dật Sĩ - tình bạn của những người "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu"

    Đây là chuyến đi sứ vào loại quan trọng nhất dưới thời Lê Trung hưng (1533-1788), vì đó là thời điểm triều Lê - Trịnh vừa đánh bật vua cuối cùng của Triều Mạc (1527-1592) là Mạc Mậu Hợp (1562-1592) ra khỏi kinh đô Thăng Long, giành lại ngôi báu. Năm 1597, Phùng Khắc Khoan được chọn là Chánh sứ sang nhà Minh, sứ mệnh chủ yếu là xin cầu phong. Chính sử của Việt Nam đều chép sự kiện này.

    Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 3 năm Đinh Dậu (1597), sai Công bộ Tả Thị lang Phùng Khắc Khoan làm Chánh sứ, Thái thường Tự khanh Nguyễn Nhân Thiệm làm Phó sứ sang nước Minh cống hàng năm và xin phong"(8). Sách Lịch triều hiến chương loại chí cũng chép: "[Lê] Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 20 (1579), vua đã diệt nhà Mạc, sai bọn Phùng Khắc Khoan sang Minh cầu phong"(9).

    Phùng Khắc Khoan được chọn đi sứ lần này, phải kể là trường hợp khá đặc biệt, đó là vì năm ấy, ông đã bảy mươi tuổi. Nhà thơ đời Đường (618-907) của Trung Quốc là Đỗ Phủ từng viết: "Nhân sinh thất thập cổ lai hi" (Người sống bảy mươi, xưa nay hiếm). Và chính Phùng Khắc Khoan cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết tin mình được chọn đi sứ sang nhà Minh, mà lại còn được cử giữ trọng trách làm Chánh sứ. Trong bài thơ Đắc chỉ Như Yên từ hành cung kỷ (Được chiếu chỉ đi sứ Yên Kinh kính ghi lại lúc từ biệt). Ông viết:
    “Kinh văn thanh tỏa xuất ôn luân
    Cự điển vô đoan thuộc tiểu thần”.
    (Kinh sợ nghe chiếu chỉ ôn tồn ra từ nơi thâm nghiêm
    Điển chương lớn không ngờ thuộc về tiểu thần).

    Phùng Khắc Khoan tỏ ra bất ngờ với quyết định của triều đình Lê-Trịnh, nhưng cũng chẳng có gì là lạ. Thường tình, từ xưa đến nay, khi người ta bước sang tuổi bảy mươi, thì sức khỏe và trí lực cũng không còn được như thời tráng niên. Ngày nay, đọc lại một số bài thơ của người đương thời làm lúc tiễn Phùng Khắc Khoan lên đường đi sứ cũng có nhắc đến tuổi tác của ông, lo cho ông đường xa sức yếu... Nhưng Phùng Khắc Khoan là một bậc khác thường: Lúc nhỏ, tài năng đã đến với ông mà không chờ tuổi tác, nay khi cao tuổi, trí lực và thể lực của ông lại đẩy lùi tuổi tác.

    Thơ tiễn của Trần Tư Thành có câu:
    “Đương đại văn chương suy giáp đệ
    Thượng đồ ngọc bạch nhị chinh tham”
    (Về văn chương, đời này phải suy tôn ông là bậc nhất
    Dâng ngọc lụa lên thượng quốc, ngựa ruổi rong đường xa lần này là lần thứ hai).
    thì đâu phải chỉ là những lời tán tụng vô căn cứ.
    Còn thơ tiễn của vị quan Đốc học kinh đô Thăng Long có câu:
    “Bằng lực dã ưng thiên vạn lý
    Nhất chi không thủ quý liêu tài”
    (Sức chim đại bàng phải bay nghìn vạn dặm;
    Bọn chim chích bé nhỏ phải xấu hổ vì chỉ giữ chặt một cành con).

    Mặc dù, văn chương thù phụng, tặng đáp nhiều hình ảnh chỉ có tính ước lệ, song khi viết về Phùng Khắc Khoan trong thời điểm chuẩn bị lên đường "sứ Hoàng Hoa", tác giả sử dụng hình tượng "Bằng lực" (sức chim đại bàng), thì không thể đem ra ví với người tuổi cao, sức yếu được!

    Lần đi sứ này là rất khó khăn, Phùng Khắc Khoan trước khi lên đường, nhận rõ điều ấy, triều đình Lê-Trịnh cũng nhận thấy như vậy. Theo một số tài liệu ghi chép cho biết: Ngay khi đoàn sứ bộ Phùng Khắc Khoan vừa đến biên giới, nhà Minh đã gây khó khăn. Nhà Minh không cho đoàn sứ bộ nhập cảnh, với lý do là họ không thừa nhận triều đình nhà Lê, chỉ biết có nhà Mạc. Ngay cả khi đã đến Yên Kinh rồi, sứ đoàn vẫn còn bị nhà Minh gây khó khăn.

    Theo bài Hậu của Kim Tiêu Dật sĩ viết trong Sứ hoa thi tập, đoàn sứ bộ Phùng Khắc Khoan đến Yên Kinh, tạm trú ở Ngọc Hà quán và cứ ở quán này 5 tháng liền không được bàn đến công việc chính. Chính trong thời điểm khó khăn này, Phùng Khắc Khoan phải suy nghĩ nhiều, phải tìm cách thoát khỏi tình trạng khiêu khích của vua quan nhà Minh, để hoàn thành sứ mệnh. Do đó, Phùng Khắc Khoan đã chủ động tiếp xúc và đặt mối quan hệ văn chương với sứ thần Hàn Quốc và sứ thần Lưu Cầu (nay thuộc Nhật Bản), nhằm qua họ tác động đến triều Minh. Người xưa từng nói: "Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân" (Người quân tử dựa vào văn chương, văn hóa để kết bạn; dựa vào bạn để trợ giúp hoàn thành điều nhân).

    Có thể nói các vị sứ thần Việt Nam, Hàn Quốc là Phùng Khắc Khoan và Lý Toái Quang, Kim Tiêu Dật sĩ đều là các bậc chính nhân quân tử, do vậy, việc họ đến với nhau cũng là lẽ thường tình. Đó là những người bạn "thanh khí" - tức “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (Kinh Dịch) - nghĩa là những vật cùng một loại tiếng thì ứng nhau, những vật cùng một loại khí thì đi tìm nhau.

    Thi hào Nguyễn Du từng viết:
    “Trong cơ thanh khí tương tầm
    Ở đây hoặc có giai âm chăng là”.
    Ấy là chỉ những con người đồng tình, đồng điệu tìm đến với nhau.

    Vị chánh sứ Việt Nam, Phùng Khắc Khoan (1528-1613) "lúc trẻ đã nổi tiếng văn học; theo học Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Lại, kiêm thông cả thuật số, chí khí hào mại..."(10). "Ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu. Văn chương ông thanh nhã dồi dào, có các thi tập truyền ở đời..."(11).

    Trên đây là những lời ca ngợi tài năng lớn và nhân cách cao Phùng Khắc Khoan của sử gia đầu thế kỷ XIX Phan Huy Chú. Còn vị Chánh sứ Hàn Quốc Lý Toái Quang (1563-1628), đi sứ năm 35 tuổi bằng nửa tuổi đời của Phùng Khắc Khoan. Lý Toái Quang là một vị Trạng nguyên - thi sĩ, người khởi xướng phong trào Siếc Hác (Sirhak) và có vai trò quan trọng trong việc phát triển tư tưởng khoa học và văn học ở Hàn Quốc vào các thế kỷ XVII-XVIII(12).

    Như trên đã nói, Phùng Khắc Khoan là học trò của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông tâm đắc văn thơ của Đào Tiềm (365-427)... Ông hiểu sâu sắc Lý học và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang. Trạng nguyên Lý Toái Quang lại là một đạo nhân, vì vậy, lấy hiệu là Chi Phong đạo nhân. Lý Toái Quang gặp Phùng Khắc Khoan và trở thành bạn tri âm, tri kỷ là điều dễ hiểu. Hai vị sứ thần, hai thi sĩ tài năng tỏ ra thông cảm sâu sắc với nhau, tình cảm vượt ra ngoài nghi lễ ngoại giao bình thường. Tình bạn đặc biệt ấy, để lại trong văn học sử hai nước Việt - Hàn - theo học giả Trần Văn Giáp, còn khoảng gần 20 bài thơ có giá trị cả về phần nghệ thuật cả về phần nội dung. Đó là những áng thơ hay, cao đẹp, rất đáng trân trọng. Trong sách Một số tư liệu về giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, học giả Trần Văn Giáp cho biết Chánh sứ Hàn Quốc Lý Toái Quang viết tặng Chánh sứ Việt Nam Phùng Khắc Khoan 8 bài thơ Đường luật (thất ngôn bát cú) và một bài thơ Bài luật(13) (10 vần - 20 câu ngũ ngôn). Căn cứ vào nội dung và vần điệu của các bài "xướng" ấy, Phùng Khắc Khoan cũng "họa" lại tất cả 8 bài thơ Đường luật và 1 bài thơ Bài luật của Lý Toái Quang(14).

    Hai vị sứ thần - thi sĩ - học giả đã viết lên những trang truyền kỳ, khai sáng tình hữu nghị Việt - Hàn bằng những giai thoại đẹp và những vần thơ đẹp. Sứ thần hai nước Việt Nam, Hàn Quốc thời sau, khi có dịp tái ngộ, thường nhớ tới cuộc gặp gỡ khá kỳ lạ giữa hai người bạn "vong niên" này. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn từng viết: "Sứ thần nước ta khi đi triều cống đến Bắc Kinh, thỉnh thoảng được gặp sứ thần Triều Tiên, cũng có thơ văn tặng đáp như: khoảng niên hiệu Vạn Lịch (1573-1619)(15) nhà Minh, Phùng Khắc Khoan cùng sứ thần Triều Tiên là Lý Toái Quang xướng họa. Toái Quang lại đề tựa tập thơ của ông Phùng..."(16).

    Còn vị sứ thần triều Tây Sơn (1788-1802) Phan Huy Ích cũng từng mong ước khi tiếp xúc với sứ thần Hàn Quốc ở Bắc Kinh:
    “Tặng đáp nghĩ truy Phùng, Lý cựu
    Văn tình hà thí ẩm thuần cam”.
    (Tặng đáp muốn học theo ông Phùng Khắc Khoan và ông Lý Toái Quang khi xưa.
    Giao tình của họ giống như chén rượu đưa ngọt nồng).

    2. Lê Quý Đôn - Hồng Khải Hy: tình bạn của hai nhà bác học, hai bộ óc bách khoa của hai nước Việt - Hàn ở thế kỷ XVIII

    Trong lịch sử bang giao Việt - Hàn thời trung đại, cuộc giao tiếp giữa đoàn sứ thần Lê Quý Đôn, Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ và sứ bộ Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến, Lý Huy Trung vào năm Canh Thìn (1760) được coi như có ý nghĩa học thuật và tình hữu hảo cao đẹp. Về chuyến đi sứ này và uy tín của Lê Quý Đôn đối với bạn bè nước ngoài, Phan Huy Chú cho biết: "Năm Canh Thìn (1760), gặp kỳ cống, ông (tức Lê Quý Đôn - TG) do chức Thị độc viện Hàn lâm, sung làm Phó sứ (Trần Huy Mật là Chánh sứ - TG), tước Dĩnh Thành bá. Tài văn chương, ứng đáp của ông làm cho sĩ phu Trung Hoa và sứ thần Triều Tiên phải tôn trọng"(17).

    Chính Lê Quý Đôn trong bộ sách Kiến văn tiểu lục, cũng cho biết khá tường tận cuộc gặp gỡ giữa sứ bộ Việt Nam và sứ bộ Hàn Quốc. Ông viết: "... Mùa đông năm Canh Thìn (1760), niên hiệu Cảnh Hưng, tôi cùng Trần Huy Mật, Trịnh Xuân Thụ đến Yên Kinh hôm trừ tịch (tức ngày 30 tháng Chạp âm lịch) được gặp sứ thần nước ấy (tức Hàn Quốc - TG) là Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến và Lý Huy Trung ở Hồng Lô quán, trải chiếu mời nhau ngồi, dùng giấy bút để nói chuyện (tức bút đàm - TG), tình hiếu trở nên gắn bó với nhau. Sau khi trở về sứ quán, họ liền sai hai Thiếu khanh đem phẩm vật địa phương cho chúng tôi; sang đầu năm mới (tức năm Tân Tỵ - 1761 - TG) lại sai 3 người con là Hồng Toản Hối, Triệu Quang Quì và Lý Trích Phượng đến chúc Tết. Chúng tôi ở Yên Kinh 2 tháng, những thư từ lặt vặt trao đổi lẫn nhau, có nhiều điều lấy làm thích ý... Những trứ tác nông cạn của tôi, như Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục Tiêu tương bách vịnh thi làm trong khi đi đường, đều được Hồng Thượng thư (tức Hồng Khải Hy - TG) viết giúp lời giới thiệu trên đầu sách, Lý Học sĩ (tức Lý Huy Trung - TG) cũng làm bài tựa tập thơ bách vịnh..."(18). Mặc dù cả 2 đoàn sứ bộ, thành phần lãnh đạo đều có 3 người, những mối giao tình chủ yếu diễn ra giữa vị Phó sứ Việt Nam Lê Quý Đôn và Chánh sứ Hàn Quốc Hồng Khải Hy. Đây là cuộc gặp gỡ của hai nhà bác học, hai bộ óc bách khoa của hai nước Việt - Hàn ở thế kỷ XVIII. Lê Quý Đôn cũng như Hồng Khải Hy đều là những nhà bác học tiêu biểu cho những quan điểm và khuynh hướng tiến bộ về văn chương và học thuật của thời đại mình, trước những ảnh hưởng của những lý thuyết có tính duy vật, khoa học thực nghiệm từ phương Tây đưa tới, hoặc trực tiếp hoặc qua sách dịch chữ Hán...

    Lê Quý Đôn là một nhà bác học, có kiến thức uyên bác vào bậc nhất dưới thời trung đại của Việt Nam. Bàn luận về tài học của Lê Quý Đôn, không ai là không thán phục. Một nhà bác học khác của Việt Nam sống vào đầu thế kỷ XIX là Phan Huy Chú đã nhận xét về Lê Quý Đôn như sau: "Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người mà giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bình sinh làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời"(19). Ngay trên đường trở về Việt Nam của sứ bộ, có viên quan người Trung Quốc là Tần Triều Hãn, học vấn uyên bác, thường biện luận với Lê Quý Đôn những vấn đề sử học một cách rất sôi nổi vì có nhiều chỗ bất đồng ý kiến, nhưng Tần Triều Hãn cũng than rằng: nhân tài như Lê Quý Đôn thì ở Trung Quốc cũng ít có(20).

    Còn Chánh sứ Hàn Quốc Hồng Khải Hy bấy giờ, nhiều tuổi hơn Lê Quý Đôn, là một vị "Đình đối Trạng nguyên"(21). Hồng Khải Hy còn là một "nhà bác học và một nhà chính trị hoạt động xuất sắc, một bình luận gia văn học và một nhà thơ tinh tế"(22). Theo nhà nghiên cứu Đông phương học người Nga là N.Niculin thì vào năm 1770, tức sau 10 năm đi sứ Trung Quốc về, Hồng Khải Hy đã góp phần hoàn thành bộ Từ điển Bách khoa Triều Tiên dưới sự chỉ đạo của nhà bác học nổi tiếng Hông Hôn Han, mà trong ấy có "toàn bộ kiến thức về cường quốc phương Đông, gồm 100 cuốn"(23).

    Mặc dù đều là những nhà thơ có tài, nhưng có lẽ cái chất bác học trong người hai vị sứ thần Việt - Hàn: Lê Quý Đôn - Hồng Khải Hy đã lấn át mất tâm hồn thơ của họ chăng ? Trong Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, học giả Trần Văn Giáp chỉ chép lại được 1 bài thơ xướng của Lê Quý Đôn và 2 bài thơ họa lại của sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy và Lý Huy Trung(24). Trong lời Tiểu dẫn, đáp lại bài thơ của Lê Quý Đôn, chính Hồng Khải Hy cũng thừa nhận rằng: "... Về nghề làm thơ, tôi vẫn lười nhác, đi đường hàng ba ngàn dặm, mà tự thẹn không có lấy một bài thơ. Nay được tiếp thịnh tình, không lẽ cô phụ bụng tốt, vì thế quên cả vụng về quê kệch, kính xin nối điêu(25)"(26). Ngày nay đọc lại những dòng chữ hai nhà bác học, hai vị sứ thần Việt - Hàn viết về nhau, viết về dân tộc hai nước, chúng ta nhận thấy bên trong đó chứa đựng những tình cảm chân thành nồng hậu và sự trân trọng quý mến của những người bạn. Trong bàiTựa bộ sách Quần thư khảo biện của Lê Quý Đôn, Chánh sứ Hồng Khải Hy viết: "Quế Đường họ Lê là học sĩ nước An Nam. Ông được cử sang sứ Trung Quốc, tôi được gặp ở Hồng Lô tự. Ông diện mạo sáng sủa, lễ nghi thuần phục, mới trông thấy đã biết là một bậc hiền giả trong nước"(27). Còn, vị Phó sứ Lê Quý Đôn chắc rằng sau khi tiếp xúc với Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến, Lý Huy Trung, đã có nhận xét chí lý như sau: "Người Triều Tiên, tính tình mềm mỏng cẩn thận, thích đọc sách, nhiều văn học, ưa lễ phép"(28).

    3. Phan Huy Ích và Từ Hạo Tu, Lý Bách Hanh - cuộc tao ngộ và tình cảm chân tình của các sứ giả - nhà thơ

    Đây là chuyến đi sứ có một không hai dưới thời Tây Sơn của Phan Huy Ích trong lịch sử bang giao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Đó là chuyến đi thăm ngoại giao của Quốc vương giả Việt Nam, dự lễ “Bát tuần vạn thọ” (80 tuổi) của vua Càn Long nhà Thanh ở Yên Kinh, vào năm Canh Tuất (1790). Trước đó, vua Càn Long đã hai lần gửi giấy mời vua Quang Trung đích thân sang dự. Vua Quang Trung không đi, nói thác là có tang mẹ. Phúc Khang An, Tổng đốc Lưỡng Quảng, người có trách nhiệm giao thiệp với Việt Nam, sợ Càn Long phật ý, sai người bầy kế: Nếu nhà vua không đi được, thì nên chọn lấy một người hình dung giống nhà vua, cho đi thay. Ngô Thì Nhậm - người đứng đầu ngành ngoại giao của triều Tây Sơn bấy giờ, thấy kế ấy hay bèn chọn một viên quan võ, đang trấn giữ Nghệ An, tên là Phạm Công Trị(29), cháu gọi Quang Trung bằng cậu làm Quốc vương giả.

    Sứ bộ gồm 150 người, ngoài Quốc vương giả, còn có Nguyễn Quang Thùy, con trai thứ tư của Quang Trung, bấy giờ còn bé; trọng thần hàng võ có Ngô Văn Sở; trọng thần hàng văn là Phan Huy Ích.

    Phan Huy Ích đã được tiếp xúc với đoàn sứ bộ Hàn Quốc do Hoàng Bỉnh Lễ làm Chánh sứ, Từ Hạo Tu và Lý Bách Hanh làm Phó sứ trong dịp đi dự lễ "Bát tuần vạn thọ" của vua Càn Long này. Thực ra, trong đoàn sứ bộ Việt Nam, ngoài Phan Huy Ích vừa là trọng thần hàng văn, vừa là nhà thơ nổi tiếng còn có một nhà thơ khác là Đoàn Nguyễn Tuấn.

    Trong bộ sách Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên, học giả Trần Văn Giáp còn ghi lại được 9 bài thơ (7 bài Thất ngôn Đường luật và 2 bài Ngũ ngôn Đường luật) của Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn xướng họa với Từ Hạo Tu và Lý Bách Hanh(30).

    Phan Huy Ích sau này rất tự hào về chuyến đi sứ của đoàn sứ bộ Tây Sơn vào năm Canh Tuất (1790) này. Trong một bài thơ trường thiên ghi chép về việc vua Càn Long chiêu đãi ở điện Quang Minh Chính Đại vào ngày 20 tháng 8 năm Canh Tuất, trước khi sứ bộ Việt Nam về nước, Phan Huy Ích đã kể hết cung cách vua Thanh tiếp đãi sứ bộ và kết luận:
    “Phiên quốc phụng thám tần
    Kỷ đắc kỳ tao ngộ.

    Phi tiên báo quốc nhân
    Hoàng hoa đệ nhất bộ”.
    (Các nước phiên sang chầu nhà vua
    Mấy ai được tiếp đãi như thế?
    Xin báo tin về cho người trong nước biết:
    Sứ bộ nước ta đây là nhất)(31).

    Niềm vui, niềm tự hào trong chuyến đi sứ năm Canh Tuất mà sứ thần Phan Huy Ích có được và lưu giữ mãi như một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời mình còn vì một lý do khác. Đó là tình bạn văn chương giữa ông với các nhà thơ - sứ thần Hàn Quốc Từ Hạo Tu, Lý Bách Hanh. Phan Huy Ích đã thổ lộ lòng mình trong một bài thơ gửi tặng sứ thần Từ Hạo Tu, như sau:
    “Bình bồng cấu ngộ, phi dung dị
    Trân tụng lai chương đạo vị cam”.
    (Cuộc gặp gỡ như cánh bèo cỏ bồng thật là lạ lùng.
    Đọc thơ của ông đưa đến, thấy vị thơm ngọt tràn trề).

    *
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    * *

    Người xưa từng nói có ba điều đáng quý, đáng ước mong trong đời một con người, đó là: "Lương thời, mỹ cảnh, hảo hữu" (Thời tốt, cảnh đẹp, bạn quý). Ấy là sự vận dụng của chân lý: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" vào trường hợp cụ thể là sự giao lưu tình cảm giữa bạn bè.

    Như vậy, trong một chừng mực nào đó, có thể nói các vị sứ thần Việt Nam và các vị sứ thần Hàn Quốc, mà tiêu biểu là Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Phan Huy Ích... và Lý Toái Quang, Hồng Khải Hy, Từ Hạo Tu... từng được gặp nhau, tiếp xúc với nhau, kết tình thâm giao, rồi trở thành những người bạn thơ văn, tri âm tri kỷ... thì họ đều có được niềm hạnh phúc trong cuộc đời mình rồi. Niềm hạnh phúc ấy, tình cảm ấy đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, để cho chúng ta - lớp hậu sinh của các vị - mãi mãi gìn giữ và phát huy trong quan hệ bang giao Việt - Hàn ở thế kỷ XXI này.


    Chú thích:
    (1) Trần Văn Giáp: Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên. Tài liệu viết tay đề ngày 8-3-1970. Ký hiệu Thư viện Quốc gia Hà Nội: Vv.1005/70.
    (2) Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hóa Việt - Triều trong lịch sử - H. 1997, tr.88.
    (3) Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Người Việt Nam ở Triều Tiên... Sđd, H. 1997, tr.95.
    (4) Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Người Việt Nam ở Triều Tiên... Sđd, H. 1997, tr.121.
    (5) Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Người Việt Nam ở Triều Tiên... Sđd, H. 1997, tr.127.
    (6) Tham khảo:
    + Lại Văn Hùng: Dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu. Nxb. KHXH, H. 2000, tr.125, 126.
    + Nguyễn Thanh Tùng: Nguyễn Huy Oánh, nhà ngoại giao. Bản đánh máy chưa in. Nhân đây xin chân thành cám ơn tác giả.
    (7) Nguyễn Đề, còn gọi là Nguyễn Nễ, con của Nguyễn Nghiễm, anh của thi hào Nguyễn Du.
    (8) Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1972, tập 4, tr.215.
    (9) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb. Sử học, H. 1961, tập 4, tr.149.
    (10),(11) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb. Sử học, H. 1961, tập I, tr.212, 213.

    (12) N. Niculin: Quan hệ văn học Việt Nam - Triều Tiên cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XVIII. Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 2/1987.

    (13) Thơ Bài luật: giống lối thơ Cổ phong trường thiên, không cứ 5 chữ hay 7 chữ, nhiều câu hay ít câu, cốt sao từ đầu đến cuối có hô, ứng nhau. Lối thơ này do Dương Sĩ Khải đời Nguyên (1279-1368) đặt ra.
    (14) Chúng tôi xin kể tên các bài thơ xướng họa của Lý Toái Quang và Phùng Khắc Khoan (do các bài thơ không có tiêu đề, nên rút 4 chữ đầu của câu 1, tạm làm tên bài).

    [​IMG]
    (15) Vạn Lịch (1573-1619) là niên hiệu của vua Minh Thần Tông, Trung Quốc.
    (16) Lê Quý Đôn toàn tập, tập II: Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, H. 1977, tr.224.
    (17) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, H. 1960, tập I, tr.309.
    (18) Lê Quý Đôn toàn tập, tập II: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr.224 và 229.
    (19) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tập I, tr.310.
    (20) Tựa Thánh mô hiền phạmQuần thư khảo biện.
    (21) Lời ghi ở cuối bài Tựa cho sách Quần thư khảo biện của Lê Quý Đôn.
    (22) N. Niculin: Quan hệ văn học Việt Nam - Triều Tiên cuối thế kỷ XVI - giữa thế kỷ XVIII, Tạp chí Văn học số 2/1987.
    (23) N.Niculin. Sđd, Tạp chí Văn học số 2/1987.
    (24) Bài thơ Lê Quý Đôn xướng theo thể Đường luật - Thất ngôn bát cú, mở đầu bằng câu: Doanh hải đông nam các nhất phương. Bài họa của Hồng Khải Hy, câu mở đầu là Nam kim mỹ giá diệu ly phương, bài của Lý Huy Trung, mở đầu là Tái ngoại nhân lai thiên nhất phương.
    (25) "Nối điêu", Tấn thư có câu "điêu bất túc, cẩu vĩ tục". Nghĩa là: dùng đuôi con điêu để làm mũ Ngự sử, nếu không đủ thì đem đuôi chó nối vào. Ý nói: nối theo một cách không xứng đáng. Sau người ta dùng chữ "tục điêu", để nói nhún về việc họa lại thơ của người khác.
    (26) Lê Quý Đôn toàn tập, tập II: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr.226.
    (27) Trần Văn Giáp: Một số tư liệu về việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Triều Tiên. Sđd, ký hiệu Thư viện Quốc gia Hà Nội: Vv.1005/70.
    (28) Lê Quý Đôn, tập II: Kiến văn tiểu lục, Sđd, tr.224.
    (29) Đây là theo Đại Nam chính biên liệt truyện - Sơ tập - Q.30; còn theo Hoàng Lê nhất thống chí, thì người này có tên là Nguyễn Quang Thực.
    (30) I. THƠ PHAN HUY ÍCH
    1. Cư bang phân giới...
    2. Khách huống thiều thiều...
    3. Ngự viên hoa tạ...

    II. THƠ ĐOÀN NGUYỄN TUẤN
    1. Cơ tử tân Chu...
    2. Hương tâm dao trục...
    3. Áp thủy phô tình giám (ngũ ngôn)
    4. Sơn xuyên liên xích nhật (ngũ ngôn)

    III. THƠ TỪ HẠO TU
    1. Hà xứ thanh sơn

    IV. Thơ Lý Bách Hanh
    1. Thiên nhai lục lạc...
    (31) Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm: Quang Trung anh hùng dân tộc. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1998, tr.250./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (85) 2007; Tr.3-12)
     

Share This Page