Một số suy nghĩ về văn tế Việt Nam thời trung đại

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VĂN TẾ VIỆT NAM THỜI TRUNG ĐẠI

    Ts. Phạm Tuấn Vũ
    Khoa Ngữ văn Đại học Vinh

    Ngày nay văn tế tồn tại chủ yếu với tư cách là hiện tượng của sinh hoạt thế tục và sinh hoạt tôn giáo, không phải là một thể loại văn học như quan niệm của người Việt Nam và Trung Hoa xưa kia. Nhận xét sau của Viện sĩ Đ.X.Likhatsốp về thể loại văn học Nga thời cổ cũng có ý nghĩa lý giải cho chúng ta phần nào về hệ thống thể loại văn học Việt Nam thời trung đại nói chung và về thể loại văn tế nói riêng: “Các thể loại của nước Nga cổ khác thể loại của thời đại mới ở một điểm rất căn bản. Sự tồn tại của chúng bị quy định bởi việc áp dụng chúng vào đời sống thực tiễn với một trình độ to lớn hơn nhiều so với thời cận đại. Chúng nảy sinh không những với tính cách những biểu hiện khác nhau của sáng tác văn học mà còn với tính cách những hiện tượng cụ thể của đời sống, của tập quán, của phong tục nước Nga cổ, theo nghĩa rộng nhất của từ này”(1). Những công trình nghiên cứu văn học của người Việt Nam xuất bản đầu thế kỷ XX như Việt - Hán văn khảocủa Phan Kế Bính(2), Văn chương - thi phú Annam của Đ. Hồ Ngọc Cẩn(3), Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm(4), Quốc văn cụ thể của Ưu Thiên Bùi Kỷ(5) đều coi văn tế là thể loại văn học.

    “Văn tế (tế văn) là một bài văn đọc lúc tế một người chết để kể tính nết, công đức của người ấy và tỏ lòng kính trọng thương tiếc của mình”(6). Chức năng của văn tế cho phép ta hình dung thể loại này đã từng được sử dụng hết sức phổ biến trong đời sống xưa kia. Thời trung đại số người được học hành đến độ viết được văn tế chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong cộng đồng người Việt, nhưng nếu cần một bài văn tế người không làm được có thể nhờ người làm hộ. Mọi tầng lớp trong xã hội đều cho rằng tiễn đưa người sang thế giới bên kia phải hết sức cẩn trọng thành kính, bài văn tế chính là một biểu hiện của tín ngưỡng ấy. Bởi vậy có thể cho rằng số lượng văn tế đã từng có rất lớn, số bài văn tế chữ Hán đã được dịch, văn tế Nôm đã được phiên âm chỉ là một phần rất nhỏ trong số đó(7). Điều này do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân cơ bản là nhiều bài văn tế không vượt lên khỏi sự thể hiện quan hệ riêng tư, ý nghĩa xã hội và giá trị thẩm mỹ không cao. Có nhà nghiên cứu cho rằng “Phần lớn các tác giả đều viết văn tế bằng chữ Hán, số lượng văn tế Nôm không nhiều(8). Chúng tôi suy luận khác. Chúng ta đều biết, xưa kia có những người được đào luyện đến độ tinh thông Hán học và sử dụng các thể loại văn chương Trung Hoa thuần thục hơn những thể loại văn chương nước nhà (mà lời tự thú của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút là một dẫn chứng). Có người để lại trước tác toàn bằng chữ Hán. Tuy nhiên chúng tôi không nghĩ rằng những người như vậy chiếm đa số trong trí thức Việt Nam, và có một quy luật phổ biến không chỉ ở nước ta, là số đông người sáng tạo văn chương sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi tư duy bằng bản ngữ, khi dùng bản ngữ để diễn tả những sắc thái tế vi của tình cảm, nhất là trong những thời khắc đầy xúc động như sinh ly tử biệt. Hơn nữa đã là tác phẩm văn học, dù xưa hay nay, dù thuần văn học hay văn học chức năng đều chỉ bắt đầu cuộc sống đích thực của nó khi có người tiếp nhận. Đối với phần đông người Việt xưa kia, chữ Hán trước sau chỉ là một ngoại ngữ (nhu cầu để chữ Nôm ra đời, điều kiện để cho chữ Nôm sống được và phát triển đến độ gần như hoàn bị đã xác nhận điều này). Thật bất tiện nếu đọc xong bài văn tế chữ Hán lại phải dịch! Ở triều đình và những môi trường sinh hoạt có tính chất quan phương khác điều này có thể không cần, còn trong sinh hoạt của đông đảo thứ dân không thể không làm. Xưa nay cũng có không ít trường hợp ta chỉ cần cái âm của ngoại ngữ mà không cần đến hiểu nghĩa, nhưng lẽ nào bài văn tế cứ như một sản phẩm để “kính nhi viễn chi”? Do chức năng của nó, văn tế rất cần được hiểu để tạo ra sự đồng cảm nhanh chóng, rộng rãi. Tất cả những điều trên đây được kiểm chứng khi chúng ta thấy nhiều bài văn tế có tính chất quan phương (mà trường hợp điển hình là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) cũng được viết bằng chữ Nôm. Không rõ số văn tế hiện chúng ta chưa được biết có tạo ra sự thay đổi lớn hay không, còn cứ nhìn vào số văn tế đã biết thì ưu thắng cả về số lượng và chất lượng đã thuộc về văn tế quốc âm.

    Thời Lý còn để lại một số bài thơ bày tỏ sự thương tiếc và ngợi ca đạo hạnh của những vị cao tăng đã viên tịch (Tặng Quảng Trí thiền sư, Vãn Quảng Trí thiền sư, Điệu Chân Không thiền sư... của Đoàn Văn Khâm). Những tác phẩm này không làm chức năng của văn tế, vả lại quan niệm của nhà Phật về sự sinh hóa cũng khiến cho tình cảm của tác giả không bi thiết. Bài văn tế đầu tiên được người đời sau nhắc đến là Văn tế một công chúa:

    “Thanh thiên nhất đóa vân,
    Hồng lô nhất điểm tuyết.
    Thượng uyển nhất chi hoa,
    Dao trì nhất phiến nguyệt.
    Y ! Vân tán, tuyết tiêu,
    Hoa tàn, nguyệt khuyết”.

    (Một đám mây trên trời xanh, một giọt tuyết trong lò trời, một cành hoa ở vườn nhà vua, một vừng trăng ở dưới ao tiên. Than ôi ! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết(9)). Ghi tác giả bài văn tế là Mạc Đĩnh Chi, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm cẩn trọng đặt dấu (?) bên cạnh. Chúng tôi đoán rằng soạn giả đã ghi lại theo truyền khẩu hoặc nếu dẫn lại theo ai đó (không thấy ghi chú) thì có thể người đó cũng không có tài liệu “gốc” bằng văn tự, vì rằng bài văn tế làm theo lối tán, bằng chữ Hán, hết sức đặc sắc nhưng nhan đề lại bằng quốc âm (hiện tượng hay gặp hơn, là tác phẩm bằng quốc âm nhưng nhan đề Hán - Việt), hoặc đã được dịch. Một khi chưa có căn cứ chắc chắn, người ta có thể băn khoăn hay tác giả bài văn tế là một người Việt Nam khác, thậm chí là người Trung Hoa ? Khả năng sau, theo chúng tôi có lẽ thấp hơn vì rằng người Trung Hoa xưa nay hết sức cẩn trọng khi làm các tuyển tập văn chương, một tác phẩm đặc sắc như vậy nếu của người nước mình chắc họ đã không bỏ sót. Một khi bài văn tế đó có mặt trong tuyển tập văn học Trung Hoa sẽ có người đính chính cho chúng ta như đã đính chính một số ngộ nhận khác trong văn học cổ, vì số người Việt Nam thông thạo văn học Trung Hoa cổ kim không phải ít. Có thể phân vân ít nhiều về tác giả bài văn tế, nhưng chắc không ai phải phân vân khi đánh giá đó là một tác phẩm siêu việt. Để làm nổi bật giá trị quý hiếm của người được tế, tác giả bốn lần dùng cái độc nhất, lại đặt nó trong tình thế ở đó đối tượng dễ bị hóa thân nhất. Vẻ đẹp thanh tân như thiên thần của nàng công chúa tưởng như chỉ một chữ của đời sống trần thế cũng làm tổn hại, bởi vậy toàn bài chỉ dùng các hiện tượng của thiên nhiên. Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết đều biểu đạt sự mất mát hiển hiện không thể níu kéo trì hoãn được. Bài văn tế này là một tuyệt phẩm, rất mẫu mực ở sự uẩn súc và lối diễn đạt gián tiếp. Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái có một số từ ngữ tương tự, hoặc họ Phạm đã chịu ảnh hưởng của bài văn tế này, hoặc cả hai người cùng chịu ảnh hưởng từ một nguồn nào đó.

    Nửa sau thế kỷ XIX là thời kỳ văn tế Việt Nam cả nội dung cả hình thức đều có những đổi thay đáng kể và có nhiều thành tựu. Một số bài văn tế theo chức năng truyền thống, dùng trong các quan hệ cá nhân: Văn tế vợ, Khóc con gái của Bùi Hữu Nghĩa; Văn tế sống vợ, Văn tế chồng của Tú Xương... Bên cạnh đó nhiều bài văn tế lấy đề tài từ các quan hệ xã hội, thể hiện những tư tưởng tình cảm ở một tầm độ mới. Đây là thời kỳ đời sống lịch sử chính trị, đời sống tư tưởng Việt Nam có những biến động sâu sắc. Đây là thời kỳ có thế năng lớn cho việc mở rộng ý nghĩa xã hội của văn tế. Thực dân Pháp xâm lược, trên đất nước ta diễn ra sự đụng đầu giữa hai phương thức sản xuất, hai nền văn minh, hai ý thức hệ. Hoàn cảnh thì cam go mà ý thức hệ phong kiến Việt Nam lại ở mạt kỳ, khiến cho những bi kịch lịch sử càng sâu sắc. Tác giả viết văn tế đáng chú ý nhất thời kỳ này là Nguyễn Đình Chiểu với Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh, đặc biệt là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Người Việt Nam chết vì nước thời nào cũng có, văn tế người trung với nước đã có từ đời Trần với Văn tế Nguyễn Biểu của Trần Trùng Quang. Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên ngợi ca sự hy sinh vì nước nhưng xuất phát từ “Nghĩa” chứ không phải từ đạo “Trung”, đó là sự ghi nhận một chân lý đẹp đẽ của lịch sử. “Nghĩa giả, nghi dã” (nghĩa, đó là việc nên làm). Chính những người dân vô danh thân phận thấp hèn trong cơn khủng hoảng của lịch sử đã vụt đứng dậy thành những anh hùng giữ nước. Họ theo đạo lý chết vinh hơn sống nhục, chết cho nòi giống được thuần khiết. Bài văn tế chứa đựng nhiều bi kịch. Bi kịch do phải chia ly kẻ sống người chết, người chết đi tạo ra những nghịch lý đau lòng: già khóc trẻ, những sinh linh yếu ớt không còn chỗ nương tựa. Còn có bi kịch do sự đối lập giữa thân phận và ý thức, giữa trang bị vũ khí sơ sài và ý chí chiến đấu thật cao. Tác phẩm còn biểu lộ bi kịch của chính tác giả. Là nhà nho luôn kỳ vọng vào thánh chúa nhưng đã đến lúc Nguyễn Đình Chiểu ý thức được sự thật nghiệt ngã: đạo trung không còn có ích gì cho cuộc sống, vương triều không còn là chỗ dựa cho dân tộc. Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc thể hiện những cách tân lớn về tư tưởng: chết, đó là sự mở đầu cho ý nghĩa tốt đẹp (Một trận khói tan, nghìn năm tiết rỡ), chết không hề là sự đứt đoạn tuyệt đối (Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc...). Có được những ý nghĩa đó là do nhận thức mới về sự gắn bó giữa cá thể với dân tộc. Cá thể nhỏ bé hữu hạn, dân tộc to lớn trường tồn, một khi cá thể nhập vào dân tộc thì không bị trở thành hư vô. Từ sự đổi mới quan niệm về sống chết, bài văn tế còn có thêm một phẩm chất thẩm mỹ mà văn tế trước đó chưa có - âm hưởng bi hùng.

    Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là thành tựu xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu, của thể loại văn tế, của văn học Việt Nam nhưng không hề là hiện tượng “cao sơn đột khởi”. Đọc những bài thơ của nhà thơ mù đất Đồng Nai điếu Phan Tòng, đọc Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh...chúng ta có quyền nghĩ đến tập đại thành này. Tuy nhiên điều cần suy nghĩ là tại sao một thành tựu lớn của văn học thời đại lại nằm ở thể loại văn tế. Lịch sử Việt Nam thời trung đại không ít giai đoạn đau thương và anh dũng nhưng nửa sau thế kỷ XIX là giai đoạn đau thương và anh dũng bậc nhất. Văn tế là thể loại điển hình nhất cho cảm hứng cảm thương nên có sự tương thích với thời đại đó. Cùng là những thể loại trữ tình nhưng so với thơ, văn tế có ưu việt là dung lượng lớn, câu văn đa dạng để linh hoạt trong tự sự, trữ tình, nghị luận. Văn tế cũng là thể loại cho phép đào sâu tận cùng những cảm xúc, suy tưởng của cá thể để hòa nhập nó với những giá trị của cộng đồng. Cảm xúc mạnh mẽ có thể giúp người ta “ngộ” ra những chân lý sâu xa của nhân sinh mà một lý trí tỉnh táo có khi không tiếp cận được. Và cũng phải ghi nhận vai trò của quốc âm. Bài văn tế Nôm thích hợp nhất để tế những người vốn bình thường lam lũ, thuận lợi nhất để tác giả tạo được sự đồng cảm sâu xa ở đồng bào mình.

    Hình thức của văn tế nửa sau thế kỷ XIX cũng đa dạng hơn. Ngoài văn tế viết bằng thơ và phú theo Đường luật còn có văn tế viết bằng câu đối phú (của Nguyễn Khuyến). Riêng Văn tế Rivie(10) có vẻ khó xác định thể văn. Chúng tôi cho rằng, không phải thơ mà là văn xuôi có vần, cấu tạo câu văn của nó cơ bản trên cơ sở câu tứ lục, vậy đây là bài văn tế viết theo lối phú.

    Tên gọi văn tế xuất phát từ chức năng thể loại, không biểu thị những đặc điểm hình thức của nó. Văn tế có thể viết theo lối văn xuôi, lối tán, lối phú (cổ thể hoặc Đường luật), lối song thất lục bát. Ưu Thiên Bùi Kỷ nhận định rằng “từ Lê đến nay, phàm những bài văn tế nào làm theo mục đích đường hoàng và trân trọng, đều đặt theo lối phú”(11). Dương Quảng Hàm cũng cho rằng văn tế theo lối phú Đường luật thông dụng nhất(12). Gần đây cũng có người nhận định rằng thông dụng nhất là lối văn tế làm theo thể phú, nhất là phú Đường luật(13). Các nhà nghiên cứu này đều nhìn nhận đúng một thực trạng nhưng chưa ai giải thích. Định nghĩa văn tế trong các tài liệu có thể khác nhau chút ít về cách diễn đạt, nhưng đều khẳng định hai nội dung chính của bài văn tế là kể hành trạng, ngợi ca công lao đức hạnh người chết và biểu lộ lòng thương tiếc của người sống. Để thể hiện nội dung vừa tự sự vừa trữ tình đó, phú thích hợp nhất (người Trung Quốc coi phú là thể loại “bán thi bán văn”). Trong thể phú thì tiểu loại phú Đường luật thích hợp nhất để viết văn tế vì hai lẽ: Phú Đường luật có nhiều kiểu câu (câu cách cú, câu song quan, câu gối hạc) rất thích dụng cho sự chuyển đổi linh hoạt của nội dung. Trong phú Đường luật đại bộ phận là loại câu gồm hai vế đối nhau, sự cân đối là hình thức lý tưởng để biểu thị âm hưởng trang trọng - yêu cầu quan trọng bậc nhất của văn tế.

    Tuy nhiên, thực tế có những bài không thực hiện chức năng truyền thống của văn tế (theo cách nói của Ưu Thiên Bùi Kỷ là “đường hoàng và trân trọng”) cũng dùng lối phú Đường luật: Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu (Nguyễn Du), Văn tế sống vợ (Tú Xương), Văn tế sống (khuyết danh)(14). Những bài này đều tế người sống và không biểu thị cảm xúc bi thương. Nhìn qua thì đây là những hiện tượng đứng ngoài phạm vi khái quát của Bùi Kỷ, nhưng thực ra vẫn phù hợp với tinh thần của nhận định đó. Có thể coi ba bài văn tế này là hiện tượng nhại thể loại văn tế vì hình thức tác phẩm được bảo lưu còn chức năng khác hẳn. Trong văn học cổ kim đông tây đều có quy luật là khi nhại thể loại nào người ta thường chọn hình thức điển hình của thể loại đó. Một ví dụ trong văn học phương Tây là Xervantès đã dùng hình tiểu thuyết kỵ sĩ để viết Don Quijtote, tác phẩm phê phán văn chương kỵ sĩ.

    Thời trung đại văn tế không chỉ là sáng tác văn học mà còn là hiện tượng của đời sống, của tập quán, của phong tục. Đặc tính này đặt người viết đứng trước nghịch lý giữa riêng và chung, cụ thể và khái quát, thực và hư cấu, cảm xúc và lý trí - những mâu thuẫn biện chứng này ai sáng tạo văn chương cũng đều phải giải quyết, tuy nhiên ở văn tế có những đặc điểm riêng vì thế người viết bị trói buộc chặt hơn. Chẳng hạn bài văn tế bao giờ cũng tế đối tượng cụ thể, quan hệ giữa người đứng tế và người được tế xác định, người nghe người đọc (nếu bài văn tế tồn tại dưới dạng ngôn ngữ viết) có thể biết được tất cả những điều này nên người viết văn tế không thể tự do hư cấu và sử dụng các chất liệu sách vở, nếu không cái “hư” sẽ làm tổn hại cái “thực”, bài văn tế sẽ không khác một bài văn cử tử. Ngược lại nếu bị trói chặt vào những cái thực cá biệt rất có thể sẽ mất đi sức khái quát để tạo ra sự cộng hưởng rộng rãi và ý nghĩa xã hội lớn. Thực tế cho thấy chỉ một phần nhỏ văn tế vượt qua được “khe cửa hẹp” này để trở thành tác phẩm văn chương đích thực. Cũng bởi vậy, một khi bước được vào lĩnh vực văn chương, nhiều bài văn tế có ý nghĩa đáng kể đối với việc tạo nên diện mạo tác giả. Ví dụ trường hợp Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhiều người chỉ biết đến con người này qua Hoàng Lê nhất thống chí, theo đó Nguyễn là một gian thần thời loạn (của đáng tội, bài thơ vịnh vật Cái pháo(15) dường như cũng xác nhận tính cách này của tác giả Nguyễn Hữu Chỉnh). Tuy nhiên đọc Văn tế chị người ta gặp một con người khác hẳn, người ấy rất cận nhân tình và biết sợ nỗi bơ vơ cô độc trong cõi đời. Tiếng khóc ở đây cũng không phải bó hẹp trong quan hệ gia đình mà thực sự còn khóc cho một nửa nhân loại đầy khổ đau bất hạnh. Hoặc ở trường hợp Lê Ngọc Hân. Sự nghiệp của Quang Trung thật vẻ vang và cũng thật ngắn ngủi, người đời chưa kịp hiểu, Người đã như ngôi sao băng vụt qua bầu trời. Tiếp sau lại là triều đại thù địch và chuyên chế bậc nhất. Từng ấy nguyên nhân khách quan khiến cho thơ văn viết về người anh hùng áo vải thật ít ỏi, không tương xứng. Trong Ai tư vãn Văn tế vua Quang Trung, Lê Ngọc Hân đều đứng ở vị thế người vợ và một thần dân để viết về Quang Trung Nguyễn Huệ nhưng ở Ai tư vãn tâm thế người góa phụ trẻ nổi trội hơn, cũng vì cậy hình ảnh nhà vua được bao bọc trong cảm xúc bi thương. Ở Văn tế vua Quang Trung tâm thế thần dân ở tác giả rõ hơn bởi vậy hình ảnh Nguyễn Huệ với vẻ cao cả hoành tráng đậm đà hơn hẳn. Không có bài văn tế này, món nợ của văn học đối với người anh hùng còn lớn hơn và vị thế của Lê Ngọc Hân trong lịch sử văn học chắc cũng không được như đã có.

    Xưa nay người ta thường nói “khôn văn tế, dại văn bia” hay “khôn văn ai, dại câu đối” hàm nghĩa viết văn tế dễ thành công còn văn bia và câu đối thì ngược lại. Quan niệm này không phải không có cơ sở, nhất là khi nhìn các thể loại trên ở phương diện “hành chức” của nó. Trong đám tang, trong lễ truy điệu hay trong không khí tưởng niệm, người ta ở trong trạng thái cảm xúc đặc biệt bởi vậy có những bài văn tế không đặc sắc lắm cũng có thể tạo được ấn tượng đáng kể. Có trường hợp đọc xong bài văn tế người ta “hóa” luôn bởi thế ấn tượng xúc động thì được lưu giữ, còn không ai có chứng tích để chê. Văn bia và câu đối thì trái lại, có thể được khắc vào gỗ, tạc vào chuông đồng bia đá trơ gan cùng tuế nguyệt, tha hồ chịu đựng sự bình phẩm của lý trí tỉnh táo, bởi vậy nhận được lời khen của người đời thật khó. Tuy nhiên, một khi văn tế, văn bia, câu đối đều tồn tại dưới dạng các trước tác thì không thể loại nào được nương nhẹ hay bị nhìn nhận khắt khe hơn. Chỉ tồn tại được với lịch sử văn học dân tộc, những tác phẩm thể hiện những tư tưởng tình cảm có ý nghĩa xã hội lớn, trong hình thức ngôn từ giàu tính thẩm mỹ.

    Chú thích:
    (1) D.X.Likhatsốp: Thi pháp của nền văn học Nga cổ, Phan Ngọc dịch, in Rônêô, tập II, tr.58.
    (2) Editions du Trung - Bắc tân văn, 1918.
    (3) Imprimerie de la Société des Missions - Etrangères (Hong Kong), 2 Edition, 1923.
    (4) Nha học chính Đông - Pháp xuất bản, 1943.
    (5) Tân Việt, 1950.
    (6) Việt Nam văn học sử yếu, Sđd, tr.131.
    (7) Trong Văn tế cổ và kim (Phong Châu - Nguyễn Văn Phú sưu tầm, biên soạn), Nxb. Văn hóa, 1960 số văn tế thời trung đại chưa đến 30 bài. Hãy so sánh với vài con số sau: Trần Thị Băng Thanh cho biết Nguyễn Bá Xuyến (1759-1823) để lại 21 bài văn tế Nôm (Nghiên cứu Văn học số 3/2005, tr.44). Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu cho biết 621 bài văn tế chưa được chuyển sang quốc ngữ.
    (8) Nghiên cứu Văn học, số 3/2005, tr.44.
    (9) Việt Nam văn học sử yếu, Sđd, tr.135-136.
    (10) Có những tài liệu cho là của Nguyễn Khuyến, ví dụ Văn tế cổ và kim, Sđd; Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1999. Trong Thơ văn Nguyễn Khuyến, Nxb. Văn học, 1979, không thấy bài văn tế này.
    (11) Quốc văn cụ thể, Sđd, tr.8.
    (12) Việt Nam văn học sử yếu, Sđd, tr.131-132.
    (13) Từ điển văn học (bộ mới), Nxb. Thế giới, 2004, tr.1970.
    (14) Văn tế cổ và kim, Sđd, tr.142-145. Theo Phan Ngọc đây là bài Văn tế sống cô Nhiễu, của Thám hoa Phan Kính (1715-1761) (Xem: Về tác giả một bài văn tế, Tạp chí Hồng Lĩnh số 34, 10/1998).
    (15) Cái pháo.
    “Xác không, vốn những cậy tay người,
    Bao nả công trình, tạch cái thôi!
    Kêu lắm lại càng tan tác lắm,
    Thế nào cũng một tiếng mà thôi”.
    (Theo Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm./.

    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 52 - 58)
     

Share This Page