Nam Kinh Bắc Kinh truyện - Một tác phẩm sắp được bổ sung vào kho tàng truyện Nôm ở Việt Nam

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 3, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    NGUYỄN ĐÔNG TRIỀU
    Th.S, Khoa Ngữ văn và Báo chí - Trường ĐH KHXH & NV, Tp. HCM

    1. Giới thiệu tác phẩm

    Nam Kinh Bắc truyện là truyện Nôm bình dân. Bản Nôm được PGS.TS. Huỳnh Như Phương(1) photo về từ thư viện Paris (Pháp). Ở trang bìa, bên phải phía trên ghi Gia Định thành Duy Minh thị đính chính (Duy Minh Thị ở thành Gia Định đính chính); phía dưới ghi Đề Ngạn đại thị Quảng Thạnh Nam phát thụ (Nhà in Quảng Thạnh Nam ở Chợ Lớn phát hành); bên trái phía dưới ghi Việt Đông tỉnh Phật Sơn trấn Cận Văn đường tàng bản (bản gỗ tàng trữ tại Cận Văn đường ở trấn Phật Sơn tỉnh Việt Đông). Chỉ thấy ghi Duy Minh Thị đính chính, không thấy ghi tên tác giả (khuyết danh) cũng như thời gian sáng tác hoặc khắc in. Ngoài tờ bìa, sách có tất cả 33 tờ. Ở mỗi tờ, các dòng lục bát được khắc dọc từ phải sang trái, câu lục ở trên câu bát ở dưới. Hầu hết các tờ được xếp thành 20 cột (40 câu lục bát) trừ tờ 1 có 10 cột và tờ 33 có 11 cột. Tổng cộng 1092 câu lục bát; 43 bài tán, vãn, loạn, thán (mỗi bài từ 2 đến 6 câu) và một bức thư với 114 chữ.

    Được biết Nam Kinh Bắc Kinh truyện là tác phẩm chưa có trong kho tàng truyện Nôm ở Việt Nam nên chúng tôi đang bắt tay vào việc phiên âm, hiệu đính, chú thích và khảo sát chữ Nôm(2) nhằm cung cấp cho quý vị độc giả yêu thích chữ Nôm và truyện Nôm thưởng lãm; đồng thời bổ sung vào kho tàng truyện Nôm ở Việt Nam một tác phẩm hay. Do bản Nôm đã cũ lại là một bản photo nên nguyên tác bị mất và mờ một số chữ. Khi phiên âm chúng tôi sẽ tạm thời để trống những chữ đó. Cũng vì thế, sau khi Nam Kinh Bắc Kinh truyện được xuất bản (có bản chữ Nôm in kèm theo), chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ giáo của quý vị độc giả gần xa, hoặc giả có thêm một dị bản để đối chiếu thì càng hay(3), giúp chúng tôi có điều kiện sửa chữa, bổ sung để có thể cho ra đời một bản phiên âm hoàn chỉnh nhất.

    2. Tóm tắt nội dung
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Tác phẩm kể lại câu chuyện hai tiên tử được phái xuống trần gian đầu thai ở hai nước Nam Kinh và Bắc Kinh. Tiên nữ đầu thai làm công chúa nước Nam Kinh tên là Quỳnh Nga. Tiên nam đầu thai làm thái tử nước Bắc Kinh. Trước lúc đầu thai, họ hẹn ngày sau gặp lại sẽ kết duyên vợ chồng. Năm công chúa mười ba tuổi, vua Nam Kinh mở hội kén phò mã nhưng không ai đẹp lòng công chúa. Lúc ấy thái tử Bắc Kinh không tham dự được vì vua cha mắc bệnh. Sau đó chàng cầu xin cha sai người sang Nam Kinh làm mối. Vua Nam Kinh đồng ý gả con gái sang Bắc Kinh và cử hai mẹ con bà vú thay mặt đưa dâu. Trước lúc lên đường, công chúa được mẹ tặng cho ngọc cam thần có thể kêu mưa gọi nắng theo ý muốn; được cha tặng cho chim quyên biết nói để đàn ca giải buồn. Trên đường đi, đến giữa biển Đông, mụ vú nổi lòng gian tà khoét mắt công chúa, xô nàng xuống biển và thế con mình vào chỗ công chúa. Công chúa Quỳnh Nga mù lòa rơi xuống biển được Lý ngư chở vào Mao Nguyên. Ba năm lưu lạc ở Mao Nguyên, ngày làm bạn với dã nhân, đêm chỉ biết khóc than cho thân phận mình. May sao có tiều lão đi ngang qua cứu nàng về và xem nàng như con. Công chúa nhờ tiều lão đem ngọc cam sang Bắc Kinh rao bán để dò la tâm tính của Thái tử. Biết được thái tử là người nhân hậu, chung thủy, tiều lão đã nói rõ sự thật về công chúa cho thái tử nghe. Thế là qua bao ngày lặn lội vất vả, cuối cùng tiều lão đã giúp thái tử và công chúa sum họp cùng nhau. Mẹ con bà vú được đưa về Nam Kinh, giữa đường bị sét đánh tan xương nát thịt. Vợ chồng công chúa Quỳnh Nga sinh được một con trai làm người nối dõi nước Bắc Kinh. Còn thái tử cùng công chúa trở về cai trị nước Nam Kinh. Hai nước thái bình nhân dân an cư lạc nghiệp.

    3. Trích đoạn từ câu 115 đến câu 234

    Nội dung đoạn trích: Công chúa Quỳnh Nga được vua cha đồng ý gả sang nước Bắc Kinh. Nam vương sai mẹ con bà vú thay mặt đưa dâu. Giữa đường, bà vú khoét mắt Quỳnh Nga và xô nàng xuống biển. Quỳnh Nga được Lý ngư chở vào Mao Nguyên…

    … Nam vương nghe gián một khi
    “Phải duyên con đẹp vậy thì cha ưng”
    Công chúa nghe nói lòng mừng
    Ngửa trông ơn cả lượng trên chín từng
    Đặng cho hai nước giao lân
    An nhà lợi nước khỏi phiền lòng dân
    Bèn thu bảo vật bạc vàng
    Phán đòi văn võ bá quan vào đền
    Vua rằng lục lễ đã an
    Lại đòi ca xướng nhặt khoan vui vầy
    Lại truyền đòi vú vào đây
    “Con ta bằng ngọc ngàn cân vậy thì”
    Phán cùng văn võ triều nghi
    Về thời sắm sửa lựa ngày nghinh hôn

    Bà mối đặt gối tâuquỳ:
    “Chúa tôi tiểu quốc dám đâu tới đền
    Tôi xin rước công chúa về
    Đặng cùng thái tử một bề nghi gia”
    Phán rằng: “Chẳng nên đâu là
    Nỡ cho công chúa đi xa vậy mà
    Chưa hề thấy mặt quốc gia
    Dễ cho đường sá cách xa một mình”
    Công chúa thôi mới tâu qua:
    “Hễ thân phận gái đường xa nệ gì”
    Sắm sanh lễ vật đưa đi
    Vua cùng hoàng hậu xiết chi chau mày
    Cách cha cùng mẹ thương thay
    Một cùng bà mối tớ thầy ra đi
    Chữ rằng chi tử vu quy
    Làm thân con gái phải đi theo chồng
    Gả con về nước Bắc Kinh
    Đường mười hai tháng lộ trình xa xôi
    Một trăm hải đảo sẵn bày
    Đóng thuyền chở của lựa ngày đưa dâu
    Hoàng hậu mặt ủ mày chau
    Mới đòi công chúa vào lầu xem qua
    “Con ta tuổi mới mười ba
    Mặt mẹ chưa dám xem qua cho tường
    Mẹ rày có báu ngọc cam
    Vốn của Ngọc hoàng cho xuống kẻ dân
    Đương ngôi chính trị cầm quyền
    Tề gia nội trợ phủ liền trong cung
    Cho con ngọc ấy con cầm
    Giắt lên mái tóc phòng khi chíp nàn
    Dầu con nhớ mẹ Tràng An
    Khoét vào ba chép hóa chiều nên cây
    Cành vàng lá bạc tốt thay
    Ba trăm sáu trái chín đầy chan chan”
    Công chúa chịu lấy ngọc cam
    Nam Kinh thượng vị đòi con vào lầu
    “Cha rày có báu chim quyên
    Nó thời hay xướng hay đờn hay ca
    Nó khôn hơn nữa người ta
    Mỏ vàng lông thắm rườm rà hồng nhan
    Dẫu mà mười tám nước sang
    Nó đờn một tiếng đẹp mà đồng dao
    Quần thần những tướng anh hào
    Nó đờn một tiếng lại hoàn đồng dao
    Cha thương nó cũng như con
    Chiều chiều nó dựa kiệu vàng bên ta
    Đến khi vào ở chương toà
    Nó thời gảy khúc đờn ca giải buồn
    Thương con nên phải cho con
    Đem qua nước Bắc gảy đờn làm duyên”
    Công chúa chịu lãnh chim quyên
    Ban cho lồng thắm xuống thuyền trẩy đi
    Vua đòi vú lại đan trì
    Dặn dò sau trước y nguy mọi lời
    “Con ta đã phó cho mày
    Không sanh có dưỡng cũng tày mẫu nghi
    Thái tử dầu chẳng yêu đương
    Con ta đem lại đền vàng cho ta”
    Lại đòi Ngọc Chân vào đền
    “Mày là con vú hôm mai đi cùng
    Tuổi mày cũng mới mười ba
    Đều xuống thuyền rồng ca nhạc trẩy đi”
    Bá quan văn võ triều nghi
    Vua cùng hoàng hậu xe rồng đưa đi
    Công chúa tán viết: “Nhìn phụ thân vương lệ nhỏ sa, thấy mẫu hậu châu rơi chan chứa. Một phen về Bắc địa, bao thuở lại Nam bang. Bát ngát trông mấy dặm quan san, bâng khuâng tưởng ngàn trùng nước biếc”.
    Vãn viết: “Nước biếc lệ hai hàng lã chã châu rơi, riêng than phận gái nổi trôi, thảo ngay chưa báo thân mình lại xa”.
    Vương tán viết: “Nay con về Bắc quốc, bao thuở lại Nam bang. Cho nhớ câu trung hiếu vẹn toàn, vậy mới gọi nữ nhi hào kiệt.”
    Vãn viết: “Sụt sùi dạ rối dường tơ, Bắc Kinh con tới, Nam thành cha lui”.
    Chúa vãn viết: “Cảm thương cha Sở con Tề, nay đi thời dễ, mai về chỉn khôn.Chín chiều ruột thắt đòi lần, sông Tương đã trải, non Thần lại qua”.
    Bá quan viết: “Nay chúng tôi triều sĩ bá quan, đưa công chúa vu quy Kinh Bắc”.
    Vãn viết: “Kinh Bắc Chúa công bước tới, lệ hai hàng phay phảy dường tên. Thương vì tuổi hãy ấu xung, xa xa non nước ngàn trùng thương thay”.
    Công chúa vãn: “Nghiêng mình làm lễ bá quan, một lòng thờ chúa rỡ ràng công tôi”.
    Vương viết: “Bảo hộ quan đạo lộ tuần phòng, đưa công chúa trung đồ tua cẩn thận”.
    Bảo hộ viết: “Khâm thừa ngọc sắc, lãnh mệnh thi hành. Phụng lãnh bảo kim châu, dương võ qua Bắc địa”.
    Vãn viết: “Bắc địa phong điều vũ thuận, thẳng cánh hồng lướt sóng xa khơi. Đoái nhìn chiếc nhạn bơ vơ, nước khoe màu biếc, trời ngưng thức trời”.
    Hựu viết: “Đây đà tới biển Đông, truyền canh giờ cho nghiêm nhặt”.
    Đường trường cách trở giang biên
    Đi sáu tháng trường tới chốn biển Đông
    Ai ngờ lòng vú gian hùng
    Toan giết công chúa cướp chồng cho con
    “Con người chẳng đặng giàu sang
    Con ta hoàng hậu chánh trang trị vì
    Đương ngôi chánh hậu cầm quyền
    Ắt là tông tộc họ hàng hiển vang
    Thái tử thời chẳng có sang
    Đâu biết công chúa dung nhan dường nào
    Dầu mà ta tráo con ta
    Đưa cho thái tử vậy mà biết đâu
    Mẹ cha người ở trong lầu
    Đã cậy ta rày làm vú đưa dâu”
    Áo quần công chúa lột thâu
    Bà vú đành lòng bạc ác bất nhơn
    Công chúa lăn khóc vang rần
    Vú bèn lấy áo chốt ngay miệng nàng
    Than khóc chẳng đặng càng thương
    Lại khoét hai mắt tư lương nhãn tiền
    Bèn gieo nàng xuống giang biên
    Máu trôi mé nước thủy tề hào quang
    Giữa dòng rỡ sáng bằng gương
    Lý ngư cảm động chở vào Mao Nguyên
    Lý ngư để chốn thạch bàn
    “Người thời ở đó tôi về biển Đông”
    Công chúa mới tỉnh giấc nồng
    Ai ngờ con sống ở nơi thạch bàn
    Tưởng đà hồn khỏi dương gian
    Nhờ ơn cá Lý muôn vàn chở đưa

    ***

    Này đoạn công chúa mắc nàn
    Thiên sầu địa thảm bốn phương rầm trời
    Muôn chim bạch nhật tới nơi
    Đều thời cắn trái đem dâng cho nàng
    Dã nhân kết bạn ở cùng
    Thảo một trên rừng làm tán che thân
    Ở đây dầu những đói no
    Mắt thời chẳng thấy khôn lo đường về
    Thương cha nhớ mẹ nhiều bề
    Mặt chồng chưa biết một khi dường nào
    Tháng ngày ở chốn rừng cao
    Cỏ tranh phủ đắp vận vào che thân…

    Chú thích:
    (1) Giảng dạy Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường ĐH KHXH & NV, Tp. HCM.
    (2) Công trình này có sự cộng tác của Cử nhân Hán Nôm Hoàng Thị Như Hằng.
    (3) Tác phẩm này được khắc in tại nhà in Quảng Thạnh Nam ở Chợ Lớn (Đề Ngạn đại thị Quảng Thạnh Nam), nên rất có thể vẫn còn dị bản lưu truyền trong dân gian mà chúng ta chưa phát hiện được./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (75) 2006; Tr.80-83)
     

Share This Page