Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNT), tiêu thụ các sản phẩm điều tại thị trường trong nước hiện đã tăng hơn 3 lần so với hơn 10 năm trở về trước, trong đó tăng mạnh ở các sản phẩm như: nhân điều chế biến thành thực phẩm ăn liền, dầu vỏ hạt điều, chất đốt và gỗ điều... Dự báo, đến năm 2010, tổng nhu cầu tiêu thụ nhân điều ăn liền trong nước ước đạt 4.000-5.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ nhân điều toàn cầu ước khoảng 409.000 tấn. Mới đây, Bộ NN & PTNT đã công bố Chiến lược phát triển ngành điều đến năm 2010 theo hướng phát triển diện tích điều chất lượng cao đi đôi với việc hình thành những cơ sở chế biến quy mô lớn và đa dạng hoá sản phẩm điều chế biến. Cũng theo Bộ NN & PTNT, tốc độ tăng về sản lượng buôn bán nhân điều sẽ đạt bình quân 5,7%/năm, giá nhân điều xuất khẩu dự kiến đạt mức 4.621 USD/T. Tiềm năng Phân tích lợi thế cạnh tranh của hạt điều nước ta so với các nước cũng cho thấy, Việt Nam hội đủ 5 điều kiện cơ bản để tăng khả năng cạnh tranh về các sản phẩm điều xuất khẩu. Cụ thể, năng suất bình quân trồng điều ở Việt Nam đã cao hơn 2 lần so với mức bình quân của thế giới, cao hơn cả Brazil và ấn Độ; giá thành một tấn hạt điều Việt Nam là 247 USD/T, trong khi của ấn Độ là 544 USD/T và Brazil là 288 USD/T; trong năm 2005, xuất khẩu nhân điều đã chiếm 54% sản lượng toàn thế giới; nhiều doanh nghiệp chế biến điều của nước ta có công suất thiết kế 10.000 tấn hạt/năm và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo được uy tín với khách hàng ở các thị trường tiêu thụ lớn. Với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hạt điều đầy tiềm năng nêu trên, Bộ NN & PTNT đã đề ra phương án điều chỉnh quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển ngành điều Việt Nam theo hướng ưu tiên phát triển ở các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và vùng thấp ở 3 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai. Mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích điều thu hoạch phải đạt 333.000 ha, năng suất bình quân đạt 2 tấn/ha, tổng sản lượng hạt điều đạt 666.000 tấn (tăng 166.000 tấn so với năm 2010), tổng sản lượng nhân hạt điều đã qua chế biến là 195.000 tấn (trong đó xuất khẩu đạt 175.000 tấn)... Từ đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ điều đến năm 2020 lên 820-850 triệu USD/năm. Hạt điều Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc.., lượng điều xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2007 đạt 96 nghìn tấn, với kim ngạch 399 triệu USD, tăng 22,34% về lượng và tăng 27,28% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu của ngành điều trong nước là xây dựng và phát triển bền vững, có vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, đồng thời duy trì ngôi vị xuất khẩu xứng đáng trên thị trường điều thế giới. Làm gì để giữ vững ngôi vị? Sau 15 năm cạnh tranh trên thương trường, Việt Nam đã vượt qua ấn Độ, giành ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế này, ngành điều còn rất nhiều việc phải làm… Hiện nay, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất là chất lượng an toàn - vệ sinh cho hạt điều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm ngôi vị “quán quân” của ngành chưa chắc chắn. Khi gia nhập WTO, xuất khẩu điều không cạnh tranh về giá mà cạnh tranh về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, có tình trạng một số nhà cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy luôn gian lận bằng cách ngâm nước, trộn tạp chất khiến cho chất lượng hạt điều kém. Hậu quả tất yếu là giá bán thấp. Mặt khác, cơ chế cho vay vốn của các ngân hàng thường dồn vào mấy tháng thời vụ, các nhà máy cũng tranh thủ bằng mọi cách có thật nhiều vốn và thật sớm nên việc tranh mua giữa các doanh nghiệp quyết liệt, đẩy giá nguyên liệu lên cao hơn giá trị thực tế. Hơn nữa, mấy năm gần đây, chi phí cho chế biến tăng cao, đặc biệt là giá nhân công. Do nguồn nhân lực ngày càng giảm, các doanh nghiệp cũng phải tăng lương để thu hút lao động nhằm đảm bảo công suất nhà máy hoạt động. Chính những yếu tố đó đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến hành vi gian lận, pha lẫn tạp chất, hạt điều ngâm nước của các doanh nghiệp. Tiềm năng về xuất khẩu điều của Việt Nam ai cũng thấy rõ, song, bằng cách nào để thành quả đạt được mang tính bền vững? Làm sao để Việt Nam vẫn là cường quốc xuất khẩu điều hàng đầu thế giới? Đây vẫn là câu hỏi khó. Thật vậy, mặc dù Việt Nam đứng đầu thế giới nhưng bản thân ngành điều vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức. ấn Độ dù đã xuống vị trí thứ hai, nhưng họ lại có một thị trường nội địa hết sức vững chắc. Còn Việt Nam, lâu nay các doanh nghiệp chỉ chú tâm phát triển xuất khẩu mà thiếu đầu tư cho thị trường nội địa. https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq Ngoài ra vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm rất yếu, hiện nay ngành điều còn đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Theo thống kê, tổng số lao động ngành điều là trên 300.000 người. Nhưng tại các doanh nghiệp, số lao động mới đáp ứng được 60% công suất hoạt động của nhà máy. Như vậy, có thể thấy, việc giữ vững ngôi vị quán quân phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân ngành điều, trong đó vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặc biệt chú ý. Để làm được điều này, doanh nghiệp và người sản xuất phải liên kết chặt chẽ, hai bên cùng có lợi và vì mục tiêu chung. Ngành điều Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu trên thế giới nhưng việc giữ và phát triển tên tuổi vẫn còn nhiều khó khăn. Ánh Phương Số 1 Tháng 1 Năm 2008