Nghệ thuật sử dụng điển trong Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 9, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    PHẠM THỊ NGỌC HOA
    ThS. Trường Đại học Quy Nhơn

    1. Trong di sản thơ ca còn lại, bên cạnh 254 bài thơ viết bằng chữ Nôm, 105 bài thơ viết bằng chữ Hán là một kết tinh tài năng nghệ thuật của Nguyễn Trãi. Cùng với Quốc âm thi tập, Ức Trai thi tập đã thể hiện một cách sinh động con người thi nhân. Có thể tiếp cận tập thơ chữ Hán ở nhiều góc độ khác nhau để hiểu rõ hơn hình tượng con người Nguyễn Trãi. Song, có thể kể đến một trong những phương diện nghệ thuật độc đáo góp phần thể hiện con người nhà thơ là nghệ thuật sử dụng điển. Trong bài viết này, chúng tôi hướng đến tìm hiểu nghệ thuật dùng điển và sự thể hiện con người Nguyễn Trãi qua Ức Trai thi tập.

    2. Điển là một khái niệm rộng bao gồm điển tích, điển cố được biểu hiện trong tác phẩm văn học dưới hình thức một chữ, một ngữ hay một câu, được nhà văn, nhà thơ rút gọn từ những chuyện xưa, tích cũ, câu thơ, câu văn ở trong kinh, sách đời trước. Nhờ sự “giải mã”, người đọc sẽ thấy được ý nghĩa biểu trưng của điển thể hiện trong tác phẩm, cũng như thấy được ngụ ý của tác giả chuyển tải thông qua điển. Điển có thể được coi là biện pháp tu từ đặc biệt được nhà văn, nhà thơ vận dụng vào quá trình sáng tác văn chương. Điển giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc giúp nhà thơ, nhà văn xây dựng hình tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, tượng trưng và sinh động, sử dụng ngôn từ nghệ thuật cô đọng, hàm súc, ý tại ngôn ngoại, kết cấu tác phẩm đảm bảo ngắn gọn, súc tích, hợp lý… Sử dụng điển là nét đặc thù trong văn học trung đại phương Đông nói chung. Dùng điển, nhà thơ tránh được “bệnh quê mùa”, “bệnh thô phác”, thể hiện được sự uyên bác và tài năng nghệ thuật của bản thân. Việc sử dụng điển trong các tác phẩm văn học đã tạo cho tác phẩm có cốt cách sang trọng, mỹ lệ và đạt hiệu quả thẩm mỹ cao.

    Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi chủ yếu thuộc thể Đường luật. Ngoài hai bài Đề Hoàng ngự sử mai tuyết hiên làm theo thể trường thiên cổ thể và Côn Sơn ca theo thể trường thiên đoản cú, còn lại là thơ ngũ ngôn, thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú. Đây là thể thơ có những quy định nghiêm ngặt trong kết cấu, trong niêm, luật, đối, vần… Do quy định khắt khe về số lượng câu chữ của thể thơ, nên khi sáng tác nhà thơ phải tuân thủ nghiêm túc. Từ việc tuân thủ này sẽ bộc lộ rõ tài năng của nhà thơ. Ở phạm vi hạn hẹp nhất định của câu chữ, nhà thơ làm thế nào vừa thể hiện tư tưởng tác giả vừa phải đảm bảo chuyển tải nội dung lớn của bài thơ. Chính vì thế, việc sử dụng điển phần nào giúp nhà thơ thỏa mãn được những gì muốn diễn đạt mà sự cô đọng lại đạt đến trình độ cao.

    Dùng điển vốn là một kiểu dùng biện pháp tu từ khá hấp dẫn, làm cho thơ hàm súc, lời ít, ý nhiều. Đây là loại ngôn ngữ văn hóa có chọn lọc, được rút từ sử sách Trung Hoa, do đó nó chỉ thực sự quen thuộc với tầng lớp độc giả tinh thông Hán học. Người dùng điển phải có kiến văn sâu rộng và rung động thực sự. Nói như Trương Chính: “Điển vào tay những người không rung động mà cứ muốn làm thơ, thì dùng điển trở thành trò đố chữ”. Cũng như nhiều tác gia văn học thời trung đại, Nguyễn Trãi đã dùng điển trong những sáng tác của mình. Bàn về cách dùng điển trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, Trương Chính cho rằng: “Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi cũng có điển cố, nhưng không nhiều. Điển cố khó, càng ít. Những người dịch thơ ông không mất công tìm kiếm lắm đã chú thích được”(1). Tôn Quang Phiệt khi nhận xét về nghệ thuật trong Ức Trai thi tập cũng khẳng định: “Nguyễn Trãi dùng điển tích rất khéo, có khi người đọc dù không rõ điển tích cũng có thể hiểu nghĩa dễ dàng”(2).

    Có thể thấy rõ trong thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi sử dụng điển tuy “không nhiều” nhưng “rất khéo”. Sử dụng điển là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ. Nhờ vào việc sử dụng điển, Nguyễn Trãi đã xây dựng được những hình tượng thơ rất sinh động, ngôn ngữ hàm súc, ý thơ thanh thoát, trang nhã, kết cấu linh hoạt, súc tích… Từ đó tạo cho ý thơ mang giá trị biểu đạt và biểu cảm cao.

    Từ việc khảo sát nghệ thuật dùng điển trong Ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi, chúng tôi nhận thấy giá trị biểu đạt, biểu cảm trong thơ được biểu hiện ở hai khía cạnh chính sau:

    Thứ nhất, sử dụng điển góp phần giúp nhà thơ bày tỏ chí hướng, đồng thời kín đáo bộc bạch những tâm sự của bản thân.

    Thứ hai, sử dụng điển thể hiện tài năng của Nguyễn Trãi trong cách thức sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật.

    2.1. Nguyễn Trãi là một nhà nho quân tử, như nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Lai Thúy viết: “Hiện thân của con người quân tử là những nhà văn hóa lớn của thời Lê sơ. Trước hết là Nguyễn Trãi”(3).

    Nhà Nho Nguyễn Trãi giàu lý tưởng, hăm hở nhập thế, mong mỏi được trổ tài kinh bang tế thế. Chí hướng, hoài bão lập thân thời trẻ của ông được thể hiện bằng một hình tượng kỳ vỹ, đẹp tuyệt với “bắc minh bằng”:

    “Cửu vạn đoàn phong ký tích tằng,

    Đương niên thác tỉ bắc minh bằng.”

    (Mạn hứng)

    (Cỡi gió lên chín vạn dặm, nhớ xưa đã từng có chí ấy,

    Bấy giờ toan ví mình như chim bằng biển bắc).

    Mượn điển “Bằng trình cửu vạn” (đường bay chín vạn dặm của chim bằng biển bắc), Nguyễn Trãi muốn thể hiện khát khao mạnh mẽ, chí lớn được tung hoành giữa bầu trời cao rộng.

    Vào đời với một lý tưởng tuyệt vời, một nhiệt tâm nóng bỏng “Nhất phiến đơn tâm chân hống hỏa”, Nguyễn Trãi hăm hở dấn thân, khát khao được làm “minh dương phượng”:

    “Lãm huy nghĩ học minh dương phượng,

    Viễn hại chung vi tị dặc hồng.”

    (Họa hương tiên sinh vận giản chư đồng chí)

    (Muốn học chim phượng thấy sáng hót ánh mặt trời,

    Rốt cuộc làm chim hồng tránh tên lánh hại).

    Nguyễn Trãi đầy tài năng với trái tim cháy bỏng một tình yêu dân nước cớ sao trong lời thơ lại đong đầy nỗi niềm chua xót? Con đường hành đạo của ông liệu có thuận buồm xuôi gió? Đằng sau những câu thơ là cảnh tình của Nguyễn Trãi. Những câu thơ chứa đầy tâm trạng da diết đến xốn xang, lo sợ đến hoảng hốt, đau đớn đến xót xa! Bởi, ông nhận ra lòng người “cực hiểm”, đang “đi yên” mà bỗng sợ “lật giữa dòng”, ở “chốn quan trường” mà lòng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ “như chim phải cung”, “lúc về già” muốn được yên, thế mà cũng khó mà giữ được như “con rắn chui vào hang”, “việc đời đáng chảy nước mắt” mà “không mở miệng nổi”, ước muốn “làm chim phượng”, trớ trêu thay phải đành thúc thủ, cam phận làm “chim hồng tránh nạn”…

    “Minh dương phượng” được rút từ điển: Lý Thiện Cẩm đời Đường làm chức quan ngự sử, tính tình liêm khiết, thẳng thắn. Ông dâng sớ can vua về việc xây cung điện xa hoa. Người đời khen ông là “minh dương phượng” là chim phượng cất cao tiếng hót lúc mặt trời mọc.

    Hai động thái, hai hình ảnh trái ngược nhau: muốn làm chim phượng cất cao tiếng hót lúc mặt trời lên, rốt cuộc đành làm chim hồng tránh tên lánh hại được thể hiện trong hai câu thơ bật ra từ con người mà tấm lòng luôn yêu đời, khát khao nhập cuộc mới chua chát làm sao! Nguyễn Trãi đã từng khát khao làm “bắc minh bằng”, làm “minh dương phượng”,… nhưng tiếc thay, thời thế đã không chọn mặt hùng anh hay bầu trời chưa đủ cao rộng thoáng đạt, mặt trời chưa đủ sáng để chim phượng cất cao giọng hót đón chào. Trong mỗi câu thơ thấm đẫm nỗi niềm kia thể hiện một điều gì đó bất an, bất ổn và cả bất lực đang vây quanh Nguyễn Trãi! Sử dụng điển trên, Nguyễn Trãi đã kín đáo bộc lộ tình cảnh trớ trêu cùng tâm sự nặng màu yếm thế của mình!

    Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều bài thơ chữ Hán, Nguyễn Trãi nhắc nhiều đến các danh nhân Trung Hoa như: Tử Mỹ (Đỗ Phủ), Bá Nhân, Vương Thức, Quản Ninh, Y Doãn, Vĩnh Phúc, Linh Quân, Thứ Công, Trần Bình, Bá Di, Thúc Tề, Sào Phủ, Hứa Do… Phải chăng những nhân vật lịch sử này ít nhiều đều có điểm tương đồng với số phận Nguyễn Trãi! Sử dụng điển các nhân vật Trung Hoa là một cách Nguyễn Trãi soi mình vào họ để thấy rõ mình hơn, cũng là để tìm một sự đồng cảm.

    Giữa lúc nước nhà loạn lạc, muôn dân rên xiết, chưa biết tìm đâu một hướng đi đúng đắn, Nguyễn Trãi xót xa:

    “Tử Mỹ cô trung Đường nhật nguyệt,

    Bá Nhân song lệ Tấn sơn hà.”

    (Loạn hậu cảm tác)

    (Tử Mỹ giữ lòng trung mồ côi đối với ngày tháng nhà Đường,

    Bá Nhân ứa nước mắt hai hàng mà khóc nhìn non sông nhà Tấn).

    Tử Mỹ tức Đỗ Phủ, thi hào Trung Quốc ở đời Đường, trong cuộc loạn An Lộc Sơn, thường đau đớn ôm lòng cô trung với nhà Đường. Bá Nhân tức Chu Nghĩ, người Trung Quốc đời Tấn, làm Thượng thư Tả bộc xa, khi nhà Tấn mất, ông chạy sang Giang Đông cùng các danh sĩ yến hội ở Tân Đình, nhìn về non sông nhà Tấn mà rơi nước mắt. Tử Mỹ hay Bá Nhân đều có cách lựa chọn của riêng mình. Hai ông đã chọn một cách sống để thể hiện tấm lòng cô trung trước quốc gia, dân tộc. Đằng sau hình ảnh Tử Mỹ, Bá Nhân phải chăng chính là tấm lòng Nguyễn Trãi đối với non sông đất nước! Bùi Duy Tân nhận xét: “Nguyễn Trãi đã ký thác tấm lòng cô trung và hai hàng lệ nhỏ vào chuyện cũ, người xưa”(4).

    Có thể nói những tháng ngày làm quan ở triều đình là những tháng ngày Nguyễn Trãi hăm hở thực hiện lý tưởng, mong muốn xây dựng một xã hội “Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn”. Nhưng, chính những tháng ngày này ông rơi vào tình cảnh đầy bi kịch. Chứng kiến những trung thần bị hãm hại, ông đau xót vô cùng. Bản thân ông cũng bị nghi kỵ, dèm pha. Trong bài thơ Chu công phụ Thành vương đổ, Nguyễn Trãi thổ lộ tâm sự u uất của mình qua việc mượn điển Chu Công, Y Doãn, kim đằng:

    “Ý thân phụ chính tưởng Chu công,

    Xử biến thùy tương Y Doãn đồng,

    Ngọc kỷ di ngôn thường tại niệm,

    Kim đằng cố sự cảm ngôn công.”

    (Người thân tốt phụ chính nhớ đến Chu công,

    Xử cảnh quyền biến ai đem để cùng với Y Doãn?

    Lời trối ở ghế ngọc luôn luôn để dạ,

    Cái hộp kim đằng trước kia đâu dám bảo là công).

    Chu Công và Y Doãn đều là những bậc hiền tài có công giúp vua dựng nước. Y Doãn có công giúp vua Thương diệt nhà Hạ, dựng nghiệp nhà Thương. Ông luôn coi trách nhiệm gánh vác việc thiên hạ là trên hết. Khi vua Thành Thang mất, Thái Giáp lên nối ngôi. Thái Giáp bạo ngược, vô đạo. Y Doãn soạn ra những lời răn khuyên vua tu sửa theo phép chế vua Thang. Thái Giáp không nghe, còn cho đày Y Doãn ra ở đất Đồng Cung rồi tự mình nhiếp chính... “Kim đằng” là một cái hộp bằng vàng được gắn chặt. Khi Chu Vũ Vương ốm nặng, Chu Công sai dựng một cái đàn cao, cáo với quỷ thần xin cho mình chết thay Chu Vương. Khấn xong, Chu Công bỏ tờ giấy vào hộp, lấy vàng gắn chặt lại. Vũ Vương khỏi bệnh. Về sau, Vũ Vương mất, Thành Vương còn bé, Chu Công nhiếp chính. Quản, Thái gièm pha Chu Công. Thành Vương tin theo, đưa Chu Công sang Đông đô. Chu Công làm bài thơ gửi về dâng Thành Vương nói rõ lòng trung của mình, nhưng Thành Vương không tin. Kịp đến khi mùa thu, mùa màng chưa kịp thu hoạch mà trời bỗng nóng bức, rồi sấm sét gió mưa, làm hại mùa màng, dân chúng hoảng loạn… Thành Vương cho là điềm chẳng lành, bèn cùng quan đại phu mở hộp kim đằng, thấy tờ khấn của Chu Công, mới rõ công lao và lòng trung của ông... Ẩn sau điển Y Doãn, Chu Công với “kim đằng”, ta nhận ra hình ảnh Nguyễn Trãi. Công lao của ông đối với việc xây dựng nhà Lê có khác gì Y Doãn, Chu Công. Và số phận ông chẳng phải như Y Doãn, Chu Công đó sao? Ông từng bị nghi ngờ, gièm pha, có lần bị giam vào ngục… Cả bài thơ chỉ nói đến chuyện người xưa, nhưng cách dùng điển rất đắc địa của Nguyễn Trãi đã trở thành một mã khóa để ta hiểu được tình ý của nhà thơ.

    Bao điều ẩn ức, bao nỗi hàm oan được Nguyễn Trãi thể hiện rất cụ thể ở hai câu kết trong bài thơ Oan thán:

    “Ngục trung độc bối không tao nhục,

    Kim khuyết hà do đạt thốn tiên?”

    (Trong ngục viết ở lưng tờ, khi không bị nhục,

    Cửa khuyết vàng làm thế nào mà đạt được tờ giấy lên?)

    “Độc bối” nghĩa là lưng tờ giấy. Nguyễn Trãi mượn điển Chu Bột là công thần của Hán Cao tổ, lại trừ được bọn họ Lữ đương mưu cướp ngôi, rồi tôn lập Hiếu Văn Đế khôi phục nhà Hán, được cử làm Hữu Thừa tướng. Về sau bị vu làm phản nên bị hạ ngục. Bị hạ ngục lại bị làm nhục, Bột lấy nghìn vàng đút cho Ngục lại, Ngục lại lập mưu cứu Bột. Lúc thẩm vấn, Ngục lại viết chữ ở lưng tờ giấy án để khi cầm giấy đọc thì Bột thấy được chữ viết ở lưng giấy và làm theo. Nhờ thế mà Chu Bột thoát tội. Mượn điển “Độc bối” của Chu Bột, Nguyễn Trãi muốn bày tỏ cảnh ngộ hiện tại của mình, nhưng câu thơ có điều gì đau xót hơn, day dứt hơn. Câu hỏi cuối bài thơ là một tiếng vọng xót xa, hàm chứa một sự bế tắc, dồn nén bao điều ẩn ức, thắc mắc. Chu Bột thoát tội, còn ông? “Biết làm thế nào?”, “Cửa khuyết vàng ở đâu?”… những câu hỏi vang lên chất chứa một nỗi niềm tuyệt vọng của kẻ bị hàm oan!

    Nguyễn Trãi sử dụng rất nhiều điển để nói lên chí hướng và tâm sự u uất của mình, nhưng để thể hiện nỗi đau đớn, chua xót và cô đơn nhất của ông phải kể đến điển “Bá Nha, Tử Kỳ” trong bài thơ Đề Bá Nha cổ cầm đổ. Sống giữa cõi trần, không a tòng với thói tục, không lẫn lộn với phượng với diều, trong tận cùng nỗi cô đơn, Nguyễn Trãi biết tìm đâu ra người tri âm, tri kỷ:

    “Chung kỳ bất tác chú kim nan,

    Độc bão dao cầm đối nguyệt đàn.

    Tĩnh dạ bích tiêu lương tự thủy,

    Nhất thanh hạc lệ cửu cao hàn.”

    (Đề Bá Nha cổ cầm đổ)

    (Không làm được Chung Kỳ vì đúc vàng khó,

    Một mình ôm đàn ngọc đối trăng mà đàn.

    Đêm lạnh vòm trời biếc lạnh như nước,

    Một tiếng hạc rít lạnh ngắt ở chín chằm).

    Bá Nha đàn hay, Chung Tử Kỳ là người sành nghe tiếng đàn. Hai người là tri âm, tri kỷ. Chung Tử Kỳ mất, Bá Nha đập đàn không gảy nữa, vì cho rằng đời không còn ai hiểu tiếng đàn của mình. Trên đường đời, Bá Nha còn có Tử Kỳ. Còn Nguyễn Trãi ? Tiếng đàn hay tiếng tơ lòng của ông phải chăng như tiếng hạc kêu sương cô quạnh, chỉ vút lên trong không gian sâu thẳm và thời gian vô tận!

    Chí hướng không thành, lý tưởng không thực hiện được, với Nguyễn Trãi, cuộc đời chỉ còn lại như cỏ bồng, cánh bèo: "Nhãn trung phù thế tổng phù vân", "Phù thế bách niên chân tự mộng". Triết lý về cuộc đời, nhiều lần Nguyễn Trãi sử dụng điển “Hoàng lương”, “mộng Nam Kha”, “Hòe mộng”. Thì ra trong cái nhìn của ông, cuộc đời vinh hoa phú quý, bổng lộc, lợi danh… tất cả rồi cũng sẽ tan biến nhưmột giấc chiêm bao!

    Trải qua binh biến, suy xét từ những trải nghiệm cuộc đời, Nguyễn Trãikết luận: “Vãng sự không thành hòe giấc mộng” (Ký cữu Dịch trai Trần Công). “Hoè mộng” là điển: Thời Đường có người tên Thuần Vu Phần uống rượu nằm dưới cành phía nam của cây hoè, say ngủ quên, mộng thấy mình đến nước Hòe An, được vua nước ấy gả công chúa, phong cho chức Quận thú quận Nam Kha. Khi tỉnh dậy, nhìn thấy ở thân cây hoè cổ có một hốc kiến to, hốc ấy có một đường hốc nhỏ thẳng lên đến một cành ở phía Nam... “Hoàng lương mộng giác sự nan tầm” (Đề Ngọc Thanh quán) (Tỉnh giấc mộng kê vàng, việc cũng khó tìm). Kê vàng là một điển chép trong truyện Chẩm Trung ký đời Đường. Lư Sinh trọ ở Hàm Đan gặp đạo sĩ Lã ông. Lã ông trao cho Lư Sinh một cái gối và bảo: “Gối đầu lên đây, anh sẽ được vinh hiển như ý”. Bấy giờ chủ quán đang nấu một nồi kê, Lư Sinh kê gối ngủ, mộng thấy mình lấy được con gái họ Thôi giàu đẹp, rồi thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Tiết độ sứ, đại phá được quân giặc, làm Tể tướng trong mười năm. Năm người con trai của Lư Sinh đều làm quan đỗ đạt, hiển vinh, con cháu đầy nhà, danh gia vọng tộc trong thiên hạ… Khi tỉnh dậy thì nồi kê của nhà hàng vẫn chưa chín. Lư Sinh bàng hoàng tự hỏi: “Há việc đó chỉ là chuyện mộng ư?” Lã ông cười nói: “Việc đời thì cũng như mộng vậy thôi”. Mượn điển “Hoàng lương mộng”, Nguyễn Trãi muốn nêu một triết lý sống cuộc đời là hư ảo!

    Dùng điển trong thơ rõ ràng giúp Nguyễn Trãi kín đáo nói được những điều khó nói. Nói đến gương sáng của trung thần trong việc can gián vua những điều “thuận lòng trời, hợp lòng người”, nhưng bị vua chối bỏ, Nguyễn Trãi dùng điển “ngôn tử hậu tri”:

    “Tế thì nho thuật sinh bình hữu,

    Gián chúa trung ngôn tử hậu tri.”

    (Thiều Châu văn hiến miếu)

    (Cứu đời thuật nhà nho bình sinh vẫn có,

    Can chúa lời trung trực sau chết mới hay).

    “Ngôn tử hậu tri” là điển nói về Trương Cửu Linh biết thế nào An Lộc Sơn cũng làm phản, bèn tâu với Đường Huyền Tông: viện cớ An Lộc Sơn đánh Khế Đơn bị thua, nếu không giết thì sau sẽ làm phản. Đường Huyền Tông không giết. Quả nhiên, sau khi Trương Cửu Linh chết, An Lộc Sơn làm phản, Đường Huyền Tông lúc ấy mới biết Trương Cửu Linh là trung thần, là tiên tri. Cửu Linh hay Nguyễn Trãi có khác gì nhau? Nguyễn Trãi đã bao lần khuyên bảo, nhắc nhở các vua nhà Lê, nhưng lời nói trung thần đâu còn tác dụng, những ngày tháng "nói tất nghe, kế tất theo" đã không còn khi bọn quan siểm nịnh đang lộng quyền. Và sau khi Nguyễn Trãi chết, hơn hai mươi năm sau Lê Thánh Tông mới nhận ra: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”.

    Ước mơ thực hiện lý tưởng xây dựng một xã hội “Dân Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn” của Nguyễn Trãi đã không diễn ra như mong đợi. Ngược lại, hằng ngày phải chứng kiến bao hiện thực đau lòng: “Oa dốc kinh khan nhật Tấn Tần“ (Mạn thành), “Kê trùng tự thử liễu tương tranh” (Thu dạ khách cảm),... thử hỏi sao ông không cay đắng xót xa! “Kê trùng” là sử dụng điển của nhà thơ Đỗ Phủ. Trong bài thơ Phược kê hành (Bài hát trói gà) có câu: “Kê trùng đắc thất vô liễu thì”. Gà và bọ được thua không bao giờ xong. Cuộc sống như cái vòng tròn luẩn quẩn… Phải chăng từ những trải nghiệm của chính bản thân mình, Nguyễn Trãi đã đúc kết thành một triết lý về cuộc đời thấm đẫm sự chua chát:

    “Bành thương Tang Cốc đô hưu luận,

    Cổ vãng kim lai lạc nhất khâu.”

    (Mạn hứng - II)

    (Sống lâu, chết yểu, Tang hay Cốc, đều không bàn làm gì,

    Đời xưa, đời nay cũng đều một loài như những con chồn cùng một gò).

    Chọn cuộc sống nhàn dật nơi quê nhà là cách lựa chọn phổ biến của các nho sĩ, ẩn sĩ ngày trước. Nho giáo đã dạy cho họ biết "Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng". Nguyễn Trãi cũng không đi ngược lại với sự lựa chọn đó. Tìm về cuộc sống ẩn dật, Nguyễn Trãi hay nhắc đến “Ngũ hồ xuân”, “Yên ba”, "Đông Sơn", "Bồng Lai", "Nhược thủy"…

    “Thế sự bất tri hà nhật liễu,

    Biển chu quy điếu ngũ hồ xuân.”

    (Mạn thành)

    (Việc đời không biết ngày nào xong,

    Để một con thuyền nhỏ mà về câu xuân ở Ngũ hồ).

    Điển “Ngũ hồ” là năm hồ, chỉ nơi Phạm Lãi cùng Tây Thi sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn chiếm được nước Ngô, họ đã cùng nhau đi trên một con thuyền nhỏ lênh đênh ngao du khắp ngũ hồ để thưởng thức phong cảnh non nước hữu tình mà quên đi mọi danh lợi trong cuộc đời. Dùng điển này, Nguyễn Trãi thể hiện nỗi niềm hiện tại của mình. Mười năm “quan hựu lãnh” giúp ông nhận ra vị thế của mình. Nhiều lần, chính ông tự hỏi: "Người ơi, sao chẳng sớm quay về - Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc?" (Côn Sơn ca). Với Nguyễn Trãi, chỉ có thiên nhiên là nơi để ông di dưỡng tâm hồn mà quên đi mọi ràng buộc áng công danh thế tục: "Hạm lý vân sơn vô sủng nhục" (Họa hữu nhân Yên Hà ngụ hứng).

    Tóm lại, điển trong thơ Nguyễn Trãi thật sự là một phương tiện ngôn ngữ hữu hiệu hỗ trợ nhà thơ trong việc bộc lộ chí hướng và những tâm sự một cách kín đáo, tế nhị. Nhờ vào việc sử dụng điển, một mặt Nguyễn Trãi thể hiện được thái độ, tư tưởng, tình cảm của mình, mặt khác, qua ý nghĩa biểu trưng của điển, người đọc cũng hiểu được chí hướng, tâm sự, tình cảnh và vị thế của ông trước thời cuộc.

    2.2. Sử dụng điển là một biện pháp tu từ được Nguyễn Trãi vận dụng rất linh hoạt. Mỗi điển được đưa vào thơ là một sự lựa chọn công phu. Trước một khối lượng tư liệu đồ sộ từ nguồn ngữ liệu Trung Hoa như Tứ thư, Ngũ kinh, sử, truyện…, nhà thơ đã khéo léo lựa chọn, đưa vào thơ những điển mà ít nhiều người đọc cũng biết đến và những điển đó đều mang đến giá trị biểu đạt, biểu cảm cao.

    Tài năng sử dụng điển của Nguyễn Trãi, trước hết phải kể đến cách khai thác điển. Nguyễn Trãi khai thác chủ yếu ở hai cách: cách lấy chữ từ những câu văn, câu thơ hay đời trước và cách lấy chữ, lấy ý từ những việc xưa tích cũ… Sử dụng điển bằng cách lấy chữ là tác giả mượn một vài chữ ở câu văn, câu thơ hay mượn ý của câu văn, câu thơ hay đời trước, có thể thêm, bớt hoặc sắp xếp lại đưa vào trong câu thơ của mình để thể hiện tình ý của nhà thơ.

    Trong bài thơ Hải khẩu dạ bạc hữu cảm, Nguyễn Trãi có nhắc đến niềm vui và nỗi lo của mình: “Bình sinh độc bão tiên ưu chí”. Chữ “Tiên ưu” là một điển cố liên quan đến Phạm Trọng Yêm. Ông là danh sĩ đời Tống ở Trung Quốc, có tiếng về khí tiết, từng nói rằng: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu; Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Nguyễn Trãi chỉ nói gọn lại “tiên ưu”. Chỉ mượn ý trong câu nói của Phạm Trọng Yêm, Nguyễn Trãi đã khẳng định một quan niệm sống và nhân cách của mình.

    Có trường hợp Nguyễn Trãi sử dụng câu nói của người xưa để diễn đạt nỗi buồn của mình;

    “Sầu lai « đốt đốt » mạn thư không,

    Thiên địa vô cùng thán chuyển bồng.”

    (Họa hương tiên sinh vận giản chư đồng chí)

    (Sầu đến, luốn viết “cha chả” trên không,

    Trời đất vô cùng, thân mình xoay chuyển như cỏ bồng).

    "Đốt đốt" là điển lấy từ tích Ân Hạo người đời Tấn, có tiếng thanh cao, làm Đô đốc. Có lần, ông đánh giặc bị bại trận và bị phế truất làm thứ nhân. Ông không hề tỏ ý oán hận, suốt ngày lấy ngón tay viết trên không mấy chữ: "Đốt đốt quái sự" (Cha chả, chuyện lạ). Trong trường hợp này, điển đã được Nguyễn Trãi Việt hóa. Độc giả có thể không cần biết từ “đốt đốt” của Ân Hạo vẫn nhận ra nỗi buồn, tâm tình của Nguyễn Trãi. Phải chăng Nguyễn Trãi và Ân Hạo có sự đồng cảm với nhau!

    Trong Đường thi có câu thơ của Đường Tăng "An năng đắc hoàng kim, chú tác Chung Tử Kỳ" (Sao có được vàng mà đúc làm Chung Tử Kỳ). Nguyễn Trãi đã vận dụng:

    “Chung kỳ bất tác chú kim nan,

    Độc bão dao cầm đối nguyệt đàn.”

    (Đề Bá Nha cổ cầm đổ)

    (Không làm được Chung Kỳ vì đúc vàng khó,

    Một mình ôm đàn ngọc đối trăng mà đàn).

    Lời thơ tuy có giống nhau, nhưng ý trong thơ Nguyễn Trãi hàm chứa một sựcô đơn!

    Cách sử dụng điển lấy ý được thể hiện ở việc nhà thơ sử dụng một chữ, một ngữ hay một câu để diễn đạt khái quát cả một câu chuyện xưa, tích cũ khiến cho câu thơ trở nên ngắn gọn, súc tích mà biểu hiện được nội dung lớn và đảm bảo chuyển tải được hàm ý của tác giả. Về cách khai thác điển lấy ý này, Nguyễn Trãi thường nêu rõ tên các danh nhân Trung Hoa như Bá Nhân, Tử Mỹ, Y Doãn, Chu Công, Chung Tử Kỳ, Bá Nha, Bá Di, Thúc Tề, Sào Phủ, Hứa Do, Lý Trích Tiên (Lý Bạch)… Từtên riêng của họ, người đọc liên tưởng đến cuộc đời, tính cách con người có ảnh hưởng đến tư tưởng nhà thơ. Nói về những địa danh ẩn dật, Nguyễn Trãi thường nhắc đến: Đông Sơn, Bồng Lai, Ngũ Hồ Xuân, Nhược Thủy… Những địa danh này giúp người đọc hiểu được tâm hồn trong sáng, thanh khiết của nhà thơ khi tìm về cuộc sống ẩn dật. Khi khác, nhà thơ nhắc đến những tên nước như Tấn Tần, Sở, Phàm… Mỗi một tên nước gợi cho người đọc nhớ đến những sự việc trọng đại xảy ra liên quan đến vận mệnh chính quốc gia đó.

    Trong những trường hợp trên, Nguyễn Trãi thường sử dụng điển bằng những danh từ riêng, mỗi một tên riêng là cả một câu chuyện, hoặc có khi chỉ được biểu hiện dưới dạng một từ, một cụm từ hoặc một câu. Dù sử dụng điển ở hình thức nào, Nguyễn Trãi vẫn đảm bảo diễn đạt được những ý tưởng, tâm sự kín đáo của ông. Chẳng hạn, trong bài thơ Thu dạ khách cảm, ở hai câu kết, Nguyễn Trãi viết:

    “Đáo đầu vạn sự giai hư huyễn,

    Hưu luận Phàm vong dữ Sở tồn.”

    (Cuối cùng muôn việc đều là hư ảo,

    Thôi đừng bàn chuyện Phàm mất với Sở còn).

    "Phàm vong, Sở tồn" là điển lấy từ sách Trang Tử (Điền Tử Phương) nói: Vua nước Sở ngồi với quân trưởng nước Phàm. Người tả hữu vua Sở nói: "Có ba điều chứng tỏ nước Phàm phải mất". Quân trưởng nước Phàm nói: "Nước Phàm có mất cũng không đủ để mất cái còn của tôi; nước Sở có còn cũng không đủ để còn cái còn. Do đó mà xem thì Phàm chưa hẳn mất, Sở chưa hẳn còn". Sử dụng điển “Phàm vong Sở tồn”, Nguyễn Trãi không cần giãi bày quan điểm, thái độ một cách trực tiếp mà thông qua đó, người đọc nhận ra tình ý sâu xa của tác giả.

    Nguyễn Trãi sử dụng điển khéo léo, linh hoạt trong thơ chữ Hán không chỉ là quan điểm thẩm mỹ chung của nhà thơ trung đại mà còn là một sự sáng tạo trong việc vận dụng ngôn ngữ đặc biệt này vào sáng tác thơ.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Bên cạnh các phương thức nghệ thuật độc đáo khác, nghệ thuật dùng điển bằng cách lấy chữ hay lấy ý, một mặt thể hiện kiến văn, sự hiểu biết sâu rộng của Nguyễn Trãi, mặt khác thể hiện được tài năng sử dụng ngôn ngữ, cụ thể là tài năng khai thác và vận dụng điển của ông. Sử dụng điển phù hợp, Nguyễn Trãi không chỉ làm tăng giá trị của bài thơ bằng sự trang nhã, mỹ lệ, sang trọng, hàm súc mà còn gián tiếp bộc lộ tư tưởng, tình cảmvà những tâm sự"sâu kín" của mình.

    3. Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi có khả năng sống mãi với thời gian, bởi chất xúc cảm chân thành trong thơ ông là vô hạn. Thơ ông là một sự sáng tạo, không phải của từ ngữ, mà của nội dung tâm hồn. Không vụ hào nhoáng bên ngoài, không gò bó, cầu kỳ, không tìm cách đặt chữ gieo vần hiểm hóc… thơ Nguyễn Trãi vẫn đầy sự sáng tạo và có sức lay động mạnh mẽ lòng người bằng sự chân thật tự thân của nó! “Nguyễn Trãi đã gieo vần theo một lối thi luật riêng, tự nhiên hơn, phù hợp hơn với cộng đồng người Việt”(4).

    Nghệ thuật sử dụng điển trong Ức Trai thi tập đã góp phần phác họa bức chân dung tinh thần của Nguyễn Trãi - một tâm hồn cao cả, một nhân cách cao đẹp và một tài năng uyên bác! Tìm hiểu nghệ thuật dùng điển trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi cũng là một cách để hiểu hơn về cuộc đời và tâm sự của ông!


    Chú thích:
    (1) Trương Chính: “Ức Trai thi tập - những vần thơ chất nặng suy tư”, trong sách Nguyễn Trãi - về tác gia và tác phẩm (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu). Tái bản. Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.401.
    (2) Tôn Quang Phiệt: Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi trong sách Nguyễn Trãi - về tác gia và tác phẩm. Tái bản. Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.358.
    (3) Đỗ Lai Thúy: Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2005, tr.237.
    (4) Bùi Duy Tân: Hồ Quý Ly qua thơ văn của Nguyễn Trãi, trong sách Nguyễn Trãi - về tác gia và tác phẩm. Tái bản. Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.343.
    (5) Nguyễn Tài Cẩn: Một vài nhận xét về cách gieo vần trong thơ chữ Hán ở Việt Nam. Tạp chí Ngôn ngữ, số 1-1981, tr.23.
    (6) Tham khảo:
    - Đào Duy Anh - Văn Tân: Nguyễn Trãi toàn tập. Tái bản. Nxb. KHXH, H. 1976.
    - Nguyễn Thạch Giang: Từ điển văn học Quốc âm. Nxb. Văn hóa - Thông tin, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
    - Nguyễn Hữu Sơn: Văn học trung đại Việt Nam - Quan niệm con người và tiến trình phát triển. Nxb. KHXH, H. 2005./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (81) 2007; Tr. 34-43)
     

Share This Page