Ngũ Hành Gắn Liền Với Y Học Cổ Truyền

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 2, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    NGŨ HÀNHGẮN LIỀN VỚI Y HỌC CỔ TRUYỀN
    NGÔ THẾ LÂN
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Học thuyết Ngũ hành, liên hệ cụ thể trong việc quan sát, quy nạp và sự liên quan của các sự vật trong thiên nhiên. Ngũ hành là tên gọi của năm sự vật: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Người xưa mượn tên và hình ảnh của năm loại yếu tố vật chất để đặt tên cho năm vị trí đó là: Kim (kim loại), Mộc (cây cỏ), Thủy (nước và chất lỏng), Hỏa (lửa) và Thổ (đất) để giải thích ý nghĩa của Ngũ hành. Cách giải thích này không đủ nói lên toàn bộ ý nghĩa mà người xưa muốn nói về Ngũ hành. Như vậy, có thể hiểu Ngũ hành là năm tên gọi, năm khái niệm về triết học thì đúng hơn.

    Trong sách Xuân Thu phồn lộ có ghi: "Âm dương sinh Ngũ hành", như thế Ngũ hành được xây dựng trên cơ sở học thuyết Âm dương.

    Quan hệ của ngũ hành
    Tương tự như mối quan hệ giữa Âm và Dương, Tương sinh và Tương khắc không tách rời nhau, nhờ đó vạn vật mới giữ được thăng bằng trong mối quan hệ với nhau. Thí dụ: Mộc khắc Thổ, nhưng Thổ lại sinh Kim và lại khắc Mộc nhờ đó Mộc và Thổ giữ được thế quân bình, Thổ không bị suy. Có tương sinh mà không có tương khắc thì không thăng bằng, không phát triển bình thường được. Có tương khắc mà không có tương sinh thì không thể có sự sinh trưởng biến hóa. Như vậy, qui luật Tương sinh Tương khắc của Ngũ hành, về bản chất, chính là sự cụ thể hóa Học thuyết Âm dương.

    Nhìn vào đồ hình Ngũ hành sinh khắc ta thấy, Ngũ hành liên hệ với nhau một cách chặt chẽ và biện chứng.

    Sự xáo trộn và thay đổi của một hành thường đưa đến sự thay đổi, xáo trộn của bốn hành kia, nghĩa là: gây ra bốn hậu quả.

    + Mộc vượng đưa tới Hỏa vượng, Thủy vượng Thổ suy và Kim suy.

    + Người đang giận dữ (Mộc vượng) thấy mặt bừng nóng, mắt đỏ (Hỏa vượng), người run rẩy (Thủy vượng), nhói đau vùng thượng vị (Thổ suy), thở khó (Kim suy)...

    Ngược lại: có thể có 4 nguyên nhân làm cho một hành thay đổi: Hỏa vượng, có thể do:

    - Mộc vượng làm Hỏa vượng (Tương sinh).

    - Thổ vượng kéo theo Hỏa vượng (Phản sinh).

    - Kim suy làm Hỏa vượng (Tương thừa).

    - Thủy suy làm Hỏa vượng (Tương khắc).

    Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng cho thấy, nhiều khi các mối quan hệ sinh khắc của Ngũ hành không thuần túy như Mộc sinh Hỏa hoặc Thổ khắc Thủy... Mà nhiều khi có những hội chứng trái ngược trở lại như Hỏa vượng mà Mộc suy (thay vì Mộc vượng làm Hỏa vượng hoặc Hỏa vượng phản sinh Mộc vượng) hoặc Thủy vượng mà hỏa cũng vượng (thay vì Thủy vượng thì Hỏa phải suy vì Thủy khắc Hỏa)...

    Trong trường hợp trên, ta phải phân tích thật kỹ để tìm ra sự khác thường.

    Phân tích hội chứng trên ta thấy: Nguyên nhân gây bệnh ở đây là Thủy suy làm Kim suy và Mộc suy, (Theo nguyên tắc Tương sinh và phản sinh). Thủy suy làm Hỏa vượng (Tương khắc) và Thổ vượng (Tương thừa).

    Các hành sinh khắc, đúng ra phải biến chuyển theo cùng chiều: cùng vượng hoặc cùng suy nhưng nếu có biến chuyển khác thường hoặc khác chiều thì đó chỉ là hậu quả của 1 nguyên nhân sinh khắc với nó. Nói khác đi, sự xáo trộn đó phải được tìm nơi hành khác.

    Để dễ nhớ, có thể theo cách thức sau: 3 hành liên tiếp biến chuyển cùng chiều, hành ở giữa chính là nguyên nhân.

    - Kim suy, Thủy suy, Mộc suy thì Thủy suy là nguyên nhân.

    - Mộc vượng, Hỏa vượng, Thổ vượng thì nguyên nhân do Hỏa vượng.

    QUY LUẬT HOẠT ĐỘNG CỦA NGŨ HÀNH
    Thông thường có hai quy luật:
    1. Tương sinh

    Tương sinh là quan hệ hỗ trợ để sinh trưởng, thúc đẩy nhau cùng phát triển: Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, cứ như vậy mà tái diễn. Mỗi hành đều có 2 mặt tương quan về hành sinh ra nó và hành nó sinh ra.

    Đối với hành Mộc, thì hành Hỏa là hành nó sinh ra và hành Thủy là hành sinh ra nó

    Thủy ---- Mộc ---- Hỏa

    (Sinh - Nó) (Nó - sinh)

    Suy rộng ra thì hình tượng hóa mối quan hệ tương sinh cho dễ hiểu bằng hình ảnh là quan hệ Mẫu - Tử : Đối với Mộc, Thủy sinh Mộc, vậy Thủy là Mẫu (mẹ) còn Mộc là Tử ( con). Mộc sinh Hỏa thì Mộc là Mẫu (mẹ) và Hỏa là Tử (con) . Ta cần nhớ quy luật này để áp dụng vào các nguyên tắc chữa trị: "Hư bổ Mẫu và thực tả Tử", là hai nguyên tắc thường được dùng.

    2. Tương khắc
    Quan hệ hạn chế sự thái quá: Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy.

    Mỗi hành cũng có hai mặt tương quan về hành khắc được nó và hành nó khắc được. Cụ thể là, gọi Mộc là Ta thì, Kim khắc Mộc, Kim là cái khắc Ta, Mộc khắc Thổ, Thổ là cái Ta khắc.

    Nếu vì một lý do nào đó phá vỡ sự thăng bằng giữa Ngũ hành với nhau, Ngũ hành sẽ chuyển sang trạng thái bất thường, không còn thăng bằng và hoạt động theo hai qui luật:

    + Phản sinh, Phản khắc
    Từ trước, khi nói đến sinh khắc, hầu như người ta chỉ nói đến sinh khắc một chiều: Mộc sinh Hỏa, Kim khắc Mộc. Tuy nhiên đào sâu vào từng hoạt động của Ngũ hành ta thấy: Mộc vượng không làm cho Thổ suy và không sinh được Kim và không khắc được Thủy. Vậy Mộc vượng làm Kim suy Thủy vượng. Nói cách khác, Mộc phản khắc Kim (thay vì Kim khắc Mộc) và Mộc phản sinh Thủy (thay vì Thủy sinh Mộc).

    Trong điều kiện bất thường, Hành này khắc Hành kia quá mạnh, khi đó mối quan hệ Tương khắc biến thành quan hệ tương thừa. Chẳng hạn: bình thường Mộc khắc Thổ, nếu có một lý do nào đó làm Mộc tăng khắc Thổ, lúc đó gọi là Mộc thừa Thổ.

    + Tương thừa
    Là quan hệ tương khắc không bình thường: Mạnh quá lấn yếu.

    - Một hành nào đó, nếu quá mạnh sẽ khắc hành bị nó khắc mạnh hơn. Ví dụ: giận dữ quá độ (Can Mộc thái quá) gây loét dạ dày (Vị Thổ bị tổn hại).... Khi điều chỉnh, phải điều chỉnh ở Can Mộc.

    - Ngược lại, nếu nó quá yếu sẽ bị khắc chế mạnh hơn bởi hành khắc được nó.

    Ví dụ: Trong chứng lao phổi, người bệnh hay sốt về chiều, phổi bệnh do Phế Kim suy yếu. Theo Ngũ hành, Hỏa khắc Kim, nay Kim suy yếu, Hỏa nhân cơ hội Kim suy, khắc mạnh hơn gây sốt kéo dài, nhất là từ trưa đến chiều tối (là giờ của Hỏa vượng, Kim suy). Khi điều trị, chủ yếu phải điều trị ở Phế Kim chứ không phải ở Tâm Hỏa, cho dù có dấu hiệu của Tâm hỏa.

    Nếu Hành này không khắc được Hành kia thì quan hệ Tương khắc trở thành quan hệ tương vũ. Chẳng hạn: Thận (thuộc Thủy) bình thường khắc Tâm (thuộc Hỏa), nếu Thận Thủy suy yếu quá không khắc nổi Tâm Hỏa sẽ sinh chứng nóng nhiệt, khó ngủ…

    + Tương vũ

    Đây cũng là 1 quan hệ tương khắc không bình thường, yếu chống lại mạnh.

    - Một hành nào đó, nếu mạnh quá, sẽ ức chế ngược lại hành khắc được nó.

    Thí dụ: Bình thường thì Thủy khắc Hỏa, trong trường hợp bị trúng nắng, sức nóng (nhiệt) bên ngoài làm cho Hỏa khí bị kéo theo, mạnh hơn, bùng lên, khắc ngược lại Thủy làm cho Thủy suy, gây đổ mồ hôi, sợ lạnh... Khi điều trị, phải điều chỉnh ở Hỏa chứ không phải ở Thủy.

    - Ngược lại, nếu nó quá yếu, sẽ bị hành mà nó khắc trở nên khắc ngược lại nó.

    Ví dụ: Trong trường hợp trụy mạch, Hỏa suy kém gây lạnh người, huyết áp thấp, Kim nhân cơ hội Hỏa suy, bùng lên khắc ngược trở lại Hỏa, làm cho thở nhanh hơn, tim đập chậm hơn, có khi gây ngưng đập.

    Như vậy, Ngũ hành sinh khắc qua lại hai chiều chứ không phải chỉ có một chiều.

    Ngũ hành và Y học

    + Ngũ hành và Tạng phủ
    - Nếu đem đồ hình Thái cực, áp dụng vào khuôn mặt, nhìn từ sau ra trước, ta thấy:

    - Trán thuộc Tâm.

    - Cằm thuộc Thận.

    - Má bên trái thuộc Can.

    - Má bên phải thuộc Phế.

    - Mũi thuộc Tỳ (trung ương).

    Việc phân chia này giúp ích rất nhiều trong việc chẩn bệnh.

    Ví dụ: Nhìn thấy dấu hiệu báo bệnh ở vùng cằm có thể nghĩ đến bệnh lý ở thận, hoặc vùng trán có dấu hiệu báo bệnh có thể nghĩ đến rối loạn ở tâm...

    - Nếu xếp đồ hình dọc theo cơ thể con người ta thấy:

    - Từ ngực trở lên thuộc Tâm.

    - Từ thắt lưng xuống thuộc Thận.

    - Nửa bên trái thuộc Can.

    - Nửa bên phải thuộc Phế.

    - Bụng thuộc Tỳ.

    Sự phân chia này giúp rất nhiều, trong việc chẩn bệnh:

    Ví dụ: Có nhiều người chỉ cảm thấy lạnh nửa bên người hoặc nửa phần cơ thể như: bên phải lạnh, bên trái nóng hoặc trên nóng dưới lạnh...

    - Những người liệt nửa bên trái, thường kèm theo đau nửa đầu, chảy nước mắt sống... (những biểu hiện của Can)... Liệt nửa phải thường kèm theo nói khó khăn, khó đi đại tiểu tiện (những biểu hiện của Phế, Đại tràng)...

    + Ngũ hành và sinh lý
    1) Theo quan niệm cổ truyền:

    Ứng dụng Ngũ hành vào mặt sinh lý con người là đem ngũ tạng so sánh với Ngũ hành, dựa vào đặc tính sinh lý của Ngũ tạng để tìm ra sự liên hệ với Ngũ hành.

    + Can và Hành mộc: tính của cây gỗ thì cứng cỏi giống như chức năng của Can là một vị tướng, vì thế dùng hành Mộc ví với Can.

    + Tâm và Hành hỏa: lửa cháy thì bốc lên, giống như Tâm bốc lên mặt và lưỡi, vì thế, dùng hành Hỏa ví với Tâm.

    + Tỳ và Hành thổ: đất là mẹ đẻ của muôn vật giống là con người sinh tồn được là nhờ vào các chất dinh dưỡng do Tỳ vị cung cấp, vì thế, dùng Hành thổ ví với Tỳ.

    + Phế và Hành kim: kim loại thường phát ra âm thanh giống như con người phát ra tiếng nói nhờ Phế, vì thế, dùng hành Kim ví với Phế.

    + Thận và Hành thủy: nước có tác dụng đi xuống, thấm nhuần mọi chỗ giống như nước uống vào, một phần thấm vào cơ thể, phần còn lại theo đường tiểu bài tiết ra ngoài, vì vậy đem hành Thủy ví với Thận.

    2) Theo quan điểm hiện đại:

    Dựa theo công năng cơ thể, tìm sự tương ứng với hành nào đó trong Ngũ hành để giải thích sự biến chuyển của Ngũ hành.

    - Hành Mộc và sự vận động: đó là sự vận động của các cơ bắp, các sợi cơ ở khắp cơ thể.

    - Hành Hỏa và sự phát nhiệt: đó là sự sản sinh nhiệt năng do sự chuyển hóa của các tế bào.

    - Hành Thổ và sự bài tiết: đó là vận động đưa chất ra ngoài cơ thể.

    - Hành Kim và sự hấp thụ: đó là vận động thu hút các chất vào.

    - Hành Thủy và sự tàng trữ: đó là vận động tàng trữ các chất trong cơ thể để dùng khi cần thiết.

    Giữa 2 quan niệm cổ truyền và hiện đại, có một số điều khác biệt:

    - Nếu đứng về quan niệm cổ truyền, chỉ có năm chức năng tương ứng: Can Mộc, Tâm Hỏa, Tỳ Thổ, Phế Kim và Thận Thủy. Khi nói đến Can là phải nói đến Mộc, Tâm phải đi với Hỏa... Nếu nói Tâm Thủy hoặc Can Thủy... sẽ bị cho là sai hoặc không biết gì về Ngũ hành. Nếu chỉ hiểu Can là Mộc, Tâm là Hỏa... sẽ khó có thể giải thích được các cơ chế sinh bệnh một cách toàn diện được.

    Ví dụ: Cũng bệnh về Tỳ.

    - Hỏa của Tỳ vượng gây nôn ra máu.

    - Mộc của Tỳ vượng gây co thắt dạ dày.

    - Thủy của Tỳ suy gây tiêu chảy.

    Nếu chỉ quy Tỳ vào hành Thổ thì khó có thể giải thích được các dấu hiệu gây bệnh do Mộc và Thủy... của Tỳ đã gây ra.

    Như vậy, nếu xét một cách rộng hơn thì: mỗi tạng phủ đều có Ngũ hành chi phối.

    - Can Mộc, Can Hỏa, Can Thổ, Can Kim, Can Thủy.

    - Tâm Hỏa, Tâm Thổ, Tâm Kim, Tâm Thủy, Tâm Mộc.

    - Tỳ Thổ, Tỳ Kim, Tỳ Thủy, Tỳ Mộc, Tỳ Hỏa.

    - Phế Kim, Phế Thủy, Phế Mộc, Phế Hỏa, Phế Thổ.

    - Thận Thủy, Thận Mộc, Thận Hỏa, Thận Thổ, Thận Kim.

    Người xưa, khi quy Mộc cho Can, Hỏa cho Tâm... là muốn nhấn mạnh rằng Mộc có liên hệ và chi phối Can nhiều hơn các tạng khác. Nhưng không phải vì thế mà cho rằng Mộc không có liên hệ và chi phối các tạng phủ khác.

    Hiểu được như vậy, sẽ rất có lợi trong việc điều trị, nhất là trong việc chọn huyệt châm cứu, kể cả dùng thuốc.

    Ví dụ: Cũng một đường kinh Can, xét riêng về Ngũ du huyệt ta có: huyệt Đại Đôn (Can Mộc huyệt), Hành gian (Can Hỏa), Thái xung (Can Thổ), Trung Phong (Can kim), Khúc Tuyền (Can thủy).

    Các đường kinh khác cũng đều có năm huyệt tương ứng với Ngũ hành, nhờ đó, giúp cho việc chọn huyệt thêm chính xác và hiệu quả hơn.

    Ví dụ: Cũng bệnh về mắt:

    - Mắt đau, nóng đỏ, biểu hiện Hỏa của Can vượng, phải tả Hỏa huyệt của Can là huyệt Hành gian.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    - Mắt hay bị chảy nước sống là dấu hiệu Thủy của Can suy, cần bổ Thủy huyệt của Can là huyệt Khúc Tuyền.

    - Mắt cận thị yếu kém là dấu hiệu Mộc của Can suy, cần bổ Mộc huyệt của Can là huyệt Đại Đôn.

    Cũng bệnh về mắt mà ở ba trường hợp chúng ta đã dùng ba huyệt khác nhau dù cũng chỉ ở can Kinh. Nếu không hiểu rõ cụ thể sự rối loạn ở hành nào, bệnh gì cũng chỉ dùng có một huyệt duy nhất của kinh Can thì sẽ khó điều trị thành công.

    Ngoài ra, đào sâu hơn ta thấy, mỗi hành đều có hai mặt mâu thuẫn và thống nhất là Âm Dương. Do đó ta có: Âm Mộc, Dương Mộc, Âm Hỏa, Dương Hỏa, Âm Thổ, Dương Thổ, Âm kim, Dương Kim, Âm Thủy, Dương Thủy.

    Việc phân biệt này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc chọn huyệt để điều trị cho thích hợp với từng loại bệnh.

    + Ngũ hành và chẩn bệnh
    Căn cứ vào các triệu chứng xuất hiện qua Ngũ hành như: Ngũ sắc, Ngũ vị, Ngũ quan, Ngũ chí... để tìm ra tạng phủ tương ứng với bệnh.

    Ví dụ: Bệnh ở mắt có liên quan đến Can vì Nội Kinh ghi: "Can khai khiếu ở Mắt" hoặc bệnh ở Tai có liên hệ đến Thận vì Nội Kinh ghi:" Thận khai khiếu ở Tai"...

    + Ngũ hành và bệnh lý
    Ứng dụng Ngũ hành vào bệnh lý, chủ yếu vận dụng quy luật Sinh Khắc, Tương Thừa, Tương Vũ, Phản sinh Phản khắc, để giải thích các quan hệ bệnh lý khi một cơ quan, tạng phủ nào đó có sự xáo trộn gây ra mất thăng bằng: thái quá (hưng phấn) hoặc bất cập (ức chế).

    Ví dụ: Giận dữ ảnh hưởng đến Can (Nội Kinh: Can chủ sự giận dữ), Can khí bùng lên, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của Tỳ vị (Can Mộc khắc Tỳ Thổ) sinh ra chứng đau dạ dày, dạ dày loét, gọi là chứng Can Khí Phạm Vị. Nguyên nhân chủ yếu tại Can vượng lên làm hại Tỳ chứ không phải do Tỳ tự suy yếu.

    Ngoài ra, có thể dùng các biểu hiện của Ngũ hành để tìm ra sự xáo trộn ở các Hành, Tạng phủ, cơ quan.

    Ví dụ: Đau trong xương, tiểu tiện nhiều, lưng đau... có thể nghĩ đến Thận vì: Thận chủ xương, nước tiểu là dịch của Thận, vùng lưng thuộc Thận...

    Tuy nhiên, cần lưu ý là sự thay đổi của một Hành, luôn luôn đưa tới sự thay đổi của cả năm hành, nhất là trong các hội chứng bệnh. Do đó, mối quan hệ giữa các hành không phải chỉ là giữa hai -ba hành mà luôn là mối quan hệ giữa năm hành...

    Mỗi hành khi có sự xáo trộn (hưng phấn hoặc ức chế), có thể do năm nguyên nhân:

    Ví dụ: Hỏa vượng.

    - Có thể do tự nó vượng lên, gọi là Chính Tà.

    - Có thể do Mộc vượng làm Hỏa vượng (Mộc sinh Hỏa) tức là do tạng phủ sinh ra nó gây ra, gọi là Hư Tà.

    - Có thể do Thổ vượng, phản sinh Hỏa, tức là do tạng phủ nó sinh ra, gọi là Thực tà.

    - Có thể do Thủy suy, không khắc được Hỏa, tức là có tạng phủ khắc nó theo quy luật Tương Vũ, gọi là Vi Tà.

    - Có thể do Kim suy, không phản khắc được Hỏa, nhân cơ hội đó Hỏa bùng lên theo quy luật Tương Thừa, gọi là Tặc tà.

    Như vậy, có thể nhận thấy rằng:

    Đối với một Hội chứng, gọi là Hỏa vượng, khi thấy có Mộc vượng, Thổ vượng, Kim suy và Thủy suy. Gọi là Thủy suy khi thấy có Mộc suy, Kim suy, Thổ vượng và Hỏa vượng... Các hành khác cũng lý luận tương tự như vậy.

    + Ngũ hành và châm cứu
    Các kinh thư cổ đã áp dụng Ngũ hành vào một số huyệt vị nhất định là Tỉnh, Huỳnh, Du, Kinh, Hợp, gọi là Ngũ du huyệt.

    Sự sắp xếp thứ tự của Ngũ du huyệt không thay đổi nhưng thứ tự của Ngũ hành lại thay đổi tùy thuộc vào Âm Dương của đường kinh. Kinh Âm khởi đầu bằng Mộc, kinh Dương bắt đầu bằng Kim, sau đó cứ theo thứ tự tương sinh mà sắp xếp huyệt.

    (Thông báo Hán Nôm học 2009, tr.609-625)
    http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1849&Catid=491
     

Share This Page