Nguồn tư liệu Hán Nôm dân tộc có giá trị được bổ sung vào kho sách Hán Nôm

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    NGUỒN TƯ LIỆU HÁN NÔM DÂN TỘC CÓ GIÁ TRỊ ĐƯỢC BỔ SUNG VÀO KHO SÁCH HÁN NÔM CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

    PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Di sản Hán Nôm là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc Việt Nam. Di sản Hán Nôm bao gồm những tác phẩm văn học, sử học, địa lý, điển chế và pháp luật v.v... và các tư liệu như gia phả, thần phả, địa bạ, tục lệ, văn khắc trên bia đá chuông đồng biển gỗ, v.v... cho đến cả các loại giấy tờ như văn khế, chúc thư, bằng sắc, lệnh chỉ, sách bói toán phương thuật, hoành phi câu đối gắn liền với bản sắc và truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam sử dụng loại chữ hình vuông. Trong nhiều năm qua, giới nghiên cứu Hán Nôm chủ yếu tập trung vào việc sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và đào tạo chữ Hán, chữ Nôm của người Kinh; chưa giành sự quan tâm thỏa đáng đối với di sản Hán Nôm của đồng bào các dân tộc ở vùng núi phía bắc (Tày, Nùng, Dao và Sán chỉ), từ đây xin gọi tắt là Hán Nôm dân tộc.

    Một phần lớn di sản Hán Nôm (mà chủ yếu là di sản Hán Nôm của người Kinh) đã được tổ chức thu thập từ những năm đầu của thế kỷ XX và những năm tiếp theo của thế kỷ này, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Những năm gần đây, Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục tổ chức các đợt sưu tầm và thu mua được khá nhiều tư liệu Hán Nôm, trong đó bổ sung những tư liệu quí mà kho sách Hán Nôm của Viện chưa có. Đặc biệt là, Viện đã giành sự quan nhất định tới di sản Hán Nôm dân tộc. Những chuyến đi công tác tại các tỉnh ở vùng núi phía bắc Việt Nam của cán bộ Viện ngày càng nhiều để sưu tầm, hợp tác nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và khai thác di sản Hán Nôm dân tộc. Viện đã phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu chữ Nôm Tày xuất bản cuốn Tự điển chữ Nôm Tày (2003), tổ chức các lớp học chữ Nôm Tày, làm hàng ngàn phiếu lược thuật sách Hán Nôm dân tộc mới sưu tầm được và phiên âm một số truyện Nôm Tày. Nhưng qua điều tra của Phòng Sưu tầm thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các cơ quan văn hóa ở các tỉnh, hiện nay di sản Hán Nôm dân tộc đang lưu hành rải rác trong dân gian, được nhiều người quan tâm với những mục đích khác nhau.

    Để đáp ứng công tác sưu tầm tư liệu Hán Nôm nói chung và Hán Nôm dân tộc nói riêng, năm 2007, dưới chỉ đạo của Viện Khoa học Viện Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức mua được 4.000 cuốn sách Hán Nôm dân tộc gồm nhiều thể loại khác nhau. Theo thống kê ban đầu của chúng tôi, đại thể có các loại sách sau:

    1. Thể loại hát

    Loại sách này chiếm khá nhiều, trong đó gồm các thể loại hát Sli, lượn, then, ca đám cưới của người Tày - Nùng; hát giao duyên nam nữ của người Dao. Thể loại hát này chủ yếu được sáng tác theo thể thất ngôn trường thiên và thường không ghi tên sách, mà chỉ ghi các cung lượn, cung sli, như: cung cốc lùng(cung cây đa), cung chủa rườn (cung chủ nhà), cung xo mjầu (cung xin trầu), v.v...

    - Hát sli. lượn của người Tày - Nùng, gồm nhiều chương mục như: Lượn nai (lượn mời), Cốc lùng (cây đa), Chồm tổng (mừng cánh đồng), Sluôn mjầu (vườn trầu), Xo mjầu (xin trầu), Chủa rườn (chủ nhà), Chồm slấn (mừng thần), Slíp nhỉ bươn (12 tháng), Mẻ Bjoóc (bà mụ), Chạ chủa rườn (chào chủ nhà), Pít pjạc (chia tay), v.v... Xin trích đoạn lượn slương -Nhẳm lừa hải va (Đứng thuyền hái hoa)

    “Sloong rà lồng lọt chổn dương đông,
    Pỉ noọng slong rà lẹo mì công.
    Noọng hợi cỏi mừa rườn táng bản,
    Pỉ noọng slong rà cực xảm slương...”


    Tạm dịch:

    Hai ta sinh xuống chốn trời đông,
    Hai anh em ta thực có công.
    Em hãy trở về nhà khác bản,
    Hai anh em ta cực thảm thương...).
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    - Hát then của người Tày, gồm các chương mục như: Mởi đẳm (Mời tổ tiên), Nộp lệ Thổ Công (Nạp lễ Thổ Công), Phjấu nạp quang (Săn bắt hươu nai), Mạy lùng - Nàng Hai (Cây đa - Nàng trăng), Mường bân(Mường trời), Rườn slấy (Nhà thầy), v.v.. Xin trích đoạn hát then - Cung mởi slấy (Cung mời thầy)

    “Mỉnh lục slinh lồng đảy slam khuốp lẩu
    Mỉnh lục slinh lồng cẩu khuốp chà
    Khỏ tằng lểm chược mạ đeo thư
    Khỏ tằng lểm chược lừ đeo xẩu


    Chược lục chược khau kền
    Lền lan lền khau cát
    Pây slắc khúc lao nhoải
    Pây slắc khái lao nhùng
    Pây slắc không lao khát”


    Tạm dịch:

    Phận con sinh ra vừa được ba tuổi rượu,
    Phận con sinh ra mới được chín tuổi trà.
    Nghèo thiếu cả dây thừng thắng ngựa,
    Nghèo thiếu cả dây thừng buộc lừa.
    Dây buộc bằng khau kền,
    Dây buộc là dây sắn.
    Đi một chốc sợi bở mất dây,
    Đi một chặng sợi rão.
    Đi xa hơn sợi đứt...).

    - Ca đám cưới của người Tày, là loại hình hát đối đáp giữa ông Lang (đại diện bên nhà trai) với Pả mẻ (đại diện cho họ nhà gái) theo trật tự tập quán của từng vùng, như: Ca mở đường để đến nhà nộp lễ, ca trải chiếu ra ngồi, ca mời uống trà, ca mời uống rượu, v.v... Ví dụ như: bài ca nộp lễ

    “Khỏi trình mừa phụ mậu slở slinh,
    Slong khỏi trình quan thân pả mẻ.
    Tua khỏi mà dận lẹ hun nhân,
    Ham háp khỏi mà thâng mon nọi...”


    Tạm dịch:

    Tôi xin trình với cha mẹ sinh ra,
    Tôi xin trình với anh em hai họ.
    Tôi đến cửa để dẫn lễ hôn nhân
    Ghồng ghánh tôi về đến cửa nhà.

    - Hát giao duyên của người Dao, có các tác phẩm: Song ngũ cơ xuyên quang xướng 雙 五 基 川 光 唱,Tạo lầu xướng 造 樓 唱, Đáo lôi gia xướng 到 雷 家 昌, Nhất kiện quá dá môn ngoại ca xướng 一 件 過 茶 門 外 歌 唱, v.v... Loại sách này đa số là không có tên sách và từng phần không có tên bài hát. Xin dẫn một đoạn hát giao duyên:

    “Rếch nhít rụi mềnh hạo dun nhòn,
    Cạo cấy lùng kênh rọi sáy trong.
    Thăn rụi cốc ca hèn cụi chấy,
    Vui nhìn thệnh rót bút vi dòng”.


    Tạm dịch:

    Ngày xưa có người nêu ra những điều hiếu thuận,
    Dạy con thực hiện những điều ở chương ấy.
    Ở mọi nhà cũng có người con hiền,
    Người ta truyền tụng là phi thường.

    2. Thể loại truyện

    Truyện thơ Nôm được viết theo thể thất ngôn trường thiên, loại này không nhiều lắm nhưng rất có giá trị, các truyện thể hiện nội dung tư tưởng: chính nghĩa nhất định thắng phi nghĩa, cái thiện thắng cái ác, cái đẹp thắng cái xấu, người ngay bao giờ cũng thắng kẻ gian v.v... Cốt truyện thường theo một môtíp truyện nhất định, nội dung phản ánh trong truyện tương tự như các truyện Nôm khuyết danh người Việt. Có thể kể đến như: Lương Quân - Bjoóc Lả, Tần Chu - Quyển Vương, Lưu Đài - Hán Xuân, Kim Quế, Nhân Lăng, Lý Thế Khanh, Nam Kim - Thị Đan, Đính Quân, Quảng Tân - Ngọc Lương, Hán - Sở tranh hùng... Dưới đây xin tóm tắt một số truyện như sau:

    - Truyện Kim Quế 金 桂 (hay còn gọi là truyện Chúa Ba 主 倈). Kim Quế là con nhà Phật ở trên trời, vì mải chơi hoa nguyệt nên bị Bụt đầy xuống trần, chẳng may lạc vào vùng khỉ vượn. Ngày ngày sống ở trên vách núi lấy tre nứa về đan thành chiếu đem ra chợ bán. Lâu ngày người mọc đầy lông thành khỉ vượn. Nàng có tài đan chiếu rất đẹp. Khi vua kén vợ cho Chúa Ba bèn mở cuộc đua tài, nàng biến phép thành con én lọt vào cung đo giường. Thế là Chúa Ba thấy chiếu của nàng vừa vặn với giường lại rất đẹp liền chọn nàng làm vợ. Bụt sai nàng tiên xuống hóa hình, nàng trở lại như xưa. Vì vậy truyện còn có tên là Chúa Ba truyện.

    - Truyện Lương Quân Bjoóc Lả 良軍呂. Truyện ca ngợi mối tình đẹp đẽ giữa chàng Lương Quân với nàng Bjoóc Lả. Họ yêu nhau tha thiết, cùng thề thốt bên nhau kết duyên chồng vợ. Thế rồi Lương Quân phải lên đường học hành ứng thí. Ở nhà cha mẹ Bjoóc Lả lại nhận lời gả cho một gã nhà giầu, nàng không thuận lòng. Ngày cha mẹ làm lễ cưới, Bjoóc Lả buồn rầu ra mời khách rồi chạy thẳng vào rừng ăn lá ngón hoa vàng và biến thành đóa hoa vàng nở muộn. Bjoóc Lả là tên một thứ hoa vàng nở muộn, được lấy làm tên nhân vật chính trong truyện.

    - Truyện Nam Kim - Thị Đan 男 金 氏 單. Nam Kim là con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, cuộc sống lang thang xin ăn nay đây mai đó. Nam Kim gặp Thị Đan cũng là người mồ côi cha từ nhỏ và hai người đem lòng yêu mến lẫn nhau, thề nguyện nên chồng nên vợ. Thị Đan lớn lên, mẹ lại gả cho con nhà quyền quý. Thị Đan về nhà chồng mà ngày đêm ngậm ngùi than khóc, một lòng tưởng nhớ đến Nam Kim. Một hôm Thị Đan đến chỗ Nam Kim và hẹn cứ đến ngày 25 tháng 3 thì gặp nhau ở chợ. Đúng hẹn hai người đi chợ gặp nhau, về nhà đem lòng tương tư, ngơ ngẩn buồn rầu. Truyện ca ngợi mối tình chung thủy của Nam Kim và Thị Đan, phê phán tư tưởng “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” của thời bấy giờ.

    3. Sách thuốc

    Loại sách này chiếm một khối lượng không nhỏ, đây là những tập sách ghi chép các bài thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian, nên có những giá trị nhất định bổ sung vào kho sách đông y Việt Nam. Ví dụ như: Già Nam bí truyền 伽 南 秘 傳, Nam dược bí mật 南 葯 秘 密, Bí truyền tử tôn 秘 傳 子 孫,v.v...

    - Sách Hung lộ pháp thư 凶 路 法 書 chép cách xem về bệnh tật cát hung: Luận khứ đáo phấn trung tuần quá hung pháp dụng, Luận thu dược nhập chấp trung y nhân mật ngữ, Luận tử hung bệnh bất luận cựu pháp dụng, Luận cựu hung vong thỉnh tu trai dụng thử mật ngữ, Luận hung vong tu trai bí mật. Một số vị dược để trị bệnh, như: minh trường mộc, hạ quân mộc, hoàng đằng căn, sà gia đằng, hạ cẩu bì, hổ cốt, sà gia bào v.v...

    - Sách Già Nam bí truyền 伽 南 秘 傳 có chép những bài thuốc nam khá thú vị như: Bài thuốc chữa bệnh lao phổi bằng rau ngót và trứng gà. Bài thuốc chữa bệnh ngã nước bằng chè xanh, lá na, ốc nhồi, giun đất, đọt tre và lá chanh. Bài thuốc chữa bệnh lòi dom bằng lá cây thiên lý. Bài thuốc chữa cứng mặt, méo mặt, méo mồm bằng tiết lươn và búp đa lông. Bài thuốc chữa bệnh đau mắt bằng lá hoa nhài và hoa hồng. Bài thuốc chữa bệnh giun sán bằng hạt cau và hạt bí đỏ. v.v....

    - Chủng đậu sang thư 種 痘 瘡 書, sách chuyên khoa về cách chữa bệnh đậu mùa của Đặng Thắng Tài. Nói về cách chủng đậu kết hợp dùng thuốc. Khi chủng đậu phải chọn ngày lành lập đàn, tế hai sao Nam, Bắc đẩu tinh quân, Thiên quan Thượng đế, Địa quan Thượng đế, Thủy quan Hà Bá Đại đế v.v... gồm 20 bài tế cúng khấn các thần linh như nêu trên, cùng với 10 phép lập đàn. Sau đó mới nêu bài thuốc chữa chứng đậu đã phát từ 3 ngày đến 6 ngày, sắc uống hiệu nghiệm. Bài thuốc gồm các vị như sau: thăng ma, bạc hà, khương hoạt, tử tô, kinh giới, trần bì, xuyên khung, hương a, nhĩ đơn, quế chi, ma hoàng. Bài thứ hai trị đậu phát từ 7 đến 12 ngày: phòng phong, bạch truật, mộc hương, khẩu địa, thương bắc, huyền hồ, tế tân, cát cánh, liên kiều, hậu phác, hoàng cử, khương hoạt, sinh địa, thục địa, thiên môn, mạch môn (bỏ ruột), bán hạ, tử đơn, ngưu phòng, đương qui, hoàng kỳ, hoàng bách, phấn đơn, xích thược, sơn tra, tri mẫu, sơn đậu căn, sa bằng. Và trên 70 bài thuốc nữa chữa các chứng đậu, như: Đậu 8, 9 ngày không nung mủ, đậu 10 ngày không thu vàng đầu, có thai mắc đậu, đậu phát ho, đậu hoắc loạn, đậu thủy thũng, đậu huyết băng, đậu loạn xuất huyết, đậu đau nửa người, đậu phát cuồng v.v... Ngoài ra, sách có 19 hình vẽ chỉ các thế đậu mọc và nói cách chữa chứng bệnh này. Như vậy về cách chữa bệnh đậu mùa, bài thuốc và cách chữa giống như bài thuốc của người Kinh, dùng dược liệu Bắc dược là chính, cùng với một số cỏ cây của phương Nam tử tô, kinh giới, quế chi... Điều khác biệt là trước khi chữa phải lập đàn cúng tế, gồm hàng chục vị thần.

    - Một cuốn sách không ghi đầu đề, nhưng nội dung là các bài thuốc chữa: trẻ sài cam, bỏ bú, tai lên đằng đằng, vết thương có trùng, sâu quảng, đinh độc, sâu răng, ung thư. Các bệnh về mắt, các bệnh ở mặt, ở môi v.v... Có một số bệnh chữa bằng phù trú kết hợp với thuốc, ví như chữa chứng dạ đề ở trẻ: lấy chu sa, thần sa hòa với nước dấp vào tay trẻ, tay trái viết chữ “nguyệt” 月, tay phải viết chữ “nhật”日, ở rốn viết chữ “tinh” 星. Hay có một số bệnh cách chữa đơn giản, như trị chứng tai có mủ nồng, dùng khô phàn tán nhỏ, lấy tờ giấy trắng cuộn lại, tẩm dầu thơm, rồi chấm vào thuốc, lùa vào tai. Trị chứng sài dùng đại hồi hương, sao tán nhỏ đắp vào. Chữa ngã gãy xương dùng lá và vỏ cây gạo, lá cát bối, lá du long, lá thảo ma, quế chi, thương truật, mộc qua (liều lượng đều bằng nhau) giã nhỏ cho vào dấm thanh, trưng lên cho chín, rồi đồ vào chỗ đau.

    - Một cuốn sách không ghi nhan đề, chép việc trị bỏng lửa, bỏng canh dùng khổ luyện diệp giã đắp vào vết bỏng rất công hiệu. Trị gãy xương đứt gân, trị mũi tên bắn vào xương; trị hỏa thương, hoặc bỏng lửa; trị bị gươm đâm và đạn bắn; trị gãy xương sai khớp; trị ngã ngựa bị thương v.v... Cách chữa đơn giản với những dược liệu sẵn thấy dễ tìm, như, dùng một nắm lá trầu giã nát trộn với tế kê noãn đổ vào chỗ đau. Hay trị gãy xương thũng thống, phù dung diệp một nắm, hồi hương, huyết giác, tán nhỏ trộn đều ấp vào chỗ đau.

    4. Thơ ca

    Loại sách này chiếm một tỷ lệ rất ít. Các bài thơ viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nằm trong các sách cúng, hoặc sách xem ngày. Như cuốn Thiên tứ thông minh 天 賜 聰 明 chép về việc xem ngày cưới tốt xấu, trong đó có chép khoảng 15 bài thơ Nôm tả cảnh, tả vật, ví dụ như:

    Tử học thi

    Phụ mẫu khuyên con học cho cần,
    Bút nghiên đèn sách bất ly thân.
    Trước nhờ học phúc lên đài các,
    Sau học thi thư chữ thánh nhân.
    Thiên hạ ai hay cần học chữ,
    Thế gian ai biết được nhàn thân.
    Cơm ăn áo mặc dành nơi đó,
    Nhất học thời hơn dưới phàm trần.
    (Hoàng Quang Đế thôn Tân Dã, xã Long Đống, Thái Nguyên viết).

    Văn chương thi

    Nhìn xem văn võ đứng hai hàng,
    Văn giàu thời võ cũng lại giàu.
    Tán tía tàn xanh văn đủng đỉnh,
    Gươm vàng giáo bạc võ nghênh ngang.
    Văn quỳ gối phượng an môn ước,
    Võ sát uy hùng dẹp bốn phương
    Văn đội ơn trên văn quá võ,
    Võ nào dám địch đấng văn chương.
    (Hoàng Quang Đế thôn Tân Dã, xã Long Đống, Thái Nguyên viết).

    5. Sách cúng

    Loại sách này tương đối nhiều, thường là chép các bài cúng trong các dịp tế lễ của người dân tộc, như cúng nhà mới, cúng chữa bệnh, cúng cầu mùa, cúng trừ ma tà, cúng tiễn linh hồn người đã mất, nhương sao giải hạn, v.v... Xin nêu một số sách, như: Cầu tài thiên cơ 求財天机, Hoa Đường phóng lỗ ban khoa 花 堂 放 魯 班 科, Chiêu binh thư 招 兵 書, Tam giáo pháp dụng 三 教 法 用, Thân bệnh khoa thân cộng thành nhất bản 申 病 科 申 共 成 壹 本, v.v... Sách Tam triều giới độ pháp động dụng 三 朝 械 度 法 洞 用 chép về các bài: Chủ hạ nguyệt, Trùng mộc chủ nhân, Kim tinh sư mẫu, Tróc tuy hồn tính, Thu đại đầu mạnh hổ, Trùng tang, Thu quan phủ, Quan lục đinh...trong mỗi bài đều đề cập đến các sao chiếu mệnh của mỗi người, như bài Quan lục đinh: “Lục giáp Tý, Sửu, Dần; Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; Nam nhân lục đinh, nữ nhân lục giáp...”

    6. Sách dạy học

    Loại sách này chiếm một lượng rất khiêm tốn, đây là những cuốn sách chép các bài văn dạy chữ Hán của người Tày - Nùng, Dao theo thể ngũ ngôn trường thiên, ví dụ như các sách: Ấu học Trạng nguyên 幼 學 狀 元, Mong cầu thư 蒙 求 書, Bách gia tính 百 家 性, Ấu học quỳnh lâm 幼 學 瓊 林, v.v..

    “Thiên tử trọng hiền hào
    Văn chương giáo nhĩ tào
    Vạn ban giai hạ phẩm
    Duy hữu độc thư cao
    Thiểu tiểu tu cần học
    Văn chương khả lập thân...”

    Hay những sách đối chiếu âm đọc của người Tày - Nùng, Dao để mọi người tập đọc. Xin trích phần đầu bảng đối chiếu chữ Hán, âm Hán Việt - âm Dao:
    [​IMG]
    [​IMG]
    7. Ngoài ra còn một số sách về các thể loại như: thành ngữ - tục ngữ, câu đối ...

    Vài nét thông báo sơ bộ về sách Hán Nôm dân tộc mà Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa sưu tầm cùng bạn đọc tham khảo. Hiện số sách đang được xử lý kỹ thuật, sau đó nhập kho và sẽ phục vụ bạn đọc trong thời gian tới. Số sách này là những tư liệu giá trị khi nghiên cứu truyền thống văn hóa các dân tộc vùng núi phía bắc nói riêng và truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung./.

    Tài liệu tham khảo
    - Từ điển Nôm Tày, Hoàng Triều Ân chủ biên, Nxb. KHXH, H. 2003.
    - Cám ơn NCV. Nguyễn Minh Tuân cùng phiên âm chữ Nôm Tày - Nùng, Dao./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (83) 2007; Tr.3 - 9)
     

Share This Page