Nhân đọc cuốn Thơ Lý Bạch do Ngô Văn Phú biên dịch

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 9, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    THẾ ANH
    Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

    Khoảng chục năm trở lại đây nhà thơ Ngô Văn Phú đã cho ra mắt hàng loạt sách về thơ Đường, trong đó có thể kể đến những cuốn tiêu biểu như Thơ Đường ở Việt Nam (Nxb. Hội Nhà văn 1996), Thiên gia thi toàn tập (Nxb. Hội Nhà văn 1999), Đường thi tam bách thủ (Nxb. Hội Nhà văn 2001), 300 bài thơ Việt chữ Hán - Hán tự Việt thi tam bách thủ (Nxb. Hội Nhà văn 2003). Có thể nói Ngô Văn Phú là người say sưa nghiên cứu, dịch thuật thơ Đường và ông đã có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực này. Riêng hai cuốn Thiên thi giaĐường thi tam bách thủ - những cuốn sách được phổ biến và ảnh hưởng đến lớp người Nho học ở Việt Nam trước đây, lần đầu tiên được Ngô Văn Phú giới thiệu và dịch thơ toàn bộ là một việc làm có ý nghĩa đáng được hoan nghênh(1).

    Gần đây vào cuối năm 2005 cuốn Thơ Lý Bạch do ông sưu tầm, biên soạn, dịch thơ (Nxb. Lao động 2005) lại vừa mới ra mắt bạn đọc. Ngô Văn Phú đã chọn gần 200 bài thơ của Lý Bạch, mỗi bài đều có nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ và thỉnh thoảng có kèm theo một vài lời chú thích giản lược. Sau khi đọc cuốn sách chúng tôi phát hiện thấy một số sai sót xin nêu lên để người soạn rút kinh nghiệm và cũng là để đính chính giúp bạn đọc đỡ mất thời gian tra cứu. Đây cũng chỉ là việc “nhặt sạn” đơn giản như Tuần báo Văn nghệ đã từng làm.

    Trước hết cuốn sách đã không được biên tập kỹ nên đã có nhiều lỗi chính tả tiếng Việt dẫn đến sai lạc về nội dung. Chúng tôi chỉ xin nêu lên một ít trường hợp làm dẫn chứng: lẫn lộn giữa tr/ch: trắc/chắc; triêu/chiêu; trú/chú; trung/chung… giữa s/x: sử/xử; sa/xa..; đánh sai dấu, nhầm chữ cũng rất phổ biến: đồng/đông, thủ/thư, cánh/cách, tâm/tân, chinh/chim, cố /cổ v.v…

    Nhầm lẫn sai sót trong nguyên văn chữ Hán cũng có nhiều:

    Trong bài Trường Can hành (tr.17), câu 1 (viết tắt C1) Thiếp phát sơ phú ngạch: chữ phát (髮) viết là (發). Chữ bạch phát trong bài Trào Lỗ Nho (tr.59) cũng sai tương tự. Chữ bích (壁) là vách viết nhầm ra (璧) đọc là ngọc bích (Đê đầu hướng ám bích - tr.17), chữ tảo (早) viết là thảo (草) (tr.17). Đầu đề bài thơ Thái liên khúc, chữ liên (蓮) viết là (連) (tr.28). Chữ nhược (若) viết thành khổ (苦) (Đảo y thiên - tr.41). Bài Tương tiến tửu (tr.52): C12 chữ bôi (杯) viết thành quân (君), (C24) chữ (呼) viết thành mỗ (姆). C10 tr.57 chữ tự (自) viết là (似), C7 tr.72 chữ Thiên Thai (台) viết là Thiên đài (臺). Bài Sơn trung vấn đáp (tr.105) có 28 chữ mà viết sai đến 3 chữ: (余) là ta viết thành (餘) là dư thừa, (何) là tại sao viết thành (荷) là sen, nhi (而) là viết thành (兒) là trẻ con. Chữ Tây Thi (施) ở tr.109 và tr.212 viết là Tây Bình (枰). Câu “Thanh thiên hữu nguyệt lai (来) kỷ” thì (tr.189), chữ lai (来) viết thành châu (朱).

    C14 tr.196: chữ thượng尚 viết là hướng 向. Chữ ô (烏) viết là điểu (鳥) (C15, tr.196).

    Bài Nhật xuất nhập hành (tr.308) chép sai sót nhiều:

    C2: Lịch thiên hựu nhập Tây hải (sót chữ Tây)

    C9: …nhữ hề (奚) mịch một…, chữ hề chép thành (何), chữ ba (波) ở cuối câu này chép thành pha (陂)

    C11: nghịch đạo (道) vi thiên (天)… chép lộn thành nghịch thiên vi đạo.

    C12: chữ ngô (吾) chép ra ngã (我 )…

    Câu cuối bài Ô dạ đề: chữ (孤) phòng chép thành không (空) phòng (tr.287)

    Bài Lương phụ ngâm ở trang 318 cũng không ít sai sót, chữ phụ trong bài này viết là (甫) chứ không phải (父), C5 thanh (清) thủy chứ không phải lục (淥) thủy, C9 chữ ngu (愚) chép thành ngộ (遇), chữ (騶) ngu chép thành hôn (惛) ngu.

    Trên đây chúng tôi cũng chỉ mới nêu lên một số trường hợp tiêu biểu, còn lại một số bài chúng tôi không có bản gốc để đối chiếu nên chưa thể đánh giá mức độ chính xác của văn bản.

    Về mặt dịch và phiên âm cũng có chỗ cần trao đổi. Theo chúng tôi được biết thì ở Việt Nam đã có một số người dịch thơ Đường rất thành công, như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Nhượng Tống, Nam Trân, Khương Hữu Dụng… Mỗi người một vẻ, nhưng khó có thể nói là “mười phân vẹn mười” được, tài hoa đến như Tản Đà nhưng không phải bài dịch nào của ông cũng toàn bích. Phần lớn những dịch giả trên đây đều là những người có trình độ uyên thâm về Hán học, nhưng rất cẩn trọng trong lao động nghệ thuật, không chạy theo số lượng. Các cụ quan niệm dịch thơ không chỉ là việc chuyển ngữ một cách thông thường một cách khô cứng, máy móc và vô cảm mà phải là một công trình nghệ thuật tái tạo và tái sinh nguyên tác. Chính vì lẽ đó mà Tản Đà cũng chỉ dịch có trên dưới 100 bài thơ Đường, nhưng đã để lại những bài thơ dịch kiệt tác làm say đắm những người yêu thơ như bài Hoàng Hạc lâu, Trường hận ca hay Tuyệt cú… Và Khương Hữu Dụng một người say mê dịch thuật thơ Đường sống gần trọn một thế kỷ tuổi đời mới từ giã chúng ta cách đây mấy năm là một tấm gương cần cù ít ai bì kịp. Ông tâm sự: “Mình phải đợi đến cái tuổi ngoại 80 mới dám cho công bố bản dịch Tỳ bà hành đã sửa đi sửa lại ròng rã 30 năm !”. Thật là một kỉ lục hiếm có. Và khi sắp bước sang tuổi 90 ông mới tập hợp được 207 bài thơ dịch và cho in thành sách. Còn Ngô Văn Phú thì đã dịch có đến khoảng 800-900 bài (căn cứ vào những cuốn sách đã công bố) đó là một con số đáng nể, nhưng phải chăng vì số lượng quá nhiều nên nhiều khi người dịch không kiểm soát được chất lượng. Ở đây chỉ xin nêu vài dẫn chứng:

    Bài Đảo y thiên (trang 44) có những câu dịch theo thể lục bát nghe rất gượng ép:

    忽逢江上春歸燕

    銜得雲中尺素書

    玉手開緘長嘆息

    狂夫猶戍交河北

    Phiên âm:

    Hốt phùng giang thượng xuân quy yến

    Hàm đắc vân trung xích tố thư

    Ngọc thủ khai giam trường thán tức

    Cuồng phu do thú Giao hà bắc.

    Dịch

    Trên sông gặp én bay quanh

    Trong mây đeo lụa mỏ càm thư xa (?)

    Bóc thư tấm tức thêm mà (?)

    Chẳng say đời lính sa đà sông Giao.

    明年更若征邊塞

    願作陽臺一段雲

    Minh niên cánh nhược chinh biên tái

    Nguyện tác dương đài nhất đoạn vân.

    Dịch:

    Năm sau ngoài ải chàng ham (?)

    Mây trôi thiếp nguyện bay ngang Dương Đài.

    Bài Thanh bình điệu (đoạn 1) trang 82 dịch lủng củng

    雲想衣裳花想容

    春風拂檻露華濃

    若非群玉山頭見

    會向瑤臺月下逢

    Phiên âm:

    Vân tưởng y thường hoa tưởng dung

    Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng

    Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến

    Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng.

    Dịch:
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Mây bay xiêm áo hoa hay mặt

    Sương điểm hoa lất phất gió xuân

    Quần Ngọc đầu non không thấy được.

    Hẹn tới Dao Đài gặp dưới trăng.

    Bản dịch của Ngô Tất Tố:

    Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng

    Gió xuân dìu dặt, giọt sương trong

    Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy

    Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông!

    Trang 87: chữ Đãn (但) trong câu: Đãn kiến lệ ngân thấp dịch là chợt thì không đúng, mà phải dịch là chỉ (chỉ thấy lệ vơi đầy).

    Trang 89: Đầu đề bài thơ dịch không đầy đủ

    Trang 93: C18 Hùng phi tòng thư nhiễu lâm gian (thư tòng chứ không phải là tòng thư).

    Trang 98: Bạch thủy sao lại dịch là mây trắng (?)

    Thành đông mây trắng bao

    (Bạch thủy nhiễu đông thành)

    Phải dịch như Tản Đà và Khương Hữu Dụng mới đúng là: Thành đông nước chảy quanh thành trắng phau (Tản Đà).

    Thành đông nước uốn theo (Khương Hữu Dụng).

    Câu: Thử địa nhất vi biệt phải hiểu là Nơi đây một khi đã chia tay chứ không phải Đất này chính là nơi chia tay như trong phần dịch nghĩa.

    Trang 109: câu dịch chưa đạt

    西施醉舞嬌無力

    笑倚東窗白玉床.

    Tây Thi túy vũ kiều vô lực

    Tiếu ỷ đông song bạch ngọc sàng

    (Tây Thi nhẹ múa, ngà say

    Tựa lưng song cửa, mé ngoài giường sang (?)

    Trang 119: chữ tử (紫) yên là khói màu tía chứ không phải là khói lam như bản dịch.

    Trang 287: bài Ô dạ đề: chữ ức (憶) viễn nhân ở C6 phiên âm thành

    Trang 302: bài Độc lộc thiên, chữ phiêu ( 飄) linh ở C5 phiên âm là phong linh.

    Trang 318: bài Lương phụ ngâm C7: Quảng trương tam thiên lục bách điếu phiên âm thành… tam thiên lục bát rồi vẫn dịch theo chỗ chép sai là ba ngàn sáu tám (thực ra là ba ngàn sáu trăm).

    C1: chữ ngu (愚) chép thành chữ ngộ (遇) rồi phiên âm theo chữ viết sai.

    C12: Long Chuẩn Công phiên âm sai trật tự từ thành Long Công Chuẩn.

    Trang 328: bài Ký Vương Ốc sơn nhân Mạnh đại nhân

    C10: phi bộ (步) đăng vân xa phiên âm thành phi tựu.

    Trang 348: C11 Bất nhẫn biệt, hoàn (還) tương tùng phiên âm thành… bất tương phùng.

    Trang 364: chữ kỹ (妓) phiên âm thành nữ.

    Trang 368: C6 Phượng (鳳) xuy phiên âm thành phong xuy.

    Trên đây là những ví dụ tiêu biểu về sai sót trong tập Thơ Lý Bạch và chắc bạn đọc cũng đã hình dung được nội dung của tập sách. Đành rằng mảng sách Hán Nôm trong đó có thơ Đường hiện nay rất kén độc giả, nhưng thiết tưởng người viết và nhà làm sách cũng nên cẩn trọng theo gương những lớp người đi trước để phục vụ số bạn đọc ít ỏi này một cách tốt hơn. Bởi lẽ không phải ai cũng có điều kiện tra cứu và đi tầm chương trích cú, nếu không phải là những nhà nghiên cứu chuyên sâu.

    Chú thích:
    (1) Thế Anh: “Nhân đọc bản dịch cuốn Thiên gia thi toàn tập” (Tạp chí Hán Nôm số 3/2001).
    - Thế Anh: “Nhân đọc bản dịch cuốn Đường thi tam bách thủ. Tạp chí Hán Nôm số 1/2003).
    (2) Thơ Đường - Khương Hữu Dụng dịch (Nxb. Đà Nẵng, 1996)./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (81) 2007; Tr. 56-59)
     

Share This Page