Nhân tìm hiểu đôi câu đối của sứ thần Triều Tiên tặng Tiến sĩ Phan Sĩ Thục

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    NHÂN TÌM HIỂU ĐÔI CÂU ĐỐI CỦA SỨ THẦN TRIỀU TIÊN TẶNG TIẾN SĨ PHAN SĨ THỤC

    Thế Anh
    Hội Ngôn ngữ học Việt Nam

    Tiến sĩ Phan Sĩ Thục (1822 - 1891) quê xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; đậu Cử nhân khoa Bính Ngọ (1846), 28 tuổi đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Dậu niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849). Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam (NXB. Văn học, 2006) thì Phan Sĩ Thục đã kinh qua các chức quan như Tri phủ Kiến Thụy, Tuyên thủ sứ quản đạo Phú Yên, năm Tự Đức thứ 21 (1868) điều về kinh thăng Lang trung Bộ Lại, rồi bổ đi Bố chánh Quảng Ngãi, hàm Hồng lô tự khanh, sung chức Chánh sứ sang nhà Thanh, khi trở về lĩnh chức Tuần phủ Quảng Trị. Năm Tự Đức 28 (1875) phục chức Đốc học Nghệ An, hàm Quang lộc tự khanh. Mất ở nơi làm quan, thọ 70 tuổi. Gần nhà thờ họ Phan Sĩ ở xã Võ Liệt còn một tấm bia tưởng niệm Phan Sĩ Thục của nhân dân thôn Yên Trường tạo dựng năm Thành Thái thứ 11 (1899), nội dung bài văn bia do cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến soạn có nhắc lời Tổng đốc Nghệ An lúc đó là Đào Tấn đánh giá cao nhân cách và đức độ của Phan Sĩ Thục. Hiện trong nhà thờ còn lưu giữ được một số hiện vật trong thời gian Phan Sĩ Thục đi sứ nhà Thanh, đặc biệt trong đó có đôi câu đối của sứ thần Triều Tiên tặng. Đôi câu đối đã được khắc và treo tại nhà thờ. Nội dung câu đối như sau:

    “Hoài Việt thủy, Ngô sơn, Yên thị chi nhân, giao đạo tung hoành tam vạn lý;
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Tàng Thương đao, Hán ngõa, Tấn chuyên vu thất, mặc duyên thượng hạ sổ thiên niên”(1).

    Nguyên văn chữ Hán như sau:

    懷粵水吳山燕市之人交道縱橫三萬里.
    藏商刀漢瓦晋專于室墨緣上下數千年.
    越南琛使固齋仁兄大人眼正.

    Đại ý như sau: Người nhớ được sông nước Việt, núi đất Ngô, phố chợ đất Yên, có thể (gọi là người) dọc ngang ba vạn dặm; Nhà trữ được gươm đao nhà Thương, ngói triều Hán, gạch triều Tấn, có thể (gọi là nhà) ôm trọn trên dưới mấy ngàn năm”.

    Đôi câu đối có kèm theo dòng lạc khoản. “Việt Nam sâm sứ Cố Trai(2) nhân huynh đại nhân nhãn chính”.

    Điều thú vị là mới đây do một sự tình cờ chúng tôi đọc được một bài viết của Tân Việt (một bút hiệu của Phan Khôi) đăng trên báo Thần chung Sài Gòn S.273 (17-2-1929) có đề cập đến nội dung một đôi câu đối treo ở thư phòng cụ Nghè Ngô Đức Kế có nội dung trùng hợp với đôi câu đối trên đây. Chúng tôi đã đối chiếu thì thấy vế thứ nhất hoàn toàn trùng hợp, còn vế thứ hai thì có khác nhau một số chữ. Vế thứ hai treo ở thư phòng cụ Ngô Đức Kế viết: Trữ Hán đỉnh, Tấn ngọa, Tống chuyên…, còn vế của sứ thần Triều Tiên tặng Phan Sĩ Thục thì: Tàng Thương đao, Hán ngõa, Tấn chuyên…, Tân Việt cho biết đôi câu đối treo ở thư phòng cụ Ngô Đức Kế là của nhà nghiên cứu Sở Cuồng Lê Dư nhân dịp đi Trung Quốc mua về tặng Cụ. Đôi câu đối này có in ở mục Liễn đối trong cuốn Đồ thư vị báo của Thương vụ ấn thư quán Thượng Hải. Như vậy sự trùng hợp giữa hai đôi câu đối này có lẽ cũng không phải là một sự ngẫu nhiên, vì như chúng ta đã biết ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa không riêng đối với Việt Nam, mà còn cả các nước đồng văn nữa, nhất là Triều Tiên; nên chuyện “vay mượn” cũng là điều dễ hiểu và trước đây mọi người vẫn cho là chuyện bình thường, vì vấn đề tác quyền lúc đó cũng chưa được đặt ra như hiện nay. Một trong những thú chơi văn chương tao nhã là lối “tập cổ” được một số nhà Nho tài tử ưa chuộng và đã vận dụng thành công: Vũ Phạm Hàm có tác phẩm Tập Đường thuật hoài nói lên lòng chán ghét danh lợi, mơ ước được sống thanh nhàn; Phan Mạnh Danh đã mượn những câu thơ Đường để diễn dịch những đoạn thơ trong Truyện Kiều thật tài hoa và sinh động; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có lần mượn bài thơ Lương Châu từ của Vương Hàn, có thay đổi một số chữ để gửi gắm ý mình tặng Đại tướng Trần Canh - cố vấn quân sự do Đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang giúp ta trong chiến dịch biên giới 1950; bài Thanh minh trong cuốn Nhật ký trong tù của Bác cũng là một bài thơ tập cổ thành công. Nhân đây chúng tôi cũng xin nói thêm là câu đối của Trung Quốc đã có ảnh hưởng rộng lớn để lại dấu ấn sâu sắc trong văn học Việt Nam, đã có nhiều câu chuyện giai thoại về câu đối của Trung Quốc đem gán cho Việt Nam và nhiều người đã ngộ nhận đưa vào tác phẩm nghiên cứu của mình rồi say sưa bình luận. Có thể kể ra rất nhiều giai thoại về những đôi câu đối loại này: “Đồng tử ngũ lục nhân, vô như nhĩ xảo; Thái thú nhị thiên thạch, mạc nhược công liêm (tham)” được gán cho Nguyễn Hiền.

    “Quá quan trì, quan quan bế”… được gán cho Mạc Đĩnh Chi.

    Đôi câu đối:“Ly mị võng lạng tứ tiểu quỉ; Cầm sắt tì bà bát đại vương” của Minh Thành Tổ và Giải Tấn bên Trung Quốc lại đem ghép cho Vũ Duệ của Việt Nam.

    Đôi câu đối được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc: “Lãn Tương Như, Tư Mã Tương Như…” và câu chiết tự: “Thập khẩu tâm tư, tư quốc tư gia tư phụ mẫu…” cũng được đem gán cho nhiều nhân vật ở Việt Nam. Đặc biệt Cao Bá Quát cũng được gán ghép nhiều giai thoại, chẳng hạn đôi câu đối mừng thọ đầu xuân của Trung Quốc: “Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ; Xuân mãn nhân gian phúc mãn đường” được nhiều người thêu dệt thành đôi câu đối của ông bằng cách bớt mỗi vế một chữ cuối để tặng người phụ nữ đang có mang hoặc đôi câu đối: “Quân ân thần khả báo; Phụ nghiệp tử năng thừa” được gán ghép cho Cao Bá Quát chữa lại của Tự Đức.

    Nhân đây chúng tôi cũng xin nói thêm về đôi câu đối nổi tiếng và đầy khí phách của đấng trượng phu: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm; Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” lâu nay được mặc nhiên coi như của Cao Bá Quát và được thừa nhận trong một số bài viết và công trình nghiên cứu về ông thậm chí cả trong sách giáo khoa. Trong lời giới thiệu cuốn Thơ chữ Hán Cao Bá Quát(3) Vũ Khiêu cũng viết “…Hai câu đối rất được truyền tụng này của Cao Bá Quát đã phản ánh đầy đủ tinh thần phản kháng của ông, vừa nói lên khí phách anh hùng, quyết tâm đứng lên trừ bạo cứu dân, vừa bộc lộ một tâm hồn trong sạch và thanh cao, đẹp như bông mai trắng”. Thực ra đây cũng là một điều ngộ nhận, vì đôi câu đối trên đây không phải của Cao Bá Quát mà là của viên Tri phủ Hán Dương nhà Thanh là Ngải Tuấn Mỹ tặng Nguyễn Tư Giản (1823-1890) khi ông sang sứ nhà Thanh vào năm Tự Đức thứ 22 (1869)(4). Có người đã lấy làm tiếc đôi câu đối này không phải là của họ Cao như mọi người vẫn tưởng lâu nay, nhưng dù sao chúng ta vẫn phải chấp nhận sự thật và, cho dù văn chương Cao Bá Quát có thiếu đôi câu đối trên ông vẫn xứng đáng là một vị Thánh thơ như người đời đã phong tặng. Thậm chí gần đây còn có người đem câu thành ngữ của Trung Quốc “Nhất thất trúc thành thiên cổ hận; Tái hồi đầu thị bách niên thâm” gán cho Nguyễn Tất Thành(5)!

    Nhân tìm hiểu đôi câu đối của sứ thần Triều Tiên tặng Phan Sĩ Thục, chúng tôi xin có một vài ý kiến tản mạn xung quanh chuyện giai thoại về câu đối và thiển nghĩ đã là giai thoại thì không thể dựa vào đó để làm căn cứ cho những bài viết và công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc như thỉnh thoảng ta vẫn gặp và cái gì không phải của ta xin đừng mạo nhận.

    Chú thích:
    (1) Câu đối do ông Phan Sĩ Điệt - hậu duệ của Phan Sĩ Thục cung cấp.
    (2) Cố Trai là hiệu của Phan Sĩ Thục.
    (3) Thơ chữ Hán Cao Bá Quát (Nxb. Văn học, H. 1970).
    (4) Tảo Trang:“Một số tài liệu về thơ văn Cao Bá Quát”, Nghiên cứu văn học số 2-1963.
    - Hoa Bằng: “Một vài tìm tòi về đôi câu đối tương truyền là của Cao Bá Quát”, Nghiên cứu văn học số 2-1972.
    (5) Việt Phương: “Câu đối và những bài thơ thời thơ ấu của Bác Hồ”, Văn nghệ Công an số 14 (114) tháng 2/2005.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 73 - 75)
     

Share This Page