Nông nghiệp Việt Nam "cất cánh" trong hành trình mới

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam năm qua trải qua bao biến cố của thiên tai, dịch bệnh khắp 3 miền Bắc- Trung- Nam. Nhưng cùng với con thuyền đất nước hoà nhập ra “biển lớn” của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), người nông dân đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp, giảm mạnh sức người thay thế bằng những máy móc, phương tiện, kỹ thuật mới. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, bức tranh kinh tế xã hội nông thôn Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,4%/năm về giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 14,7% năm 2007. Nhìn từ khía cạnh xuất khẩu nông sản, những mặt hàng chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang chứng tỏ thế và lực của một đất nước với không ít sản phẩm nông nghiệp được ghi danh trên thương trường thế giới.

    Chứng tỏ vị thế ở “sân chơi lớn”

    Những chính sách tích cực về đất đai, thuế, đầu tư, tín dụng, đào tạo nhân lực đã thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, đóng góp trên 20% GDP của cả nước, tạo việc làm cho khoảng 1,2-1,5 triệu người/ năm. Đến nay thu nhập và đời sống của đa số bà con nông dân đã được cải thiện, bộ mặt nông thôn nhiều nơi cũng đã có sự đổi mới rõ nét.Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2007 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông sản. Đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của cả nước đã đạt 10,5 tỷ USD. So với năm 2006, năm cũng được coi là rất thành công trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, con số này đã tăng tới 20%. Đến hết tháng 10/2007, xuất khẩu gạo đã hoàn thành chỉ tiêu với sản lượng xuất khẩu xấp xỉ năm trước (4,5 triệu tấn) nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng 18% (1,42 tỷ USD). Trong tuần đầu của tháng 11, cà phê Việt Nam vượt ngưỡng xuất khẩu 1 triệu tấn với tổng giá trị kim ngạch 1,55 tỷ USD (cao hơn mức dự kiến xuất khẩu của cả năm). Hiện đã có tới 5 mựt hàng là thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo và cao su đạt giá trị xuất khẩu từ 1-3 tỷ USD.

    Cùng với những ưu thế sẵn có của nông sản Việt Nam, việc gia nhập WTO tiếp tục tạo đà thuận lợi cho xuất khẩu nông sản. Bên cạnh những bạn hàng truyền thống, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu trong năm nay đều tiếp nhận thêm những bạn hàng mới. Nếu như nhiều năm trước đây, xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc thì năm qua đã có sự chuyển dịch rõ rệt. Từ đầu năm đến nay sản lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc giảm chỉ còn khoảng 59%, trong khi xuất sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, Đức lại tăng đáng kể. Đặc biệt, sản lượng cao su xuất sang thị trường Malaixia trong năm nay đã tăng 3 lần so với năm trước và đây được đánh giá là thị trường chiến lược của cao su Việt Nam trong tương lai. Với ngành chè, những nỗ lực cải thiện chất lượng chè Việt Nam sau khi gia nhập WTO còn mang lại kết quả rõ nét hơn. Theo Hiệp hội hội Chè Việt Nam, sau những nỗ lực của ngành chè trong việc đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến chè theo quy hoạch, đồng thời tổ chức lại ngành chè theo hướng từng bước hiện đại hoá, tăng nhanh tỷ lệ các sản phẩm chè tinh chế, có chất lượng cao và đa dạng hoá sản phẩm, năm nay giá chè xuất khẩu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể với mức tăng khoảng 25%, tương ứng mức tăng 270-280 USD/tấn. Trên cơ sở nhận diện những thuận lợi và hạn chế sau một năm gia nhập WTO, Bộ NN & PTNT xác định tiếp tục xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường cũng đã và đang hướng nông dân sản xuất theo tiêu chí sản xuất những sản phẩm thị trường cần với giá thành hạ, năng suất tăng, chất lượng tăng và đặc biệt là bán được giá cao.

    Tăng cường nhiên liệu cho động cơ

    Phát biểu tại một hội nghị với các nhà tài trợ mới đây, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định, con người được coi là trung tâm trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong những năm tới. Vì vậy, Viện Chiến lược nông thôn đã đề xuất một lộ trình triển khai chiến lược phát triển nông thôn giai đoạn 2007-2020 nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo; cải thiện rõ rệt điều kiện sinh hoạt nông thôn, cơ sở hạ tầng và phát huy dân chủ cơ sở. Cụ thể, giai đoạn 2007-2012, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải cách thể chế, đưa sản xuất công nghiệp về nông thôn nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn. Giai đoạn tiếp theo, 2013-2018, được ưu tiên cho phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tăng mạnh số lượng doanh nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn sang hoạt động phi nông nghiệp; đô thị hoá nông thôn. Từ sau năm 2019, nền nông nghiệp sinh thái sẽ được hình thành và phát triển, tập trung vào trọng tâm là con người. Nhằm đạt mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp lớn như sắp xếp lại dân cư, giải quyết ngay các vấn đề bức xúc của nông dân, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông thôn để tạo việc làm, tăng đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp và nông thôn; nâng cao năng lực của hệ thống chính quyền địa phương.

    Hiện Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động cho ngành nông nghiệp, thời gian tới sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, theo đó: Phát triển khoa học - công nghệ làm cơ sở đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh theo hướng ưu tiên các giống cây - con cho năng suất, chất lượng cao; chú trọng công nghệ tái sản xuất phân vi sinh, phân hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, thuốc thú y và vắc -xin thế hệ mới... Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách phát triển NN, nông thôn. Hướng dẫn các địa phương và nông dân lựa chọn ngành hàng chủ lực có lợi thế, khả năng phát triển lớn; về lâm nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh giao đất, khoán rừng, khuyến khích nhân dân tham gia trồng và bảo vệ rừng. Điều chỉnh chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn; huy động mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển và kinh doanh thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hoá, giáo dục. Để có thể giúp hơn 10 triệu nông dân nghèo sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyến sang nền nông nghiệp mới quy mô lớn, mở rộng hợp tác kinh tế, đảm bảo họ không bị bỏ rơi trong quá trình công nghiệp, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn và tốt hơn vào các hàng hoá công ích, bao gồm nghiên cứu phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển thể chế. Với những nước đang phát triển có ngân sách hạn hẹp như Việt Nam, phải tính toán hiệu quả từng đồng vốn đầu tư, hỗ trợ cho phát triển. Quan trọng không phải là đầu tư nhiều mà phải đầu tư đúng, đầu tư tập trung, có chọn lựa các lĩnh vực cần thiết và cần phải vượt lên trên cuộc Cách mạng xanh, phát triển một nền nông nghiệp mới có giá trị cao, với sự ứng dụng rộng rãi những thành tựu của khoa học công nghệ.

    Nông nghiệp-nông thôn có thực sự vững vàng với WTO, thì cùng với việc quy hoạch, định hướng sản xuất và tăng cường ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, việc tăng cường nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, ứng dụng khoa hoạ kỹ thuật và nắm bắt xu thế thị trường của các doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Nói như TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng, Viện Chính sách Chiến lược và Phát triển nông nghiệp và nông thôn: Nhất thiết phải huy động cho được những lợi thế, biến chúng thành “nhiên liệu” cho động cơ phát triển kinh tế.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Ánh Phương
    Tạp chí TCĐLCL - Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008
     

Share This Page