Phát Hiện Bản Thần Tích Đức Vua Bà Thờ Trong Đền Xuân An

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 3, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    PHÁT HIỆN BẢN THẦN TÍCH ĐỨC VUA BÀ THỜ TRONG ĐỀN XUÂN AN
    LƯƠNG HUYỀN NGỌC
    Ban Quản lý di tích Bắc Giang
    Đền Xuân An tọa lạc trên một khu đất rộng đẹp ở trên đỉnh một ngọn đồi thuộc địa phận của thôn Xuân An, xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Trong đợt khảo sát lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Xuân An, chúng tôi phát hiện trong đền còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý giá như: hoành phi, câu đối, bát hương cổ và nhiều đồ thờ khác. Đặc biệt trong đền còn lưu giữ được bản thần tích về đức Vua Bà Triệu Ngọc Phan hay còn được nhân dân gọi là Triệu Ẩu - người có nhiều công lao với dân địa phương được tôn thờ trong đền.
    Bản thần tích gồm 12 trang được viết bằng mực tầu, bút lông trên nền giấy dó khổ 18 x 28cm. Bìa sách được đóng bằng giấy hồ cứng màu nâu đất đã cũ. Toàn văn bản thần tích được viết bằng chữ Hán, đôi chỗ xen Nôm. Chữ Hán được viết theo lối chân phương. Tuy trải qua thời gian dài nhưng được bảo quản cẩn thận nên, chữ viết trong sách vẫn còn tương đối rõ ràng dễ đọc. Bên ngoài tờ bìa sách có ghi chữ Hán to đậm “Thần tích Triệu Ngọc Phan”. Dựa vào những kinh nghiệm thực tế và những đặc trưng trên cuốn sách, chúng tôi biết đây là cuốn thần tích được ghi chép vào khoảng đầu triều Nguyễn.
    Thiết nghĩ, đây là một cuốn thần tích còn bảo lưu được nguyên vẹn ở một xã miền núi như Mỹ An của huyện Lục Ngạn. Vì thế xin được giới thiệu toàn văn bản thần tích để bạn đọc có thêm tư liệu tham khảo về vùng đất cũng như con người Xuân An.
    Phiên âm:
    Tích thuộc Bắc khởi hy thế Cửu Chân quận, Đan Chu hương hữu nhất gia tính Triệu, danh Đức Phương thê Hồ Thị Án. Triệu Công vi Cửu Chân Biện lại. Ngô Tôn Quyền chiếm ngã Nam. Ngô Tôn Tư vi Thứ sử. Triệu Đức Phương công kế vi Quận sứ ư ngũ nguyệt sơ ngũ nhật sinh nhất nam, kỳ mẫu Hồ Thị bão dữ Triệu Công. Triệu Công nãi mệnh danh viết Triệu Đức Phỉ. Hậu nhị niên ư tứ nguyệt thập ngũ nhật sinh nhất nữ mệnh danh Ngọc Phan. Hình tuy hài nữ tướng tự kỳ nam. Cố danh hiệu viết Ẩu. Thời Ngô Tôn Quyền, Tư tham bạo ngược sát Quận sứ Triệu Đức Phương, hưng khởi binh chu Tư. Thời Triệu Ẩu tồn nhũ bộ vị âm, ngược sự cập trưởng văn chi khứ kỳ nữ công nãi chuyên luyện vũ nghệ. Sở tẩu chi ngôn phất tòng chi, hậu hữu thần dị nhũ trường tam xích thi vu bối hậu. Nhật lực hành dư ngũ thiên lý, đa hữu trù lược thắng ư nam tử, hữu đại chí bất dục giá phu. Lục thao tam lược, binh thư, binh pháp học cùng sở cứu tế Khương Tống, nữ đô thị tầm thường. Tử đế tiên phi đường đường phối ngẫu. Dữ huynh cư kỳ tẩu bạo cường nộ sát kỳ tẩu. Nãi xuất cư Khương Nương xứ. Các thụ sách ư lâm lý, tán tư tử quảng ân thi chúng, đa phụ chi chư cừ soái. Giai lai giáng số thiên nhân, kỳ huynh văn đại hỷ viết: tiền Trưng Nữ Vương tư hựu Triệu Nữ Vương hỹ. Hưng chi cộng Khương Nương khởi binh tuần nhật văn chúng chí số vạn. Kỳ huynh Phỉ bất hạnh bạo bệnh tử chúng suy Ngọc Phan vi Nguyên soái hiệu Thần đại tướng cứ chúng, đầu dữ tặc chiến giai bỉ mỹ. Xưng vi Bà Vương. Đặng tuân trưởng Ngô binh điều bát vạn sỹ tốt toại phá Bà Vương ư Cổ Loa. Ngọc Phan Thái Trưởng mã trụy Nam Hải. Ư thập nhất nguyệt, thập ngũ nhật, Triệu Đại tướng Bà Vương hóa chi khước, thuyết Ngọc Phan Thái Trưởng Bà Vương xuất cư Khương Nương thời thực sơ thái trúc duẩn dĩ báo phụ thù nhị phục quốc sỉ. Cố bát đa niên nhi phú quý hà hiểm. Khương Nương trang phụ lão chư phường khu động trại, cảm kỳ công đức thiết miếu tự vi linh thần. Hậu chí Lý Thái Tổ thời sắc tặng phong:
    Ngọc Phan Nương công chúa, Quốc mẫu thái trưởng đan hương đại thần. Tặng vân sinh tiền tắc vũ công duật hậu chi anh thanh. Hóa hậu tắc phường chủ tôn nghiêm chi tự điển cẩm cẩm bất tuyệt.
    Nhất húy tự: phụ Phương, mẫu án, Ngọc Phan, uy linh nhị tự thụy.
    Nhất chính nguyệt sơ bát nhật chí sơ thập kỳ đính nhật. Tam nguyệt sơ bát chí thập nhị nhật thường sơ thái nhật, tứ nguyệt thập ngũ sinh nhật. Bát nguyệt vọng nhật, thập nhất nguyệt sơ thập nhật mộng nhật. Thập nhị nguyệt cải mã tư tịch thiết soạn Xuân An Ngọc Nương đồng phụng sự dĩ thượng kỳ phúc dụng trai bàn thái trúc tam bàn.
    Dịch nghĩa:
    Ngày xưa vào thời nước ta mới dựng, ở vùng Đan Chu thuộc quận Cửu Chân có một gia đình họ Triệu tên gọi Đức Phương, vợ là Hồ Thị Án. Triệu Công làm quan Biện lại ở quận Cửu Chân. Lúc đó Ngô Tôn Quyền chiếm giữ nước ta. Ngô Tôn Tư làm Thứ sử. Triệu Đức Phương được tiếp tục giữ chức Quận sứ. Vào ngày mồng 5 tháng 5 sinh hạ được một người con trai. Khi ấy người mẹ là Hồ Thị đã bế đứa con đưa cho Triệu Công, Triệu Công bèn đặt tên gọi là Triệu Đức Phỉ. Sau hai năm vào ngày 15 tháng 4 lại sinh hạ được một người con gái đặt tên là Ngọc Phan. Hình dáng bên ngoài của nàng tuy là một người con gái nhưng tướng mạo lại tựa như một người con trai. Cho nên ông bà mới đặt tên gọi là Ẩu. Thời Ngô Tôn Quyền, Ngô Tôn Tư bạo ngược giết chết Quận sứ Triệu Đức Phương. Mọi người phải dấy binh giết Tư. Lúc này Triệu Ẩu vẫn còn nhỏ chưa thể nói được, đến khi lớn lên nghe thấy chuyện bạo ngược đã bỏ việc nữ công gia chánh chuyên tâm luyện tập võ nghệ. Chị dâu lấy lời khuyên nhủ bà vẫn không nghe theo. Sau này trở thành người có dung mạo khác lạ tựa như một vị thần, vú dài 3 thước quấn vòng từ trước ra sau, một ngày sức lực có thể đi được hơn 5 ngàn dặm, mưu lược tính toán hơn cả nam giới. Lại là người có chí lớn không muốn lấy chồng. Lục thao, tam lược, binh thư, binh pháp, tất cả các kinh điển, sách về quân sự bà đều học tập nghiên cứu chuyên sâu đến cùng, đã giúp Khương Tống. Đó thực không phải là bậc nhi nữ tầm thường, có thể đường đường sánh duyên cùng các bậc con vua cháu chúa. Bà đã sống cùng anh và chị dâu, thấy chị dâu bạo cường, bà đã giận dữ giết chết chị dâu của mình rồi bỏ ra sống ở xứ Khương Nương trong các hang động, dưới gốc cây trong rừng. Những năm ở vùng núi rừng đó, bà đã đem của cải mở rộng ân huệ ban phát cho tất cả mọi người. Những người được giúp đỡ đều suy tôn bà là người cầm đầu quân lính. Mọi người thấy vậy cũng nô nức kéo nhau theo về với nghĩa quân của bà. Anh trai bà nghe thấy như vậy rất mừng nói rằng: xưa có Trưng Nữ Vương nay lại có Triệu Nữ Vương vậy. Thế là đã cùng nhau dấy binh ở Khương Nương, trong vòng một tuần dân chúng theo nhau kéo đến hàng vạn. Lúc này người anh là Phỉ không may mắc bệnh nặng qua đời, mọi người suy tôn bà Ngọc Phan làm Nguyên soái lấy hiệu là Thần Đại tướng. Bà đã cầm đầu quân đội xông ra đánh giặc, đều được mọi người ngợi khen là bậc Vua Bà. Đặng Tuân Trưởng quân Ngô đã điều thêm 8 vạn binh sỹ đánh phá quân của Bà Vương ở Cổ Loa. Ngọc Phan Thái Trưởng đã bị ngã ngựa ở Nam Hải. Vào ngày 15 tháng 11 Triệu Đại tướng Bà Vương liền hóa. Có người nói rằng Ngọc Phan Thái Trưởng Bà Vương lại ra ở xứ Khương Nương ngày ngày ăn rau cỏ, măng trúc để báo thù cho cha và trả nợ nỗi nhục nước. Cho nên không lâu sau mà đem được phú quý đến cho mọi người vậy. Ở trang Khương Nương tất cả các bậc phụ lão, các phường, khu, động, trại đều cảm động trước công đức của bà đã xây dựng miếu đền phụng thờ bà và coi như một vị linh thần. Sau này đến thời vua Lý Thái Tổ đã có sắc phong tặng là bậc:
    Ngọc Phan Nương công chúa, Quốc mẫu thái trưởng đan Hương đại thần. Tặng: lúc sống là bậc tướng tài giỏi võ công, danh tiếng lẫy lừng. Khi hóa trở thành bậc thần tôn nghiêm mãi mãi được phụng thờ.
    Một là kiêng húy chữ: cha Phương, mẹ Án, hai chữ Ngọc Phan uy linh.
    Từ ngày mồng 8 đến ngày mồng 10 tháng giêng là ngày lễ thần.
    Ngày mồng 8 đến ngày 12 tháng 3 ngày lễ tế thường chỉ có rau dưa lễ mọn.
    Vào ngày 15 tháng 4 là ngày sinh nhật. Ngày rằm tháng 8, ngày mồng 10 tháng 11 ngày mộng nhật. Tháng 12 có chuẩn bị ngựa, tiền chuẩn bị làm lễ nhập tịch phụng thờ Ngọc Nương ở đền Xuân An.
    Để làm lễ cầu phúc có dùng mâm cỗ chay có rau dưa măng trúc 3 mâm.
    Thông qua bản thần tích đóng góp thêm những tư liệu quý giá về đức Vua Bà Triệu Ngọc Phan. Bà là một con người toàn tài đã hy sinh đời mình để đấu tranh bảo vệ đất nước và sự yên bình của nhân dân. Triệu Ngọc Nương tuy không phải là người con của thôn làng nhưng bà đã trở thành một vị linh thần trong tâm khảm của mọi người dân nơi đây. Để tưởng nhớ công lao to lớn của bà, mọi người dân thôn đã cùng nhau xây dựng ngôi đền Xuân An làm nơi thờ tự. Hàng năm vào các ngày tiết lệ, dân làng lại tổ chức tế lễ phụng thờ bà một cách tôn nghiêm, tên của cha mẹ bà và tên của bà được mọi người thôn làng phải kiêng húy. Qua đó cũng cho ta thấy, người dân thôn Xuân An có một nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng độc đáo. Đó chính là tín ngưỡng thờ mẫu truyền thống của người Việt. Một loại tín ngưỡng luôn gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của lịch sử dân tộc. Nó góp phần không nhỏ làm phong phú thêm cho kho tàng di sản văn hóa phi vật thể huyện Lục Ngạn nói riêng-tỉnh Bắc Giang nói chung.
    Đồng thời cho ta thấy, ngôi đền Xuân An là một ngôi đền cổ có lịch sử lâu đời. Con người Xuân An là những người nghĩa tình, anh dũng, kiên cường bất khuất, hiên ngang trước mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Vùng đất Mỹ An cũng là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa cổ truyền với những nét đẹp đáng được gìn giữ trân trọng./.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page