Phong Tục Cúng Lễ Tại Gia Từ Một Cuốn Gia Phả

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 8, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    PHONG TỤC CÚNG LỄ TẠI GIA TỪ MỘT CUỐN GIA PHẢ
    TRƯƠNG ĐỨC QUẢ​
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm
    Trong phong tục và tín ngưỡng của người Việt Nam xưa có nhiều nghi thức thờ cúng; có lẽ phổ biến hơn cả và được đông đảo các gia đình, dòng họ thực hiện đó là nghi thức cúng lễ tại gia. Bài viết này nêu một số nội dung cúng lễ tại gia, được chép trong cuốn Đỗ tộc gia phả ở thôn Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
    Theo điều tra bước đầu của chúng tôi, gia phả của họ Đỗ hiện còn 4 cuốn. Trong đó hai cuốn đang được lưu giữ tại nhà ông Đỗ Quốc Hiến (thuộc chi trưởng), và hai cuốn lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tất cả đều là sách chép tay bằng chữ Hán và chữ Nôm và không ghi rõ niên đại sao chép. Hai cuốn lưu giữ tại nhà ông Đỗ Quốc Hiến, một cuốn có tên Đỗ tộc gia phả, chép chữ thô cứng ghi chép thế thứ từ thủy tổ đến đời thứ 13 và một số biệt chi, chúng tôi tạm gọi là bản A. Cuốn thứ hai ngoài bìa không ghi tên, có độ dày khoảng 110 trang, bên trong của đầu trang 1 dòng 2 có tiêu đề: Cao cao tổ công thần Đại tư đồ, thự ngũ phủ công vị Thượng đẳng phúc thần sự tích. Cuốn này nội dung chỉ ghi chép về thân thế, sự nghiệp và thơ văn của ông Đỗ Thế Giai thuộc tổ đời thứ 7 của họ Đỗ. Trong đó có chép một số bài thơ, phú khải bằng chữ Nôm của Đỗ Thế Giai, và ở phần cuối cùng (từ trang 46) có chép một mục có tiêu đề: Tham định điều lệ đệ niên phụng sự các tiết; chúng tôi tạm gọi là bản B. Hai cuốn lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm một cuốn có tên Đỗ tướng công niên phả kí hiệu A.960. Nội dung chép trình tự sự nghiệp và thơ văn của Đỗ Thế Giai, ở gần cuối (trang 42 a) có ghi: "Canh Tuất niên Quý xuân cốc nhật thứ tôn Cầu thừa tả" (Người cháu thuộc chi thứ tên Cầu vâng chép vào ngày tốt tháng 3 năm Canh Tuất). Cuốn thứ hai có tên: Đỗ đại vương niên phả, được chép chung trong cuốn sách: Phan bình chương tướng công niên phả, kí hiệu A.1012 có độ dày 93 trang. Nội dung cuốn này từ trang đầu đến trang 32 chép tiểu sử và sự nghiệp của Phan Lê Phiên cũng người xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm. Phần còn lại từ trang 33 đến cuối sách chép tiểu sử và sự nghiệp của Đỗ Thế Giai. Nội dung biên chép của phần này không có gì khác biệt lớn so với cuốn Đỗ tướng công niên phả.
    Trong bài viết này chúng tôi chỉ nhằm giới thiệu nội dung việc cúng lễ các tiết được ghi chép trong cuốn gia phả họ Đỗ. Gia phả này cho biết họ Đỗ ở thôn Đông Ngạc là họ quan lại quý tộc. Đặc biệt cực thịnh vào đời thứ 7 có Đỗ Thế Giai và con ông (đời thứ 8) Đỗ Thế Dận làm quan giữ chức vụ khá cao và trọng yếu trong phủ Chúa Trịnh. Họ Đỗ trở thành một họ giàu sang và có thế lực một thời. Việc cúng lễ các tiết được ghi chép khá đầy đủ và cụ thể trong một mục được chép ở phần cuối cuốn gia phả của họ Đỗ (bản B từ trang 46 đến hết) với tên đề: Tham định điều lệ đệ niên phụng sự các tiết. Chúng tôi dịch nghĩa nguyên văn đề mục này:
    THAM CHIẾU CÁC ĐIỀU LỆ QUI ĐỊNH VIỆC THỜ CÚNG CÁC TIẾT HÀNG NĂM
    1. Ba ngày tết Nguyên đán
    - Trước đây (lễ cúng) 1 con lợn, hai con gà và xôi chi tiền cổ 4 quan 2 mạch tiền quý. Nay ngày mồng 1: một con lợn 1 con gà chi tiền cổ 1 quan 6 mạch; 1 mâm xôi chi 1 mạch, 30 văn; 1 hũ rượu 30 văn; 30 khẩu trầu và vàng hương nến 1 mạch; củi đuốc dưa mắm 2 mạch, cộng tất cả các khoản là 2 quan.
    Ngày mồng 2 ngày mồng 3 mỗi ngày 1 con gà chi tiền cổ 1 mạch 48 văn; 1 mâm xôi 2 mạch; 1 hồ rượu; 20 khẩu trầu, hương, nến 36 đồng, củi đuốc 36 văn, cộng là 3 quan 5 mạch.
    2. Lễ Khai hạ ngày 7 tháng 1
    Trước đây gà xôi các thứ chi tiêu hết 6 mạch. Nay 1 con gà 1 mạch 30 văn, 1 mâm xôi 2 mạch, 20 khẩu trầu vàng hương các thứ chi hết 54 văn, cộng là 5 mạch.
    3. Lễ Kỳ phúc
    Trước đây lễ động thổ cáo miếu: 1 con lợn, 1 con gà và xôi chi hết 3 quan 5 mạch, 3 chầu ca xướng chi hết 113 quan 5 mạch, cộng 117 quan. Nay lễ cáo miếu gà xôi, trầu rượu vàng hương nến chi hết 5 mạch.
    4. Tiết vào hạ 15 tháng 4
    Trước đây cúng cỗ chay chi tiền cổ 3 quan 1 mạch. Nay làm lễ 3 mâm cỗ chay hết 1 quan 2 mạch, 1 hồ rượu 30 khẩu trầu, vàng hương nến chi hết 1 mạch, cộng là 1 quan 3 mạch.
    5. Tết Đoan ngọ ngày 5 tháng 5
    Trước đây lễ cúng 1 con lợn và xôi chi hết 3 quan. Nay gà xôi trầu rượu vàng hương nến chi hết 2 mạch. Khi trước cuối tháng còn có lễ Hạ điền nay lược bỏ.
    6. Tết Trung nguyên ngày 3 tháng 7
    Trước đây lễ dùng 2 con lợn và xôi chi tiền cổ hết 24 quan. Nay giản ước chỉ dùng gà xôi trầu rượu vàng hương nến chi hết 2 mạch.
    7. Lễ Thường tiên(1) tháng 8 (lễ cúng cơm mới)
    Trước đây 1 con lợn 1 con trâu xôi cơm gạo mới trầu rượu hương nến chi hết 18 quan. Bây giờ 1 con lợn, 1 mâm xôi hết 2 quan, cơm mới hết 1 mạch 30 văn, một hộp 30 khẩu trầu và rượu hết 1 mạch, vàng hương nến hết 30 văn, củi rau dưa mắm hết 2 mạch, cộng là 3 quan 5 mạch.
    8. Lễ cúng giỗ cụ Đại ông ngày 9 tháng 8(2)
    Trước đây lễ cáo hôm trước cúng 1 con lợn và xôi hết 3 quan, chính ngày giỗ 1 con lợn 2 con trâu và xôi hết 39 quan 5 mạch, cộng là 42 quan 5 mạch. Về sau lễ cáo gà xôi trầu rượu vàng hương nến hết 5 mạch. Chính ngày giỗ 1 con lợn 1 quan 5 mạch, 1 con trâu 12 quan, xôi 4 quan, rượu 1 mạch, 1 hộp trầu 50 miếng, hương đèn 1 mạch, 1 nghìn vàng 3 mạch, 5 cây nến 2 mạch, đuốc 3 mạch, củi rau dưa mắm ở nhà đăng cai mổ lợn 2 mạch, mổ trâu 6 mạch, cộng 19 quan 6 mạch.
    9. Tết Trung thu ngày 15 tháng 8
    Trước đây lễ cúng 1 con lợn và xôi vàng hương nến hết 3 quan. Về sau gà xôi trầu rượu vàng hương hết 5 mạch.
    10. Lễ xôi mới ngày 10 tháng 10
    Trước đây lễ cúng 1 con lợn và xôi chi hết 3 quan. Về sau gà xôi trầu rượu vàng hương nến hết 5 mạch.
    11. Lễ sinh nhật ngày 21 tháng 10
    Trước đây lễ dùng 1 con lợn, 2 con trâu và xôi hết 34 quan 4 mạch. Nay ca xướng 1 ngày đêm hôm trước và làm lễ cáo 1 con gà 2 mạch, 1 mâm xôi 2 mạch 24 đồng, 1 be rượu, 30 miếng trầu 1 trăm vàng hương nến chi 1 mạch, củi lửa 36 đồng, cộng tất cả 36 mạch.
    Lễ cáo ở miếu sở 1 con gà 1 mâm xôi, 1be rượu 1 tráp trầu hương nến chi hết 5 mạch tiền cổ.
    Bài trí nghi vệ tám giáp đi rước nước về, tám giáp chia phiên canh giữ. Đến trống canh tư Chấp sự làm lễ mộc dục 1 be rượu 1 hộp 30 miếng trầu chi 1 mạch, xong rồi mặc áo chầu mũ cân đai, nghênh rước (bài vị) ra an sàng. Bàn nhì đứng hầu bài trí việc tế mã, Chấp sự làm lễ cáo an vị 1 be rượu, 1 hộp 30 miếng trầu chi hết 1 mạch tiền cổ. Giáp đăng cai vâng rước về, trống canh 5 làm lễ 1 con lợn chi 1 quan 5 mạch tiền cổ, 1 con trâu 14 quan 5 mạch, xôi 5 quan, rượu 1 mạch, 1 hộp trầu 50 miếng hương nến 1 mạch. Tế tám giáp làm cỗ bày thành 3 hàng. Trên dưới cùng hầu xem hát. Giờ Thìn ngày hôm ấy tám giáp dâng cỗ tế gà xôi trầu rượu chi 5 mạch. Giờ Thân tám giáp rước cỗ tế 1 con lợn chi 2 quan, 1 mâm xôi chi 1 quan; rượu 1 quan, 1 hộp trầu 330 miếng trầu 30 văn, củi dưa rau mắm 2 mạch, cộng là 3 quan 4 mạch. Đến tối trống canh làm lễ xong số cỗ ấy cùng với cỗ xôi gà và 3 hàng cỗ mọi người phụng sự đều được hưởng và xem hát. Tuần canh đứng hầu.
    Đến giờ Tuất giáp đăng cai vâng rước cỗ tế 1 con gà 1 mâm xôi, 1 be rượu 1 hộp trầu chi 5 mạch.
    Đến trống canh 5 tám giáp chia làm 3 hàng cùng đứng hầu làm lễ tạ. Lễ xong người Chấp sự cáo từ, xin thay áo chầu mũ đai rước về chính vị. Lễ dùng 1 be rượu, 1 hộp 30 miếng trầu chi 1 mạch, xong rồi lễ cáo từ an 1 vị 1 be rượu, một hộp 30 miếng trầu chi một mạch.
    Những đồ mã như áo chầu mũ đai và đồ đạc dùng chi 1 quan 5 mạch.
    Chi tiền hát nhà trò 8 quan; 1 cây pháo 1 quan 5 mạch; 300 nén hương ngát 3 mạch; 5 cây nến 2 mạch; 2 cây đình liệu 4 mạch, đóm 3 mạch, củi dưa rau mắm ở nhà đăng cai giết lợn mỗi con chi 2 mạch, giết trâu mỗi con chi 6 mạch, cho người giữ lệnh 2 mạch, tổng cộng tất cả là 41 quan 3 mạch.
    12. Lễ Chạp ngày 4 tháng 12
    Trước đây lễ cúng 1 con lợn, 1 con trâu và xôi chi 24 quan. Về sau 1 con lợn 1 quan 5 mạch; 1 con trâu 10 quan, xôi 4 quan, rượu 1 mạch, 1 hộp trầu 50 miếng trầu hương đèn 1 mạch, 5 cây nến và dầu thắp 4 mạch, củi dưa rau mắm cho đăng cai giết 1 con lợn chi 2 mạch, giết 1 con trâu chi 6 mạch.
    Tổng cộng tất cả là 17 quan 6 mạch(1).
    Trở lên là các tết lễ giỗ chạp trong một năm chi tổng cộng là 90 quan.
    Trên đây là ghi chép các tết lễ được thờ cúng tại nhà thờ họ trong một cuốn gia phả. Đối chiếu với mục "Tứ thời tiết lạp" trong sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính thì trong gia phả họ Đỗ không thấy chép một số tết. Đó là vào tháng 3 là các tết Thanh minh và Hàn thực ngày mồng 3. Tháng 9 là tết Trùng cửu. Tháng Chạp là tết ông Táo ngày 23 và lễ Trừ tịch chiều tối ngày 30.
    Ngày nay việc thực hiện các tết lễ trên đã có những thay đổi, có một vài tết lễ không còn thấy duy trì thường xuyên như các lễ tết Thường tân, Trùng cửu, lễ Xôi mới, lễ cúng sinh nhật. Còn các lễ Khai hạ, Cầu phúc thường được tiến hành ở các nơi thờ cúng chung như đình, đền, miếu. Các lễ này hầu như không thực hiện ở tư gia. Trái lại một số tiết lễ vốn thuộc nghi thức cúng lễ của Phật giáo dần dần đã trở thành lễ trọng trong nhà, như lễ Trung nguyên 15 tháng 7 và việc dâng cúng hương hoa vào các ngày mồng một, ngày rằm âm lịch hàng tháng được đông đảo các nhà cư trú ở các thành phố lớn và các hộ kinh doanh sản xuất buôn bán thực hiện đều đặn. Thậm chí việc cúng mùng một và rằm hiện nay còn được thực hiện cả ở một số cơ quan, văn phòng. Như vậy việc giới thiệu một số tết lễ thờ cúng tại gia được ghi chép trong một cuốn gia phả là nhằm cung cấp thêm tư liệu bổ ích để bạn đọc tham khảo.
    Chú thích:
    1. Quan, mạch, văn là đơn vị tiền cổ; mười văn là một mạch, mười mạch là một quan tiền.
    2. Nguyên bản gốc chữ Hán viết 常先“Thường tiên”, ở một số nới gọi lễ này là 常新Thường tân, tức lễ cúng cơm mới.
    3. Cụ Đại ông tức Đỗ Thế Giai./.
    Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.518-524)

    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page