Quản lý chất lượng hàng hoá kỳ vọng vào Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá!

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Theo thống kê từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), mỗi ngày trên cả nước xảy ra 166 vụ liên quan hàng lậu, hàng giả, trung bình một tháng có khoảng trên 5.000 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng bị xử lý. Từ đầu tháng 12.2007 đến nay, các cơ quan chức năng đã bắt giữ trên 1.700 vụ có yếu tố gian lận thương mại. Hàng hóa gian lận thương mại chủ yếu là thuốc lá ngoại, rượu ngoại, hàng điện tử, điện lạnh, nước giải khát, hóa mỹ phẩm, quần áo... Thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm nhái, làm giả! Năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Đây là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc quản lý CLSPHH.

    Thực trạng chất lượng hàng hoá trên thị trường

    Nhìn chung, chất lượng sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trong những năm gần đây ngày càng được được nâng cao. Một số loại sản phẩm như: quạt điện, dây và cáp điện, xe đạp, xi măng, vật liệu xây dựng, nhựa, hàng dệt may, giày dép... đạt chất lượng ổn định, được người tiêu dùng tin cậy, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Hàng hóa Việt Nam đã được xuất khẩu tới hàng trăm thị trường nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng liên tục. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực nói trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Thực trạng chất lượng và quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lưu thông trên thị trường trong nước và xuất nhập khẩu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều hàng hóa nội địa chưa kịp thích ứng với yêu cầu tiêu dùng cả về chất lượng, mẫu mã, giá thành. Không ít sản phẩm hàng hóa ở một số thị trường có sức mua lớn lại bị hàng nhập khẩu chiếm lĩnh. Số lượng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao còn nhỏ, chủng loại đơn điệu, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp còn thấp; hàm lượng gia công trong nhiều hàng hóa xuất khẩu chủ lực còn cao, dẫn tới hiệu quả xuất khẩu thấp. Ngoài ra, còn phải kể đến nạn gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng còn phổ biến, gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước, người sản xuất chân chính và người tiêu dùng.

    Từ đầu năm 2007 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện hàng trăm vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ... Ngày 16-1, Đội QLTT quận Bình Thạnh - TPHCM đã phát hiện tại một địa chỉ trên đường Bình Quới, quận Bình Thạnh đang sản xuất, lắp ráp tivi trái phép với quy mô lớn. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ cả tấn linh kiện điện tử, vỏ hộp, bao bì mang nhãn hiệu nước ngoài. Một cán bộ QLTT cho biết cũng giống như mọi năm, gần Tết là dịp hàng lậu, hàng kém chất lượng lại tràn về TPHCM. Trong 2 tháng qua, QLTT đã phát hiện gần 400 vụ sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhiều nhất là hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, hàng điện máy... Trong tuần qua, các cơ quan chức năng tại TPHCM đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ sản xuất kinh doanh loại hàng này gồm đồ điện gia dụng, máy lạnh, đầu đọc đĩa, điện thoại di động giả nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Đặc biệt, Đội QLTT quận Bình Thạnh đã phát hiện một đường dây chuyên cung cấp điện thoại di động cao cấp giả nhãn hiệu của Nokia, Samsung, Motorola, Sony Ericsson. Tang vật thu giữ gồm hàng trăm ĐTDĐ thành phẩm, gần 2.000 bộ vỏ ĐTDĐ và hàng ngàn bộ linh kiện. Mới đây, Đội 5B QLTT TPHCM cũng phát hiện, tịch thu gần 70.000 remote điều khiển tivi, đầu máy giả các nhãn hiệu Sony, Toshiba, Sharp, Samsung, LG...
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Năm 2007, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa đã đề xuất với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xử lý nhiều lô hàng mũ nhập khẩu không đạt chất lượng hoặc ghi nhãn của các doanh nghiệp nhập khẩu như INTIMEX, Công Ty TNHH thương mại quốc tế T&D, Công ty TNHH Việt Năng, Công ty TNHH Hiệp Phú. Xử lý các vấn đề liên quan đến lô dầu diezzen DO 0,25 S ; 0,5S không đạt chất lượng do Công ty PETIMEX Đồng Tháp, PETROMEKONG, PETEC, Petechim và Tổng công ty Petrolimex nhập khẩu; Xăng không chì RON 83 do Công ty TMDK Đồng Tháp nhập khẩu không đạt chất lượng.

    Những hành vi tiêu cực này không chỉ làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, mà nguy hại hơn, chúng còn chứa nhiều tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngay cả mặt hàng rau, một thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân thì chất lượng cũng đáng lo ngại. Tháng 8 vừa qua, QLTT phối hợp Thanh tra Chi cục bảo vệ thực vật kiểm tra các điểm kinh doanh rau an toàn trên địa bàn Hà Nội, qua đó phát hiện nhiều điểm kinh doanh lấy rau không rõ nguồn gốc, biến thành rau an toàn bán cho người tiêu dùng. Chất lượng mặt hàng mỹ phẩm kinh doanh tại các cửa hàng cũng rất đáng báo động. Hầu hết các cửa hàng bán mỹ phẩm bị kiểm tra đều bày bán công khai các loại mỹ phẩm không được phép lưu hành theo Quyết định số 35 của Bộ Y tế. Lực lượng QLTT đã thu giữ đến mười tấn mỹ phẩm không giấy phép lưu hành tại một kho hàng ở chợ đầu mối phía nam. Một trường hợp khác, các cơ quan chức năng thu giữ hơn hai tấn hàng mỹ phẩm hết hạn sử dụng đang được chủ doanh nghiệp cho dán lại nhãn, tăng hạn sử dụng thêm hai năm. Kiểm tra bốn trung tâm chăm sóc sắc đẹp, phát hiện hơn 4.500 sản phẩm mỹ phẩm không được phép lưu hành, được trung tâm dùng để bán và phục vụ khách hàng đến chăm sóc sắc đẹp.

    Giải pháp nào để bảo đảm chất lượng hàng hóa

    Thực tiễn vấn đề chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường cho thấy kiểm soát chất lượng phải là kiểm soát hệ thống từ khâu nguyên liệu sản xuất, vận chuyển và lưu thông đến người tiêu dùng, tránh như hiện nay quản lý chất lượng hàng hóa của chúng ta đang cắt khúc, thiếu thông tin hệ thống, mỗi cơ quan chỉ chịu trách nhiệm một phần quá trình quản lý chất lượng hàng hóa. Để hạn chế tình trạng này, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các ngành chức năng cần sớm nhanh chóng hoàn thiện và bổ sung kịp thời các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa thiết yếu khi lưu thông theo hướng công khai, minh bạch giúp người sản xuất, cơ quan kiểm tra và người tiêu dùng biết. Thông tin về chất lượng hàng hóa trong nền kinh tế thị trường tác động rất nhanh đến tâm lý và việc quyết định tiêu thụ hàng hóa. Do vậy, cần có cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm kiểm soát việc thông tin về chất lượng hàng hóa, kiểm tra, giám định và chịu trách nhiệm công bố chất lượng hàng hóa, để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Một giải pháp nữa để bảo vệ người tiêu dùng trước hàng giả, hàng kém chất lượng là tổ chức tuyên truyền, phổ biến cách đọc nhãn hàng hóa, cách nhận biết ban đầu và đầu mối thông tin cho người tiêu dùng; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là giải pháp hữu hiệu nhất, ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng lưu thông.

    Từ ngày 1.7.2008, Luật CLSPHH sẽ chính thức có hiệu lực. Để Luật đi vào đời sống, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ xây dựng dự thảo Nghị định và các Thông tư hướng dẫn áp dụng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các nội dung của Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về CLSPHH là việc làm không kém phần quan trọng, khẳng định vai trò quản lý nhà nước về CLSPHH trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục Quản lý chất lượng hàng hoá đã xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra liên ngành chất lượng và ghi nhãn hàng hoá phục vụ Tết Đinh Hợi 2007 trong toàn quốc.

    Hương Ly
    Tạp chí TCĐLCL - Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008
     

Share This Page