Quan Niệm Về Lễ Của Nho Gia Việt Nam (qua Khảo Sát Tác Phẩm Lễ Kinh Chủ Nhân Của Lê Văn Ngữ)

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jun 12, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    LÊ PHƯƠNG DUY
    Trường ĐHKHXH & NV, HN
    Dẫn nhập
    Trong vài năm gần đây, tên tuổi và trước tác của tác gia Lê Văn Ngữ đã và đang thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Hai bài viết tiêu biểu mở đầu việc nghiên cứu tác gia Lê Văn Ngữ là: “Việt Nam Cuồng Sỹ Lê Văn Ngữ Đại học tích nghĩa đối Đại học đích thuyên thích” của Lí Trác Nhiên (Giáo sư Trung Quốc học của Singapore) tại hội thảo Nho học Đông Nam Á tại Đài Loan năm 2005. Và bài tham luận “Tìm hiểu Chu dịch cứu nguyên” của Benjamin Wai-ming Ng (Ngô Vĩ Minh), (Chinese University of Hong kong), trong Hội nghị lần thứ ba về Nho giáo Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh từ 19-21/7/2006. Đặc biệt trong năm 2008, xuất hiện hai công trình nghiên cứu khoa học về Lê Văn Ngữ tại Việt Nam. Một là khóa luận tốt nghiệp “Khảo sát - Phiên dịch tác phẩm Đại học tích nghĩa của Lê Văn Ngữ” của Hoàng Tịnh Thủy, sinh viên Hán Nôm khóa 49, khoa Văn học, Trường Đại học KHXH & NV, HN. Hai là luận văn Thạc sỹ “Chu dịch cứu nguyên - phong cách kinh học và tư tưởng của Lê Văn Ngữ” do Mai Thu Quỳnh thực hiện. Hai công trình khoa học này đã thể hiện bước đầu trong việc nghiên cứu Lê Văn Ngữ và các tác phẩm của ông. Trong bài viết này, tôi xin được trình bày kết quả nghiên cứu của mình về một tác phẩm khác của Lê Văn Ngữ, tác phẩm Lễ kinh chủ nhân.
    I. Lược sử tác gia Lê Văn Ngữ và tác phẩm Lễ kinh chủ nhân
    1. Tác gia Lê Văn Ngữ
    Tác gia Lê Văn Ngữ 黎文敔 hay Lê Ngữ 黎敔 tự là Ứng Hòa 應和, hiệu là Cuồng Sỹ 狂士, còn một hiệu nữa là Lãn Sỹ 懶士. Sống vào khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, năm sinh năm mất đều phỏng đoán. Quê ở xã Vạn Lộc, tổng Trà Lủ, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, và cũng là một nhà Nho có tiếng trong vùng, tuy nhiên ông không thi đỗ một kì thi nào. Bởi vậy nên tư liệu ghi chép về cuộc đời ông khá hiếm, khoảng từ năm 27 tuổi, ông ở nhà chuyên tâm nghiên cứu kinh điển và trước thuật. Năm 1900, sau khi đi Pháp về, ông viết cuốn Phụ tra tiểu thuyết 附槎小說, đây là cuốn nhật kí ghi lại hành trình sang Pháp của ông. Từ đó cho tới năm 1928, ông lần lượt cho ra đời các tác phẩm: Chu dịch cứu nguyên 周易究原 là một cuốn chuyên khảo về Kinh Dịch. Trung dung thuyết ước 中庸說約, bàn về 23 chương trong sách Trung dung. Y học toản yếu 醫學纘要, bàn về Y học trong mối quan hệ với Dịch học. Luận ngữ tiết yếu 論語節要, bàn về những điều cốt yếu trong Luận ngữ. Đại học tích nghĩa 大學晰義 bàn về sách Đại học. Và Lễ kinh chủ nhân 禮經主仁 còn gọi là Lễ kinh, bàn về một số thiên trong Kinh Lễ. Có thể nói, đây là một trong số ít nhà Nho Việt Nam, ở vào giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, có khá nhiều trước tác luận giải kinh điển, và còn được bảo lưu nguyên vẹn tới ngày nay.
    2. Tác phẩm Lễ kinh chủ nhân
    2.1 Sự ra đời tác phẩm
    Theo lời đề tựa ở đầu sách thì Lê Văn Ngữ hoàn thành tác phẩm Lễ kinh chủ nhân vào tháng 11, năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 2 (1928). Đây có thể là tác phẩm cuối cùng của Lê Văn Ngữ cùng với sáu tác phẩm khác mà hiện nay ta còn biết được. Qua tác phẩm này, Lê Văn Ngữ không những thể hiện trình độ học vấn, niềm đam mê với cổ học mà còn nhằm mục đích bảo lưu và phần nào muốn khơi dậy lại nền văn hóa cổ, để chúng ra làm giáo khoa thư phổ biến cho lớp trẻ giữa buổi giao thời đầy biến động.
    2.2. Văn bản tác phẩm Lễ kinh chủ nhân
    Văn bản Lễ kinh chủ nhân (hay Lễ kinh) mà chúng tôi dùng để khảo sát kí hiệu A.2606, không có dị bản, hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sách gồm một quyển, 158 trang, tờ cuối không có chữ. Cỡ sách 28 x 15,5cm, bìa sách màu đỏ tía, viết trên giấy dó, còn khá nguyên vẹn. Chữ viết trên sách là thủ bút của tác giả, chữ viết chân phương rất tốt, có dấu ngắt câu. Trung bình mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng trung bình 23 chữ. Sách không có chữ kiêng húy. Tác phẩm gồm 4 phần như sau: 1. Lễ kinh chủ nhân tự (tr.1-3) nêu lí do và mục đích của tác phẩm, giải thích nhan đề Lễ kinh chủ nhân. 2. Chính văn (tr.4-153). Gồm 2 phần: Kinh văn, được viết đài lên một chữ và chú giải của Lê Văn Ngữ. 3. Xuân thu chủ tín tự (tr.153-154) nêu lí do, mục đích, ý nghĩa làm sách Xuân thu chủ tín của tác giả. 4. Phụ lục Bắc sử (tr.155-157) giải thích ngắn gọn một số nhân vật lịch sử thời thượng cổ: Bàn cổ thị, Thiên hoàng thị, Địa hoàng thị, Nhân hoàng thị.
    II. Quan niệm về Lễ của Lê Văn Ngữ
    1. Giải thích nhan đề Lễ kinh chủ nhân
    Nhan đề Lễ kinh chủ nhân này không chỉ nhằm thông báo đây là một cuốn sách luận giải Lễ kinh đơn thuần mà nó còn hàm chứa một vấn đề mang tính hạt nhân quan trọng hàng đầu trong triết học Khổng giáo được nhìn nhận dưới con mắt chủ quan của Lê Văn Ngữ. Trong trang 128 tác giả có viết: “Tòng Khổng Tử san định Ngũ kinh chi ý, nhi tham khảo Chu Lễ dĩ ước minh chi, nhan chi viết Lễ kinh chủ nhân. Cái diệc dục vãng lai chi lễ, tất dĩ nhân đạo nhi suy chi dã. Hậu chi trị giáo giả, bất khả dĩ nhân hợp lễ nhi giảng minh chi dư?” 從孔子刊定五經之意, 而參考周禮以約明之, 顏之曰禮經主仁. 蓋亦欲往來之禮, 以仁道而推之也.後之治教者, 不可以仁合禮而講明之与? (Vốn theo ý san định Ngũ kinh của Khổng Tử và tham khảo với Chu lễ để ước minh, đặt tên là Lễ kinh chủ nhân. Ý muốn trong Lễ qua lại tất phải lấy Nhân đạo để suy xét. Kẻ trị giáo sau này há không biết lấy nhân hợp với lễ để giảng minh sao?). Đoạn văn này không những nêu lên quan điểm của tác giả khi viết Lễ kinh chủ nhân là thể theo ý san định Ngũ kinh của Khổng Tử, tham bác với Chu lễ để tiết giản và làm sáng tỏ tư tưởng trong Lễ ký. Mà quan trọng hơn, tác giả đã nêu lên chủ ý của mình khi đặt tên nhan đề Lễ kinh chủ nhân, là muốn thể theo tinh thần của Khổng Tử đưa Nhân vào nội hàm của Lễ, hay nói cách khác là mối quan hệ song hành, không thể tách rời giữa Nhân và Lễ. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Lê Văn Ngữ còn mở rộng ý nghĩa của nhan đề ở mức độ sâu hơn khi mang Nhân và Lễ phối hợp với hai trong số tam cương là phụ tử và phu phụ để thuyết minh cho tư tưởng của mình. Trở lại với bài Tựa ở đầu tác phẩm, Lê Văn Ngữ viết: “Khổng Tử tu lễ, nãi qui chi phụ tử chủ nhân, hà dã? Cái nhân giả, tâm chi đức, ái chi lí dã. Thị dĩ, thừa gia tác thuật chi dư, vi nhân phụ nhi tôn mưu bất sỹ, tắc kì tâm đức bất minh nhi kì ái lí vị tận, hà dĩ hoa cung di chi cơ cừu? Thử phu phụ chủ lễ nhi lễ trung chi yếu đạo hựu tất qui chi phụ tử chủ nhân”. 孔子修禮乃歸之父子主仁, 何也?蓋仁者, 心之德愛之理也. 是以承家作述之余, 為人父而孫謀不仕, 則其心德不明, 而其愛理未盡, 何以華弓诒之裘箕. 此夫婦主禮而禮中之要道又必歸之父子也. “Khổng Tử sửa lễ bèn qui về Phụ tử chủ nhân. Sao nói vậy? Bởi vì, Nhân là đức của tâm, là lý của ái. Vì thế mà có thể “thừa gia”, “tác thuật”. Bậc làm cha mà không biết suy nghĩ mưu kế lâu dài cho con cháu đời sau thì cái đức của tâm chưa minh và cái lý của ái chưa tận vậy! Sao có thể làm vẻ vang rạng rỡ cho thế nghiệp cơ cừu? Đó là phu phụ chủ lễ mà yếu đạo trong Lễ lại qui về cha con vậy.” Nói như vậy, tức Lê Văn Ngữ đã kế thừa quan niệm của “Ngũ thường phối với ngũ luân” của Tống nho gồm: Phu phụ chủ lễ, phụ tử chủ nhân, quân thần chủ nghĩa, huynh đệ chủ trí, bằng hữu chủ tín. Vậy Lễ kinh chủ nhân thực chất là mối quan hệ giữa hai phương diện “Lễ kinh” và “Chủ nhân”. Lễ kinh là Lễ, chủ về vợ chồng. Chủ nhân là Nhân, chủ về cha con. Cái yếu đạo trong Lễ chính là qui về đạo cha con chủ nhân vậy. Lại nói: “Nhân đạo bản ư nhân nhi thừa diêu kế thể chi nhân phi kiến ư hôn lễ hồ?” 人道本於仁而承祧繼體之仁, 非見於昏禮乎? “Nhân đạo gốc ở Nhân mà cái Nhân trong việc thừa diêu kế thể (cha truyền con nối) chẳng thấy ở hôn lễ đó sao?” Hôn lễ chính là “cầu Nhân chi thủy sự - sự khởi đầu của việc cầu nhân”. Cái Nhân của người cha là từ, cái Nhân của người con là hiếu, cả Từ và Hiếu đều phải lấy Vô bất kính - cương lĩnh của Lễ để thấu triệt đức Thành trong đó thì mới có thể gọi là Nhân được. Tức ở đây, tác giả đã lấy mối quan hệ Nhân - Lễ làm chủ đạo và triển khai nó trong mối quan hệ với các phạm trù triết học khác nhằm phát huy Lễ học qua các vấn đề mang tính lễ nghi.
    2. Hình thức, quan điểm, phương pháp tiếp cận Lễ kinh của Lê Văn Ngữ
    2.1 Hình thức
    Hình thức tiếp cận Lễ kinh mà Lê Văn Ngữ sử dụng trong tác phẩm là hình thức trích lục và chú giải - một phương pháp quen thuộc trong hệ chú giải kinh điển truyền thống nói chung và kinh Lễ nói riêng như chú, sớ, tiên, thông thích… Và thực ra đây cũng là một hình thức tiết yếu kinh Lễ.
    2.2 Phương pháp tiếp cận
    Phương pháp tiếp cận Lễ kinh mà Lê Văn Ngữ sử dụng trong tác phẩm mang lại cho ta nhiều sự thú vị.
    Thứ nhất, sự trích lục các thiên chương, câu cú, và sự sắp đặt trình bày bố cục cũng không hoàn toàn tuân theo trật tự sắp xếp vốn có của Lễ kí và thể hiện sự dụng tâm riêng của tác giả. Nó giúp cho mạch tư tưởng và ý đồ của tác giả được trình bày một cách thông quán và hệ thống.
    Thứ hai, việc trích dẫn câu chữ, cú đậu của ngoài những chỗ được trích dẫn nguyên văn, cũng có nhiều chỗ không theo đúng như nguyên tác, chẳng hạn như có chỗ ông gộp hai hoặc ba câu vào thành một câu, trong một câu đó lại lược bớt đi những chỗ không cần thiết để rút gọn lại, hay có những chỗ ông trích dẫn một câu trong nguyên tác những cũng không trích dẫn hết cả câu đó. Cú đậu cũng nhiều chỗ khác với truyền thống trong sách. Ngôn từ đôi chỗ có sự xuất nhập.
    Thứ ba, trong chính văn, theo chúng tôi thống kê, tác giả đã trình bày tất cả 16 thiên gồm: Khúc lễ thượng, Khúc lễ hạ, Nhạc kí trích lược, Học kí trích lược, Hôn lễ trích lược, Tang lễ bổ vong, Tế nghĩa trích lược, Tang phục trích lược (tức thiên Tang phục tứ chế trong Lễ kí), Thiên quan trích lược, Hương ẩm tửu trích lược, Quan nghĩa trích lược, Nguyệt lệnh trích lược, Xạ nghĩa trích lược, Vương chế trích lược, Nho hạnh trích lược, Tạp kí. Trong đó đáng chú ý là các thiên: Tang nghĩa bổ vong - vốn là do tác giả viết thêm vào, để bổ sung cho những nghi thức trong tang lễ, nguyên văn thiên này không có trong Lễ kí. Thiên Thiên quan - vốn là một thiên trong sách Chu Lễ cũng được tác giả trích lục. Thiên Tạp kí - tên là Tạp kí nhưng thực chất nội dung không giống với nội dung của Tạp kí trong Lễ kí, mà ở đây tác giả chỉ mượn tên Tạp kí, còn nội dung được trích lục từ nhiều thiên khác như: Văn vương thế tử, Lễ vận, Tế nghĩa, Đàn cung thượng, Đàn cung hạ, Ai công vấn, Khổng Tử nhàn cư. Như vậy, trong tác phẩm, tác giả đã trích dẫn cả thảy 19 thiên (thiên Tế nghĩa được trích lục hai lần) trên tổng số 49 thiên trong Lễ kí, 1 thiên trong Chu lễ và 1 thiên do tác giả viết thêm vào.
    2.3 Quan điểm
    Quan điểm của ông trong Lễ kinh chủ nhân là muốn thể theo ước vọng “ngô tòng Chu” và ý “san định Ngũ kinh” của Khổng Tử mà trần thuật, lược bàn cổ Lễ. Ông trung thành với cổ Lễ, nhưng ông không bị nó câu thúc. Ông chú ý đến tinh thần của Lễ hơn những Lễ nghi lạc hậu, lỗi thời. Ông chọn lựa và luận giải kĩ những gì mà ông cho là còn phù hợp và có ích đối với đời sống xã hội, văn hóa ngày nay và những thứ liên quan đến nhân sinh nhật dụng mà chúng ta “bất đắc bất giảng”. Còn những cổ Lễ đã quá xưa, không còn phù hợp thì ông đều san bỏ để học giả tiện thể nhận và thi hành. Song sự san lọc đó phải dựa trên sự cân nhắc kĩ lưỡng, không thể cho là cổ Lễ mà vứt bỏ tất thảy trong chốc lát được. Đây là quan điểm rất tiến bộ và đáng học tập của Lê Văn Ngữ. Kế thừa tinh thần truyền thống của Lễ học, ông cho rằng lễ phải tùy thời, tùy nghi mà thi hành, mà thay đổi, tức là phải thức thời, và như vậy mới đủ điều kiện để làm một nhà Nho.
    3. Luận giải về Lễ của Lê Văn Ngữ
    Bản ý của Lê Văn Ngữ khi trước thuật Lễ kinh chủ nhân là muốn thể theo ý “ngô tòng Chu” của Khổng Tử nên trong sự luận giải cổ Lễ của ông, tinh thần tòng Khổng và tôn Chu có ảnh hưởng sâu đậm. So với các tác phẩm khác của tác giả như Chu dịch cứu nguyên, Trung dung thuyết ước… thì đây là cuốn sách mà Lê Văn Ngữ thể hiện rõ nhất tinh thần “tín nhi hiếu cổ”, và trung thành với cái ‘úc úc hồ văn” của Nho gia. Tuy nhiên, trong sự luận giải về Lễ, Lê Văn Ngữ có khá nhiều kiến giải mới mẻ, mang dấu ấn cá nhân và tạo thành thống hệ hoàn chỉnh.
    Trước hết trong Khúc lễ thượng, ông mượn lời Chu Tử trong Luận ngữ chương cú tập chú để định nghĩa về Lễ như sau: “Lễ giả thiên lí chi tiết văn, nhân sự chi nghi tắc dã”. 禮者天理之節文 , 人事之儀則也. “Lễ giả thiên lí chi tiết văn, nhân sự chi nghi tắc dã.” Nghĩa là: Lễ là tiết văn của thiên lí, là nghi tắc của nhân sự. Trong Ngữ loại, Chu Tử đã giải thích khái niệm này rõ ràng hơn: “Lễ được gọi là tiết văn của thiên lí là bởi trong khắp thiên hạ đều có cái lí đương nhiên, nhưng cái lí đó vô hình vô ảnh, cho nên mới tác ra cái lễ văn ấy để họa ra thiên lí cho mọi người cùng thấy. (Chu tử ngữ loại - quyển 42). Tiếp đó, Lê Văn Ngữ dẫn lời trong sách Trung dung: “Lễ kiêm chế độ khảo văn, phi thiên tử bất đắc dĩ nghị chi dã”. 禮兼制度考文,非天子不得以議之也. “Lễ kiêm gồm đặt định chế độ và khảo xét văn tự, không phải thiên tử thì không được nghị bàn” để nhấn mạnh hai phương diện của Lễ gồm đặt định chế độ và khảo xét văn tự, đồng thời xác lập quan niệm “Lễ thống vu vương - Lễ thống thuộc vào vương” và từ đó xây dựng hệ thống Lễ trị theo kiểu mẫu Nho giáo. Cương lĩnh và gốc của Lễ chính là Vô bất kính được nêu lên ở đầu thiên Khúc lễ: “Vô bất kính nãi lễ nghi trung chi cương lĩnh dã” 毋不敬乃禮儀中之綱領也“vô bất kinh là cương lĩnh trong lễ nghi vậy” (bài tựa). Nếu như Khổng Tử nói: “Thi tam bách nhất ngôn dĩ tế chi, viết tư vô tà”, “Kinh Thi có ba trăm bài, một lời bao trùm tất thảy là Tư vô tà”. (Luận ngữ). Thì các tiên Nho cho rằng “Vô bất kính” là Nhất ngôn dĩ tế chi của Lễ, chỉ một câu này thôi đã đủ lột tả hết tinh thần của Lễ. Cho nên, Lê Văn Ngữ đặc biệt chú trọng luận giải thiên Khúc Lễ thượng. ”Nhân thị cầu chi, nghiễm nhược tư giả, bản dĩ thử kính nhi lập thành dĩ tu thân dã. An định từ giả, diệc dĩ thử kính nhi tu đạo dĩ lập giáo dã. Cử tam bách tam thiên chi kinh khúc, nhi tả chi vô bất nghi, hữu chi vô bất hữu, vô nhất nhi phi dã”. 因是求之, 儼若思者, 本以此敬而立誠以修身也. 安定辭者,以此敬而修道以立教也, 舉三百三千之經曲, 而左之無不宜, 右之無不有,無一而非. Nhân đó suy cầu thì nghiễm nhược tư lấy gốc ở kính để lập thành mà tu thân vậy. “An định từ” cũng lấy sự kính đó sửa đạo để lập giáo. Nêu lên cái cương kỷ của “lễ nghi tam bách, uy nghi tam thiên” mà thảy đều hoàn bị, thảy đều phù hợp, không gì không có” (Khúc lễ thượng). Như vậy, Kính là gốc, là then chốt của Lễ. Dùng Kính để lập gốc của Thành. Hơn nữa trong đạo cha con, không Thành không thì không thể nói là Nhân được.
    Theo Lễ kí, Lễ có bốn công dụng chính gồm: định thân sơ, quyết hiềm nghi, biệt đồng dị, minh thị phi. Ở đây Lê Văn Ngữ đã mở rộng nội hàm của Lễ, Lễ theo ông có thể và dụng, ông nói: “Định thân sơ, quyết hiềm nghi, biệt đồng dị, minh thị phi là dụng của Lễ. Nhân, nghĩa, nghĩa, trí là thể của Lễ. Định thân sơ là cái Nhân của thân thân vi đại. Quyết hiềm nghi là cái tín của di di bất vi. Biệt đồng dị, minh thị phi chẳng phải là cái năng chi của nghĩa trí sao?” (Khúc lễ thương) Thể và dụng của Lễ tức là mối quan hệ giữa cái dụng vốn có của Lễ với bốn đức còn lại của Ngũ thường là nhân, nghĩa, trí, tín. Vì thế, nên “người chủ lễ phải biết phân biệt thể và dụng để làm đạo tự tu vậy.
    Tác giả đồng thời cũng nhấn mạnh tính “chuộng sự qua lại” (thượng vãng lai) và “vô bất đáp” của Lễ. Tất cả mọi hoạt động Lễ nghi như tang lễ, tế tự, hương ẩm, xạ nghĩa… Đều nhằm đảm bảo sự “qua lại”, “vô bất đáp”, ngay cả việc con cái báo hiếu cha mẹ cũng là điều trước nhất của vấn đề này.
    Lễ phải “tòng nghi, tòng tục”, lễ “dĩ thời vi đại” cũng là những điều không thể thiếu được khi bàn về Lễ. Ngoài ra, tác giả còn đặt Lễ trong mối quan hệ với các phạm trù khác của Nho gia như: hiếu, đễ, trung, tín… hay Tam cương bát mục của Đại học, Thành của Trung dung, Thời trung của Chu dịch
    III. Kết luận
    Nhìn chung, những luận giải về Lễ của Lê Văn Ngữ trong tác phẩm Lễ kinh chủ nhân đa phần dựa trên sự kế thừa các quan niệm truyền thống của Tiên nho. Ông cũng có những phát minh độc đáo khi phổ vào Lễ những kiến giải riêng mang tinh thần của Dịch học, Y học. Song những phát huy đó của ông phần lớn dựa trên những quan điểm chủ quan và chưa đủ sức đột phá để trở thành một quy phạm chung. Tác phẩm Lễ kinh chủ nhân thể hiện tinh thần mong muốn kế thừa và bảo tồn những giá trị thuộc về văn hóa, tập tục đang dần bị mai một trước cơn bão táp của lịch sử. So với các nhà Nho đương thời, ông đã có nhiều quan điểm tiến bộ trong việc nhìn nhận và đánh giá đối với Lễ học nói chung và Nghi lễ nói riêng - những thứ mà ở thời đại ông, bị coi là hủ tục và bị đả phá mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ông cố gắng dung hòa giữa Cựu học và Tây học. Tuy nhiên, ông vẫn có phần nghiêng về cựu học nhiều hơn và sự ảnh hưởng cũng như vốn Tây học của ông vẫn chưa thật sự sâu sắc và hoàn vẹn.
    Đặt Lễ kinh chủ nhân trong mối tương quan với các tác phẩm luận giải về Kinh điển khác của của Lê Văn Ngữ, chúng ta thấy phương pháp nghiên cứu và tư tưởng của ông tương đối thống nhất, mang tính hệ thống và ít có sự mâu thuẫn. Nó thể hiện phong cách cá nhân của Lê Văn Ngữ. Tuy còn nhiều điều cần phải cân nhắc lại, song, ở vào hoàn cảnh bấy giờ, người như ông thật không nhiều và thật đáng tiếc nếu chúng ta không quan tâm đúng mức tới các tác phẩm của Lê Văn Ngữ.
    Việc nghiên cứu Lễ kinh chủ nhân, sẽ có những đóng góp và mở ra các hướng nghiên cứu sau:
    +) Góp phần vào lịch sử nghiên cứu Lễ học và mối quan hệ giữa Lễ kinh chủ nhân với các trước tác khác về Lễ kí trong kho di sản Hán Nôm Việt Nam.
    +) Cung cấp tư liệu, góp phần bổ sung và tiến tới việc nghiên cứu một cách hệ thống, khoa học tư tưởng Lê Văn Ngữ.
    +) Việc nghiên cứu tư tưởng Lê Văn Ngữ sẽ tạo lập và mở ra những hướng nghiên cứu mới đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam nói riêng và sự tương đồng với các nước đồng văn trong khu vực nói chung trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
    Tài liệu tham khảo
    A. Tài liệu tiếng Việt:
    1. Doãn Chấp Nguyễn Duy Tinh (phiên dịch): Trung dung thuyết ước (Lê Văn Ngữ) Phủ quốc vụ khanh, đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn 1971.
    2. Dương Ngọc Dũng, Lê Anh Minh: Kinh dịch và cấu hình tư tưởng Trung Quốc, Nxb. KHXH, H. 1999.
    3. Đoàn Trung Còn: Tứ thư, Nxb. Thuận Hóa, 2006.
    4. Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê: Đại cương triết học Trung Quốc (hai tập) tập hai, Nxb. Thanh niên, 2004.
    5. Hoàng Tịnh Thủy: Khóa luận tốt nghiệp: “Khảo sát - Phiên dịch tác phẩm Đại học tích nghĩa của Lê Văn Ngữ”. Hà Nội, 6/2008.
    6. Lê Phương Duy: Khóa luận tốt nghiệp: “Khảo cứu và phiên dịch tác phẩm Lễ kinh chủ nhân của Lê Văn Ngữ”.Hà Nội, 5/2009.
    7. Mai Thu Quỳnh: Luận văn Thạc sỹ: “Chu dịch cứu nguyên - Phong cách kinh học và tư tưởng của Lê Văn Ngữ”. H. 2009. S.
    8. Nguyễn Tôn Nhan: Kinh Lễ, Nxb. Văn học, H. 1999.
    9. Nho giáo ở Việt Nam Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam - Viện Harvard -Yenching Hoa Kì:. Nxb. KHXH, H. 2006.
    B. Tài liệu Hán Nôm.
    1. 黎文敔 : 周易究原 , kí hiệu A.2592/1-2, VNCHN
    2. 黎文敔 : 論語節要 , kí hiệu A.2596/1-2, VNCHN
    3. 黎文敔 :大學晰義 , kí hiệu A.2594, VNCHN
    C. Tài liệu tiếng Trung:
    1. 十三經注疏 - 禮記注疏 , 北京大學出版 , 1999.
    2. 禮記鄭注, 宋淳熙四年抚州公使庫刻本.
    3. 新編諸子集成- 四書章句集注 , 中華書局, 1998.
    4.中國儒學 (全四冊 ) 龐朴主編 , 東方出版中心 , 1997./.
    (Thông báo Hán Nôm học 2009; tr.268 -279)

    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     
  2. deche2212

    deche2212 Guest

    Cám ơn bác chủ topic nhé ! đúng thứ mình đang cầnnnnn
     

Share This Page