Quảng Trị hướng tới một nền văn hóa chất lượng

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 19, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Hưởng ứng Thập niên Chất lượng lần thứ Nhất, ngay từ năm 1996, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị triển khai phong trào Thập niên Chất lượng 1996-2005. Trên cơ sở định hướng của Hội nghị, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã xây dựng Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng Hệ thống chất lượng và tham gia Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (GTCLVN). Qua 10 lần xét thưởng, có 9 doanh nghiệp Quảng Trị đã đạt Giải thưởng Chất lượng Việt Nam. Trong đó Công ty Đông Trường Sơn, Công ty Cổ phần Gạch ngói Quảng Trị, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển cơ sở hạ tầng, Công ty Cấp thoát nước Quảng Trị đã 2 lần được GTCLVN.

    Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến chất lượng, nâng cao năng suất

    Công tác xây dựng và triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng là nội dung mới, bước đầu triển khai gặp nhiều khó khăn, song đã được các ngành nhất là ngành xây dựng và các doanh nghiệp đồng tình hưởng ứng. Chi cục TCĐLCL tổ chức nhiều khoá đào tạo, các hội thảo về ISO 9000, Kaizen - 5S, QBase, GMP.Do đó, các hoạt động về áp dụng ISO 9000 được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các ngành và sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng để tăng cường hiệu quả sản xuất - kinh doanh và tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, Sở KH&CN Quảng Trị tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao Năng suất Chất lượng phục vụ hội nhập. Năm 2005 có 02 doanh nghiệp được tỉnh hỗ trợ đã triển khai áp dụng ISO 9001:2000 và ISO 14001:2004 là Công ty Đông Trường Sơn và Công ty Cổ phần Tư vấn điện. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 05 doanh nghiệp đang triển khai áp dụng ISO 9001:2000 và ISO 14001:2004 là Công ty Cổ phần Nông sản Tân Lâm, Công ty Cấp thoát nước, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông, Công ty Cổ phần Xây dựng số 6 và Công ty Cổ phần Xây lắp bưu điện.

    Thực hiện chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, bản thân Chi cục TCĐLCL không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tiếp cận với các Hệ thống quản lý chất lượng thông qua các lớp đào tạo của Trung tâm Năng suất Việt Nam, khảo sát các doanh nghiệp đã áp dụng thành công ISO 9000 ở trong nước và là thành viên diễn đàn ISO 9000, SICNET và TCVN Net. Xây dựng các phòng thử nghiệm được công nhận phục vụ các hoạt động cải tiến chất lượng của các doanh nghiệp.Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh về tăng cường tiềm lực của Trung tâm Đo lường thử nghiệm hiện có của Chi cục TCĐLCL nhằm hỗ trợ kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá cho các ngành chức năng trong tỉnh, các Sở chuyên ngành. Trong những năm qua, Sở KH&CN Quảng Bình đã đầu tư trang thiết bị Phòng thí nghiệm Vật liệu xây dựng và Cơ học đất mang mã số LAS-XD81, có khả năng thử nghiệm các lĩnh vực: thử nghiệm cơ lý xi măng, hoá xi măng, hỗn hợp bê tông và bê tông nặng, thử nghiệm vữa xây dựng, cơ lý đá dăm, sỏi xây dựng, cơ lý gạch hoa, ngói lợp, gạch xây, tấm sóng amiăng xi măng, cơ lý đất trong phòng thí nghiệm, hoá nước, kiểm tra thép xây dựng, kiểm tra mác bê tông bằng phương pháp không phá huỷ, âm học.

    Xây dựng phòng thử nghiệm hoá sinh: trang bị các thiết bị kiểm tra chất lượng môi trường, tập trung vào các chỉ tiêu nước thải, không khí và đất phục vụ tốt cho công tác quản lý môi trường của tỉnh, cho các đề tài nghiên cứu và triển khai của tỉnh, cho việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Trang bị các thiết bị thử nghiệm phục vụ kiểm tra chất lượng phân bón, lương thực thực phẩm, nông sản... Phòng thử nghiệm hoá sinh đã được Văn phòng Công nhận đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025 mã số VILAS 106, có khả năng thử nghiệm được công nhận trên 60 chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực thực phẩm, phân bón, hoá chất, môi trường, nông sản...Ngoài việc thực hiện tốt công tác thử nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá theo các lĩnh vực được phân công, hệ thống phòng thí nghiệm của Chi cục TCĐLCL Quảng Trị đã tiến hành phân tích, thử nghiệm giúp cho các ngành được phân công quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá theo Nghị định 86/CP thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý về chất lượng hàng hoá. Chi cục còn là đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ giám định chất lượng hàng hoá, thiết bị, vật tư phục vụ cho các yêu cầu của các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, thuế...

    Mục tiêu phát triển Năng suất - Chất lượng Thập niên Chất lượng lần hai 2006-2015.

    Tăng cường hiệu lực Quản lý Nhà nước về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng gắn với phát triển năng suất - chất lượng đảm bảo sản phẩm hàng hoá và dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của thị trường trong nước và nước ngoài; đồng thời nâng cao chất lượng của các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế khu vực. Để thực hiện được mục tiêu trên, công tác quản lý TCĐLCL trong 10 năm tới tập trung vào các nhiệm vụ:phát động phong trào Năng suất - Chất lượng rộng khắp trong toàn tỉnh. Từng bước triển khai các nhiệm vụ phát triển chất lượng hàng hoá và dịch vụ của tỉnh đến 2010, tầm nhìn 2020 cho phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong những năm tới.

    Xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống quản lý TCĐLCL từ tỉnh đến cơ sở hình thành một mạng lưới về quản lý TCĐLCL tại địa phương đặc biệt quan tâm đến tổ chức quản lý TCĐLCL trong các doanh nghiệp. Hình thành một hệ thống phòng thử nghiệm trọng điểm; lấy hệ thống thử nghiệm của Chi cục TCĐLCL là trung tâm đầu mối của mọi hoạt động thử nghiệm tại địa phương.

    Khai thác có hiệu quả dự án: Tăng cường tiềm lực chuẩn, thiết bị đo lường thử nghiệm và xây dựng phòng thử nghiệm - hiệu chuẩn đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 phục vụ nhu cầu phát triển xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Quảng Trị đến năm 2010, nâng cao năng lực hoạt động của Chi cục TCĐLCL trở thành Trung tâm Thử nghiệm của tỉnh.

    Tham mưu và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao Năng suất - Chất lượng - Hội nhập 2006-2010, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo các Tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế ISO 9000, ISO 14000, TQM, HACCP, GMP, SQP...

    Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức về Năng suất và Chất lượng; pháp luật về TCĐLCL trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác thực hiện pháp luật về đo lường, chất lượng, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực Năng suất- Chất lượng.

    Kết thúc Thập niên Chất lượng 1996-2005, hoạt động quản lý chất lượng tại Quảng Trị đã đi dần vào nề nếp. Cơ chế quản lý TCĐLCL được cải tiến để thích ứng với điều kiện thực tiễn của cơ chế thị trường nhằm phục vụ tốt cho việc nâng cao và ổn định chất lượng một số sản phẩm trọng điểm của tỉnh. Sở KH&CN đã phối hợp với các ngành được phân công quản lý chất lượng hàng hoá, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa việc sản xuất - kinh doanh hàng hoá không đảm bảo chất lượng, đặc biệt trong việc ngăn chặn nạn hàng giả, tăng cường hiệu lực pháp luật và hiệu lực quản lý Nhà nước, Sở KH&CN đã phối hợp với các ngành được phân công ban hành nhiều quy định liên ngành về quản lý chất lượng. Qua đó vai trò của Sở KH&CN với tư cách là cơ quan đầu mối quản lý Nhà nước về TCĐLCL ở địa phương tiếp tục được khẳng định. Công tác quản lý TCĐLCL được đổi mới phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Công tác tuyên truyền quảng bá về chất lượng được đẩy mạnh. Các hoạt động áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tham gia Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được triển khai có hiệu quả.

    Những tồn tại và nguyên nhân

    Mặc dù nhận thức về chất lượng được nâng cao, hình thành được phong trào chất lượng, nhưng thực sự chưa tạo được phong trào rộng khắp tiến tới một nền văn hoá chất lượng. Hệ thống pháp luật về chất lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật TCĐLCL đã được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật TCĐLCL còn yếu, chưa có đủ thiết bị để thử nghiệm, đo lường nhiều thông số kỹ thuật của sản phẩm, hàng hoá. Đầu tư cho cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, thiếu tập trung do đó không tạo được sức mạnh tổng hợp.

    Bước đầu triển khai có hiệu quả việc áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý chất lượng tiên tiến (ISO 9000,...) và hoạt động chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, tuy nhiên do công tác tuyên truyền còn yếu nên còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến những lợi ích cơ bản của các công cụ này, dẫn đến nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ, không tham gia, đặc biệt là chứng nhận sản phẩm. Công tác quản lý chất lượng của doanh nghiệp chậm đổi mới, lối mòn cũ còn nặng nề, chỉ chú trọng kiểm tra sản phẩm cuối cùng, chưa quan tâm việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Việc thực hiện các quy định của nhà nước về chất lượng hàng hoá còn mang tính hình thức.

    Bước vào Thập niên chất lượng lần Hai (2006-2015) với chủ đề “ Năng suất Chất lượng - Chìa khoá Phát triển và Hội nhập”, với những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ hội nhập sẽ góp phần vào việc hình thành một nền Văn hoá chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, tạo dựng thương hiệu từ nền tảng chất lượng, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hoá của Quảng Trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page