Người dân của mấy tỉnh, thành Đồng bằng Sông Hồng không ai là không biết đến rượu làng Vân (rượu quê). Về làng Vân hôm nay, bên tai văng vẳng câu thơ cũ “Thổ Hà gánh đất nặn nồi - Làng Vân nấu rượu cho người ta ăn”, nhưng trong cảm nhận ban đầu về vùng đất đó vẫn canh cánh một nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Nằm giữa phía Tây của tỉnh Bắc Giang, bên con sông Cầu lơ thơ nước chảy, làng Vân (thuộc thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) từ lâu đã nổi tiếng trong dân gian với một nghề truyền thống: nghề nấu rượu... Không cần giấy chứng nhận hợp vệ sinh Đường về làng Vân bụi mù đất cát, rác thải ngập tràn. Cũng như bao làng nghề khác, làng Vân có một mùi vị riêng của nó, cái mùi chua chua từ bã rượu, từ nước rượu thải ra cống rãnh và cả cái mùi thum thủm của những phân chó, phân gà thải đầy ngõ xóm. Bên đường, những đống sắn mốc xanh, mốc đỏ (nguyên liệu sản xuất rượu chủ yếu của làng này) chất cao như núi. Cứ khoảng 200m lại có một đống sắn được chất ngay bên đường như vậy. Theo người dân, sắn này được lấy từ Đồng Mỏ (Lạng Sơn) với giá 2.500đ/kg, về đây bán dần cho các hộ nấu rượu nhỏ lẻ. Sắn mốc đến đâu chỉ cần ngâm vào nước một thời gian ngắn rồi luộc lên và qua các khâu ủ men, chưng cất thành rượu là xong. Anh Nguyễn Đình Phương, Trưởng trạm y tế xã Vân Hà cho biết: Làng Vân hiện có trên 700 hộ gia đình nấu rượu (chiếm gần 80% số hộ trong làng), trong đó chỉ có Hợp tác xã Vân Hương sản xuất rượu được công bố tiêu chuẩn chất lượng VSATTP, còn lại toàn bộ là nấu rượu tự phát và không được kiểm soát chất lượng. Nhiều hộ nấu rượu sử dụng các dụng cụ rất mất vệ sinh, thùng ủ men thì máng thành ngấn vì lâu không rửa kỹ, bể nước làm đông rượu thì đen kịt vì lâu không thay nước, còn cơm, sắn để nấu rượu thì được giải phơi trên nong nia, thậm chí ngay trên nền sân gạch, ruồi nhặng mặc sức bâu đầy. Đấy mới là về mặt cảm quan và trên thực tế thì cũng chỉ có thể nhận biết vấn đề VSATTP ở những cơ sở nấu rượu tự phát bằng cảm quan, thậm chí để biết rượu ngon hay không, có pha chế hay không cũng chỉ bằng cảm quan (nếm thử). Còn để định lượng được rượu tự nấu có an toàn hay không, nồng độ các chất andehyt axetic, ethyl axetat, axit axetic... như thế nào thì khó có thể làm được - ông Bùi Tá Thành - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm. "Hãi hùng" rượu pha cồn https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq Chưa hết "choáng" về vấn đề vệ sinh, chúng tôi lại bị ngợp trước một thông tin mới. Chị Nguyễn Thị Chiến và rất nhiều người dân ở làng Vân cho biết, hầu hết rượu tự nấu của làng đều được một số đại lý bên làng Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) – chỉ cách nhau bởi dòng sông Cầu - thu mua về rồi pha chế thêm cồn để tăng nồng độ rồi mới bán ra thị trường. Chính quyền xã này đã nhiều lần bắt quả tang các đại lý khi đang pha cồn vào rượu. Thực tế là hơn 10 năm trở lại đây, rượu làng Vân có chiều hướng giảm. Đến nay, sản lượng rượu mà làng Vân sản xuất ra mỗi ngày chỉ còn 30 tấn, trong đó có 20% là rượu nấu từ gạo các loại, còn lại là rượu nấu từ sắn. Giá nguyên liệu đầu vào ngày một tăng trong khi giá bán rượu tăng không đáng kể, người nấu rượu không có lãi nên chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi lợn chứ không quan tâm tới thị trường rượu, với họ chỉ cần đem sang Tam Đa bán cho nhanh. Đó cũng là cơ hội để các hộ kinh doanh ở những địa phương bên cạnh lợi dụng thương hiệu rượu làng Vân để làm ăn. Ông Nguyễn Công Huân - Trưởng phòng Y tế huyện Việt Yên giãi bày, từ UBND xã Vân Hà cho đến UBND huyện Việt Yên đều biết hiện tượng này, cũng đều ý thức được nguy cơ bị hủy hoại của thương hiệu rượu làng Vân nhưng không có cách nào kiểm soát. Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lúc chế biến, chưng cất rượu vốn đã không đảm bảo, lại thêm việc bị pha chế những chất độc tố vào rượu khiến cho vấn đề an toàn của rượu tự nấu bị hoài nghi. Không chỉ có rượu tự nấu ở làng Vân, hầu hết các cơ sở nấu rượu tự phát ở các làng quê hiện nay đều ở trong tình trạng tương tự. Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Viện phó Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết, các hộ nấu rượu tự phát trong dân càng ngày càng ưa thích sử dụng loại men của Trung Quốc để ủ rượu (loại men này rẻ, đem lại lợi nhuận cao) nhưng tính độc hại của loại men này rất khó kiểm soát. Quản lý thế nào? Trước thực trạng đó, việc quản lý chặt chẽ vấn đề VSATTP rượu tự nấu là một nhu cầu thực tế, bức xúc hiện nay. Với rượu làng Vân, ông Bùi Tá Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho rằng, chỉ có cách duy nhất là thành lập một khu sản xuất rượu truyền thống, tập trung một số hộ sản xuất rượu trong làng vào đó thì mới có thể kiểm soát được VSATTP cũng như tiến hành được các biện pháp định lượng độc tố trong rượu. Tuy nhiên, điều này cần kinh phí không nhỏ, địa phương không thể lo được. Theo quy định của Pháp lệnh VSATTP hiện nay, rượu được xếp vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, nghĩa là phải tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chí về VSATTP, từ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, có giấy chứng nhận đảm bảo VSATTP... Nhưng hầu hết rượu nấu thủ công, rượu dân tộc đều chưa công bố nên chưa kiểm soát được. Cũng theo ông Phạm Xuân Đà - Cục ATVSTP, trong thời gian tới, Bộ Y tế dự kiến sẽ tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về vấn đề VSATTP đối với rượu; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực này… Còn ông Vũ Xuân Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng Thực phẩm, Bộ Công thương cũng cho biết, nhằm kiểm soát tốt hơn đối với việc sản xuất và kinh doanh rượu, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất và kinh doanh các mặt hàng rượu tự nấu. Theo đó, rượu sản xuất thủ công tự tiêu dùng phải đăng ký với địa phương trước khi sản xuất; thực hiện các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, VSATTP, bảo vệ môi trường, nếu không sẽ không được bán trên thị trường... Trần Hải Số 1 Tháng 1 Năm 2008