Tại sao mộ Lê Quýnh có hai bài văn bia?

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 5, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    NGUYỄN DUY HỢP-NGUYỄN XUÂN SÁU
    Thuận Thành, Bắc Ninh

    Bài văn bia mộ Lê Quýnh được Giáo sư Hoàng Xuân Hãn giới thiệu lần đầu năm 1969, in ở cuối bản dịch Bắc hành tùng ký. Giáo sư viết về người soạn văn bia như sau: “Nguyễn Đăng Sở người làng Hương Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc, sinh năm 1754, đậu Hoàng giáp khoa cuối đời Lê (Chiêu Thống năm đầu 1787) và làm Phó sứ trong sứ bộ cuối cùng đi Thanh của Tây Sơn (1802) (Đại Nam thực lục) là tác giả bài mộ bi, ghi lịch sử của hai anh em thúc bá họ Lê, Quýnh và Trị, cùng giữ khí tiết trong 16 năm ở Yên Kinh, trước khi được về làng. Để chấm dứt chuyện Bắc hành này, tôi sẽ dịch nguyên văn bài văn bia ấy mà nay còn thấy chép trong sách Lê triều tiết nghĩa lục. (Xem toàn văn trong Bắc hành tùng kí, Hoàng Xuân Hãn dịch và giới thiệu, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1993, tr.121).

    Trong khi dịch, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn hơn một lần nhận thấy bài văn bia “theo bản chép tay chắc còn mang một số sai sót” và “phải có bản dập bia mới chắc”.

    Sự băn khoăn của Giáo sư khiến chúng tôi tìm đến thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, quê hương Lê Quýnh, để xem tận mắt tấm bia mộ trên. Thật kỳ lạ, bài văn bia mộ Lê Quýnh do Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dịch với bài văn khắc trong bia mộ, hiện còn dựng trước nhà thờ họ Lê không phải là một, mà là hai văn bản khác hẳn nhau. Điều đó chứng tỏ Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có thái độ nghiên cứu thận trọng và sự nghi ngờ của ông là hoàn toàn khoa học.

    Tuy nhiên, một ngôi mộ mà có hai bài văn bia là hiện tượng hiếm hoi, thú vị. Hơn nữa, hai bài văn ấy lại cùng nói đến một nhân vật lịch sử nổi tiếng trên chính trường Việt Nam, giai đoạn cuối Lê - đầu Nguyễn, nên càng đáng quan tâm. Được sự đồng ý và giúp đỡ của gia tộc họ Lê, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn bài bia mộ Lê Quýnh, hiện còn ở Đại Mão, kèm theo vài nhận xét, để bạn đọc rộng đường tham khảo.

    Bia mộ Lê Quýnh vốn ở ngoài đồng, nay mang về đặt trước sân, đối diện với nhà thờ. Kích thước bia khá to, có hai mặt, khổ đều 1,75x0,80m, đặt trên bệ gạch cao 0,50m. Đây là kiểu bia đời Nguyễn. Diềm bia có gờ nổi 0,15mét, xung quanh chạm hoa lá cách điệu. Trán bia hình bán nguyệt, chạm lưỡng long triều nguyệt có hai mấu tai chìa ra hai bên.

    Mặt trước bia viết về Lê Quýnh. Dưới mặt nguyệt khắc bốn chữ to nằm ngang Thiên địa chính khí giữa hai chữ THỌ tròn. Toàn văn chữ Hán, gồm 518 chữ, khắc chân phương, đẹp.

    Mặt sau chạm tương tự như mặt trước, có ba chữ to nằm ngang ở trán bia Vạn cổ hương, nói về Lê Doãn Trị, gồm 259 chữ. Cộng cả hai mặt là 777 chữ. Nội dung như sau:

    Phiên âm:

    THIÊN ĐỊA CHÍNH KHÍ

    Cố Lê Trường Phái hầu mộ chí

    Hiển tổ khảo tính Lê, tự Quýnh, cố Lê Cảnh Hưng Canh Ngọ niên sinh, tằng tổ Quí Hợi khoa Tiến sĩ Hình bộ thị lang Đại Nham hầu chủng tử giã.

    Niên nhị thập nhất bổ Chiêu văn quán Nho sinh. Cảnh Hưng Bính Ngọ xuất thân quản binh, phụng phủ dụ Giang Bắc, hoàn phong bá tước, thị niên tam thập thất nhĩ. Chiêu Thống nguyên niên Đinh Mùi đông, Tây binh bạc Thăng Long thành, giá hành Lạng Giang, xuất gia đinh dực giá, phong Trường Phái hầu, phụng ngận tầm Thái hậu dữ Nguyên tử vu Cao Bình đạo. Vi Tây binh sở bức toại phụng đầu nội địa chi Nam Ninh phủ. Sự văn Thanh đế mệnh, tòng Quảng Đông hải lộ hồi tham quốc tình kí phục, ban Tổng binh đính đới nhưng mệnh lưỡng quảng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị phó viện. Nhị niên đông, khắc phục Thăng Long thành, đại giá phản chính, phụng đặc ban kiếm ấn Tổng đốc binh lương, tầm phục cải thụ Đồng bình chương sự, dĩ bệnh đắc cáo.

    Tam niên xuân Tây binh phục lai, Sĩ Nghị binh hội giá tòng bắc vãng. Bệnh xảo, khởi tức củ đồng chí mộ nghĩa dũng dĩ sĩ Bắc binh, thiệp hạ tồ thu, cánh vô thanh tức, nãi dữ đường đệ Siêu Lĩnh hầu Lê Doãn Trị, cập Lê thần Trịnh Hiến, Lý Bỉnh Đạo, thủ lộ như Yên Kinh dĩ cầu phục viện. Chí tắc văn Lê cố chủ dữ tòng vong giả, dĩ vi Thanh nhân thế phát luỹ phục. Bách chư công khứ phát, bất khẳng câu chi, phàm thập tam niên chung bất khuất.

    Hiển tổ hữu thi vân:

    Thân hệ trọng ngạn hoài tố tiết

    Mệnh tùy nhất phát biểu đan trung.

    Chư công ứng đáp vãng phục chi từ bất nhất. Cố chủ mệnh lục chi nhan viết Tứ công tập. Thanh nhân diệc xưng Tứ nghĩa sĩ.

    Gia Long nguyên niên Nhâm Tuất, Tây ngụy kí bình, khâm phụng Bắc chuẩn hứa bá phụ Doãn Tắc tòng sứ bộ Bắc vãng thám cố chủ dữ hiển tổ tín tức. Tam niên, Thanh đế nãi mệnh tương cố chủ hài cốt cập chư tòng giả tịnh giao hồi quốc. Tứ công toàn phát qui. Hiển tổ ký phụng cố chủ dữ Thái hậu, Nguyên phi, Nguyên tử phản táng vu Thanh Hóa.

    Thường ư bản huyện Đại Đồng tự du ngoạn, thi hữu vân:

    Phật tổ di lai sơ đệ tử

    Hoàng thiên hứa tác cựu nhàn nhân tùng cúc thưởng vịnh.

    Tái cập nhất cơ, tứ niên Ất Sửu, cửu nguyệt thập lục nhật thọ chung. Niên ngũ thập lục. Ninh thố bản thôn địa phận, Đường Vật xứ, tổ mộ điền. Tọa Quí, hướng Đinh.

    Sinh hạ hiện tại tam chi. Tố thị đệ nhị chi, tiên khảo Doãn Thứ chi trưởng tử giã(1).

    Truy duy hiển tổ hành trạng, cụ Bắc hành tùng ký tập, cẩn lược thuật kỳ khái dĩ chi vu thạch vân.

    Dịch nghĩa:

    THIÊN ĐỊA CHÍNH KHÍ

    Cố Lê Trường Phái hầu mộ chí

    Ông nội tôi người họ Lê, tên là Quýnh, sinh năm Canh Ngọ (1750) đời vua Lê Cảnh Hưng, là con trai nối dõi cụ Tiến sĩ (Lê Doãn Giản), đỗ khoa Quí Hợi (1743) đời vua Lê Cảnh Hưng, làm tới chức Hình bộ thị lang, Đại Nham hầu.

    Năm 21 tuổi được bổ Nho sinh Chiêu Văn quán.

    Đời vua Cảnh Hưng, năm Bính Ngọ (1786) ông nội tôi 37 tuổi, ra làm quản binh, vâng mệnh đi phủ dụ vùng Giang Bắc, khi trở về được phong tước Bá.

    Mùa đông năm Đinh Mùi (1787), Chiêu Thống năm thứ nhất, quân Tây Sơn tàn phá thành Thăng Long, vua Chiêu Thống chạy lên Lạng Giang, ông nội tôi đem gia binh đi hộ giá, được phong Trường Phái hầu. Vâng mệnh vua đi tìm Thái hậu cùng Nguyên tử chạy lên Cao Bằng. Bị Tây Sơn đuổi đánh nên ông tôi phải hộ tống cung quyến nhà vua sang phủ Nam Ninh thuộc đất Trung Quốc.

    Nghe lệnh của vua Thanh, ông tôi qua tỉnh Quảng Đông theo đường biển về nước do thám tình hình. Khi ông tôi trở lại, vua Thanh ban cho Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị làm chức Tổng binh, đem quân sang giúp nhà Lê. Mùa đông năm Chiêu Thống thứ hai (1788), lấy lại thành Thăng Long. Xe vua trở về, đặc ban cho ông nội tôi kiếm, ấn làm Tổng đốc binh lương, sau được đổi giữ chức Đồng bình chương sự. Liền đó ông tôi bị bệnh nên cáo quan về điều trị.

    Mùa xuân năm Chiêu Thống thứ ba (1789) quân Tây Sơn tiến đánh. Sĩ Nghị thua chạy đem nhà vua theo sang đất Bắc. Bệnh đã đỡ, ông tôi liền tập hợp đồng chí, chiêu mộ nghĩa dũng, chờ đợi viện binh. Qua hạ sang thu, vẫn không tin tức, bèn cùng với em con ông chú ruột là Siêu Lĩnh hầu Lê Doãn Trị và bọn bề tôi nhà Lê là Trịnh Hiến, Lý Bỉnh Đạo… lên đường sang Yên Kinh để cầu phục viện. Đến nơi, nghe tin chúa cũ (vua Lê) cùng bọn bày tôi đi theo đã cắt tóc, thay đồ mặc như người Thanh. Nhà Thanh bắt buộc các ông phải cắt tóc, các ông không chịu, giữ tinh thần bất khuất suốt mười ba năm dòng. Ông nội tôi có thơ rằng:

    Thân hãm trong tù ôm tiết trắng.

    Mệnh treo sợi tóc tỏ lòng son.

    Khí tiết của các ông phát ra lời không phải chỉ một chỗ. Do đó chúa cũ lệnh cho ghi chép thành Tứ công tập. Người Thanh cũng khâm phục gọi bốn ông là Tứ nghĩa sĩ.

    Năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802), giặc Tây Sơn đã yên, bác ruột tôi là Doãn Tắc được phép theo đoàn sứ bộ của nhà Nguyễn sang phương Bắc thăm chúa cũ đồng thời dò la tin tức của cha. Năm Gia Long thứ ba (1804), vua Thanh cho đem hài cốt chúa cũ cùng bọn tòng vong về nước. Bốn ông đều giữ trọn tóc mà về.

    Ông nội tôi đưa hài cốt chúa cũ cùng Thái hậu, Nguyên phi, Nguyên tử vào Thanh Hóa an táng.

    Xong việc, ông tôi trở về huyện nhà, hàng ngày thường đến chùa Đại Đồng du ngoạn, thưởng vịnh tùng cúc. Có thơ rằng:

    Phật tổ mới thu làm đệ tử,

    Trời thương còn để tấm thân thừa.

    Ở nhà được khoảng một năm, đến ngày 16 tháng 9, năm Ất Sửu, niên hiệu Gia Long thứ tư (1805), ông nội tôi qua đời, hưởng thọ 56 tuổi. An táng tại xứ Đường Vật, ruộng họ, thuộc địa phận bản thôn. Tọa Quí, hướng Đinh.

    Sinh hạ hiện tại ba chi. Tôi (Doãn Tố) thuộc chi hai, là con trưởng của Lê Doãn Thứ.

    Xin ghi lại hành trạng của ông nội: Cụ thể chi tiết có trong tập Bắc hành tùng ký. Tôi chỉ lược thuật khái quát để ghi vào đá này.

    Mặt sau, phần nói về Lê Doãn Trị:

    Phiên âm:

    VẠN CỔ HƯƠNG

    Cố Lê Siêu Lĩnh hầu mộ chí

    Tòng tổ thúc tự Doãn Trị, sinh ư cố Lê Cảnh Hưng Mậu Dần niên, nãi tằng tổ thúc Mậu Thìn khoa Tiến sĩ, Lạng Sơn đốc trấn, Tú Xuyên hầu chi đệ ngũ nam, hiển tổ Trường Phái hầu đường đệ giã.

    Chiêu Thống nguyên niên dĩ hữu quân công tứ tước Siêu Lĩnh bá, hậu phụng sự từ giá dữ Nguyên tử chí. Nam Ninh, tấn phong hầu tước. Tam niên Lê vong, dữ hiển tổ Bắc hành, phàm thập lục niên ký toàn phát dĩ qui, tức khất an dưỡng, nhật nhật dữ thân cựu ngu lạc, sở cư đường biên Tạ thiên thanh phúc tứ đại tự dĩ kiến ý.

    Niên ngũ thập tam thủy sinh nhất tử (an danh Doãn Tịnh, kim hiện sinh nhị nam).
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Gia Long thập niên, Tân Mùi, tam nguyệt sơ bát nhật dĩ thọ chung vu gia. Hưởng niên ngũ thập hữu tứ. Ninh thố vu hiển tổ mộ chi tây nam biên, đồng bắc địa mạch giã.

    Tố cẩn lược thuật kỳ sự trạng phụ nhi chí chi.

    Tự Đức nguyên niên, Mậu Thân, trọng thu nguyệt cát nhật.

    Gia Long Kỷ Mão khoa Cử nhân, Hải Dương tỉnh Đốc học, gia Hàn lâm Thị giảng ngự Vũ Quyền hiệu chính.

    Nhất bản xứ điền nhất sở bát xích, nam giáp tổ mộ điền. Trưởng giám thủ canh trưng, đệ niên xuân quí sơ tam tỉnh tảo chính, biện trai bàn chí kính. Vĩnh viễn tuân hành.

    Dịch nghĩa:

    VẠN CỔ HƯƠNG

    Cố Lê Siêu Lĩnh hầu mộ chí

    Ông chú tôi tự là Doãn Trị, sinh năm Mậu Dần đời Lê Cảnh Hưng (1758), là con trai thứ năm cụ (Lê Doãn Thân) Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) làm quan đến chức Đốc trấn Lạng Sơn, tước Tú Xuyên hầu. Ông Trị là đường đệ của ông nội tôi Trường Phái hầu.

    Năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), Lê Doãn Trị có quân công được ban tước Siêu Lĩnh bá, sau phụng sự Từ giá và Nguyên tử đến Nam Ninh, được phong tước Hầu.

    Năm Chiêu Thống thứ ba (1789), nhà Lê mất, ông cùng ông nội tôi sang Trung Quốc, suốt mười sáu năm giữ toàn tóc mà về. Sau đó xin về an dưỡng, ngày ngày vui cùng bạn cũ và thân thích họ hàng. Tại nơi ở, ông viết bốn chữ lớn Tạ thiên thanh phúc (Cảm ơn trời cho cái phúc trong trẻo) để tỏ rõ ý kiến của mình.

    Năm 53 tuổi mới sinh con trai đầu (đặt tên là Doãn Tịnh. Nay Doãn Tịnh đã có hai con trai).

    Ngày mồng 8 tháng 3 năm Tân Mùi, niên hiệu Gia Long thứ 10 (1811) ông qua đời tại quê nhà, hưởng thọ 54 tuổi. An táng cạnh mộ ông nội tôi về phía tây nam, cùng mạch đất phương bắc vậy.

    Tố tôi kính cẩn lược thuật sự trạng của ông, ghi vào bia để mọi người đều biết.

    Tự Đức nguyên niên, Mậu Thân (1848), tháng Tám, ngày tốt.

    Đỗ Cử nhân khoa Kỉ Mão, niên hiệu Gia Long (1819), Đốc học tỉnh Hải Dương, gia Hàn lâm Thị giảng ngự Vũ Quyền hiệu chính(2).

    Thửa ruộng gồm 8 thước (102m2), nam giáp ruộng tổ mộ, giao cho Trưởng giám cày cấy và đóng thuế. Cuối xuân vào đầu tháng ba hàng năm tảo mộ, tu sửa nhà thờ, làm lễ trai bàn kính cẩn. Phải tuân theo mãi mãi.

    (Theo bản dịch của Lê Doãn Đằng).

    Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Tại sao bài văn của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở soạn vào tháng 6 năm Quí Dậu, Gia Long thứ 12 (1813), nghĩa là sau khi Lê Quýnh mất 8 năm, Lê Doãn Trị mất 2 năm, lại không được khắc vào đá? Hoặc giả đã dựng rồi mà vì lý do gì đó bị hư hỏng nên phải thay bằng bài trên đây ? Các bậc lão thành dòng họ Lê ở Đại Mão cho biết:

    Trong bốn nghĩa sĩ bị giam giữ vì không chịu cắt tóc, mặc áo như người Trung Quốc, thì hai vị Trịnh Hiến, Lý Bỉnh Đạo khi được về nước lại ra làm quan với nhà Nguyễn. Riêng hai anh em thúc bá Lê Quýnh và Lê Doãn Trị lui về làng. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng: “Hoặc là tuy được về và được làm trọn nguyện vua Lê, nhưng thấy Gia Long không phục hưng nhà Lê, Quýnh bất đắc chí” tr.108).

    Cái gọi là “bất đắc chí” ấy còn được Lê Quýnh gửi gắm trong bài thơ mà hai câu đầu đã dẫn trong văn bia. Hai câu cuối như sau:

    “Bạch phát cố quân kiêm cố quốc,

    Hoàng quan di lão tức di thần.”

    (Tóc bạc nhớ vua thêm nhớ nước,

    Khăn vàng lão mốc vốn quan xưa).

    Cố quân là vua cũ. Cố quốc là nước cũ. Di thần là bày tôi triều trước. Cứ ý tứ hai câu này thì Lê Quýnh chỉ biết có nhà Lê và chỉ làm tôi nhà Lê!

    Thời điểm Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở viết văn bia (Quí Dậu 1813) là thời điểm nhân dân nhiều nơi còn tưởng nhớ nhà Lê. Có kẻ lợi dụng danh Lê Duy Hoán (con Lê Duy Chi, cháu Lê Chiêu Thống) để mưu đồ chống Gia Long. Tình hình chính trị đương thời đang khá gay gắt mà Nguyễn Đăng Sở lại có những câu cực lực đề cao hai anh em họ Lê. Đại loại như: “Tráng thay! Suốt khoảng 17 năm, thủy chung không đổi. Có bốn bày tôi nhà Lê trung nghĩa mà anh em hầu chiếm hai ngôi. Thật là người xưa gọi là hiếm thấy vậy. Ôi ! đọc sách thánh hiền, hành đạo thánh hiền, như Hầu đáng gọi là người như vậy”. Hoặc: “Ôi ! Hai hầu dòng dõi nhà xưa, di thần nước lớn. Trong tiến thoái, trung hiếu thì không quản. Tính kiên trì là như thế. Ý chừng, đã có Trường Phái hầu làm anh, thì biết chí của Siêu Lĩnh hầu. Đã có Siêu Lĩnh hầu làm em, càng làm tỏ lòng trung của Trường Phái hầu. Hai anh em một cửa, trung nghĩa gồm no, đủ làm sáng sử xưa, rệt đời sau, rạng rạng rực rực. Trông các quân tử trước thật không thẹn”. (Sđd. tr.124)

    Cóphải Nguyễn Đăng Sở đã cố ý kéo dài thời gian thủy chung bất khuất của Lê Quýnh, từ 16 năm lên 17 năm, bao gồm cả những năm Lê Quýnh sống dưới chế độ nhà Nguyễn? Chỉ biết chắc chắn rằng những năm dưới triều Gia Long - Minh Mệnh là những năm tình hình chính trị trong nước chưa ổn định. Sau vụ Lê Duy Hoán lại đến vụ Lê Duy Lương. “Vua truyền bắt dòng dõi nhà Lê đem đày vào Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, cứ chia cho 15 người ở một huyện”. (Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược. Trung tâm học liệu xuất bản, 1971, Tập 2, tr.204).

    Tình hình ấy cộng với những biến cố trong gia đình (Bố con Lê Quýnh bị kẻ cướp đâm tử thương, nhiều người bệnh chết, có người (cha con Lê Doãn Nhớn) vì lý do chính trị phải bỏ làng trốn lên ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên v.v…) nên bài văn nồng nhiệt của Nguyễn Đăng Sở không được khắc vào bia đá là điều dễ hiểu.

    Phải đợi đến 35 năm sau, tức là năm Mậu Thân (1848) khi Tự Đức vừa lên nối ngôi, cháu nội Lê Quýnh là Lê Doãn Tố mới thực hiện được công việc dựng bia ghi công trạng cho tổ tiên. Bài văn của Lê Doãn Tố được Đốc học Vũ Quyền hiệu chính, lấy lại nhiều câu của Nguyễn Đăng Sở, nhìn chung có giọng điệu trần thuật bình tĩnh, dễ chấp nhận. Bài này còn đưa ra một vài dị bản thơ văn Lê Quýnh; đặc biệt giới thiệu khá đầy đủ về tiểu sử Siêu Lĩnh hầu Lê Doãn Trị mà những tài liệu trước đó (kể cả bài của Nguyễn Đăng Sở, chưa làm được).

    Cũng không loại trừ khả năng những viên quan bộ Lễ, được vua Tự Đức giao cho sưu tầm thơ văn của Lê Quýnh, đã không “đi thực tế”? Họ tìm thấy bài của Nguyễn Đăng Sở và đưa ngay vào tập Lê triều tiết nghĩa lục mà không biết rằng bài được khắc là bài của Lê Doãn Tố. Đó là nguyên nhân nữa gây ra hiện tượng một ngôi mộ có hai bài văn bia, chúng ta đang xem xét.

    Chú thích:

    (1) Lê Doãn Tố, con trưởng Lê Doãn Thứ, cháu nội Lê Quýnh, sinh năm Mậu Ngọ (1798) ở làng Đại Mão (Thuận Thành, Bắc Ninh), đỗ Tú tài khoa Mậu Tí Minh Mệnh 9 (1828) và khoa Giáp Ngọ Minh Mệnh 15 (1834), làm Thông phán tỉnh Hải Dương. Mất năm Đinh Tị (1857) thọ 60 tuổi. (Theo Gia phả họ Lê).

    2. Vũ Quyền: cháu nội Tiến sĩ Thượng thư Vũ Miên, em ruột Liên Trì Ngư Giả Vũ Trinh, quê làng Ngọc Quan (nay thuộc xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Đỗ Cử nhân khoa Kỉ Mão, Gia Long (1819), làm Đốc học Hải Dương, gia Hàn lâm thị giảng. Sau lấy cớ phụng dưỡng mẹ già, xin nghỉ về dạy học. Học trò nhiều người thành đạt. (Theo Bắc Ninh địa dư chí)./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006; Tr.78-83)
     

Share This Page